Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Một nhà khoa học năng động

Bùi Thanh Phương: Tự hào là hậu duệ danh họa họ Bùi

Bùi Thanh Phương: Tự hào là hậu duệ danh họa họ Bùi
27/10/2007, 07h39


     Nghiệp vẽ đến với Bùi Thanh Phương có thể là tình cờ nhưng cũng là duyên phận. Là con trai của danh họa nổi tiếng Bùi Xuân Phái nhưng cha anh lại chưa dạy anh “vẽ một ngày nào theo cách dạy truyền thống”.
     Tất cả đều là do anh tự học, tự mày mò trong cái “trường đại học lớn” - căn phòng chỉ vẻn vẹn vài mét vuông nơi “xưởng vẽ” của cha anh. Nhưng chính nơi đó đã chắp cánh nghiệp vẽ của Bùi Thanh Phương và cho anh nhiều điều mà không đơn thuần chỉ là một tình yêu. Anh đã chia sẻ với PV Tổ Quốc về nghiệp vẽ, ký ức về người cha - danh họa Bùi Xuân Phái và cả về dự định mà anh đang ấp ủ.
     - Nghe nói anh đang cùng hai người bạn tích lũy tiền để thành lập giải thưởng mang tên cha anh, họa sĩ Bùi Xuân Phái?
     Khi tôi ngỏ ý muốn thành lập giải thưởng Bùi Xuân Phái, tôi đã nhận được sự tán thưởng của các bạn tôi là các nhà sưu tập lớn, đó là Trần Hậu Tuấn và Bùi Quốc Chí. Ban đầu, chúng tôi dự kiến số tiền gửi ngân hàng sẽ vào khoảng 30 ngàn đô la Mỹ, như vậy lãi xuất hằng năm sẽ được hơn một ngàn. Số tiền lãi ấy sẽ vĩnh viễn giành cho “giải thưởng Bùi Xuân Phái”. Nhưng hiện tại, chúng tôi còn đang thảo luận thêm, bởi ý kiến của Trần Hậu Tuấn muốn giải thưởng có sức nặng hơn, nghĩa là, số tiền gửi vào nhà băng sẽ phải nhiều hơn thế. Chúng tôi dự tính, giải thưởng này sẽ chính thức được trao lần đầu tiên vào ngày sinh của cụ Bùi Xuân Phái (1.9.1920 -1.9.2008). Hằng năm vào ngày 1 tháng 9 sẽ là ngày trao giải thưởng này.
     - Anh có thể cho biết rõ hơn về đối tượng và cơ cấu của giải thưởng Bùi Xuân Phái? 
     Cơ cấu của giải sẽ do những thành viên trong nhóm thành lập giải thưởng soạn thảo và đối tượng được trao giải sẽ là người có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm thuộc lãnh vực Văn học và Nghệ thuật. Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, Giải thưởng Bùi Xuân Phái sẽ được trao cho một tổ chức văn hóa có uy tín điều hành.
     - Anh đã từng nói đại ý anh là “khắc tinh” của những kẻ làm giả tranh của cụ Phái, vì anh là con cụ?
     Lúc sinh thời, cụ Bùi Xuân Phái có lần đã nói vui “Không biết sau này người ta có vẽ giả tranh của mình không? Mình cũng muốn xem qua một vài bức xem họ vẽ như thế nào”. Tiếc là Bùi Xuân Phái đã chưa kịp được xem những bức tranh giả mà người ta vẽ rồi dán cái mác Phái vào. Còn tôi thì phải xem khá nhiều với một cảm giác vừa thất vọng vừa buồn phiền vì giới làm tranh giả Phái vẽ quá kém. Họ không hiểu tinh thần, tâm tư của người họa sĩ thì làm sao bức tranh nó có hồn? Mặt khác, họa sĩ nào cũng có những kỹ thuật, thủ pháp của riêng mình, điều này người ta cũng không thể bắt chước hay truyền trao được.
     - Anh là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp cha, có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi khi phải đứng trước cái bóng quá lớn ấy?
     Ở Việt Nam, tôi thấy hầu hết các ông con của các họa sĩ đã thành danh đều khó ngóc đầu lên được bởi đều phải chịu  sự so sánh của nhân thế. Nhưng nếu ông bố là họa sĩ nhàng nhàng thì ông con có cơ vượt lên thoải mái hơn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi đứng trước cái bóng quá lớn là cha mình, mà tôi luôn tự hào và cố gắng với tâm niệm xứng đáng là hậu duệ của họa sĩ họ Bùi. Tôi sống và làm việc với một niềm tin và tình yêu của riêng của tôi. Có câu của Bùi Xuân Phái rằng “Tôi là tôi với tất cả những cái kém và cái hay”. Câu nói ấy đã an ủi tôi nhiều.
     - Nhưng anh cũng đã  phải từ bỏ đề tài mà anh rất yêu thích là “Phố. Anh lo ngại mình không vượt qua được cái bóng của cha hay không thể khẳng định, ngoài phố Phái, còn có một phố Phương?
     Đề tài phố, nhất là phố Hà Nội là đề tài tôi yêu thích nhất, và cũng là dễ vẽ, dễ đẹp hơn các đề tài khác. Muốn vẽ phố cổ Hà Nội cho đẹp thì chẳng có cách nào khác là phải nhìn bằng cái lăng kính của Bùi Xuân Phái, góc độ của Bùi Xuân Phái mà nếu như vậy thì cái áo mình mặc lại là cái áo mình đi mượn rồi, vì thế từ nhiều năm nay tôi đã hoàn toàn rơi vào khủng hoảng và không vẽ phố cổ Hà Nội nữa. Mặt khác, Hà Nội cũng không còn cảnh phố cổ nữa để cho mà vẽ. Các họa sĩ bây giờ vẽ phố cổ Hà Nội chỉ có thể dựa theo ảnh tư liệu hoặc vẽ phịa nên không có xúc cảm gì nhiều. Ngày xưa ông Phái vẽ, ông có bao giờ muốn cố gắng để khẳng định phố Phái đâu. Vì thế tôi tự thấy buồn cười nếu tôi vật vã làm việc để muốn khẳng định… phố Phương.

 Bùi Thanh Phương sinh năm 1956, là con trai thứ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Phương bắt đầu vẽ tranh từ tuổi niên thiếu, năm 13 tuổi (1969) đã bán được 3 bức tranh đầu tiên cho nhà sưu tập Đức Minh. Anh vẽ tranh ở nhiều mảng đề tài khác nhau như: phong cảnh, nude, phố cổ, chân dung,... Gallery 31 Cửa Đông là nơi anh trưng bày tranh của mình. Ngoài ra, tại căn nhà số 87 Thuốc Bắc (Hà Nội), anh cũng làm một gallery gia đình trưng bày những bức tranh còn lưu giữ của cha anh, họa sĩ Bùi Xuân Phái.

     - Liệu theo đuổi đề tài khác, anh có dám chắc mình thành công?
     Họa sĩ thường chẳng ai dại gì mà tuyên bố mình sẽ chỉ vẽ đề tài này khác trong toàn bộ cuộc đời mình. Cảm hứng sáng tác nó đến với mình bất chợt như tình yêu, nó đến mà có hẹn trước hay biết trước bao giờ đâu. Tôi nhớ có lần Bùi Xuân Phái đã nói hóm hỉnh “ Với nghệ thuật, mình phải đi theo nó chứ không phải là nó đi theo mình”.
     - Vậy cụ Phái dạy anh vẽ, hay anh tự học?
     Bùi Xuân Phái chưa bao giờ dạy tôi vẽ một ngày nào theo như cách dạy học truyền thống. Ở tuổi 12, tự tôi mò mẫm đi xin học vẽ ở Cung thiếu nhi. Cách tôi học được nhiều ở Bùi Xuân Phái là hằng ngày tôi ngồi bên cạnh bảng mầu của ông để xem ông vẽ và nghe ông nói chuyện về hội họa, nghe các quan niệm về nghệ thuật của các họa sĩ mỗi khi họ đến thăm ông. Căn phòng của Bùi Xuân Phái ngày ấy đối với tôi là một trường đại học lớn.
     - Vậy anh quan niệm thế nào về một người nghệ sĩ chân chính?
     Ở thời các ông Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, khi nhận định về một họa sĩ nào đấy, các ông thường chỉ dùng cụm từ "họa sĩ này hay". Nếu được nhận định như vậy bởi các maitre thì người họa sĩ đó đã thành công lắm rồi. Các ông thường khen ngợi là HAY chứ không  phải là giỏi (giỏi thường chỉ là khéo tay). Tiêu chí về một họa sĩ chân chính nghe có vẻ bao la và dễ khiến người ta ba hoa tán phét. Tôi nỗ lực, gắng sức mỗi ngày chỉ mong sao trong sự nghiệp của mình để lại được một hoặc hai bức tranh HAY cho đời, thế cũng là đủ cho một cuộc đời, phải không bạn?
     - Xin cảm ơn anh!
                                                                                                            (Theo TQ)

GS BÙI VĂN CÁC

GS BÙI VĂN CÁC-
Nhà trí thức lớn giàu lòng yêu nước.
Một chuyên gia tổng hợp lỗi lạc

     GS Bùi Văn Các không chỉ là một chuyên gia lớn về xây dựng , mà còn là một tổng hợp gia (generalist) trên nhiều lĩnh vực và phương diện. Ở chừng mực nào đó, nhiều người cảm nhận Anh như Một pho Bách khoa Toàn thư sống động và đa dạng, lại tập trung, hướng đích.
      NHÀ TRÍ THỨC GIÀU LÒNG YÊU NƯỚC
     GS Bùi Văn Các sinh ra tại thành phố Nam Định năm Mậu Ngọ (9-1-1919) là một năm với chu kỳ hoạt động mạnh của mặt trời, nên có tư chất thông minh, dĩnh ngộ, nghe một biết mười.
     Ông nội Anh là một bậc thâm nho, khi Anh bắt đầu học lớp Đồng ấu, cụ đã dạy thêm cho Anh chữ Hán, qua cuốn “Tân Thư” do một cụ đồ xứ Nghệ soạn, trong đó Anh nhớ nhất ý nghĩa câu: “phụ xà giảo gia kê” (cõng rắn cắn gà nhà) nói về việc nhà Nguyễn đã rước quân Pháp vào xâm chiếm nước ta, biến nước ta thành thuộc địa.
     Ý chí chống thực dân Pháp của Anh bắt đầu được nhen nhóm, khơi nguồn từ đó.
     Khi anh tổt nghiệp kỹ sư công chính với hạng “ưu”, chính quyền thực dân Pháp cử Anh sang làm việc tại Lào; mà hồi đó đưa sang Lào là một kiểu đưa đi “biệt xứ”, nhưng với phong thái, tài đức của Anh, nhiều đồng nghiệp Lào và cộng sự Lào kính mến, cảm phục Anh.
     Làm việc tại Lào được gần một năm, nghe tin nước nhà chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Anh tức tốc theo đường 9 về nước, kịp thời tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Đà Nẵng. Anh được cử làm Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Thành phố Đà Nẵng. Mới 27 tuổi, ở cương vị đứng đầu một thành phố lớn, trong buổi sơ khai của cách mạng, mặc dầu chưa qua một khoá huấn luyện chính trị nào và chưa có kinh nghiệm nhiều về hoạt động cách mạng, Anh đã củng cố sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ cán bộ chủ chốt của địa phương, vận dụng kiến thức chuyên môn về “xây dựng hạ tầng cơ sở” để tạo nền tảng vững vàng cho Đà Nẵng vể tổ chức lực lượng quân sự, hành chính và đoàn thể cách mạng.
      Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), Anh được Chính phủ điều động ra Nghệ An làm Giám đốc Nhà máy Xe lửa Trường Thi (Vinh) lúc đó chuyển thành Nhà máy chế tạo và sửa chữa vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu trong hệ thống ngành quân giới Bộ Quốc phòng. Đây là lần thứ hai, gần hai năm hoạt động cách mạng. Anh phải chuyển làn: từ một cán bộ chính trị có chuyên môn về xây dựng hạ tầng cơ sở, Anh phải nhanh chóng thích nghi với ngành nghề mới về kỹ thuật vũ khí. Anh đã thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ: vừa tổ chức quản lý đội ngũ công nhân, bố trí lại các dây chuyền sản xuất của đơn vị cho phù hợp với yêu cầu mới, vừa khẩn trương tranh thủ học tập, tham khảo, nghiên cứu các tài liệu chuyên môn chế tạo vũ khí của Pháp, Anh, Mỹ…
     Và kết quả là nhà máy xe lửa Trường Thi - trở thành Công binh xưởng của Liên khu 4 - đã đảm bảo cung cấp và sửa chữa vũ khí, đạn dược cho chiến trường Bình Trị Thiên trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp.
     Chính trong thời kỳ này, năm 1947, Anh đã có vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng trong hàng ngũ tiền phong cách mạng của Việt Nam ngay giữa giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến.
     Sau chiến dịch thu đông 1947 của quân Pháp tấn công lên Việt Bắc bị thất bại, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương: song song với việc tăng cường xây dựng quân chủ lực, phải rất quan tâm đảm bảo hậu cần, đảm bảo giao thông cho các trận đánh lớn và về lâu dài, chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng giao thông cả nước. Chính vì mục tiêu thứ hai này, Anh Bùi Văn Các được điều động từ khu 4 ra Việt Bắc, phụ trách Giám đốc Nha Giao thông. Lần này nhiều nhân sỹ trí thức là bạn bè kháng chiến hồi đó, nói đùa với nhau về Anh: “II est maintenant bien dans son assiette” (Cậu ta bây giờ được ổn định trong nghề nghiệp chính của mình).
     Giờ đây, đối với Anh, tính chất và nội dung công việc thì tương đối ổn định, tức là điều tra khảo sát thực trạng của các tuyến đường, cầu, sông, suối, suy nghĩ nghiên cứu kế hoạch và biện pháp phục vụ chiến đấu, phục vụ vận tải lương thực; nhưng điều kiện làm việc và thực hiện thi công thì không đơn giản chút nào trong hoàn cảnh không có xi măng, sắt thép, phương tiện máy móc, mà phải phát huy cao độ và cải tiến các phương pháp thủ công, sử dụng vật liệu thô sơ, tại chỗ…
     Có lần đi kiểm tra tới một cung đường uốn khúc góc nhọn, anh em cán bộ kỹ thuật và công nhân đang phải bó tay hàng tuần lễ qua trước những khối lớn đá vôi không thể nào phá hoặc đẩy đi được vì thiếu thuốc nổ. Anh đã hướng dẫn cho mọi người tập trung gỗ, củi khô xếp chung quanh và lên trên các khối đá để đốt; cuối cùng đá vôi (CaCO3) đã biến thành vôi cục chưa tôi (CaO) chỉ cần đập nhẹ là tan ra hết. Ai cũng xuýt xoa tấm tắc: “Thánh thật !” Anh cười khiêm tốn: “Có gì đâu, nếu nó là granit hay quartzit thì chịu, còn đây là đá vôi. Ai đã từng nung vôi, đều có thể giải quyết được, đơn giản thôi mà!”.
     Vì anh là con người “đa năng”, ngoài tiếng Pháp là một ngôn ngữ được đào tạo từ trường Pháp, Anh còn giỏi tiếng Anh, nên năm 1949 Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã giao nhiệm vụ đi xuyên qua Lào sang Thái Lan mua vũ khí cho quân đội.
     Cùng đoàn có cán bộ quân giới của Bộ Quốc phòng, và cả anh Nguyễn Như Kim đi tìm mua các thiết bị truyền thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Sang Bangkok, anh đã liên hệ với tổ chức Việt Kiều yêu nước ở Thái Lan trong điều kiện lúc đó chính phủ Thái Lan, do Pháp can thiệp, đã trục xuất các Việt Kiều ở thủ đô Bangkok phải đến cư trú ở các tỉnh khác. Mặc dù vậy, qua cơ sở Việt Kiều ở Thái Lan, Anh vẫn tiếp xúc được với các giới quân sự địa phương để hoàn thành sứ mạng của đoàn một cách xuất sắc.
     Năm 1950, Đảng Cộng sản Pháp cử Léo Figuères, một Uỷ viên Trung ương, sang Việt Nam nghiên cứu tình hình tại chỗ và trao đổi với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta về những gì mà Đảng Cộng sản Pháp có thể và cần phải làm để ủng hộ một cách hữu hiệu công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam. Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng cử phái đoàn sang Bangkok đón Léo Figuères về Việt Bắc, gồm hai đồng chí: Bùi Công Trừng và Bùi Văn Các, là những cán bộ có đủ tầm cỡ và trình độ chính trị, lại thông thạo tiếng Pháp. Sau đó, khi Léo Figuères về nước, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư đã phát biểu nhận xét của mình về Anh Các cô đọng trong một câu: “II est politiquement bien muri” tạm dịch là “Đồng chí ấy rất chín chắn, trưởng thành về chính trị”.
     Trong những năm từ 1951 đến 1954, với cương vị là Giám đốc Nha Giao thông, Anh đã đóng góp phần đáng kể vào thắng lợi của các chiến dịch Trung Du, Đường 18, Hà Nam - Ninh Bình, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.
     Sau hiệp định Genève, về thủ đô Hà Nội, Anh tiếp tục làm việc ở Bộ Giao thông (Tổng cục trưởng), ở Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (Uỷ viên Uỷ ban, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Kiến thiết Cơ bản), ở Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước (Uỷ viên Uỷ ban) và Bộ Xây dựng (Thứ trưởng đặc trách Khoa học và Kỹ thuật).
     MỘT CHUYÊN GIA TỔNG HỢP LỖI LẠC
     Anh không chỉ là một chuyên gia lớn về xây dựng , mà còn là một tổng hợp gia (generalist) trên nhiều lĩnh vực và phương diện.
     Đọc nhiều, đọc nhanh, biết rộng và hiểu sâu, Anh không hề là một người mọt sách: tư duy, lời nói và hành động của Anh luôn luôn gắn chặt và bám trụ với thực tế của Việt Nam, luôn luôn đứng trên mảnh đất quê hương có cả 3 vùng Bắc - Trung - Nam, với miền xuôi, miền ngược. Chuyên môn gốc của Anh là xây dựng, nhưng Anh không xa lạ gì với những vấn đề kỹ thuật và kinh tế của các ngành cơ khí - luyện kim - hoá chất - công nghiệp nhẹ, thậm chí cả nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản…
     Ở chừng mực nào đó, nhiều người cảm nhận Anh như Một pho Bách khoa Toàn thư sống động và đa dạng, lại tập trung, hướng đích.
     Những năm 60 của thế kỷ trước, khi vận động thuyết phục mọi cấp, mọi người giác ngộ và nhất trí về chủ trương xây dựng các khu nhà tập thể bằng phương pháp lắp ghép công nghiệp hoá thay thế cho việc xây dựng bằng từng viên gạch. Anh đưa ra hình ảnh; “Một ông thợ may, đo kích thước quần áo cho từng người, rồi dùng kéo cắt vải theo đường vạch, sau đó tỷ mẩn khâu lại bằng tay, so sánh với việc nghiên cứu một số môđul về kích thước người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà và thiết kế một số mẫu phù hợp với “gu” của từng loại đối tượng, rồi đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt, giá thành rẻ hơn, chất lượng cao hơn, sản phẩm nhiều hơn hàng triệu lần, và làm ra nhanh hơn hàng chục triệu lần, thì ta nên chọn cách nào ?”
     Ai nấy đều vỗ tay tán thành và thán phục anh đã bắn một viên đạn trúng hai mục tiêu, một mục tiêu cơ bản ích nước lợi dân, một thứ yếu là một số người lúc ấy đang ở ngành xây dựng dân dụng vẫn còn khăng khăng chủ trương xây nhà bằng gạch theo phương pháp truyền thống, ăn chắc mặc bền…
     Trong thời gian chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Anh đã dày công miệt mài nghiên cứu những kinh nghiệm nguỵ trang công trình của Triều Tiên - nhà cửa, công xưởng, cầu đường…(do Mỹ tổng kết thành tài liệu mật của Lầu Năm góc), để vận dụng trong việc đề ra những biện pháp nguỵ trang có hiệu quả cho các công trình sản xuất và giao thông của Việt Nam. Trong những hội nghị khoa học chuyên đề loại này tổ chức ở nơi sơ tán, Anh đã hướng dẫn tỷ mỷ và cụ thể cho cán bộ các Uỷ ban XDCB, các Ty Kiến trúc, Giao thông, Thuỷ lợi về những biện pháp nguỵ trang công trình để thực hiên ở địa phương mình.
     Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng về thiết kế Lăng Chủ tịch, Anh đã phác thảo và thiết kế công trình Lăng với tất cả tâm huyết, nhiệt tình và tinh thần sáng tạo. Tư tưởng chủ đạo của anh trong thiết kế là tính dân tộc, hiện đại, là sự toả sáng, gần gũi nhân dân và bình dị khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự kế thừa và phát huy, nâng cao phong cách kiến trúc Khuê Văn Các.
     Riêng tôi đánh giá rất cao bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã thiết kế ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây. Nếu như hồi đó hội đồng tuyển chọn tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến của đông đảo chuyên gia có hiểu biết, thì có thể hai bản của tác giả Bùi Văn Các - Nguyễn Văn Ninh đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của quần chúng hơn là bản thiết kế đã được chọn có dáng dấp lênh khênh không hài hoà với cảnh quan, theo kiểu cổ Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, vừa xa vời vừa không hợp với phong cách dân tộc và thẩm mỹ kiến trúc Việt Nam, vừa không như ý nguyện của Bác Hồ luôn luôn hoà mình, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đất nước, là điều không ai dám phủ nhận, và lẽ ra không được làm ngược lại.
     Giải phóng miền Nam, giang sơn thống nhất Anh có dịp đi công tác vào nửa phần đất nước phía trong. Từ lâu, anh đã có thói quen trước khi đi công tác ra một nước ngoài là phải tìm hiểu sâu về đất nước, về lịch sử, kinh tế, xã hội và chính trị của nước đó.
     Lần này, đi vào Nam, Anh đã chuẩn bị và nghiên cứu từ hơn bảy năm về trước các tài liệu liên quan đến xây dựng và kế hoạch kinh tế hậu chiến của Mỹ - Nguỵ, thông qua việc thành lập một tổ chức chuyên gia trong bộ phận tổng hợp của Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước để sưu tầm, hệ thống hoá, cập nhật toàn bộ tình hình xây dựng kinh tế ở miền Nam (cả hiện trạng và viễn cảnh). Anh đã đọc kỹ mọi báo cáo và tài liệu của tổ chuyên gia, đặc biệt là công trình dự báo chiến lược của Hãng Tư vấn Mỹ “Resources consulting corporation” do David Lilienthal chủ biên.
     Cho nên hồi đó, khác hẳn với một số cán bộ cao cấp và chuyên gia của các ngành khác từ Hà Nội vào, khi đến các cơ quan, tổ chức kinh tế hoặc cơ sở sản xuất miền Nam phải nghe báo cáo tình hình của đơn vị rất tốn thời gian, Anh đã tập trung đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, những khó khăn vướng mắc hiện nay, sau giải phóng, để gợi ý cách giải quyết. Cán bộ trong Nam, từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ,…đều rất ngạc nhiên bảo nhau: “Ổng nắm vững tình hình ở đây còn hơn tụi mình, kỳ thiệt !
     Một số chuyên gia cao cấp và nổi tiếng về kiến trúc, xây dựng như Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quang Nhạc, …từ thời Mỹ - Nguỵ còn ở lại, khi tiếp xúc với Anh đều trầm trồ kính nể một chuyên gia hàng đầu, một “guru” về kinh tế, khoa học kỹ thuật xây dựng của cách mạng đã hoàn toàn chinh phục họ. Họ nói: “Việt cộng có những người giỏi về quân sự lại có tướng tài về khoa học kiến trúc và xây dựng như ông Các, hèn nào !”
     Anh đã đứng ra vận động thành lập Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam với tư cách là Trưởng ban trù bị từ 1965 và cho đến 1982 Hội chính thức ra đời. Hội là một tổ chức nghề nghiệp đa ngành tập hợp các chuyên gia - hiểu theo nghĩa rộng - làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, là một diến đàn cho các thành viên có cơ hội đóng góp vào soạn thảo các chính sách về xây dựng với tư cách tham mưu, tư vấn và phản biện xã hội.
     Thực tế 20 năm hoạt động vừa qua của Hội Khoa học Kỹ thhuật Xây dựng đã khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức nghề nghiệp này mà Anh là người sáng lập.
     Một nét rất tiêu biểu của Ạnh là tinh thần say sưa, cần cù học tập trong sách báo, tài liệu, qua thực tế trong nước và trên thế giới, nắm bắt những cái mới trong nghề xây dựng để phổ biến và vận dụng. Anh đọc nhanh và nhiều. Bao nhiêu sách báo ở Thư viện Khoa học Trung ương về kiến trúc xây dựng, cũng như tất cả các loại sách báo ở Thư viện của Trung tâm Thông tin Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản, Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng, Anh đều đọc qua hết, và còn giới thiệu cho các cán bộ trong ngành những cuốn nào cần phải đọc, những vấn đề gì cần quan tâm.
     Chính với khả năng và thói quen đọc nhiều, mà trong khi dự một số hội nghị do cấp trên chủ trì. Anh vẫn vừa nghe phát biểu của mọi người, vừa đọc sách - khiến một số nào đó hiểu lầm, cho là Anh coi thuờng cả cấp trên, mặc dù Anh vẫn không bỏ sót một ý kiến nào trong cuộc họp.
     Cuối năm 1970 khi chữa bệnh ở CHDC Đức, Anh đã tranh thủ trong vòng 3 tháng học thêm được tiếng Đức và cuối năm 1985, trước khi lâm chung Anh viết xong cuốn “Nghề xây dựng ở Pháp” đồng thời phác thảo kết cấu và nội dung chính tác phẩm: “Xây dựng công nghiệp và công nghiệp xây dựng ở Việt Nam”. Phác thảo này còn đang dở. Hai ngày  trước khi vĩnh biệt gia đình và đồng nghiệp, Anh còn kịp dặn lại tôi, qua mấy câu nói ngắt quãng:
     - “FIDIC, FIDIC, cậu biết chứ?”
     Tôi cúi sát Anh:
     - “Vâng, tôi biết ! Tài liệu đấu thầu quốc tế !”
     Anh nói tiếp, hơi thở đã dồn dập:
     -“Mình rất tiếc… chưa phổ biến FIDIC ở Việt nam …Cậu cố gắng làm viẹc đó…thay mình…Được vậy …Mình đi cũng yên tâm.”
     Tôi lập cập:
     - “Vâng tôi xin hứa với Anh nhất định sẽ làm được !”
     Mắt Anh sáng lên, chìa bàn tay cho tôi nắm lần cuối.
                                                                               Lê Quang Huy

Vui, khổ đều vì “người tình”

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền:
     TP - Bùi Trọng Hiền bùi bụi với tóc búi củ hành, nước da ngăm, quần bò, áo sơ mi khoác ngoài, trong là chiếc áo phông sẫm màu. Nhưng nhìn anh một cách trực diện, linh cảm mách cho tôi đây còn là một người chất chứa nhiều tâm sự, ẩn sâu là một tâm hồn đa cảm đa mang.
Thu âm cồng chiêng tại buôn làng
     Ít người biết, anh đã mang bệnh thật sự chỉ vì đam mê cồng chiêng Tây Nguyên, và bị vợ bỏ vì “hâm nặng” - cái hâm chỉ vì anh còn yêu đủ thứ âm nhạc truyền thống nữa.
     Mê “giải mã” cồng

     Bùi Trọng Hiền sinh năm 1966, vào giờ Dần, tháng Thìn. Số phận đã an bài cho anh cầm tinh con Ngựa, nên có lẽ số phận cũng buộc anh phải đi, phải rong ruổi khắp nơi khi trót mang trong mình những đam mê mà anh gọi đùa là những “người tình”. Anh vui vì “người tình”, khổ cũng vì… “người tình”.

     Bùi Trọng Hiền bảo, trước đây anh chủ yếu nghiên cứu âm nhạc của người Kinh, mà âm nhạc người Kinh thì phong phú lắm, có nghiên cứu mãi vẫn còn vấn đề để… nghiên cứu.
     Có lẽ, bước ngoặt bắt đầu khi anh mang theo “bài toán khó” vào Tây Nguyên, mà người “ra đề” không ai khác chính là thầy anh, giáo sư Tô Ngọc Thanh. Đó là những ngày đầu tháng 5 năm 2004, khi đó do nhiều nguyên nhân, hồ sơ về Cồng chiêng Tây Nguyên phải trình lên UNESCO sớm hơn kế hoạch đã định.
     Nhận được lệnh, GS Tô Ngọc Thanh liền chỉ đạo Bùi Trọng Hiền cùng một số anh em trong cơ quan lên đường vào Tây Nguyên hoàn tất hồ sơ. Thực ra từ trước tới nay, đã có rất nhiều người nghiên cứu về Cồng chiêng. Ai cũng nhận thấy là nó rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, để thấy được Cồng chiêng phong phú, đa dạng, độc đáo ở chỗ nào thì có lẽ đó vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Nhiệm vụ của Bùi Trọng Hiền là phải “giải mã” Cồng chiêng bằng những thông số khoa học, bằng những dẫn chứng cụ thể. GS Tô Ngọc Thanh nhắn nhủ thêm với anh: “Phải cố chứng minh những điều này, chưa ai làm được đâu. Mày làm đi!”.
     “Cồng chiêng là một nhạc cụ đa âm. Khi nghe một tiếng cồng, không bao giờ ta chỉ nghe thấy một nốt mà có rất nhiều nốt, nhiều âm trong đó. Hiệu quả âm thanh của nó rất dày. Khi đánh lên, bao giờ cũng có nhiều nốt vang song song cùng  lúc. Hơn nữa, Cồng chiêng còn là nhạc cụ có tính liên kết tập thể cao. Trong giàn Cồng chiêng, mỗi người chơi một chiếc. Nó giống như một cây đàn khổng lồ và mỗi người chơi một phím đàn. Chính nhờ sự liên kết, lắp ghép rất tài tình đã tạo nên bản nhạc độc đáo, hấp dẫn”. Anh thao thao bất tuyệt khi nói về “người tình” mang tên Cồng chiêng như một người đang lên đồng.
     Dường như với anh, Cồng chiêng đầy ma mị, đã dính vào rồi thì khó lòng mà dứt ra được. Bùi Trọng Hiền tâm sự, lúc nhận lệnh vào Tây Nguyên anh đã từ chối vì lúc đó mẹ anh đang ốm nặng, vợ lại đang trong thời gian chờ sinh. Nhưng lúc đó, anh không có sự lựa chọn nào khác, vì đó là nhiệm vụ của cơ quan giao. Và anh, với tư cách là một người nghiên cứu say mê và có trách nhiệm với nghề, chỉ biết bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Và còn một lý do nữa, như anh thú nhận: “Cồng chiêng không chỉ hấp dẫn mà còn rất quyến rũ!”.
     Chuyến điền dã Tây Nguyên của anh diễn ra vừa đúng một tháng: từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 7 tháng 6 thì trở ra Hà Nội. Trong một tháng đó, anh phải đi đến các buôn làng của 5 tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai làm nhiệm vụ thu băng và ghi chép âm thanh của Cồng chiêng. Đây là lần đầu tiên anh tiếp xúc với Cồng chiêng nên phải vừa làm vừa mày mò tìm hiểu. Chuyến đi đó của anh có một nghịch lý, anh biết trước nhưng không thể tránh được.
     Thời gian đó, Tây Nguyên đang là mùa mưa. Từ trước tới nay, trong nghề của anh, không ai đi điền dã vào mùa mưa cả. Một mặt, vào mùa mưa, thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, gây cản trở nhiều cho công việc. Mặt khác, mùa mưa không phải là mùa lễ hội nên đồng bào sẽ không tổ chức lễ. Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Bùi Trọng Hiền phải nhờ đến sự giúp đỡ của các Sở Văn hóa Thông tin. Cũng may, đến đâu họ cũng nhiệt tình trong việc dựng lại các nghi lễ để anh có thể quay phim, thu âm và ghi chép.
     Một tháng - khoảng thời gian không phải là nhiều nhưng Bùi Trọng Hiền đã có những ngày sống cùng với đồng bào ở những buôn heo hút, nơi đó, có những tộc người vẫn còn cởi trần. Họ hồn nhiên như cây rừng nhưng tình cảm mà họ đối đãi với “cán bộ” là thật. Nó làm anh cảm động, không bao giờ có thể quên được. Nhưng với anh, nhớ đến trào nước mắt, vẫn là những ngày cuối cùng của chuyến điền dã, khi đó đoàn của anh đang thực hiện nghi lễ ở Kbang (Gia Lai).
     Xong công việc, cán bộ trên Sở yêu cầu phải rút nhanh vì làng cách đường cái hai con suối, nếu không ra nhanh thì lũ về, không thể ra được nữa. Trong khi mọi người đã yên vị trên xe thì Hiền là người dọn đồ cuối cùng. Lúc đó, không kịp chạy lại để từ biệt các nghệ nhân, anh đành đứng ở cửa xe và hét lên một tiếng thay cho lời chào. Tiếng hét của anh lúc đó, không đơn thuần chỉ là tiếng hét. “Rừng” nghệ nhân bên dưới nhanh chóng bắt được “tín hiệu” và tất cả cùng đồng loạt hú đáp lại tiếng hét của anh.
     Khi xe bắt đầu chuyển bánh, mọi người cùng chạy theo, các chàng trai Bana đóng khổ đuổi theo rồi trùm lên đầu anh những chiếc vòng bằng tre trong mùa lễ hội. Những ánh mắt nhìn theo khiến anh xúc động. Chuyến đi ấy, anh có hơn 10 giờ băng âm thanh Cồng chiêng của toàn bộ các dân tộc chủ thể đại diện cho Tây Nguyên. Còn một thứ hơn thế mà từ trước tới nay không ai đong đếm được, đó là tình cảm. Sau này có dịp quay trở lại Tây Nguyên, đi cùng các nghệ nhân, cùng đánh Cồng chiêng với họ, hòa đồng với họ, được họ yêu quý như những người thân trong nhà và khóc mỗi lần anh đi thì anh bảo, đấy là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.
     “Quên” cả vợ con...

Đánh cồng thử tiếng

     Chia tay Tây Nguyên, Bùi Trọng Hiền trở ra Hà Nội đúng một ngày thì con trai anh ra đời. Anh lúc đó, hoàn toàn không có thời gian để tận hưởng cảm giác của một người vừa được làm bố. Có lẽ, thời điểm đó, cảm giác của người đứng giữa hai con đường và buộc phải lựa chọn một trong hai là gần với anh nhất. Nhưng rồi anh đành phải lựa chọn việc công vì lúc đó thời gian hoàn tất hồ sơ để trình lên UNESCO không còn nhiều. Anh buộc lòng phải gác lại tất cả để chuyên tâm cho nó.
     Chuyến điền dã của Bùi Trọng Hiền diễn ra trong một tháng nhưng việc đo thang âm và ghi tổng phổ Cồng chiêng lại “ngốn” của anh gấp bốn lần thời gian như thế. Trong thời tiết mùa hè nóng nực, mỗi ngày, anh đều dành từ 10 đến 12 tiếng chỉ để ngồi nghe băng rồi phân tích nó. Công việc này máy móc hiện đại có thể làm được nhưng Hiền đã chọn phương pháp thủ công, dùng tai để nghe.
     Đây là phương pháp mà các nước phương Tây đã áp dụng từ lâu. Phương pháp này có ưu điểm đạt độ chính xác cao nhưng lại cực kỳ mệt và mất công. Hơn nữa, Cồng chiêng là nhạc cụ có cường độ âm thanh rất lớn. Trong bốn tháng ấy, Hiền đã phải “ép” đôi tai của mình làm việc hết “công suất”. Hiền làm việc không biết ngày đêm, không biết mệt mỏi để đảm bảo hồ sơ kịp ngày lên đường. Hậu quả là sau khi công việc kết thúc, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng: anh bị thông tai, bị đau dạ dày và sụt 9kg.
     Tinh thần anh lúc đó chưa hoàn toàn thư thái thì lại phải chịu thêm một cú sốc khiến anh càng kiệt quệ. Vợ anh, sau khi sinh xong đã bế con về bên ngoại, chấm dứt cuộc hôn nhân với một người “hâm quá nặng”! Vợ anh trước học cùng trường, sau này còn làm cùng ngành - dù hai người ở hai cơ quan khác nhau.
     Ai cũng bảo cùng ngành thì sẽ cảm thông được cho nhau, nhưng... Hiền vẫn nhất mực nhận phần lỗi về mình, vì ở hoàn cảnh của vợ anh, thật khó để chấp nhận một người chồng như vậy. Hiền bảo, mọi chuyện đã qua và anh cũng không muốn nhắc lại chuyện quá khứ. “Tất cả đã là những kỷ niệm đẹp, cuộc sống đã đi qua, nó đã sang trang mới và tôi không bao giờ muốn để những trang cũ làm ảnh hưởng đến trang mới. Hãy coi nó như là một bài học trong quá khứ để cố gắng sống tốt hơn, hoàn thiện hơn”.
     Bây giờ, anh và vợ cũ trở thành những người bạn tốt của nhau. Con trai anh giờ cũng đã gần 5 tuổi, cả hai cùng chung tay chăm sóc em bé, xem đó là niềm vui của hiện tại. Con trai sống cùng mẹ, còn anh sống cùng người mẹ già năm nay đã 86 tuổi, lại mắc chứng bệnh liệt rung. Những công việc bếp núc, sinh hoạt hằng ngày hai mẹ con lọ mọ với nhau. Khi tôi hỏi anh về việc có đi bước nữa, thì anh trả lời dứt khoát: “Có chứ! Không yêu làm sao sống được”.
     Hiền cũng không ngần ngại cho hay, mình đang có một cuộc sống mới và cả hai cũng đang cố gắng tiến tới ngày mai. Cái ngày mai ấy chưa biết là khi nào nhưng Hiền khẳng định sẽ phải khác hôm qua. Anh vẫn đeo đuổi niềm đam mê của mình nhưng chắc chắn Bùi Trọng Hiền khi đó sẽ là một người khác, một người có trách nhiệm với gia đình. Hiền bảo, mình sẽ làm mọi cách để cân bằng giữa đam mê và hạnh phúc gia đình.
     Cái ngày Cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trở thành niềm vui chung của tất cả mọi người. Hiền cũng vui dù anh biết, để có được niềm vui ấy, mình đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Anh vui vì đã thỏa mãn được “máu” khám phá của mình, vui vì đóng góp của mình rất hữu ích. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người không chịu chia vui với anh. Họ đố kị, phủ nhận công sức của anh. Trong tình thế đó, Hiền chọn cách im lặng. Anh im lặng vì hiểu rằng, cuộc sống là phải thế. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, anh không bận lòng vì những chuyện ấy. Anh bảo, mình có đủ niềm kiêu hãnh và tự hào để nói rằng mình yêu và hiểu về Cồng chiêng hơn rất nhiều người.
     Ngoài Cồng chiêng ra, Bùi Trọng Hiền còn có rất nhiều “người tình”: cải lương Nam Bộ, chèo, ca trù, hát văn, hát quan họ… Trong đó, anh bảo cải lương Nam Bộ là “người tình” đầu tiên và được anh dành cho nhiều tâm huyết lẫn công sức nhất ngay từ những ngày bắt đầu bước vào nghề. Anh xem đây là công trình gan ruột, chỉ có điều cho đến nay vì nhiều lý do, anh vẫn chưa cho xuất bản. “Cơm chưa ăn gạo còn đó”, Hiền không ngồi lại để “gặm nhấm” thành quả mà gạt sang một bên để tiếp tục niềm đam mê của mình.
     Không làm tiến sĩ vì... thương các cụ
     Hiền là người chịu khó đi điền dã, chịu khó tiếp thu những tinh hoa của thế hệ đi trước. Đến đâu, anh cũng được họ quý như con như cháu. Nhiều người đã nhận anh là con nuôi như nghệ nhân Kim Sinh – tài tử cải lương Nam Bộ, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu… Có chuyện anh mãi không chịu làm Tiến sỹ khiến nhiều người nghĩ anh “ngang như cua”. Hiền công nhận điều đó nhưng anh có lý do riêng của mình.
     Anh bảo, có một số nghệ nhân đã già yếu, sự sống mong manh. Anh lo sợ trong thời gian làm Tiến sỹ, sẽ không còn được gặp gỡ các cụ. Thế cho nên anh quyết định không làm Tiến sỹ, để thời gian đó gặp gỡ, tiếp thu kiến thức từ các cụ. Anh ví mình là tằm, ăn dâu – chính là những kiến thức, kinh nghiệm của các cụ truyền lại. Tằm đã ăn dâu rồi thì ắt hẳn phải nhả tơ. Anh phải làm việc để trả ơn các cụ.
     Trong những câu chuyện của mình, Bùi Trọng Hiền nhắc nhiều đến GS Trần Văn Khê. GS Trần Văn Khê là người được UNESCO chọn làm người thẩm định hồ sơ Cồng chiêng. Khi ông trở về Việt Nam, Hiền đã trình bày tất cả các công trình của mình giúp GS Khê có đầy đủ những dữ liệu để phản ánh, chứng minh cho ban giám khảo Cồng chiêng xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
     GS Khê nhận định: “Nghiên cứu của anh Hiền rất công phu, lại đúng theo phương pháp khoa học phương Tây. Nhờ có anh Hiền tôi mới hiểu hết những giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên”. Với Bùi Trọng Hiền, những lời của GS Khê không đơn giản là một lời khen, mà nó còn là sức mạnh để anh vượt qua những lời “miệng lưỡi thế gian”, giúp anh có thêm niềm tin vào đam mê của mình.
     Quán cà phê về chiều càng đông khách. Hai cốc cà phê trên bàn đã cạn, cũng là lúc câu chuyện giữa tôi và Bùi Trọng Hiền kết thúc. Anh nhìn đồng hồ rồi vội vàng xin phép ra về để đi đón con. Lúc ấy chừng hơn 5 giờ. Tôi đứng nhìn anh từng bước thập thễnh đi ra quán, đôi mắt ngời ngợi trong nắng cuối chiều.
                                                                          Hồ Huy Sơn

BẢN DỊCH GIA PHẢ HỌ BÙI XÃ ĐỨC LONG

BẢN DỊCH GIA PHẢ HỌ BÙI XÃ ĐỨC LONG
Từ bản sao Hán Nôm của bà Bùi Thị Sâm, quê Đức Long Đức Thọ Hà Tĩnh
Người dịch tháng 12/04: PGS TS Lê Minh Tuấn, bộ môn Hán Nôm, ĐHKHXH&NV
Xem, dịch bổ sung 2007: PGS TS Phạm Văn Khoái, BM Hán Nôm ĐHKHXH&NV 
Ghép, sắp xếp, tra-chiếu, chú-chỉnh thời gian, xong tháng 6/2011: Bùi Xuân Vịnh,
quê Đức Đồng Đức Thọ Hà Tĩnh
Ghi về họ Bùi
     Nguyên cụ tổ họ Phí, tên tự là Mạnh, mộ đặt ở xứ Sơn Nam, xã Cổ Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương. Đời vua Nhân Tông, triều nhà Trần (năm 1292-BXV) được cử làm An phủ sứ Diễn Châu (Thanh Hoa). Cụ nhậm chức chưa được lâu, vua triệu về triều, thưởng tước, báo cáo công việc được giao. Vì cụ có tấm lòng trong sạch, tính cẩn thận nên tiếng tốt khắp vùng Diễn Châu, rằng An phủ sứ Diễn Châu trong như nước, mới triệu về triều.
     Cụ sinh con trai là Bùi Mộc Đạc, vốn là họ Phí. Đời Trần Nhân Tông (tháng 2/1304, Trần Anh Tông - BXV), đổi họ Phí thành họ Bùi (khi Trần Anh Tông cử làm Chi hậu bạ thư chánh chưởng trông coi cung Thánh Từ - BXV). Khoa thi Giáp Thìn thời Trần (tháng 3/1304 - BXV), cụ dự thi trúng Tiễn sỹ đệ tam giáp xuất thân. Làm quan tới Hàn lâm đại học sỹ, Trung thư tả thị lang, Lại bộ thượng thư.
     Nguyên lão thời Trần, cụ là bậc trên. Vua Trần Anh Tông nói với Trần Minh Tông rằng: Mộc Đạc trải thờ ba đời vua (Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông) là người liêm khiết, cung kính, giữ được văn chất đáng làm gương, chẳng bị người ngăn trở. Nhà vua nhân vẽ hình cụ lưu ở phủ sách, có ý đại dụng. Việc chưa thành thì cụ mất. (mất năm 1326, thọ 62 tuổi – BXV)
     Mộc Đạc trước lấy vợ tại bản xã, sinh con trai là Bùi Mộc Đức. Sau lấy Lê Thị Hiền con gái Lê Văn Thịnh, xã Cống Khê, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên, sinh con trai thứ là Bùi Quốc Hưng. Sau lại lấy Nguyễn Thị Mỹ, con gái Tịnh quận công, xã Lãng Vĩnh, huyện Tống Sơn, sinh ra Bùi Đốc, Bùi Thu và Bùi Thị Liễu.
(Mộc Đạc mất 1326, Quốc Hưng-cận thần của Lê Lợi cùng thề ở Lũng Nhai-1416, sống chết có nhau 10 năm 1418-1428, thờ các vua Lê: Thái Tổ, Thái Tông đến niên hiệu “Thái Hoà 1443-1453” mới mất. Quốc Hưng là cháu Mộc Đạc – BXV)
     Năm Mậu Thân, niên hiệu Vĩnh Lạc, nhà Minh thấy Nhà Hồ mạt vận, dân cùng nước loạn, vua Minh bèn sai các tên Trấn Viễn Hầu, Lỗ Mộc Hầu, Lý Thạnh xuất binh trăm vạn, thuỷ chiến ba ngàn sang đánh nước ta, giết hại nhân dân, nhập nước ta vào bản đồ Trung Quốc. Ròng rã 20 năm hơn, tỳ tướng Liễu Thăng lại bức bách nước ta. Trời sinh ra Hoàng đế Thái Tổ ta (huý Lợi), nhân cơ nhà Hồ mạt vận, ứng trời, thuận lòng người, căm phẫn trước sự tham tàn của tướng Ngô; mặt khác thực hiện điếu dân phạt tội. Đó là thời điểm Bùi Quốc Hưng cùng các bề tôi có công phụ tá Thái Tổ. Họ cùng đồng lòng, hiệp lực, nhiều lần gặp hiểm nguy, ở trong hang núi, đem quân đánh Ai Lao. Dựa vào đó, dần dà mưu tính chuẩn bị quân nhu, lương thực, khí giới đánh tướng Ngô, phần nhiều các trận đều thất bại. Trăm họ gian lao vất vả. Thái Tổ bèn nói: Trẫm muốn đánh một trận để quyết thắng bại với kẻ thù thì thế nào: Trong số các quan, Bùi Quốc Hưng, Lê Văn An bèn tâu rằng: Nhà vua giữ Ai Lao không đánh, chẳng bằng sai tướng đưa   tin để cản trở giặc Ngô. Vua liền nghe kế sách ấy.
     Bùi Thu là em của Bùi Quốc Hưng lấy vợ là con gái khôi nguyên Phan Đạo Khắc, người xã An Hạ, sinh ra Bùi Văn Nhiên. Thị Liễu là em gái Bùi Thu lấy chồng là Thái phó thượng trụ quốc Đinh Lễ. Trong trận chiến với giặc Ngô, bị chết trong trận Tùng Giang, được phong tặng Trụ linh Đại vương.
     Bùi Quốc Hưng sinh con trai là Bùi Bị theo Lê Thái Tổ, giúp Thái Tổ khai quốc, có nhiều công lao. Vua sai bọn Đinh Lễ, Đinh Bồ, Bùi Bị tiến binh xuống Đỗ Gia (nay là Hương Sơn) phá núi mở đường xuất kích đánh giặc Ngô. Đinh Lễ trú quân tại La Giang (nay là La Sơn), Quyết Viết Hạ (nay là An Việt), Đinh Bồ đóng quân tại xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên quyết chiến với giặc Ngô và bị chết trận. Bùi Bị chỉ huy hơn trăm quân sĩ giả trang người Ngô vào chỗ Đỗ Cảnh Câu đóng trại, chém chết Cảnh Câu lúc còn đang nằm, rồi hô hét quân sĩ ta. Quân Ngô nghe thấy kinh sợ tán loạn, giặc chết rất nhiều, số sống chạy trốn. Bùi Bị bèn đến động Kị Đà, lén vào chém tướng Ngô là Lý Mộc Hầu, Lý Thạnh, Lý Khánh, gồm 3 tên cùng rất nhiều lính tráng. Giặc thua tán loạn theo Trấn Viễn Hầu chạy đến Liệt Thành dừng lại, dựng cờ, đóng trại, chiêu dụ sĩ tốt. Khi đó, Bùi Bị đại phá giặc ở động Kị Đà, chiếm nơi ấy đóng quân, chiêu tập dân địa phương, rồi truy đuôỉ giặc Ngô đến trang Bì Cốc, xã Ô Đảo, Bình Bản huyện Hương Sơn gặp quan nhân, người nhà trong cung Thái Hậu và công chúa hương sắc nhà Trần. Bùi Bị đích thân đến tận nơi hỏi lí do, sự việc, trả lời: công chúa, Trần Duệ Tông, Hoàng hậu chạy loạn giặc Ngô. Mẹ con dời đến ẩn ở đây. Bùi Bị nói: Tôi vốn là danh tướng, bề tôi của Lê Thái Tổ, từ Ai Lao qua đã đánh tan quân Ngô. Thái Hậu và công chúa nghe nói rất vui, cười mà rằng: xin tướng quân chớ giết. Bùi Bị biết rõ sự tình như vậy, ngay lập tức đón họ về Động Kỵ Đà, dựng doanh trại tại điện Phượng Hoàng, sai người trông coi, bảo vệ cẩn thận. Sau đó, Bùi Bị ngược sang Ai Lao, đích thân đón Thái Tổ về trú quân tại động Tiên Hao, xã An Ấp. Đại diện chư tướng, Bùi Bị bèn cho Thái Hậu và công chúa ra mắt vua. Thái Tổ thấy mẹ con Thái Hậu thuộc bậc quốc sắc. Vua cho là tuổi công chúa còn trẻ, đặt hiệu là Chân công chúa, nhận làm cung phi. Sau sinh ra Trang từ công chúa (Lê Thị Ngọc Châu). Vua ban thưởng Bùi Bị là Nguyên thượng Liễu hầu, lấy tên họ Lê, lập doanh trại tại Kỵ Đà động (sau đổi là thôn Đà, xã Kính Kỵ). Lập các điện Phượng Hoàng, Hương Trản, Ngũ Long làm Nguyên chính Hoàng hậu điện. Đấy là các trang Ngụ Khê, Quang Tế, Hoa Lâm, Binh Khang và Thái Thạch. Lập chợ tại thôn Trang Liệt (tức Phụng Công), Trần Thái Hậu sống ở điện Hoàng Trản, Phượng Hoàng đến sau khi bình định được giặc Ngô, đại cáo cùng thiên hạ.
     Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan trong triều yến mừng. Vua thưởng công, phong tặng. Năm đầu Hoàng đế niên hiệu Thuận Thiên, phong Bùi Quốc Hưng là khai quốc công thần, anh nghị, cương chính, hiệp mưu nguyên thần nhập nội Thái phó. Đến năm thứ hai, nhận tham nghị triều chính. Năm thứ năm thì ông mất (? – BXV), phong tặng Trang quốc công, vinh dự tặng 8 chữ, bậc Thượng trụ quốc; Phong Bùi Bị là khai quốc công thần, trật là Vũ dương hầu tuyên lực nguyên thần, nhập nội thiếu phó. Sau tặng phong 8 chữ, bậc Thượng quận công. Bùi Bị trước lấy Nguyễn Thị Khế, con gái Quận công Lê Văn An, huyện Hương Sơn, sinh con trai là Bùi Ban. Bùi Ban có tài hơn người, võ nghệ cao cường. Người ông cao 7 thước, theo Thượng quận công, tự mình bắt được tướng Ngô là Liễu Thăng trước trận. Vua phong là Chính công minh dực vận, tả quân kị thượng tướng quân minh hương hầu. Ông có công đánh Chiêm Thành, được phong Minh Quận Công. Vua Thái Tổ còn gả con gái là công chúa Trang Từ cho làm vợ. Sau tặng phong tám chữ (nay điện thờ tại Đồng Công xã), bậc Hệ kì đại vương.
     Ngày 22 tháng 8 năm đầu Hoàng đế, niên hiệu Thuận Thiên, vua Thái Tổ băng hà. Thái Tông lên ngôi Hoàng đế (ngày 19 tháng 8, Thái Tông mất). (Thái Tổ mất 22 tháng 8 năm 1433 – BXV)
     Năm thứ 5 Thái Hòa, vua thân chinh đánh Chiêm Thành. Bấy giờ Trang quốc công Bùi Quốc Hưng đã già, trở về ngoại tổ, xã Cống Khê, huyện Thuỵ Nguyên dưỡng tuổi già (? –BXV).
     Thượng Quận công Bùi Bị trấn thủ xứ Nghệ An và bị chết trận. Minh quận công Bùi Ban đi đánh Chiêm Thành, Ai Lao, bắt được chúa Man Lao, bị trúng tên, về quê ngoại xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn rồi bệnh nặng, mất ở đó. Mộ táng tại núi Ông Tự. Con cháu là Nguyễn Tòng Cải, Nguyễn Tòng Lân coi sóc từ đường, lăng mộ, canh tác ruộng đất các xứ mà ông để lại.
     Chính quốc phu nhân Trang Từ công chúa, nuôi dưỡng Bùi Văn Khanh, Bùi Thị Kha, trở về Kị Đà động; Ở đó được 20 năm thời bị Khôi quận công Trần Hồng, xã Đồng Công và Đỗ Thị tranh chấp ruộng đất, phá huỷ nhà thờ, đốt cháy sắc đạo.
     Cho đên sau ngày bình định, Bùi Văn Khanh nhậm chức Tri phủ Đức Quang, động Kị Đà, lộ Bắc Giang, tước Vũ Công hầu. Em gái Bùi Thị Kha lấy con trai Thái phó Cương quốc công Nguyễn Chức, xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc là Quận công Nguyễn Cúc. Hai cha con đem binh về để tìm Quận công thì Khôi quận công và dân xã đề bị chém chết hết. Khi đó, họ thu lại ruộng vườn giao lại cho Bùi Văn Khanh và Bùi Thị Kha, dựng nhà ở tại động Kị Đà; lập phủ khố tại Kị Đà; lập trại quan tại Đồng Công; lập quan xá tại Cửa Đình, khê toán Bào Môn tại thôn, tại Hương Trản, Đồng Cừ (tại Phụng Công Xã), Phượng Hoàng (xã Kính Kị). Lập lăng điện tại mộ vua (xã Trung Hoà). Con cháu là Bùi Ngật, Bùi Bằng (nếu Bùi Ngật ở đây là Bùi Thúc Ngật liên quan đến trại quan thì do cụ Bùi Huy Khuê viết vào sau – BXV) trông coi phần mộ, lăng điện và canh tác điền địa, tế tự cúng giỗ. Ở các xứ đều có ruộng thờ như Đồng Công, Hoằng Công, Tự Đồng, Quang Tê, Hằng Nga, Ngụ Khê; cộng tất cả gồm 3965 mẫu. Số ruộng ấy qua thời gian loạn, dân chiếm làm của riêng, chỉ còn lại 1095 mẫu. Số đó gộp cả Bào thổ giao cho dòng tộc phụng sự, dựa vào giấy tờ gốc, để thường năm giỗ cúng, tế tự.
     Vũ Công hầu Bùi Văn Khanh mất, được phong Cao thượng quốc công, mộ táng tại xứ Đồng Quản, tên hiệu Quản lĩnh đại vương. Bùi Văn Khanh lấy vợ xã An Ấp, huyện Hương Sơn, sinh ra Bùi Văn Lĩnh. Bùi Văn Lĩnh lấy con gái Lê Vương là Lê Thị Trinh, sinh ra Bùi Văn Vật, Bùi Văn Minh đều là khai quốc công thần, trụ ở các chùa Hương Trản, Bạch Lộc.
     Bùi Vật sinh Bùi Khắc Khiêm, làm kinh lược các xứ Quảng Nam, Thuận Hoá, là quan phúc kiêm hầu. Lại nhận phụ đạo, dựng nơi ở Kị Đà động con cháu được bảo hộ, tổ tông hồng phúc phát triển. Trải nhiều năm loạn lạc, con là Bùi Thế Lộc, làm vệ đô điện tiền định minh bá.
     Bùi Thế Lộc lấy vợ là Phan Thị Huệ, con của Hộ bộ thị lang bá, tức Phan Văn Khánh, người xã Viên Diệu, huyện Thiên Lộc, sinh 8 người con. Trưởng nam là Bùi Trầm. Thứ nam Bùi Đỗ. Ba là Bùi Hiển. Bốn là Bùi Thế Vinh và 4 con gái.
     Bùi Thế Vinh thi trúng giám sinh, nhậm tri phủ Hoài Đức.
     Cảnh Thống năm thứ 7 (1504 – BXV), vua chinh phạt Ai Lao. Bấy giờ tướng sĩ bị đói khát chết rất nhiều, Bùi Thế Vinh cung cấp 5 kho lương thực cấp cho quân dùng. Mười năm, ông giữ chức tướng sĩ lang, có công ủng hộ lương thực đóng góp cho quốc gia, lại được phong Hộ bộ tả thị lang.
     Bùi Thế Vinh sinh con trai trưởng là Bùi Văn Giám, thời Hồng Đức (Hồng Phúc 1572 thì đúng hơn - BXV), vào khoa Giáp Tuất (1574 - BXV) thi trúng giám sinh, lại trúng tiếp Tam trường, ở chức Tham tri tả hình phan vi lăng chính quan.
     Con Bùi Thế Lộc là Bùi Huống sinh được một con gái là Bùi Thị Đỉnh lấy chồng Lam Kinh, tên là Lê Điều. Gia phả lưu do tổ tông họ Bùi viết để lại, Bùi Thị Đỉnh xem đều thuộc như in điền tự, gia phả. Giặc Hùng Sơn thiêu huỷ gia phả thành tro. Phàm các chi môn họ Bùi, xa ở Hoằng Công, Kị Đà, anh em phiêu dạt, thế lực không thể chống đỡ, để đến mức tổ tông như thế, thời thế như thế.
     Hoàng triều, Hồng Đức ngày tháng tốt, Bùi Văn Giám cẩn ghi
(Ở đây phải là Hồng Phúc - BXV)

   Quan viên đề lại đăng sĩ lang Bùi Huy Khuê cẩn tựa.
     Nói rằng: Sơn có cây, cây có cành, nước có nguồn, nguồn có dòng. Đó là lí lẽ hiển nhiên giữa trời đất. Ta nay kế tục hậu thế dòng họ Bùi, vốn nhuần lời nhắc nhà thờ, trải đời tổ tông, thần tử nhà Lê trước đó đến nay, binh hoả luôn gặp, nhiều lí do gây nên phiêu tán. Họ Bùi đến ở Đà Thôn, đời đời nối tiếp, lưu truyền. Nhưng không thể ghi hết để lưu lại cho đời sau. Nhân sơ lựợc nêu ra từ năm, sáu đời lại đây, thuật lại những cái mình biết, những cái mình thấy, hiện các đời trước còn như các loại đất mộ, ruộng vườn, tế tự, thờ cúng, biên soạn, tập hợp thành một bản. Bản đó ghi thế thứ các đời để truyền lại cho con cháu đời đời thừa tự, gắng không bỏ sót.
     Bùi thị gia phả.
     Mộ cụ tổ xưa tại Đà thôn, sứ Cán Trai, một mẫu (do là mộ tri phủ Bùi Thế Vinh).
     Mộ tổ xưa tại xứ Nhà Lặc, Đà Thôn (của tri phủ Bùi Văn Giám).
     Tên hiệu các đời họ Bùi.
Tiền tổ xưa, công thần Đà Động, tên tự Công Luận Bùi Công.
Tiền tổ bà Bùi chính phi, Phạm thị phu nhân.
Tiền tổ Thử vệ sự đông xuyên hầu tự Công Bảo Bùi Công
Tiền tổ bà thử vệ sự đông xuyên hầu Bùi chính phi Lê thị phu nhân.
Tiền tổ Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi công, tên tự Công Chính.
Tiền tổ bà Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi chính phi, Bùi thị đại phu    
Cao cao tổ triều quan tử huyện thừa, tự Công Lan. Bùi công (giỗ 16/2)
Cao cao tổ tỉ triều quan tử huyện thừa Bùi chính thất là Bùi Thị Hạnh, tứ phu nhân, huý Thị Sơn.
Cao tổ khảo quan viên tôn khanh đình thị lão, tự Công Lãm. Bùi Công thuỵ Đôn phác phủ quân, thọ 70 tuổi.
Cao tổ tỉ quan viên tôn khanh đình kì lão, chính thất, tam phu nhân.
Tằng tổ khảo tri sự hương đình kì lão, Bùi Công, thuỵ Phác trực phủ quân. Con của Công Lãm, huý Công Vẻ (giỗ 22/10).
Tằng tổ tỉ tri sự hương đình kì lão Bùi chính thất Phạm Thị Hạnh, hiệu Từ Thục phu nhân.
Hiển tổ khảo, hộ giá bình nam, thiên hộ kiệt trung tướng quân viên kị uý trúng tuyển, tự (tên chữ) là Vũ Bá Bùi công. Tên thuỵ là Lệnh tư tráng sĩ phủ quân
     ((là con của Bùi Công Vẻ, huý là Bùi Tăng (nói lái là Bất Căng). Sinh năm Nhâm Dần. Hưởng thọ 70 tuổi. Mất năm Tân Sửu tháng 2, ngày 7 giỗ. Chôn cất ở Mả lội thôn Đà ? ))  (Sinh Nhâm Dần-1722 mất Tân Sửu quá 70 tuổi, mất năm Tân Hợi-1791 mới 70 tuổi - BXV)
Hiển tổ tỉ, bình nam kiệt trung tướng quân, Vân kị uý trúng tuyển, là chính thất (vợ cả), gọi là Bùi Thị Hành, hiệu Trang Từ.
     ((là con gái của Bùi Viết Cửu, huý là Bùi Thị Xanh (nói lái là Lai Anh). Sinh năm Nhâm Dần. Hưởng thọ 76 tuổi. Mất năm Mậu Tý. Giỗ ngày 04/12. Chôn cất ở xứ Quần (cồn) Bái)). (Sinh Nhâm Dần-1722 mất năm Tỵ, Đinh Tỵ-1797, không phải năm Tý, mới đúng 76 tuổi –BXV)
     Cụ sinh ra nam tử là Bùi Huy Khuê, thứ nam Bùi Văn Quyến, Bùi Sa. Nữ tử Bùi Thị Kinh. Lúc ấy Bùi Tăng  đi xa vì việc quân của nhà vua, nên phải ở trong phủ thị nội ở trong kinh, gần với quân vương, không có mặt tại nhà nên nam tử Bùi Khuê theo cha du học tại kinh. Là người minh mẫn, có tiếng văn học, đi thi nhiều không trúng. Vì là chính thất mất trước nên gia tài ông cha để lại theo văn khế và điền thổ vườn tược các loại giao cho bà vợ thứ của cha là người họ Đoàn (Đoàn Thị Loại) trông nom. Thứ nam Văn Quyến trông nom từ đường và phần mộ của tổ tông, lo giỗ chạp.

     Năm Cảnh Hưng thứ 18 (1758 – BXV), Đại nguyên suý, tổng quốc chính thượng sư Minh Vương cho (Bùi Tăng – BXV) làm thị hầu thị nội trong lính ưu binh. Được ra vào phục vụ nhà chúa khá lâu, được bổ chức chỉ thứ nhập cách, ứng vào hàng đội trưởng, cho một đạo lệnh chỉ. Năm Cảnh Hưng thứ 19, ngài theo Hữu Chi vâng lệnh đi bình tây (đánh Chiêm), có công, được chuẩn y bổ chức Bá Hộ, khá là Phấn lực tướng quân, hiệu là Lệnh tư tráng sĩ. Cho nên có đạo sắc cho. Đến năm Cảnh Hưng thứ 39 (1779 – BXV), giữ chức Thị nội hộ giá bình nam, rất vất vả vì việc quân, được thăng lên chức lần thứ hai là Thiên hộ, là Kiệt trung tướng quân, hiệu là Lệnh tư tráng sĩ, Thiên hộ Vân kị uý trúng tuyển, cho nên có được ban một đạo sắc, tờ đạo sắc ấy hiện còn.

     Thứ nam là Bùi Nhưng, mất sớm. Thứ nam Bùi Vạn tự là Thần Tập, là xã trưởng của bản xã, lấy người bản thôn là Phan Thị Sức làm vợ (giỗ ngày     …tháng 3). Sinh nam tử là Bùi Sĩ, tự là Danh Sơn, không có con (giỗ ngày 15/4)

     Lại bị lửa thiêu. Đều bị cháy trụi hết. Ngày ấy Bùi Khuê đang giở việc theo học. Văn Quyến chìm đắm trong cờ bạc khiến cho nhà lâm vào cảnh khuynh gia bạn sản, có lúc đói khát, việc nhà bị bỏ bễ. Đến khi Bùi Khuê trở về, ông thấy nhà lâm vào cảnh gian truân. Ngóng vua và cha đương ở xa, thật là trời cao đất dày, ngày đêm lo lắng suy nghĩ, khó thay việc khôi phục lại cơ nghiệp của tổ tông. Lúc ấy ở Hạ thôn (thôn Hạ) của bản xã có tiên sinh họ Đoàn làm tại bản huyện tên tự là Quý Cân vốn có quan hệ là bạn làm quan với cụ Bùi Tăng, mới gả con gái trưởng là Đoàn Thị Sắc cho Bùi Khuê làm vợ. Hai vợ chồng mới ở trên một thửa vườn do nhạc phụ mua cho (mảnh đất này phía đông gần với Nguyễn Dương Sắc, phía tây gần với vườn của nhạc phụ) với giá tiền là 100 quan, đủ cả văn khế. Nên đã dựng nhà ở tại vườn ấy. Chẳng may bị cướp nên mất cả văn khế cũng như tất cả tài sản gia đình. Chỉ đến khi Tây triều nổi lên (ý chỉ triều Tây Sơn) mới được cấp cho tín bài, lại được nhập bạ vào thôn Hạ. Chẳng may Bùi Tăng bị mất ở kinh thành. Thư báo đến, Bùi Khuê lên kinh mang hình hài cha về mai táng, để tang 3 năm. Được nhà Tây Sơn vào năm Nhâm Tý (1792 - BXV) niên hiệu Cảnh Thịnh bổ nhiệm chức Trấn tư cai lại (viên lại ở Trấn). Đến năm Nhâm Tuất (1802 - BXV) niên hiệu Gia Long, lại được bản huyện chọn làm đề lại, còn đủ cả dấu son, làm việc đã lâu. Đến năm Minh Mệnh thứ 5 (1824 – BXV), lúc sắp già, ông có đơn xin hưu trí. Thứ đệ của ông là Bùi Văn Quyến theo việc binh. Năm Bính Ngọ (1846 - BXV), triều Lê mạt mất nước, ông đi trận, mất cả thân thể hình hài (Văn Quyến giỗ vào ngày 14 tháng 4).
     Trưởng nữ Bùi Thị Kinh lấy người trong thôn, họ Phan, là Phan Văn Bình. (sinh được 1 gái. Tháng 10 mồng Một, mẹ con cùng giỗ)
     Hiển tổ khảo có bà trắc thất (vợ lẽ) là Đoàn Thị Lại.
     (Sinh con trai là Bùi Thiệp, mất sớm, giỗ ngày 1/10)

     Hiển khảo tiền lê ấm quan viên tử trải nhận Đề lại đăng sĩ lang kiêm hương đình kì lão, tên tự Huy Khuê Bùi công, tên thuỵ Văn Nghị phủ quân. Con Bùi Tăng, huý Bàn sinh ngày 16/10 năm Nhâm Dần, hưởng thọ 70 tuổi, mất ngày 2/3 năm Bính Tuất, táng tại Cần Lặc. (Mất Bính Tuất -1826 không thể sai do con viết năm mất của cha, mà sinh Nhâm Dần 1782 chỉ có 45 tuổi, nếu đúng 2 cụ: Tăng và Huy Khuê cùng tuổi Dần, năm sinh phải là Mậu Dần 1758, 69 tuổi; Mặt khác, trường hợp này 3 người: cha mẹ và con không thể cùng sinh năm Nhâm Dần – BXV)
     Hiẻn tỉ quan viên tử, đề lại đăng sĩ lang Bùi chính thất Đoàn Thị Hạnh hiệu Từ Huệ phu nhân.
     Bà Đoàn Thị Hạnh là con gái trưởng quan tri phủ Đoàn Công Quý, sinh năm Tân Tỵ, thọ 70 tuổi, mất ngày 1 tháng 3 năm Nhâm Thìn. (Sinh Tân Tỵ-1761, mất Nhâm Thìn-1832 là 72 tuổi, nếu mất tuổi 70 phải là Canh Dần , cụ Khuê sinh 1758, cụ Hạnh sinh 1761 là đúng– BXV)
     Sinh con trai là Bùi Duy Hoà, tự Huy Chương, huý Danh Vượng, con trai thứ Bùi Văn Giác, con gái Bùi Thị Yến, Bùi Thị Lưu. Hai người Văn Lãm, Thị Lưu mất sớm. Bùi Thị Yến lấy chồng (kế thất) là Lê Văn Quýnh, thôn Thượng Tứ, xã Bùi Xá, huyện La Sơn, sinh được một con gái.
     Trưởng nam Bùi Huy Chương lấy vợ là Nguyễn Thị Cấp, người xã Lai Đồng, huyện La Sơn, sinh con cái là Bùi Điếu, tên tự Danh Bình. Con trai thứ là Bùi Đinh, tự là Định, con gái là Thị Mùi lấy chồng là Trần Xuân Miên, người thôn Nhân Thi cùng xã.    

     Phụ lục hệ vô tự.
-Tổ bá: Bùi Câu.
-Tổ thúc: Bùi Vang, Bùi Đỉnh.
-Tổ cô: Thị Lao, Thị Mão, Thị Mặc, Thị Tô.
-Đường Thúc: Bùi Nhưng, Bùi Vạn, Bùi Dân, Bùi Sung.
-Vong cô: Thị Quý, Thị Thành.
-Vong thúc: Bùi Đắc (tự Xuân, giỗ 14 tháng 4), Bùi Trắc, Bùi Sè (giỗ 14 tháng 4), Bùi Giác (giỗ 2 tháng 7)
-Vong cô: Thị Quành (giỗ 1/10), Thị Lưu (giỗ 16/9).

     Phụ lục ngày giỗ Tổ, tỉ, phụ mẫu.
-Ngoại tằng tổ hương đình thị lão Bùi Công, tự là Viết Doãn (giỗ 13/2)
Ngoại tằng tổ tỉ Bùi chính thất là Bùi Thị Hạnh (giỗ 25/6)
-Ngoại tổ là tri huyện La Sơn, tên tự Quý Hân, Đoàn tiên sinh (giỗ 22/11)
Ngoại tổ tỉ Phan Thị Hạnh (giỗ 28/8), huý Thị Lam sinh con gái đầu là Đoàn Thị Sắc lấy Bùi Huy Khuê, sinh con trai là Bùi Huy Chương.

          Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Gia Long. Đề lại Bùi Huy Khuê viết
                             Con trai là Bùi Huy Chương viết lại.
 (Cụ Huy Khuê viết từ Nhâm Tuất-1802, cụ Chương viết lại sau khi cụ Khuê mất 1826,)

(BXV chú thích ở đây do đã đối chiếu nhiều tư liệu)

(Dưới đây là cháu cụ Chương viết lại vào năm 1909)

                Duy Tân năm thứ 3, ngày 1 tháng 4. Bùi tộc tôn tử.
     Liệt vị danh hiệu thế thứ các đời họ tộc Bùi, để tiện viết chúc văn.
-Thuỷ tổ khảo An phủ sứ Diễn Châu triều Trần nguyên họ Phí (sau đổi họ Bùi), tên tự Mạnh phủ quân.
Thuỷ tổ tỉ An phủ sứ nguyên họ Phí, quý công chính thất cung nhân.
-Tiên tổ khảo trúng thi Hội, khoa Giáp Thìn thời Trần (đệ tam giáp tiến sỹ xuất thân), Hàn lâm đại học sỹ, Trung thư tả thị lang, Lại bộ thượng thư, nguyên là họ Phí, đổi thành họ Bùi, Bùi công Mộc Đạc phủ quân.
Tiên tổ tỉ Bùi quý công chính thất, thục nhân, Bùi quý công kế thất họ Lê Thị Hiền thục nhân, Bùi quý công kế kế thất Nguyễn Thị Ngọc Mỹ thục nhân (con gái Tịnh quận công)
-Tiên tổ khảo chiêu văn quán Bùi công Mộc Đức phủ quân đời Trần (con trai trưởng của Bùi công Mộc Đạc do bà chính thất sinh).
-Tiên tổ khảo khai quốc công thần, anh nghị cương chính, hiệp mưu nguyên thần nhập nội thái phó, bệ thụ tham nghị, bỉnh triều chính tặng phong Trang quốc công, vinh phong 8 chữ, Thượng trụ quốc Bùi công Quốc Hưng phủ quân (Bùi công là con thứ của Bùi Đạc, kế thất Lê Thị Hiền sinh ra). Chính thất (không rõ).
-Tiên tổ khảo chiêu văn quán, đệ tam lang Bùi công huý Đốc phủ quân (đời Trần) là con thứ ba của Bùi công Mộc Đạc và kế thất Nguyễn Thị Mĩ,. Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo chiêu văn quán, đệ tứ tam lang, Bùi công huý Thu phủ quân (con trai thứ tư của Bùi công Mộc Đạc, kế kế thất Nguyễn Thị Mĩ).
Tiên tổ tỉ Bùi công chính thất Phan Thị phu nhân (con gái Khôi nguyên Phan Đạo Thống).
-Tiên tổ khảo khai quốc công thần, trật vũ dương hầu, tuyên lực nguyên thần, Nhập nội thiếu phó, tặng phong tám chữ, Thượng quận công huý Bị phủ quân (con Bùi công Quốc Hưng).
Tiên tổ tỉ Quận công Bùi quý công chính thất Lê Thị Khiết phu nhân (con gái Cách quận công Lê Văn An). Lê triều khánh phong đại hạnh.
-Tiên tổ khảo Bùi công Văn Nhiên phủ quân, chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo Lê triều vinh phong hệ chính công minh dực vận tả quân kị thượng tướng quân, Minh hương hầu gia phong Minh quận công tặng phong 8 chữ, tự là Hấp kì đại vương kì vương Bùi công huý Ban phủ quân (con trai Thượng quận công Bùi Bị).
Tiên tổ tỉ Lê triều gia phong Minh quận công Bùi quý công chính thất Trang Từ công chúa Lê Thị Ngọc Châu phu nhân (con gái Lê Thái Tổ)
-Tiên tổ khảo Lê triều Tri phủ Đức Quang Vũ công hầu Bùi công Văn Khanh phủ quân (con trai Minh quận công Bùi Ban, táng tại Đồng Quản).
Tiên tổ tỉ, triều Lê Tri phủ Đức Quang, Vũ công hầu, vinh phong Cao thượng quốc công Bùi quý công chính thất, người xã An Ấp.
-Tiên tổ khảo triều Lê, quan viên tử Bùi công Văn Lĩnh phủ quân (con trai Bùi công Văn Khanh).
Tiên tổ tỉ, triều Lê, quan viên tử Bùi công chính thất Lê Thị Trinh phu nhân.
-Tiên tổ khảo, khai quốc công thần nhà Lê, cư trú các chùa Hương Trản, Bạch Lộc Bùi công Văn Vật phủ quân (con trưởng Bùi công Văn Lĩnh). Chính thất chưa rõ.
-Tiên tổ khảo Bùi công hữu Bằng phủ quân (con thứ Bùi công Văn Lĩnh). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo, triều Lê, quan kinh lược các xứ Quảng Nam, Thuận Hoá, Phúc kiêm hầu, lại phụng nhậm phụ đạo xã Hoằng Công, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang Bùi công Khắc Khiêm phủ quân (con trai Bùi công Văn Vật). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo, triều Lê, Vệ đô điện tiền định minh bá Bùi công Thế Lộc (con trai Bùi công Khắc Khiêm).
Tiên tổ tỉ, Bùi quý công chính thất họ Phan, huý… cung nhân (con gái Bá công).
-Tiên tổ khảo Lê triều quan viên tử Bùi công huý Trầm phủ quân (con trưởng của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo Lê triều nho sinh đệ nhị lang Bùi công huý Đỗ phủ quân (con thứ của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo Lê triều nho sinh đệ tam lang Bùi công Huý Hiển phủ quân (con thứ ba của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo triều Hồng Đức trúng thi giám sinh, Tri phủ Hoài Đức tái vinh phong Hộ bộ tả thị lang Bùi công Thế Vinh phủ quân (con thứ tư của Bùi công Thế Lộc). Chính thất không rõ.
-Tiên tổ khảo triều Hồng Đức trúng thi giám sinh, thêm trúng tam trường tham tri tả hình bộ lăng chính quan Bùi công Văn Giám phủ quân (con trai Bùi công Thế Vinh). Chính thất không rõ.
(Trên đây chép theo bản cũ ,ở dưới đây chép theo bản mới)
-Tiên tổ khảo Lê triều quan viên tử Bùi lệnh công huý Trường, tên thuỵ Đoan Phác phủ quân (con trai Bùi Văn Giám). Chính thất chưa rõ. Giỗ ngày 18/11, mộ táng tại Mông Sơn Muội.
-Tiên tổ khảo triều Lê, Thiên hộ chức Bùi lệnh công huý Hạnh, tên thuỵ Chất Phác phủ quân (con của Bùi công huý Trường, giỗ 20/6, mộ tại Trạng Lửa).
Tiếp:
-Tiền tổ xưa, công thần Đà động, tên tự Công Luận Bùi công.
Tiền tổ bà Bùi chính phi, Phạm thị phu nhân.
-Tiền tổ Thử vệ sự động xuyên hầu tự Công Bảo Bùi công.
Tiền tổ bà Thử vệ sự đông xuyên hầu Bùi chính phi Lê thị phu nhân.
-Tiền tổ Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi công, tên tự Công Chính.
Tiền tổ bà Thái thú khanh triều lộc hầu Bùi chính phi, Bùi thị đại phu.
-Cao cao tổ triều quan tử huyện thừa tự Công Lan Bùi công (giỗ 16/2).
Cao cao tổ tỉ triều quan huyện thừa Bùi chính thất là Bùi Thị Hạnh, tứ phu nhân, huý Thị Sơn.
Cao tổ khảo quan viên tôn khanh đình kì lão, tự Công Lãm Bùi công thuỵ Đôn Phác phủ quân, thọ 70 tuổi.
Cao tổ tỉ quan viên tôn khanh đình kì lão, chính thất, tam phu nhân.
-Tằng tổ khảo tri sự hương đình kì lão, Bùi công, thuỵ Phác Trực phủ quân, con của Công Lãm, huý Công Vẻ, giỗ 22/10.
Tằng tổ tỉ tri sự hương đình kì lão Bùi chính thất Phạm Thị Hạnh, hiệu Từ Thục phu nhân.
-Hiển tổ khảo quân vân kị uý trúng tuyển, tự (tên chữ) là Vũ Bá Bùi công. Tên thuỵ là Lệnh tư tráng sĩ phủ quân (là con của Bùi Công Vẻ, huý là Bùi Tăng).
Hiển Tổ tỉ, Bình nam kiệt trung tướng quân, Vân kị uý trúng tuyển, là chính thất, gọi là Bùi Thị Hành, hiệu là Trang Từ.
-Tổ khảo quan viên tử đề lại đăng sĩ lang Bùi Huy Khuê (con Bùi Tăng)
-Tổ khảo Bùi Duy Hoà tự Huy Chương, huý Danh Vượng (con Bùi Huy Khuê)
-Hiển khảo Bùi Điếu tự Danh Bình, Bùi Đinh tự là Định (con trưởng, con thứ Bùi Huy Chương)
-Hiển khảo hương đình lão nhiêu họ Bùi, tự Lưu Quang, thuỵ là Phác Thực phủ quân (con trai Bùi công huý Hợp), giỗ 6/11.
Hiển tỉ hương đình lão nhiêu Bùi công chính thất (không rõ).

Lời chú của Bùi Xuân Vịnh: Nghiên cứu kỹ nội dung và đối chiếu nhiều tài liệu thấy:
1.Gia phả này là bản do cháu cụ Huy Chương viết lại 1909, đã qua 3 lần viết lại, sai nhầm là thường. Cụ Giám viết đầu (1572), cụ Khuê viết lại và tiếp năm 1802. Cụ Chương viết lại và tiếp sau năm 1826. Cháu cụ Chương viết lần cuối vào năm 1909.
2.Các lần viết lại đều nối liên tục tên các thế thứ nên có độ tin cậy nhất định.
3.Các nội dung cần khẳng định: -Cụ Quốc Hưng là cháu cụ Mộc Đạc. Vì cụ Quốc Hưng còn tại nhiệm (1437) khi cụ Mộc Đạc đã mất trên 100 năm (cụ mất 1326).
-Cụ Giám viết vào niên hiệu Hồng Phúc. Vì Hồng Đức có 28 năm (1470-1497). Gia phả không ghi năm (thứ mấy) chỉ ghi ngày tháng tốt. Hồng Phúc chỉ một năm 1572 (tháng Giêng/1572, Lê Anh Tông tế trời bị rơi lư hương xuống đất là “điềm dữ” nên đổi niên hiệu Hồng Phúc. Năm 1573, Lê Thế Tông lại đổi là Gia Thái). 28 năm Hồng Đức: 1470 Canh Dần - 1474 Đinh Tỵ không có năm Giáp Tuất để Cụ Giám thi trúng giám sinh như gia phả ghi. Năm Giáp Tuất 1574, mùa xuân nhà Mạc mở khoa thi Hội. Năm này cụ Giám thi trúng giám sinh. Cho dù viết cuối niên hiệu Hồng Đức, năm thứ 28, 1497, mà năm 1437 cụ Quốc Hưng còn tại nhiệm. Từ cụ Quốc Hưng đến cụ Giám có 10 đời, 60 năm (qua các cụ Bùi Bị-Bùi Ban-Bùi Khanh-Bùi Lĩnh-Bùi Vật-Bùi Khiêm-Bùi Lộc-Bùi Vinh-Bùi Giám) là khó thể có (coi là sai) (sửa 14/02/13)-BXV.