Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Ý KIẾN THAM GIA CHUẨN BỊ CHO ĐẠI HỘI LẦN II

                                                                                                                                    BÙI XUÂN VỊNH
Mục tiêu và phương châm hoạt động dòng tộc:
     Nhìn lại quá trình hoạt động dòng họ toàn quốc từ sau Đại hội I tháng 4/2008 với mục tiêu phấn đấu vì CĐHBVN Đoàn kết – Tương trợ - Phát triển và phương châm hoạt động: Liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu là chuẩn chưa có thể thay đổi. Đại hội II tới, chưa nên thay đổi gì tinh thần cốt lõi mà cần bàn nhiều về tổ chức thực hiện phương châm một cách tập trung, hiệu quả ngày càng cao để đạt mục tiêu. Có cách lý giải 16 chữ là mục tiêu, 6 chữ là phương châm hoạt động của CĐHBN. Thực ra, đoàn kết, tương trợ, liên kết, tìm, tôn vinh, động viên (loạt động từ) trong 22 chữ đều đòi hỏi việc làm, hành động hiệu quả chứ không phải lời nói hoặc khẩu hiệu. Khi chưa có tổ chức họ cả nước hay từng tỉnh thì dòng Bùi từng làng, từng thôn vẫn khổ công tìm cội nguồn, chăm lo tôn vinh tổ tiên, ra sức động viên con cháu khá tốt, nhiều vẻ và sáng tạo nên không ít dòng họ thực sự là dòng họ đoàn kết, tương trợ nhau, cùng phát triển. Khi có tổ chức họ cả nước hay từng tỉnh thì mới cần sự liên kết và thống nhất cách thức, nội dung, phương hướng, biện pháp tìm, tôn vinh, động viên thế nào để được dòng họ cả nước hay toàn tỉnh thực sự là dòng họ Đoàn kết – Tương trợ - Phát triển đã ghi trên tộc huy dòng họ.
Định hướng chung về hoạt động dòng tộc:
     Thời gian không ít vừa qua, tổ chức họ cả nước hay có địa phương đã trăn trở, băn khoăn, lo lắng về hướng hoạt động để có kinh tế. Nhưng thực sự là khó khăn. Điều này khẳng định tổ chức dòng họ đích thực là tổ chức văn hoá và chính kết quả văn hoá (vật thể, phi vật thể) mới có giá trị trường tồn. Cũng có thể có hiệu quả kinh tế. Khi đó, tổ chức họ hoạt động theo loại hình ngành kinh tế-văn hoá mà cũng chẳng dễ dàng gì. Là tổ chức văn hoá thì tương trợ nhau dưới góc độ kinh tế không đáng kể cũng là bình thường. Tương trợ nhau kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng… mới cần làm trọng. Đại hội II nên bàn thảo hướng hoạt động về văn hoá tâm linh. Nếu hoạt động tốt, mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ để lại ít nhiều thành quả bảo trì, tôn tạo, xây mới khu di tích, đền thờ, từ đường, lăng mộ thờ các danh nhân, đức tổ họ Bùi; Mỗi thời đoạn tạo ra được tập phả Bùi từng tỉnh, từng vùng.. , cả nước, hay hệ thống được lễ nghi thờ tự, lễ giỗ, lễ hội các danh nhân, đức tổ Bùi …thì sẽ để lại phía sau (cái hồn) cho muôn đời hậu duệ, con cháu Bùi cả nước nhìn vào mà phấn đấu.    
Cơ cấu tổ chức và chức năng:
     Nhìn và nghĩ việc họ thì cần nhìn xa trông rộng, nhưng về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ lại cần gom gọn, rõ, thiết thực. không tham nhiều chức năng. Đặc biệt cần làm rõ để làm tốt mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ cấu. Thời gian qua ta đã chăm lo phát triển tổ chức họ. Nhưng cấp tỉnh chưa đủ, có nơi mới có cấp huyện. Chức năng tổ chức họ cũng còn có tính thử nghiệm. Đại hội II nên bàn biện pháp phát triển đủ tổ chức cấp tỉnh đi kèm chức năng nhiệm vụ cụ thể thiết thực.
     Cơ cấu tổ chức và quan hệ, nhất trí Hội đồng họ Bùi Việt Nam (cấp toàn quốc) lãnh đạo, Ban liên lạc (có Thường trực) họ Bùi Việt Nam (cấp toàn quốc) điều hành toàn quốc. Cấp tỉnh có Hội đồng họ Bùi tỉnh lãnh đạo, Ban liên lạc (có Thường trực) họ Bui tỉnh điều hành toàn tỉnh. Cấp dưới tỉnh thì vận dụng.
     Về từ ngữ, đề nghị thống nhất là họ Bùi Việt Nam, và Ban Liên lạc họ Bùi Việt Nam, không thêm cặp từ cộng đồng, không dùng Ban Chấp hành thay cho Ban Liên lạc..
Tổ chức bộ máy BLLHBVN:
     Nhìn lại 8 bộ phận của nhiệm kỳ I, đề xuất tới cần những bộ phận đảm nhận các công việc như sau:
1.Văn phòng Ban liên lạc: Bộ phận quan trọng, không thể thiếu; Duy trì, phát huy tốt lịch trực như hiện nay (sáng thứ 7 hàng tuần); Giữ vai trò trung tâm, đầu mối liên lạc, liên kết dòng họ cả nước; Đã góp sức nhiều cho hoạt đông dòng họ thời gian qua. Đề nghị tăng cường tính kế hoạch; Giúp Ban liên lạc dòng họ theo dõi, quản lý, tổng hợp tốt hơn, sát hơn, hiệu quả hơn các bộ phận, các địa phương.
2.Ban Thông tin – tư liệu (TT-TL): Bộ phận không thể thiếu. quản lý Ấn phẩm và Trang Web Họ Bùi Việt Nam. Vừa qua đã cố gắng duy trì phát hành ấn phẩm/quý nhưng chất lượng còn hạn chế, nhiều sai sót. Trang Web còn ít cập nhật, bỏ trống nhiều thời gian. Đề nghị tăng thêm người làm hiệu suất, chất lượng; Thống nhất, tằng cường quản lý, phân công trách nhiệm, xây mạng lưới cộng tác viên, phát hành, giữ nguyên tắc là 2 phương tiện thông tin chủ yếu của dòng họ, đảm bảo phản ảnh được định hướng và thực tiễn hoạt động nhiều mặt, nhiều địa phương, nhiều dòng họ cả nước và nước ngoài.
3.Ban Tổ chức - Kiểm tra (TC-KT): Đề nghị ghép công tác kiểm tra (để riêng gây nặng nề) với tổ chức nhân sự để phối hợp phát triển tổ chức dòng họ cả toàn quốc lẫn địa phương; Xây dựng các quy chế, quy ước, nội quy hoạt động dòng họ; Phát hiện, lựa chọn nhân sự xây dựng bộ máy tổ chức hoạt động hiệu quả cho dòng họ toàn quốc cũng như địa phương; Đánh giá tổ chức và cá nhân thành viên họ Động viên, phát huy mặt tốt, đảm bảo đoàn kết dòng họ thống nhất, uốn nắn kịp thời các lệch lạc.
4.Ban Liên kết dòng tộc (LKDT): Bao gồm các hoạt động ghép nối dòng tộc, nghiên cứu các mối quan hệ trên cơ sở hướng dẫn, tư vấn biên soạn gia phả, xây dựng phả hệ tộc Bùi từng địa phương, cả nước, là bộ phận phải đi nhiều địa phương, cơ sở, là nội dung quan trọng của việc họ. Đề nghị không dùng tên “phát triển cộng đồng ?!” không sát nghĩa, chuyển chức năng phát triển tổ chức họ cho ban TC-KT.
5.Ban Di tích lịch sử: Bao gồm việc nghiên cứu phát hiện, khai thác, bảo quản, phát huy, tôn tạo, phát triển các di sản vật thể, phi vật thể thuộc dòng họ. Khối lượng công việc khá nhiều thuộc về lăng miếu, từ đường, đền thờ, mộ chí cụ tổ các dòng, văn bia, thần tích, thần phả.. các dòng họ, danh nhân họ Bùi… kể cả lễ nghi, tập tục thờ tự, lễ hội. Chức năng về tư liệu có thể chuyển cho ban TT-TL.
6.Ban Công tác họ Bùi nước ngoài: Là bộ phận khó khăn nhất trong hoạt động, cố gắng giới hạn ở mức phát hiện, liên lạc, tập hợp được người họ Bùi đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài hướng về cội nguồn, tổ tiên nơi chôn rau cắt rốn, nếu có thể được thì động viên sự tài trợ cho tổ chức họ trong nước (hoặc tổ chức gặp mặt được bà con mỗi dịp tết về thăm quê).
7.Ban Khuyến học, khuyến tài: Công việc cụ thể, thiết thực cho động viên con cháu, phát triển dòng họ; Động viên, xây dựng được nguồn quỹ khuyến học khuyến tài: Tập hợp, phát hiện được các cháu học sinh, sinh viên dòng họ học giỏi, rèn luyện tốt, có năng khiếu, có khả năng bồi dưỡng thành tài; Xây dựng nguyên tắc, hình thức, mức độ khen thưởng học sinh, sinh viên dòng họ từng cấp toàn quốc, tỉnh, huyện, xã, dòng họ. Chưa thành lập được ban riêng đề nghị giao chức năng này cho ban TC-KT hoặc LK-DT. 
8.Loại hình Câu lạc bộ (CLB): Người cùng họ có thể xây dựng nhiều loại CLB. Sắp tới đề xuất 2 loại hình CLB – CLB Doanh nhân, doanh nghiệp họ Bùi và CLB Con dâu, con gái họ Bùi. Hai loại hình này đã trao đổi, bàn thảo nhiều. Chuyển các kết quả đã bàn thảo hình thành 2 loại hình tổ chức mới này để có thể thực thi trong nhiệm kỳ II.

ĐỀ XUẤT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY BLLHBVN

Tham gia ý kiến chuẩn bị ĐH toàn quốc lần thứ 2
                                                                                                                                    BÙI HUY PHÁC
     BLLHBVN có chức năng nhiệm vụ điều hành, tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước các hoạt động của dòng họ đã được ghi trong Nghị quyết đại hội của cộng đồng, của các hội nghị BLLHBVN, của Thường trực BLLHBVN và các việc đột xuất theo yêu cầu của cộng đồng và của thực tiễn hoạt động dòng họ. Mục tiêu hoạt động dòng họ đã được cộng đồng xác định là “Đoàn kết – Tương trợ - Phát triển” trong đó Phát triển là mục đích cao nhất của hoạt động.
     Để thực hiện mục tiêu phát triển, nhìn lại hoạt động vừa qua cho thấy ta nên hướng tổ chức công việc tập trung vào 3 trọng tâm sau, đủ cả bề rộng, chiều sâu trong hoạt động, đem đến hiệu quả có ích.
1.Hướng phát triển bề rộng - Nội dung: Vun đắp quan hệ cộng đồng HBVN, tổ chức BLLHB đầy đủ trên địa bàn cả nước và ở nước ngoài (nơi có đông đảo người họ Bùi), làm tốt thông tin liên lạc thường xuyên, hiệu lực. Chăm lo công việc tổ chức, tìm kiêm những người con dòng họ có tâm-tài-lực thường xuyên bổ sung cho lực lượng hoạt động dòng họ. Xây dựng các quy chế, quy định, nghi lễ, nghi thức, văn bản…phục vụ các hoạt động cộng đồng.
     Tổ chức: Công việc ở đây xem như một khối có 4 Tiểu ban: Văn phòng BLLHBVN, Tiểu ban Phát triển cộng đồng trong nước, Tiẻu ban phát triển cộng đồng ở nước ngoài, tập san HBVN và Website HBVN, Quỹ HBVN (trong VP)
     Phụ trách: 1 Vị Phó trưởng ban BLLHBVN, trực tiếp làm công việc Tổ chức, phụ trách toàn khối, chỉ đạo 4 Tiểu ban.
2.Hướng phát triển thứ nhất về chiều sâu - Nội dung: Hướng về Tổ tiên và lịch sử, tìm hiểu về nguồn gốc dòng họ, về quá trình hình thành và phát triển HBVN, hướng tới công trình viết Lược sử HBVN. Giúp các nơi biên dịch gia phả cổ, hướng dẫn nơi thất lạc hoặc chưa có lập gia phả mới, giúp tìm dòng nối kết, lập các phả hệ từ nhỏ đến lớn, tùy điều kiện lịch sử từng nơi. Từ kết quả ở các tỉnh thành, các vùng miền sẽ có tư liệu cho việc tổng hợp chung. Cùng các thành viên có liên quan tại các địa phương nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về tôn tạo hoặc xây mới từ đường, lăng miếu Tổ tiên. Nghiên cứu những phẩm chất tiêu biểu, đặc trưng của Tổ tiên, Ông cha, đúc kết lại thành di sản tinh thần của dòng họ truyền lại cho con cháu đời đời. Lập kế hoạch tiếp tục biên soạn và xuất bản bộ sách Danh nhân họ Bùi và các tác phẩm khác có liên quan đến dòng họ.
     Tổ chức:Công việc ở đây được xem như một khối có 3 Tiểu ban: Tiểu ban Lược sử, Tiểu ban gia phả, Tiểu ban Tu thư (làm sách).
     Phụ trách: 1 Vị Phó ban BLLHBN phụ trách toàn khối, chỉ đạo 3 Tiểu ban.
3.Hướng phát triển thứ hai về chiều sâu - Nội dung: Hướng tới hậu duệ - các thế hệ họ Bùi đương đại và tương lai. Liên kết cộng đồng, tập hợp tiềm năng mọi mặt của con em họ Bùi, quy tụ anh em bà con lại, từng bước, theo một số chuyên ngành và nghề nghiệp phổ biến mà hình thành đông đảo các tổ chức thích hợp (ở tuyến cả nước hoặc ở tuyến tỉnh thành, cơ sở) để anh chị em cùng nhau làm việc mưu lợi ích chung trên tinh thần “ích nước lợi nhà vinh danh dòng họ”.
     Tại những tổ chức này, về giá trị vật chất thiết thực là những sản phẩm, công trình, dịch vụ…do nhân, tài, vật, lực mà anh chị em cùng góp lại, đầu tư và làm việc đã tạo ra; Về giá trị tinh thần đó là tạo ra được nơi cho con cháu dòng họ gắn bó, cùng làm việc với lòng tự hào truyền thống tổ tiên và lòng tin cậy của con em một nhà.
     Đây là sức sống lâu bền của hoạt động dòng họ, là nội dung chính yếu của sự “Phát triển”.
     Các ngành nghề phổ biến sẽ tập hợp dần sau đây: sản xuất kinh doanh (doanh nhân, doanh nghiệp), văn hoá giáo dục (nhà giáo, việc huyến học, khuyến tài..), khoa học kỹ thuật (thầy thuốc, nghệ nhân các nghề, người làm nông giỏi..), văn hoá nghệ thuật (nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ …), các hoạt động hội đoàn (con dâu, con gái, cựu chiến binh..).
     Tổ chức: Tên gọi cho các tổ chức nói trên có thể tuỳ chọn thích hợp như: Hội, Chi hội, Liên chi hội, Câu lạc bộ... Công việc ở đây rất nhiều, nhưng vẫn coi như một khối, có 4 Tiểu ban: Tiểu ban kinh tế, Tiểu ban khoa học – công nghệ, Tiểu ban Văn hoá - Nghệ thuật, Tiểu ban Hội Đoàn.
     Phụ trách: 1 Vị Phó ban BLLHBVN phụ trách toàn khối, chỉ đạo 4 Tiểu ban.
Tổng hợp: Đề xuất tổ chức BLLHBVN trên đây, cố gắng sắp xếp công việc theo hệ thống, có thể giúp Thường trực Ban liên lạc nhìn nhận bao quát đầy đủ những công việc cần thiết, bám sát mục tiêu và điều hành hoạt động một cách có hiệu lực. Bên cạnh vị Trưởng ban có 1 vị Trợ lý Trưởng ban, với 3 vị Phó trưởng ban chỉ đạo tập trung vào 3 khối công việc rõ rệt gồm 12 Tiểu ban.
     Theo mô hình này, Thường trực BLLHBVN có 17 vị, gồm:
                                    Trưởng ban và 3 Phó trưởng ban: 4 vị
                                    Trợ lý Trưởng ban                    : 1 vị
                                    Cảc Trưởng tiểu ban                 : 12 vị
     Việc tìm kiếm nhân sự thích hợp rất cần thiết, bố trí được 12 vị Trưởng Tiểu ban thạo việc, 3 vị Phó trưởng ban Ban liên lạc mạnh, 1 vị Trợ lý Trưởng ban Ban liên lạc nhìn rộng và năng nổ, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều hành của vị Trưởng ban Ban liên lạc trong nhiệm kỳ tới.

PHÁT BIỂU CỦA BÙI XUÂN VỊNH TẠI BUỔI HỌP MẶT ĐẦU XUÂN NHÂM THÌN 2012

Bài phát biểu tại buổi Họp mặt đầu xuân Nhâm Thìn - 2012
của họ Bùi TP Vinh và vùng phụ cận

      Kính thưa các vị đại diện lãnh đạo địa phương! Kính thưa các bậc trưởng lão!
      Thưa các bác, các anh chị trong Ban liên lạc và bà con cô bác họ Bùi TP Vinh và vùng phụ cận
      Bác Bùi Đình Phi và tôi được Thường trực BLLHBVN cử vào dự buổi họp mặt đầu xuân Nhâm Thìn 2012 của bà con họ Bùi TP Vinh và vùng phụ cận nhưng bác Phi đột xuất không tới dự được.
     Xin cho phép tôi được chuyển lời hỏi thăm và lời chúc thân tình của Hội đồng trưởng lão HBVN, của Thường trực BLLHBVN tới đại diện lãnh đạo địa phương, các bậc Trưởng lão, các bác các anh chị trong BLLHB TP Vinh và vùng phụ cận và toàn thể bà con họ Bùi ta có mặt tại buổi họp mặt hôm nay, một năm Nhâm Thìn 2012 sức khoẻ dồi dào, tràn đầy hạnh phúc và luôn luôn phát triển.
     Mang theo ấn tượng tốt đẹp về họ Bùi TP Vinh và vùng phụ cận mấy lâu, nay lại được đến dự buổi họp mặt trọng thể này làm tôi nhớ lại năm rưỡi trước, khi vừa trải qua trận đại hồng thuỷ hàng trăm năm mới có, chưa kịp dọn hết hậu quả mà TP Vinh và vùng phụ cận đã thực hiện thành công ngoài mong đợi một đại hội đại biểu họ Bùi rất ấn tượng, thể hiện sức mạnh tinh thần được kết tinh của người họ Bùi cộng với người Nghệ An.
     Kể từ ngày Đại hội lần I ngày 24 tháng 10 năm 2010 đó đến nay chưa tròn 18 tháng mà CĐHB TP Vinh và phụ cận đã tổ chức được một buổi họp mặt đầu xuân long trọng thế này; Hơn thế BLLHB của các bác hoạt động rất đều với nội dung phong phú, chất lượng cao, giải quyết nhiều công việc về kết nối dòng tộc, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu; Đặc biệt đã xây dựng được trang Web phong phú rất hữu ích mà không phải tổ chức họ Bùi nào cũng có và hỗ trợ tích cực để huyện Quỳnh Lưu tổ chức được đại hội họ Bùi toàn huyện; Những thành tựu trên là những tin vui của họ Bùi TP Vinh và phụ cận làm nức lòng bà con họ Bùi, tạo niềm tin tưởng và sự trân trọng của BLLHBVN đối với các kết quả đó.
     Thời gian chưa dài, thành tựu cũng chưa thật nhiều nhưng đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, sự đóng góp tinh thần, vật chất, công sức của tất cả bà con họ Bùi TP Vinh và phụ cận, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực tích cực đầy tâm huyết và trách nhiệm của tập thể Ban liên lạc dồi dào trí tuệ và năng lực. Họ Bùi TP Vinh và vùng phụ cận đã minh chứng điều giản dị mà cực kỳ quan trọng: Tổ chức họ, công việc họ của dòng họ, do dòng họ và vì dòng họ. Có lẽ đây là bài học thành công bắt đầu cho các dòng họ muốn phát triển đi lên.
     Thưa các cụ, các bác, các anh chị, TP Vinh, trung tâm của Nghệ An. Nghệ An là tỉnh lớn nhất nước (trên 16 km2 về diện tích), dân số chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hoá; Là vùng địa linh nhân kiệt, quê hương Xô Viết, quê hương Bác Hồ và các vị tiền bối Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu…; là trung tâm Bắc-Nam, Đông-Tây của đất nước…, là địa phương dồi dào tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng văn hoá, trong đó có văn hoá dòng họ.
     Về mặt dòng họ, Họ Bùi TP Vinh, họ Bùi Nghệ An đang có những chứng tích có nguồn gốc từ trước công nguyên. Đó là lão tướng Bùi Văn Thốn, con gấu phương Nam của An Dương Vương, tới đây chắc sẽ được thông tin những tư liệu ban đầu về lão tướng. Các dòng họ Bùi tại Nghệ An còn là nơi phát tích (xuất xứ) của một số chi họ Bùi Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và có thể còn tới các tỉnh Nam bộ 
     Về hoạt động cụ thể, thường xuyên, họ Bùi thành Vinh cũng như họ Bùi các nơi khác trên toàn quốc đều cùng chăm lo việc sưu tầm, viết gia phả, sửa chữa, tu tạo, xây mới mộ tổ, từ đường, tổ chức giỗ tổ, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, mừng thọ các cụ cao niên, hướng dẫn, giúp đỡ con cháu làm ăn phát đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển.    
     Hiện nay, BLLHBVN đang hướng hoạt động chuẩn bị cho Đại hội họ Bùi toàn quốc lần thứ II dự kiến tổ chức vào đầu Quý II/2013, mà thông báo và kế hoạch tổ chức đại hội đã được Thường trực BLLHB toàn quốc cho đăng tải trên tập san 19 của họ. Trọng tâm hoạt động họ vẫn tiếp tục phát triển tổ chức họ từ 37 tỉnh hiện nay lên để có tổ chức dòng họ trên tất cả 63 tỉnh, đồng thời với việc định hướng hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhằm thực hiện mục tiêu ĐH I đã đề ra là: Xây dựng cộng đồng họ Bùi Việt Nam thống nhất, đoàn kết – tương trợ - cùng phát triển theo phương châm: Liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, để cùng với các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam xây dụng nước Việt Nam: Dân giàu - Nước mạnh - Dân chủ - Công bằng - Văn minh.
     Là tổ chức họ trung tâm của Nghệ An, tỉnh có 17 huyện mà theo chúng tôi đều có người họ Bùi, làm thế nào phát huy được tiềm năng văn hoá, truyền thống của vùng quê hiếu học, cần cù lao động sáng tạo, khơi dậy được ý thức hướng về cội nguồn làm động lực cho hiện tại và phát triển tương lai, để trong thời gian không xa có được tổ chưc họ Bùi toàn tỉnh. Đó là bài toán đặt ra cho BLLHB TP Vinh và vùng phụ cận cũng như tất cả bà con họ Bùi tâm huyết vì dòng tộc văn hiến của chúng ta.
      Xin chúc họ Bùi TP Vinh và vùng phụ cận thực hiện được và thực hiện tốt những nội dung mà Đại hội đại biểu lần thứ nhất năm 2010 đã đề ra.
     Lần nữa xin chúc sức khoẻ quý đại biểu, các bậc cao niên, bà con cô bác họ Bùi và xin hẹn gặp lại.
     Xin cảm ơn.                                                                  BÙI XUÂN VỊNH

NGUỒN GỐC HỌ BÙI TRONG DÂN TỘC VIỆT NAM

(Phát biểu tại buổi họp mặt đầu xuân Nhâm Thìn của họ Bùi thủ đô Hà Nội)
                                                                                                            GIÁO SƯ BÙI PHAN KỲ
     Kính thưa các bậc phụ lão của họ cùng toàn thể bà con họ Bùi tới dự cuộc họp mặt đầu xuân năm Nhâm Thìn!
     Hội đồng Trưởng lão cùng Thường trực Ban liên lạc họ Bùi toàn quốc rất vui mừng tới dự cuộc họp mặt đầu xuân của bà con họ Bùi thành phố Hà Nội, được tiến hành luân phiên trên từng vùng đất in dấu lịch sử họ Bùi. Năm ngoái tại Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là nơi Dụ Quận công Bùi Nghiêm Phổ đã đem thực ấp vua ban mở chợ cho dân lập nghiệp, được phong Phúc Thần từ thời Tiền Lê. Năm nay tại Ngãi Cầu, An Khánh huyện Hoài Đức là nơi Viễn tổ Bùi Mậu Miên từ thế kỷ XVII đã dẫn đầu 8 chi họ Bùi về định cư, khi mất được thờ làm Hậu Thần từ năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị (1670) cùng Ngũ vị đẳng thần tại ngôi đình cổ đã cùng với chùa làng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá của Thủ đô từ năm 1989. Sang năm, được biết bà con họ Bùi ở xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín, nơi có đền thờ "Thánh Gióng báo ơn mẹ" là Quốc mẫu Văn Lang Bùi Thị Dung, cũng đăng cai mời bà con họ Bùi thủ đô về họp mặt, là vùng đất thiêng có giá trị lịch sử đáng tự hào của họ Bùi ta.
     Ban liên lạc họ Bùi Hà Nội, tuy hình thành khá sớm, nhưng cùng với Thủ đô qua nhiều thay đổi về địa giới, lại là nơi có trụ sở của Ban liên lạc toàn quốc, số bà con thu hút vào việc cả nước có tới hàng trăm, nếu tính từ ngày 07-3-2009 hợp nhất hai ban liên lạc của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây tại nhà bác Bùi Thành Phần đến nay vừa được 3 năm, nhưng đến hôm nay đã tổ chức được cuộc gặp mặt đầu xuân lần thứ hai, tức là sau 3 năm hợp nhất đã tổ chức được 2 lần họp mặt, là những nỗ lực rất lớn của tập thể và Th­ường trực Ban liên lạc thành phố Hà Nội, các bác Bùi Văn Tý (năm ngoái), bác Bùi Xuân Đàm (năm nay), với sự hỗ trợ đắc lực của bà con họ Bùi ở Chúc Sơn, Chương Mỹ và họ Bùi ở Ngãi Cầu, An Khánh.
     Nhân việc "liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn" của bà con họ Bùi thủ đô, Thường trực Ban liên lạc toàn quốc xin báo cáo tóm tắt về "nguồn gốc họ Bùi trong dân tộc Việt Nam", vì gần đây trên toàn quốc, thấy xuất hiện một số nhận thức cần được làm rõ: Trên website của họ Bùi hobuivietnam.com.vn, có độc giả nêu lên câu hỏi: Họ Bùi xuất xứ từ đâu? Và cũng đã lưu hành trên mạng, trên ấn phẩm họ Bùi, trong những tài liệu gửi về cho Thường trực, trong những cuộc gặp mặt… nhiều cách lý giải, có thể tóm tắt thành mấy nhận thức dưới dây:
     - Trên mạng có người họ Bùi ở Nam Định  giải thích rằng họ Bùi sinh ra từ họ Trần, là con cháu Trần Thủ Độ. Khi đổi họ thì nhân họ gốc là Trần, được hiểu như "ở trần, không mặc áo" mà viết theo chữ Hán hai từ "Phi", "Y" thành ra chữ Bùi. Cách giải thích theo lối triết tự này không đáng tin cậy vì Trần Thủ Độ hoạt động vào đầu thế kỷ XIII, mà mộ hai viễn tổ Bùi Thạch tại Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ là thuộc tướng của bà Thiều Hoa, dưới trướng của Hai Bà Trưng, đã có từ thế kỷ thứ nhất SCN. Bởi vậy cách lý giải đó không phù hợp với thực tế lịch sử. Còn việc tìm hiểu chữ Bùi từ đâu ra, sẽ bàn trong một chuyên đề khác.
     - Cũng ở trên mạng, lưu hành một nguồn tin, trích từ sách "Thông chí thị tộc học" của Trung Quốc, kể rằng dưới thời vua Đại Vũ nhà Hạ, có ông Bá Khôi tại tỉnh Hà Đông (phía Đông sông Hoàng Hà) được triều đình ban cho đất làng Bùi, con cháu nhân đó lấy tên làng Bùi làm họ. Từ đó họ Bùi có gốc từ tỉnh Hà Đông bên Trung Quốc.
     - Ứng với nguồn thông tin đó, tháng trước, Thư­ờng trực Ban liên lạc toàn quốc nhận được một văn bản có đầu đề "Lược sử họ Bùi" có đoạn mở đầu, coi như đã khẳng định: "Từ khởi thuỷ đến ngày nay, Tộc Bùi trải qua ba thời kỳ. I- Thời khởi thuỷ (từ năm 257 TCN đến năm 883 SCN): Tộc Bùi có ở Trung Hoa không rõ niên kỷ nào, năm 1013 TCN đã có ngài Bùi Hữu Đạo là một quan văn rất danh tiếng, có công lớn với triều Tây Chu Khang Vương, năm 257 TCN có ngài thuỷ tổ Bùi Hữu Trường, tên tự Từ Trường, ở Hương Cảng - Việt Đông (tương đương với thời đại Hùng Vương ở Việt Nam) truyền thế Đại tộc Bùi được 38 đời, trải qua 1.140 năm. II- Thời kỳ vào Cao Bằng đến Thanh Hoá (883-1483). Vào đời thứ 38, ngài Bùi Hữu Hoà (883 SCN) đến định cư tại Cao Bằng là một trong Ngũ Gia tánh (Bùi, Triệu, Mạc, Lý, Từ). Con cháu họ Bùi sinh sôi nảy nở…".
     Theo tác giả bản "Lược sử họ Bùi" trên đây thì từ các viễn tổ Bùi Thạch, các danh nhân họ Bùi giúp Lê Lợi, tới các danh nhân ở Thịnh Liệt đều là con cháu ngài Bùi Hữu Hoà từ Trung Quốc sang Cao Bằng định cư... Kết luận này tự nó đã chứa mâu thuẫn vì tới năm 883 SCN, ngài Bùi Hữu Hoà mới vào Cao Bằng định cư thì các cụ Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê là người bản địa đã làm tướng giúp bà Trưng đánh quân Đông Hán cách đó 840 năm. Xét trong danh sách các quan cai trị người Trung Quốc được phái sang Việt Nam trong thời Bắc thuộc tính từ Thạch Đái là viên Thái Thú đầu tiên (vào năm 111 TCN) đến viên Tiết độ sứ thứ 129 là Độc Cô Tổn (cai trị Việt Nam vào năm 905 SCN) rồi bị Khúc Thừa Dụ là người Việt quê Hồng Châu (Hải Dương) đánh bại, tự lập làm Tiết độ sứ, có 3 viên quan đô hộ mang họ Bùi là Bùi Thái (802-803), Bùi Hành Lập (813-817, quay lại vào năm 820), sau lại có Bùi Nguyên Dụ (846-848) tiếp nối quan đô hộ Vũ Hồn (841-843). Bởi vậy, nên tìm mối quan hệ giữa ngài Bùi Hữu Hoà, từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 883 với các viên quan đô hộ họ Bùi từ 802 tới 848 thì có lý hơn là khẳng định trong "Lược sử tộc Bùi" rằng đó là thuỷ tổ của họ Bùi bản địa.
     Đó là vì tác giả chưa biết đến mộ và miếu thờ của Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn, còn lưu giữ cả sắc phong Phúc Thần tại làng Bất Nạo, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã làm tướng cho Hùng Duệ Vương từ những năm đầu thế kỷ thứ 3 TCN, càng chưa biết đến quốc mẫu Bùi Thị Dung, sinh ra Thánh Gióng con gái của cụ Bùi Cẩn và Phạm Thị Hoà, quán trang Khê Đầu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là làng Bộ Đầu, xã Bộ Đầu (đổi thành xã Thống Nhất) huyện Thường Tín, Hà Nội, chồng là quan lang Đổng Gia, Châu Đại Man (nay thuộc Tuyên Quang). Họ Bùi đã lập nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ từ đời Hùng Vương thứ VI, nay còn thần phả do các sử thần triều Tiền Lê chép lại, không thể đem so với "Ngài thuỷ tổ Bùi - Hữu Trường" sinh sống vào năm 257 TCN (cùng năm Thục Phán lên làm vua). Cứ lấy năm 1013 TCN có ngài Bùi Hữu Đạo là quan văn rất danh tiếng triều Chu Khang Vương thì cũng không liên quan gì đến tổ tiên họ Bùi ở Việt Nam. Vì Khang Vương là con của Thành Vương, Thành Vương lại là con Vũ Vương, cháu nội Văn Vương (1219-1122), là người vốn không làm vua, được con là Vũ Vương tôn lên làm phụ hoàng, sáng lập Tây Chu. Còn ở Việt Nam, Phù Đổng đánh giặc Ân từ triều Hùng Vương thứ VI (1401-1112), tương đương với triều Ân - Thương bên Trung Quốc (1160-1027 TCN), rất lâu trước thời Tây Chu (1027-770) và Đông Chu (770-221 TCN).
     Viết sử dòng họ là việc rất trọng đại, phải có sử liệu, cứ liệu đầy đủ và có sự đóng góp trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu. Nó khác hẳn việc viết phả của từng chi phái về ông cha và các cụ tổ trực hệ mà mình có tài liệu.
     Gần đây, trong cuộc họp mặt đầu xuân của bà con họ Bùi ở Bắc Giang, cũng có vị, trong phần tự do diễn đạt, đã nói rằng: 90% văn hoá, lễ giáo của người Việt Nam là văn hoá, lễ giáo Trung Quốc, do đó mỗi người Việt Nam có 90% dòng máu là Trung Quốc. Không có thời gian bàn vấn đề này trong cuộc họp đầu xuân, nhưng nhận thức đó khiến số anh em trong Thường trực Ban liên lạc toàn quốc dự họp, trên đường về, đã quan tâm trao đổi. Bởi vậy, trong buổi họp mặt đầu xuân của bà con họ Bùi thành phố Hà Nội hôm nay, chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải khẳng định lại những điều mà hoạt động "tìm về cội nguồn" của họ ta trong mấy năm nay đã cho phép kết luận:
     Họ Bùi Việt Nam là một họ bản địa, có gốc trên đất Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. Nhiều tư liệu chứng minh rằng 18 đời vua Hùng không phải là 18 đời vua mà là 18 dòng, mỗi dòng có nhiều đời (nhà sử học Trần Huy Bá dựa vào ngọc phả chữ Hán (ký hiệu 1227) còn lưu tại Thư viện Khoa học xã hội - Hà Nội đã tính ra được 47 đời vua). "Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền" ghi: "Hùng Quốc Vương tức Hùng Vương dòng thứ nhất, huý Lân Lang, lên ngôi năm Nhâm Dần (2359 TCN), Hùng Vương dòng thứ 6 được ghi nhận có niên đại từ 1401 đến 1121 TCN, trong thời gian đó xảy ra sự kiện Phù Đổng đánh giặc Ân, sự kiện đã được dân gian huyền thoại hoá nhưng tư liệu về trang Khê Đầu có cụ Bùi Cẩn - Phạm Thị Hoà sinh ra bà Bùi Thị Dung là mẹ Thánh Gióng có thể coi là tư liệu lịch sử chứ không phải là truyền thuyết, vì tư liệu đó là của Bộ Lễ, triều Lê Anh Tông, do đại thần "Hàn lâm lễ viện Đông các đại học sĩ" Nguyễn Bính soạn, có đầu đề "Ngọc Phả cổ lục đức Đổng Sóc xung thiên Đại thánh Thần Vương triều nhà Hùng, họ Việt Thường. Phiên thần thượng đẳng, bộ chi cẩn". Bản gốc còn lưu lại Viện Hán - Nôm, ngoài bìa có đóng dấu bầu dục của Viễn đông Bác Cổ thời Pháp thuộc".
     Trước thời các vua Hùng thì người Việt bản địa đã có mặt từ lâu. "Lịch sử Việt Nam" tập I của các nhà sử học Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh do Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản năm 1985 cho biết "người hiện đại (so với người vượn) đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam… có thể có niên đại từ 14 đến 8 vạn năm, căn cứ vào các hiện vật do Khảo cổ học thu lượm được". Bởi vậy chưa có bằng chứng nào để nói rằng tổ tiên họ Bùi ta gốc tích từ Trung Quốc. Về điểm này cũng phải làm rõ một thực tế lịch sử: Người Hán vốn gốc ở lưu vực sông Hoàng Hà. Còn từ sông Trường Giang trở về phía Nam xưa kia là đất sinh tụ của người Bách Việt. Qua quá trình chinh phục và đồng hoá, các tộc Việt khác đều bị Hán hoá, chỉ còn các tộc Âu Việt và Lạc Việt làm nền tảng cho triều đại Hùng Vương. Họ Bùi có một tỉ lệ cao là người Mường được xem như người Việt cổ. Nay nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện trong các lệ tục của người Mường có nhiều lệ tục khác hẳn của người Hán (có tư liệu đáng tin cậy cho biết "Tản Viên Sơn Thánh" cũng là người Mường), chứng minh họ Bùi vốn có gốc từ người bản địa. Nhân chủng học, ngôn ngữ học… đều phù hợp với điều đó.
     Nguồn gốc dòng họ là việc lớn, xin được bước đầu thông tin trước đông đảo bà con./.

BUỔI HỌP THƯỜNG KỲ ĐẦU THÁNG 3/2012 CỦA TT BLLHBVN

Buổi họp Thường trực đầu tháng 3/2012 ghi dấu một khí thế mới về hoạt động dòng họ năm 2012. Là cuộc họp tháng cuối quý I/2012 với sự có mặt của Chủ tịch HĐTL, đầy đủ Trưởng ban, các Phó ban Liên lạc, các Uỷ viên thường trực trưởng các Tiểu ban của ban Liên lạc. Đặc biệt, có vợ chồng ông Bùi Thanh Tùng, Trưởng ban vận động họ Bùi tại Pháp hiện đang ở quê hương đất nước đã đến thăm Văn phòng ban Liên lạc và cùng dự buổi họp.
     Mở đầu buổi họp, Văn phòng báo cáo tổng hợp khá nhiều sự kiện từ tham dự giỗ Tổ các dòng họ, từ hoạt động các tổ chức họ địa phương xung quanh tết Nhâm Thìn hoặc chuẩn bị cho Đại hội dòng họ của một số địa phương. 
     Tiểu ban Thông tin (TBTT) xin được duy trì buổi họp sáng thứ 7 tuần thứ 3 hàng tháng tại Văn phòng cho chuyên đề ấn phẩm và Website Họ Bùi Việt Nam, dự kiến nội dung báo HBVN tập 20 dành cho hoạt động tết Nhâm Thìn của họ Bùi địa phương, các Giỗ tổ trong quý I/2012 (tháng Chạp Tân Mão đến tháng Giêng, Hai Nhâm Thìn). TBTT phấn đấu cập nhật tốt trang Web, Ấn phẩm HBVN ra đều quý/số với chất lượng ngày càng cao, giảm sai sót tối thiểu và giữ đúng nguyên tắc quản lý 2 phương tiện thông tin của dòng họ cả nước. TBTT cũng đề nghị Thường trực quan tâm giúp đỡ việc có đội ngũ cộng tác viên đông đảo cho 2 phương tiện thông tin.  
     Thường trực nghe ông Bùi Xuân Đàm Trưởng ban BLLHB Hà Nội thông báo việc chuẩn bị cho buổi họp mặt đầu xuân ngày 11/3/2012. BLLHB Hà Nội quyết tâm tổ chức tốt họp mặt đầu xuân lần thứ 2 (sau thắng lợi họp mặt lần 1 năm 2011 tại Chương Mỹ). Cái khó của Hà Nội sau mở rộng là 535 xã phường toàn TP đều có người họ Bùi nhưng ban Liên lạc chưa với tới hết. Ông Đàm cho biết, Ban Liên lạc đã chọn địa điểm: Thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, Hoài Đức, nơi có truyền thống, có Thành hoàng làng họ Bùi, bà con nhiệt tình, lãnh đạo xã (Bí thư, Chủ tịch, Công an, Chủ tịch mặt trận), và thôn là họ Bùi, sẵn sàng giúp, nhưng không hết băn khoăn vì chưa có đơn vị tài trợ như năm ngoái. Ý tướng chính của BLLHB Hà Nội lần họp mặt này là dành nội dung chính cho ý kiến bà con các chi họ để tạo ra được buổi họp đông vui, đoàn kết thân tình, thấm đậm tình cảm họ tộc, từ đó chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập BLLHB huyện Hoài Đức, để huyện thứ 2 có Ban liên lạc sau Chương Mỹ. Mọi người hoan nghênh cố gắng của BLLHB Hà Nội, sẵn sàng dự buổi họp mặt. Bà Bùi Thị Thái hứa tài trợ Hà Nội làm đĩa ghi tư liệu buổi họp mặt.
     Buổi họp cũng khơi gợi, đề cập các ý kiến: Mẫu tổ chức cơ sở hiện theo khuôn toàn quốc, liệu đổi mẫu tổ chức có gây đảo lộn?; Có ý kiến nói Họ Bùi từ Trung Quốc?! (bác Bùi Phan Kỳ nhắc lại: Bùi Thị Dung - mẹ Thánh Gióng, có cha là Bùi Cẩn, mẹ là Phạm Thị Hoà là người có thật mà các sử gia thời Lê đã viết); Mối quan hệ giữa BLL toàn quốc và địa phương, nhất là với TP Hồ Chí Minh; Về tổ chức con dâu con gái họ Bùi?; Ngoài ra, các tin khác liên quan: Sách Danh nhân đất Việt có các vị họ Bùi (ta có tham gia ý kiến) do Hoàng Quốc Hải viết giới thiệu sắp xuất bản. Phim Danh nhân Bùi Cầm Hổ, Danh nhân Bùi Xương Trạch (ta có giúp đỡ) VTV1 dựng sẽ chiếu trong tháng 3/2012.
     Anh Bùi Thanh Hải báo họ Bùi đảo Lý Sơn đã khởi công động thổ tôn tạo đền thờ ngài Bùi Tá Hán ngày 23/02/2012. Họ Bùi đảo Lý Sơn vui mừng nhận được 10 triệu đồng do BLLHBVN góp công đức và gửi lời cảm ơn sự quan tâm của BLLHBVN.
     Bác Chu Hoành, dịp 27/2, báo giadinhvn.vn có bài ngợi ca người đầu tiên nối chi rời thành công ở Việt Nam mời quà Văn phòng cùng chia vui, đọc tặng thơ chị em họ Bùi nhân 8/3.
     Thật xúc động với tâm sự chân tình của ông Bùi Thanh Tùng được thăm BLLHB và cùng dự buổi họp đầy ý nghĩa. Ông mong giữ liên lạc tốt với họ Bùi trong nước và sẽ cố gắng làm được gì đó cho họ, giả như họp măt nhân tết dân tộc. Nghệ sỹ Hoàng Lan (phu nhân ông Thanh Tùng) hát tặng bài hát Bóng cây kơ nia của Phan Huỳnh Điểu. Không nhạc nhưng với giọng ca điêu luyện, lời ca sâu lắng làm mọi người như sống lại thời hai ba mươi năm đã qua. Mọi người vỗ tay cảm ơn nghệ sỹ Hoàng Lan và buổi họp cũng kết thúc thật đẹp.   BXV biên tập