Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Đất khoa bảng Dương Kinh, Kiến Thụy

ĐẤT KHOA BẢNG DƯƠNG KINH - KIẾN THUỴ,
VỚI NHỮNG ÔNG NGHÈ ĐỜI NỐI ĐỜI VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
                                                                                                                        Trần Phương
                                                                                    (Tổng thư ký Hội KHLS Hải Phòng)
     Huyện Kiến Thuỵ là mảnh đất có truyền thống về văn hoá, học vấn và trí thức. Hiếu học là đức tính quý báu, truyền thống tốt đẹp của người Kiến Thuỵ xưa nay. Trải qua các thời đại cho tới ngày nay lúc nào Kiến Thuỵ cũng có người đỗ đạt cao, những học giả nổi tiếng. Chỉ tính riêng trong thời phong kiến, huyện Kiến Thuỵ có tới 14 người đỗ đại khoa; trong đó có Bùi Đình Dự, người làng Nãi Sơn đỗ Đình nguyên - Hoàng giáp (đỗ đầu khoa thi năm Đinh Sửu (1757), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18, đời vua Lê Hiển Tông - khoa này không lấy Trạng nguyên). Đặc biệt, những trí sĩ, văn thân được đào tạo từ lò học "Lê Xá" và "Nãi Sơn" nổi tiếng không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Kiến Thuỵ - Hải Phòng mà còn khiến kẻ sĩ Bắc Hà phải vị nể, khâm phục. Theo đó, 14 vị đỗ đại khoa (học vị tiến sĩ) thời phong kiến của huyện Kiến Thuỵ được phân bổ theo địa bàn làng xã như sau: Lê Xá 7 vị, Nãi Sơn 2 vị (tức xã Tú Sơn ngày nay có tới 9 vị đỗ đại khoa); Hương La 2 vị; Cổ Trai 1 vị; Xuân Dương 1 vị; Du Lễ 1 vị. Riêng khoa thi năm Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời vua Mạc Thái Tông, cả huyện Kiến Thuỵ có tới 4 người đỗ tiến sĩ như: Hoàng Thuyên (Lê Xá), Bùi Hữu Tảo (Cổ Trai), Nguyễn Huệ Trạch (Lê Xá) và Bùi Tố Trứ (Hương La).
    Dân tộc ta có truyền thống coi trọng hiền tài, coi "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà càng lên cao; nguyên khí suy thì nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài bồi đắp thêm nguyên khí" (Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 - 1442 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội). Xuất phát từ quan điểm, nhận thức trên, các triều đại phong kiến nước ta và nhân dân các làng xã đều quý trọng hiền tài: khi đỗ khoa thi hương, danh sách người đỗ đạt được yết bảng tại trường thi; khi đỗ tiến sĩ được ghi tên lên bảng vàng treo ở nơi trang trọng nhất tại Kinh đô Thăng Long. Bắt đầu từ năm Bính Dần (1446), vua Lê Thánh Tông định lệ xướng danh người đỗ hương cống, truyền lô tên người đỗ thi Đình và lệ cho tiến sĩ tân khoa được "vinh quy bái tổ". Đến năm Giáp Thìn (1484) lại đặt lệ khắc tên tiến sĩ vào bia đá dựng ở Văn miếu Quốc Tử giám ở kinh đô. Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, người Kiến Thuỵ xưa đã đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ xây dựng Văn miếu Xuân La để tôn thờ các khoa bảng tiên hiền của quê hương, đất nước. Văn miếu Xuân La đã được trùng tu, tôn tạo khang trang vào năm Minh Mạng thứ 2 (1829), nổi tiếng khắp xứ Đông xưa. Bia "Hà Nam tam tổng" mô tả Văn miếu Xuân La: "Huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có Văn miếu tại núi Đối có 5 toà đá quý trông như thánh tiên (Khổng Tử) cùng bốn vị khác và không biết từ thời nào xây dựng Văn miếu, nhân đó đắp tượng phụng tế...Đẹp thay Văn miếu của huyện, đưa các vị đại khoa và các vị hương khoa nhập Văn miếu mà phụng tế theo thứ tự để khuyên con cháu mở mang văn học". Văn miếu Xuân La thờ 14 vị là con em của vùng đất Kiến Thuỵ  đỗ đại khoa, lập nhiều công tích cho quê hương, đất nước. Theo hiểu biết của chúng ta hiện nay thì vị tiến sĩ khai khoa của huyện Kiến Thuỵ là Nguyễn Nhân Khiêm (1441 - ?), người làng Lê Xá (nay thuộc xã Tú Sơn), đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Kỷ Sửu (1469). Và người đỗ tiến sĩ Nho học cuối cùng của huyện Kiến Thuỵ là Nguyễn Quang Biểu (1744), người làng Nãi Sơn (nay thuộc xã Tú Sơn), đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Canh Thìn (1772).
  Xưa kia, những người dân quê lam lũ, quanh năm "chân lấm, tay bùn", phần lớn thất học, lo kiếm đủ miếng cơm ăn, manh áo mặc đã khó, nói gì đến chuyện học hành. Mặc dù rất hiếm cơ may lọt vào "Cửa Khổng - Sân Trình", nhưng bù lại ở các làng quê Kiến Thuỵ thời nào cũng có người sáng dạ, trau dồi sự học để "thanh danh, lập ngôn, lập công, lập đức", đem tài năng thi thố với đời, chứ không chỉ mong vinh thân, phì gia:
                              "Trai mỹ miều bút nghiên đèn sách
                             Gái thanh tân chợ búa cửi canh
                              Trai thời nhất bảng đề danh
                             Gái thời dệt vải vừa nhanh vừa tài"
    Đi khắp Kiến Thuỵ ở đâu chúng ta cũng dễ dàng gặp những dòng họ, những làng khoa bảng, làng văn hoá, nhưng nổi tiếng hơn cả là làng "tiến sĩ" Lê Xá. Làng Lê Xá, trước năm 1813, là xã Lê Xá thuộc tổng Nãi Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương; trước năm 1945, là xã Lê Xá, tổng Nãi Sơn, phủ Kiến Thuỵ, tỉnh Kiến An; nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng. Trước kia, thậm chí làng xã chỉ cần có một người đỗ đạt, một nhà thơ, nhà văn, người chép sử, triết gia...có tiếng là đã được coi như có truyền thống văn chương như: làng Trung Am (Vĩnh Bảo) với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; làng Thanh Lãng (Thuỷ Nguyên) với Trạng nguyên Lê Ích Mộc; làng Hạnh Thị (An Lão) với Hoàng giáp Lê Khắc Cần; làng An Tử Hạ (Tiên Lãng) với ông Nghè Nhữ Văn Lan (ông ngoại Trạng Trình); làng Nãi Sơn với Hoàng giáp Bùi Đình Dự; làng Hà Dương (Vĩnh Bảo) với tiến sĩ Dương Đức Nhan (bố vợ Trạng Trình); làng Khinh Dao (An Dương) với quan Nghè - Thượng thư Bộ binh Phạm Đình Trọng; làng Dương Quan (Thuỷ Nguyên) với tiến sĩ Tô Kim Bảng; làng Hội Am (Vĩnh Bảo) với Bảng nhãn Đào Công Chính; làng Cổ Am với nhà văn Khái Hưng, Trần Tiêu...đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Vậy chỉ riêng làng Lê Xá, (Tú Sơn - Kiến Thuỵ) đã có tới 7 người đỗ đại khoa, có thể sánh với đất học Đông Ngàn - Xứ Kinh Bắc, làng Mộ Trạch - Xứ Đông, hay "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện"...Đó là những vị khoa bảng nổi tiếng một thời như: Nguyễn Nhân Khiêm (1441 - ?): đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 29 tuổi, khoa thị năm Kỷ Sửu (1469), niên hiệu Quang Thuận thứ 10, đời Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Đô cấp sự trung Bộ Công; Bùi Phổ (1463 - ?): đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1487, đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan tới chức Hiệu Lý Viện Hàn lâm, là một trong 28 văn sĩ tham gia Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Hiện còn 5 bài thơ của ông được Lê Quý Đôn đưa vào tuyển tập "Toàn Việt thi lục"; Trần Bá Lương (?  ?): có sách chép là họ Nguyễn - đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Kỷ Sửu (1499), niên hiệu Cảnh Thống thứ 2, đời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Đông các Hiệu thư. Ông đã từng được cử đi làm Phó chánh sứ sang Trung Quốc. Bài biểu do ông soạn dâng lên vua Minh được Phan Huy Chú tuyển vào bộ "Lịch triều hiến chương loại chí"- Phần "Bang giao chí"; Phạm Gia Mô (1462 - ?): đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Ất Sửu (1505), niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất, đời vua Lê Uy Mục. Ông làm quan hai triều Lê - Mạc, đến chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Hoành Lễ hầu (triều Lê). Ông vốn thuộc dòng dõi Phạm Mãi nổi tiếng thời Trần. Chi họ này sau di cư về làng Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, Hải Dương; rồi di cư về làng Lê Xá, huyện Nghi Dương. Ông thông gia với Mạc Đăng Dung và làm quan nhà Mạc, được ban tước cực phẩm: Khai phủ Bình chương Quân Quốc trọng sự, Thái sư, Hải quốc công. Khi ông mất dân làng Đồng Mô thờ làm thành hoàng. Khi nhà Lê Trung hưng, đã trả thù ông khốc liệt. Con cháu bi giết hại, truy sát, phủ đệ Lê Xá bị triệt hạ. Tên ông ở bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc tử giám bị đục bỏ; Lê Thời Bật (? - ?): đỗ Đệ Nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa thi năm Giáp Tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, đời vua Lê Tương Dực. Ông làm quan tới chức Thượng thư, tước Văn Uyên hầu dưới triều Mạc; Hoàng Thuyên (1500 - ?): đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời vua Mạc Thái Tông năm 39 tuổi, làm quan tới chức Tham Chính và Hữu Thị lang hai Bộ; Nguyễn Huệ Trạch (? - ?): đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời vua Mạc Thái Tông, làm quan tới chức Cấp sự trung.
   Như vậy, riêng khoa thi năm Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời vua Mạc Thái Tông (1538), làng Lê Xá vinh dự được đón hai ông Nghè tân khoa là Hoàng Thuyên và Nguyễn Huệ Trạch. Qua thống kê, đất học Tú Sơn ngày nay (gồm 2 làng xã cũ là Lê Xá và Nãi Sơn) có tới 9 tiến sĩ: ngoài 7 vị khoa bảng của làng Lê Xá, còn có 2 vị của làng Nãi Sơn đỗ đại khoa là: Bùi Đình Dự (1726 - ?), nổi tiếng hay chữ, thi hương đỗ Giải Nguyên, thi Đình đỗ Đình nguyên, Hoàng giáp, khoa thi năm Đinh Sửu (1757), niên hiệu Cảnh Hưng 18, đời vua Lê Hiển Tông, làm quan tới chức Hữu thị lang Bộ Hình và Nguyễn Quang Biểu (1744 - ?): đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Canh Thìn (1772), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33, đời vua Lê Hiển Tông, làm quan tới chức Thị chế Viện Hàn lâm (Tương truyền, nhà nghèo nhưng ông sáng dạ và đặc biệt ham học. Mỗi khi đi chăn trâu, cắt cỏ cho chủ xong, ông đến trường học nghe lỏm hoặc học theo con nhà chủ. Ngày về Thăng Long thi Hội, số tiền chu cấp của họ hàng, bạn bè không đủ chi dùng nên bị chủ nhà trọ gây nhiều rắc rối. Một cô hàng rượu thấy thế trả giúp ông tiền nợ. Sau khi đỗ, ông tòm cô hàng rượu tốt bụng cưới làm vợ. Khi trí sĩ, ông về quê vợ ở vùng Sơn Nam Hạ - tỉnh Thái Bình hiện nay). Trong hàng ngũ các nhà khoa bảng ở huyện Kiến Thuỵ thì Hoàng giáp Bùi Đình Dự (người làng Nãi Sơn) nổi lên như một ngôi sao sáng, xứng đáng được xếp vào hàng "Danh nhân đất Việt".
     Bùi Đình Dự sinh năm 1726, người làng Nãi Sơn (tên nôm là làng Nại), huyện Nghi Dương, nay là thôn Nãi Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thuỵ. Bùi Đình Dự (sau đổi là Bùi Đình Đang) nổi tiếng là thần đồng, hay chữ, thi hương đỗ Giải Nguyên; vào thi đình - khoa thi năm Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757), đời vua Lê Hiển Tông, đỗ Đình Nguyên Hoàng giáp, làm nức lòng sĩ tử và dân chúng Xứ Đông (gồm TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương ngày nay). Bùi Đình Dự là một tác gia được truyền tụng nhưng hiện chỉ còn một số bài văn tế thành hoàng do ông soạn giúp dân các làng Đoan Xá... mà thôi.    
   Lúc bấy giờ, sĩ tử và học giả khắp trong nước đều đánh giá cao tài năng, đức độ Bùi Đình Dự, coi ông như là một trong những người tiêu biểu nhất cho nho phong sĩ khí Bắc Hà và khí phách sĩ tử Xứ Đông. Tuy nhiên, việc Bùi Đình Dự bằng sức học và nhờ tài năng đã giật giải Đình nguyên Hoàng giáp (tức người đỗ đầu) tại một kỳ thi Đình thực sự là sự kiện gây tiếng vang lớn. Bia văn miếu Thăng Long (tức Văn miếu Quốc tử Giám) ghi chú Bùi Đình Dự vốn là sinh đồ văn chức. Như mọi người đều biết, quê hương Nãi Sơn, Nghi Dương của Bùi Đình Dự bị các triều đại phong kiến Việt Nam coi là dân "Thất quận" (gồm 7 huyện: Thuỷ Đường, Nghi Dương, An Dương, An Lão, Giáp Sơn, Kim Thành, Đông Triều) thuộc phủ Kinh Môn, Xứ Đông, bản chất hung hãn, luôn là trung tâm các phong trào chống đối triều đình. Chính vì thành kiến nặng nề này mà suốt từ thời Lê - Trịnh sang tận thời nhà Nguyễn, sĩ tử vùng này bị chèn ép, số người học hành bị giảm sút. Qua 250 năm chỉ 5 tiến sĩ là Vũ Kiều (Ngọ Dương - An Dương), Phạm Đình Trọng (Khinh Giao - An Dương), Nguyễn Quang Biểu (có tài liệu ghi là Nguyễn Trọng Biểu và Bùi Đình Dự đều là người làng Nãi Sơn - huyện Nghi Dương và Lê Khắc Cần, người làng Hạnh Thị, huyện An Lão.
    Các bậc vua chúa sáng suốt không ai không lấy việc tuyển chọn nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp. Bởi thế, các triều đại phong kiến nước ta đều quý trọng hiền tài: khi đỗ thi Hương đã được yết bảng tại trường thi; khi đỗ tiến sĩ được ghi tên bảng vàng treo ở nơi trang trọng nhất ở kinh đô. Từ năm Bính Dần (1446), vua Lê Thánh Tông định lệ xướng danh người đỗ hương cống, truyền lô tiên người đỗ thi đình và lệ cho tiến sĩ được vinh quy bái tổ. Năm Giáp Thìn (1484), lại đặt lệ khắc tên tiến sĩ vào bia đá dựng ở Văn miếu kinh đô. Các quan nghè tân khoa được dự tiệc yến, ban phẩm phục, thăm vườn thượng uyển...để bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng. Lê Quý Đôn, trong sách "Kiến văn tiểu lục", ghi: "...Triều Lê Trung Hưng đãi ngộ người đỗ tiến sĩ rất hậu, bổ dụng rất cao, ban cho mũ áo cân đai triều phục, cho vinh quy về quê với đủ thứ cờ quạt, nghi trượng, phường trống nhạc đón rước; quan có trách nhiệm bắt dân làng làm nhà cho tiến sĩ. Không chỉ người đỗ Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) hay trúng cách kỳ thi chế khoa được bổ vào Viện Hàn Lâm mà những người đỗ đồng tiến sĩ cũng được bổ chức khoa đạo không phải làm quan ở phủ, huyện. Trong mỗi khoa thi, người đỗ trẻ tuổi nhất được bổ chức Hiệu thảo. Người được bổ làm quan ở trấn thì sung chức ở Ty Thừa chính hay Ty Hiến sát, đều được giao chức vụ chính thức giữ ấn tín, chứ không phải giữ chức phụ tá. Năm ân điển này so với việc đặt khoa mục ở Trung Quốc từ xưa đến nay chưa từng có".
   Lại nói, khoa thi năm Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18, đời vua Lê Hiển Tông (1757) lấy đỗ 6 tiến sĩ (Nguyễn Khiêm Hanh thi Hội trúng cách, khi dự thi Đình dấu sách mang vào thi nên bị truất), Bùi Đình Dự đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Tuy nhiên, trong lễ yến tiệc, ban phẩm phục đã xảy ra sự cố là vợ cả, vợ lẽ một số tân khoa tiến sĩ là Bùi Đình Dự, Phạm Tiến, Phạm Huy Cơ, cãi cọ, tranh nhau đường đi hôm vinh quy, vì thế các vị tân khoa này đều bị triều đình cho về quê để học hỏi, trau dồi thêm đạo lý "tề gia", mùa đông năm sau mới bổ dụng.
   Song với tài năng, đức độ của tiến sĩ đỗ đầu khoa thi, Bùi Đình Dự được triều đình Lê - Trịnh đặc ân lần lượt bổ làm quan suốt trong triều, ngoài trấn. Trong triều, Bùi Đình Dự làm quan tới chức Hiệu thư Viện Hàn Lâm, Thừa chính sứ...; ngoài trấn, trị nhậm khắp 6 tỉnh biên giới thuộc trấn Đông, Đoài, Bắc và cả trấn ngoại Nghệ An, bất kỳ việc gì được giao, ông đều hoàn thành xuất sắc. Nơi ông trị nhậm, chỗ ông đóng quân, dân chúng đều mến mộ, kính tin, vì ông hành xử theo đúng nguyên tắc Nho gia: "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Về tề gia, uy đức của Bùi Đình Dự lớn đến mức dân chúng trong vùng tự nguyện kiêng tránh tên huý (vốn chỉ dành cho vua chúa và hoàng thân quốc thích), gọi ông là quan Hoàng Nại (Nại là tên nôm làng Nãi Sơn). Về trị quốc, Bùi Đình Dự đã đem tài học của mình hết lòng giúp vương triều Lê - Trịnh đề cao tinh thần tự cường dân tộc, không để người phương Bắc đè nén. Là người được cả vua Lê Hiển Tông lẫn chúa Trịnh Doanh (sau là Trịnh Sâm) tin dùng, Bùi Đình Dự đã đem hết tài năng đấu tranh đòi nhà Thanh trả lại những đất đai đã chiếm đoạt ở biên giới phía Bắc, cũng như giúp triều đình phân định biên giới ổn thoả với Ai Lao. Sử cũ cho biết suốt hơn 200 năm triều Lê - Trịnh, kẻ địch cường mãnh ở biên giới phía Bắc luôn có âm mưu xâm lấn đất đai, uy hiếp nền độc lập, tự chủ của nước ta. Triều đình Lê - Trịnh rất coi trọng bảo vệ biên cương, cử những quan trọng thần có tài năng trấn giữ nơi biên ải. Do lập nhiều công lớn, trước khi về trí sĩ, Bùi Đình Dự được tặng chức Hữu Thị Lang Bộ Hình, tước Dương Lĩnh hầu.
     Ông Bùi Hữu Nghĩa - cựu danh thủ đội bóng đá Cảng Hải Phòng căn cứ vào "Bùi Hoa tộc phả" (do tri huyện Nghi Dương Bùi Bá Cẩn, thuộc dòng dõi thống tôn của tiến sĩ Bùi Đình Dự soạn) cho biết khi tình hình biên cương đã được ổn định, Bùi Đình Dự lại được triều đình cử về các trấn Sơn Nam Hạ, Sơn Nam Thượng, Hải Dương...thu thuế khoá. Vốn sẵn có lòng thương yêu dân, nhiều năm liền ông không những dâng sớ xin triều đình miễn thuế cho nông dân nghèo mà còn lấy thóc gạo của triều đình phát chẩn cứu đói. Năm 1788, trong một đợt đi phát chẩn cứu tế ở trấn Sơn Nam Hạ (tỉnh Thái Bình ngày nay), ông mắc bạo bệnh, qua đời, thọ 62 tuổi. Phần mộ của ông được an táng tại chân núi Voi, thuộc địa bàn làng Khúc Giản (nay thuộc xã An Tiến, huyện An Lão), nơi có ngành trưởng họ Bùi trông nom, chăm sóc. Và người trực tiếp đảm nhiệm việc này là cai tổng Bùi Công Quyền. Sau này, thể theo nguyện vọng của con cháu dòng họ Bùi ở Nãi Sơn, sinh phần của quan nghè Bùi Đình Dự được chuyển về an táng tại quê nhà Nãi Sơn. Hiện nay khu lăng mộ tiến sĩ Bùi Đình Dự và bia đá vẫn đang được con cháu họ Bùi và nhân dân làng Nãi Sơn, xã Tú Sơn giữ gìn, chăm lo hương khói chu đáo...
   Qua "Bùi Hoa tộc phả", ngờ rằng tiến sĩ Bùi Đình Dự thuộc dòng dõi của quan nghè Bùi Mộng Hoa, thời nhà Trần. Bùi Mộng Hoa tên huý là Thành, Mộng Hoa là tên chữ, sinh ngày 15-3-1353; không rõ ngày mất. Ông người trang Hoa Chử, huyện An Lão, nay là thôn Hoa Chử, xã Trường Thành, huyện An Lão. Tổ tiên xa đời vốn là người Ái Châu (Thanh Hoá), cuối đời Lý, nhân loạn di cư đến trang Hoa Chử lấy con gái họ Nguyễn ở trang này. Đến đời cháu trưởng là Bùi Đĩnh đỗ đạt làm quan đến tước Quan nội hầu. Bùi Đĩnh muộn con, tuổi cao mới sinh được Bùi Thành. Bùi Thành từ nhỏ có tiếng nhân từ hiếu đễ lại học giỏi. Năm 26 tuổi đỗ cao (tiến sĩ), làm quan dưới triều Nghệ Tông, Dụê Tông, Thuận Tông đời Trần. Khi làm quan, Bùi Mộng Hoa thường cương nghị thẳng thắn, gặp việc sai trái ông bắt bẻ, tranh biện, không e sợ kẻ quyền quý. Khi quân Chiêm xâm phạm bờ cõi, ông tham gia đánh địch, thắng lớn ở Cổ Vô, do đó được thăng Thiêm sự Khu mật viện, được ban thực ấp gồm các trang Hoa Chử, Phương Chử, Khúc Giản...Sau thấy Hồ Quý Ly lộ rõ ý muốn cướp ngôi nhà Trần, Bùi Mộng Hoa nhân dịp nhà vua cầu người nói thẳng đã dâng sớ mượn lời đồng dao tố cáo Quý Ly thâm hiểm định nhòm ngôi báu. Thượng hoàng Nghệ Tông đem sớ đó cho Quý Ly xem, Quý Lý rất bực muốn bức hại ông, nhưng lại sợ uy tín của Bùi Mộng Hoa. Năm Ất hợi (1395) thấy Quý Ly tàn sát tôn thất nhà Trần, ông bàn với Trung uý Nguyễn Chính Đồng trả quan từ chức về quê. Từ đây, Bùi Mộng Hoa mở trường dạy học, học trò theo khá đông, nhiều người thành đạt. Khi Hồ Quý Ly giết hại vua lên ngôi, Bùi Mộng Hoa vào núi Voi ở ẩn, Quý Ly cho vời nhưng ông không ra, hàng ngày luyện đan, hái thuốc, tu đạo tiên. Vào năm Canh Thìn (1400) Quý Ly sai người đến bức ông ra làm quan. Ông rời am đi đâu không rõ. Phải chăng Bùi Mộng Hoa bí mật chuyển cư về Nãi Sơn ?
   Bên cạnh 9 vị khoa bảng (tiến sĩ) là người làng Lê Xá (7 vị), Nãi Sơn (2 vị) thuộc xã Tú Sơn ngày nay, thì trong danh sách các vị "tiên hiền" được khắc trên văn bia Văn miếu Xuân La (văn miếu hàng huyện) còn có các vị: Hoàng Ngạn Chương (? - ?): người làng Xuân Dương (nay là thôn Xuân Dương, xã Ngũ Phúc), đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa thi năm 1487, đời vua Lê Thánh Tông, cùng khoa thi với Bùi Phổ, người làng Lê Xá. Bùi Đức Thiệu (1461 - ?): người làng Du Lễ (nay là xã Du Lễ), đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) lúc 30 tuổi, khoa thi năm Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tự Khanh (sách Đăng khoa lục chép ông quê ở Nghi Dương nhưng Văn miếu phủ Kiến Thuỵ (Văn miếu Xuân La) ghi ông người Du Lễ). Bùi Hữu Tảo (? - ?): người làng Cổ Trai (nay là thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan), đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời vua Mạc Thái Tông năm 39 tuổi, làm quan tới chức Tham Chính và Hữu thị lang hai Bộ. Bùi Tố Trứ (? - ?): người làng Hương La (nay là thôn Xuân La, xã Thanh Sơn), trú quán tại làng Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, Hải Dương; ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất (1538), niên hiệu Đại Chính thú 9, đời Mạc Thái Tông, làm quan tới chức Thừa Chính sứ. Nguyễn Thái Cẩn (? - ?): người làng Hương La (nay là thôn Xuân La, xã Thanh Sơn), đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa thi năm Canh Tuất (1550), niên hiệu Cảnh Lịch thức 3, đời Mạc Tuyên Tông, làm quan tới chức Thừa Chánh sứ...
   Truyền thống khoa bảng, hiếu học của người Kiến Thuỵ đang tiếp tục được nhân lên mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo và nhanh nhạy tiếp thu cái mới của quê hương, trong số hàng nghìn con em người Kiến Thuỵ đã nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học đã có hàng trăm người dành học hàm, học vị cao như Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ..., mà tiêu biểu là Tiến sĩ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Phạm Văn Trung.
     Tiến sĩ Phạm Văn Trung Anh hùng lao động, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kinh tế - kỹ thuật Bắc Bộ, Tổng giám đốc tổng công ty Bình An là một trong những người giàu có nhất về giải thưởng khoa học, cũng như các danh hiệu thi đua trong giới trí thức và doanh nhân thành phố Cảng Hải Phòng. Đó là: Bằng độc quyền sáng chế; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Giải thưởng khoa học Nguyễn Bỉnh Khiêm; Giải thưởng sáng tạo toàn quốc; Giải thưởng sáng tạo tạo khoa học công nghệ Việt Nam; Nhiều  bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; nhiều phần thưởng cao quý khác của nhà nước như Huân chương lao động , chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và các các Bộ ngành trung ương và các danh hiệu khác : một trong mười gương mặt tiêu biểu,  một trong mười giám đốc doanh nghiệp tiêu biểu, trí thức tiêu biểu của thành phố Hải phòng.
     Sau những năm tháng miệt mài nghiên cứu tiến sĩ Trung đã có những sáng chế và các công trình nghiên cứu khoa học như: nghiên cứu sản xuất vật liệu cách nhiệt chống cháy trên tàu thủy; nghiên cứu thiết kế chế tạo trạm thử nghiệm vật liệu không cháy và kết cấu chống cháy trên tàu thủy; Thiết kế chế tạo xuồng cứu sinh, xuồng cấp cứu bằng vật liệu FRP và thiết bị nâng hạ xuồng trên tàu thủy; Thiết kế chế tạo thân đèn biển bằng vật liệu FRP; Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị phân ly dầu nước; Nghiên cứu thiết kế thi công giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hồ Tam Bạc thành phố Hải Phòng…v.v. Các kết quả nghiên cứu này đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, thay thế các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường Việt Nam và mang lại giá trị kinh tế xã hội cao phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội.
Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học ứng dụng, ông còn trăn trở với sự phát triển của loại hình doanh nghiệp khoa học – công nghệ và đã xây dựng, chứng minh trên thực tiễn tính đúng đắn của mô hình doanh nghiệp này: Từ một HTX nhỏ bé với 60 m2 nhà xưởng với vài kỹ sư công nhân lao động, sau hơn 15 năm đã phát triển thành một Tổng công ty và trở thành nhà sản xuất vật liệu thiết bị tàu thủy hàng đầu Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Văn Trung còn là người nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động xã hội. Ông đã tặng gần 1000m đường bê tông nông thôn ủng hộ xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) và xây tặng xã 1 cây cầu trị giá 650 triệu đồng; Tặng cán bộ và nhân dân phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng) một trạm y tế trị giá 750 triệu đồng; Tặng cán bộ và nhân dân xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy một trạm y tế khu vực với tổng giá trị đầu tư 1,4 tỷ đồng; Tặng phường Hạ Lý quận Hồng Bàng công trình  cải tạo trường mầm non trị giá 650 triệu đồng; Tặng thiết bị y tế cho 5 xã thuộc huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng … và nhiều đóng góp xã hội khác.
Đã từng là một giảng viên, phó giám đốc trung tâm công nghệ của một trường Đại học, sau những thành công trong nghiên cứu khoa học và tạo dựng phát triển doanh nghiệp có thương hiệu trên thương trường, ông lại  tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực, thế hệ tương lai cho thành phố và đất nước. Năm 2008, Tiến sĩ phạm Văn Trung nhận lời mời ra giúp liên minh VN tạo lập một trường nghề vùng đồng bằng Bắc bộ đặt tại HP. Bắt đầu là việc viết đề án thành lập trường trung cấp, sau 1 năm được nâng cấp lên trường cao đẳng nghề. Đến nay, Sau 4 năm  Ông đã tạo dựng thành công một trường cao đẳng nghề với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy nghề hiện đại, mọi hoạt động  của trường đã vào nền nếp bài bản và bước đầu xác lập được uy tín trong đào tạo dạy nghề. Ông cũng hoàn thành việc biên soạn bộ chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề của nghề chế tạo vỏ tàu thuỷ đã được ban hành áp dụng cho toàn quốc và bộ 5 giáo trình phục vụ cho việc dạy và học của nhà trường. Tiến sĩ Trung cho rằng, trong điều kiện  chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì nguồn nhân lực ngoài kỹ năng nghề, còn phải có khả năng thích nghi và sáng tạo.  Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, Tiến sĩ Phạm Văn Trung đã thiết kế một phương pháp đó là: Tích hợp ba giai đoạn tiến hóa trong một quá trình đào tạo dạy nghề, Với mục đích cuối cùng là tạo ra những thế hệ học trò có khả năng đi xa hơn chính người thầy của mình. Sau khi thử nghiệm thành công, sẽ có thể  áp dụng phương pháp này cho hệ thống dạy nghề VN. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với khu vực và quốc tế - Đây chính là tâm huyết của ông về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước với vai trò của một nhà giáo, một Hiệu trưởng.
Lời tạm đóng, xin mượn câu đối đầy cảm xúc của Giáo sư, Anh hùng lao động, nhà văn hoá Vũ Khiêu về con người và vùng đất "Nhân kiệt làm nên địa linh" - Dương Kinh - Kiến Thuỵ:
       Đất nước canh tân, đánh thức tiềm năng thiên cổ dậy!
       Toàn cầu hội nhập, vươn cao trí tuệ vạn trùng xa!

Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng

Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở
xã Phước Thắng, Tuy Phước, Bình Định

     Nhà giáo Lê Tự Hiển, cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn trường Đại học Quy Nhơn thời còn là sinh viên đã quan tâm sưu tầm sáng tác thơ văn của các nho sĩ họ Bùi ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước vốn là quê ngoại của ông.
     Những tư liệu ông sưu tầm được cho ta biết mối quan hệ tri âm tri kỷ giữa ông nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì với các nho sĩ họ Bùi khi phong trào Cần Vương ở Bình Định dưới ngọn cờ lãnh đạo của cụ cử Mai Xuân Thưởng thất bại, quê hương lâm vào cảnh nô lệ. Giấc mộng Cần Vương tan thành mây khói theo pháo hạm La Cô-mét-tờ (La Comète) đưa vua Hàm Nghi vào Sài Gòn để lên tàu "Biên Hòa" đi an trí tại An -giê (Alger)(1). Tiếp đến phong trào Đông Du mà Tăng Bạt Hổ - người con ưu tú của Bình Định đã cùng phan Bội Châu và Đặng Tử Kính mở đường sang Nhật rơi vào vòng bế tắc, Quang phục hội khởi nghĩa thất bại, hàng vạn đồng bào biểu tình bao vây thành Bình Định yêu cầu duy tân, vận động cắt tóc ngắn, chống bắt phu, đòi giảm thuế bị tàn sát đẫm máu.
     Mặc dầu biết sách thánh hiền đã nhạt màu trong tìm đường cứu nước cứu dân nhưng chí sĩ Nguyễn Trọng Trì cũng như nhiều nhà nho ở Bình Định không cam tâm làm tay sai cho chính phủ bảo hộ, không cộng tác với quan lại Nam triều bán nước cầu vinh, lui về với tổ ấm gia đình, với xóm làng, tìm niềm an ủi trong giao du với bạn bè, trong thú điền viên để giữ lấy tâm hồn cao khiết của nho gia.
     Tiền nhân thuở trước mỗi khi khai phá được một vùng đất mới thường chọn những mỹ từ có ý nghĩa đặt tên cho thôn ấp để gửi gắm vào đó cả niềm tin và hy vọng về cuộc sống phồn vinh cho con cháu mai sau. Cách đây hơn hai thế kỷ, họ Bùi là dòng họ đầu tiên di cư từ Bắc vào khai khẩn vùng xóm Trung, ấp Lạc Điền, tổng Thiều Quang, phủ Tuy Phước. Tiếp sau là các họ Đoàn, Đào, Nguyễn. Cả bốn dòng họ này đã chung sức đắp đê ngăn nước mặn, dọn sú vẹt, đào kênh mương dẫn nước ngọt về thuần hóa vùng đất ngập mặn, sình lầy, dựng nhà cửa, lập vườn, vỡ ruộng để hình thành ấp Lạc Điền - ấp của những cánh đồng vui.
     Trong dân gian còn lưu giữ một truyền thuyết đẹp về thủy tổ họ Bùi như một biểu hiện dũng mãnh của những người mang gươm đi mở nước tới vùng đất này. Chuyện kể rằng vị tiền hiền này có sức mạnh phi thường. Một hôm ra đồng thăm ruộng, để giúp người nhà buộc trâu cày, ông đã nắm đuôi trâu ghì lại. Nào ngờ, con trâu hung hãn dứt chạy đứt đuôi mà ông vẫn đứng yên nắm đuôi trâu bình thản cười. Là người hào hiệp vừa thượng võ vừa trọng văn, ông chăm lo vun đắp đạo lý làm người theo mẫu mực nhà nho cho đời sau nên con cháu ông giữ gìn nếp nhà thi lễ trải qua nhiều thế hệ.
     Cụ Bùi Tình, hậu duệ của ông là một nhà nho nhân hậu, sống giữa thời nhiễu nhương mà vẫn giữ được phẩm chất thanh cao. Cụ đã cùng cụ bà là Trần Thị Trị nuôi dạy con cháu thành đạt, làm cho gia đình nổi tiếng đạo đức đương thời. Cụ nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì là bạn vong niên của cụ Bùi Tình, cảm phục gia phong nho sĩ họ Bùi nên thường tới chơi nhà và đã tặng một bài phú dài, mở đầu có bốn câu thơ chữ Hán:             Tuy Phước danh gia bất nhứt gia
Gia danh phước hậu thị thùy gia
Danh gia phước hậu hữu minh chứng
Phụ mẫu cư tồn huynh đệ đa
Tạm dịch:          Tuy Phước danh gia chẳng một nhà
                          Nhà ai phước hậu ấy danh gia
                          Tiếng nhà phước hậu có minh chứng
                          Đông đủ anh em còn mẹ cha (2)
     Cụ Nguyễn Trọng Trì không chỉ ca ngợi nền phúc hậu của danh gia họ Bùi mà còn cho đây là truyền thống văn hóa gia đình của cả phủ Tuy Phước thời bấy giờ.
     Về sau, cụ tú kép Ngô Xuân Thọ, thân phụ nhà thơ Xuân Diệu vào Gò Bồi, biết tiếng gia đình đã hết lời ca ngợi bà Trị là bậc mẫu nghi, tần tảo, đảm đương, cùng chồng nuôi dạy con cháu nên danh giá.
     Con cụ Bùi Tình là Bùi Thứu có tiếng hay chữ, bút hiệu là Tử Hồ đã nhiều phen lều chõng tới trường thi. Tuy đường khoa bảng chẳng được hanh thông nhưng ông là nhà nho đức độ, có lòng yêu nước thương dân mà không gặp thời, đành gửi gắm hy vọng vào thế hệ trẻ mai sau. Cho nên ông đã xuất tiền của cất một ngôi trường tại Điền Trung để dạy chữ Quốc ngữ cho con em trong làng. Việc làm này thể hiện tư tưởng đổi mới của nho gia thời bấy giờ. Nhằm vỗ về nho sĩ, chính phủ Nam triều tặng phẩm hàm cho ông. Còn cụ Nguyễn Trọng Trì hiểu thấu tâm can bậc hậu sinh mới tặng ông bài thơ:
Trúc tổ âm nung trúc doãn sanh,
Gia chi bửu giã quốc chi trinh.
Đường đàn đồ hiến khai văn mịch,
Võ lộ ân trù biểu nghĩa danh.
Cẩm thái hồng sanh Ban thái diệu,
Đào chi hương độ lý chi vinh
Phi tràng nguyệt hạ đàm kinh tế
Bùi thị phong truyền Nại hải thanh
Tạm dịch:
Tre già bóng cả có măng xanh
Cái báu của nhà nước đăng vinh
Trường dạy quốc văn nêu tiếng nghĩa
Ơn nhuần mưa móc rạng thơm danh
Gấm lồng áo lão màu thêm đỏ
Hương nức cành đào, lý tốt xanh
Nâng chén dưới trăng bàn thế sự
Họ Bùi biển Nại gió đưa thanh
     Cái "kinh tế" - cái thế sự mà các nhà nho yếm thế thời bấy giờ luận bàn bên chén rượu giải buồn rồi cũng chỉ đi đến mong muốn: dầu trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy đạo đức phẩm hạnh nhà nho như trong câu đối cụ Nguyễn Trọng Trì viết tặng ông Đoàn Quýnh con rể cụ Bùi Tình:
   Phú nghĩa trung vô giao chiến địa
   Hành tàng thượng hữu thái hòa thiên
Tạm dịch:  Giàu sang đại nghĩa không tranh cạnh
                  Lui tới khoan hòa có trí nhân
     Tử Hồ vốn tính khí ngang tàng, nhiều lúc muốn mượn chén rượu hay thú nước mây để nguôi nỗi buồn nhớ nước, để khuây hận thù quân cướp nước nhưng nào có được. Khi tỉnh lại mới "buồn cho non nước cũ", mới thấy mình cô đơn giữa cảnh đời nô lệ. Tâm sự u uất này đã được ông gửi gắm vào bài thơ Say:                                     Say danh say lợi mặc ai say
Thơ rượu ta say suốt cả ngày
Tỉnh lại buồn cho non nước cũ
Say rồi quên hết hận thù nay
Dù ai mê mẩn mùi chung đỉnh
Mặc tớ vui say thú nước mây
Tri kỷ làng say đà mấy kẻ?
Cười đời một tiếng cũng vui thay!
     Không như những kẻ say danh, say lợi, mê mẩn mùi chung đỉnh nên phải ôm chân thực dân Pháp, Tử Hồ say rượu, say thơ, say thú nước mây để xa lánh cảnh đời ô nhục. Cho nên tri kỷ với ông "đà mấy kẻ", và cuộc đời đối với ông chỉ "một tiếng (Say) cũng vui thay!". Đây là cái say vừa chua xót vừa tự mỉa mai của những nhà nho phẫn chí vì bất lực trước thời cuộc.
     Tiếp nối gia phong, cụ Bùi Di - em cụ Bùi Thứu, có bút hiệu là Hòa Trai, cũng là một nhà nho dày công nghiên bút nhưng lận đận khoa trường, nên đành về lại nghề nông, mở lớp dạy học trò. Cụ có soạn bộ Nông thi tiện lãm, một quyển bằng Hán văn, một quyển bằng Việt văn để dạy nghề nông cho con cháu và dân làng. Quyển Việt văn viết bằng thể lục bát rất dài, đọc để nhớ nên dễ lưu truyền. Có bốn câu đầu sách thật dân dã:
Nhà nông gặp lúc thảnh thơi
Chép làm gia học ít lời dở quê
Xin ai nghe thấy đừng chê
Dân ta đa số trọng về nghề nông
     Ông còn để lại một bài thơ nôm Đường luật Khuyên con cháu làm ruộng. Bài thơ là lời nhắn nhủ thế hệ sau giữ lấy nếp nhà "dòng chánh học", giữ lấy đạo lý làm người trong nghề nông. Bài thơ còn thể hiện tinh thần yêu thương cộng đồng của kẻ sĩ thấu hiểu dân tình. Làm nông cho phú túc không chỉ vun đắp hạnh phúc gia đình mà còn trợ giúp anh em tông tộc, bà con thôn ấp, và rộng hơn là cứu dân giúp nước năm gặp cảnh cơ hàn:
Cuốc cày con hãy lực ân cần
Bờ góc đừng tham lấn tấc phân
Phải biết giống nào nghi thủy thổ
Chớ nài công khó bạt mao vân (3)
Trời cho phú túc nuôi làng họ
Năm gặp cơ hoang giúp nước dân
Khỏi phụ nhà ta dòng chánh học
Tiếng đời truyền để đến ngàn xuân
     Không thể làm ngơ trước công đức của ông đối với dân làng, chính phủ Nam triều tặng phẩm hàm cho ông. Là người thích ngâm vịnh, nhân dịp này ông viết bài thơ Được thưởng hàn lâm phỏng theo lối vĩ tam thanh (4):
Bất hủ dám đâu trẻ bạn bè
Còn e miệng thế nhé nhè nhe
Chín tầng ân chiếu nghe oi ỏi
Một bộ nông thơ tốt vẻ ve
Văn học phải như ờ â ă
Công danh đâu được khỏe phè phe
Truyền nhà một chút công nho nhỏ
Con cháu khuyên theo hẻ hẹ hè
     Ông còn làm nhiều liễn đối hay để tặng bạn bè và người quen thân trong làng họ.
     Từ vị thủy tổ đến cụ Bùi Thứu, Bùi Di, trải qua nhiều đời, họ Bùi luôn chăm lo vun đắp gia phong, giữ gìn phẩm hạnh, con cháu nối tiếp nhau thành đạt, có tiếng hiếu nghĩa trong vùng. Quả đúng như ông nghè Vân Sơn từng ca ngợi: "Bùi thị phong truyền Nại hải thanh".
     Dân tộc ta đã phải trải qua một nghìn năm nô lệ phong kiến phương Bắc nhưng không bị Hán hóa, mà vẫn giữ được cốt lõi bản sắc văn hóa dân tộc, chính là nhờ nhân dân ta đấu tranh không ngừng để cố giữ lấy nếp sống văn hóa làng xã. Thời Pháp thuộc cũng vậy. Mặc dầu văn hóa Pháp tràn ngập khắp thành thị từ Nam chí Bắc, nhưng ở thôn làng, sau lũy tre xanh những thuần phong mỹ tục của cha ông để lại vẫn được giữ gìn và đổi mới theo phong trào duy tân do các chí sĩ yêu nước chống Pháp đề xướng thời bấy giờ.
     Tuy không xả thân tìm đường cứu nước hay cầm súng cầm gươm đối mặt với kẻ thù, nhưng các nho sĩ họ Bùi đã mang tài đức của mình vun đắp dòng họ, xây dựng xóm làng, mở mang dân trí, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp cho quê hương. Nho sĩ họ Bùi quả xứng đáng là những nhà văn hóa làng thuở trước.
     Chính vì thế, khi cụ Bùi Thứu cất trường, mở lớp truyền bá chữ quốc ngữ, cụ nghè Vân Sơn đã làm hộ dân thôn Lạc Điền đôi câu đối để chúc tụng:

Nghĩa tâm chức tác giang sơn cẩm
Hiếu tửu nung thêm võ lộ hương
Tạm dịch  Lòng nghĩa rạng ngời non sông gấm vóc
       Rượu đào hiếu thảo mưa móc thơm nồng

    
     Giữa cảnh đời nô lệ, cụ nghè Vân Sơn cũng như nho sĩ họ Bùi, vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ nước thương dân. Họ là những nhà nho thất thế cùng tâm trạng, cùng cảnh ngộ, thích ngâm vịnh tìm đến với nhau để hòa điệu tâm hồn, động viên nhau giữ lấy đạo lý truyền thống tốt đẹp của cha ông và phẩm chất cao khiết của nhà nho, trải tấm lòng son dưới ánh trăng bên đầm Thị Nại với nước non.
                                                                                         Nguyễn Xuân Nhân.

Đại Đức Thích Thanh Hùng nhắn tin về Miếu Bùi Mộc Đạc

Đại Đức Thích Thanh Hùng nói về miếu thờ Bùi Mộc Đạc

      Nhờ qua thông tin trên mạng Thầy mạo muội viết mấy dòng nhắn gửi tới ban liên lạc dòng họ Bùi.
     Thầy tên là Thích Thanh Hùng trụ trì Tổ Đình Trừng Mại thuộc thôn Trừng Mại xã Tân Bình huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình xưa thuộc tổng Tri Lai nay cắt về Thành Phố.
     Thầy về trụ trì chùa được hơn 20 năm nghe qua lời kể của người già nói lại khu Miếu là lăng mộ của cụ Bùi Mộc Đạc mà xót xa về biến cố thăng trầm của thời cuộc. Đến nay khu ấy chỉ còn trong tiềm thức của người già trong làng rồi một mai sẽ không còn nữa.
     Qua lời kể thì Miếu nằm ở cuối làng tính từ đường 223 vào, cũng là đầu làng tính từ thị trấn Vũ Thư đến. Toạ lạc trên mảnh đất gần 5 sào Bắc Bộ là một gò cao có Trúc mọc Cau đẻ đặc biệt là những cây Hải Đường cổ cằn cỗi, có cổng vào 2 bên có hàng Tượng đá, Voi, Ngựa, Thạch Khuyển rồi tới ngôi    Miếu thờ Long Vị, sau miếu là ngôi Mộ cổ, có Thủ Từ trông coi việc đèn nhang.
     Biến cố thời cuộc cách mạng văn hoá nổi lên miếu đã bỏ hoang một thời sau đó Viện Bảo Tàng về khai quật thì không thấy Hài Cốt của Cụ đâu nữa, từ đấy sự thực hư thế nào không rõ Nhân Dân trong làng đào đất lấp ao, lấy Tượng đá nung Vôi dần dần bây giờ khu Miếu ấy trở thành ruộng canh tác. Đồ tự khí phiêu bạt vào Bếp Lò của trại chăn Nuôi còn một cỗ Ngai và cỗ Mũ đưa về Chùa cùng với 2 bài vị của Đức Thành Hoàng (ngôi đình cũng bị dỡ bỏ trong khoảng thời gian đó) 
     Xét thấy đất đai không còn mà việc thờ Thần gần Phật quá không tiện nên Thầy đã xây ngôi đình thờ chung ra đất Thổ Thần và tạc tượng để thờ. 
     Qua mạng Thầy có gmail này viết lên mấy lời tâm huyết hỏi đến Qúy Vị về cụ Văn Thần Trung Thứ Tri Thẩm Viện Hình Sự Bùi tướng công huý Mộc Lạc hiệu Minh Đạo. Thân thích hậu duệ của Ngài ở đâu và phần Mộ có được An ổn không
     Mọi thông tin Thầy mong chờ
     Xin liên lạc tới Đại Đức Thích Thanh Hùng trụ trì chùa Trừng Mại xã Tân Bình thành phố Thái Bình
Điện thoại: 0912471359 - gmail: longtuyentu@gmail.com   Xin chân thành cảm ơn.

Ông Bùi Ngọc Khôn giúp nhiều cháu học sinh nghèo

Ông Bùi Ngọc Khôn, Nguyên TGĐ
TCTy Xây dựng thủy lợi 1.
    
     Ông Bùi Ngọc Khôn hiện là Ủy viên thường trực BLLHBVN đã giúp đỡ nhiều cháu học sinh con nhà nghèo vượt khó học tập. Một trong số đó có cháu Bùi Thị Hằng do BLLHB huyện Sơn Dương giới thiệu. Ông Khôn đã cung cấp cho cháu tiền học và phần nào sinh hoạt suốt khóa học cao đẳng CNTT ĐHBK Hà Nội. Hiện cháu Hằng đã ra trường và có việc làm thu nhập trên 5 triệu đ/tháng. Đầu Tháng 8/2012 cháu (đứng phía sau Bác Kỳ-thứ 2 từ phải của hàng đầu, bác Khôn-thứ 3 từ phải của hàng đầu  trong ảnh dưới) đến VP BLL cảm ơn họ Bùi, cảm ơn ông Khôn. Cháu viết đôi lời cảm ơn, xin giới thiệu sau đây.

     Kính gửi BLLHB huyện Sơn Dương, BLLHBVN 
     Cháu là Bùi Thị Hằng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá khó khăn nhưng vẫn cố gắng học tập, tại thời điểm biết mình vẫn đủ điểm để vào học hệ cao đẳng của đại học bách khoa, cháu rất vui nhưng cũng đầy lo lắng về vấn đề chi phí cho học tập và sinh hoạt.
     Rồi khi bắt đầu cuộc sống sinh viên, và chỉ có ai đã trải qua thời sinh viên nghèo mới hiểu, mọi thứ khó khăn thế nào. Chính vào thời điểm đó, cháu đã biết đến dòng họ Bùi, một nơi đầy lòng nhân ái, luôn sẵn lòng giúp đỡ các con em trong họ. Từ họ Bùi của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cháu đã được giới thiệu và được gặp ông Khôn – một trong những thành viên có nhiều đóng góp với họ Bùi, và cũng là một nhà hảo tâm, thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn.
     Sự gặp mặt ấy đã mở ra tương lai cho việc học tập của cháu, với số tiền cháu nhận giúp đỡ từ ông 500k/1 tháng cháu có thể dành nhiều thời gian cho việc học tập, cố gắng trong mỗi năm học để rồi giờ đây, cháu đã ra trường và có công việc ổn định tại 1 công ty cổ phần về công nghệ thông tin, cháu đã có thể tự lo cho bản thân, và giúp đỡ được gia đình mình.
     Cháu rất biết ơn những gì mà ông Khôn, cũng như các thành viên trong dòng họ Bùi đã giúp đỡ cháu trong suốt thời gian khó khăn nhất.
     Cháu rất mong có thể góp sức cùng dòng họ, để giúp đỡ cho các thành viên khó khăn hơn mình có thể học tập cũng như sinh hoạt tốt hơn.
     Cháu xin cảm ơn. Cháu Hằng.

GS Bùi Phan Kỳ đoạt giải Báo Nhân Dân 2011

Giáo sư Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ
Đoạt giải A Báo Nhân Dân năm 2011

     Giáo sư Bùi Phan Kỳ nay đã gần cửu thập (87 tuổi) là một trong 2 vị lãnh đạo cao nhất họ Bùi Việt Nam, quá nhiều người biết. Kể về đi các họ trong nước không kém gì người 6, 7 mươi, từ Phú Thọ (tận Hạ Hòa), Yên Bái, Bắc Giang, Hải Phòng, Bòa Bình, Ninh Bình, Vinh, Hà Tĩnh, Huế, tận TP Hồ Chí Minh…     Kể về việc lướt Web, internet, dùng mail.. thì bậc cao niên khó sánh được và lớp trẻ không sát thời cuộc cũng thua.
     Về chuyên ngành, GS Kỳ còn đóng góp được nhiều cho chiến lược Quốc phòng của Đảng.
     Nhưng mấy dòng viết sơ sài này (cho báo họ quý III/2012 có Lễ Trung nguyên và mùa Vu Lan) thì mời bạn đọc xem chứng nhận của BBT Báo Nhân Dân về việc GS Kỳ đoạt giải A Báo Nhân Dân 2011 để minh họa GS còn là nhà báo viết nhiều.
     Với báo họ Bùi, GS cũng là CTV tích cực, đặc biệt từ tập 15 trở đi, đều có bài, có khi 2..là những bài sâu, nhiều tư liệu, chuẩn định hướng.
     Còn điều cuộc sống thực tại, hình như GS cũng giữ được một sự thăng bằng về sức khỏe.

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

MỘT SỐ KIẾN THỨC ĐỂ NGHIÊN CỨU HỌ TỘC

Một số kiến thức để nghiên cứu họ tộc
                                                                                     BÙI LIÊN
             I. Các niên đại
     -Thời đại đồ đá cũ: Người vượn Việt Nam có ở di tích Núi Đọ, văn hóa Sơn Vi Phú Thọ, văn hóa công cụ đã chế tác người vượn ở châu thổ Sông Mã Hòa Bình. Cách nay 30 - 40 vạn năm
     -Thời đại đồ đá giữa: rìu đá săn bắn, hái lượm, đá mỹ phẩm, gieo hạt, chế tác cách nay vạn năm
     - Thời đại đồ đá mới: Văn hóa Bắc Sơn, Bàu Tró... cách nay 3000 năm
     - Niên đại Phùng Nguyên: ở giai đoạn đầu, công cụ bằng đá còn chiếm ưu thế nông nghiệp còn mang tính chất nguyên thủy. Sang giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn nhiều loại công cụ bằng đồng ra đời. Trong 200 lưỡi cày thu được bằng đồng có tới 3 - 4 kiểu: hình tam giác dọc Sông Thao, hình thoi ở đồng bằng Bắc Bộ và tập trung ở Sông Mã, hình xẻng vùng làng Vạc. Về cuốc có lỗ tra cán, hình tam giác chữ u, hình quạt, về rìu, lưỡi, liềm, đồng - sắt ... đã sản ra nền kinh tế nhiều ngành nghề. Thời hùng vương đã dùng cày thay cuốc, sử dụng trâu bò làm sức kéo. Niên đại Phùng Nguyên cách nay năm nghìn năm. Riêng đời đồng thau đã có khoảng 2.600 năm TCN.
II. Những năm lịch sử quan trọng
2879 - TCN: Hồng Bàng                             1407 - SCN: Bắc thuộc nhà Minh
111 - TCN: Bắc thuộc.                               1427 - SCN: Nhà Lê khởi nghĩa
40 - SCN: Hai Bà Trưng khởi nghĩa.          1543 - SCN: Hậu Lê (360 năm)
248 - SCN: Bà Triệu khởi nghĩa.            1545 - SCN: Lê Trịnh (216 năm)   544-SCN: Vua Lý chống nhà Lương.   1771 - SCN: Tây Sơn (24 năm)                      
603 - SCN: Bắc thuộc Tùy, Đường.    1787 - SCN: Nguyễn Huệ chống quân Thanh
939 - SCN: Ngô Quyền khởi nghĩa.         1794 - SCN: Gia Long thân Pháp
968 - SCN: Vua Đinh Tiên Hoàng (12 năm).    1847 - SCN: Pháp xâm lược Việt Nam           
980 - SCN: Tiền Lê (29 năm).                       1862 - SCN: Nhà Nguyễn đầu hàng Pháp
1010 - SCN: Hậu Lý (215 năm).             1889 - SCN: Đề Thám khởi nghĩa
1073 - SCN: Lý Thường Kiệt xuất quân.  1893 - SCN: Phan Đình Phùng khởi nghĩa                 
1225 - SCN: Đời Trần (175 năm).     1930 - SCN: Yên Bái + Xô Viết Ngệ An
1283 - SCN: Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên.       1941 - SCN: Nam kỳ khởi nghĩa
            Tổng cộng Việt Nam bị Bắc thuộc 1084 - 1126 năm.
Nhà Triệu - 68 năm (117- 111 TCN)[1]              Bắc thuộc lần 1 - 153 năm (111 - 42 SCN)
Bắc thuộc lần 2 - 500 năm (43 - 543 SCN)      Bắc thuộc lần 3 - 405 năm (602 - 907 SCN)
Phát triển đất đai:
Thế kỷ XI: Đời Lý đến Quảng Trị (Chế Củ Nhượng 1059)
Thế kỷ XIV: Nhà Trần đến Thừa Thiên (1306 - Vua Trần gả Huyền Trân cho Vua Chiêm)
Thế kỷ XV: Nhà Hồ đến Quảng Ngãi (1471 năm)
Thế kỷ thứ XVI: nhà Lê đến Bình Định 
Thế kỷ thứ XVII: Nhà Nguyễn đến Chân Lạp
Tên nước:
     Văn Lang: Hồng Bàng - Hùng Vương (Văn Lang tự + Việt thường, tự mất đi trong lịch sử).
     Âu Lạc: Thục - An Dương Vương   Vạn Xuân: Lý Bí          Đại Cổ Việt: Đinh - Lý Thái Tông
     Đại Việt: Lý Thánh Tông (1054), Trần (3/1400)     Đại Ngu: Hồ    Đại Việt: Lê
     Việt Nam: Nhà Nguyễn 1802 – 1819                     Đại Nam: 1820 đến trước 2/9/1945
     VNDCCH: 2/1945 - 2/7/1976,       CHXHCNVN: Từ 2/7/1976


[1] TriÖu §µ (179 - 111 TCN) chiÕm ¢u L¹c, lËt An D­¬ng V­¬ng, s¸p nhËp vµo Nam ViÖt lµ më ®Çu cho thêi kú B¾c thuéc (x­a & nay 9/2012 tr II phô tr­¬ng V­¬ng TriÒu Lý)

III. Giai đoạn sử học
     1. Giai đoạn ghi sử: Từ Hồng Bàng (2879 TCN) đến Thục An Dương Vương 207 TCN) = 1622 năm. Có các bộ tộc thì chế độ nguyên thủy tan rã, nguyên thủy ® thị tộc Mẫu hệ ® chiếm hữu nô lệ (phụ hệ, hình thành dòng họ đàn ông là chủ ® Nhà nước họ tộc) cách nay 3000 năm.
     2. Giai đoạn khuyết sử: Xảy ra trong 1128 năm Bắc Thuộc. 1965 khai quật đốc gươm Vua Câu Tiễn có chữ Việt Cổ niên đại 465 - 496 TCN yếu tố chủ đạo là hình người chim như trên trống đồng Đông Sơn rồi đến chữ "khoa đẩu" bị diệt, không có chữ ghi chép nên bị khuyết sử. Từ Hai Bà Trưng 40 - 43 SCN, Lý Nam Đế 543 - 603, Ngô Quyền 935 - 965 phần lớn viết Sử Việt Nam do Tàu ghi, nhiều sai lệch, giai đoạn này phần lớn là truyền thuyết, huyền sử.
     Thần tích: Sử tích các thần thánh được ghi chép lưu truyền lại
     Thần phả: Ghi chép gốc tích, sự tích các thần trong các đền, miếu
     Truyền thuyết: Truyện dân gian truyền miệng về các nhân vật, sự kiện liên quan tới lịch sử thường mang nhiều yếu tố thần kỳ, nguồn gốc dân tộc, hoang đường (Ngữ văn THCS)
     Huyền thoại: Câu chuyện hoặc hình tượng huyền hoặc kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng.
     Huyền sử: Chuyện truyền thuyết tính chất huyền hoặc, hoang tưởng
     Ngọc phả: Sách ghi chép lại lai lịch thân thế, sự nghiệp của những người được người đời kính trọng, tôn thờ (Ngọc phả Hùng Vương)
     Văn chỉ: Nền và bệ xây để thờ Khổng Tử ở các làng xã thuở trước
IV. Tập tục dòng họ
     - Hội đồng: Là tập thể những người được chỉ định hoặc bầu ra để họp bàn quyết định những công việc chung
     - Hội đồng gia tộc: Gồm gồm các trưởng lão các dòng họ ở thôn, xã bao gồm những người có uy tín, vai vế nhiệt tình, đạo đức. Chỉ có những vị đó mới có khả năng vận động con cháu trong các họ ra làng xã làm các việc công ích, chăm lo việc họ, nhiệm vụ ...
   + Phục hồi việc họ về luân lý đạo đức, kỷ cương, xây dựng văn minh gia đình văn hóa.
   + Giáo dục Lễ - Nghĩa - Hiếu - Lễ - Trí - Dũng  và các mục tiêu xây dựng, phát triển
   + Duy trì các lễ họ truyền thống tốt, khuyến học, khuyến tài, tôn trọng người già thương yêu giúp đỡ người
cơ nhỡ, ốm đau tàn tật, gặp thảm họa... Trong từng gia tộc có tộc trưởng, dù còn trẻ vẫn là chủ tế các ông chú dù cao niên vẫn là bồi tế. Nếu tộc trưởng quá nhỏ thì một ông chú kế trưởng thay thế. Dưới tộc trưởng có các chi (giáp, ất) lập bàn chi biểu có các trưởng phó ban để điều hành.
     Họ hàng thành đạt thì xã hội phồn vinh, gia đình là tế bào xã hội. Dòng họ là kết nối các tế bào của họ tộc để hình thành tổ quốc.