Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Mời xem LINH HỒN VÀ CÕI ÂM

LINH HỒN VÀ CÕI ÂM 
(Phần 2)
BÙI DUY TÂM 

      Từ khi ra mắt độc giả bài viết đầu tiên về “Linh hồn và Cõi âm” đăng trong báo Thời Luận số Xuân Mậu Tý, 2008 đến nay đã được hai năm. Trong thời gian đó tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu các chứng cớ cho sự hiện hữu của “Linh Hồn và Cõi Âm” bằng cách đi thực tế tại các vùng Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa cùng với nhà sinh vật học PTS Nguyễn Phúc Giác Hải hay với sự chỉ dẫn của Tiến sĩ Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác và bằng cách trao đổi với nhà tâm linh học Nguyễn Hữu Hiệu về các trường hợp một số nhà soạn nhạc quá cố nổi tiếng đã truyền đạt cho người sống viết nốt những bản hòa tấu còn dang dở hay viết tiếp các bản hòa tấu họ sáng tác sau khi qua đời. Ngoài ra tôi đọc sách và tìm trên mạng những thông tin mới về lĩnh vực này. 
 
A. GỌI HỒN VÀ ÁP VONG
 
      1. Cô Mến (chân cầu đầu tỉnh Hải Phòng, ĐTDĐ: 0912359954 )
      Chúng tôi đến nhà cô sau 12 giờ trưa ngày thứ  bảy 16.6.2007 sau khi không chờ được cô Bằng và  không gặp được cô Thạo trên đường từ Hà Nội đến đây. Thoạt đầu cô không chịu tiếp vì trễ quá giờ tiếp khách. Nhưng chúng tôi cứ ngồi ì ra không chịu về nên cuối cùng cô cũng phải tiếp. Các vong lên dễ dàng, khá chính xác. Người bạn lái xe không chịu vào. Cô gọi đúng tên bắt vào vì có vong muốn nói chuyện. Cô Mến rất tự nhiên, dễ thương, ăn nói phải lẽ, có thể tin được: Khả Tín.
      2. Cô Hoàng Thị Thiêm  (0984890005, Hà Nội)
      Chiều thứ Tư  20.6.2007 , anh Nguyễn Phúc Giác Hải gọi  điện thoại mời tôi ra ngay Viện Vật lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người số 10 Đào Tấn để gặp cô Thiêm vừa đi Nhật về (cô được mời sang Nhật để khảo nghiệm khả năng bịt cả 2 mắt mà vẫn nhìn thấy, đọc chữ và lái xe Honda). Buổi gặp gỡ ngoài cô Thiêm, em gái cô Thiêm (Hoàng Thị Thua), anh họ cô Thiêm là TS. Trần Văn Biển (TS. Cơ khí?) còn có TS. Hà Vĩnh Tân, Giám đốc Viện Vật lý Điện tử và anh Nguyễn Phúc Giác Hải - chủ nhiệm bộ môn thông tin và dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người (TTNCTNCN). Buổi khảo nghiệm khả năng bịt mắt mà nhìn, đọc được cái thiếp bằng tiếng Anh của tôi hoàn toàn thành công, không có một chút nghi ngờ gì về khả năng này.
      Tối ngày hôm sau Thứ Năm 21.6.2007 cả 3 người: cô  Thiêm, em gái cô và ông Trần Văn Biển đến nhà em gái Bình Minh của tôi (số 2 Cổ Tân, cạnh nhà hát lớn) để biểu diễn khả năng ÁP VONG.
      2, 3 người trong gia đình ngồi để chờ các vong linh trong gia đình về nhập vào; ba người trong bọn cô Thiêm thúc giục người chịu áp vong để vong linh gia đình nhập vào mà xuất khẩu như kiểu cách thôi miên. Hết người này thay phiên người khác ngồi chờ vong áp vào. Suốt 2, 3 giờ đồng hồ chẳng có vong nào áp vào cả.
      Trò  “Áp Vong” hoàn toàn thất bại, chưa kể TS. Trần Văn Biển còn dặn dò mọi người không được chất vấn các vong những câu hỏi khó khăn mà chỉ được hỏi han sức khỏe chung chung thôi.
      Để xoa dịu các người đến dự, tôi yêu cầu cô Thiêm biểu diễn trò “Bịt mắt đọc sách” với chiếc khăn buột chặt quanh mặt ngang qua đôi mắt, cô đọc hết các dòng chữ trước mặt. Hỏi cô đọc bằng cái gì, cô chỉ vùng trán giữa hai con mắt. Mọi người phì cười vì chiếc khăn vòng qua mặt đã bịt cả chỗ đó. Tóm lại chính cô cũng không biết.
      3. Cô Nguyễn Thị Thạo
      Sinh năm 1964, tuổi Giáp Thìn, có 2 con, nhà kiểu biệt thự to lớn, sang trọng chỉ kém nhà cô Phương Thanh Hóa. Đi đường Hà Nội – Hải Phòng, quá địa phận Hải Dương, qua trạm phát vé kiểm soát 100m gần ga Dụ Nghĩa rẽ phải đi vào 3 cây số đến xã Đại Bản, huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng. Tuần trước đã đến một cái điện khác của cô ở nhà anh cô tại thôn Cử, xã Lê Thiện cũng thuộc huyện An Dương tỉnh Hải Phòng (ĐTDĐ: 0913310980 ). Sáng thứ Năm 21.6.2007 , một đoàn hùng hậu gồm:
      - Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người (TTNCTNCN) – Bà Mai xuất thân là một nhà báo.
      - GS. TS. Ngô Đạt Tam, một nhà nghiên cứu tâm linh.
      - Ông Trần Thịnh (ĐTDĐ: 0912350246 ) phụ tá TS. Thiếu tướng Chu Phác , ghi chép diễn tiến của buổi tiếp xúc với cô Thạo.
      - Hai bác sĩ Lê Thanh và Ngọc Sanh
      - Bà Bùi Bình Minh, em gái tôi
      Ngoài  đoàn chúng tôi còn có các khách khứa bạn bè của chủ nhà. Cô Thạo là một người thiếu phụ  ngoài 40 nét mặt thanh tú sang trọng, nói rất nhỏ, vừa gieo 2 đồng tiền vừa nói nhỏ nhẹ vừa đủ cho người ngồi bên nghe. Mọi người có vẻ hài lòng, cô em Minh của tôi nói: “Đúng anh Lựu, chồng em về rồi. Cô Thạo bắt đầu bằng việc mời thuốc lá mọi người đúng hệt như thói quen của nhà em”. Giáo sư Ngô Đạt Tam thì thầm với riêng tôi: “Cô ấy nói những chuyện gia đình chỉ riêng tôi biết”. Còn đối với tôi thì chỉ là chung chung, không chuyên biệt như cô Phương Thanh Hóa - cũng tạm được.
      Cô  Thạo rất có giá, đã từng được khách mộ điệu mời qua Mỹ.
      t4. Cô Vũ Thị Bằng (ĐT: 0320788083 , thôn xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương trên quốc lộ 5,HN-HD-HP, từ Hà nội đến Quán Gỏi-cây số 38.5 KS Xanh lơ. Qua cầu vượt 5.5km, rẽ phải qua cầu sắt, chợ, rẽ trái, rẽ phải). Ngày nào nhà cô cũng đông như cái chợ. Trong nhà ngoài sân chật cứng. Thiếu tướng Chu Phác giới thiệu và nhiều người khen hay nên tôi trở đi trở lại từ ngày 27.12.2007 đến ngày 31.12.2007 tất cả 5 lần.
      Lần cuối cùng sáng thứ hai 31.12.2007 , tôi được vào đầu tiên lúc 7 giờ sáng: ông Nội tôi về nói chuyện 45 phút. Mọi người cho là quá thỏa đáng xứng với công tôi đi lại 5 lần trong 5 hôm liền. Nhưng đối với tôi là hoàn toàn vô giá trị vì cô Bằng đã dựa vào tờ giấy khai lý lịch gia đình của tôi còn trong câu chuyện chỉ nói chuyện vớ vẩn chung chung cho mọi người. Tôi không u mê như hầu hết mọi người. Việc vong hiện về là có thật vì cũng như mọi lần khác chỉ có Cha tôi và ông Nội tôi về. Cha tôi về đứng đợi ngoài cổng nói với vong vào trước về em Quang tôi, đợi lâu quá ông bỏ đi. Đúng là cha tôi: ông yêu em Quang hơn tôi và thường không kiên nhẫn chờ đợi. Ông Nội tôi cũng hay về là đúng. Còn nội dung câu chuyện là cô Bằng phịa ra cho vừa lòng khách. Đa số người khác hài lòng nhưng tôi không chấp nhận.
      5. Cô Nguyễn Thị Tuyên (ĐT: 0241.640.452 - DĐ: 0936812507 )
      Đáng nhẽ rẽ phải vào cầu Sắt để vào cô Bằng thì cứ đi thẳng thêm 7 cây số nữa đến thị trấn Thứa - Lương Tài - Bắc Ninh (trên đường đi Phú Lương) thì rẽ phải hơn 1 cây số đường xấu, qua một cánh đồng đến Kim Đào thì thấy một cái nhà 3 tầng đầu tiên. Đó là nhà cô Tuyên, nổi tiếng cho gặp các vong sẩy thai hay trục thai. Từ ngày 27.12.2007 đến ngày 31.12.2007 , tôi trở đi trở lại mất 4 lần, lần sau cùng mới được gọi ngay nhưng vong không về. Cô Tuyên mỗi khi vong nhập thì cứ tru tréo như trẻ con. Khi vong thoát thì cô dãy đành đạch rồi bất tỉnh một lúc mới ngồi nhỏm dậy. mấy bà già trầu chắp tay vái lạy lia lịa, có vẻ tin tưởng lắm. Còn tôi thấy thật đúng là trò bịp bợm. Gặp tôi coi bộ không qua mặt được nên nói là vong không về luôn cả 4 lần. Tôi nghĩ “gọi hồn” đã thành một món ăn tinh thần cho dân quê miền Bắc như đi chùa, đi nhà thờ.
      6. Dương Mạnh Hùng - 35 Lãn Ông, Hà Nội (ĐTDĐ: 0904193799 )
      Chuyên bấm mạch thái tố (?), vẽ chân dung vong, nói chuyện với vong và tìm mộ. Ở nhà cô Tuyên ra, chúng tôi chui vào căn phố tối om, leo lên gác gặp anh Hùng đương dùng điện thoại di động chỉ dẫn cho một thân chủ đương đi tìm mộ, bên cạnh người bạn gái tên Nga, được giới thiệu là nhà ngoại cảm. Hình như “gọi hồn” và “ngoại cảm” là một cái mốt thời trang của dân miền Bắc thời buổi này. Tôi muốn gặp Mẹ tôi mới qua đời được 6 tháng. Anh ta vẽ chân dung bằng bút chì nếu cố gắng cho là giống thì cũng hao hao giống như các bà già khác. Anh nói lung tung đầy vẻ tự tin nhưng toàn là láo khoét không như sách vở báo chí ca tụng.
      7. Cô Hà (cây số 88, Hải Dương, ĐT: 04.2420410-DĐ: 0913089929 )
      Sáng Chủ nhật ngày 15.6.2008 , sau khi đã điện thoại trước lấy hẹn, chúng tôi đến gặp cô Hà. Cô tiếp chuyện chúng tôi một lúc rồi nói hôm nay có tháng nên không làm việc với các vong được. Chúng tôi rất ngạc nhiên hỏi sao trên đường đến nhà cô chúng tôi đã điện báo trước mà cô không nói. Cô chỉ cười nhắc lại chuyện đàn bà của cô. Cô Hà cũng như cô Tuyên thấy chúng tôi hay đúng ra là chính tôi không phải thứ thân chủ dễ tin nên không dám dở trò bịp bợm.
      8. Cô Nguyễn Thị Oanh (thôn Kinh Uyên, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương)
      Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi ghé vào điện cô Oanh. Cô này khấn vái chư Phật một hồi rồi phán lung tung, sai bét. Tôi bực mình đứng dậy ra về thì cô và gia đình cố giữ lại dùng bữa trưa để chiều làm việc tiếp. Mọi người trong đoàn có ý xiêu lòng muốn ở lại nhưng tôi quyết định đi ngay vì không muốn để cô móc tiền bữa cơm trưa. Cô Oanh không có một khả năng gọi hồn tí nào chỉ lợi dụng lòng mê tín của lũ dân quê mà nói láo ăn tiền.
      9. Cô Nguyễn Ngọc Hoài  (DĐ: 0917885267 – Nhà riêng: cây số 26 từ Hà Nội quá bến xe Giáp Bát trên quốc lộ 1A – Thắng Lợi – Thường Tín – Hà Tây)
      Cô  Hoài có khả năng “tìm mộ từ xa” làm việc tại “Liên hiệp Khoa học UIA” (Ban khảo nghiệm các khả năng đặc biệt) thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ công an (01 Đông Tác – Kim Liên – Đống Đa – Hà Nội). Anh Nguyễn Phúc Giác Hải (DĐ: 0904175758 ), chủ nhiệm Bộ môn Thông tin và Dự báo của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người dẫn gia đình tôi tham gia một buổi ÁP VONG thứ sáu hàng tuần tại nhà riêng cô Hoài. Hôm đó là thứ Sáu 20.6.2008 , ngoài khả năng ngoại cảm tìm mộ từ xa, cô Hoài còn hướng dẫn “ÁP VONG” cho các gia đình vào ngày thứ sáu hàng tuần. Gia đình tôi có mặt đúng 8 giờ sáng đã thấy 7,8 chục người ngồi xếp chân xuống sàn nhà từng gia đình 4, 5, 6 người. Cô Hoài bắt đầu buổi “áp vong” bằng nói vài lời hướng dẫn đại khái là: ngồi yên, nhắm mắt, mời vong nhà mình về ... Gia đình tôi thì vẫn như bữa cô Thiêm tới áp vong, án binh bất động, chẳng có vong nào về áp vào ai cả. Tôi đi thăm các gia đình khác. Cũng có vài ba đám có vài người nói lung tung, nửa đùa nửa thật, chẳng ra làm sao cả. Chừng hơn 2 tiếng chúng tôi bỏ về. Cô Hoài phàn nàn với anh Giác Hải là gia đình tôi không thành tâm. Tôi chán cái trò “ÁP VONG” quá.
 
       10. Cô Núi (DĐ: 090471934 – Mỹ Đình – Hà Nội)
      Sáng hôm thứ năm 19.6.2008 chúng tôi phải đi đón một anh công an, người giới thiệu cô Núi và anh bạn Nguyễn Phúc Giác Hải. Khi đến đầu cầu đã đã thấy một người đàn ông (chồng cô Núi) đứng đợi. Anh ta đi xe Honda dẫn đường đến một căn nhà vắng hoe. Tôi có cảm tưởng không tốt vì những nơi khác thì nhà to cửa rộng người đông như họp chợ. Chỗ này coi bộ ế khách. Quả đúng như dự đoán, cô Núi là một hạng gọi hồn rẻ tiền nhất mà tôi đã từng gặp. Nói năng vớ vẩn, cũng niệm Phật ... thật là khôi hài.
      Tháng hai năm 2009, tôi lại về Hà Nội và tiếp tục đi tìm hiểu các cô Đồng.
      11. Cô Đồng Nứa
      Nửa  đêm ngày thứ Sáu 06.02.2009 tới Hà Nội, GS. Đào Văn Long, hiệu phó ĐH Y Dược Hà Nội và BS. Vũ Trường Khanh ra đón tại phi trường Nội Bài. Chủ nhật 08.02.2009 tôi đã tới thăm điện cô đồng Nứa (vùng ven đô Hà Nội). Thân chủ khá tấp nập. Có bảng hiệu Cô Đồng Nứa và nơi gửi xe tổ chức đàng hoàng. Quang cảnh cũng như mọi nơi: các bà các cô ngồi xúm chung quanh cô đồng Nứa, chắp vái lia lịa. Cô đồng tay gieo 2 đồng tiền, mồm khấn vái rồi phán lung tung ...
      12. Cô Đồng Thắm (do BS. Hiên giới thiệu và dẫn đến)
      Ngày chủ nhật 11.02.2009 tôi lại đi đến điện cô Thắm, không có gì đặc biệt. Cũng lếu láo như các chỗ khác.
      13. Cô Đồng Sánh (cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa)
      Tôi  đã chán ngấy các cô đồng quanh vùng Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng rồi. Hôm nay đi Thanh Hóa (thứ Tư 14.02.2009 ) đến điện Cô Đồng Sánh vùng Cầu Hàm Rồng. Thân chủ khá đông, lớp trong lớp ngoài ngồi cả ra sân. Chúng tôi được vào ưu tiên vì đã có hẹn trước.
       Em gái Bình Minh (73 tuổi) của tôi vào thử trước. Cô nói hết gia đình nội ngoại có những ai, bao nhiêu tuổi đúng hết 100%. Khi hỏi đến chồng ra sao. Cô nói “buồn lắm để nói sau” (vì chồng cô em tôi đã mất từ lâu rồi). Đến lượt tôi cũng vậy: anh em, con cháu bao nhiêu người, trai gái tuổi tác ra sao đúng hết 100%, chính xác đến độ người nghe phát phì cười (vì cô nói giọng khôi hài và khẳng định). Mục đích của tôi không phải đến để coi bói toán hay thách đố thử tài các cô đồng nhưng chỉ muốn giao tiếp với người quá cố để kiểm chứng sự hiện hữu của “Linh hồn và Cõi âm”. Cô Sánh hẹn bữa khác vì có việc phải đi ngay bấy giờ. Đúng vậy, khi vào đến cổng tôi đã thấy biển đề:
“Cô  Đồng Sánh phải đi giúp việc. Xin hẹn ngày sau:
ĐT: 01681342029 hoặc DĐ: 0976244033 ”
      Tuy không đáp ứng trực tiếp mục đích tìm kiếm của tôi nhưng cô đồng Sánh (nói thành phần trong gia đình cùng tuổi tác), Cô Hoàng Thị Thiêm (bịt mắt đọc chữ và lái xe honda), ông Đỗ Đức Trí, Sơn Tây (chỉ cần xem tên họ mà biết hết thân thế sự nghiệp), và cô Phương, Thanh Hóa (đọc tên các vong và gia đình còn sống) thật sự là những khả năng ngoại cảm rất đáng lưu ý.

      14. Cô Hoa (Nghi Sơn, Thanh Hóa)
      Tiện  đường chúng tôi đi tiếp đến Nghi Sơn (biên giới Thanh Hóa - Nghệ An) để gặp cô Hoa. Cô này bảo mọi người lên rút một tờ giấy bản trong đó chẳng có chữ nghĩa, hình vẽ hay dấu vết gì cả. Đối với mọi người trừ cô thì tờ nào cũng như tờ nào, cũng trống trơn. Nhưng đến khi cô gọi lên điện đưa tờ giấy của mình ra thì cô trông vào đó đọc lên một bài thơ nói về người ấy tương đối khá đúng. Đọc rất trơn tru, vần điệu, rõ ràng không ngập ngừng. Nếu nghe chưa rõ thì cô đọc lại ý như trước như thể đọc, bài thơ đã viết sẵn, xong việc phải mang tờ giấy ra sân đốt đi. Tôi ngồi suốt buổi quan sát mỗi người là một bài thơ hoàn toàn khác nhau, đọc ra trên tờ giấy không viết một chữ nào. Vợ chồng đứa cháu gái tôi luôn luôn chê bai chỉ trích các nhà ngoại cảm và các cô đồng khác nhưng lần này thi chúng khâm phục cô Hoa sát đất. Cô Hoa nói chúng sinh ra một trai tưởng rằng trai, hóa ra không phải trai rồi cũng lại thành ra trai. Số là khi siêu âm lần đầu, bác sĩ bảo là con trai, siêu âm lần sau bảo là không phải con trai nhưng khi sinh ra thì lại là con trai. Còn về phần tôi, không có gì sai nhưng những điều cô nói có thể cô được người khác cho biết. Tôi là một người nhiều người biết tiếng lại hay ăn nói ngông nghênh không giữ mồm giữ miệng. Hơn nữa tôi cần nói chuyện với các vong thôi nhất là mẹ tôi mới mất được một năm rưỡi. Cô Hoa hẹn khi về Mỹ, điện thoại cho cô. Cô sẽ nối nhịp cầu với cõi Âm để nói chuyện với mẹ tôi. Tôi đã điện thoại vài lần nhưng không có kết quả như tôi mong muốn. Đối với tôi cô Hoa là vô dụng.
      15. Cô Phương (Cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa-ĐT nhà:0373641640, ĐTDĐ:0904677456)
      Cô  Nguyễn Thị Thanh Phương, sinh năm 1972, học hết lớp 7, 12 tuổi có khả năng ngoại cảm, 16 tuổi đọc tên các vong và thân nhân, 18 tuổi lấy chồng, có 2 con gái.
      Trên  đường về Hà Nội, tôi ghé thăm cô Phương như một cố nhân, lần cuối cùng cách đây 2 năm khi mẹ tôi vừa mất. Cô vừa ở điện về, dáng điệu mệt mỏi sau 1 ngày dài làm việc với các vong.
      Không một cô đồng gọi hồn nào có khả năng ngoại cảm mạnh như cô Phương (có lẽ ta phải kể thêm cô Nguyệt). Cô nào cũng bắt thân chủ phải ghi họ tên mình, gia đình mình, tên họ và nơi chôn cất vong mà mình muốn gặp. Riêng cô Bằng lại yêu cầu viết hết tên tuổi cả đại gia đình trên giấy. Khi đến lượt ai thì cô để danh sách nhà đó kẹp dưới đùi, vừa gọi tên vừa phun ra những chuyện chung chung vô thưởng vô phạt. Chỉ có một mình cô Phương cầu Hàm Rồng là hết sức đặc biệt: ai đến cứ việc ngồi chờ, không phải khai tên tuổi ai cả. Vong nhà mình về thì bà chị chồng ngồi cạnh cửa hô lên là vào. Cô Phương ngồi trên chiếc chiếu bình thường (chẳng có điện thờ Phật, ảnh Bác Hồ như hầu hết các điện gọi hồn khác) tự xưng mình là ai (vong mới về) rồi chỉ mặt gọi tên từng người trong gia đình. Gia đình tôi đến gặp cô 5, 6 lần. Có khi kéo tới 8-10 người, mấy thằng cháu rể biết thân phận ngồi nép bên vợ xa xa cũng bị cô điểm danh và hỏi thăm chuyện riêng tư của từng người. Khi gặp cô Phương tôi không còn nghi ngờ gì sự hữu hiệu của “Linh Hồn và Cõi Âm”.Lý do tôi đi gặp các cô đồng khác vừa để kiểm nghiệm chuyện tâm linh vừa để tìm hiểu các mánh khóe làm ăn của bọn bất lương buôn thần bán thánh.Nhưng vì cô Phương thuộc tông tích của tôi và gia đình tôi quá nhiều nên cũng mất hay dần đi.
      (Một cô đồng khác không nổi tiếng bằng cô Phương nhưng khả năng ngoại cảm và gọi tên cũng rất chính xác như cô Phương là cô Nguyệt-Ngã Tư Sở Hà nội. Cô này có thể còn lương thiện hơn cô Phương mà tôi sẽ viết trong đoạn sau) 
      Cô  Phương than phiền sức khỏe suy kém đi nhiều, muốn nghỉ tiếp các vong mà không thôi được vì các vong về mà không cho gặp gia đình họ thì cô bị nhức đầu lắm. Mỗi khi ra điện tiếp người sống, người chết (vong): người sống đến chờ đầy nhà đầy sân, người chết (các vong) về chờ gặp gia đình cũng chen chúc nhau. Cô có quyền gọi vong nào vào trước. Có người phải ăn chực nằm chờ cả tuần lễ mới được gọi vào. Nhưng nếu vong không về thì cô Phương cũng chịu thôi, như trường hợp thằng cháu rể tôi. Mỗi lần tôi tới cô Phương vừa trông thấy tôi vui vẻ báo ngay: “Các cụ về rồi, bác sang điện chờ cháu nhé!” Nếu chưa về cô cũng báo cho biết. Thế ra ở cõi nào cũng vậy, cũng thiên vị, cũng hối lộ. Tham nhũng chỉ được giới hạn, nếu 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được giữ biệt lập và tôn trọng đệ tứ quyền là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Còn nếu 4 quyền nói trên thu vào một mối thì… ô hô!
      16. Cô Nguyệt do ông Trần Thịnh giới thiệu. Ông Trần Thịnh, DĐ: 0912350246 , là phụ tá của Thiếu tướng TS.Chu Phác, chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý trong TTNCTNCN.
      Đêm chủ nhật, 15.2.2009 , đêm cuối cùng ở Hà Nội, tôi đến nhà cô Nguyệt gần 10 giờ đêm. Cô vui vẻ tiếp. Tôi ngỏ ý muốn gặp mẹ tôi mới mất hồi tháng 6.2007. Cô tập trung nhìn lên bàn thờ, khấn vái một hồi lâu rồi nói “Lạ nhỉ, bà cụ về rồi, đứng im mà không nói”. Cô loay hoay cả nửa tiếng đồng hồ, không có kết quả rồi bỗng bập ra câu nói: “Tuấn...Tuấn, sao lại giận...giận nhỉ”. Có vậy thôi, cô không thể nói thêm được nữa. Tôi đưa tiền để cám ơn cô. Cô nhất định không lấy và có vẻ bứt rứt lắm.
      Cô  Nguyệt là một cô đồng lương thiện. Vong không lên được hay lên mà không nói được hay nói mà không nghe thấy được là có thể tại vong, tại tôi, hay tại khả năng ngoại cảm của cô còn yếu kém. Trước kia ở Hà Nội đã xảy ra chuyện một gia đình mời một cô đồng nổi tiếng là hay đến nhà. Suốt buổi, vong của gia đình đó không về được. Cô đồng cảm thấy nhục nhã, uất quá, òa khóc rồi chạy ù ra đường đi mất. Đó là những cô đồng lương thiện không chịu nói nhảm nhí, lừa bịp gia chủ. Dương Mạnh Hùng cũng thấy mẹ tôi hiện về không nói nhưng anh ta lại bịa đặt ra những điều không phải do mẹ tôi nói, tôi là con nên biết ngay. Cô Nguyệt bật ra được 2 chữ “Tuấn... Tuấn” tại sao lại “Giận...Giận” nhỉ! Chỉ có tôi hiểu và biết chắc là Mẹ tôi đã về thật. Trong đám tang mẹ tôi có vài chuyện hiểu lầm giữa tôi và Tuấn, em tôi. Chỉ có giữa 2 anh em biết thôi và tất nhiên vong mẹ tôi phải biết nên người hỏi tôi “Tại sao Tuấn nó giận con”. Cô Nguyệt chỉ bắt được hai chữ “Tuấn” và “Giận” thôi. Cũng như trước kia cô Phương hỏi “Gia đình có ai tên Tiến không?”. Chúng tôi đáp: “không có ai tên đó’. Cô Phương tức quá hét lên: “ta là ông Ngoại đây”. Lúc đó cả nhà mới ồ lên: “Cụ Tiếu, ông Ngoại”. Tiếu chứ không phải Tiến, cô Phương nghe hơi nhầm một chút.
      ... Bài này đã viết xong hơn 2 tuần nay rồi. Bây giờ tôi lại viết thêm về  Cô Nguyệt hay Trần Thị Nguyệt (ĐTDĐ: 0912145831 , ngõ 529 đường Trường Chinh, ngách 29/9A, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vì vừa có một thông tin mới rất hay, rất đáng tin cậy như một bằng cớ rất có giá trị về sự hiện hữu của “Linh hồn và cõi Âm”. Bác sĩ Nguyễn Thanh Châu vừa từ VN về San Jose , gọi điện thoại kể lại chuyện hai ông bà gặp cô Nguyệt sáng 14.12.2009 như sau:
      [Chúng tôi về đến Hà Nội ngày 12 tháng 12  năm  2009, một tuần trước khi vào Saigon để tham dự 35 năm Hội Ngộ của lớp Y Khoa Sài Gòn khóa 1967-1974 .
      Dự định cúa tôi là thăm họ hàng và cũng nhân dịp này  tìm đến điện cô Phương ở Thanh Hóa cho thỏa chí tò mò sau khi đọc bài viết " Linh Hồn và Cõi Âm " của BS. Bùi Duy Tâm.
      Một người bạn quen, không biết gì về anh em hay họ hàng chúng tôi cho biết không cần phải đi Thanh Hóa vì ngay tại Hà Nội có nhiều nhà Ngoại Cảm và có thể thu xếp để chúng tôi gặp cô Nguyệt ở Ngã Tư Sở, cuối đường Trường Chính. Anh bạn này cũng cho biết cô Nguyệt thường hay đi xa, về các tỉnh khác để giúp thân nhân tìm mộ các người chết trong thời kỳ chiến tranh, nên phải canh đúng lúc cô ấy ở Hà Nội mới gặp được.
      Hai ngày sau, chúng tôi đang sửa soạn ra phố cổ Hà Nội dạo chơi, anh bạn điện thoại cho biết cô Nguyệt đã có mặt tại Hà Nội và đã lấy hẹn lúc 11: 30 sáng ngày hôm đó.
      Vợ tôi - Bác Sĩ Phạm Thị Bich Liên - là người Công Giáo gốc, ngần ngại không muốn đi vì quan niệm rằng Chúa Giê Su đã cất ai đi thì làm gì có chuyện trở về. Tôi phải thuyết phục mãi bà ấy mới chịu và bà đeo dây chuyền có hình Đức Mẹ ở cổ , đồng thời cũng đeo tràng hạt có Thánh Gíá ở cổ tay.
      Chúng tôi đến ngõ 192 , ngay ngã tư Sở Hà Nội, chờ khoảng vài phút thì người bạn chạy xe máy đến đưa vào ngách 29, rồi vào một căn nhà ba tầng, bề mặt khoảng hơn ba thước, giữa nhà và căn nhà đối diện chỉ có một khoảng cách chừng  hơn một thước.
      Vào nhà, một cậu con trai khoảng hai mươi tuổi mời chúng tôi vào phòng khách và nói "mẹ cháu ra ngoài chốc lát, sắp về đến rồi".
      Khoảng mười phút sau, một người đàn bà khoảng hơn bốn mươi  chạy xe máy về, cô này mặc quần jean và áo ngắn như người bình thường, nói chuyện lặt vặt với anh bạn tôi rồi mời chúng tôi lên lầu.
      Căn phòng trên lầu ba khoảng  ba thước bề ngang, bốn thước bề sâu , có bàn thờ Phật , bên cạnh là một bàn thờ khác giống như bàn thờ gia tiên , nhưng không có hình trên bàn thờ này. Cũng không có bàn ghế, chúng tôi ngồi trên chiếc chiếu đơn giản.
      Anh bạn tôi để một tờ  một trăm ngàn VN trên bàn thờ, cô Nguyệt châm ba nẻn hương , lâm râm khấn vái trước bàn thờ Phật khoảng một phút, ngồi xuống chiếu rồi hỏi tôi : "Anh muốn gặp ai ? "
      Tôi nói : "Tôi muốn gặp bố tôi hay anh cả tôi " Tôi cố ý không tiết lộ những chi tiết về những người đã khuất để xem ra sao . Thực ra bố tôi mất tại Saigon năm 1977, còn anh cả tôi - BS Nguyễn Thanh Giá - mới mất vì heart attack tháng 5 năm 2008.
      Cô  Nguyệt nhắm mắt , lâm râm khấn vái , rồi mở mắt ra nói với tôi : " Gia đình anh có một bà cô mất hồi trẻ lắm, chết đuối, nhưng bà về và bảo không có chuyện gì để nói "Tôi giật mình vì ngày xưa bố tôi  kể là có bà cô - em ruột ông nội tôi- lúc còn trẻ đi dự đám cưới bằng thuyền  rồi thuyền lật , chết đuối. Chuyện này xẩy ra lâu lắm rồi, có lẽ ở thập niên 1910.
      Cô  Nguyệt nhắm mắt lại khoảng ba mươi giây, rồi mở mắt nói: "Bây giờ có một cụ ông rất uy nghi muốn nói chuyện với anh, nhưng không nhập, em nghe được những gì ông nói thì nói lại cho anh biết".
      Cô  Nguyệt nói : "Ông giận  cháu lắm, cháu về Hà Nội bao nhiêu lần mà không bao giờ nghĩ đến chuyện thăm ông, ông luôn luôn theo cháu để giúp cháu, cháu còn nhớ có cái sẹo lúc trước mổ bụng không? "
      Tôi giật mình, quả đúng như vậy, về Hà Nôi trên mười lần tôi không bao giờ có ý định đi thăm mộ ông nội, vì ông nội mất từ năm 1951, lúc đó tôi mới chưa đầy hai tuổi. Còn cuối năm học APM (Dự bị Y khoa), độ mười ngày đến kỳ thi lên năm thứ nhất y khoa, tôi bị acute appendicitis và được thầy Nguyễn Hữu mổ ở bệnh viện Bình Dân, cũng may năm đó tôi qua được kỳ thi này, trong khi có khoảng gần một trăm người phảì ở lại lớp.
      Ông tôi nói tiếp: "anh cả có gặp ông, anh mất nhanh lắm, ông cố cứu mà không được"
      Rồi ông nói : "Tro của bố cháu để ở chùa, gần cái cầu "  Điều này cũng đúng vì tro của bố tôi để trong chùa Vĩnh Nghiêm, gần cầu Công Lý ở Saigon.
      Ông nói thêm "Cháu, anh cả cháu, thằng M. và con H.  vẫn nói với nhau chết là hết". Điều này cũng đúng, tôi lớn lên trong một gia  đình Phật Giáo, bố mẹ tôi ngày niệm Phật ba lần, bảy anh chị em tôi thì năm người tin hoàn toàn vào đạo Phật, riêng anh cả tôi và ôi thường hay bàn luận và vẫn có quan niệm chết là hết còn M. là con lớn nhất của anh tôi và H. là vợ nó.
      Ông nhắc thêm: "Ông giận lắm, năm thằng cháu nội không lo gì được cho  ông, để thằng cháu ngoại nó lo hết, cả anh Giản về Hà Nội mà cũng không thăm ông".  Anh Giản là BS Nguyễn Thanh Giản anh thứ hai của tôi, anh em tôi thuộc dòng trưởng và có năm anh em trai, còn cháu ngoại là con của cô ruột tôi, gia đình duy nhất ở lại Hà Nội không vào Sàigòn năm 1954 và em họ tôi đã lo việc bốc mộ ông tôi về quê khi chính quyền VN giải tỏa nghĩa trang ở Hà Nội.
      Tôi nói: "Ông mất từ ngày cháu còn bé, cháu không biết mặt ông, bây giờ cháu cũng không biết mộ ông ở đâu ? "
      Ông trả lời: "Gọi điện thoại vào Saigon hỏi thằng Hùng thì biết "Tôi lại kinh ngạc vì em họ  tôi, (GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó Khoa Trưởng  - (là Hiệu Phó) - thời GS Tôn Thất Bách làm hiệu trưởng và còn làm Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Y Tế thời GS Đỗ Nguyên Phương làm bộ trưởng) đang ở Saigon. Trước đó lúc mới đến Hà Nội tôi điện thoại cho Hùng mới biết anh ấy vào Saigon, tuần tới mới về Hà Nội.
      Ông nội nói thêm: "Ông tức cháu lắm, tối hôm qua ông làm cháu đau bụng". Quả thật tối hôm trước đang ngủ trong hotel, tôi thấy đau nhói ở bụng độ ba mươi giây, thức dậy cơn đau hết.
      Cuối cùng ông nói: "Thôi bây giờ  ông cũng đầy đủ mọi thứ, mộ ông đẹp lắm, ông không cần gì cả". Thế là sau đó ông thăng] 
      Cô  Nguyệt-Ngã Tư Sở Hànội cũng như cô Phương- cầu Hàm Rồng Thanh Hóa, gọi tên người sống người chết, nói chuyện cõi Âm cõi Dương trúng phoong phoóc. Và cũng như cô Phương, cô Nguyệt không cẩn hỏi lý lịch gia đình, tên tuổi, chết ngày nào, chôn ở đâu như các cô đồng khác.
      BS. Châu lại kể tiếp:
       
      [Khoàng mấy phút sau , cô Nguyệt quay sang hỏi vợ tôi : " Chị muốn gặp ai ?"
      Vợ tôi nói "Muốn gặp bố tôi". Tôi nhắc thêm: "Và cậu em trai nữa "
      Cô  Nguyệt nhắm mắt khoảng ba mươi giây, rồi nói : "Cậu này nhanh nhẩu lắm, nhập rồi "
      Người em trai nhập thẳng vào cô Nguyệt và nói chuyện trực tiếp, không như ông nội tôi không nhập vào cô Nguyệt. Cô Nguyệt nghe được gì rồi nói lại với tôi.
      Và cứ thế cậu em kể cho vợ tôi những chi tiết mà chỉ có những người trong gia đình mới biết được. Những chi tiết này quá riêng tư và có liên quan đến nhiều người khác nên vợ tôi không cho phép tôi viết lại. Nhưng cuối cùng bà ấy cũng kết luận: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là đứa em đã về nói chuyện với chị"] (San Jose Jan. 21, 2010 - Bác Sĩ Nguyễn Thanh Châu)
       Cuộc đối thoại giữa hai chị em BS. Liên đã  đi vào các chi tiết rất tế nhị và nhạy cảm (lại đúng dễ sợ!) trong gia đình cũng như việc chữa trị của các đồng nghiệp bạn hữu trong bệnh viện… không tiện viết ra đây.
      Ngoài những mâu thuẫn phức tạp trong gia đình liên quan tới cái chết có thể gọi là oan uổng lại thêm các nghi vấn về cách định bệnh và điều trị trong một tháng trời tại bệnh viện đã được sáng tỏ phần nào trong cuộc đối thoại giữa vong cậu em và bà chị ruột (mà cả hai người đều là bác sĩ và theo đạo công giáo gốc). Cho nên Cục Điều tra Hình sự,Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Công An VNXHCN đã dùng các nhà ngoại cảm và gọi hồn để điều tra các vụ án mạng bí ẩn. Thế mới biết không gì che dấu được cõi Âm. Nếu mọi người hiểu được rằng song song với cái thế giới phàm trần bụi bặm mịt mù này còn có một cõi hiền hòa trong sáng như pha lê thì cuộc sống vô thường nơi dương thế này sẽ được thanh thản lương thiện hơn ... 
      Kết: Trong 6 năm (2003 - 2009) nhiều lần về Việt Nam, tôi đã gặp gỡ 16 cô đồng gọi hồn và áp vong. Gặp được người hay như cô Phương tôi đã tới 6-7 lần, gặp người không hay tôi cũng đến 5 lần như cô Bằng, gặp người không nói được điều gì nhưng chuyên cho gặp các vong sẩy thai hay trục thai như cô Tuyên tôi cũng tới 4 lần (tôi nghe thấy các vong thai nhi khai hết chi tiết như tên ông bác sĩ trục thai, nhà ở đâu, làm các bà mẹ khóc rống lên). Riêng cô Phương, nhà nước VNXHCN đã chính thức cử nhiều đoàn khoa học gia đến khảo sát tận chỗ nơi cô Phương tiếp khách trong suốt 2 năm (1999 - 2000), làm phiếu khảo sát cho 97 gia đình và cuối cùng đưa ra kết luận “Hiện tượng khả năng đặc biệt của cô Phương là có thật. Những thông tin quá khứ và hiện tại đều đúng 100%”.
      Đoàn gồm các nhà khoa học, nổi tiếng trong nước như GS. Viện sĩ Đào Vọng Đức, Giám đốc TTNCTNCN, Thiếu tướng TS. Nguyễn Chu Phác , chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý, PTS. Nguyễn Phúc Giác Hải, chủ nhiệm bộ môn Thông tin và Dự báo, TS. Trần Đức Vân, Viện Trưởng Viện Toán, TS. Nguyễn Ái Việt, Viện Trưởng Viện Vật Lý, TS. Hà Vĩnh Tân, Viện Trưởng Viện Vật Lý Điện Tử,... Tất cả đã chính thức công nhận Thế giới Tâm Linh, là Khách Quan cùng với thế giới của chúng ta đang sống trong một tài liệu “Mật” như sau:
      “Trong xã hội hiện tồn tại rất nhiều dạng mê tín, rất nhiều kẻ hành nghề bịp bợm dựa vào lòng mê tín của người dân. Lẫn trong bể cát sỏi mênh mang này, cô Phương đúng là viên ngọc quý. Bất cứ ai dù là người vô thần cực đoan nhất, nếu tự mắt nhìn, tự tai nghe những cuộc đối thoại giữa vong và những người thân còn sống, thuyết phục nhất là cuộc đối thoại giữa mình và các vong linh người thân của mình, đều phải tin rằng THẾ GIỚI TÂM LINH LÀ CÓ. Nó tồn tại KHÁCH QUAN cùng với thế giới ta đang sống. Thế giới tâm linh tồn tại khắp không gian và thời gian cùng với thế giới vật chất này nhưng lại VÔ HÌNH. Cô Phương là cái loa để chuyển thế giới vô hình thành thế giới HỮU LINH, giúp ta nhận thức thế giới Tâm Linh là hiện thực khách quan. Mọi hành động của con người đang sống dù có khôn khéo đến đâu, có thể trốn tránh được pháp luật, đánh lừa được dư luận, nhưng không thể đánh lừa được VONG LINH. Thế giới TÂM LINH đầy lòng nhân ái nhưng rất nghiêm khắc đang giám sát mình ở mọi không gian và thời gian. Con người thấy cần hạn chế tính vị kỷ, tàn bạo và nâng tính vị tha lên làm cho xã hội chúng ta đang sống trở nên KHOAN DUNG và BÁC ÁI hơn.”

       Tôi có thể tạm phải nhận là: “Sau khi chết (ngay cả các thai nhi chết trong bụng mẹ) người ta đi vào một thế giới khác có những quy luật vật lý khác với thế giới ta đang sống nhưng vẫn mang theo ký ức của đời này (gọi tạm là cõi dương) sang cõi khác (tạm gọi là cõi âm). Nhưng điều rất quan trọng là TA (xác thân ở cõi dương), vẫn là TA (linh hồn thuộc cõi âm) nên cái TA vẫn liên tục từ cõi Dương sang cõi Âm. Khi qua đời này ta chỉ rũ cái xác thân xuống. Hồn ta vẫn còn nguyên vẹn, KHÔNG CHẾT: TA vẫn là TA.” 

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Tiếng Huế hay lắm

TIẾNG HUẾ

     Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều . Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu .
     Xin được đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai o đang tuổi lấy chồng: “Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba . . . en đẩn . Mi quai chướng khôn ?” Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy: “Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh . . . Mày coi có kỳ không ?” .
     Chữ đẩn, ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên còn có nghĩa như ăn: “Đẩn cho bưa rồi đi nghể” . Ăn cho no rồi đi ngắm gái . Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn: “Đẩn cho hắn một chặp!”(Đục cho hắn một hồi!)
     Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại: Được mùa thì chê cơm hẩm
Mất mùa thì đẩn cơm thiu
     Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu không có . . . thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà . . đã thông cho được:
     “Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê ! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui .”
     (Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá . Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui) Khó hiểu chưa ? !
     Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, và vì tiêu đề của bài này là lan man về những thổ ngữ đó, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút ít những gì đã mất và ôn lại những gì đang còn xài .
     Vì trang báo có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên trong bài này, xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn: “Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!” (Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai) Độc chưa ?
     O mô mà lỡ mang cái nhãn không cầu chứng tại tòa này chắc phải ở giá hoặc phải chọn kiếp . . . tha hương may ra mới có được tấm chồng .
     Chữ rượn gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém . Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế . Vì thế gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bảy xa xôi rằng con đó nó ngựa lắm, nó lắm, nhưng thâm thuý hơn nhiều “Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại !” (Bà cứ dồn lúa vô khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại) .
     Chữ lưa cũng còn có nghĩa là còn đó như trong hai câu trong bài ca dao Huế: Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)
Con đò đã khác năm xưa tê rồi
     Này lại (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại . Chứ không dùng ở chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm Đập chắc lỗ đầu, vại máu! (Đánh nhau bể đầu, toé máu!)
     Thương bọ mạ để mô ? Để côi trốt! Chắc chúng ta cũng thường hay hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha mẹ, câu này có nghĩa: “Thương bố mẹ để đâu ? Để trên đầu!” Rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán
     Tra trắn rứa mà còn ở lỗ! (Chững chạc, già đầu vậy mà còn cởi truồng) . Ở lỗ cũng xuất hiện trong câu phương ngôn “ăn lông ở lỗ” hoặc “con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau!”
     Lên côi độn mà coi (Lên trên đồi mà xem .) Chữ coi về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác .
     Mự đừng có làm đày! (Mợ đừng có lắm lời, thày lay) . Riêng chữ cụ mự thường là dùng cho cậu mợ . Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già vì đã có chữ ôn hay ông . Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày “an trí ” ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao Huế, khi nói đến cụ Phan: Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
     Chộ chưa ? Nỏ chộ ! (Thấy chưa ? Không thấy !) Nỏ là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào ! Hắn mô rồi ? Nỏ biết ! Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu ! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có ruột .
     Khóc lảy đảy, không biết ốt dột ! (Khóc ngon khóc lành, không biết xấu hổ!) .
     En dòm tui, tui dị òm ! (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá !) Chữ òm người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không ? Dở òm !
     O nớ răng mà không biết hổ ngươi ! (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ !) Hổ ngươi cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ . Cũng như xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng
     Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn !: Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới . Mời ôn mệ thời cơm: Mời ông bà dùng cơm .
     Mệ tra rồi mệ chướng: Bà ấy già nên sinh tật . Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua .
     Ăn bụ cua cho hết đái mế: Ăn vú cua cho hết đái dầm . Chữ bụ cũng dành cho người và các loài có vú khác . Bụ mạ là vú mẹ, bọp bụ là bóp vú .
     Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn ! (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn !) . Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê ! hoặc khủng khiếp quá !, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ !: Con bé đó đẹp quá trời !
     Răng mà cú tráu rứa tê ?: Sao mà cộc cằn quá vậy ? Chữ cú tráu nếu phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa .
     Huế nói trại :
     Nói trại là nói sai giọng, không đúng âm theo giọng viết, nói trại đôi khi cũng dùng trong trường hợp “nói khác đi, nói cách khác” . Cách nói bị biến âm này rất phổ thông ở Huế, nhất là dân cư vùng biển . Nói trại làm cho âm thanh nặng hơn, khó hiểu hơn .
     Con tâu tắng ăn ngoài bụi te tức là con trâu trắng ăn ngoài bụi tre . Tời tong tẻo, nước tong veo: Trời trong trẻo, nước trong veo .
     Hầu hết những từ bắt đầu bằng “nh” đều được người Huế nói trại thành “gi”: già (nhà) . Giớ già giớ vợ ở già: Nhớ nhà nhớ (luôn) vợ ở nhà!
     Những từ bắt đầu bằng “s” thì nói trại ra thành “th”: Ăn thung mặc thướng:Ăn sung mặc sướng hoặcThầy gòn là Sài gòn, hoặc nữa: Noái năng thòng phẳng: nói cho sòng phẳng, rõ ràng . Lối phát âm của người Huế không xác định được âm cuối là “n” hay “ng”: Con thằng lằng chép miệng thở thang!: Con thằn lằn chép miệng thở than!
     Những chữ có âm “o” thường nói trại ra “oa”: Xa voài voại, noái khôn tới, với khôn được, ngó khôn chộ: Xa vòi vọi, nói không tới, với không được, nhìn không thấy! Hoặc nữa: Đi coai boái, thầy boái noái đi coai cái voài voai Đi coi bói, thầy bói nói đi coi cái vòi voi.
     Những chữ có âm “ô”, người Huế thường nói trại thành âm “u”: Thúi trong thúi ra: Thối từ trong ra ngoài. Túi lửa tắt đèn: Tối lửa tắt đèn.
Nậy rồi mà mũi rãi thò lò !: Lớn đầu mà mũi rãi lòng thòng ! Chữ thò lò cũng đã góp mặt trong ca dao Huế:
Học trò thò lò mũi xanh
Cầm cái bánh đúc chạy quanh nhà thầy !
     Vô rú mà đốn săng: Vào rừng mà đẵn gỗ . Săng cũng đã góp mặt trong mấy câu hò giã gạo với lối đối đáp rất “văn hóa” của Huế:
Bên nữ:
Lẻ củi săng chẻ ra văng vỏ
Bỏ vô lửa đỏ than lại thành than
Trai nam nhân chàng mà đối đặng
Thiếp xin kết nghĩa tào khang trọn đời
     Nghĩa: Cây củi gỗ chẻ ra văng (Văn) vỏ (Võ), thảy vô lửa thì thành (Thành) than (Thang) . Cái kẹt là ý lại thâm hậu, cao xa hơn nhiều: Văn, Võ Thành, Thang là những vị vua thời Tam Đại, Tây Châu bên Tàu .
Bên Nam :
Trâu ăn giữa vạc ló lỗ
Đã ngụy chưa tề !
Nam nhân chàng đã đối đặng
Thiếp đã chịu theo chàng hay chưa ?
     Nghĩa: Con trâu (Trâu) ăn giữa vạt lúa trổ (Lỗ), sao kỳ quá vậy ? Ý ư, cũng điển tích như ai: Trâu, Lỗ, Ngụy Tề là bốn nước thời Xuân thu Chiến Quốc cũng ở bên Tàu luôn . Còn hai người có “tào khang” với nhau được hay không là chuyện . . . của họ
     En trên rầm thượng bổ xuống, nằm ngay đơ cán cuốc, phải địu đi nhà thương !: Anh ấy té trên rầm thượng té xuống, nằm cứng như cán cuốc, phải bồng, cõng đi nhà thương !
     Rầm thượng là gác lửng, hay kho chứa bên dưới mái nhà ? Ở Huế, rầm thượng không phải là chỗ ngủ nghỉ mà là nơi chứa những đồ gia dụng đáng giá nhưng phải cỡ nhỏ, vì không có lối lên . Muốn lên rầm thượng, phải bắc thang; thân phụ tôi đã dùng rầm thượng để cất giữ những đồ cổ vừa phải, không qúy lắm .Còn nếu qúy nữa thì bỏ vào rương xe, một thứ tủ thấp đóng bằng gỗ thật dày, có nắp đậy, có luôn 4 bánh xe để đẩy vì khiêng không nổi, nặng quá mà ! Mặt bằng của rương xe là cái đi-văng, tối tối cứ trải chiếu nằm ngủ trên đó là khỏi lo trộm đạo
     Nước mắt chặm hoài không khô, răng khổ ri nì trời !: Nước mắt lau, thấm hoài không khô, sao khổ vậy nè trời ! Chữ chặm cũng đã lãng đãng trong mấy câu hò giã gạo, mà vì não nùng ai oán quá, nghe hò xong e phải . . bỏ chày luôn:
Hai hàng nước mắt như mưa
Cái khăn lau không ráo
Cái áo chặm không khô
Công anh đổ xuống ao hồ
Quì thưa bẩm dạ thuở mô đến chừ !
     Mặt mày chạu bạu, ai chịu cho thấu !: Mặt mày một . . đống, ai chịu cho nổi ! Chữ thấu cũng có nghĩa là tới: Kêu trời không thấu: Kêu không tới trời; Vô thấu trong Thầy gòn: Vô tuốt trong Sài gòn . Mả cha cái thằng vô hậu: Tiên sư cái thằng đoảng
     Ăn trầu cơi thiếc: Ăn trầu (để) trong hộp, quả bằng thiếc . Cái cơi thiếc cũng đã đi vào tục ngữ Huế: Uống nước chè tàu, ăn trầu cơi thiếc.
     “Mả cha mi” là tiếng chửi, lời nhiếc mắng rất thông dụng ở Huế, đồng nghĩa với “mồ cha mày” . Lối chửi này ít thông dụng ở những địa phương khác .
     Đi xe hay đi chưn xuống rứa ?: Đi xe hay đi bộ xuống đây vậy ?
     Túi thùi thui, có chộ chi mô !: Tối quá, không thấy gì hết!
     Rạt gáo rồi mà còn làm le làm gió !:Cạn túi rồi mà còn làm chảnh, làm sang !
     Ăn đoại cơm hến, uống đoại nước chè: Ăn tô cơm hến, uống bát nước chè (xanh) .
     Tục ngữ Huế: Ăn lưng đoại, làm đoại lưng (làm muốn gãy lưng !) .
Cơm hến, chẳng có chi cầu kỳ, nhưng nhiều mùi vị với lưng bát cơm nguội, rau sống, thân chuối non, rau mùi xắt nhuyễn, nước luộc hến chan vô, cho chút xíu ruốc, bỏ chút ít hến xào, thêm vài trái ớt, đúng với cái ít ỏi của Huế.
     Bữa ni đi kéo ghế: Hôm nay đi ăn nhà hàng . Người Huế, nhất là ở thôn quê, thường dọn cơm trên phản, trên tấm ngựa .   Không dọn trên bàn nên khỏi có cái vụ kéo cái ghế mà ngồi vào bàn . Vì thế, mỗi khi được dịp đi ăn ở quán, ở nhà hàng thì gọi là đi kéo ghế .
Huế làm đày làm láo, Huế nói chữ
     Vâng, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa . . . làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài . Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì “tụng” mới phê !
     Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.
     Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm . Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ:Cái con nớ, lanh cha lanh chanh ! Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị chồng mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè !: Sao mà nó vô phép quá vậy!
     Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh: xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi thui, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt) .
     Bởi, cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn !: Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm rể !
     Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai !
     Một bà mẹ tụng cô con gái, một bà chị cả mô-ran cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình:Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăng hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa . Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bật để nuôi mình . Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan !
     Cái thông điệp cho thằng em trai thì: Năm tể năm năm tê, mi còn lẩm đa lẩm đẩm, mũi rãi thò lò, chừ mi nậy rồi, phải biết ăn biết noái, biết goái biết mở, vô khuôn vô phép . Chớ mai tê mốt nọ mi nên vai nên vế, nên vợ nên chồng, làm răng mi bông lông ba la hoài như cái đồ trôi sông lạc chợ cho được ?!
     Mấy ôn, khi giáo huấn con cháu, vẫn thường trích dẫn ca dao, tục ngữ để đệm thêm cho ý tưởng của mình: Đó, mi thấy đó . Ai ơi chớ phụ đèn chai, thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn . Mi đoảng, mi vô hậu, được bèo quên rá, được cá quên nơm; thì mi lấy ai mà bầu bạn, lấy mô mà tri kỷ !


     Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy o Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừa biết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ . Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, thổ ngữ Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ giớ, cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều . Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó . Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ mài mại, để gọi là khơi lại chút âm thanh của những ngày xưa cũ