Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Gặp gỡ giao lưu giữa Viện NC&ỨD TNCN với những người có khả năng ĐB

Bài đăng trong BẢN TIN số 02, tháng 9/2013 của Viên NC&ƯD TNCN

GẶP GỠ GIAO LƯU
GIỮA VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG TIỀM NĂNG CON NGƯỜI
VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT.
Nhà giáo Quan Lệ Lan
thay mặt đoàn thư ký
     Sáng ngày 18/8/2013, buổi gặp gỡ giao lưu giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Viện) với những người có khả năng đặc biệt đã được tổ chức tại Hội trường lớn Học viện Thủy lợi, số 175 đường Tây Sơn, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
     Đúng 8 giờ 30, PGS, TS nguyễn thị Ngọc Quyên, Phó Viện trưởng, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, giới thiệu đoàn chủ tich, đoàn thư ký.
     Đoàn chủ tịch gồm: - GS, TSKH, Viện trưởng Phạm Minh Hạc.
                                                    - Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Viện phó.
                                   - PGS, TS Ngô Tiến Quý,
                                   - TS Nguyễn Chu Phác, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện.
                                                    - GS, TS Đoàn Xuân Mượu.
     Đoàn thư ký gồm:   - Kỹ sư Trần Thị Phúc, Phó phòng Hành chính Tổng hợp Viện.
                                   - Nhà giáo Quan Lệ Lan, Trưởng phòng Thông tin Tư liệu Viện.
     Viện và các đại biểu tham dự cuộc gặp gỡ vui mừng được đón đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đại diện các cơ quan lãnh đạo cấp trên và nhiều cơ quan bạn.
     Thành phần tham dự cuộc gặp gỡ giao lưu gồm gần 100 cán bộ của Viện bao gồm Hội đồng Viện, Hội đồng Khoa học, Ban Giám đốc, Lãnh đạo các đơn vị quản lý và chuyên môn, cán bộ khoa học và nghiên cứu, cán bộ triển khai ứng dụng, trên bốn chục nhà ngoại cảm – những người có khả năng đặc biệt đã và đang được Viện nghiên cứu và trắc nghiệm khả năng, các GS, TS, các nhà nghiên cứu, và đông đảo các đơn vị, cá nhân quan tâm đến công việc của Viện. Số người tham dự trên 8oo (vượt trên số 600 giấy mời Viện gửi).
     Tài liệu của buổi gặp gỡ giao lưu có 95 trang với 18 bài viết và 4 bài trong phần phụ lục.    
     Sau nghi thức khai mạc, Đoàn Chủ tịch điều dẫn chương trình gồm 13 bài phát biểu.
     Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu đầu tiên. Ông là người đã nhiều năm quan tâm việc nghiên cứu tiềm năng con người ở nước ta, quyết định và ủng hộ việc ra đời tổ chức nghiên cứu tiềm năng con người của các nhà khoa học. Với sự thân ái,,chân tình và thẳng thắn, nguyên TBT đã căn dặn nhiều điều về nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người Việt Nam.
     Trước khi đọc lời khai mạc “Cuộc gặp gỡ giao lưu…”, Viện trưởng Phạm Minh Hạc đã phát biểu cảm ơn sự có mặt của nguyên TBT Lê khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Đây là sự cổ vũ, quan tâm to lớn cho Viện. Nguyên TBT Lê Khả Phêu là người cách đây 17 năm với tư cách là Tổng bí thư đã góp phần dẫn tới quyết định thành lập cơ quan nghiên cứu về Tiềm năng con người. Trong quá trình phát triển, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người nhận được sự quan tâm của của đồng chí Lê Khả Phiêu. Thay mặt cho Viện, Viện trưởng Phạm Minh Hạc xin ghi nhớ những lời động viên, khuyến khích, ủng hộ đối với sự nghiệp NC&ƯD TNCN của Viện và hứa cố gắng thực hiện những điều mà Nguyên TBT đã căn dặn.
     Bên cạnh bài phát biểu của một số nhà ngoại cảm, nổi lên bài phát biểu của hai nhà khoa học có một quá trình nghiên cứu lâu dài, uy tín về khả năng đặc biệt của con người:
     -GS,TSKH Đoàn Xuân Mượu, một nhà nghiên cứu đã có tới 5 đầu sách, nội dung hướng tới trả lời vấn đề ”Chúng ta là ai”- một công trình nghiên cứu to lớn về con người. Với bài phát biểu tựa đề “Trả lời những dấu hỏi về ngoại cảm”. GS nói: đây là những “Phản biện thận trọng”.Với những dẫn chứng cụ thể, chi tiết, GS chỉ ra rằng: Một hai cá nhân nào đó đang có những lời tuyên bố thiếu hiểu biết về ngoại cảm, thực chất đó là sự thiếu hiểu biết về khoa học. Mọi lập luận chỉ dựa vào nền Vật lý cổ điển, Tâm lý học cổ điển, không hề cập nhật được những kiến thức khoa học hiện đại về con người,về sự phát triển của nền Vật lý học hiện đại, Tâm lý học hiện đại (Cận tâm lý).
     -GS,TS Phan Đăng Nhật với bài phát biểu “Khoa học cần có phản biện và phản biện cần có tính khoa học, nhân văn và văn hóa”. GS nói: “Nếu coi nghiên cứu Tiềm năng con người là một khoa học thì khoa học này gắn bó chặt chẽ với con người về nhiều mặt. Người chủ sự thực hành là những người đặc biệt, người thụ hưởng khoa học này là đông đảo quần chúng. Vậy không thể coi hai đối tượng trên như máy móc, phải đối xử nhân văn và có văn hóa.
     Phần cuối chương trình, mọi người được chứng kiến cháu Trần Tuấn Minh, 4 tuổi, người “có bộ óc máy tính” lên trình diễn khả năng nhanh chóng chuyển đổi năm Dương lịch sang năm Âm lịch.
     Phó Viện trưởng Nguyễn Phúc Giác Hải đọc kiến nghị của Viện với Nhà nước về một Đại lễ Cầu siêu có quy mô toàn quốc.
     Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Ngọc Quyên thay mặt Viện lên cám ơn các vị khách quý, các cán bộ khoa học, các nhà quản lý, các nhà ngoại cảm đã đến dự buổi gặp gỡ, giao lưu..lời cám ơn chân thành tới Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi GS TS Nguyễn Quang Kim và các phòng ban của trường đã rất tận tình giúp đỡ Viện tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu này.

     Chương trình buổi gặp gỡ giao lưu kết thúc lúc 12h15, Viện mời các đại biểu đến dự bữa cơm thân mật.  



Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ

Bài đăng trong BẢN TIN số 1, tháng 6/2013 của Viện NC&ƯD TNCN

HỘI THẢO KHOA HỌC
“VỀ NGÔI MÔ CỔ MỚI PHÁT LỘ
 TẠI ĐỒNG HỚI, QUẢNG BÌNH
                                                                       Thay mặt Đoàn thư ký
                                                                      Nhà giáo Quan Lệ Lan
     Ngày 11-6-2013 Hội thảo khoa học về “Ngôi mộ cổ mới phát lộ tại Đồng Hới Quảng Bình” đã được tổ chức tại Hội trường trụ sở Ủy ban Nhân dân Phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Hội thảo do bốn đơn vị đồng tổ chức:
-          Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người (Viện NC&ƯDTNCN)
-          Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Phả học Việt Nam.
-          Ủy ban Nhân dân phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
-          Ban liên lạc dòng họ Lý Việt Nam.
Đoàn chủ tịch hội thảo bao gồm
-          GS,TSKH, VS Phạm Minh Hạc, Viện trưởng Viện NC&ƯDTNCN.
-          GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch  Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
-          TS Mai Hồng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phả học Việt Nam.
-          Ông Nguyễn Thế Chín, chủ tịch UBND phường Đình Bảng.
-          Ông Lý Thạc Vinh, trưởng ban liên lạc dòng họ Lý Việt Nam.
Đoàn thư ký:
-          TS Sử học Đinh Công Vỹ, Viện Hán Nôm
-          Nhà giáo Quan Lệ Lan, trưởng phòng Thông tin Tư liệu Viện NC&ƯD TNCN
Thành phần tham dự Hội thảo gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và các nhà nghiên cứu về các lĩnh vực Lịch sử, Hán Nôm, Phả học, Khảo cổ học, Giáo dục học, Tâm linh, Văn học, Văn hóa…thuộc các cơ sở nghiên cứu khác nhau. Lãnh đạo UBND phường Đình Bảng, Đại diện phòng Văn hóa Thông tin Từ Sơn Bắc Ninh, Ban liên lạc họ Lý Việt Nam, Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam…Tổng số người tham dự hội thảo: trên 150 người.
Tài liệu Hội thảo dày 80 trang, có 13 bài viết của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu và phần phụ lục gồm các bài viết:

1
Lời khai mạc Hội thảo                                                    GS VS Phạm Minh Hạc
2
Tiền nhân giục giã qua những giấc mơ và những vần thơ       Hoàng Thị Thiêm
3
Về ngôi mộ cổ mới phát lộ tại tiểu khu dân cư số 6, phường Hải Thành,
Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình                                        TS Mai Hồng                                                                             
4
Từ tâm linh, dã sử, huyền thoại đến sự thực                   Nhà giáo Quan Lệ Lan,
                    LS Nguyễn Bích Lan,  PGS TS Bùi Tiến Quý, PGS TS Ngọc Quyên
5
Về mộ công chúa Lý Kiều Oanh                                 PGS TS Nguyễn Đăng Na
6
Mộ cổ Hải Thành (Đồng Hới) từ góc nhìn khảo cổ học              
                                                                                PGS TS Nguyễn Lân Cường
7
Đi tìm chủ nhân của ngôi mộ cổ                                  PGS TS Nguyễn Tá Nhí
8
Lý Ngọc Kiều- sư bà Diệu Nhân Ni Viện Hương Hải           
                                                                            PGS TS Trần Thị Băng Thanh
9
Từ tâm linh đến thực tế                        Nhà nghiên cứu lịch sử Đinh Văn Niêm
10
Từ ngôi mộ của công chúa Nhà Lý suy nghĩ về sự gắn bó giữa lịch sử và
 tâm linh                                                                                 TS Đinh Công Vỹ                                                                           
11
Phát hiện ngôi mộ của công chúa Lý Kiều Oanh, con vua Lý Thái Tông
                                                                                   Đại tá  Nguyễn Huy Toàn
12
Đón nhận hào quang năng lượng của Tổ Tiên                      Nhà văn Mai Thục
13
Từ những hiện tượng tâm linh kỳ lạ của Nhà Lý đến việc tìm mộ công chúa
 Lý Kiều Oanh                                     Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải               

PHỤ LỤC ( một số bài thơ truyền âm qua NNC Hoàng Thị Thiêm)
1
Bài thơ của Phò mã Hồ Đức Cưởng
2.
Trận chiến thắng ở Hồ Tró
3
Trận chiến trên sông Giang, từ đó đổi tên sông Nhật Lệ
4
Lời kể của phò mã Hồ Đức Cưởng về hoàn cảnh xuất hiện
 Chiếu thư của vua Lý Công Uẩn
5
Chiếu thư của Vua Lý Công Uẩn gửi Phủ Tân Bình


Tiến trình Hội thảo
1.      Lễ dâng hương tại đền Đô
Tất cả các đại biểu tham dự hội thảo dự Lễ dâng hương tại Đền Đô, nơi thờ tám vị vua Triều Lý vào lúc 7h30 trong không khí trọng thể và trang nghiêm
2.      Phần khai mạc:
-          PGS TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên giới thiệu lý do có cuộc hội thảo đặc biệt kết hợp giữa tâm linh và khoa học.  Cuộc hội thảo được 4 cơ quan tổ chức nhằm trình bày và trao đổi các ý kiến về ngôi mộ cổ mà chị Hoàng Thị Thiêm đã tìm được bằng ngoại cảm do tiền nhân báo qua các giấc mơ và những bài thơ. Những thông tin nhận được bằng tâm linh sau đó được kiểm chứng bằng các cuộc đào thăm dò của chị Hoàng Thị Thiêm, Nguyễn Bích Lan (5-2012) và các nhà khảo cổ (6-2012), khai quật thám sát khi chủ nhà sửa nhà (12-2012). Các nhà khoa học đến hiện trường nghiên cứu và tra cứu qua sử sách, qua văn thơ Lý Trần qua hiện vật tìm được và viết các báo cáo khoa học về ngôi mộ này từ những góc độ khác nhau. Cuộc hội thảo nhằm trao đổi các ý kiến, các kết quả nghiên cứu để có phương hướng giải quyết tiếp những vấn đề còn cần tiếp tục triển khai.
-          GS VS Phạm Minh Hạc, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đọc diễn văn khai mạc,
-          Ông Nguyễn Thế Chín, Chủ tịch UBND phường Đình Bảng đọc lời chào mừng Hội thảo,
-          Bà Hoàng Thị Thiêm báo cáo về những thông tin bà nhận được và quá trình tìm mộ tại Đồng Hới Quảng Bình
3.      Nội dung Hội thảo:
Phần nội dung Hội thảo được chia thành hai phiên.
Phiên 1 do GS VS Phạm Minh Hạc điều hành
Phiên 2 do GS Đinh Xuân Lâm điều hành
Có 8 trên 13 báo cáo được trình bày trong hai phiên họp
Sau mỗi báo cáo có trao đổi thảo luận để làm rõ các vấn đề
Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã tổng kết hội thảo
Kết luận Hội thảo:
   1- Nhiều ý kiến khẳng định ngôi mộ được phát lộ trong khuôn viên nhà anh Phạm Văn Nam tiểu khu dân cư 6, phường Hải Thành, Tp Đồng hới, tỉnh Quảng Bình là ngôi mộ cổ qua các chứng tích về cấu trúc, về vật liệu xây dựng đặc biệt là tấm bia đá nhỏ còn khắc dòng chữ Hán”Lý Kiều Oanh Công Chúa” và hai cột trụ chữ Hán, các chữ không còn đủ rõ, nhưng các chữ còn lại, cũng nói lên người nằm dưới mộ là một “Thần nhân chi quốc” mà (tên họ?) liên quan đến một loài chim cao quý. Xét về lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng đây phải là ngôi mộ thế kỷ thứ 11, được trùng tu ít nhất một lần vào thời Nguyễn. Nơi phát lộ có thể mới chỉ là phần trùng tu sau này
Trước đây, khi xây công trình phụ, gia đình anh Nam đã đào được một tấm bia lớn đầy chữ Hán. Phải chăng là bia Thần đạo viết về thân thế và sự nghiệp của người nằm dưới mộ?  Theo tin tức điều tra trong dân địa phương, có một cụ già trong làng đọc được hai chữ “Công chúa”. Tấm bia được dựa vào tường rào, sau đó đã bị thất lạc.
   2. Nhiều ý kiến khẳng định và tin vào khả năng ngoại cảm cũng như sự tự tin, dũng cảm của bà Hoàng Thị Thiêm, đánh giá cao Tâm Đức của bà Hoàng Thị Thiêm, Luật sư Nguyễn Bích Lan với Tiền nhân. Ngôi mộ đã được chủ nhà phát hiện trong chiến tranh khi đào hầm trú ẩn. Năm 1983, bà Trương Mỹ Phước, một người con dâu họ Hồ khi đến thăm gia đình đã phát hiện dưới nền nhà có ngôi mộ của một quý bà. Năm 2010 bà lại nhận tiếp thông tin và đã báo cáo lãnh đạo địa phương nhưng rồi sự phát hiện này do nhiều lý do nên không được các cơ quan chức năng quan tâm. Các nhà khoa học cho rằng: Con đường đi đến sự thật của lịch sử, của văn hóa dân tộc… cần sự đóng góp của nhiều người, nhiều ngành nghề, trong đó có các nhà ngoại cảm. Những người có khả năng ngoại cảm có thể đóng góp tích cực, làm ngắn đi con đường tìm kiếm để  lấp những khoảng trống của lịch sử, hay làm rõ  những huyền thoại, truyền thuyết  trong dân gian. Các thông tin từ thế giới tâm linh cho biết cần được kiểm chứng bằng khoa học hiện đại.
3. Các điều cần giải quyết tiếp:
- Có một số thông tin còn chưa tìm thấy trong sử sách, cần được tìm hiểu và nghiên cứu thêm.
- Các cổ vật tìm được đều thuộc triều Trần, triều Nguyễn, vậy để đến tận huyệt mộ thì cần phải tiếp tục khai quật. Vị trí ngôi mộ có thể trong khuôn viên tường hào mới được xây để bảo vệ  hay trong phần nền còn lại của gia đình anh Nam.
- Cần xác định quy mô khai quật, phương thức khai quật để có thể khẳng định về ngôi mộ, song phải đảm bảo là giữ nguyên ngôi mộ, chỉ tôn tạo lại như yêu cầu của Tiền nhân.
     - Tìm tấm bia lớn còn đang thất lạc trong dân và những đồ tùy táng khác nếu còn. Tấm bia là một vật chứng có giá trị cao trong việc xác định người nằm dưới mộ.
    -  Cần có sự tham gia của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong công việc tiếp theo

     - Cần huy động thêm sự đóng góp tích cực của dòng họ Hồ, họ của phò mã Hồ Đức Cưỡng, chồng Công chúa Lý Kiều Oanh vào các hoạt động tiếp theo.





NHÌN LẠI ĐỂ BƯỚC TIẾP

Bài của GS TSKH Phan Anh đăng trong BẢN TIN số 01, tháng 6/2013 của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.

NHÌN LẠI ĐỂ BƯỚC TIẾP
                                    GS.TSKH Phan Anh

                                     Chủ tịch HĐKH Viện NC& ƯD Tiềm năng con người

  Như mọi người biết, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người được Liên hiệp Hội Việt Nam thành lập cuối năm 2012 với chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của con người, về tiềm năng con người. Năm 2013 là năm hoạt động đầu tiên của Viện và cũng là năm Viện bắt đầu triển khai các nghiên cứu - ứng dụng trong lĩnh vực của mình. Tuy là đơn vị mới thành lập nhưng chúng ta hiểu và ý thức được sứ mệnh cũng như trách nhiệm đặc biệt mà Liên hiệp Hội Việt Nam đã trao, đã kỳ vọng vào đơn vị mới này như thế nào qua nhiệm vụ nghiên cứu mà Liên hiệp Hội giao cho chúng ta trong năm hoạt động đầu tiên này, đó là  Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu khoa học tiềm năng con người trong giai đoạn mới.
Trong lịch sử phát triển xã hội, từ xa xưa người ta đã nhận biết có những điều đặc biệt hoặc những bí ẩn liên quan đến con người. Con người cũng đã quan sát, nghiên cứu và có thể cũng đã đúc rút được những kiến thức nhất định, nhưng rồi thời gian trôi qua với nhiều biến cố đã khiến cho nhiều tư liệu bị mai một, không lưu lại được đầy đủ cho đời sau.
Trong những thập niên gần đây, trên thế giới và ở cả nước ta, nhiều tổ chức và cá nhân kể cả tổ chức có hay không có chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực này đã bỏ không ít thời gian, công sức để tìm tòi, mong làm sáng tỏ những điều còn bí ẩn đối với con người cũng như những vấn đề có liên quan đến “khả năng đặc biệt”, “khả năng tiềm ẩn” của con người và tìm cách ứng dụng những “khả năng” đó ở các mức độ khác nhau. Rất nhiều tài liệu đã được đúc kết, kể cả những gì đã công bố hoặc chưa công bố, nhưng độ tin cậy của những tư liệu này đến đâu hoặc thực chất vấn đề là ở đâu thì vẫn còn có nhiều dấu hỏi. Điều này phụ thuộc vào phương pháp và cách tiếp cận của mỗi nghiên cứu. Cũng không loại trừ có những kết luận nhận được theo kiểu “thầy bói xem voi”. Phần lớn các nghiên cứu được xuất phát từ việc ghi nhận hiện tượng, ghi nhận sự việc, hoặc qua trải nghiệm rồi suy luận trên bản thân sự việc để rút ra kết luận chung, khái quát hóa theo các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống rồi biến thành các kết luận về nhận thức. Ngay cả đối với các nghiên cứu như vậy cũng khó tránh khỏi việc đưa ra các kết luận có tính phiến diện. Đơn cử ví dụ về nghiên cứu, đánh giá “khả năng chữa bệnh” bằng “phương pháp đặc biệt” của một “nhà ngoại cảm” nào đó nếu chỉ căn cứ vào các số liệu y tế được thống kê đối với người bệnh để đưa ra kết luận về “khả năng chữa bệnh” của người đó như một sự đánh giá khách quan, thuần túy về Y học thì sẽ là phiến diện. Thật vậy, rất nhiều hiện tượng lạ, hiện tượng đặc biệt đã quan sát thấy mà chúng ta coi đó là do “khả năng đặc biệt” của con người đều có liên quan đến yếu tố tâm linh, đến phạm trù siêu hình, một “thế giới vô hình” mà ẩn sau đó là các “thông điệp” mà nếu không chú ý chúng ta sẽ không nhận ra. Trách nhiệm mà Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người trong năm hoạt động nghiên cứu đầu tiên này cần làm trước hết là Nhìn lại và đánh giá những gì mà  thế giới và VN đã nghiên cứu, đã nhận thức từ nhiều năm nay, đặc biệt trong khoảng vài chục năm gần đây trong lĩnh vực tiềm năng con người để lựa chọn hướng đi đúng cho nghiên cứu trong các bước tiếp theo.
Trong Đề cương nghiên cứu của Viện được Liên hiệp Hội Việt Nam duyệt cho năm 2013, trách nhiệm trên đã thể hiện ở 3 nội dung:
  • Tổng hợp và đánh giá những gì mà thế giới và Việt Nam đã nghiên cứu, đã nhận thức trong lĩnh vực tiềm năng con người và một số lĩnh vực có liên quan về tâm linh, đặc biệt trong giai đoạn từ giữa thế kỷ XX đến nay.
  • Tổng hợp và đánh giá việc ứng dụng tiềm năng con người trên thế giới và Việt Nam đặc biệt chú trọng giai đoạn từ giữa thế kỷ XX đến nay
  • Xây dựng chương trình nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn của Viện về tiềm năng con người và những vấn đề có liên quan về tâm linh, giai đoạn 2014-2018 và tầm nhìn đến năm 2030
Điều lưu ý của các nội dung này không phải ở việc Tổng hợp các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vì công việc này chủ yếu chỉ là thu thập và sắp xếp tài liệu, tuy khối lượng sưu tầm và xử lý không nhỏ. Thật vậy, nếu chỉ tính trong thời gian từ giữa thế kỷ XX đến nay chúng ta sẽ phải sưu tầm và xử lý một khối lượng lớn tư liệu có trên thế giới và Việt Nam, mà chỉ tính riêng ở VN thôi thì con số bao gồm cả những tư liệu công khai, chưa công khai, hay còn trôi nổi là rất đáng kể.
Điểm đặc biệt quan trọng ở các nội dung này chính là việc Đánh giá các nghiên cứu và ứng dụng trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực tiềm năng con người và những lĩnh vực có liên quan về tâm linh , đây là công việc đòi hỏi trí tuệ ở mức độ cao và thể hiện tầm vóc nghiên cứu của đề tài.
Đánh giá các nghiên cứu, theo ý nghĩa mà chúng ta hiểu chính là đánh giá các nhận thức đã rút ra từ các nghiên cứu, quan sát mà thế giới và Việt Nam đã trải qua trước đây nhờ sự phân tích, phê phán một cách biện chứng, dựa trên hệ thống những quan điểm hay những tiêu chí được xây dựng ban đầu. Thông qua việc đánh giá chúng ta sẽ nhận diện một cách rõ nét những sự việc đã hoặc sẽ xảy ra trong thực tế, giúp phân biệt điều hư, thực, đóng góp cho xã hội những hiểu biết đúng đắn về những vấn đề nhậy cảm mà xã hội đang quan tâm. 
Xây dựng các tiêu chí cho việc nhận định, đánh giá sẽ là một trong những khâu quan trọng nhất và phải tiến hành trước nhất của đề tài. 
Những nội dung nghiên cứu, đánh giá sẽ được cụ thể hóa ở các đề tài nhánh liên quan đến các khía cạnh về ngoại cảm, cảm xạ học, năng lượng sinh học, cận tâm lý, siêu hình học, dự báo thông tin v.v. 
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích và đánh giá những kết quả nghiên cứu mới nhất, những vấn đề đã được giải quyết và những hạn chế sẽ chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, từ đó xây dựng được hướng giải quyết và những nội dung cần nghiên cứu trong giai đoạn mới của Viện giai đoạn 2014- 2018 và tầm nhìn đến 2030.
                                                                                                                                            PA

KHOA HỌC LÀ TÌM HIỂU ĐIỀU CHƯA BIẾT

Bài của GS TSKH VS Phạm Minh Hạc đăng trên BẢN TIN số 01, tháng 6/2013 của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.

KHOA HỌC LÀ TÌM HIỂU ĐIỀU CHƯA BIẾT
                                                               GS. Phạm Minh Hạc
                                                                       Viện trưởng
                                       Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng Con người

                 Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (ở dưới viết là Viện) từ Lễ ra mắt đến nay chưa đầy nửa năm. Trong điều kiện hoạt động rất eo hẹp Viện bước đầu đã hoàn thành công tác tổ chức: đã ban hành một số quy chế hoạt động, hình thành 6 tổ bộ môn, 2 trung tâm, 2 phòng, 2 ban, 6 câu lạc bộ; đồng thời, bắt đầu tiến hành được một số công tác chuyên môn, các bạn đọc Bản tin số 1 này có thể thấy bức tranh chung về Viện. Với hơn 20 bài đăng trong Bản tin này của các tác giả là cán bộ và cộng tác viên của Viện, bạn đọc có thể thu nhận một số thông tin về một số nội dung khoa học, cũng như về một số vấn đề liên quan, thuộc phạm vi nghiên cứu và ứng dụng của Viện.

               Do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam tổ chức và Bộ khoa học-công nghệ cấp phép hành nghề, Viện là một tố chức khoa học. Nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu và ứng dụng một số vấn đề về tiềm năng con người. Tiềm năng con người được hình thành và duy trì, phát triển đã mấy triệu năm nay, trong một thân thể khoảng 100.000 năm nay không có gì biến đổi, nhưng phần lớn (có đến khoảng 95% bộ não) chưa sử dụng đến. Theo tiến hoá văn minh nhân loại, khoảng gần 3.000 năm nay, tiềm năng ấy dần dần được sử dụng nhiều hơn, hiệu quả ngày càng cao, như chúng ta thấy ngày nay loài người có công nghệ thông tin với mạng toàn cầu từ năm 1990. Đi vào thế kỷ XXI vấn đề con người, vốn người, “sức mạnh  mềm”, vốn xã hội nói chung, vấn đề tiềm năng con người rất được quan tâm, nghiên cứu. Hiện nay, bước đầu tìm hiểu, 32 nước có tổ chức nghiên cứu một số nội dung tương tự (hoặc gần gũi) với nội dung công tác của Viện, như các bạn đọc trong Bản tin này.


             Vấn đề tiềm năng con người, như các bài viết trong Bản tin này, tuy phần nhiều mới là nêu lên để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, nghiên cứu, nhưng cũng thấy rất phong phú, phức tạp, nhiều đối tượng khác nhau quan tâm dưới các góc độ khác nhau. Có vấn đề mới nghe có thể coi là quen thuộc, như vấn đề dự báo, vấn đề phong thuỷ, vấn đề vân tay, vấn đề văn hoá Đông phương…, nếu có gì khác, mà lại là cái khác rất hắc búa, là vận dụng vào xem “số phận” con người. Một số vấn đề phức tạp hơn, như các vấn đề thuộc bộ môn cận tâm lý học, năng lượng sinh học (chữa bệnh không dùng thuốc), bộ môn các hiện tượng siêu hình đi vào thế giới tâm linh. Riêng bộ môn cận tâm lý học lại gồm cácc nhà ngoại cảm nghiên cứu và ứng dụng các hiện tượng đến ngày nay nhiều nơi nhiều người gọi là “siêu nhiên”, “đầy bí hiểm”, “sự thật như huyền thoại”…, trong đó có “gọi hồn”, “nói chuyện với người âm”, có vẻ khó tin, nhưng lại có kết qủa tìm được mộ người thân, nhất là các liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay của chúng ta. Và xem xét vấn đề này như một vấn đề khoa học thật không đơn giản chút nào. Trên thế giới có ý kiến cho rằng thuyết tâm linh (tiếng Anh: spiritism) khởi đầu bằng một tác phẩm mang tên “Năm cuốn sách cơ bản về thuyết tâm linh của tác giả người Pháp Alăng Cacđêch (Allan Kardec, 1804-1896), viết trong hơn 10 năm (1857-1868), phần nào dựa trên sự kiện hai chị em Phôc (Fox, Mỹ) năm 1848 mô tả lại hiện tượng nghe được tiếng nói từ cõi âm, Cacđêch khẳng định sự tồn tại của linh hồn của người đã khuất, người sống có thể tiếp nhận. Về vấn đề này đến này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ, người phản đối, cũng có người lên án... Tôi nghĩ, sứ mệnh khoa học là tìm hiểu những điều chưa biết, hoặc biết chưa đến nơi đến chốn, tìm hiểu nghiên cứu một cách khách quan, nghiêm túc, thu thập nhiều số liệu, tư liệu. Lập trường của Viện chúng tôi là không vội vàng kết luận, nhất là kết luận kiểu phe này – phe kia, “phe duy vật” – “phe duy tâm”…(cần hiểu các thuật ngữ này đúng theo tinh thần khoa học), chẳng có lợi gì cho cuộc sống. Viện chúng tôi nhận nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng một số vấn đề các bạn thấy trong Bản tin này. Mong các bạn góp ý, tranh luận, thảo luận, cùng nhau góp sức tìm hiểu tiềm năng con người Việt nam, có khi gọi là “các khả năng đặc biệt” của con người, trong đó có thế giới tâm linh của người Việt nam, hy vọng góp phần nhân lên sức mạnh tinh thần vốn có truyền thống cao đẹp của tổ tiên cha ông để lại, với tinh thần hoà nhập quốc tế, như Đảng và Nhà nước đã khẳng định, tiến lên sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.