Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

ĐỀ TÀI KHẢO NGHIỆM KHOA HỌC VỀ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT


Bài trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về "Nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người"

ĐỀ TÀI KHẢO NGHIỆM KHOA HỌC VỀ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT
                                                                            Vũ Thế Khanh[1]
     “Ranh giới giữa Chánh tín Tâm linh và mê tín dị đoan là rất nhỏ, nhỏ đến mức… không biết cắm mũi kim vào đâu.Vì lợi ích cộng đồng, muốn phân biệt rạch ròi hai phạm trù này thì cần phải có sự phát huy tích cực phần Tuệ Giác và Thiện Tâm của các nhà nghiên cứu khoa học …”. Đó là đích ngắm đầu tiên của Chương trình Khảo nghiệm khoa học về các khả năng đặc biệt.
     Chương trình Khảo nghiệm về các khả năng đặc biệt, do ba cơ quan hợp tác thực hiện (Liên hiệp Khoa học UIA; Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an; Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống - Hội Khoa học lịch sử) được tiến hành qua các giai đoạn sau:
A. Giai đoạn tự phát:
     Từ xa xưa, hiện tương ngoại cảm đã chiếm vị trí quan trọng trong đời sống Tâm linh của cộng đồng xã xã hội. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức và ảnh hưởng rất lớn đến tín ngưỡng của nhân dân. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, mọi hoạt động văn hóa tinh thần đều hướng về cuộc chiến, do vậy các hiện tượng Tâm linh ngoại cảm không được chú ý nhiều. Khi đất nước được thống nhất, dư âm chiến tranh dần dần lắng xuống, và cũng là thời kỳ phát triển rầm rộ của các hiện tượng Tâm linh.
     Nhưng phải đến những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ 20 thì các hiện tương Tâm linh ngoại cảm mới bùng phát và đa dạng. Đã có những hình thức tự phát sử dụng ngoại cảm vào công tác tìm mộ liệt sỹ  và bước đầu đã có được kết quả rất khả quan:
     - Năm  1992 -1993, UBND thị xã Ninh Bình chủ trì việc tìm mộ 13 liệt sỹ tại chùa Non Nước - Ninh Bình bằng khả năng ngoại cảm;
     - Năm 1994, UBND thị xã Uông Bí chủ trì việc tìm mộ 5 liệt sỹ tại Uông Bí - Quảng Ninh bằng khả năng ngoại cảm. Ngày 27/8/1994 đồng chí Bùi Văn Tiến (chủ tịch UBND huyện Uông Bí) đã có công văn 545/CV- UB xác nhận kết quả tìm mộ 5 liệt sỹ bằng khả năng ngoại cảm của Nguyễn Thị Phúc Lộc và Thẩm Thúy Hoàn và cám ơn đoàn nghiên cứu khoa học ngoại cảm
     Ngày 26/6/1995. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Trịnh Tố Tâm đã ký công văn số 2708 /LĐTBXH – CV chấp nhận  việc Tìm mộ liệt sỹ của tiểu đoàn Phủ Thông bằng phương thức ngoại cảm .
     - Năm 1996 có chương trình hiệp thương "tìm lại Nam Cao" 33 cơ quan  hiệp thương đồng tổ chức đi tìm Nhà văn liệt sỹ Nam Cao , mà nòng cốt của chương trình này là bằng phương pháp ngoại cảm huyền thông giao thoa (7 nhà ngoại cảm cùng tham gia cung cấp thông tin về ngôi mộ của Nam Cao).
     - Ngày 27.7.1996, ba cơ quan đầu tiên đã ký hợp tác nghiên cứu về khả năng đặc biệt để phục vụ cho công tác tìm mộ liệt sỹ, đó là Hội Tâm lý giáo dục học VN (do  chủ tịch Hôi - GS  Phạm Minh Hạc ký ), Liên hiệp khoa học UIA (do TGĐ - TS .KTS Vũ Thế Khanh ký), Báo cựu chiến binh Việt Nam ( do Tổng biên tập - Đại Tá Trần Minh Bắc ký). Các kết quả tìm mộ liệt sỹ bằng mgoại  cảm trong  giai đoạn này được Đại tá Hàn Thụy Vũ đăng trên chuyên mục “nhắn tìm đồng đội” của báo Cựu chiến binh Việt Nam.
B.  Giai đoạn nghiên cứu theo sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng Nhà nước
Giai đoạn I:
     Đến năm 1997 thì "tình hình" đã chín muồi, được đánh dấu bằng Tờ trình ngày 26/7/1997 của ba cơ quan là Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học UIA và Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được khảo nghiệm khả năng đặc biệt của anh Nguyễn Văn Liên trong việc tìm mộ liệt sỹ từ xa. Cần xác định rõ: việc tìm mộ liệt sỹ thất lạc bằng khả năng đặc biệt là hiện tượng có thật hay chỉ là sản phẩm hoang đường của các hành vi mê tín dị đoan?!
     + Nếu hiện tượng ngoại cảm là không có thật thì kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước loại bỏ phạm trù này ra khỏi hình thái sinh họat văn hóa cộng đồng
     + Nếu là hiện tượng ngoại cảm là có thật, mang tính khách quan thì báo cáo Chính phủ  và các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai khảo nghiệm các bước tiếp theo ở mức độ sâu hơn.
     Sau khi có Tờ trình nói trên của ba cơ quan, ngày 13/8/1997, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4027/KGVX gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh yêu cầu Bộ "xem xét, xử lý việc này".
     Ngày 21/8/1997, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có Công văn số 1960/QLKH thông báo ủng hộ việc tổ chức nghiên cứu của ba cơ quan và yêu cầu thận trọng trong phân tích để tránh hoạt động mê tín dị đoan và sau khi kết thúc việc nghiên cứu, ba cơ quan phải có báo cáo chính thức kết quả trình Thủ tướng Chính phủ.
     Ngày 03/9/1997 tại Viện Khoa học hình sự  (Bộ Công an) đã diễn ra cuộc họp giữa Vụ Quản lý khoa học - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Vụ Quản lý khoa học - Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự và đại diện UIA.
     Tại cuộc họp này, đại diện Viện Khoa học hình sự và đại diện Liên hiệp UIA đã báo cáo khả năng của anh Nguyễn Văn Liên qua những khảo sát sơ bộ  và đề nghị cho nghiên cứu trường hợp này để có những kết luận chính thức..
     Cuộc họp đã nhất trí đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan chức năng khác của Nhà nước cho phép ba cơ quan phối hợp nghiên cứu và giao TS. Ngô Tiến Quý ( Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự) làm chủ nhiệm đề tài, hai cơ quan là Liên hiệp UIA và Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống phối hợp. Hội nghị yêu cầu phải khảo nghiệm 100 trường hợp trong thời gian từ tháng 9/1997 đến tháng 3/1998.
     Sau đó, ngày 19/9/1997, Vụ Quản lý khoa học - Bộ Công an đã có Công văn số 87/BNV(V14) gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo về việc chấp nhận việc nghiên cứu hiện tượng anh Nguyễn Văn Liên là một đề tài cấp Bộ với chủ nhiệm và các cơ quan phối hợp như cuộc họp ngày 03/9/1997 đề xuất.
     Đến ngày 09/10/1997, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có Công văn số 2366/QLKH gửi Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA) đồng ý đề nghị của Vụ Quản lý khoa học - Bộ Công an tại Công văn số 387/BNV(V14) ngày 19/9/1997 nêu ở trên.
     Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam, chúng ta tổ chức nghiên cứu khảo nghiệm khả năng đặc biệt của con người trong việc tìm mộ thất lạc từ xa do các cơ quan, tổ chức khoa học tiến hành dưới sự chỉ đạo, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
     Lý do có sự hợp tác CÙNG nghiên cứu khoa học của 3 cơ quan là: :
     - Thứ nhất là xuất phát từ thái độ của các nhà khoa học trước một hiện tượng khác thường đang có nhiều sự nhìn nhận khác nhau và không tránh khỏi những lợi dụng mang tính mê tín dị đoan và đang làm cho xã hội bị phân tâm.
     - Thứ hai là các cơ quan khoa học có thể bằng chuyên môn của mình giúp cho việc xác minh tính xác thực của hiện tượng nói trên trong quá trình nghiên cứu.
     Việc nghiên cứu khảo nghiệm, thu thập và đánh giá số liệu được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ và rất cẩn trọng. Mục tiêu nghiên cứu được đặt ra là:
     1- Xác định khả năng ngoại cảm ( mà điển hình là anh Nguyễn Văn Liên ) là có thật hay không? Đây là vấn đề rất bức xúc mà xã hội đang cần có lời giải đáp.
     2- Nếu khả năng của anh Liên là có thật thì phải xác định xem xác suất thành công là bao nhiêu?
     3- Nếu khả năng của anh Liên là không có thật thì sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xóa bỏ hình thái  hoạt động kiểu này trong cộng đồng xã hội;
     4- Nếu khả năng của anh Liên là có thật thì báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng sử dụng  phục vụ trong việc  thực hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa uống nước nhớ nguồn (vì nhu cầu tìm mộ Liệt sỹ thất lạc trong trong những cuộc chiến tranh mấy chục năm vừa qua là rất lớn.)
     Theo đúng quy trình, sau 4 tháng nghiên cứu khảo nghiệm, ngày 25 tháng 02 năm 1998, Ban Chủ nhiệm đề tài đã khảo sát hoàn chỉnh được 492 trường hợp (số người đăng ký khảo nghiệm là 3.000) và đã hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu.
     Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, Ban Chủ nhiệm đề tài đã khẳng định khả năng tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm của anh Liên là có thật và xác suất tìm được là 70%.
     Ngày 17/4/1998, Ban chủ nhiệm đề tài đã có buổi báo cáo kết quả nghiên cứu trước Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đại diện của 07 Bộ, ban ngành có liên quan. Tại buổi làm việc này, Lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khẳng định phương pháp nghiên cứu là khoa học, khách quan, chu đáo và có độ tin cậy cao.
     Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm đã sử dụng một phương pháp nghiên cứu hiện đại, rất phù hợp với đối tượng nghiên cứu, đó là phương pháp “khách quan hóa” những dữ liệu chủ quan do nhà ngoại cảm cung cấp, do vậy đã khẳng định được một sự thật khách quan là anh Liên có khả năng đặc biệt.
     Đề tài có ý nghĩa xã hội lớn. Đại diện các Bộ, ban ngành đã tin tưởng và chấp nhận, đánh giá cao kết quả nghiên cứu. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao cố gắng của các cơ quan nghiên cứu, quyết định cho tiếp tục khảo nghiệm và đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có hình thức khen thưởng xứng đáng.
- Giai đoạn II:
     + Tiếp tục xác minh thông tin và giám định một số hài cốt liệt sỹ bằng các phương pháp khoa học hiện đại nhằm củng cố, bổ sung cho kết quả của giai đoạn I.
     + Mở rộng đối tượng khảo sát, nghiên cứu phát hiện thêm những khả năng đặc biệt khác và hướng họ vào những việc làm hữu ích, phục vụ cộng đồng, góp phần làm lành mạnh hoá các hoạt động Tâm linh.
     + Tìm hiểu và phát hiện những yếu tố thuận, nghịch mang tính 2 mặt của hiện tượng ngoại cảm, từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy những mặt tích cực trong công tác tìm mộ thất lạc, đồng thời đề ra những giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.
     Trong giai đoạn này , Chương trình Khảo nghiệm cũng đã góp phần chỉ rõ những đối tượng lợi dụng ngoại cảm để hành nghề mê tín dị đoan. Nhiều “dị nhân hoang tưởng” đã bị phơi bày dưới ánh sáng của khoa học
     Đã có hàng trăm đối tượng xin đăng ký khảo nghiệm về khả năng đặc biệt. Nhưng qua quá trình kiểm định  thì có tới trên 90 %  số đó là hoang tưởng, không hề có khả năng ngoại cảm, họ chỉ dùng mánh khóe để hành nghề mê tín dị đoan.
     Chỉ có rất ít trong số đó là có khả năng ngoại cảm, và đáng được ghi nhận , biểu dương  (như  Đỗ Bá Hiệp, Phạm Kim Khoa, Nguyễn Văn Liên, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Vũ Thị Minh Nghĩa, Phan Văn Lập, Trần Văn Tìa, Lê Văn Trong,, Nguyễn Ngọc Hoài, Nguyễn Văn Lư, Thẩm Thuý Hoàn, Nguyễn Phúc Lộc, Nguyễn Thị Nghi, Đinh Thị Hương …)
- Giai đoạn III:
     + Phát huy những kết quả tích cực của giai đoạn I và II, thiết lập các kênh văn hóa Tâm linh để giao lưu, hội thoại trực tiếp với thần thức (hương linh) các liệt sỹ để phục vụ cho việc tìm kiếm mộ thất lạc được nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiến tới việc phổ thông hoá công tác tìm mộ thất lạc, giải toả được những áp lực do nhu cầu bức thiết của xã hội; khắc phục được những phiền hà, tốn kém cho thân nhân liệt sỹ và các gia đình có mộ thất lạc…
     + Trong giai đoạn này có thể giao thoa kết hợp các  hình thái tâm linh với khoa học Hình sự để tăng cường độ tin cậy của thông tin . Đó là hình thức kết hợp khả năng ngoại cảm với giao lưu áp vong và cuối cùng là được xác minh bằng khoa học hình sự, kể cả việc giám định gien
      + Giải mã các thông điệp từ thế giới tâm linh siêu hình, từ đó đề ra phương thức ứng xử phù hợp, sao cho “âm siêu dương thái”, đồng thời góp phần tích cực vào việc xóa bỏ những hình thái văn hóa không phù hợp, bài trừ tập tục mê tín dị đoan,
- Thành tựu của Chương trình nghiên cứu về các khả năng đặc biệt:
     Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm bảo trợ Văn hóa KTTT là 3 cơ quan đầu tiên được Chính phủ giao nhiệm thực hiện Chương trình khảo nghiệm khoa học tìm mộ liệt sỹ thất lạc bằng các khả năng đặc biệt.
     - Trong 20 năm qua, nhiều hiện tượng lạ đã được kiểm định đánh giá một cách khách quan, khoa học, đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.
     - Đã có hàng chục vạn ngôi mộ thất lạc được tìm thấy bằng khả năng ngoại cảm mà chưa cần đến kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. (trong đó có Tổng bí thư Trần Phú, nhà văn liệt sỹ Nam Cao, Trung tướng Nguyễn Bình, Anh hùng Trần Bình, bí thư xứ ủy Bắc Kỳ Ngô Duy Phớn, Nguyễn Thị Tú, các liệt sỹ tình báo ở tử ngục Chín Hầm như Trung Tá tình báo Lý Văn Tố, Nguyễn Hữu Đà… LS “gieo mầm” Phạm Gia Anh, LS tiền bối Cách mạng Bùi Văn Thịnh, Anh hùng LS đoàn tàu không số Nguyễn Văn Hiệu, cùng hàng ngàn liệt sỹ ở trong các hầm mộ chôn tập thể tại Phú Quốc, Quảng Trị,...)
     - Đặc biệt, khả năng ngoại cảm đang được khai thác, ứng dụng, tring công tác điều tra hình sự, cung cấp thông tin “tập mờ” cho việc xác minh các vụ án, ngoài ra  có sự kết hợp với các Viện hàn lâm khoa học trong lĩnh vực xác minh sự kiện lịch sử và  dự báo sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.
     - Mở ra các hướng nghiên cứu nhằm tìm ra mối quan hệ  hữu cơ giữa thế giới vô hình và hữu hình, xác định được sự tương tác giữa  hai  yếu tố vật thể và phi vật thể trong  quy luật kinh tế xã hội
     - Góp phần Giải quyết các vướng mắc về tâm linh, cải thiện  nghiệp chướng của các dòng họ, góp phần tích cực vào việc làm lành mạnh hóa đời  sống văn hóa tinh thần của cộng đồng xã hội.



[1] TS KTS Tổng Giám đốc UIA

VĂN HÓA TÂM LINH TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI


Bài trong Kỷ yếu Hôi nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về "Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng con người"

VĂN HÓA TÂM LINH TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Nguyễn Văn Cương[1]
Nếu như khái niệm văn hóa đã nhận được tới gần 400 cách giải thích khác nhau thì khái niệm Văn hóa tâm linh cũng đã nhận được rất nhiều cách định danh không nhất quán do nội hàm vấn đề và tính phức tạp của nó. Thậm chí, do tính lịch sử, tính thời đại chi phối, những vấn đề về tâm linh còn chịu nhiều thăng trầm hơn. Và, phải đến những năm cuối của thế kỷ XX, thuật ngữ tâm linh và văn hóa tâm linh mới được công khai thừa nhận ở Việt Nam như một sự tồn tại tất yếu. Nó trở thành một yếu tố cấu thành và làm hoàn thiện con người. Một con người với sự phát triển đầy đủ được nhìn nhận trên các phương diện: con người sinh học, con người xã hội, con người tâm lý và con người tâm linh. Một trong bốn phương diện ấy không ổn định, tất yếu sẽ dẫn đến sự bất ổn của con người. Mỗi sự bất ổn của con người đều hàm chứa khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Do vậy, một xã hội nhân văn là xã hội luôn tạo cơ hội và điều kiện để con người có thể được phát triển đầy đủ nhất trên cả bốn phương diện này.
Xét duy danh khái niệm thì Tâm linh được cấu thành bởi hai từ : Tâm và Linh mang nghĩa để chỉ những điều thiêng liêng, linh thiêng trong tâm thức của mỗi con người. Nó hàm chứa cả những điều mang tính hiện thực, được chứng minh trong hiện thực nhưng ảnh xạ của nó trong tâm thức mỗi người lại không còn hoàn toàn nguyên nghĩa như nó vốn có. Tuy nhiên, phần lớn nội hàm khái niệm của nó lại hàm chứa những điều mà con người còn chưa biết hết, chưa giải thích, cắt nghĩa đầy đủ được về nó. Vì thế, ở một góc độ nhất định, tâm linh là lĩnh vực khác với khoa học. Khoa học mang xu hướng giải thiêng, luôn tìm cách giải thích bản chất những hiện tượng thiêng để trả hiện tượng đó về với bản chất hiện thực của nó. Tâm linh lại thể hiện một hướng đi ngược lại, theo đó, các hiện tượng chưa biết và đã biết đều có xu hướng được thiêng hóa, linh hóa*. Mâu thuẫn giữa khả năng hữu hạn của con người với mong muốn vô hạn là giải thích được mọi hiện tượng xung quanh chính là cơ sở quan trọng để các hiện tượng tâm linh và nhu cầu cân bằng tâm linh hình thành trong xã hội truyền thống và sẽ tồn tại trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình, khoa học đã và đang mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các vấn đề tâm linh, giải thích các hiện tượng tâm linh. Khái niệm Khoa học Tâm linh đã bắt đầu tạo được những ảnh hưởng nhất định. Khoa học muốn giải thích cơ sở của các hiện tượng tâm linh và cũng đã có những giải thích được xã hội chấp nhận. Song, sự giải thích, cho dù mang cơ sở khoa học rất cao cũng không thể phủ nhận được những hiện tượng tâm linh và cũng không hoàn toàn hướng đến mục đích đó. Khoa học chỉ hỗ trợ và tường minh thêm các hiện tượng mà trước đó con người hoàn toàn không hiểu về nó và rất dễ có xu hướng hành động cực đoan khi tiếp nhận nó. Khoa học, trong mọi nỗ lực của mình chắc chắn không thể giải thích hết, khám phá hết và minh bạch hóa toàn bộ các hiện tượng trong niềm tin tâm linh của con người.
Trong khi đó, thực tế cuộc sống không thể phủ nhận được một sự lan tỏa của các hiện tượng vốn được xem là hiện tượng tâm linh sang những vấn đề của khoa học. Những lời tiên tri đã được chứng minh bằng thực tế mà khoa học chỉ có thể thừa nhận là cần phải nghiên cứu thêm; những khoảnh khắc xuất thần trong nghiên cứu hay phát minh sáng tạo mà chính những nhà phát minh ấy cũng không thể lý giải nổi. Nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ sáng tạo cũng xem sự xuất thần đến với mình như một biểu hiện của sự trợ giúp, của sự may mắn được tạo ra từ những lực lượng mà mình không giải thích nổi.
Ở một góc độ khác, tâm linh được nhìn nhận như một tổng thể các hiện tượng có khả năng gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Những gì có thể gắn kết  ba phạm trù này đều được xem là hiện tượng tâm linh. Những hiện tượng về thế giới người đã mất, về tổ tiên, về truyền thống, về thần linh,về cội nguồn thủy tổ của dân tộc, của dòng họ (thuộc quá khứ) ; những hiện tượng tiên tri, dự báo, chỉ dẫn, cầu mong, vận hạn (thuộc tương lai) ; những khả năng đặc biệt của con người, những tác động bí ẩn của thiên tai và thảm họa (trong thế giới thực tại)... đều được xem là hiện tượng tâm linh. Văn hóa tâm linh là sự biểu hiện bằng hành vi ứng xử trước những vấn đề đa dạng, phức tạp và có nội hàm rất rộng như vậy.
Hiểu về tâm linh theo nghĩa đó, rất dễ có thể thấy, tâm linh tuy ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống nhưng rõ nhất và gần gũi nhất chính là tới tôn giáo tín ngưỡng.
Cho dù có rất nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo - tín ngưỡng nhưng xét về bản chất, tôn giáo tín ngưỡng là một hình thức thể hiện niềm tin vào cõi thiêng liêng của con người, của một cộng đồng người nào đó ở trình độ phát triển xã hội cụ thể. Nó được hình thành trên cơ sở đại đa số người trong hoàn cảnh phức tạp, nan giải: hoặc lo sợ, hoặc hoài nghi, hoặc hưng phấn, thông qua cảm thụ sức mạnh của thần thánh mà dần dần ý thức được thần thánh phản ứng hay phản tác dụng... họ tin tưởng chắc chắn loại sức mạnh này có thể đổi mới cuộc sống của chính mình. Vì vậy, nó gần nghĩa nhất với các hiện tượng tâm linh. Vẫn trên quan điểm duy danh định nghĩa thì tâm linh (niềm tin vào những điều linh thiêng) và tín ngưỡng (tín = tin, ngưỡng = ngưỡng mộ, tin tưởng, sùng kính) vốn rất gần nhau. Yếu tố niềm tin này khi được quy phạm hóa, hệ thống hóa sẽ hình thành các tôn giáo. Do vậy, văn hóa tâm linh có sơ sở hình thành giống như cơ sở hình thành tôn giáo tín ngưỡng. Nó được thừa nhận và chứng minh là một hình thái ý thức xã hội, có cơ sở xã hội và lịch sử để hình thành, nó mang bản chất xã hội, giá trị thực tế và mang khả năng cân bằng nhu cầu tinh thần của con người.
Với bản chất đó, văn hóa tâm linh trong truyền thống đã thực sự mang những vai trò không thể phủ nhận bởi những giá trị tích cực của nó. Chưa nói đến những tôn giáo lớn có ảnh hưởng bao trùm trên toàn thế giới, chỉ những hiện tượng tín ngưỡng có ảnh hưởng trong phạm vi một khu vực cũng đã được chứng minh về ý nghĩa tốt đẹp của nó đối với sự phát triển của xã hội và nhân cách mỗi cá nhân. Một trong những hình thức tín ngưỡng của người Việt có ảnh hưởng mạnh trong đời sống tâm linh chính là việc thờ cúng tổ tiên.
   Thờ cúng tổ tiên là nghi thức tâm linh thể hiện quan niệm của con người về thế giới, theo đó, có một thế giới khác sau khi con người chấm dứt tồn tại thể xác. Thế giới đó có mối quan hệ gắn kết với thế giới hiện thực trong quan hệ hai chiều: con người ở thế giới hiện thực thể hiện tình cảm với người đã khuất và những người đã khuất có ảnh hưởng nhất định đến thế giới hiện tại. Một trong những ảnh hưởng có thể kiểm chứng ngay của những người đã khuất đến thế giới hiện tại là góp phần điều chỉnh, giáo dục con người thông qua hành vi thờ tự. Thờ cúng tổ tiên là nghi thức mang hiệu quả đặc biệt trong việc giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Lễ, chữ Tâm là những phẩm chất cần thiết nhất để con người có thể được xem là hoàn thiện trong nhân cách.
Gia đình truyền thống của người Việt được hình thành trên cơ sở phương thức sản xuất nông nghiệp. Trên nền cảnh của sự hạn chế về khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất này phụ thuộc rất nhiều vào yếu yếu tố thời tiết, khí hậu, môi trường.... những yếu tố mà con người không thể chủ động điều chỉnh theo ý muốn. Sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên đến sản xuất nông nghiệp lớn đến mức người ta tin tưởng rằng, dường như, việc đạt được năng suất cao trong một vụ sản xuất là một điều may mắn, nằm ngoài sự cố gắng của con người. Những may mắn ấy đến được nhờ hàng loạt những yếu tố hỗ trợ, trong đó có việc con người đã ứng xử với thần linh, tổ tiên như thế nào để có thể được nhận sự giúp đỡ. Với lối tư duy hết sức thực dụng của mình, người nông dân thờ cúng tổ tiên có cơ sở sâu xa từ những đòi hỏi của nền tảng kinh tế, với hy vọng thần linh, tổ tiên sẽ giúp con người gặp nhiều may mắn hơn.
Gia đình người Việt được vận hành theo chế độ phụ quyền, việc thờ cúng tổ tiên còn mang đậm yếu tố gắn kết cộng đồng huyết thống, đề cao vai trò và ảnh hưởng của người cha. Đây là cơ sở tâm linh và xã hội quan trọng của việc phụng thờ Vua Tổ của người Việt. Theo chiều cạnh ngược lại, việc phụng thờ Vua Tổ vừa mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân tộc, vừa củng cố vững chắc hơn tính kỷ cương trong gia đình phụ quyền. Mục đích chung của thờ cúng tổ tiên trong gia đình và Vua Tổ của một Đại gia đình đều là để thể hiện sự biết ơn công lao tổ tiên, cầu mong cho linh hồn tổ tiên được siêu thoát và mong được tổ tiên phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống.
Khi tạo được đường dây liên hệ linh thiêng  này, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một hình thức giáo dục mà thông qua đó, con người tự giác thực hiện theo những nội dung giáo dục mà gia đình muốn đạt tới.
Như vậy, xét trong một minh họa cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì cũng đã có thể thấy, các hiện tượng thuộc lĩnh vực văn hóa tâm linh đã có những cơ sở lịch sử, văn hóa, tâm lý, xã hội để hình thành. Những ảnh hưởng tích cực của nó đến cuộc sống của con người là không thể phủ nhận, nó được khẳng định như một trong những giá trị vĩnh hằng để nhận diện và đánh giá mức độ hoàn thiện của con người. Trong bối cảnh một nền tảng xã hội nông nghiệp, khi thông tin và trình độ nhận thức của con người còn hạn chế, các hiện tượng tâm linh chi phối mạnh đời sống của con người là một tất yếu.
Khoa học đã có nhiều giải thích về cuộc sống của con người sau khi chết. Nhận thức của con người về cái chết và thế giới ngoài con người cũng đã có nhiều cơ sở để được xem xét một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, sự giải thích của khoa học không hướng tới việc phủ nhận niềm tin của con người vào sự linh ứng trong sự trợ giúp của tổ tiên. Nhận thức của con người dù có được nâng cao, cái chết và thế giới bên kia dù đã được tường minh hơn thì việc thờ cúng tổ tiên vẫn mang giá trị đặc biệt.
Giải thích thực tiễn này, tác giả P. Poupard đã viết: « Một số người đã từng cho rằng, thời hiện đại tiến triển kèm theo sự lụi tàn của tình cảm tôn giáo. Không phải như vậy, thời hiện tại giải mê vỡ mộng, do khoảng cách gia tăng giữa vô hạn ham muốn của con người với hữu hạn tồn tại của chính nó, giữa vô tận khát thèm hạnh phúc với gánh nặng tai hoạ tất yếu, giữa ý chí tham sống với tin chắc sẽ chết, đang tự tìm kiếm những lý do, lý lẽ mới để hy vọng »[i]
Do vậy, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng vẫn mang ý nghĩa cân bằng nhu cầu tâm linh, một nhu cầu không hề giảm của con người trong xã hội hiện đại. Đối diện với quá nhiều gánh nặng và sự may rủi, con người hiện đại tìm thấy ở tôn giáo, tín ngưỡng một điểm tựa an toàn. Ở đó, con người cảm thấy yên tâm vì được che chở. Cũng không thể phủ nhận rằng, chính niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng sẽ góp phần điều tiết những bất ổn trong xã hội, bởi khi có đức tin, loại trừ sự cực đoan, hành vi của con người sẽ trở nên có mức độ hơn. Họ sợ một sự trừng phạt sẽ đến.
Tuy nhiên, chính những tác động mạnh mẽ của các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng nói riêng, các hiện tượng tâm linh nói chung đến đời sống mà chúng ta đang phải chứng kiến những biểu hiện thái quá trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của con người đương đại. Nếu như trong truyền thống, do quan niệm con người khi chết sẽ biến thành ma, phải có người thờ cúng, mới trở thành ma lành, phù hộ cho con cháu; nếu không thì sẽ biến thành dữ, đi lang thang đây đó nên việc thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa quy tụ các con về ngành trưởng để cùng nhau thờ cúng bố mẹ. Sự quy tụ này mang ý nghĩa giáo dục khi nó gắn kết con cái với nhau giống như khi bố mẹ còn sống. Ý nghĩa thiêng liêng này đang bị hiểu lệch, dẫn tới việc ở nhiều nơi, con cái xem việc tự cúng giỗ cha mẹ mới là phù hợp vì con nào càng chu tất về lễ thì cha mẹ càng vui lòng và phù hộ nhiều hơn, lại tránh được mâu thuẫn anh em trong quan điểm cúng giỗ. Khi không còn chuẩn chung, mỗi nhà xem việc cũng giỗ ông bà cha mẹ như một dịp sinh hoạt tâm linh của riêng mình, nhiều thái quá trong biểu hiện đến mức trở thành bất thường, gây bức xúc trong gia đình, gia tộc và cả trên phương diện xã hội đã xuất hiện.
Cũng vậy với những hiện tượng kỳ lạ trong khả năng của con người và sự tác động của tự nhiên. Những năng lực tiềm ẩn trong con người cũng như sức ảnh hưởng khủng khiếp của các hiện tượng tự nhiên mà khoa học chưa khám phá được hết sẽ tồn tại như một tất yếu. Điều này, một mặt điều chỉnh hành vi con người nhưng mặt khác cũng lại tạo ra vấn đề còn nhiều tồn nghi. Gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay trong lĩnh vực này vẫn là vấn đề áp vong tìm mộ. Thực tế cho thấy, hiệu quả của hoạt động này là có thật, nó chứng tỏ những tiềm năng đặc biệt trong những con người đặc biệt. Cho dù khoa học đã và đang kiếm tìm những minh giải thỏa đáng nhất nhưng cũng vẫn phải có những nhượng bộ nhất định. Nó nhanh chóng được lan tỏa trong xã hội vì chạm được tới một nhu cầu rất đỗi mãnh liệt của những người còn sống muốn tri ân người đã mất. Tuy nhiên, sự nở rộ đến mức ở một số nơi, việc này đã trở thành một hoạt động dịch vụ, kinh doanh để kiếm tìm lợi nhuận, thậm chí gây ra những hệ lụy cho người bị áp vong về thể chất và tinh thần đang khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi. Những biến tướng và sự lạm dụng nhu cầu cân bằng tâm linh của con người đang là điểm đen trong sinh hoạt văn hóa tâm linh nói riêng, sinh hoạt xã hội nói chung.
Kinh tế thị trường, với một thực tế không thể phủ nhận được là luôn hàm chứa những khả năng thay đổi cuộc sống con người một cách nhanh chóng. Có những người có thể giầu lên rất nhanh nhưng cũng có người trong thời gian ngắn trở thành bần hàn. Kinh tế học gọi đó là hiện tượng đi thuận hay đi ngược so với quy luật kinh tế, nắm bắt kịp hay không kịp với nhu cầu của thị trường...Cho dù vậy thì đại đa số người dân vẫn tin rằng: có một sức mạnh huyền bí khác có thể can thiệp vào quy trình này, điều tiết đồng tiền trong kinh doanh của họ. Cở sở niềm tin này trong xã hội hiện đại càng cộng hưởng với những cơ sở tâm lý khác để đẩy cao nhu cầu thỏa mãn đời sống tâm linh. Các sinh hoạt tâm linh ngày càng có xu hướng phát triển. Mặt tích cực là không thể phủ nhận nhưng những tác động tiêu cực của nó đang ngày càng khiến không ít người hoài nghi về giá trị của hình thức sinh hoạt văn hóa nhạy cảm này. Vấn đề vẫn nằm ở nhận thức của con người.Văn hóa cá nhân là khái niệm dường như chưa được xã hội chú ý nhiều lắm do những vấn đề của lịch sử nhưng rõ ràng là đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết hành vi ứng xử của mỗi người, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin toàn cầu rộng mở như hiện nay.
Văn hóa tâm linh là một hình thái ý thức xã hội, nó hình thành trên cơ sở những điều kiện kinh tế, tâm lý, lịch sử, văn hóa nhất định, nó trực tiếp chi phối hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, thông qua quan niệm tiếp nhận của mỗi cá nhân, nó mang dấu ấn cá nhân khá rõ nét nhưng lại là hiện tượng có khả năng lan tỏa trong cộng đồng rất nhanh chóng. Để sinh hoạt tâm linh thực sự giúp con người phát triển toàn diện, rất cần những định hướng, sao cho bản thân mỗi người có thể chủ động hành vi và có thể kịp thời dừng lại trước những giới hạn nhất định. Điều này tuy rất khó đối với các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý nhưng là yêu cầu bắt buộc phải làm để các sinh hoạt tâm linh thực sự chỉ mang đến những tác động tích cực, giúp con người cảm thấy an toàn và cân bằng hơn./.


[1] PGS TS  Hiệu  trưởng Trường Đại học Văn hóa











































         

TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU TÂM LINH QUA ÁNH SÁNG VẬT LÝ HỌC HIỆN ĐẠI


Bài trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về "Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng con người"

TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU TÂM LINH
 QUA ÁNH SÁNG VẬT LÝ HỌC HIỆN ĐẠI
Đào Vọng Đức[1]
Chúng ta đang chứng kiến thời đại phát triển rực rỡ của khoa học và công nghệ đánh dấu bởi vô số những phát minh ngoạn mục, từ những lãnh vực lý thuyết trừu tượng nhất đến các ứng dụng rộng rãi nhất trong thực tế sản xuất và đời sống.
Những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại rọi những tia sáng mới vào cách tiếp cận nghiên cứu về các phạm trù thuộc các lãnh vực tâm linh huyền bí.

I. Thuyết Tương đối và Thuyết Lượng tử
Theo dự đoán của nhiều học giả nổi tiếng, thế kỷ 21 này sẽ đánh dấu một bước tiến vĩ đại về trí tuệ, đó là nhận thức được rằng khoa học và tâm linh không hề đối nghịch nhau mà là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với khẳng định của Einstein - nhà bác học lỗi lạc, người có công đầu trong việc khai sáng Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử, rằng “Khoa học, tôn giáo, nghệ thuật là những cành nhánh của cùng một cây” và “cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được chính là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của Nghệ thuật và Khoa học chân chính. Những ai không còn khả năng ngạc nhiên rung cảm trước cái bao la huyền bí của Tạo hóa thì xem như đã tắt rụi lửa sống trong lòng mình”.
Lịch sử phát triển khoa học cũng cho thấy rằng những phát minh lớn có được không chỉ dựa vào lý trí và lập luận logic thuần túy, mà còn bằng cả những nhạy cảm thẩm mỹ và sự hỗ trợ của các yếu tố trực giác và cảm hứng.
Trong bài phát biểu nhận giải thường Nobel Vật lý Heisenberg - nhà Vật lý  lỗi lạc, người có công đầu khai sáng Thuyết lượng tử có câu nói với ý rằng “Ngụm nước đầu trên cốc nước của Khoa học tự nhiên có thể biến bạn thành người vô thần, nhưng hãy uống tiếp đi, Ông Trời đang chờ bạn ở đáy cốc”.
Những thành quả kỳ diệu nổi bật nhất của khoa học và công nghệ hiện đại khởi nguồn từ sự ra đời của Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối, những thành tựu vĩ đại nhất của Vật lý học thế kỷ 20. Người ta thường ví những thành quả từ thuyết lượng tử và thuyết tương đối mang đến cho cuộc sống ngày nay như những đợt sóng thần ngày càng dâng cao trong quá trình tiến triển của nhân loại với những ảnh hưởng to lớn không thể lường hết được đối với sự tồn vinh của nhân loại.
Tiền đề xuyên suốt của Thuyết lượng tử là “Nguyên lý bổ sung đối ngẫu” khẳng định rằng mọi vật thể cùng một lúc thể hiện mình với hai bản chất tựa hồ như tương phản nhau - Sóng và Hạt, trong đó bản chất sóng là cơ bản. Thế giới hiện tượng như ta cảm nhận là những con sóng uốn lượn lan tỏa trên mặt một đại dương năng lượng mênh mông vô tận, có lúc cô đọng lại thành các khối có hình thể (Hạt) và rồi cuối cùng lại tan biến thành sóng trên mặt đại dương đó.
Nguyên lý bổ sung đối ngẫu dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trọng: Khái  niệm quỹ đạo (như vẫn thường quan niệm trong Cơ học cổ điển Newton) mất hết ý nghĩa. Vật thể chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào. Suy rộng ra, vật thể có thể cùng một lúc hiện diện tại vô số vị trí khác nhau. Đó chính là nội dung của nguyên lý chồng chập trạng thái của Thuyết lượng tử.
Nguyên lý bổ sung đối ngẫu cũng hoàn toàn phù hợp với giáo lý của Phật thể hiện sâu sắc trong Kinh Kim Cương và Kinh Bát Nhã Ba La Mật.
Cũng hoàn toàn trùng hợp với giáo lý về chân không “Lý Màu Thường Trụ” trong Kinh Phật, Thuyết lượng tử dẫn đến một hệ quả rất quan trọng là không thể tồn tại chân không như một “Không gian trống rỗng”. Chân Không là trạng thái nền với mức năng lượng thấp nhất, nhưng mức thấp nhất ấy cũng đã là lớn vô hạn. Khi hội tụ các điều kiện thích hợp, từ chân không sẽ tạo ra các hạt và phản hạt mọi thể loại, tương tác với nhau dưới mọi hình thái để tạo ra thế giới muôn hình muôn vẻ như ta cảm nhận, và cuối cùng lại hủy hoại trở về chân không. Bản chất này của “chân không lượng tử” dẫn đến sự tồn tại một tha lực kỳ bí trong đó, được gọi là hiệu ứng Casimir. Ứng dụng hiệu ứng này vào công nghệ nano và tìm kiếm những nguồn năng lượng mới là một hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn đang được nhiều người đặc biệt quan tâm.

II. Viễn chuyển lượng tử và Thông tin Lượng tử
Cũng chính xuất phát từ nguyên lý chồng chập trạng thái của Thuyết lượng tử mà Feynman đã nảy ra ý tưởng về máy tính lượng tử - một lãnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới đang trên đà phát triển rất sôi động. Nhiều ý kiến nhận định rằng đó sẽ là một thành tựu ngoạn mục nhất của thế kỷ 21 này, sẽ tạo ra những bước tiến nhảy vọt vĩ đại không những trong khoa học và công nghệ mà còn rất nhiều lãnh vực khác của đời sống xã hội.
Do sử dụng nguyên lý chồng chập trạng thái, máy tính lượng tử có tốc độ tính toán vô cùng lớn. Người ta ước tính rằng một máy tính lượng tử chỉ với 32 bit đã có thể hoạt động tương đương với 4 tỷ máy tính mạnh nhất hiện nay.
Máy tính lượng tử sử dụng các trạng thái chồng chập với một số tính chất rất đặc biệt gọi là “trạng thái đan chằng” (entangled states). Các trạng thái này có một đặc trưng rất kỳ lạ là một khi hai đối tượng nào đó đã ở trong trạng thái này cùng nhau thì chúng mãi mãi vương vấn nhau, khăng khít ảnh hưởng lẫn nhau cho dù sau đó tách xa nhau bao nhiêu, và nếu một đối tượng chịu một tác động nào đó thì ngay lập tức đối tượng kia sẽ bị ảnh hưởng theo. Điều này dẫn đến một nghịch lý kỳ bí và rối rắm về logic, đến ngay Einstein cũng không thể nào hình dung nổi và gọi đó là “tác động thần bí phi không gian”.
  Gắn liền với Máy tính lượng tử, những lãnh vực có tính thời sự đang phát triển mạnh là Viễn chuyển lượng tử và Thông tin lượng tử.
Lý thuyết đã chứng tỏ được rằng có thể tạo ra được cơ chế chuyển một trạng thái bất kỳ từ một vị trí này qua một vị trí khác và từ đó tái tạo một vật thể từ một nơi này tới một nơi khác xa bao nhiêu tùy ý trong chớp nhoáng. Hiệu ứng này có thể gọi là “thần thông chuyển vị lượng tử” (quantum teleportation) làm ta liên tưởng đến những câu chuyện thần thoại về thần thông biến hóa, thoắt ẩn thoắt hiện, xuất quỹ nhập thần…
Liên quan đến Viễn chuyển lượng tử, một hướng nghiên cứu mới phát sinh là “Viễn chuyển tâm linh” (Psychic teleportation). Bản chất của Viễn chuyển tâm linh là áp dụng các nguyên lý của máy tính lượng tử để dung thông truyền đạt ý tưởng hoặc điều khiển các vật thể di động, biến hóa một đối tượng bằng cách sử dụng một dạng tương tác tâm linh huyền bí.
Thông tin lượng tử cho ta khả năng chuyển nhanh tức khắc và an toàn tuyệt đối các thông tin mật được mã hóa dưới dạng các trạng thái lượng tử. Cần nói thêm rằng tuy chưa ý thức thất đầy đủ, nhưng người ta cũng đã hình dung được rằng các quá trình cơ sở nhất của thiên nhiên thực chất là các quá trình xử lý thông tin lượng tử diễn ra khắp nơi quanh ta, và lượng thông tin xử lý trong một đơn vị vật chất và thời gian cực bé cũng lớn hơn rất nhiều lần lượng thông tin mà toàn bộ công nghệ thông tin cổ điển đã tiến hành.

III. Những thành tựu của Vật lý học hiện đại rọi những tia sáng minh triết vào khoa học dự báo, lĩnh vực liên quan mật thiết đến phạm trù không gian - thời gian
 Có thể đưa ra lý luận chứng tỏ rằng thời gian không trôi chảy. Những cảm nhận về chuyển động của thời gian trong tâm thức ta chỉ là ảo giác, như Einstein đã khẳng định “Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là những ảo tưởng cố hữu”. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cảm nhận thời gian trôi liên quan đến các quá trình lượng tử xảy ra trong bộ não. Chính trong lúc hành thiền sâu nhiều vị thiền sư đã đạt được trạng thái không còn ảo giác thời gian trôi, vạn vật dường như đóng băng trong thời gian.
Vật lý học hiện đại hình dung thời gian trong tổng thể như “thời cảnh”, trong đó các sự kiện được gắn vào các thời điểm cố định, cũng tương tự hình dung không gian như một phong cảnh, trong đó các vật thể được đặt ở các vị trí xác định.
Nghiên cứu thế giới vi mô cùng với các hình thái năng lượng và qui luật tương tác trong đó tạo ra thế giới quanh ta ra sao là những vấn đề cốt lõi của Vật lý học hiện đại. Lý thuyết và thực nghiệm đã khẳng định sự tồn tại bốn hình thái năng lượng gắn liền với bốn dạng tương tác cơ bản - mạnh, yếu, điện từ và hấp dẫn, tạo nên bức tranh của cả vũ trụ như ta cảm nhận. Một hướng nghiên cứu có tầm quan trọng đặc biệt của Vật lý học hiện đại là xây dựng Lý thuyết Đại thống nhất - thống nhất các dạng tương tác trên cùng một nền tảng. Các mô hình thống nhất dựa trên cơ sở Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối đã dẫn đến cách nhìn nhận sâu sắc về bản chất của không gian, thời gian, bản chất các dạng tương tác và hình thái năng lượng. Đặc biệt đã xuất hiện những ý tưởng về sự tồn tại các dạng siêu tương tác ứng với năng lượng siêu nhiên gắn liền với các hiện tượng siêu nhiên được xem là kỳ bí mà các giác quan bình thường của con người cũng như khoa học - kỹ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện.
Các kết quả nghiên cứu lý thuyết đã chứng tỏ rằng ngoài 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian như chúng ta đang sống và cảm nhận, nhất thiết phải có thêm một số chiều không - thời gian nữa được gọi là các chiều nội tại - các chiều phụ trội (extra- dimensions). Nghiên cứu bản chất các chiều nội tại là những vấn đề có tính thời sự đặc biệt của Vật lý học hiện đại. Có giả thiết cho rằng không - thời gian nội tại liên quan đến thế giới tâm linh, các qui luật tác dụng trong đó mang màu sắc của các phạm trù tâm linh và tương tác tâm linh được chuyển tải theo các chiều nội tại.
Ở đây ta có thể liên tưởng đến một dạng siêu năng lượng bắt nguồn từ lòng từ bi - bác ái, vô ngã - vị tha được nói đến nhiều trong Kinh Phật, Kinh Thánh, cũng như các vị thầy tâm linh thường nhắc nhở. Tình yêu thương cũng như môi trường tình thương dẫn đến một dạng tương tác tâm linh tạo ra “năng lượng tình thương” có nội lực vô biên giúp chiến thắng bệnh tật và vượt qua mọi chướng ngại.
Trong Kinh Dược sư có viết rằng Đức Thế tôn Dược  Sư Lưu Ly Quang Như Lai  khi còn tu hành Đạo Bồ Tát, xuất phát từ lòng thương chúng sinh có phát tâm 12 Đại nguyện mà trước tiên là: Nguyện đời sau khi đắc chứng Đạo Vô thượng Bồ Đề thân hình như ngọc lưu ly sáng trưng rực rỡ soi suốt vô lượng vô biên thế giới, công đức cao vời vợi và an trú trên tầng lưới hào quang. Tất cả chúng sinh nhờ ánh sáng đó mà tâm trí được mở mang, thân hình khỏe mạnh, làm việc gì cũng được vẹn toàn như ý.
Một lý thuyết Đại thống nhất được đánh giá có nhiều triển vọng là Lý thuyết Dây/ Lý thuyết M. Trên cơ sở lý thuyết này có hy vọng tìm được cách tiếp cận giải thích các hiện tượng tâm linh. Một hệ quả trực tiếp của Lý thuyết M là sự tồn tại song song Đa vũ trụ. Chúng ta đang ở trong một vũ trụ của Đa vũ trụ đó. Có khả năng tồn tại đồng thời 10500 vũ trụ khác nhau, mỗi vũ trụ vận hành theo những qui luật riêng của mình. Tất cả các vũ trụ này tạo nên từ sự thăng giáng lượng tử của chân không và là các phiên bản của nhau. Bản thân mỗi con người cũng đều có phiên bản ở tất cả Hằng hà sa số vũ trụ đó. Trong mô hình vũ trụ này tồn tại đồng thời vô số con người trong một con người, và tại mỗi vị trí mỗi thời điểm tất cả các thông tin trong vũ trụ, của mọi pháp, mọi thời đại, mọi nơi chốn đều hiện hữu.
Ở đây ta cũng cần nhắc đến giả thuyết của chủ nghĩa Duy tự nhiên (Naturalism) cho rằng thế giới tự nhiên là một hệ khép kín, với hàm ý rằng không một yếu tố nào từ ngoài có thể gây ảnh hưởng đến thế giới đó. Tuy nhiên, điều này trái với định lý bất toàn nổi tiếng của Godel (1931) chứng minh dứt khoát rằng một hệ thống logic khép kín bao giờ cũng chứa những mệnh đề không giải được. Có nghĩa rằng một hệ tiên đề khép kín không bao giờ là đầy đủ về mặt lập luận logic, không bao giờ là phi mâu thuẫn. Muốn lý giải được mọi thứ phải có thêm yếu tố ngoại lai - chấp nhận niềm tin. Mọi lập luận rốt cuộc đều quay lại với niềm tin vào điều gì đó không thể chứng minh. Định lý bất toàn Godel chứng tỏ rằng khoa học không bao giờ lấp kín những lỗ trống của chính nó. Điều này hoàn toàn tương thích với quan điểm của Einstein cho rằng “Trí tuệ con người không đủ khả năng hiểu biết vũ trụ vạn vật”.
Ở đây về mặt lý luận còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, rất nhiều câu hỏi phải được lý giải. Nhưng rõ ràng rằng nghiên cứu các lãnh vực với mức độ tinh tế khác nhau thì cách tiếp cận phải khác nhau. Đặc biệt với các hiện tượng siêu nhiên thì đòi hỏi phải vận dụng các khái niệm và các hệ tiên đề hoàn toàn mới, có thể rất xa lạ với những điều đã quen thuộc trước đó. Đây là cuộc viễn chinh khoa học gian nan nhưng đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự đóng góp công sức và trí tuệ của các nhà khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học tâm linh.
Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng đồng hành với sự phát triển ngày càng sâu rộng của khoa học và công nghệ, dần dà chúng ta sẽ tiếp cận được những lãnh vực các hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem là ở các tầng huyền bí./.               



[1] GS VS TSKH, Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,  Nguyên Giám đôc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người