Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

SỰ TẬN TRUNG CUỐI CÙNG CỦA TƯỚNG QUÂN BÙI VĂN THỐN

SỰ TẬN TRUNG CUỐI CÙNG CỦA TƯỚNG QUÂN BÙI VĂN THỐN,
“CON GẤU PHƯƠNG NAM” NƯỚC ÂU LẠC

     Trong giờ phút chót của tấn bi kịch kết thúc triều đại Thục An Dương Vương, khoảng năm 208 trước Công nguyên lại xuất hiện vai trò của một lão tướng họ Bùi, như một cố gắng cuối cùng cứu nguy “vua chủ” nhưng đã muộn.
     Huyền sử truyền lại rằng : Triệu Đà -  một bộ tướng thuộc dòng Âu Việt đã lập nước Nam Việt đóng đô tại Phiên Ngung thuộc Lưỡng Quảng thời gian đó (trong vùng đất kể từ hồ Động Đình trở xuống của người Bách Việt) - sau khi sắp đặt mưu kế kết thông gia với vua Thục, đơi khi Trọng Thủy đã nắm được các bí mật quan sự. Triệu liền xuất quân tràn xuống đánh chiếm đất Âu Lạc của Thục.
     Trên thực trạng ỷ mạnh nhất khoảnh xưng vương trên vùng đất mênh mông ở Đông Á thời đó, cho thấy thủ lĩnh các tiểu vương quốc luôn luôn rình rập nhòm ngó thôn tính nhau. Sau nhiều lần lấy võ lực đơn thuần đánh trực diện từ ngoài vào đã không thắng nổi Thục, Triệu mới mưu dùng kế ngọt, ra chiêu hòa hiếu kết thân, để chính An Dương Vương cho phép Trọng Thủy sang đất Âu Lạc ở rể. Mỵ Châu sẽ cho đoàn tùy tùng thuộc hạ đi hầu chồng được tự nhiên xem như người trong nhà, thả mặc chúng điều nghiên, đánh cắp khí tài và bí mật quân sự, lân la rồi lung lạc bộ máy hạ cấp của vua cha. Mỵ Châu không hiểu được thâm ý khi Trọng Thủy đã biết trước tình thế một khi phải xa nhau, mà dặn nàng dứt lông ngỗng trên áo khoác đánh dấu lối đi cho chàng biết đường tìm đến. Đã dày công chuẩn bị như thế, để khi lâm sự có thể dùng đủ nội công ngoại kích, Triệu tỏ ra thực sự nguy hiểm đối với An Dương Vương.
     Về phần mình, ngay sau khi đánh đổ và đoạt được ngôi của vua Hùng, lập nước Âu Lạc, An Dương Vương đang trong thế mạnh chiến thắng, dốc sức xây dựng giang sơn mới. lập nên nhiều thành tựu. Nổi bật là việc xây dựng các loa thành để làm quốc đô ở  nơi sung yếu tại lưu vực sông Hồng (Đông Anh) và đất Hoan Châu (Làng Vạc) (1), chế tác vũ khí rất lợi hại để chống quân Tần, giữ yên bờ cõi. Thục cũng đắc thắng, chủ quan, gạt bỏ những can gián của tôi trung.
     Lúc này, sau năm mươi năm trị vì đầy biến cố dẫn đến suy vi, bộc lộ điểm yếu, gặp thế lực áp đảo và trí thôn tính dai dẳng của Triệu Đà, An Dương Vương đã cố thủ trước ở Loa thành trên đất Đông Anh. Nhưng không bao lâu sau khi khởi binh lần này, Triệu Đà đã áp sát Loa thành. Không chịu nổi vây hãm, Vua Thục phải lựa lúc lên ngựa rời thành, đem theo công chúa Mỵ Châu hướng về phía Nam tháo chạy.
     Được tin “Vua chủ” lâm nguy, các tướng trung thần đang có mặt trên đất Việt Thường đã khẩn cấp đem quân cứu giá. Huyền sử còn truyền lại lúc này có tướng quân Bùi Văn Thốn và tướng quân Cao Lỗ.
     Bùi Văn Thốn là một vị tướng khi đó đã cao niên, là người theo vua từ thời lập nước, được vua Thục đặc biệt tin cậy giao cho cai quản cả vùng Việt Thường (2), lãnh thổ ở phía Nam quốc gia Âu Lạc. Đức tài và công trạng của Ngài còn in dấu trong sự truyền tụng dân gian với danh xưng oai hùng “ Con gấu phương Nam ”. Tướng quân Bùi Văn Thốn cho đóng quân tại cụm vùng Kẻ Cờn (Cửa Cờn ngày nay), Kẻ Trẹ, Kẻ Trấp ven duyên hải phía Bắc Việt Thường. Còn tướng quân Cao Lỗ lừng lẫy tên tuổi về chế tạo binh khí, tên đồng, về kiến trúc loa thành, lúc này đã rời triều trở lại quê hương Nho Lâm (xã Diễn Thọ ngày nay) để lo việc nước, sau khi bị vua Thục đối xử lạnh nhạt vì việc can vua trong cuộc hôn nhân Trọng Thủy-Mỵ Châu. Cao Lỗ lúc này đang chăm lo việc phát triển nghề đúc, rèn kim loại tại quê hương Việt Thường, một vùng đất có sẵn và đã biết dùng quặng mỏ sắt từ khi ấy.
     Vua Thục An Dương Vương rút chạy theo đường rừng từ Loa thành vào Làng Vạc (Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn) rồi qua lối Tuần, Yên Thành về cửa Hiền (Mộ Dạ). Cao Lỗ cùng em trai là Cao Trí tập hợp tráng đinh từ quê nhà Nho Lâm nằm trên con đường rút chạy của Vua, kịp ứng phó với quân Triệu Đà. Anh em Cao Lỗ lễ bái biệt Vua, rồi bố trí trận địa đánh chặn để kìm chân quân tướng của Triệu Đà. Trung quân đến giọt máu cuối cùng, cả hai anh em Cao Lỗ đều tử trận trong trận đánh kìm chân quân Triệu. Người đời sau mãi mãi nghiêng mình trước lòng trung và hy sinh cao cả của hai ông.
     Lão tướng Bùi Văn Thốn đem quân bộ từ cụm Kẻ Cờn, Kẻ Trẹ, Kẻ Trấp theo đường ven biền tức tốc chạy vào. Nhưng tiếc thay bước chân quân bộ không đuổi kịp được vó ngựa của vua, mới đến Cửa Lấp (Diễn Kim) tướng quân Bùi Văn Thốn đã được tin dữ Vua Thục An Dương Vương đã đến chân núi Mộ Dạ (Cửa Hiền), gặp nước lớn không có cách vượt qua, đơn độc cùng đường, không để lọt vào tay đối phương, Vua đã phải tự tay mình trước giết con gái yêu Mỵ Châu rồi lao xuống biển tuẫn tiết.
     Sự kiên bi ai này được lưu truyền qua huyền thoại : “Sau khi cùng Mỵ Châu lên ngựa phóng về phương Nam, tới nơi bờ biển chắn ngang, đường bị cắt đứt, đò giang không thấy bóng người, An Dương Vương kêu lên rằng: “Trời đã bỏ ta, hỡi sứ giả đại giang mà ta đã gặp, hãy cứu ta!”. Từ mặt nước, thần Kim Quy nhô lên và nói: “Bệ hạ đang mang theo kẻ thù trên lưng ngựa. Cớ sao còn để làm gì?”. Thục An Dương Vương rút kiếm định chém đầu Mỵ Châu, thì nàng khẩn khoản lạy thưa: “Nếu vì lòng phản bội mà hại phụ vương thì sau khi chết con sẽ trở thành cát bụi. Nhưng có hiếu nghĩa mà chết oan, thì con sẽ trở thành ngọc quý…”. Vừa dứt lời, An Dương Vương chém Mỵ Châu. Nàng nằm sóng soài trên cát trắng, máu nàng chảy xuống biển, những con trai hớp được, cô lại trong lòng thành ngọc quý lấp lánh kỳ diệu. Còn An Dương Vương được thần Kim Quy trao cho sừng tê rẽ nước xuống biển trên đường về cõi vính hằng”
     Tại Cửa Lấp, Lão tướng Bùi Văn Thốn nhìn thẳng vào cái thế rắn đã mất đầu, ngẫm về vận nước, về lực mình, về sinh mạng và cuộc đời còn phải tiếp diễn của bấy nhiêu con người dưới quyền, đã buộc Ngài phải ra một quyết định đau đớn : giải giáp.
     Quân tướng bái biệt chia tay nhau rồi hòa vào làng xóm và lòng dân. Các vị vừa tham gia vừa chứng kiến một kết thúc bi tráng, đồng thời lại vừa mở ra một trang mới trong lịch sử buổi đầu dựng nước.
     Ngày nay tại chân núi Mộ Dạ có đền Cuông, ngôi đền thiêng, quanh năm hương khói tưởng niệm An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu, tưởng niệm các tướng lĩnh trung thần hộ giá cứu vua trong phút lâm nguy cuối cùng. Trên một vùng rộng lớn bãi biển Cửa Hiền, có đền Mỵ Châu, bãi đá Hải Ngư, có hòn Đầu Cân đặc biệt ấn tượng. Người viết bài này ngắm nhìn từ xa dáng lầm lũi của hòn Đầu Cân đã liên tưởng tới biểu tượng “Con gấu phương Nam” mà người Việt Thường xưa đã khắc họa vào tên tuổi Tướng quân Bùi Văn Thốn, nay vẫn trơ gan kiêu hùng trước sương gió ngàn năm. Người dân nơi đây vẫn thường đến đặt nén tâm nhang bên sườn khối đá ấy để tưởng nhớ về các bậc tiền nhân. Đặc biệt, trong dịp Lễ hội Đền Cuông năm 1995  có sự kiện huyền bí đời nay : một cánh hạc trắng bay về hạ xuống đền dự lễ, hạc sống khoẻ mạnh trọn một ngày lễ hội rồi thác. (Bảo vật này ngày đó đã kịp thời đưa ra Thủ đô ướp nhồi để giữ nguyên vẹn dáng thiên thần, hiện được bảo tồn tại đền). Tiếp đến năm sau, một cụ Cá Voi 10 tấn đã tìm về Cửa Hiền an giấc ngàn thu. Dân chúng địa phương đã làm lễ trọng thể an táng cụ. Trong tâm tưởng, ai ai cũng nghĩ Hạc trắng phải chăng là hiện thân của công chúa Mỵ Châu và cá Ông Voi – hiện thân vua Thục An Dương Vương, bất chấp thời gian mấy thiên niên kỷ, nay hiển linh trở về nơi các vị đã thăng.
     Riêng người họ Bùi nhớ về Tướng quân Bùi Văn Thốn như nhớ về một trong các vị Viễn Tổ đã đóng góp nhiều tài trí sức lực cho đất nước từ buổi đầu dựng nước. Nhưng vì đức khiêm nhường của các Ngài không muốn để lại hành trạng gì, lại bị lớp bụi thời gian mấy thiên niên kỷ phủ dày, để cho dấu tích hình bóng các ngài đến ngày nay chỉ còn ẩn hiện  trong bia miệng ngàn năm của dòng huyền thoại dân gian. Hy vọng rồi đây bằng tâm huyết và sức lực, nhờ khoa học lịch sử và khảo cổ, các hậu duệ họ Bùi  sẽ còn có cơ hội  tìm được những tư liệu, hiện vật về hình tích của Tổ tiên mình từ thuở ấy.
     Phố Vũ, 15-3-2012
     Kỹ sư BÙI HUY PHÁC
     Nguyên Trưởng ban Ban Liên lạc Lâm thời Họ Bùi Việt Nam
     (Bài viết dựa vào nguồn tư liệu: Wikipedia -- Các website của các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu -- Bài “Làng Vạc-Phế đô nước Âu Lạc” của Thái Doãn Hiểu -- Tư liệu và ý kiến của GS Thiếu tường Bùi Phan Kỳ, nguyên giảng viên Học viện Quốc phòng – Tạp san Họ Bùi Việt Nam số 7/2007 -- Tư liệu của BLL Họ Bùi TP Vinh-Nghệ An --  vv…)
CHÚ THÍCH :
     (1)Loa thành cổ ở Nghệ An: Năm 1972, Viện khảo cổ học Việt Nam cho tiến hành  khai quật  khu di chỉ ở làng Vạc (xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn). Di chỉ khảo cổ học này đã đạt đến đỉnh cao, ở vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Đông Sơn. Với hàng trăm hiện vật được phát hiện, trong đó có nhiều hiện vật quý như trống đồng, rìu, dao găm cán tượng người phụ nữ, dao găm cán tượng người đàn ông bằng đồng, dao găm cán hình rắn quấn chân voi, bao chân bao tay có lục lạc, các loại trang sức bằng đá, thuỷ tinh được chế tác tinh xảo, các loại khuôn đúc, mảnh trấu thóc ... đặc biệt có một hiện vật mới phát hiện được duy nhất ở làng Vạc mà các di chỉ văn hoá Đông Sơn khác chưa có được, đó là lẫy nỏ gồm 4 bộ phận nguyên vẹn, được ghép thành một khối hoàn chỉnh, hợp lý, đạt trình độ cao, rất lợi hại trong chiến đấu và mũi tên đồng giống hệt như ở Cổ Loa Đông Anh…
…Khi ở bản Đồng Be,(xã Nghĩa Trung), một bận tôi nghe một già làng người dân tộc Man Thanh tên là cụ Sỏi đồn kháo về một thành trì… Tôi tò mò lách qua hẻm núi Khe Tọ ra thị trấn Thái Hòa, ngược lên đến nơi xem cho rõ thực hư thì thấy giữa thung lũng sâu, bốn bề đại ngàn im lìm ngủ chìm trong hàng chục thế kỷ có dấu tích một tòa thành hình xoắn ốc đắp bằng đất lắp xắp hình hài mờ tỏ trơ gan cùng tuế nguyệt giãi dầu, cấu trúc và diện tích gần bằng cái ở Cổ Loa thành Đông Anh. Phải rồi, Nghệ An xưa nay được xem là đất phên dậu phía Nam, nó là địa bàn trọng yếu của quốc phòng qua các thời đại. Chọn nơi này xây lũy đắp thành phòng thủ giữ nước thì sáng suốt vô cùng…
…để phòng thủ bảo vệ đất nước, An Dương Vương đã cho xây dựng nhiều thành trì  theo mô hình xoắn ốc, ít ra đây là cái thứ hai sau Cổ Loa ở Đông Anh
     (2) Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép “Sau khi lật đổ vua Hùng, Thục Phán đặt tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa”. Đất Việt Thường là vùng lãnh thổ Nghệ An dưới thời Âu Lạc….Việt Thường là nơi có di chỉ làng Vạc.
     .(1) và (2) theo“Làng Vạc-Phế đô nước Âu Lạc” của Thái Doãn Hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét