Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Người kỹ sư phổ nhạc toàn bộ truyện Kiều

Người kỹ sư phổ nhạc toàn bộ Truyện Kiều
                                                                       
     Dành 5 năm và số tiền trị giá chiếc Mercedes đời mới  để góp phần bảo tồn văn hóa Việt. Cho đến thời điểm này, có lẽ bài hát được xem là dài nhất thế giới, chứa trong 7 đĩa CD, có độ dài tổng cộng hơn 8 giờ, chính là “ca khúc” Kim Vân Kiều, thơ của đại thi hào Nguyễn Du, do kỹ sư-nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.
     Kỹ sư - nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, viện sĩ hàn lâm viện Âu Châu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
     Công trình phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều được Viện Hàn Lâm Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương Châu Âu ghi nhận, và công nhận người nhạc sĩ đã dành ra thời gian 5 năm để phổ nhạc tác phẩm vĩ đại này làm viện sĩ vào năm 2009.
     Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện bắt đầu phổ nhạc Kim Vân Kiều của Nguyễn Du từ năm 2005, và kết thúc “công trình vĩ đại” đó vào năm 2009. Ngay sau đó, ông lại bắt tay vào phổ nhạc một tác phẩm thơ nổi tiếng khác trong văn học Việt Nam, đó là Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm (2 đĩa CD).
     Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, hiện đang sống tại Pháp, sinh năm 1943 tại Sài Gòn. Từ năm 1964, ông đã sang Pháp du học và tốt nghiệp ngành kỹ sư tin học.
     Do Truyện Kiều được UNESCO công nhận là di sản thế giới nên NS Quách Vĩnh Thiện nghĩ đến việc tại sao không sử dụng tất cả những điệu nhạc trên thế giới để phổ nhạc? Thế là ông làm nên 7 đĩa nhạc, mỗi đĩa là một khuynh hướng nhạc khác nhau.
     Ðĩa 1, từ câu thơ 1 đến câu 422, mang tên “Trăm năm trong cõi người ta,” sử dụng loại nhạc cổ truyền Việt Nam.
     Ðĩa 2, từ câu 423 đến câu 890, mang tên “Bên tình bên hiếu,” sử dụng các thể nhạc ở Âu Châu
     Ðĩa số 3, từ câu 891 đến 1312, tên “Quyến gió rủ mây” và đĩa 4, từ câu 1313 đến 1780, tên “Tài tử giai nhân,” sử dụng các loại nhạc Salsa, Lambada,...
     Ðĩa số 5, từ câu 1781 đến 2264, tên “Cá chậu chim lồng,” và đĩa số 6, từ câu 2265 đến 2778, tên “Hại nhân nhân hại,” làm theo thể loại Rock&Roll.
     Ðĩa cuối cùng tên “Chữ tài chữ mệnh” dùng nhạc cổ truyền, nhưng có nét tân thời hơn so với đĩa 1.
     Tóm lại, mỗi đĩa đều có sắc thái nhạc khác nhau.
     (7 CD Kim Vân Kiều, gồm 77 bài, và 2 CD Chinh Phụ Ngâm được nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc với mục đích góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam).

(Theo Ngọc Lan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét