Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Viện Trần Nhân Tông

VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG
Bùi  Đức Lại
     Sự ra đời của Viện Trần Nhân Tông – sau đây gọi là Tran Nhan Tong Academy, viết tắt là TNTA, theo tên tiếng Anh của Viện tại Boston, do các giáo sư, các học giả của Đại học Harvard- sáng lập và lãnh đạo là một sự kiện rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu và quảng bá những  giá trị tư tưởng Việt Nam ra quốc tế.
     TNTA tự xác định cho mình ba mục tiêu, trong đó xếp thứ nhất là mục tiêu “ Tổ chức nghiên cứu sâu sắc về Trần Nhân Tông, có những nghiên cứu đạt chuẩn mực các nghiên cứu quốc tế. Xuất bản các kết quả nghiên cứu về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình”. Nhiệm vụ này tạo tiền để thực hiện hai nhiệm vụ còn lại là “thúc đẩy việc học tập, ứng dụng” và “quảng bá ra thế giới” những giá trị tư tưởng và sự nghiệp của Trần Nhân Tông.
     Những người sáng lập TNTA rất có lý khi đề ra mục tiêu không chỉ nghiên cứu về Trần Nhân Tông mà trước hết coi trọng việc tổ chức nghiên cứu. Điều này phù hợp với xu thế chung, với điều kiện hình thành và hoạt động của Viện, nhưng trước hết xuất phát từ yêu cầu tập hợp các cố gắng từ nhiều phía trong một công việc lớn và quan trọng như thế này. Thực tế là hiện nay ở trong và ngoài biên giới Việt Nam đã có nhiều tổ chức và cá nhân độc lập nghiên cứu về Trần Nhân Tông với những  mục đích và góc nhìn khác nhau. TNTA tổ chức việc nghiên cứu tức là thông qua các liên kết mềm với các tổ chức và cá nhân đó, trên cơ sở  tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt biệt “cơ quan quản lý” (nhà nước, công, tư) hoặc là các cá nhân độc lập. Sức quy tụ nằm trong uy tín khoa học, năng lực nghiên cứu, tính tương đồng về mục tiêu, đối tượng nghiên cứu, tinh thần  thiện chí, bất vụ lợi, ý thức trách nhiệm  trước dân tộc và nhân loại.
     Để làm được việc đó, cần có một lưc lượng “cơ hữu” nhất định trong bộ máy cùa TNTA,  nhưng quan trọng hơn hết là sớm hình thành  và tổ chức mạng lưới  cộng tác viên chất lượng cao từ các cơ quan và cá nhân nghiên cứu.
     Để xây dựng mạng lưới này cần giải quyết hàng loạt vấn đề cụ thể để  tập hợp, tổ chức, khai thác, sử dụng các nguồn lực trí tuệ, tinh thần và vật chất.
     Mặt khác, TNTA cần sớm nêu ra và tổ chức các diễn đàn thích hợp để minh định phạm vi và các chủ đề nghiên cứu, để đề xuất và “đặt hàng” đối với các tổ chức và cá nhân nghiên cứu.
Với tính chất của nó, TNTA không phải là một tổ chức nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, văn hóa, hay tư tưởng. Nó nghiên cứu sâu sắc về Trần Nhân Tông nhưng  cũng không tự đặt cho mình nhiệm vụ nghiên cứu mọi vấn đề về Ông, mà có lẽ cần  tập trung trước hết  nghiên cứu tư tưởng- tinh thần- minh triết Trần Nhân Tông. Nội dung cốt lõi của nó là lòng yêu nước, yêu dân, yêu nhân loại; là nhân sinh quan cư trần lạc đạo; lấy hòa giải, yêu thương là lẽ sống và phương thức cơ bản xử lý mọi việc ở đời, tùy theo vị trí của mình.
     Ông sống và hoạt động cách chúng ta trên bẩy trăm năm, nhưng cùng với thời gian, những giá trị tư tưởng Trần Nhân Tông ngày càng sáng tỏ. Trong lịch sử Việt Nam và các dân tộc khác đã có những minh quân, những nhà thông thái, những nhà tư tưởng, những nhà văn hóa, những người hiền…Nhưng thật hiếm ai được như Ông, kết hợp hài hòa tất cả nhũng giá trị đó trong nhận thức, niềm tin, lương tâm, ý thức trách nhiệm, hành trạng, lối sống suốt đời mình và thực hiện thành công trong cuộc sống. Ở khía  cạnh nào trong đó cũng ở tầm cao chuẩn mực, không chỉ đối với đương thời mà cả với những thế hệ mai sau.
     Việc nghiên cứu Trần Nhân Tông là chỉ ra một cách khoa học, có căn cứ thuyết phục những giá trị nói trên.
     Có thể tiếp cận Ông từ những góc độ khác nhau, nhưng không nên dừng lại ở việc mô tả phiến diện. Làm như vậy, có thể không sai về chi tiết, nhưng lại không cung cấp được một hình ảnh chân thực về tư tưởng của Ông.
     Để hiểu được tư tưởng Trần Nhân Tông, cần phục dựng bức tranh chân thực về không gian lịch sử thời Ông sống, không chỉ ở Đại Việt, mà còn ở Nguyên Mông, ở Chiêm Thành, Ai Lao…về mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, tập đoàn; không chỉ không gian chính trị mà cả không gian tư tưởng, văn hóa, tôn giáo..trong nước cũng như sự giao lưu với các quốc gia xung quanh. Lại cũng cần phục dựng quá trình trưởng thành và các mối quan hệ của Trần Nhân Tông trong từng thời kỳ, với Vua Cha Trần Thánh Tông, với Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, với các bậc cha chú, họ hàng, trong đó có những người là lương đống triều đình, cũng có những kẻ hèn nhát, đầu hàng, phản bội. Đặc biệt, cần đi sâu nghiên cứu thời kỳ Trần Nhân Tông làm Đầu Đà và sáng lập nên Thiến phái Trúc Lâm. Thời kỳ này có lẽ là quan trọng bậc nhất trong việc hoàn thiện  tư tưởng Trần Nhân Tông chưa được nghiên cứu ký càng và khoa học. Các cách mô tả và lý giải hành trạng, di ngôn, tư duy của Trần Nhân Tông về giai đoạn này thường  đơn giản, chưa có sức thuyết phục.
     Để nghiên cứu tư tưởng Trần Nhân Tông cần coi trọng cả việc khai thác sử liệu, các trước tác của Ông và người đương thời, đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu và lý giải hành trạng của Ông.
     Trong việc khai thác sử liệu, một mặt cần quan tâm tìm thêm các tư liệu lịch sử mới, mặt khác cần có thái độ thận trọng và tinh thần phê pháp khi khai thác sử liệu hiện có cũng như những huyền thoại, những mẩu chuyện thuật lại. Điều này đặc biệt cần thiết, trong điều kiện rất nhiều sách, sử  đương thời có giá trị của nước ta  đã mai một do chính sách  hủy diệt văn hóa của Minh Thành Tổ  một trăm năm sau Trần Nhân Tông;  trong đó có cả bộ Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu (hoàn thành 1284 trước chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba). Bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên soạn lại không thể không chịu ảnh hưởng của những thành kiến Nho giáo trong việc ghi chép sự kiện và bình luận đối với vị Vua- Đầu đà Thiền phái một thời.
     Các trước tác của Trần Nhân Tông còn lại không nhiều, trong đó có văn thơ, những bài kệ, bài giảng…phản ảnh cô đọng và sâu sắc tư tưởng của Ông, cần đặc biệt coi trọng nghiên cứu. Nhưng việc hiểu và lý giải đúng những trước tác đó thật không đơn giản, dễ rơi vào cảm tính, suy diễn chủ quan, theo định kiến và điều tâm đắc riêng của người nghiên cứu.
     Trần Nhân Tông làm Vua, làm Thượng Hoàng, làm Đầu Đà trong một giai đoạn đầy biến động ở Đại Việt và trên thế giới. Từ vị trí của người lãnh đạo chính trị và tinh thần của dân tộc và khu vực, Trần Nhân Tông có hàng loạt hoạt động và việc làm mà sử sách chỉ có thể ghi lại một phần. Hành trạng này phản ảnh sự nghiệp vĩ đại, đồng thời cũng biểu hiện tập trung và cụ thể tư tưởng, minh triết, nhân sinh quan của Ông. Việc nghiên cứu những hành trạng đó không chỉ là thống kê các sự kiện mà quan trọng hơn là phân tích các sự kiện,  suy luận một cách khoa học để từ đó rút ra kết luận đúng đắn. Cần suy luận khoa học chứ không phải là suy diễn chủ quan. Không nhấn mạnh một cách biệt lập một sự kiện nào đó mà phải đối sánh các sự kiện, phải vượt qua được các ý kiến phản biện.

     Những giá trị tư tưởng Trần Nhân Tông là to lớn, đích thực và sống động. Nghiên cứu sâu sắc, khoa học về nó chính là cách tốt nhất để tôn vinh, quảng bá nó  trong thế giới ngày nay. Tin rằng TNTA sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra, cũng là tâm nguyện chung của những người sáng lập và góp sức xây dựng nó./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét