Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Bài viết về NGƯỜI HỌ BÙI



Tấm lòng vị tướng họ bùi
     
     Sau hơn 40 năm quân ngũ, trưởng thành từ binh nhì lên đến sĩ quan cấp cao của QĐND Việt Nam, Thiếu tướng Bùi Minh Thứ, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, người con của họ bùi vẫn vẹn nguyên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, một lòng da diết với quê hương .
Những tháng năm quân ngũ
     Qua trò chuyện, tôi được biết quê ông thôn Đồng Ngô, xã Cao Dương huyện Lương Sơn-tỉnh Hoà Bình là con thứ ba trong một gia đình có 6 anh, chị em. Bố ông trong những năm 1947-1951 làm trưởng ban bảo trợ du kích xã Cao Dương, mẹ ông là một phụ nữ chất phác thuần nông tần tảo nuôi 6 người con khôn lớn, trưởng thành. Năm 1965, ông xung phong đi bộ đội được biên chế vào Sư 316 quân khu Tây Bắc, chiến đấu ở chiến trường C (Lào). Năm 1970, ông được về nước học trường sĩ quan. Năm 1971, ông tiếp tục đi chiến đấu ở chiến trường C, tham gia đánh nhiều trận ở sân bay LuôngPhaBăng, là đại đội trưởng Đại đội 168 mặt trận Bắc Lào. Đến năm 1976 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường, ông trở về nước được cử đi học đào tạo cán bộ chỉ huy trung-cao cấp tại học viện quân sự Đà Lạt. Năm 1979 ông được cử đi chiến đấu ở mặt trận biên giới phía bắc với cương vị  trung đoàn trưởng Trung đoàn 200. Quá trình chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ông được cử đi học, đào tạo sĩ quan cao cấp tại học viện quân sự cao cấp (nay là học viện quốc phòng)
    Sau đó  ông lần lượt giữ các cương vị: Phó  chỉ huy Bộ CHQS  tỉnh  Hà Sơn Bình, Hà Tây, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân khu Thủ đô và là  đại  biểu quốc hội khoá X, XI.
Tấm lòng với Quê hương
     Xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình quê ông là một vùng bán sơn địa, bà con nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, mỗi năm hai vụ xen kẽ trồng màu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần về thăm quê, thấy lớp học các cháu mầm non, mẫu giáo cơ sở vật chất còn nghèo nàn ông trăn trở: “ Mình phải làm gì đây giúp cho các cháu có nơi  ăn học đàng hoàng”. Ông chủ động gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo đảng uỷ UBND xã Cao Dương  bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình là cần đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, cho sự bền vững là quan trọng nhất. Ông nói “ Nhà bác học Lê Quý Đôn thủa trước có dạy “Phi thương thì bất hoạt, phi nông thì bất ổn, phi trí thì bất hưng. Địa phương chúng ta dù khó khăn đến mấy cũng phải ưu tiên quan tâm đầu tư cho các cháu được học hành đầy đủ với điều kiện tốt nhất vì các cháu là những công dân, là chủ nhân của nước Việt cường thịnh sau này. Cán bộ xã ai cũng đồng tình hưởng ứng ủng hộ,  năm 2007 bằng những đồng lương tiết kiệm của cá nhân, ông tặng xã  một nhà lớp học mầm non xây dựng kiên cố, đổ mái bằng, lợp mái tôn chống nóng giá trị hơn 100 triệu đồng. Thấy Trạm y tế xã cơ sở vật chất còn khó khăn, ông tặng toàn bộ trang thiết bị giường bệnh, tủ thuốc trị giá 10 triệu đồng. Đến nay trạm hoạt động rất hiệu quả, thực hiện tốt các chương trình y tế cộng đồng. Từ đường quốc lộ đi vào thôn lầy lội, ông bàn bạc với đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đồng Ngô vận động nhân dân san lấp mặt bằng nền đường, còn ông ủng hộ tiền đổ bê tông rộng 3,5m dài 400m trị giá gần 100 triệu đồng. Phát huy phẩm chất truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, ông động viên gia đình phát triển mô hình kinh tế VACR  trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn mỗi năm thu hoạch hơn hai chục triệu đồng, đời sống kinh tế gia đình ngày một phát triển.
     Ông rất tâm huyết với phong trào văn hoá, văn nghệ–TDTT. Ông tâm sự: Bố ông kể thời pháp tuần phủ Đinh Công Tuân truyền lệnh cho các quan lang đứng đầu ở 4 mường của tỉnh Hoà Bình (Bi, Vang, Thàng, Động) điều động các đội nhạc dân gian đến biểu diễn phục vụ cho nhà lang. Đội nhạc thôn Đồng Đăng xã Cao Dương chơi hay nhất trong 4 mường được  Đinh Công Tuân mời ở lại một tháng phục vụ nghi lễ đón khách cho nhà lang. Năm 1956, khi hòa bình lập lại, đội nhạc thôn Đồng Đăng được Đài tiếng nói Việt Nam mời ra Hà Nội thu băng phát sóng rộng rãi trên cả nước giới thiệu các làn điệu nhạc dân gian dân tộc mường. Do chiến tranh đời sống kinh tế khó khăn đội nhạc hoạt động không thường xuyên bị mai một ông nghĩ: Vốn quý dân gian như vậy, chẳng nhẽ lại để lãng quên nên ông  tâm huyết khôi phục lại dòng nhạc này. Ông đầu tư mua sắm tặng 4 bộ nhạc cụ dân tộc cho 4 cơ sở thôn Đồng An, Đồng Đăng xã Tân Thành, đội văn nghệ, đội nhạc dân gian xã Cao Dương. Ông dự kiến tặng cho thôn Đồng Phú một bộ, Ban văn hoá xã Hợp Châu một bộ. Ông luôn gần gũi, động viên các nghệ nhân hướng dẫn cho lớp trẻ thường xuyên luyện tập, biểu diễn dòng nhạc dân gian dân tộc Mường trong các lễ hội ở địa phương. Nhờ vậy, dòng nhạc này ngày một ổn định và phát triển. Xã Cao Dương là một xã có phong trào tập luyện thường xuyên môn bóng chuyền sau những giờ lao động và làm việc, hầu hết cán bộ, thanh- thiếu niên đều hăng hái ra sân, ông động viên khích lệ các cầu thủ, kịp thời mua tặng 10 bộ lưới và bóng tặng cho các đội bóng chuyền cả nam và nữ của xã. Anh Hướng, Chủ tịch Uỷ ban xã Cao Dương nói với tôi: Bác Thứ rất quan tâm các phong trào của địa phương, mỗi lần có dịp về quê bác bố trí thời gian gặp gỡ cán bộ xã trao đổi, góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đưa quê hương Cao Dương ngày một phát triển. Ông là một người rất say mê các môn thể thao như: Tenit, cầu lông, bóng bàn... Khi nghỉ hưu về quê, ông bàn với ông Vị-nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kim Bôi nghỉ hưu thành lập CLB bóng bàn Chợ Bến thu hút thanh-thiếu niên thường xuyên luyện tập rèn luyện sức khoẻ, tạo sân chơi bổ ích nhằm hạn chế tai- tệ nạn xã hội. Mỗi tháng một lần, CLB tổ chức giao lưu với CLB  trong và ngoài tỉnh để cọ sát và trao đổi kĩ  năng, cử các cầu thủ đi tham gia các giải của huyện. Anh Chiều-Phó Chủ tịch hội CCB xã Cao Thắng khoe với tôi: Được huyện chọn đi thi đấu giải cầu lông bóng bàn trung-cao tuổi tỉnh Hoà Bình đã đoạt được huy chương đồng là nhờ thường xuyên luyện tập ở CLB bàn bóng bác Thứ  tài trợ đấy, Bác Thứ còn mua 7 bộ bàn bóng VINSIPHO tặng cho các nơi: Thôn Yên lịch-xã Long Sơn, Nhà văn hoá thôn Hợp Thung, nhà văn hoá phố Chợ Bến xã Cao Thắng, CLB bóng bàn 2/9 xã Hạ Bì, trường THPT Cù Chính Lan-xã Cao Thắng, thôn Đồng Ngô-xã Cao Dương, UBND  xã Hợp Châu, số tiền lên đến trên 40 triệu đồng đấy.
Sâu nặng nghĩa tình
     Tôi rất may mắn cùng đi chuyến xe có ông Vị và thầy Năng, thầy Sĩ, thầy Mộc hôm ông Thứ tặng bàn bóng cho Nhà văn hoá phố Chợ Bến xã Cao Thắng. Thầy Năng (thầy giáo dạy ông Thứ cấp I) nói chuyện với mọi người trên xe: Anh Thứ là người rất có Tâm, có Tầm, tôi được biết nhân kỉ niệm 45 năm ngày thành lập huyện, anh được Ban Tổ chức gửi cho tài liệu để nghiên cứu đóng góp ý kiến, biện pháp lãnh đạo nhằm phát triển KT-XH, AN-QP của huyện nhà, anh mời tập thể Ban Thường vụ huyện uỷ Kim Bôi khoá XIX về Hà Nội thăm quan một vài mô hình kinh tế và đóng góp những ý kiến, các biện pháp chỉ đạo, lãnh đạo rất sát thực để phát triển kinh tế  bền vững ở địa phương. Thầy Năng nói: Không nhưng thế mà những ngày lễ, ngày Tết anh Thứ thường xuyên đến thăm hỏi các thầy dạy học mình từ cấp I đến cấp III, đặc biệt anh tặng cho 3 chúng tôi mỗi người ba quyển sách anh viết do NXB QĐND  phát hành năm 2006, đó là sách lý luận về QP-AN xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện trong giai đoạn cách mạng mới.
     Kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường cấp II xã Cao Dương, huyện Lương Sơn ông trích tiền lương ủng hộ trên 15 triệu đồng để tổ chức gặp mặt, số tiền các cựu học sinh trường cấp II đóng góp ông bàn với ban liên lạc ủng hộ 12 triệu đồng vào quỹ khuyến học của nhà trường.
     Năm 2011 ông ra mắt tập thơ “Ký ức miền Tây” nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành tập thơ “ký ức miền tây” đã khái quát hai chặng đường thơ ca và chiến sỹ, chiến trận và thời bình đã đọng lại ở kí ức miền tây nghĩa tình đồng đội vì nước, vì dân. Phòng Văn Hoá Thư viện huyện Kim Bôi trân trọng tiếp nhận giới thiệu với bạn đọc gần xa.
     Trong quãng đời chiến đấu,công tác phục vụ cách mạng hơn 30 năm tôi đã đi rất nhiều nơi gặp nhiều người nhưng khi gặp ông ,tôi rất có ấn tượng ông thiếu tướng Bùi Minh Thứ là một CCB , một người lính Cụ Hồ, một người con của Họ Bùi luôn sâu nặng nghĩa tình với  quê hương. Lúc chia tay nghe ông hát bài “Khúc hát  sông quê” của nhạc sĩ  Nguyễn Trọng Tạo “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê....” mà lòng tôi rưng rưng xúc động.
                                                    Tháng 10 – 20012
      Bài: Hồng kỳ  Nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Bo                                                   
     Phó chủ tịch hội Cựu TNXPhuyện Kim Bôi – tỉnh Hoà Bình
 Điện thoại: 01654815275                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét