Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN

Bài đã đăng ở Kỷ yếu Hội thảo Viện NC&WD TNCN

KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN

(Trích bài Tìm hài cốt liệt sĩ- một hành trình đày bí ẩn

của  GS. Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ)


Tôi có cô em gái, kém tôi hai tuổi (sinh năm 1929), tên là vũ Thị Kính thuở nhỏ gọi chạnh là Cánh, từ hồi kháng chiến chống Pháp được biết đến với cái bí danh là Trần Thị Khang. Cô tham gia cách mạng năm 16 tuổi, tỏ ra là một giao liên gan dạ, một cán bộ phụ vận có uy tín. Năm 1950, cô là Huyện ủy viên của Đảng bộ Phù Cừ (ĐCSVN), Bí thư phụ nữ cứu quốc huyện, người tổ chức và chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân trong huyện. Tháng 6 năm đó địch bắt được cô từ hầm bí mật, đưa về bốt La Tiến (Bốt đóng ngay trên bến đò La Tiến) là một bốt khét tiếng tàn ác, một đồn binh lớn án ngữ phía Nam tỉnh Hưng Yên, phía Bắc tỉnh Thái Bình và phía Tây tỉnh Hải Dương. Chúng biết cô là ai, vì vậy đã dùng mọi cực hình tra tấn hòng buộc cô khai báo và đầu hàng. Trước khí tiết không lay chuyển của cô, chúng đã giết cô và vứt xác xuống sông Luộc. Sau ngày cô hy sinh, đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện đã phát động “Tuần lễ giết giặc, trả thù cho chị Khang”. Chính phủ đã trao tặng cô Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Huyện ủy và đội nữ du kích Hoàng Ngân đã tổ chức đi tìm xác cô nhưng không thấy. Đây là nỗi day dứt xót xa của gia đình tôi suốt mấy chục năm, mặc dù vẫn biết rằng người chết thì mọi nỗi đau cũng chấm dứt. Mẹ tôi, hồi còn sống, thỉnh thoảng lại hỏi tôi: Có tìm thấy xác em không? Tôi đành tìm lời an ủi: Bao giờ hết chiến tranh, con sẽ tổ chức việc tìm kiếm, chắc là được, mẹ ạ. Nói thế mà lòng tôi như muốn khóc, vì biết mình bất lực trước nỗi đau của mẹ. Cả một dòng sông Luộc mênh mông như thế trôi ra biển cả, biết tìm kiếm nơi đâu?.
Mươi năm lại đây, nghe tin nhiều người tìm được hài cốt người thân bằng gọi hồn, bằng ngoại cảm, bằng thấu thị… tóm lại là bằng những phương pháp được xem là thần bí, chưa ai lý giải được. Tôi vốn được đào tạo theo tinh thần của khoa học thực nghiệm, cái gì chứng minh được mới tin là có, cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin. Trong đời, tôi chưa bao giờ tin có linh hồn, thần thánh, ma quỷ. Ngay những ngày giỗ bố mẹ, tôi cũng không làm cơm cúng, không thắp hương, chỉ sửa một lọ hoa tươi để tự mình tưởng nhớ. Vậy mà khi nghe những tin trên, trong tôi vẫn lóe lên một niềm hy vọng mong manh: Biết đâu đấy? Nếu bằng phương pháp thần bí mà tìm được hài cốt em tôi thì có gì phải câu nệ? Miễn là có cái gì đó để nhận biết hài cốt ấy đúng là của em tôi. Và điều này mới chính là điều khó nhất. Sau 50 năm trôi dạt, hài cốt có gì không để nhận ra em tôi?
Mò tìm trong bí ẩn những thông tin đáng tin cậy
Từ hôm gặp anh Nhã đến hôm bốc được hài cốt là một cuộc hành trình mò tìm trong bí ẩn. Những thông tin do anh Nhã đưa ra, đối với chính anh cũng là điều bí ẩn; trúng hay trật, chính anh cũng không biết. Còn linh hồn? Chỉ có cháu Hằng nhìn thấy và nghe thấy. Cháu nói lại những điều cháu nghe được, còn thực hư thế nào, cháu đâu có biết.
Cuộc hành trình đầy bí ẩn đã buộc tôi phải nhờ đến hai nhà ngoại cảm nổi tiếng, mỗi người một phương pháp: vẽ mộ và gọi hồn. Cả hai phương pháp đều dẫn tôi đến cùng một kết quả.
24 ngày mò tìm trong bí ẩn, chỉ đến ngày cuối cùng – ngày bốc mộ - mới kiểm chứng được các thông tin. Tập hợp lại các thông tin, tôi có được một hệ thống thông tin mà tôi cho là đáng tin cậy, một số có thể xem như vật chứng, bằng chứng.
Những thông tin thu được qua các linh hồn
1- Điều đầu tiên đặt ra với tôi: Có đúng là những linh hồn người thân đang nói với tôi không? Cháu Hằng nhận dạng được các linh hồn, cả những lúc cười, cả vẻ mặt buồn hay vui. Linh hồn cô Khang và anh Sơn đã được cháu Hằng nhận diện qua tấm ảnh, còn tôi không nhìn thấy, tôi kiểm tra qua những điều mà linh hồn nói ra.
Hôm đầu tiên gọi hồn, lòng đầy nghi ngờ, tôi thủ sẵn trong túi tấm ảnh của anh Sơn, định bụng sẽ đưa ra hỏi linh hồn. Nhưng ngay khi nhìn thấy cô Khang, cháu Hằng đã báo cho tôi: Có một người đàn ông, thanh niên, đi cùng với cô. Nếu là một cô đồng gà mờ bịp bợm thì dại gì mà “đẻ số” cho mình như thế? Tiếp đến, cô Khang nói ngay: Người thanh niên đi cùng em chính là anh Sơn đấy. Vậy là, tôi đã kiểm tra được linh hồn cô Khang qua anh Sơn, và không những thế, đã nhờ cháu Hằng nhận diện cả hai linh hồn qua ảnh.
Ngày đầu tiên, linh hồn đã nhắc đến 5 người trong gia đình tôi, với sự hiểu biết rất chính xác về tính cách từng người. Ngày thứ hai tức ngày 17, hai linh hồn đã nhắc đến 10 người trong gia đình tôi, cũng với sự hiểu biết chính xác như thế. Cách xưng hô cũng thể hiện rất đúng vị thế, thái độ và tình cảm của người nói đối với những người được nhắc đến.
Các con tôi, có ý kiến nói: Bích Hằng đã điều tra gia đình mình từ trước rồi. Sự nghi ngờ đó, tôi  biết là vô căn cứ, nhưng dù có điều tra đi nữa, cũng không thể đặt vào miệng người nói những câu như thế mà không phạm sai lầm.
Ngoài những người trong gia đình, cô Khang còn nhắc đến chị Tiến, chị Nhương là những người quen biết cũ, nhắc đến cả anh Cương, anh Đạt những người không quen biết nhưng đã góp sức vào việc tìm mộ gần đây.
Ngày 17, xuất hiện thêm 4 linh hồn nữa. Lần này thì không có ảnh để nhận diện. Nhưng qua những điều mà linh hồn nói ra thì phải thừa nhận đúng là những người đã chết đang nói. Bà già ngồi một chỗ khóc than, kể lể về 6 chị em gái, đúng là chị cả của chúng tôi – chị Nghĩa. Cụ An là người cho mượn cái mai và chứng kiến việc chôn cất, cụ Giám là người chôn cất, mỗi cụ nói ra những điều thể hiện đúng tư cách của mình. Còn linh hồn người đàn ông họ Chử, tuy nói không nghe rõ, nhưng đã nhờ cô Khang nói với chú Quỳnh nhắn giùm cho con gái ông ấy ở Vũng Tàu. Khớp lại những điều mà các linh hồn đã nói ra thì đều xác nhận hài cốt đã được bốc lên đúng là em tôi.
2- Cái cán thuổng là một vật chứng xác nhận thông tin mà linh hồn anh tôi cung cấp, đồng thời xác nhận ngôi mộ đúng là mộ em tôi.
3- Răng trắng chuyển sang màu đen xỉn là một vật chứng xác nhận thông tin của linh hồn em tôi, đồng thời xác nhận hài cốt đúng là em tôi.
4- Thông tin của em tôi về chị Nguyễn Thị Bê, khi được biết tên thật là Nguyễn Thị Út, đã được xác nhận chị nằm trong danh sách liệt sĩ của xã.
5- Thông tin của em tôi về cái còng sắt khóa tay em tôi với người đàn ông đã được xác nhận qua lời kể của cụ Giám, tuy hiện vật thì không tìm thấy – có thể nó đã rỉ thành đất.
6- Thông tin của em tôi về vị trí ngôi mộ cách cái hố đào lần trước 3 bước chân soải dài ra phía bờ ao đã được xác nhận trên thực tế. Thông tin của em tôi về 3 ngôi mộ sát gần nhau, gần như nằm trên một đường thẳng, trong đó mộ em tôi nằm giữa, điều này khớp với chỉ dẫn của cụ Giám.
7- Thông tin của em tôi về người dân đã vớt xác “Thực ra cũng là dân phòng giả dạng thôi”, điều này khớp với bằng khen về thành tích kháng chiến mà cụ Giám nhận được, đồng thời khớp với lời kể của cụ Yền về vai trò mà làng giao cho cụ Giám.
8- Buổi sáng (ngày 17), khoảng 10 giờ, cô Khang nói rằng người vớt xác là cụ Đặng Đình Giám, thì buổi chiều khoảng 3 giờ, chính cụ Giám xuất hiện, kể về việc cụ đã vớt và chôn như thế nào.
9- Buổi sáng, cô Khang kể về việc cụ Giám dừng lại, bảo: “Khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc”, thì buổi chiều, cụ An xuất hiện, nói về việc cụ Giám vào mượn cái mai, rồi kéo xác qua cái rãnh nước đến chân ruộng mạ như thế nào.
10- Khi xem ảnh, cụ Giám bảo người phụ nữ mà cụ chôn cất không để tóc dài như trong ảnh, mà cắt tóc đến gáy như Bích Hằng. Cô Khang xác nhận là đúng, chính bọn địch đã cắt cụt tóc cô. Mớ tóc trùm lên sọ mà chúng tôi tìm thấy cũng là mớ tóc ngắn.
11- Cụ Giám tả lại khi chôn, cụ đã đặt cái xác hơi nghiêng vì không nắn thẳng ra được, mặt hướng ra sông cho mát mẻ. Trước đó, chúng tôi đã tìm thấy hài cốt ở tư thế ấy.
12- Cô Khang kể với cháu Hằng về móng tay của cô. Điều này đối với tôi là một bằng chứng vô cùng quý giá để khẳng định hài cốt đúng là em tôi.
13- Cô Khang khoe với mọi người về việc ông anh bốc cát lập bát hương. Điều này tuy chỉ là tiểu tiết, nhưng chứng tỏ linh hồn em tôi đã biết việc tôi làm, kể cả việc nhồi cát vào 7 bát hương mấy ngày trước đó.
Nhìn lại cái “trận đồ bát quái” của anh Nhã
Với những thông tin đáng tin cậy thu thập được qua các linh hồn, kết hợp với những thông tin do dân làng cung cấp qua cuộc điều tra của chúng tôi, tôi nhìn lại cái trận đồ bát quái của anh Nhã. Mọi thông tin anh cho tôi đều đúng, nhưng do sắp xếp không theo một trật tự lôgic nên khó hiểu, rối mù như một trận đồ bát quái. Bây giờ việc đã thành, tôi hiểu nó như sau:
1- Trước tiên phải tìm đến một cái vụng xoáy. Chính ở cái vụng này, xác em tôi khi còn chìm dưới đáy sông, đã bị cuốn vào. Cuối tháng 6 đang mùa nước, mực nước sông Luộc khi chưa đến mức báo động, thường cách mặt đê chỉ vài mét. Lúc xác nổi lên gặp lúc triều cường thì không trôi tuột đi mà dạt vào một khúc quanh con đê. Cái vụng xoáy chính là vụng Quạ. Khúc quanh của con đê cũng ở đó.
Vào mùa nước thì dải đất bãi ngoài đê, kể cả cây cối, đều ngập bỉm dưới nước. Không thể chôn trên đất bãi được, mà phải kéo xác qua đê vào trong đồng. Nhưng dưới chân đê lại là một vùng ruộng trũng, tháng 6 đang là mùa mưa, ruộng trũng bị ngập nước, vì thế phải kéo xác vào vùng chân mạ, cao hơn.
2- Ông Giám đã kéo 3 cái xác qua đê không khó khăn gì, vì mặt nước gần sát mặt đê. Nhưng nhà ông ở mãi cuối làng, cách đó một cây số, ông phải tạt vào nhà ông An để mượn cái mai. Khi dừng lại, ông đã nói với xác chết về việc “xin lộc”. Ông An mà anh Nhã nói, không phải là anh An – con đã tiếp chúng tôi, mà là ông An – bố, tức cụ An, cụ đã mất cách đây 40 năm. Cái quán ông An không phải là cái nhà anh An bây giờ, anh chị mới ra đó chừng 10 năm nay thôi. Bố mẹ vẫn ở cách đó 300m, sát mép cái đầm sen về phía Tây. Ông làm nghề chở đò ở bến La Tiến, còn bà làm hàng xáo và bán bánh đúc. Cái nhà tranh lụp xụp của ông bà đồng thời là cái quán bán bánh đúc.
3- Mượn được mai rồi, ông Giám đi trên con đường bờ vùng, còn xác thì kéo trên cái lạch nước gần nhà ông An, đến cái cống ở cửa chùa, để đến vùng chân mạ mà nay là đất ở của cụ Nhờ và ông Điển. Con đường bờ vùng và cái lạch nước nay đã biến mất trong lòng cái đầm sen. Cái cống lấy nước từ rạch và vùng ruộng mạ thì nay vẫn còn, nhưng đường làng đã ngăn cách nó với đầm sen, nó không còn tác dụng lấy nước vào vùng ruộng mạ nữa.
4- Hồi cải cách ruộng đất, vợ chồng bà Nhờ được chia một mảnh ruộng mạ của địa chủ mà nay là đất ở của bà và ông Điển. Năm 1960, trong phong trào hợp tác hóa, ông bà đã góp ruộng vào hợp tác xã. Năm 1969, ông Điển được hợp tác xã chia cho một mảnh ruộng làm đất ở. Mấy năm sau, bà Nhờ và nhiều nhà trong vùng cũng được chia đất ở. Đó chính là cái xóm mới, dân mới ra ở khoảng 20 năm. Mộ nằm trên đất cô Nhường, đúng ra là trên đất cô Nhờ. Cái âm thanh mà anh Nhã nghe lơ lớ như Nhường, Nhương, Nhượng, thực ra là Nhờ - một cái tên rất quê và cũng ít gặp.
5- Đường xá mà anh Nhã vẽ trên bản đồ thì anh Đạt và cụ Yền nhận ra ngay, nhưng cụ Yền nhận xét: nó được vẽ theo đường ngày xưa, ang áng như bây giờ thôi.  
Tất cả những thông tin trên đến với anh Nhã đúng như đã diễn ra cách đây 50 năm (chính xác là 49 năm + 1 tháng), sớm nhất cũng là 20 năm. Nhưng thông tin đến với anh không theo trình tự thời gian và cũng chẳng có mối liên kết giữa các hiện tượng, thành thử đã có lúc tôi nghĩ nó chỉ là một “trận đồ bát quái” do anh bày ra.
6- Những dấu hiệu và tín hiệu khác cũng rất đúng, nhưng lại là những hiện tượng mới xảy ra, đang xảy ra hoặc sắp xảy ra. Cái gốc cây đổ là cây nhót mà ông Điển mới chặt, nhưng chưa kịp đánh gốc. 5 cây cỏ dại có 10 bông hoa màu tím nhạt thì sớm nhất cũng chỉ ra hoa được một tuần trước đó. Rồi bé gái mặc áo hoa xanh, rồi con chó vàng nằm một chỗ như ốm, rồi cái nhà mà bốn mặt đểu sơn màu trắng lốp, trước nhà đầy hoa đỏ… Tất cả đều đúng, nhưng tại sao anh Nhã nói trúng như thế, chính anh cũng không hiểu thì tôi làm sao mà hiểu được!
7- Cái bản đồ do anh Nhã vẽ, sau này tôi mới hiểu là chỉ có thể dùng để định hướng thôi, không thể xem như một bản đồ địa chính. Có những chố rất đúng về chi tiết như: rẽ trái 60 mét, rồi rẽ phải 45 mét. Nhưng cái quán ông An thì lại không nằm cạnh đường, mà nằm bên kia cái đầm sen, cách nhà ông Điển chừng nửa cây số; cái quán tạp hóa có cửa màu xanh dương cũng không nằm cạnh ngã tư, mà nằm ở bên kia một cái ao to; tuổi tác của cô Nhường, của ông An cũng chỉ áng chừng chứ không thật chính xác.
8- Địa điểm ngôi mộ rất đúng, nhưng chỉ đúng cho một hình vuông, có cạnh 5m. Ngoài hình vuông đó, sẽ chạm vào hai ngôi mộ khác. Trong khoảng diện tích 25m2 đó phải đào một cái hố chỉ rộng 2,5m2 , quả là không dễ gì trúng ngay được. Khi vẽ bản đồ anh ghi: mộ nằm cách gốc cây đổ 4m. Nếu đào đúng như thế về hướng đông – đông nam thì trúng. Nhưng khi anh hướng dẫn tôi về hính tam giác thì lại chỉ còn cách gốc cây đổ 1.5m. Khi chỉnh mộ thì anh bảo “phát triển về hướng Nam”, đúng ra là phát triển về hướng Đông – Đông Nam. Lần thứ hai với sự chỉ dẫn của đôi bướm màu thì tiến thêm về Đông Nam là đúng hướng. Nhưng nếu đào thì phần cuối của hố mới gần chạm đến đầu hài cốt. Phải đào một cái hố thứ ba, xoay ngang theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và lùi hẳn về hướng Đông 2 mét, lấy dãy hoa tím chiếu thẳng ra bờ ao làm cạnh của hố, mới trúng được hài cốt. Qua đây, tôi hiểu tại sao anh Nhã lại dặn tôi “chỉnh mộ là một qua trình vất vả lắm đấy”. Thực tình nếu phải đào đến cái hố thứ hai mà không đạt kết quả thì niềm tin và hy vọng mong manh của tôi vào con đường thần bí chắc sẽ bốc hơi hết, không còn gì để đào tiếp cái hố thứ ba. Nếu không nhờ được cháu Hằng chỉnh mộ theo con đường gọi hồn thì bao nhiêu công sức của anh Nhã và tôi đều bỏ phí, xem như rơi vào tỉ lệ trật 40%.
9- Về độ sâu của các hố phải đào thì chỉ dẫn đầu tiên của anh Nhã là rất đúng. Chính ở độ sâu 1,5 mét, chúng tôi đã bốc được hài cốt. Nhưng khi “chỉnh mộ” thì anh lại 2 lần đào sâu thêm nữa. Phải chăng chính anh cũng đang phải mò mẫm trong sự bí ẩn?
Khám phá sự bí ẩn
Hài cốt em tôi thì tôi đã tìm thấy, nhưng những con đường bí ẩn dẫn đến kết quả ấy thì vẫn là bí ẩn. Khám phá ra những điều bí ẩn ấy không phải là điều dễ dàng. Tôi chỉ qua thể nghiệm của riêng mình mà đề xuất một số vấn đề, một số câu hỏi để các chuyên gia về lĩnh vực này xem xét.
1-  Tôi có căn cứ để tin rằng đã gặp linh hồn em tôi, anh tôi và chị tôi, cả linh hồn cụ Giám là người chôn cất và linh hồn cụ An là người chứng kiến. Cháu Hằng đã nhận dạng được linh hồn, thậm chí nhận diện được linh hồn qua tấm ảnh, đã nghe được tiếng nói của linh hồn. Như vậy, linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó, có hình thù, có khả năng phát ra tiếng nói. Đã là một dạng vật chất thì vật lý học, y học, hoá học, sinh học, với những phương tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn sẽ có ngày tìm ra. Các nhà khoa học Việt Nam có thể đóng góp gì theo hướng đó?
2-  Tôi nhận thấy linh hồn người chết vẫn thể hiện những tình cảm vui, buồn, quan tâm, ước muốn, (thậm trí giận dữ như cụ Giám, tranh cãi như cụ An), vẫn nhớ và kể lại những việc đã qua, kể cả những việc xảy ra sau khi thể xác mình đã chết, vẫn theo dõi và đánh giá được những việc mà người sống đang làm. Như vậy thì linh hồn không phải là những vật thể vô tri vô giác, mà là những vật thể sống, có tình cảm và tư duy. Điều này đặt ra một loạt câu hỏi: Có một thế giới linh hồn ngoài thế giới của con người đang sống không? Thế giới linh hồn hoạt động như thế nào, có khả năng tác động gì vào thế giới của con người đang sống? Để đáp ứng mong muốn của linh hồn người thân, người sống dâng đồ cúng lễ, tiền bạc, đồ dùng hàng ngày (dưới dạng vàng mã) là đúng hay nhảm nhí? Linh hồn có tiêu vong đi không, hay là tồn tại mãi mãi? Tìm lời giải cho những vấn đề này, nếu chỉ dựa vào suy luận thì sẽ dẫn đến tranh cãi bất tận. Vấn đề là chứng minh.
3-  Hầu hết mọi người đều không có khả năng nhìn thấy linh hồn, nghe thấy tiếng nói của linh hồn, nhìn thấy hài cốt vùi lấp dưới lớp đất dày mấy mét. Chỉ một số rất ít người như cháu Hằng là có khả năng đó. Khả năng đặc biệt đó là do cấu tạo sinh lý đặc biệt nào vậy? Y học nên quan tâm tìm ra lời giải.
4-  Nếu khả năng nhìn thấy linh hồn, nghe thấy tiếng nói của linh hồn có thể quy về cấu tạo sinh lý đặc biệt của một số người thì khả năng nhận biết được những thông tin bí ẩn của anh Nhã, anh Liên và một số người khác càng khó khám phá hơn. Nhưng, một khả năng đã giúp cho nhân dân tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ, chẳng lẽ không đáng bỏ công tìm hiểu, khám phá?
5-  Để làm những công việc trên, Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam đã lập ra một Trung tâm nghiên cứu có tên là Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Song, quyền hạn và con người còn rất hạn hẹp. Nên chăng thành lập một viện nghiên cứu có sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước, có sự quyên góp tự nguyện của những người quan tâm? Công việc của viện này nếu thành công, xác nhận được sự tồn tại của linh hồn, thì không những có ý nghĩa nhân văn mà còn có ý nghĩa về nhiều mặt khác, kể cả về hình sự (nếu người bị giết mà nói ra thì kẻ giết người tránh sao khỏi tội?), không những có ý nghĩa quốc gia, mà còn có ý nghĩa quốc tế.
6-  Trong khi chờ đợi nghiên cứu thành công thì cần có những chính sách chế độ để những người có khả năng đặc biệt có thể phát huy tài năng nhiều hơn vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là nguỵện vọng tha thiết của hàng chục vạn gia đình. Tránh những lời bổ báng, vội vã, tránh vơ đũa cả nắm, nhập cục tất cả vào số người buôn thần bán thánh, lợi dụng mê tín dị đoan. Càng nên tránh những thái độ thô bạo như cấm đoán, bắt bớ giam cầm. Mới chỉ cách đây 50 năm thôi, nhiều nhà khoa học Liên Xô, vì nghiên cứu gien di truyền, đã bị tống vào nhà thương điên. Trên con đường khúc khuỷu của khoa học đã xảy ra biết bao nhiêu sự kiện đau lòng như thế, chẳng nên lấy đó làm răn ư?
Thay lời kết luận
Trên đây, tôi đã thuật lại câu chuyện như nó đã diễn ra, với những nguyên liệu thô của nó, tất nhiên có gạt bỏ đi một số chi tiết rườm rà, một số câu nhắc đi nhắc lại. Tôi làm việc này vì:
Khi biết tin tôi tìm được hài cốt cô em (mà nhiều người biết tiếng vì gương hy sinh anh dũng của cô), nhiều bạn bè, đồng chí, người thân đã đến chúc mừng tôi và thắp hương cho người quá cố. Tất nhiên là tôi phải thuật lại câu chuyện, dù tóm tắt thì cũng khá dài. Tôi bèn nảy ra ý định viết thành văn để người nói và người nghe đều tiết kiệm được thời gian, mà câu chuyện thì không bị cắt xén, giữ được tính chân thực.
Khi viết gần xong, tình cờ tôi có dịp làm quen với giáo sư Đào Vọng Đức và Thiếu tướng- phó tiến sỹ Nguyễn Chu Phác là những người phụ trách chủ chốt của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Biết được mục tiêu nghiên cứu của các anh, tôi sẵn sàng gửi câu chuyện gia đình của tôi cho các anh để Trung tâm sử dụng như một tư liệu tham khảo. Với ý nghĩa đó, tôi đã viết thêm một đoạn – “Khám phá sự bí ẩn”- hy vọng những lời bàn chầu rìa của một người ngoại đạo về lĩnh vực này (tôi chỉ là một nhà kinh tế) có chút gì bổ ích cho công việc nghiên cứu của các anh chăng.
Kèm theo: Bản đồ phần mộ do anh Nguyễn Văn Nhã vẽ ngày 25/7/1999

                                                                                Hà Nội, tháng 12 năm 1999

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét