Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

QUÁ TRÌNH TRÊN HAI MƯƠI NĂM TÌM MỘ LIỆT SĨ

Bài đã đăng ở Kỷ yếu Hội thảo VNC&WD TNCN 29.01.15

QUÁ TRÌNH TRÊN HAI MƯƠI NĂM TÌM MỘ LIỆT SĨ
VÀ NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA
TỪ VẤN ĐỀ TÌM MỘ BẰNG TÂM LINH

Trích từ kết quả nghiên cứu Đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu khoa học tiềm năng con người”

A. Bước khởi đầu
  Năm 1989, vì món nợ đồng đội đã hy sinh mà mình tham gia chôn cất, Đại tá, nhà báo Hàn Thụy Vũ cùng một người bạn thân (là phó Chủ nhiệm chính trị Binh đoàn Trường Sơn) đi xe đạp về lại các chiến trường cũ thuộc Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình tìm được 5 mộ, đồng thời giải được mối oan mang tiếng đầu hàng địch cho 1 Liệt sĩ (LS) (Lê Trung Nhâm quê QuảngNgãi).
  Năm 1990, Đại tá Hàn Thụy Vũ, người thiết kế và được giao phụ trách phụ san “Tìm người thân” của báo Cựu Chiến binh (CCB), đăng tin và ảnh để tìm mộ LS, với 16 trang, phụ san này không bán mà phát về các cơ sở Thương binh- xã hội, từ đó, đã tìm được 1200 mộ LS (con số tròn).
 Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã có những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gian khó, công phu được tổ chức bởi nhóm “Ba không” của các sĩ quan quân đội, đứng đầu là Đại tá, Giáo sư Ngô Vi Thiện, Đại tá Nhà báo Hàn Thụy Vũ, Đại tá Tạ Doãn Địch, Kỹ sư Nguyễn Quang Bích…Các bác là những người đầu tiên dùng khả năng đặc biệt tìm hài cốt liệt sĩ.
  Năm 1991, qua BS-TS Trần Văn Dần giới thiệu, phụ san “Tìm người thân” đã kết hợp với anh Đỗ Bá Hiệp để tìm mộ LS bằng tâm linh, cách tìm của anh Hiệp rất lạ lùng, dễ dàng và chính xác, các gia đình LS khâm phục, công nhận kết quả.
  Ngày 3/4/1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi Đại tá Hàn Thụy Vũ và anh Đỗ Bá Hiệp tới gặp, sau 60 phút nghe báo cáo, Đại tướng động viên, căn dặn: “Vấn đề tế nhị, nhạy cảm, các cậu cố gắng nghiên cứu mà làm”.
  Cùng thời điểm đó, Đại tá, Giáo sư Ngô Vi Thiện tới tòa soạn cho biết GS cùng các CCB sư đoàn 308 đang thực hiện mấy chương trình lớn: Tìm mộ LS ở núi Non Nước (Ninh Bình), ở chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) và đề nghị sử dụng khả năng đặc biệt của kỹ sư Trần Quang Bích cùng 2 học trò là Thẩm Thúy Hoàn (SN 1977) và Nguyễn Thị Phúc Lộc (SN 1978).
 Chương trình tìm hài cốt 13 liệt sỹ (4/1994) ở ngã ba sông Vân, sông Đáy, dưới chân núi Non Nước (Ninh Bình), Giáo sư Ngô Vi Thiện, anh em CCB sư đoàn 308 chuẩn bị mất một năm. Từ chỗ theo yêu cầu của gia đình tìm LS Nguyễn Văn Tý (còn gọi là Tâm hay Tý Tâm), hai học sinh phổ thông Thẩm Thị Thúy Hoàn (16 tuổi) và Nguyễn Thị Phúc Lộc (15 tuổi) dưới sự hướng dẫn của Kỹ sư Trần Quang Bích, có sự cộng tác của cô Phan Thị Bích Hằng, ngay lúc đầu đã phát hiện không chỉ có LS Tâm, mà tất cả có 13 liệt sỹ.
  Lần đầu tiên được chứng kiến cuộc giao lưu Âm-Dương giữa các LS với 3 nhà NC, làm việc độc lập, kéo dài tổng cộng gần 3 tiếng đồng hồ ở 3 thời gian, địa điểm khác nhau, nhưng các thông tin nhận được trùng hợp nhau  đến ngỡ ngàng, kỳ lạ. Bước đầu các nhà NC nhận được danh tính, quê quán 8 LS. Tiếp sau đó, tại hiện trường thêm 5 LS. Báo CCB Việt Nam tháng 6 năm 1994 đã đăng: nhiều đồng đội đã công nhận, nhiều gia đình đã nhận mộ.
  Trước khi đi tìm mộ, hai nhà NC Hoàn và Lộc giao tiếp với các LS để hỏi địa điểm chôn cất và núi Non Nước. Các LS bảo hai cô gái nhỏ từ bé chưa rời Hà Nội một lần: “Cứ đi, rồi sẽ chỉ”!. Chúng tôi ngồi trên xe im lặng để các cháu dẫn đường. Tới Ninh Bình, qua nhiều núi, các cháu chỉ nơi rời quốc lộ 1 và rẽ đúng đường vào chân núi Non Nước. Cũng con đường này lần đi trước chúng tôi đã phải hỏi đường nhiều lần, và nhiều lần rẽ mới tới nơi.
  Đặc biệt lần đầu tiên chúng tôi mời cô Phan Thị Bích Hằng (nhà ngoại cảm mới xuất hiện quê ở Ninh Bình) kiểm tra chéo và không cho biết nơi hai cô Hoàn và Lộc đã tìm. Cô Bích Hằng tới ngay địa điểm ven sông, chỉ đi lại vài ba lượt trên khoảng gần 100m, cô đã ngồi xuống đúng chỗ tập trung nhiều hài cốt nhất. Trong cuộc nói chuyện mà Bích Hằng “phiên dịch”, LS Tâm nói: “Đến nay là đã 41 năm 11 tháng thiếu 3 ngày gia đình và đồng đội mới tới thăm tôi”. Câu nói xoáy vào tim mọi người!  Anh Ngô Vi Thiện quay mặt lau nước mắt. Sau mở lịch đếm từng năm, tháng, ngày, càng thấy đau xót: Hôm ấy là 25 tháng 4 năm 1993, các đồng chí hy sinh đêm 28 tháng 5 năm 1951, đúng là 41 năm 10 tháng 27 ngày. Thế ra các đồng chí nằm tại đó, nơi bến sông buôn bán tre vầu sầm uất đã đếm từng ngày mong mỏi người thân! Bẩy năm sau, đọc trên báo An ninh Thế giới, bà Monique Selim, Tiến sỹ Nhân chủng học và Chính sách Y tế Pháp, rất xúc động về câu LS nói đã tới gặp lãnh đạo Bộ môn để tìm hiểu.
  Tháng 8/1994, tìm được 5 LS đã hy sinh ngày 23/10/1945 trong chiến dịch tiễu phỉ ở Ninh Tràng, Đông Triều, Quảng Ninh, gọi lần lượt đầy đủ tên, quê. Đồng đội và các gia đình công nhận. Tiếp đó tháng 5/1995, các cô Hoàn và Lộc tìm được hài cốt 2 LS ở Pheo (chiến dịch Hòa Bình 1952).
 Năm 1996 "Chương trình tìm lại Nam Cao", do Hiệp hội UNESCO tổ chức, có sự tham gia của 35 tổ chức và 4 nhà  ngoại cảm, trong đó có Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và Nhà ngoại cảm Doãn Phú.
Tại hội trường UBND huyện Gia Viễn sáng 24/11/1996, các nhà ngoại cảm được trao lại bản viết tay đã nộp trước cho Liên hiệp Khoa học - Công nghệ thông tin ứng dụng để trình bày những thu nhận của bản thân từng người. Theo đề nghị của trưởng đoàn, 4 người có khả năng đặc biệt ngồi bàn chủ tịch và phát biểu theo thứ tự. Đây là phương pháp truyền thông giao thoa, những thông tin có chỉ số trùng lặp cao được gọi là thông tin có chỉ số truyền thông giao thoa.
Theo bản viết tay của nhà ngoại cảm kí hiệu NC 01 thì "Hiện tại, mộ phần của Liệt sĩ Nam Cao được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, nơi ông đã hi sinh. Nơi ông nằm là một cánh đồng ven đường là trục liên huyện, đi qua một cái cầu xi măng nhỏ... Ông nằm trong số các liệt sĩ vô danh âm thầm, không một dòng địa chỉ. Phần mộ của ông vẫn vô danh, không có thay đổi gì sau 45 năm. Số mộ của ông trùng lặp với số tuổi đời của ông khi ông hi sinh, chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa. Tiếc rằng trong mộ đó có thêm vài cái xương của người bạn xấu số của ông, nhưng chỉ là vài cái rất nhỏ, không đáng kể".
Thông tin trong phong bì được niêm phong của nhà ngoại cảm có kí hiệu NC 02 viết: "Mộ của nhà văn Nam Cao đã được vào nghĩa trang Gia Viễn - Ninh Bình. Khi đi vào nghĩa trang của ông phải đi qua cây cầu nhỏ... Ông hi sinh khi định vượt sông, bị phục kích và ông bị thương vào vùng ngực là chủ yếu. Ông bị mất nhiều máu mà hi sinh chứ không phải hi sinh ngay. Trong mộ của Nam Cao còn bị lẫn xương của một người khác, còn ngôi mộ ở hàng số 2 ngôi thứ 8 là mộ của anh Thao, người chỉ huy nhóm của ông. Hàng thứ 4 ngôi số 7 là của liệt sĩ quê ở Thanh Hoá không còn thân nhân nữa".
Trong đáp án của nhà ngoại cảm NC 03 có thông tin: "tìm 1 được 3". Khi được hỏi cụ thể, nhà ngoại cảm này đã giải thích: Cùng hi sinh với nhà văn Nam Cao có Liệt sĩ Nguyễn Văn Thao quê ở Thái Bình và Liệt sĩ Nguyễn Văn Yêng quê ở Hà Nam.
Theo bản viết tay của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì "số mộ của ông trùng lặp với số tuổi đời khi ông hy sinh. Chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa". Cứ theo đấy mà suy thì số mộ là 306.
Theo lời của con trai nhà văn, liệt sĩ Nam Cao kể lại: "Cùng buổi chiều hôm ấy, tại nghĩa trang Gia Viễn, chị Bích Hằng đã cho biết: Cha tôi bị giặc bắn hai phát đạn. Một phát vào đầu, một phát vào sườn làm gãy hai rẻ sườn. Và chị bảo: “Bác Nam Cao bị lẫn một chân, hiện trong bộ hài cốt của bác, hai xương đùi đều là bên phải”. Vậy là, qua sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, cùng sự mách bảo của một nhà khoa học trước đây thì hài cốt cha tôi được nghi vấn ở một trong hai ngôi mộ 305 hoặc 306 tại nghĩa trang huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình".
Đến lượt mình, ông Doãn Phú nói: "Trên trán nhà văn có một viên đạn, nằm phía bên trái, có một vết nứt và xương ống chân trái bị đứt vát như chặt mía".
Viện Khoa học Hình sự (KHHS) - cơ quan khoa học hàng đầu của Bộ Công an - tham gia chương trình “Tìm lại Nam Cao” ngay từ đầu với tư cách chuyên môn là cơ quan giám định, nhận dạng người. Viện đã tin tưởng, chọn cử Tiến sỹ Thầy thuốc ưu tú, Thượng tá Trần Đức Đĩnh - Giám định viên trưởng tổ chức Giám định pháp y Trung ương và bác sỹ – giám định viên tư pháp Đào Quốc Tuấn vào cuộc.
Việc giám định hài cốt phải tiến hành tỷ mỉ, cẩn trọng trên từng gam đất, đo đạc từ khi chưa nhấc xương và đo ngay tại từng khớp xương. Sau 10 ngày làm việc liên tục, kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự hoàn toàn trùng hợp với đặc điểm nhận dạng nhà văn Nam Cao mà gia đình đã cung cấp và các thông tin của các nhà ngoại cảm cung cấp. Có thể khẳng định chính xác: hài cốt trong ngôi mộ 306 là hài cốt liệt sỹ nhà văn Nam Cao.
- Đến năm tháng 7/1997, 3 cơ quan gồm Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được khảo nghiệm khả năng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Liên (trú tại Tứ Kỳ, Hải Dương) trong việc tìm mộ liệt sĩ từ xa. Tháng 8/1997, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học - Công nghệ) truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Khánh yêu cầu xem xét việc này. Được sự đồng ý của các cấp thẩm quyền, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống đã tiến hành nghiên cứu "Đề tài khảo nghiệm khả năng tìm mộ liệt sĩ từ xa bằng ngoại cảm", do PGS TS Ngô Tiến Quý làm chủ nhiệm đề tài. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu phải khảo nghiệm 100 trường hợp tìm mộ bằng ngoại cảm trong thời gian từ tháng 9/1997 đến tháng 3/1998. Căn cứ kết quả nghiên cứu của các cơ quan trên, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có kết luận về "Đề tài khảo nghiệm khả năng tìm mộ liệt sĩ từ xa bằng ngoại cảm" (do Thứ trưởng Chu Hảo ký). Theo kết luận này, khả năng tìm mộ liệt sĩ thất lạc của ông Nguyễn Văn Liên là có thật; tỉ lệ tìm thấy được mộ trong đợt khảo nghiệm là tương đối cao (khoảng 70%). Số vụ đã tìm thấy được là 154/219 vụ. Trong mỗi vụ, ông Liên đưa ra trung bình khoảng 40 - 45 thông tin mà trong quá trình tìm mộ phải xác định; theo thống kê, tỉ lệ thông tin đúng trong từng vụ khoảng 70-80%...Từ những nhận xét trên, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo và kiến nghị Chính phủ: "Khả năng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Liên trong việc xác định mộ chôn cất các liệt sĩ bằng ngoại cảm là có thật mà khoa học hiện nay chưa thể lý giải một cách thỏa đáng để mọi người đều có thể hiểu và công nhận… Nhà nước nên giao cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chu đáo để ông Nguyễn Văn Liên giúp nhân dân tìm kiếm hài cốt thân nhân, trước hết là hài cốt các liệt sĩ đã bị thất lạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ"… Với sự thận trọng cần thiết, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nêu rõ trong báo cáo kết luận: "Đây là vấn đề có nhu cầu lớn, song nếu tổ chức không tốt sẽ dễ gây lộn xộn dẫn đến những vấn đề phức tạp"…
B. Hoạt động trong một tổ chức chính danh
  Cuối 1996 Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người (TTNCTNCN) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập, quy tụ nhiều cán bộ khoa học có tâm huyết trong việc nghiên cứu những khả năng tiềm ẩn của con người, đây thực sự là vấn đề vô cùng khó khăn, nhạy cảm và mang tính khoa học, là một ngành nghiên cứu Nhân học và nếu ứng dụng được vào thực tế thì mang tính nhân văn rất cao. Với 3 CCB đồng thời là cán bộ nghiên cứu: Đại tá, Giáo sư Ngô Vi Thiện; Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Chu Phác; Đại tá, Nhà báo Hàn Thụy Vũ thì đây là niềm vui lớn vì được làm việc trong một tổ chức chính danh, đó là Bộ môn Cận tâm lý (CTL)
  Thời kỳ đầu, GS Ngô Vi Thiện làm Chủ nhiệm Bộ môn, sau đó, vì GS được giao nhiệm vụ khác, Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác thay, đại tá Hàn Thụy Vũ làm phó chủ nhiệm, tới năm 1999, có thêm nhà giáo Quan Lệ Lan.
  Ra đời cùng lúc với TTNCTNCN, tính đến nay, bộ môn CTL cũng đã bước sang tuổi 18.
  Công việc hoàn toàn mới lạ nhưng Bộ môn có những thuận lợi về tổ chức, trong đó phải kể đến:
  Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn, là người có chuyên môn về Tâm lý học, nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường của Bộ Quốc phòng, ông là người có tâm đức, có kiến thức, cũng là người chủ yếu trong việc đề xuất các ý tưởng, các hướng nghiên cứu của Bộ môn.
  Đại tá Hàn Thụy Vũ, phó Chủ nhiệm Bộ môn. Đại tá đã có quá trình đi tìm đồng đội từ 7 năm trước, đã làm việc cùng với nhiều người có khả năng đặc biệt trong lĩnh vực này. Dù tuổi cao (khi Bộ môn thành lập ông đã 70 tuổi) Đại tá luôn nhận về mình những công việc vất vả, khó khăn. Ông là người có tâm đức, đã có nhiều trải nghiệm thực tế. Đại tá Hàn Thụy Vũ là biên tập viên chính trong tất cả các tài liệu in ấn của Bộ môn CTL
  Năm 2004, có thêm Trung tá Trần Thịnh và tới nay(2013), danh sách cán bộ Bộ môn chính thức có 7 thành viên.
I. Sơ lược giải thích tên của Bộ môn
  Trên thế giới, Bộ môn CTL có mặt ở nhiều trường đại học. Nhiều hiệp hội CTL hoạt động ở nhiều nước tiên tiến như hiệp hội CTL ở Anh được thành lập từ năm 1882, sau đó là Mỹ, Nhật, Scotlen, Trung Quốc,…Hiệp hội CTL Mỹ thành lập từ 1885 đã đưa ra giới hạn nghiên cứu CTL bao gồm:
  1- Các hiện tượng về tâm linh, liên lạc với “người âm”, thấu thị, thấu thính, các quan trắc ngoại cảm, gọi hồn, ma ám,…với đặc điểm chung là sự trao đổi thông tin không qua 5 giác quan thông thường.
  2- Những hiện tượng đặc biệt về thể xác như tâm năng điều khiển, năng lực ma, chữa bệnh bằng tâm linh,…
  3- Các hiện tượng về Sinh-Tử, sự tồn tại của ý thức sau khi chết, vấn đề đầu thai, trả nghiệp,…
  Phương pháp nghiên cứu CTL là thực nghiệm, thông qua những số liệu thống kê lớn để phân tích, kết luận và sau đó là bước đầu đưa vào ứng dụng trong thực tế phục vụ cộng đồng.
II. Các hoạt động của Bộ môn CTL thuộc TTNCTNCN (nay là Viện NC&ƯDTNCN)
2.1. Các đề tài nghiên cứu
  Với số cán bộ làm công việc quản lý, nghiên cứu rất mỏng, tuổi không còn trẻ, làm việc tự nguyện, không thu kinh phí, và tất nhiên không ai có lương hay một khoản trợ cấp nào. Bộ môn CTL đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đã trắc nghiệm, đưa vào thành đối tượng nghiên cứu, sau đó đưa các nhà ngoại cảm (NC) vào đội ngũ cộng tác viên để nghiên cứu tiếp và ứng dụng khả năng NC vào phục vụ cộng đồng.
  Bộ môn xác định phải tiếp cận các hiện tượng kỳ bí một cách khách quan với thái độ thực sự cầu thị, tôn trọng sự thật, khiêm tốn học hỏi để khám phá  những khả năng đặc biệt của con người.
  Sau 17năm, đã có được 12 đề tài NCKH, Bộ môn hiện còn lưu giữ hơn 1000 bức ảnh, hơn 100 băng ghi âm, ghi hình, 6 đĩa video hoàn chỉnh. Chúng tôi có tham vọng ghi chép đầy đủ các hiện tượng, tình huống, sự việc… để thế hệ chúng ta nếu chưa lý giải được thì thế hệ các nhà khoa học trẻ tuổi mai sau đỡ thiếu tài liệu cho các công trình của họ.
  Trong 12 đề tài nghiên cứu có 5 đề tài về tìm mộ thất lạc bằng tâm linh, đó là các đề tài: “Tìm mộ từ xa”, TK05, TK06, TK07, TK08, cả 5 đề tài này đều được Hội đồng Khoa học của TTNCTNCN nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
  Đề tài Tìm mộ từ xa thực hiện 1 năm do Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ nhiệm
  Đề tài TK 05 đây là đề tài được đánh số đầu tiên. Nghiên cứu tìm mộ bằng tâm linh được nâng lên thành một đề tài NCKH, đề tài kéo dài 2 năm với sự tham gia của toàn thể Bộ môn lúc đó: Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác chủ nhiệm đề tài. Đại tá Hàn Thụy Vũ, nhà giáo Quan Lệ Lan, cô Hoàng Yến, các nhà NC Phan Thị Bích Hằng, Thẩm Thúy Hoàn, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Bảy với hàng trăm cuộc quan trắc NC, nhiều chuyến đi thực tế, nhiều cuộc gặp gỡ nhân chứng, nhiều buổi họp trao đổi,…
  Qua đề tài này, đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, đúc kết được các tiêu chí xác định mộ. Kết quả việc tìm mộ bằng tâm linh trong thời gian này đã khẳng định khả năng tìm mộ bằng tâm linh là có thật, người đạt chính xác cao nhất khoảng 70%. Số  còn lại là không tìm được hoặc tìm sai.
   Đề tài TK 06- tìm mộ LS ở K’nak huyện K Bang-tỉnh Gia Lai. Sau 30 chuyến đi tìm mộ người anh trai là LS Phạm Văn Thành không có kết quả, anh Phạm Văn Mẫn đã tới nhờ Bộ môn CTL. Đại tá Hàn Thụy Vũ trực tiếp dẫn các nhà NC Phan Thị Bích Hằng, Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Khắc Bảy vào K Bang, chủ nhiệm Bộ môn Nguyễn Chu Phác theo dõi  từ xa. Bà Đoàn Thanh Hương cán bộ TTNCTNCN cùng tham gia. Có chuyến đi lên tới vài chục người, có sự tham gia của Thượng tướng Nam Khánh, Thiếu tướng Châu Khải Định. Hài cốt LS Phạm Văn Thành cùng 7 LS khác với đầy đủ tên họ, quê quán được tìm thấy ở lòng suối K Bang. Sau đó, với sự chỉ dẫn từ xa của chị Phan Thị Bích Hằng, các CCB cùng huyện đội K Bang đã tìm và quy tập thêm được hơn 300 LS nữa.
  Đề tài TK 07, TK08 thực hiện trong hai năm đó là “Xác định danh tính LS trên mộ vô danh”. Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Chu Phác với sự tham gia của toàn thể Bộ môn và các nhà NC là cộng tác viên, chị Lưu Kim Chi cán bộ TTNCTNCN tham gia ghi chép.
  Trong hai năm, Bộ môn CTL đã thực hiện 2 chuyến đi Điện Biên Phủ, 2 lần tới khu mộ tập thể ở Đông Kim Ngưu Tp Hà Nội, 2 lần tới khu mộ LS chưa xác định tên ở nghĩa trang Mai Dịch Tp Hà Nội, rồi đi các nghĩa trang LS Phú Long(Ninh Bình), Kim Tân (Thanh Hóa), NT Quảng Trị, NT Đường 9, NT Trường Sơn,…Các chuyến đi rất vất vả, gian khổ.
  Tuy nhiên, khi đánh giá kết quả chỉ đạt được từ 6% đến 14%: (LS nói tên, đơn vị, quê quán,…sau đó Bộ môn xác minh)
  Các đề tài từ TK05 đến TK12 đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp một phần kinh phí.
  Để thực hiện các đề tài nghiên cứu tìm mộ bằng tâm linh là cả một quá trình. Người có khả năng đặc biệt trong việc tìm mộ đều được chúng tôi gặp gỡ nhiều lần để tìm hiểu những thông tin cần thiết, nghe dư luận, gặp nhân chứng…Tiếp đó là bước thực nghiệm trên thực địa. Trong 10 năm đầu, cán bộ của Bộ môn đã đi thực địa cùng nhà ngoại cảm nhiều lần để  thực chứng, ghi chép. Để có tư liệu, chứng cứ nghiên cứu, cán bộ Bộ môn tự bỏ tiền túi, tự trang bị máy ảnh, máy ghi âm, máy ghi hình, làm phim và lưu đĩa hình. Nay những tư liệu ấy vẫn được bảo quản tốt.
  Chúng tôi nhận ra rằng người có khả năng đặc biệt là người đa nhân cách (có nghĩa anh hay chị ta lúc là A, lúc là B, lúc là C …), khi thực hiện đề tài, cán bộ quản lý phải nắm chắc: Họ tự hoàn thiện theo hướng nào? Họ đi theo nguồn sáng tâm linh hay vào hang tối địa ngục? để có những uốn nắn kịp thời. Vươn tới cõi thiêng liêng khó lắm!
  Chúng tôi đã chứng kiến có lúc nhà ngoại cảm nói đâu trúng đó, bỗng nhiên “như bị nhiễu” rơi vào hư vô mênh mông. Sự chuyển biến của họ, có thể hiểu được, khi thấy mất dần khả năng, có người mất hẳn do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt nguyên nhân chủ quan là nhạt nhòa tâm đức, để tiền tài, danh vọng chi phối.
  Việc nghiêm túc bỏ công sức khảo nghiệm các đối tượng nghiên cứu và hoạt động của Bộ môn CTL là việc làm vô cùng cần thiết. Đó là cơ sở để lưu trữ, rút ra những căn cứ, xác định các tiêu chuẩn và đề ra các tiêu chí, mở ra các khái niệm mới có thể chấp nhận được, từ đó gợi mở bước đầu lý giải, những giả thuyết khoa học như chúng ta đã thấy 17 năm qua.
  Qua 17 năm khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi đã ghi nhận lại rất nhiều hiện tượng, tình huống đặc biệt về mối quan hệ Âm – Dương
2.2. Một số trích dẫn:      
2.2.1. Việc tìm LS Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung kỳ, người chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngày 11/10/2002, tại hiện trường, sát địa điểm nghi ngờ mộ LS có một ngôi mộ mới đắp tròn, to đẹp. Ông giáo T  nhận đây là mộ Tổ của gia đình, việc tìm mộ LS vấp phải một khó khăn không lường trước. Đảng ủy, Chính quyền xã họp mấy lần chưa tìm ra hướng giải quyết. Sau mấy phút đi quanh khu đất, Bích Hằng nói: “Chỗ nấm đất mới đắp không có mộ. Mộ Tổ nhà ông giáo ở chếch 2 -3 mét ra phía bờ sông”. Và Bích Hằng đã xác định mộ LS Nguyễn Phong Sắc cách 3- 4 m về phía trong. Trước đông đảo bà con trong thôn và chính quyền xã, cô Bích Hằng nói với mọi người về tên cụ Tổ ông giáo T và chỉ mộ cụ. Đến hôm khai quật, xã phải làm thêm việc đào nơi nấm mộ mới đắp, quả nhiên bên dưới hoàn toàn không có gì, mọi người thấy hài lòng, tin tưởng. Vậy, nếu không có vong linh các bậc tiền bối của hai gia đình phù trợ mà Bích Hằng là người truyền đạt lại thì việc tìm mộ LS Nguyễn Phong Sắc không biết sẽ khó khăn như thế nào!
2.2.2. Việc tìm mộ LS Phạm Văn Thành hy sinh 8/3/1965 tại K’ nak huyện K bang, tỉnh Gia Lai. Từ tìm 1 LS thành gần 300 LS. Đây là trận đánh căn cứ huấn luyện biệt kích của Mỹ nằm trên dãy đồi cao K’ nak (nay thuộc huyện K Bang tỉnh Gia Lai) trận đánh đêm 8/3/1965 không thành công, gần 400 đồng chí đã hy sinh, hầu hết hài cốt phải để lại trong rừng. Và câu chuyện lịch sử này đã bị bỏ quên 37 năm!
  Người đề xuất chủ yếu: Anh Phạm Văn Mẫn là em ruột LS Phạm Văn Thành. Sau có thêm anh Ngô Trọng Quang em LS Ngô Trọng Đãi tham gia. Anh Phạm Văn Mẫn đã bỏ nhiều công sức tìm được 9 nhân chứng, đó là những người đã trực tiếp tham gia trận đánh, nay hầu hết ở tuổi 60- 70, tìm được danh sách tương đối đầy đủ của các đơn vị tham gia: Tiểu đoàn đặc công 409, Quân khu 5; đơn vị đặc công tỉnh Bình Định; và một số đơn vị thuộc Trung đoàn 95A…
  Bộ môn cử hai cán bộ và 3 nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bẩy, Thẩm Thị Thuý Hoàn, đoàn đã vào K’ nak 6 đợt (Hà nội – K’ nak 1500km). Có đợt đón đủ 9 CCB nhân chứng tới thực địa. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Chính uỷ Quân khu 5 thời kỳ chống Mỹ làm trưởng đoàn, và Thiếu tướng Châu Khải Địch phụ trách đặc công quân khu 5 giúp sức.
  Đoàn đã xác định được 10 hố chôn hỗn độn 128 LS (gọi được tên quê quán của một số LS, đối chiếu danh sách được đồng đội và đơn vị công nhận).
  Xin ghi lại ba hiện tượng cần xem xét:
  a. Đợt đi thực địa lần đầu (ngoài kế hoạch) anh Phạm Văn Mẫn mời nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy đi cùng. Theo những thông tin anh Bẩy được các vong linh liệt sỹ chỉ dẫn, họ đã tìm tới “khu rừng Bộ đội” (tên người dân đặt cho một cánh rừng bên suối Đắc Lốp, không ai dám xâm phạm vì nhiều bộ đội hy sinh còn nằm ở đó). Đây là khu rừng rất rậm rạp, mỗi bước đi phải phát cây mở đường. Nhưng đứng tại đây, anh Bẩy rơi vào mù mịt, mất phương hướng. Anh điện hỏi Chủ nhiệm Bộ môn Nguyễn Chu Phác ở Hà Nội. Ông nói: Có ông đeo súng lục cầm cái gậy đuổi các cậu về, lý do là ở đây có hàng trăm LS, chúng nó không tìm mà chỉ tìm một người là Thành, anh nó”. Cả đoàn phải quay về Hà Nội để nghiên cứu, tổ chức lại cuộc tìm mộ này.
  Cuộc đi tìm lần đầu không được việc. Bài học này dạy chúng tôi rằng tìm mộ tập thể không được “quên” người chỉ huy cao nhất, tìm nhiều mộ họ tộc không được “quên” bậc bề trên, hoặc người cao tuổi nhất. Phải chăng “trật tự xã hội âm” vẫn tồn tại, có tôn ti trật tự, có trên có dưới.    
  b. Các bước tiếp theo, nằm trong kế hoạch TK06 được chuẩn bị, quy hoạch rất kỹ. Trước khi đi thực địa, đoàn lên K9 dâng hương xin Bác Hồ giúp đỡ. Ngày 26/3/2002, tại Hà Nội, Phan Thị Bích Hằng cùng anh Phạm Văn Mẫn và lãnh đạo Bộ môn đã mời 2 LS Ngô Trọng Đãi và Phạm Văn Thành về. “Cuộc nói chuyện” kỳ lạ kéo dài hơn 70 phút (có ghi hình đầy đủ). Nhiều vấn đề sáng tỏ quanh mộ 8 LS hy sinh sau khi đã được đưa về trạm trung phẫu tiền phương. Chỉ tóm tắt mấy ý của LS Ngô Trọng Đãi “nằm dưới lòng suối, có 8 người… bây giờ chưa nói hết ra được…Vì có nói ra sẽ chẳng ai vào với chúng tôi nữa…” LS Phạm Văn Thành cũng nói với em một số ý quan trọng. Anh Phạm Văn Mẫn, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và chúng tôi đều đồng thanh hứa với hai anh là sau khi tìm được các anh và một số LS khác sẽ báo cáo Bộ Quốc Phòng xin được xây đài tưởng niệm, dựng bia ghi tên tất cả các LS hy sinh ở K’ nak.
  c. Ngày 30/3/2002 chúng tôi bắt đầu tìm ở nơi ngày trước là trạm trung phẫu. Mọi người rất mừng vì có CCB, Trung tá Nguyễn Văn Ẩm (lúc này đã 74 tuổi)  là chính trị viên phó tiểu đoàn 409 đặc công, người đã trực tiếp phụ trách trạm trung phẫu, và tham gia chôn cất 8 liệt sỹ. Trung tá Ẩm kể: Các thương binh nặng đưa về trạm trung phẫu, do không cứu được, trạm đã an táng chu đáo, thành hàng nghiêm chỉnh bên sườn đồi, từ nơi chôn cất xuống suối (để rửa tay) cách khoảng 25 mét. Bên bờ suối có một gốc cây đa cổ thụ. Do địa hình đã thay đổi nhiều, các dấu vết như bác Ẩm còn nhớ không tìm thấy. Các nhà NC lại rơi vào cõi hư vô, không “thấy” một LS nào. Cuộc đào xới một vài địa điểm toàn đất đỏ au, rễ cây, phải dừng lại.
  Đến 20 giờ, đang ngồi chơi tại phòng nghỉ, chợt cô Thẩm Thuý Hoàn reo lên: Bác Đãi về! Mọi người quây quần “trò chuyện”. LS Ngô Trọng Đãi nói mấy ý kiến đáng chú ý: “Có 471 anh em hy sinh trên mảnh đất này, địch mang hai xe vận tải lớn chất đầy xác anh em rồi đem đi đổ ở đâu không rõ. Gần 100 anh em ta bị địch mang lên đồi đổ xăng đốt hết”. LS Đãi xác định điểm tìm buổi sáng là đúng, nhưng do địa phương đắp đập giữ nước thành hồ, nên mộ tám LS nguyên ở sườn đồi nay nằm dưới 3 – 4 mét nước sâu, bên gốc đa bị cưa ngang, chỉ rõ thứ tự vị trí tám người: Đãi - Tất - Được - Tuyển - Hưởng – Bình – Thành và Công (người trẻ nhất) như Phan Thị Bích Hằng đã chỉ.
  LS Đãi khẳng định: “Còn ở lại đây để đấu tranh đưa được anh em ra khỏi khu rừng này”.
  Lúc này chúng tôi càng hiểu vì sao bác Ẩm và các nhà NC đều bị “che mắt” vì hơn ai hết các LS biết rõ thời điểm ấy chưa thể lặn xuống nước tìm mò hài cốt của họ. Và đúng như vậy, phải 5 tháng sau, đến ngày 27/8/2002, khi Đảng uỷ, Chính quyền huyện cho phép mở đập tháo nước mới tìm được hài cốt tám LS.
   (Hồ nước Đắc Lốp là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và canh tác của cả huyện K Bang. Đảng ủy và chính quyền huyện chờ mùa mưa sắp tới mới hạ quyết tâm tháo nước. Đây là một quyết định “động trời”, nói lên tấm lòng của chính quyền và nhân dân K Bang với các Liệt sỹ. Nếu không làm việc này thì chắc chắn việc tìm 8 LS không bao giờ thực hiện được)
  Các đợt tiếp sau kéo dài cả sang năm 2003 đều tiến hành suôn sẻ.
2.2.3. Tháng 10/2005, Tiến sỹ Toán học Trần Văn Thành, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Toán trường Đại học Giao thông Hà Nội nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy tìm ba ngôi mộ người thân. Do các ông bà, cha mẹ đã khuất, con cháu chỉ nhớ là lúc cải táng 3 tiểu được chôn liền nhau tại cánh đồng thôn Mạch Hạ, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  Tới gặp anh Bảy, nhìn luân xa 6 của anh Thành, anh Bảy khẳng định chỉ có hai tiểu liền nhau. Gia đình anh Thành đã nản chí vì ngay từ đầu, điều đơn giản nhất là con số mà nhà ngoại cảm đã nói sai! Được Bộ môn CTL động viên - cũng xem đây là việc nghiên cứu- gia đình đã mời anh Bảy cùng nhà giáo Quan Lệ Lan đi về quê để tìm mộ. Tại cuộc họp của gia đình, họ tộc anh Thành, mỗi người nhớ một đường, nhiều người không tin việc có thể tìm thấy mộ ba cụ.
  Đến chỗ mà tại Hà Nội anh Bảy vẽ có hai tiểu liền nhau, trên một diện tích không lớn lắm, công việc thăm dò tìm kiếm suốt 5giờ không có kết quả. Chúng tôi đề nghị mọi người cầu xin gia tiên chỉ chỗ có hai tiểu liền nhau - hai chứ không phải ba - như mọi người đang cầu xin.
   Lúc tạm nghỉ, có cụ già trong làng đi ngang qua hỏi: Có phải tìm mộ các cụ có tên.., cụ kể hồi bốc lên ba mộ, cụ có ra xem, một tiểu để lại, còn hai tiểu đưa sang ruộng nhà cụ. Gia đình anh Thành tiếp tục thuốn thăm dò, chỉ sau vài chục phút đã định vị chính xác 2 tiểu chôn liền nhau. Vài hôm sau đó, gia đình anh Thành cũng tìm nốt tiểu còn lại ở chỗ cũ, cách đó hơn 500m.
  Trong thư cảm ơn, gia đình anh Thành viết: Khâm phục thày Bảy, cả về tài năng, cả về nhân cách.
2.2.4. Bước sang mấy năm đầu thế kỷ 21, đứng trước những đòi hỏi mới, chúng tôi tự hỏi: Có khả năng đi tiếp những bước tìm kiếm hóc hiểm hơn nữa hay không? 
  Đã có nhiều kết quả từ tìm từng mộ, tới tìm mộ tập thể . Nay số những người có khả năng đặc biệt, số cán bộ tăng lên chút ít. Bộ môn quyết định: Đi tiếp!
   Bộ môn đã đặt ra một số tiêu chí ban đầu để xác định ngôi mộ cần tìm:  những thông tin nhà ngoại cảm cho trước như đặc điểm vị trí, đặc điểm hài cốt dưới mộ, về di vật chôn theo… phải đạt 60 – 70% mới bắt tay vào làm. Việc kiểm tra chéo thực hiện nhiều hơn.
   Liên quan đến nghiên cứu việc tìm mộ bằng tâm linh, Bộ môn CTL cũng nghiên cứu việc tìm những người chết trôi trên sông, biển, những người bỏ nhà đi mất tích, những thủ phạm vụ trọng án vv…
  Xin dẫn ra vài ví dụ:        
  -Trận gió mùa Đông Bắc và lốc cuốn tháng 10 năm 1985 đã đánh đắm cả 4 thuyền của xã Tràng Cát, huyện An Hải, Hải Phòng. Riêng thôn Lương Khê mất 13 người. Các gia đình đã liên tục 17 năm tìm kiếm vô vọng. Tình cờ một gia đình liên hệ với chúng tôi. Nhà ngoại cảm trẻ tuổi, CCB Nguyễn Khắc Bẩy từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trở về, nhận nhiệm vụ này. Anh nhanh chóng xác định: Có 5 người trôi vào đảo Hòn Mê, một hòn đảo quân sự không có dân, được chiến sỹ trên đảo chôn cất, hương khói chu đáo. Trong sơ đồ vẽ tại Hà Nội, anh Bảy ghi nhiều chi tiết hướng dẫn. Ngày 5/11/2002 anh Bẩy cùng nhà giáo Quan Lệ Lan cùng gia đình ra đảo Hòn Mê. Kết quả đã xác định đúng mộ, nhờ anh em bộ đội trên đảo giúp cất bốc hài cốt. Là người trực tiếp kiểm tra, ghi chép  những hướng dẫn được ghi trong sơ đồ tìm mộ trước đó của anh Bảy, chúng tôi ngạc nhiên: Mộ cách mép nước 37m- thực đo gần 38m, cụm 5 ngôi mộ chết trôi ở phía Đông Bắc đảo, cách khu bộ đội A9 gần 150m( đúng). Những người vớt và chôn cất có tên Định, Tuấn, Ngơi. Người thân của gia đình bị cá ăn mất bàn chân phải.. Các dấu vết cho trước như bị cá ăn mất bàn chân phải, và các di vật như áo bay, quần cộc, dây chun thắt nhiều nút, dây đeo tượng chúa… còn trên hài cốt khiến gia đình nhận ngay ra người thân, 2 hài cốt đã xác định được gia đình đón về quê, 3 ngôi mộ còn lại cũng được cải táng chờ tìm thân nhân. Tiếp đó, trên đường về, tìm đến nhà  ông Trúc, nguyên Đảo phó của đảo Hòn Mê năm 1985, ông Trúc xác định việc vớt xác trôi trên biển và chôn cất giao cho anh Tuấn quân y sỹ, anh Tuấn có báo cáo lại là có xác một người đàn ông cao lớn bị cá ăn mất bàn chân phải.
  -.Anh Ngô Hoài Nam cán bộ Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh có mẹ là bà Nguyễn Thị Hoa bỏ nhà đi từ năm 1993 và bặt tin ngay. Các con bà đi tìm, nhờ các cơ quan chức năng và qua nhiều đầu mối suốt 12 năm ròng. Qua báo chí, nhà báo Hoài Nam liên hệ được với Bộ môn CTL. Anh Nguyễn Khắc Bẩy được giao nhiệm vụ này. Thấy công việc rất khó, Bộ môn giao thêm nhà NC Dương Mạnh Hùng kiểm tra chéo ở một địa điểm, thời gian khác. Anh Bẩy cho biết bà Hoa rớt xuống sông Sài gòn, chết ngay hôm bà rời nhà. Anh Hùng cho thông tin trùng về thời gian mất, và mô tả quần áo bà mặc hôm rời khỏi nhà. Chúng tôi xem bản đồ sông, kênh, rạch từ TP Hồ Chí Minh đổ ra biển, thật không ai có thể đoán thi hài bà trôi qua những đoạn sông nào. Anh Bẩy đã vẽ một bản đồ khá chi tiết nơi bà được an táng, với những mốc dễ nhận biết, ở góc trên bản đồ có chữ Phước An. Từ những hướng dẫn của anh Bảy, nhà báo Hoài Nam đã tìm tới nơi bà mẹ được người dân vớt lên chôn cất. Khi khai quật, lẫn trong hài cốt còn cả chiếc nhẫn vàng bà ngoại tặng mẹ anh. Anh khẳng định: Chính xác tuyệt đối rồi, không cần thử nghiệm ADN gì nữa.
2.2.5. Bộ môn CTL phát triển công việc nghiên cứu sang một số lĩnh vực khác. Từ chỗ nhận biết mối quan hệ Âm-Dương ngày càng gần gũi và có thể mở rộng ứng dụng vào: Nhờ vong linh gia tiên để “tìm người bỏ nhà đi mất tích nhưng còn sống”.
  - Ông Vũ M. ở chung cư 26 Nguyễn Khắc Nhu (Ba Đình – Hà Nội) có con trai tên là Đ học sinh lớp 11 trường Phan Đình Phùng bỏ nhà đi từ 7/1/2002. Ông đã nhờ công an quận, công an thành phố, nhờ nhiều nhà ngoại cảm nhưng vô vọng. Đầu tháng 3/2002,ông M tìm đến nhờ cô Bích Hằng, Bích Hằng đã chọn một cách đi vòng ngoạn mục: qua ảnh, mời liệt sỹ bác ruột của Đ cung cấp thông tin, từ đó, Bích Hằng chỉ rõ Đ đang ở Lạng Sơn, cách chợ Đông Kinh gần 2Km, làm nhân viên phục vụ ở một cửa hàng ăn, phải đến đúng 10 giờ ngày 7/5/2002 bố mẹ Đ mới được xuất hiện. Theo đúng hướng dẫn đó, ông bà Vũ M. đã tìm được con.
  - Ngày 5/4/2004, cháu T học sinh trường trung học cơ sở Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam có khuyết điểm bị cô giáo đuổi học. T xin lỗi mãi không được, mặc cảm, em bỏ nhà đi trốn. Ông bà C- T là bố mẹ em đã nhờ Đài truyền hình Tỉnh Hà Nam, Đài truyền hình Việt Nam, mục tìm trẻ lạc nhưng không có hồi âm…gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy, anh Bẩy nói: T đã lên tàu vào Nam, hiện T còn sống. Đến 22 – 23/5/2004 sẽ có tin T ở đâu.
   Cả nhà chờ đợi đếm từng ngày từng giờ. 14giờ ngày 23/5/2004, ông bà C-T gọi điện cho anh Bẩy. Anh  bảo cứ chờ đến 17 giờ. Đến 17 giờ kém 10, chuông điện thoại réo, có tiếng nằng nặng miền Nam: Tôi là bác sỹ Giáo ở bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Cháu T bị rơi xuống lòng đường sắt, chấn thương sọ não, đã cấp cứu qua cơn nguy kịch nay cháu lúc tỉnh, lúc mê.
  Gần 60 ngày đêm sống trong hoảng loạn lo lắng cho đứa con trai duy nhất, ngay sáng hôm sau gia đình đã gặp lại T. Thật không niềm vui nào bằng!
  - Ngày 20/3/2011, anh T con bà N T N ở Bình Đà, xã Bình Minh – Thanh Oai – Hà Nội mang tiền đi mua xe máy rồi biệt tăm. Gia đình đã báo cơ quan an ninh, qua nhiều tuần vẫn chưa có manh mối. Gia đình tìm đến nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm. Nhiều vong về nhập, song chỉ có cụ Tổ đời thứ 7 nói rõ: T mang tiền đi xa, bị lừa mất hết, bị đánh trọng thương vào đầu nhưng không chết (hoàn toàn trùng với thông tin nhà ngoại cảm Vũ Thị Cẩm Bằng ở Thạch Lỗi - Cẩm Giàng - Hải Dương cung cấp). Cụ nói thêm: đã về rồi, ở gần. (hỏi tên địa chỉ Cụ không biết vì đã quá xa thời cụ còn trên Dương thế!) cụ tả địa hình, đặc điểm chỗ T đang ở. Chị H vợ anh T xác định được ngay đó là nơi vợ chồng chị đã từng đến. Theo đó, chị H đã tìm thấy chồng ở Sơn Tây.
  Ba nhà ngoại cảm tìm người mất tích còn sống bằng ba phương pháp khác nhau là những minh chứng khiến chúng tôi cảm thấy rõ hơn 2 thế giới Âm và Dương song song tồn tại. Phải chăng đây là những khía cạnh, những hiện tượng mà các nhà khoa học bằng trí tuệ và kiến thức của mình (Vật lý học, Sinh học, Tâm lý học, Y học, Đạo học, Văn hóa Phương Đông, xã hội học, dân tộc học vv..) đang từng bước tìm cách lý giải những vấn đề mà khoa học thực chứng hiện nay còn vướng mắc!
  Chính vì những ý tưởng như vậy, Bộ môn CTL đã mạnh dạn đi vào phục vụ tháo gỡ những yêu cầu của đồng bào Thiên chúa giáo, các vị Hòa thượng Phật giáo. Khi anh em An ninh gặp những vụ trọng án, Bộ môn CTL cũng sẵn sàng góp sức và đạt kết quả tốt. Vì lý do riêng không được công bố, nhưng việc giúp cán bộ điều tra tìm những manh mối ban đầu để phá án khiến các nhà nghiên cứu khó có thể bỏ qua (Hải Phòng 2 vụ, Hà Nội 2 vụ, Vĩnh Phú 1 vụ).

2. 3. Công việc còn dang dở
  Sau 8 năm, Bộ môn CTL đã thành một tổ chức chặt chẽ hơn nằm trong TTNCTNCN. Chỉ nói riêng việc tìm kiếm mộ (hài cốt) LS, khả năng, năng lượng ngoại cảm được thử thách nghiêm túc. Những năm đầu, người dân ít biết về việc làm giám định gene, thường chỉ đối với các LS nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng thì các cơ quan chức năng và Bộ môn thấy có yêu cầu. Cơ sở chủ yếu là thân nhân LS tin tưởng qua cách làm việc có sức thuyết phục của nhà ngoại cảm, qua thông tin của đồng đội… Những năm gần đây việc giám định ADN rộng rãi, trở thành không quá khó khăn đối với điều kiện kinh tế của một số gia đình LS. Chúng tôi rất ủng hộ việc này, coi ADN là tiêu chí đánh giá khoa học nhất, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng làm được ví dụ như:
- Việc tìm ba liệt sỹ trong khuôn viên trường Trưng Vương (Hà Nội). Danh tính 3 LS được nhà ngoại cảm đọc ra, các đồng đội cùng đơn vị và hai gia đình đã xác nhận, còn một liệt sỹ chúng tôi và đơn vị cũ không tìm được người thân.
- Việc tìm hài cốt LS trong các hố chôn tập thể thì giám định ADN bằng cách nào?
- Dưới một ngôi mộ, có là nguyên vẹn một hài cốt hay còn lẫn xương cốt của LS khác và các tạp chất như đất đá rễ cây mà gia đình đi cất bốc khó phân biệt được như hài cốt LS Lê Xuân Trứ , Bí thư xứ ủy Trung kỳ,(là bố GS Lê Xuân Tùng, UV Bộ Chính tri khóa 7),  nhờ NC Phan Thị Bích Hằng, mộ được tìm thấy ở Côn Đảo, Viện pháp y Quân đội làm giám định AND, cùng một mộ, một hài cốt, phải lấy mẫu phẩm tới lần thứ 2 mới cho kết quả chính xác, tương tự với mộ AHLLVT LS Đậu Văn Ngôn, nhờ NC Phan Thị Bích Hằng, mộ tìm thấy ở NTLS huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cũng phải lấy mẫu phẩm tới lần thứ hai...
  Sang năm 2004, đứng trước gần 600.000 mộ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ với những hàng bia trắng xóa, chúng tôi nhất trí làm đề tài “Tìm lại danh tính liệt sỹ trong mộ chưa biết tên” trước đây thường gọi là mộ vô danh, anh chị em trong Bộ môn gọi là: “Hỏi người chết tìm người sống”. Đây là một thử thách mới rất ngặt nghèo. Về phương pháp, tìm danh tính từng liệt sỹ ít nhất phải có 2-3 nhà ngoại cảm độc lập, riêng rẽ, thu nhận thông tin ở thời điểm khác nhau. Mỗi nhà ngoại cảm có 1 cán bộ đi theo ghi chép, chứng kiến từ đầu đến cuối. Một ngôi mộ LS còn thiếu thông tin, nếu it nhất hai nhà ngoại cảm có thông tin trùng hợp với một tỉ lệ trên 60% thì tạm ghi nhận kết quả bước đầu. Có hai tiêu chí bắt buộc: phải nói rõ họ tên đơn vị, đồng đội cùng đơn vị còn sống, phải nói rõ quê quán và người thân còn sống để Bộ môn có thể tìm kiếm, xác minh.
  Bộ môn CTL đã tới nghĩa trang Điện Biên Phủ 2 lần, Mai Dịch 3 lần, Đông Kim Ngưu – Hà Nội 3 lần, Phú Long – Ninh Bình 2 lần, Kim Tân – Thanh Hóa 2 lần, Đường 9, Trường Sơn, Quảng Trị mỗi nơi 1 lần và một số nghĩa trang liệt sĩ nhỏ lẻ khác. Ròng rã suốt 2 năm (2004 - 2005) vô cùng vất vả song kết quả rất thấp, chỉ đạt từ 6 – 14%. Phải hỏi con số này có phản ánh thực tế không? (còn 86 – 94% là chưa tìm được hoặc tìm sai sau khi đối chiếu hai tiêu chí trên). Chưa thể trả lời ngay được vì công tác hậu kỳ quá khó khăn, vượt xa khả năng của Bộ môn: Tự tổ chức đi tìm không có lực, thư gửi đi không có hồi âm, nhiều gia đình đã thay đổi chỗ ở không chỉ một lần …
  Chúng tôi tự hỏi, phải chăng trở ngại ở đây là thiếu sợi dây tâm linh kết nối giữa LS với người thân?
  Chúng tôi phải tạm dừng, món nợ này còn đó!

III. Các kết quả đạt được qua 17 năm nghiên cứu của Bộ môn CTL
  Qua nghiên cứu, Bộ môn CTL đã rút ra một số kết luận:
3.1. Những con đường hình thành khả năng tìm mộ của các nhà ngoại cảm
  - Do được một Bề Trên nào đó hay chính gia tiên “độ” (Cũng có người coi là trực giác) như các trường hợp anh Nguyễn Văn Nhã, anh Nguyễn Đức Phụng…
  - Sau một biến cố sinh học lớn như nhà NC Phan Thị Bích Hằng…
  - Sau một quá trình tập Thiền và có sự hỗ trợ của Tâm linh như các chị Nguyễn Thị Phúc Lộc, Thẩm Thuý Hoàn…
  - Khả năng tự học qua sách vở có thêm sự hỗ trợ của tâm linh như anh Nguyễn Khắc Bảy…
  - Khả năng do truyền thống gia đình có nghề thuốc Đông y, kết hợp tập Thiền như anh Dương Mạnh Hùng.
  - Khả năng do kiên trì học Cảm xạ, kiên nhẫn thực hành như ông Ngô Văn Nam…
3.2. Quy trình tìm kiếm mộ LS và các tiêu chuẩn để Bộ môn công nhận một người là cộng tác viên
  Từ dư luận của xã hội về một người nào đó, Bộ môn cử cán bộ đi kiểm tra, nếu thấy khẳ năng có thực sự, mời họ đến trắc nghiệm bằng cách giao một số công việc, trong quá trình thực hiện, Bộ môn luôn lắng nghe sự đánh giá của nhân dân về khả năng cũng như đức độ của đối tượng đang nghiên cứu.
  Thực tế là những người có khả năng ngoại cảm rất ít. Nhiều trường hợp là hoang tưởng, tài ít nói nhiều, hay có tài mà không có tâm…những người này Bộ môn không sử dụng.
  Mỗi đối tượng trong quá trình khảo sát phải có một số lượng kết quả nhất định. Nếu là tìm mộ LS thì phải có số lượng, có một tỷ lệ kết quả nhất định được các gia đình thân nhân LS công nhận, có một số kết quả giám định ADN. Phải là người trung thực, trong sáng, không chạy theo thành tích làm ẩu, không vì danh vì lợi. Khi đi tìm mộ LS, các nhà ngoại cảm phải tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương, của ngành LĐTBXH.
  Riêng về lĩnh vực tìm mộ, Bộ môn CTL đã đề ra các tiêu chí để công nhận một kết quả như sau:
  a. Tìm mộ LS có thân nhân đi cùng: Phải đạt ít nhất một trong các tiêu chí
  - Thử AND.
  - Có di vật trong mộ xác định thông tin về LS.
  - Kiểm tra chéo: 2,3 nhà NC cho những thông tin trùng nhau, tin cậy được.
  - Đặc điểm hài cốt, đặc điểm ngôi mộ, tiểu chôn cất… được nhà NC mô tả trước và được gia đình công nhận trên thực tế.
  - Mộ ở vị trí được xác định trùng khớp với các thông tin do đồng đội của LS cung cấp.
  Bộ môn luôn động viên các gia đình tự thực hiện việc kiểm tra chéo, sau đó nhờ Bộ môn đánh giá tư vấn, và đi tìm các thông tin về LS qua đồng đội còn sống. Làm được các việc này chính là các gia đình đã kiểm tra được các thông tin do mỗi mỗi nhà ngoại cảm cung cấp, góp phần chủ động tìm ra hài cốt người thân của mình
  Dẫn chứng một số vụ việc:
  - TS Đinh Khắc Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy Việt Nam, ĐT 0907 363 888, đi tìm mộ LS là cha đẻ.
  Năm 2004, ông tới Ông Hằng ở Vũ Thư-Thái Bình. Sau đó ông lại tìm đến một người khác ở Quảng Trị. Ở cả hai nơi ông nhận được các thông tin trùng nhau, chưa yên tâm, năm 2008 ông Minh tới anh Vũ Thanh Bình ở Hải Hậu - Nam Định để nhờ “soi”. Tại đây anh Bình khẳng định: Gia đình đang đi tìm mộ cha, đã hỏi hai người, họ đều nói đúng cả, sao chưa đi?
  - Trong bài viết cám ơn với tựa đề “10 năm đi tìm LS”, bà Lê Thị Thanh Hằng công tác tại công ty CP Nasco (sân bay quốc tế Nội Bài), hiện ở P306, nhà C4, Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, bà Hằng đi tìm mộ LS Đặng Bá Hoành là ông ngoại (LS không có con trai), bà Hằng đã kể:
  Tháng 10-2000 bà Hằng đã đi nhờ một số nơi, không đạt được kết quả gì. Bà đến cô Phương- Thanh Hóa, vong LS về báo năm 2010 mới cho tìm.
  Tháng 10-2008 bà Hằng tới cậu Nguyện ở Phương Mai, Kim Liên, Hà Nội xin các thông tin về phần mộ LS
  Tháng 11-2009 bà Hằng tìm đến thầy Hồ Văn Hoàng ở Ba Tri - Bến Tre nhờ tìm
  Rồi ngày 31-1-2010, bà Hằng tới nhà cô Điền Thị Dung, nhà NC là cộng tác viên của Bộ môn. Tất cả các thông tin nhận được từ ba nơi đều trùng nhau. Sau khi đón được hài cốt ông ngoại về, bà đã viết “Ngẫm lại một điều kỳ lạ là ba nhà ngoại cảm ở ba nơi khác nhau, vào ba thời điểm khác nhau đều cho các thông tin trùng khớp nhau và điều qua cô Phương, LS ông ngoại đã nói năm 2010 mới tìm được là chính xác”
  Việc tìm các đồng đội còn sống của LS để xin thêm thông tin về phần mộ LS cũng được Bộ môn rất coi trọng: Trong khi thực hiện đề tài TK06, anh Phạm Văn Mẫn đã cùng các CCB lặn lội nhiều tỉnh để tìm được 13 đồng đội cũ của LS Phạm Văn Thành, trong đó có cả những người đã trực tiếp chôn cất các LS tại một khu vực gần trạm trung phẫu. Khi các nhà NC tìm được 8 LS ở dưới lòng suối, xếp thành hai hàng, với đầy đủ tên họ thì đồng đội LS Thành đã xác nhận kết quả là chính xác.
  Tại Quảng Trị, việc kết hợp giữa những thông tin do đồng đội cung cấp và chỉ dẫn của nhà NC, một số gia đình thân nhân LS đã tìm được hài cốt người thân của mình, kết quả đã được chứng minh qua giám định AND như: tìm LS Bùi Trọng Khoát quê Thái Bình, tìm LS Đỗ Khắc Hiệp quê Hưng Yên, LS Đinh Vinh Phúc quê Quảng Bình
  Dù được Bộ môn động viên, nhưng nhiều gia đình LS đã không đi làm giám định ADN mà công nhận kết quả do các nhà ngoại cảm tìm, họ nói đã đủ niềm tin, Ngoài ra, việc giám định ADN còn hạn chế vì những lý do khó khắc phục: Văn hóa tín ngưỡng dân gian luôn muốn giữ hài cốt nguyên vẹn, hài cốt không còn mẫu phẩm đủ tiêu chuẩn giám định, giá thành giám định ADN còn cao.
  b. Mộ còn thiếu thông tin tức là mộ trong các nghĩa trang LS mà ở bia còn ghi “LS chưa xác định tên.”: Yêu cầu kết quả phải đạt được một trong hai tiêu chí: Nhà ngoại cảm phải nói đúng tên họ LS, đặc biệt là tên đơn vị, tên một vài đồng đội còn sống có địa chỉ, hoặc nói đúng quê quán LS, tên một vài người thân còn sống của LS để có thể kiểm tra
3.3. Các phương pháp tìm mộ bằng tâm linh
  Việc thống kê các phương pháp dựa trên cơ sở việc làm của các nhà NC là cộng tác viên của bộ môn CTL. Chúng tôi khẳng định rằng việc tìm được mộ bằng tâm linh là có thật, nhưng chưa có nhà NC nào tìm chính xác trên 70%. Khả năng của mỗi nhà NC cũng lúc lên, lúc xuống. Tùy từng người, có những dung sai khác nhau, còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, dù đó là nhà NC nào, dù là phương pháp nào, việc tìm được một phần thân xác của LS còn đang nằm lạnh lẽo ở trong rừng, trên núi, bờ sông, lòng suối, trong các mương nước sình lầy hay ở nhưng ngôi mộ tuy đã quy tập trong các nghĩa trang nhưng còn là “LS chưa xác định tên” đưa về với gia đình, quê hương của LS cũng là điều rất đáng trân trọng. Bộ môn luôn nhắc nhở các nhà ngoại cảm là các cộng tác viên cần rất cẩn trọng trong việc tìm mộ thất lạc, phải coi đây là một trọng trách, một nghĩa cử tâm đức, thiêng liêng.
3.3.3.  Phương pháp nhìn qua ảnh, nói chuyện trực tiếp với LS
  Đây là phường pháp mà các chị Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Phúc Lộc, Thẩm Thúy Hoàn đã dùng. Các chị đã tham gia tìm mộ LS từ năm 1990 với những thành công ở Phủ Thông, núi Non Nước, Pheo,.. Sau đó vì hoàn cảnh gia đình chị Lộc nghỉ, chị Hoàn tiếp tục tham gia các công việc của bộ môn như tìm LS ở K’nak-đề tài TK 06 hay tìm các LS ở ngay trong sân trường Trưng Vương-Hà Nội, tìm được nhiều mộ LS, mộ gia tiên. Thời gian sau, chị Hoàn cũng đã nghỉ vì công việc gia đình.
  Sau đề tài TK 08, vì bận quá nhiều việc nên chị Hằng ít tham gia cùng Bộ môn, tuy vậy chị vẫn giành một phần thời gian hàng ngày cho việc tìm mộ thất lạc, các kết quả việc làm chị vẫn báo cáo với Bộ môn. Cách làm việc của chị Phan Thị Bích Hằng là: nhìn ảnh LS, xin được gặp để hỏi LS về phần mộ... Khi thực hiện đề tài TK 05, qua Bộ môn, Bích Hằng đã trả lại hồ sơ cho một gia đình, chị ghi rõ : LS “về” không giống người trong ảnh. Gia đình công nhận: vì LS không có ảnh, nên đã lấy ảnh người em họ còn sống thay vào. Theo Bích Hằng, việc nhìn ảnh để tránh các vong lang thang vào nhận, khi đó mọi thông tin sẽ bị sai lệch, trong trường hợp kể trên, có thể xin vong một người thân của LS (có ảnh) để qua đó mời LS về.
  Ngoài việc tham gia tìm mộ tập thể LS ở đề tài TK 06, Bích Hằng còn tìm mộ tập thể các LS như ở đảo Phú Quốc với số LS tìm được tới hàng ngàn, tìm ở sân bay Vĩnh Long, ở Triệu Phong-Quảng Trị, ở Thừa Thiên Huế, ở An Giang,…
  Việc tìm mộ của chị Hằng cũng được chứng minh một cách khoa học bằng nhiều bản giám định ADN. Vì di chuyển chỗ ở nhiều lần, hiện Bích Hằng chỉ còn lưu giữ hơn 20 bản giám định, với các trường hợp điển hình như: hai cán bộ Cách Mạng thời Tiền khởi nghĩa Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân; tìm mộ các LS Nguyễn Phong Sắc, LS Lê Xuân Trứ đều là Bí thư xứ ủy Trung kỳ ở hai giai đoạn khác nhau; tìm mộ LS anh hùng lực lượng vũ trang Đậu Văn Ngôn; tìm mộ nhà lãnh đạo nghĩa quân Lương Ngọc Quyến; tìm mộ anh hùng LS đội trưởng Đội du kích Hoàng Ngân Trần Thị Khang…  Cá biệt có mộ LS trên bia mang một tên khác, được Bích Hằng chỉ dẫn gia đình đã cất bốc, đi giám định gien thì đúng là LS mà gia đình đang tìm như LS Nguyễn Đức Tùng quê ở Vĩnh Khúc,Văn Giang, Hưng Yên;  LS Nguyễn Tiến Hiền quê ở Phúc Thọ,Hà Nội.
  Ngoài công việc tìm mộ thất lạc, Bích Hằng còn tham gia tìm người mất tích, người chết đuối, hay qua vong gia tiên, chị đã nối lại gia phả, tìm lại quê quán cho một số gia đình.

3.3.2.  Phương pháp bắt mạch Thái Tố của anh Dương Mạnh Hùng
  Với ba ngón tay, qua mạch Thái Tố của người đi tìm mộ, anh Hùng có được các thông tin về ngôi mộ cần tìm, ví dụ, theo lời chỉ dẫn của anh Hùng, ngôi mộ thất lạc hơn 40 năm trước trên đồi Thanh Tước được định vị, theo đó, gia đình đã đi tìm và ở ngay rãnh cỏ kề ngôi mộ được chỉ dẫn, 2 cây thánh giá bằng xi măng ghi rõ tên tuổi, ngày mất của người nằm dưới, đó chính là tên tuổi.. của người thân đang được gia đình đi tìm.          
3.3.3.  Phương pháp nhìn luân xa 6 của anh Nguyễn Khắc Bảy.
  Cách làm việc của anh Bảy là nhìn vào luân xa 6, phần trán giữa 2 đầu lông mày, từ đó, anh Bảy đọc các thông tin về ngôi mộ bị thất lạc. Theo anh Bảy, để đọc được, người ngồi trước mặt anh phải “hợp” với người đã mất.
  Sau hơn 10 năm tìm mộ thất lạc, chủ yếu là mộ LS, ngoài những gia đình chỉ  báo đã làm giám định ADN, hiện anh Bảy còn lưu giữ hàng chục  giấy xét nghiệm ADN là những chứng minh khoa học cho công việc của anh.
  Xin trích dẫn việc anh Bảy tìm mộ LS Đặng Thị Kim, cháu ruột cố Tổng Bí thư Trường Chinh, hi sinh cách đây 60 năm, khi LS mới 19 tuổi. Với sự hướng dẫn chi tiết như: Ban đầu chôn ở gần sân bay Nha Trang, trước cửa nhà ông Tâm, sau đó, khi dân đào mương thoát nước, phát hiện ba hài cốt LS, đã quy tập vào nghĩa trang LS ở Nha Trang, một hài cốt không có sọ,nằm trong dãy 3 mộ đánh số 159, 160, 161. Khi gia đình đi tìm, các chỉ dẫn từ Hà Nội của anh Bảy được xác định chính xác hoàn toàn. Trước ba ngôi mộ, gia đình điện thoại về Hà Nội nhờ anh Bảy xác định cụ thể mộ nào, lần nữa cả gia đình ngạc nhiên khi anh Bảy nói: cháu Đặng Thị Nga đang đứng trước ngôi mộ 160, đó là mộ nhà mình. Để chắc chắn, gia đình vẫn đi giám định ADN, kết quả hoàn toàn chính xác. Sau đó, nữ LS Đặng Thị Kim đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
            Ngoài việc tìm mộ, anh Nguyễn Khắc Bảy còn rất thành công trong một số trường hợp tìm người mất tích, tìm thi thể người chết đuối, anh cũng giúp lực lượng công an phá một số vụ trọng án (có thư cảm ơn gửi về bộ môn).
3.3.4.  Phương pháp trực giác
  Theo các nhà NC, thực sự là do họ được “ăn lộc” của một đấng Bề Trên nào đó, hay trực tiếp của LS. Số nhà NC dùng phương pháp này khá nhiều như cô Năm Nghĩa, anh Nguyễn Đức Phụng, nhóm anh Nguyễn Văn Nhã, anh Phạm Huy Lập, bà Nguyễn Thị Thùy (thường gọi là ông Hằng), cô Đỗ Thanh Nhụy, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, cô Vũ Thị Thược, ông Ngô Văn Nam,…
  Theo anh Nguyễn Đức Phụng, người tham gia tìm mộ hơn 17 năm nay, thì sau khi anh đọc hay nghe qua điện thoại các thông tin về người mất mộ, anh nói ngay những thông tin về ngôi mộ đó, nói như “nhập đồng” . Theo anh Phụng, lúc đó, có tiếng nói bên tai anh, các hình ảnh về người đã mất và sơ đồ nơi chôn cất cùng tên các địa danh…lướt nhanh trước mặt anh, anh chỉ việc đọc và vẽ lại. Anh Phụng cũng nhận rằng việc tìm mộ bằng khả năng của anh có dung sai vì khi anh tiếp nhận thông tin có những tiếng động gây nhiễu, hoặc hình ảnh lướt qua quá nhanh, anh nắm bắt không kịp. Vì vậy, khi các gia đình đi tìm mộ, anh luôn giữ liên lạc với họ để “chỉnh” thông tin từ xa.
  Các mộ LS mà anh Phụng đã tìm được trên khắp lãnh thổ Việt Nam, các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan…Đã  có tới trên 40 kết quả  giám định ADN mà người đi tìm phản ánh về, trong đó anh còn lưu giữ  27 bản.
  Có một số trường hợp điển hình nói lên khả năng của anh Nguyễn Đức Phụng như
  Trong một  đại gia đình  có hai LS: LS Nguyễn Trọng Lụt và LS Nguyễn Trọng Hiến, Mộ 2 LS được anh Phụng chỉ ở hai nơi khác nhau (cùng là mộ chưa xác định tên), vào 2 thời điểm cách nhau 1 năm. Trước khi cất bốc, gia đình đều lấy mẫu đi giám định tại Viện khoa học hình sự TCCS( C21), hai kết quả trả lời vào các ngày 19-5-2010 và 5-1-2011 đều khẳng định: chính xác!
  Trong một số trường hợp khác, gia đình LS thấy đã đủ tin cậy, ví dụ tháng 12-2010 khi tìm được mộ LS Phạm Hạnh ở nghĩa trang Bến Cát, Tây Ninh, ngôi mộ chưa xác định tên, gia đình em ruột LS là bà Nguyễn Thị Châm số ĐT 0916 069 220 hiện ở Tp Thanh Hóa tìm thấy lẫn trong di cốt là bức ảnh chụp toàn gia đình trước khi LS Hạnh nhập ngũ, một bản của bức ảnh đó đang được bà Châm gìn giữ treo ở nhà.
  Khi tìm LS Nguyễn Đức Tiếp, theo sự chỉ dẫn của anh Phụng: LS chưa được quy tập, sơ đồ được vẽ ở một vị trí thuộc Hương Hóa-Quảng Trị. Khi cất bốc, cùng với di cốt LS, gia đình tìm thấy cây bút máy Trường Sơn với tên khắc Nguyễn Đức Tiếp trên thân bút.
            Ngoài ra, những thông tin về đặc điểm mộ, đặc điểm tiểu (nếu có), thêm vào đó những khẳng định xương cốt ví như hàm răng rụng năm cái, hai răng ở hàm dưới, ba răng hàm trên, xương sọ phía trước còn nguyên, phía sau vụn nát…khi đựợc kiểm chứng lúc cất bốc, thì có gia đình coi là đã đủ lòng tin,việc giám định ADN là không cần thiết.
  Bằng trực giác-hay chính là được Bề Trên “độ”-nhiều nhà ngoại cảm đã làm được một số việc mà khó có thể giải thích được như Ông Hằng , một phụ nữ mộc mạc, chất phác, hiếm khi đi xa khỏi xã Trung An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nhưng đã vẽ sơ đồ chỉ phần mộ của LS Nguyễn Văn Giáp ở NT Đường 9, kêt quả đã được chứng minh bằng giám định ADN.
  Anh Nguyễn Văn Nhã, người được ca ngợi là có tài điều khiển động vật để làm tín hiệu xác định mộ, nhưng  anh tự bộc bạch rằng anh không có cái tài đó, khi đưa thông tin cho người đi tìm mộ, anh cứ cho dấu hiệu xác định bởi các con vật như con ong bay quanh, con chó nằm ốm… sau đó anh xin Bề Trên gia hộ để tín hiệu đó xuất hiện mà thôi.
3.3.5. Phương pháp áp vong            
  Năm 2007 chị Hoàng Thị Thiêm là người đầu tiên dùng áp vong để đi tìm mộ thất lạc. Cách làm của chị Thiêm là mọi người thân của LS-thường 4,5 người ngồi Thiền, tĩnh lặng tập trung nghĩ về LS. Khoảng sau chục phút, (cũng có thể ít hơn, cũng có thể cả ngày không được). LS sẽ về “nhập” vào một trong những người đó. Số người tỉnh táo còn lại sẽ hỏi, ghi chép về những thông tin mà LS cung cấp, trong đó có những chỉ dẫn về việc đi tìm mộ. Thời gian sau, chị Hoàng Thị Thuy, em gái chị Thiêm cũng có khả năng này.
  Ngay trong ba năm đầu, chị Thiêm đã tìm được nhiều mộ LS, mộ gia tiên bị thất lạc, được nhân dân tín nhiệm, ca ngợi.
  Sang năm 2010 phương pháp áp vong tìm mộ đã lan rộng. Số các nhà NC tìm mộ bằng áp vong là cộng tác viên của Bộ môn CTL đã lên tới 6 người, ngoài 2 chị Thiêm và Thuy ra, có thêm chị Nguyễn Thị Thành, anh Lê Trung Tuấn ở Hà Nam, chị Điền Thị Dung, anh Nguyễn Hữu Mẫn ở Hà Nội. Tất cả các anh chị này ít nhiều đều có những minh chứng kết quả bằng giấy xác nhận giám định ADN
  Qua nghiên cứu, đánh giá, Bộ môn CTL thấy rằng đây là phương pháp cho kết quả nhanh: Cùng lúc, có thể vài gia đình hay hàng chục gia đình ngồi áp vong để tìm hàng chục ngôi mộ thất lạc, nhưng những hệ lụy có thể xảy ra cũng là điều rất đáng lo ngại.
   Hiện nay, có nhiều dư luận xã hội, nhiều bài báo phản ánh về những mặt trái của việc áp vong tìm mộ. Chúng tôi khẳng định một phần dư luận là có cơ sở! Theo Chủ nhiệm Bộ môn Nguyễn Chu Phác một số trường hợp vong nhập vào không phải vong LS cần tìm, có thể là vong lang thang, vong tà. Có lần sau khi một vong đang nhập được chúng tôi truy hỏi ngọn ngành đã thú nhận: đi qua đây, thấy hay, nhập vào cái chơi, mấy hôm nay được ăn uống phủ phê! Hay một LS, lúc hy sinh cấp bậc Thượng sĩ, nhưng “về”xưng là Thiếu tướng vì: Muốn ra oai với vợ con!
  Chính những vong này, sau khi nhập vào thân xác một người nào đó rồi không chịu ra, đã gây đau khổ, tốn kém cho gia đình phải đi chạy chữa ở bệnh viện tâm thần, hay tìm đến các thày giải, đến các đền chùa. Bởi vậy, nếu dùng áp vong mà không có khả năng phân biệt, nhất là nếu không có thể mời vong đi thì tuyệt đối không được làm!
  Cũng có chuyên gia về thần kinh cho rằng: đã chứng kiến, thấy hiện tượng vong LS về nhập là có thật. Nhưng từ cái thật ban đầu ấy, một số người đến tìm mộ ngồi chờ với trạng thái lo lắng, phấp phỏng, mong mỏi LS về “áp”, trong một không gian khói hương nghi ngút, khắp nơi, tiếng khóc, tiếng hát cười cộng với mệt mỏi vì chờ đợi, vì nóng bức ngột ngạt…nếu họ là những người thần kinh yếu, mẫn cảm với môi trường xung quanh sẽ bị sang chấn tâm lý mạnh, bị ảo giác bao vây, thụ động trong ảo giác. Trong y học gọi là hội chứng tâm lý Hysteria. Đây thực chất là một Stress, họ sẽ trả lời các câu hỏi, họ sẽ có một số hành động vô thức mà khi tỉnh lại, họ không nhớ gì hết. Những hội chứng này thường thấy ở các trung tâm tìm mộ bằng áp vong do một LS trong dòng họ phù trợ. Ở Nghệ An, có lúc số người bị điên loạn do đi áp vong tìm mộ lên đến hơn chục người khiến nhân dân lo lắng, hoang mang, dư luận xã hội phản ứng.
  Trực tiếp đi khảo sát một số trung tâm tìm mộ bằng áp vong mới hình thành ở Nghệ An từ đầu năm 2011, chúng tôi thật sự bất bình trước việc thương mại hóa, việc buôn thần bán thánh của một số người, thậm chí họ còn lấy cả hình ảnh Bác Hồ, Bác Nguyễn Lương Bằng, Bác Tôn Đức Thắng ra để bắt dân phải phục tùng. Các trung tâm này còn cạnh tranh, nói xấu nhau…làm xúc phạm nghĩa cử thiêng liêng của người dân đi tìm mộ LS, họ đã lợi dụng hình ảnh các lãnh tụ, các LS để mưu cầu lợi ích bất chính..
  Sau khi mời TTNCTNCN khảo sát và tư vấn, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mà trực tiếp là Sở LĐ-TBXH Nghệ An đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh có kết quả.
  Nhưng, với người áp vong có thực tâm, thực tài thì vong LS về thật và kết quả tìm mộ LS chính xác cao, nhanh chóng! Chúng tôi xin trích dẫn một vài ví dụ:
  - Nhân dân Thành phố Lào Cai đến bây giờ vẫn không quên chuyện cháu P- Đ-M, học sinh lớp 12 đã nhảy xuống sông Hồng để cứu bạn ngày 29-9-2010. Nước lớn, chảy xiết, cả hai cháu đều bị chết đuối.
M. là con trai duy nhất (còn một chị gái) của ông bà P- M- H một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Công an Tp Lào Cai. Gia đình ông H đã nhờ nhiều lực lượng cứu hộ tìm kiếm mà không thấy xác cháu.
Được một người mách bảo, ông H gọi điện nhờ hai chị em nhà NC Hoàng Thị Thiêm, Hoàng Thị Thuy, nhưng lúc này chị Thiêm đang ở Tp Hồ Chí Minh, chị Thuy đang ở Phú Thọ.
Tuy vậy, qua điện thoại hướng dẫn từ xa, chị Thiêm đã mời được vong cháu M nhập vào người chị họ, sau nhập vào một nữ đồng nghiệp của anh H, cháu nói cháu đang ở ngay chỗ bị chết đuối, ở độ sâu hơn 10m nhưng cát chôn vùi thân cháu theo chiều thẳng đứng, không nổi lên được. Gia đình anh H đã thuê hai tàu hút cát, cùng một đội thợ lặn chuyên nghiệp ở Quảng Ninh. Kết quả tìm thấy xác cháu M đúng đang trong tình trạng như vong cháu nói.
Cũng nhờ vong cháu M chỉ dẫn, xác bạn của cháu được tìm thấy thuộc địa phận Yên Bái, cách chỗ các cháu chết đuối 60km.
  - Bằng áp vong, chị Thiêm tìm thấy nơi LS TNXP Nguyễn Thị Sặng nằm ở gần hang 8 TNXP, trong vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (mặc dù trước đó đã có mộ chị Sặng ở NTLS tỉnh Quảng Bình) với di vật là chiếc cặp ba lá (hiện lưu giữ ở nơi trưng bày hiện vật, trước cửa hang 8 TNXP hy sinh trên đường 20 Quyết Thắng). Từ  yêu cầu giám định Gene của Cục Người có công Bộ LĐ - TBXH, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học Việt Nam,  đã làm các xét nghiệm, ngày 2/11/2011 Viện trưởng Trương Nam Hải đã ký giấy xác nhận: Viện Công Nghệ Sinh học xác nhận mẫu hài cốt đã phân tích có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với mẫu ADNcủa mẹ Liệt Sĩ Nguyễn Thị Sặng”
  - Gia đình ông Nguyễn Xuân Thái ở Thanh Trì-Hà Nội (ĐT 0973 329 371) Năm 1945, cha mẹ ông di cư sang Lào, rồi sang Thái Lan. Sinh trưởng ở Thái Lan, bố mẹ qua đời, anh em ông Thái không biết quê gốc mình ở đâu.Gia đình ông đến nhà cô Thiêm xin áp vong để làm 2 việc:
Tìm mộ LS Nguyễn Xuân Hữu là anh ruột ông Thái.
Hỏi về quê quán.
Vong LS Hữu nhập vào cháu gái nói tên quê hương bản quán và chỉ con đường đi tìm mộ LS.
Theo lời LS Hữu, gia đình về đến làng Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Tới nơi, người đầu tiên ông Thái gặp để hỏi thăm chính là anh họ của ông trong dòng họ Nguyễn Xuân. Trên bia mộ ông bà nội của ông Thái, phần ghi tên con cháu có tên của bố ông Thái!
Với việc tìm mộ LS Hữu, để kiểm chứng các thông tin từ việc áp vong, gia đình ông Thái đã đến nhiều nơi như Cục Chính sách người có công, Phòng Chính sách Cục Quân lực, Tổng cục Chính trị…Kết quả được chỉ ra tọa độ khu vực LS Hữu hy sinh đúng như khi áp vong LS về nói. Đó là xã Ia Đờ Răng, huyện Chư Prông, nước bạn Campuchia. Khi cất bốc vẫn còn khá nhiều xương và một đoạn quai ba lô bộ đội. Từ đó,gia đình ông Thái đã đủ cơ sở để thấy rằng không cần làm giám định ADN
- Ngày 26-9-2011 trong bản tin chiều của đài truyền hình VTV1 có phát một đoạn phim về việc nhà NC Hoàng Thị Thiêm,ở đây, chị được gọi là một “chuyên gia tìm mộ” của TTNCTNCN thuộc Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam, chị Thiêm đã tìm ra ba phần mộ của các LS Hoàng Sỹ Nông, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Văn Vở ở Hòn Cát Động, huyện Tuy Phong, thị trấn Hương Liên, tỉnh Bình Thuận.
- Bằng áp vong nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm đã tìm được mộ Cụ Tổ của dòng họ Nguyễn Hữu ở Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An. Trong thư cám ơn, Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý của Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi nghĩ chúng ta là những người cộng sản, phải công nhận thực tế khách quan ấy (tức là tồn tại mối quan hệ Âm- Dương), phải công nhận sự thật ấy để tổ chức động viên các nhà khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học về con người đi sâu nghiêm túc nghiên cứu, mà không bài bác phủ nhận ngăn cản….đừng vì chưa lý giải được mà cho đó là hiện tượng duy tâm…chúng ta phải coi trọng việc bảo vệ khả năng của những nhà ngoại cảm..”
- Trung tướng Trần Hanh, nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Anh hùng không quân, Ủy viên Trung ương Đảng (1976-1983), nguyên Đại biểu Quốc hội, sau khi nhờ chị Thiêm tìm được mộ ông nội đã viết:“Mặc dù gia đình tôi có đầy đủ điều kiện và nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Viện Pháp y Quân đội để xét nghiệm ADN, nhưng gia đình tôi tin tưởng hoàn toàn phần hài cốt đã tìm thấy đúng là của cụ Đồ tôi, nên gia đình quyết định không cần thử ADN” – trích thư cám ơn của gia đình Trung tướng gửi ngày 1/3/1912.
- Bằng áp vong, nhà NC Lê Trung Tuấn đã tìm ra mộ của ba anh em ruột họ Đào bị Pháp giết hại ngày 12-7-1947 ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Hài cốt ba ông được chôn chung một hố, bị đất phù sa vùi lấp sâu 5m. Nhiều nhân chứng đã xác nhận sự việc ba LS cùng bị bắn cũng như địa điểm chôn cất. Ông Vi-nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Khoái Châu là một nhân chứng trong đó.
- Ngày 24-5-2011 tại khe Trại, thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, chân cao điểm 99 thuộc thị xã Quảng Trị, anh Tuấn đã cùng thân nhân LS phát hiện và quy tập 7 hài cốt LS. Biên bản phát hiện và quy tập đã được ông Phạm Cường chủ tịch UBND xã Hải Lệ, Thượng tá Hoàng Ngọc Ánh chính trị viên ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị, bà Lê Thị Nga phó phòng LĐ-TB&XH thị xã Quảng Trị cùng một số nhân chứng xác nhận và bàn giao 7 hài cốt LS đó cho UBND xã Hải Lệ.
3.4. Một số kết quả khác:
Trải qua quá trình 17 năm, Bộ môn CTL đã tổ chức 2 cuộc Hội thảo khoa học nhằm bước đầu lý giải các hình thái biểu hiện của vong,lần thứ nhất tổ chức ở Tp Hồ Chí Minh (20/9/2009), lần thứ hai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (7/5/2010), trong các bản tham luận, các tư liệu, các phân tích ‘thử lý giải” hầu hết đều dựa trên những kết quả tìm mộ bằng tâm linh đã được mọi người công nhận .
Trong điều kiện cho phép, Bộ môn CTL đã ghi lại những thành công, những dấu ấn trong quá trình nghiên cứu và sử dụng khả năng ngoại cảm trong lĩnh vực tìm mộ thất lạc, đây là tài sản tinh thần vô giá, những kỷ niệm không bao giờ quên , những tư liệu có ích để các nhà nghiên cứu hôm nay và mai sau có thể khai thác, đó là các ấn phẩm:
 “Hành trình thiêng liêng tìm hài cốt Liệt sĩ “- Sự mách bảo tâm linh và những khả năng kỳ diệu của con người. NXB Văn hóa - Thông tin. 2007
               “Bước vào thế giới vô hình”- Giả thuyết lý giải các hình thái biểu            hiện của vong. NXB Văn hóa – Thông tin. 2011.
       “Sự thật tưởng như huyền thoại”- hai mươi năm đi tìm hài cốt Liệt sĩ (qua các câu chuyện của gia đình Liệt sĩ).   NXB Hội Nhà Văn. 2012.

IV. Kết Luận và những bài học rút ra
Trải qua 17 năm hoạt động, Bộ môn CTL thuộc TTNCTNCN, nay thuộc Viện NC&ƯDTNCN đã có những bước đi vững chắc, đã hình thành một bộ phận cán bộ phụ trách, nghiên cứu, đã mời được nhiều nhà khoa học cùng phối hợpkhảo sát, nghiên cứu các hiện tượng đặc biệt.Bước đầu lý giải các mối quan hệ Âm-Dương.
  Đã thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học về tìm mộ LS bằng tâm linh, qua đó, rút ra:
4.1. Kết luận
4.1.1 Việc tìm mộ LS bằng tâm linh đã được thử thách, kiểm nghiệm liên tục hơn 20 năm qua, trong đó có 17 năm nằm trong tổ chức Bộ môn CTL thuộc TTNCTNCN và nay thuộc Viện NC&ƯDTNCN người. Đó là những năm tháng mà các nhà ngoại cảm cùng cán bộ nghiên cứu, quản lý được hoạt động trong bầu không khí khoa học, trí tuệ. Bộ môn CTL đã tiến hành 5 đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này, một vấn đề nhạy cảm, chưa có trong tiền lệ ở nước ta, các đề tài đều có tổng kết, có báo cáo trước Hội đồng Khoa học. Đâu có dễ gì nói dối trên giấy trắng mực đen, năm này qua năm khác, trước những nhà khoa học chân chính để luôn giành được đánh giá cao?
4.1.2. Đã có thể  khẳng định: “ Sự tồn tại của vong linh là có thật. Việc giao lưu 2 cõi Âm, Dương là có thật. Việc tìm được mộ liệt sĩ bằng tâm linh là có thật”, Để đi tới thành công, phải có sự đồng thuận, giúp đỡ của vong linh các LS, của gia tiên. Như dân gian thường nói: Phúc chủ, lộc thày.
4.1.3 Cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu những người có khả năng tìm mộ bằng tâm linh đều rất nhiệt tình, vượt mọi khó khăn gian khổ, dùng một phần trong số lương hưu khiêm tốn hàng tháng để chi dùng cho công việc. Bộ môn đã xây dựng được các tiêu chí để đánh giá kết quả xác định mộ, đã tổ chức nhiều chuyến đi thực địa vào rừng, ra biển, thậm chí sang nước bạn Lào, Cam Pu Chia để kiểm tra, để mắt thấy tai nghe việc làm của các nhà ngoại cảm tìm mộ LS. Đã ngồi trao đổi không biết bao nhiêu buổi để cùng suy ngãm, phân tích, đánh giá…cũng như lên các phương án, kế hoạch đi tiếp trong công việc nghiên cứu và ứng dụng những khả năng đặc biệt. Thiếu đội ngũ cán bộ này thì khó có thể đi đến  những kết quả đáng tự hào như đã thấy. Nhưng tới hôm nay,các cán bộ chủ chốt tuổi đều trên 60,70, cá biệt trên 80, tuổi cao, sức khỏe giảm, việc hàng ngày đọc tài liệu tham khảo, tham gia các chuyến đi thực địa, rồi phân tích, thống kê… đang trở thành quá sức!       
4.1.4. Về các nhà ngoại cảm, trải qua 20 năm khảo nghiệm, chúng ta ghi nhận và không bao giờ quên công lao to lớn của họ. Song chúng ta cũng thông cảm, thấu hiểu những áp lực mà họ phải gánh chịu.
  Đó là áp lực của vong linh LS, của thần linh, thổ địa, của thân nhân liệt sỹ, của cả danh và lợi, của dư luận xã hội.
  Đó là những khó khăn gian khổ tới những vùng đất hiểm độc, rừng núi xa xôi nhất mà bộ đội đã trải qua, có nơi còn đầy bom mìn.
  Đó là áp lực của những công việc thường ngày, với những lo toan cho một mái ấm gia đình, với nghĩa vụ làm con, làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ…
4.1.5. Một câu hỏi rất lớn, cho tới nay vẫn chưa thể có lời giải đáp trọn vẹn, thỏa đáng: Việc tìm mộ bằng tâm linh là có thật, nhưng vì sao độ chính xác  chưa cao? Trắc nghệm trong một khoảng thời gian, kết quả cao nhất cũng trên dưới 70%, khả năng của mỗi người lại biến đổi tăng giảm hoặc mất hẳn theo dòng chảy của thời gian? Chúng tôi ghi nhận một số trường hợp như: Khi người con trưởng có mặt ở hiện trường tìm kiếm, mộ mới được tìm thấy. Tìm xong mộ người vợ Cả mới tìm được mộ người vợ thứ hai. Có lần trên đường đi tìm mộ, nhà NC bỗng nói với một người phụ nữ trong gia đình: Xin chị về nhà cho, có chị, ông không cho tìm đâu! Chúng tôi hỏi gia đình thì được biết đó là người con dâu, trước đây có nhiều đối sử không tốt với Cụ, sau đó việc tìm mộ được dễ dàng, với nhiều di vật còn lẫn trong hài cốt được gia đình khẳng định Ở nơi có nhiều LS là đồng đội của nhau thì phải tôn trọng “ Tính tập thể, cũng như tình cảm gắn bó” của những người cùng ngã xuống, cùng nằm lại với nhau một thời gian dài. Chúng tôi thường nhắc các nhà NC: Phải biết dừng lại khi không thể!
  Ngay một số người gắn bó với Bộ môn CTL như  Đại tá Vũ Tự Cường, nguyên giảng viên ĐH Kỹ thuật Quân sự, anh là con trai út của LS Vũ Tự Liêu, hy sinh thời Kháng chiến chống Pháp, rất nhiều nhà NC đã vào cuộc trong hơn 15 năm qua mà không tìm được mộ LS. Tương tự Đại tá Phan Sỹ Lan, đạo diễn điện ảnh Quân đội cũng đã nhờ rất nhiều nhà NC, nhưng gần 20 năm qua, anh vẫn chưa tìm được mộ bố,mặc dù anh biết khu vực chôn cất gần 60 năm trước.
4. 2. Những bài học
4.2.1. Để phân biệt trắng với đen, ngay với tà, mà mục đích cuối cùng là phục vụ cộng đồng, chúng ta thấy cần và đã góp phần vạch trần những “ nhà ngoại cảm” giả danh, hoặc có ít nhận là nhiều, hoặc hoang tưởng. Với các nhà ngoại cảm đã là cộng tác viên cần phải bảo vệ họ, quan trọng nhất là để họ thấy được: trong công việc tâm đức thiêng liêng này, sự lừa dối, không trung thực, dù phạm một hay nhiều lần đều là tội ác. Phải sống trung thực, không dối âm lừa dương, không tranh công đổ tội, phải đứng vững trước bả danh lợi. Thực tế chứng tỏ qua 17 năm, hầu hết số anh chị em NC vẫn có giá trị phục vụ bền vững, nhưng số người thoái hóa cũng không nhỏ, sự sa sút của nhân cách, đạo đức, phẩm chất đương nhiên kéo theo sự sa sút về khả năng phục vụ. Bởi vậy, công việc sàng lọc giữ lại những nhân tố tích cực, loại bỏ các nhân tố tiêu cực cần làm thường xuyên, đây cũng là quy luật, là quá trình tất yếu của sự phát triển.
Ngày 14/7/2013, Trung tâm tư vấn, Trắc nghiệm và Bồi dưỡng của Viện đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung là: Trao đổi về những thành công và chưa thành công trong việc tìm mộ LS, thử phân tích tìm hiểu nguyên nhân, qua đó, tìm biện pháp hạn chế những sai sót trong công việc tìm mộ LS bằng Tâm linh. Các kết luận được rút ra là: 
-        Qua thời gian quá dài, với sự hủy hoại của môi trường ..nhiều hài cốt LS đã tan vào lòng đất.
-        Một số LS không muốn gia đình tốn kém, vất vả, một số LS muốn nằm lại với đồng đội.
-        Gia đình đi tìm hài cốt LS chưa nhất tâm, hoặc vướng các thủ tục tâm linh.
-        Một vài nhà NC, trong một số vụ việc cụ thể đã thiếu thận trọng, chủ quan khi tiếp nhận và sử lý thông tin thu nhận được bằng Tâm linh. Để có kết quả tốt, với điều kiện có thể, cần kiểm tra các thông tin qua đồng đội, gia đình, các giữ liệu lưu trữ trong đơn vị của LS trước lúc hy sinh.
-        Nhà ngoại cảm làm việc Tâm linh thì trước hết phải “tu”, phải biết giữ Tâm trong sáng, làm việc không vì danh lợi.
-        Với việc áp vong tìm mộ phát triển tràn lan như hiện nay rất cần có sự kiểm soát.
-        Không chạy theo số lượng, không phải cứ hễ ai mất mộ người thân, nhờ nhà ngoại cảm là tìm thấy mộ!
4.2.2. Mấy năm gần đây, số các nhà ngoại cảm tìm đến Bộ môn CTL tăng mạnh, trong lúc lực lượng quản lý mỏng, sức khỏe giảm sút nhiều nên có phần lỏng lẻo trong việc bám sát các tiêu chí xác định mộ, buông lỏng việc trắc nghiệm đánh giá, ít có các chuyến đi thực địa để khảo sát, kiểm tra, nghiên cứu những biểu hiện thiên hình vạn trạng khả năng của các nhà NC, vì vậy khó có thể tập hợp các thông tin một cách khách quan làm cơ sở cho sự phân tích, chọn lọc, tìm ra một đáp số chung cho việc nghiên cứu. Đã một thời các con số đi tìm mộtìm thấy mộ không rạch ròi, công bố những con số chưa đủ sức thuyết phục là một sai lầm! Từ đó gây nên những phản ứng của một số cơ quan chức năng, gây bất lợi cho công việc chung. Nhìn lại, chúng ta cần rút ra bài học: trong việc yêu cầu tăng cường, trẻ hóa cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, cần người thực sự làm việc, làm việc có tâm đức, có phương pháp. Bộ môn CTL cần có những cán bộ có năng lực thực sự, có khả năng cùng nhau hoạch định hướng đi của Bộ môn, vạch ra các chương trình cụ thể. Nhu cầu tìm mộ thất lạc của nhân dân, của các gia đình LS còn nhiều, ngoài ra, với tên gọi của mình, Bộ môn CTL còn rất nhiều việc có thể làm.
4.2.3. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc kiểm tra chéo cần làm một cách cẩn trọng để đạt được kết quả một cách khách quan. Nhiều trường hợp, những thông tin trùng khớp nhau một cách kỳ lạ, nhưng trong số ấy chỉ có một phần kết quả được kiểm chứng là chính xác! Ngược lại, cá biệt như gia đình TS Toán học Trần Văn Thành đi tìm mộ 3 cụ, tiểu xếp liền nhau, chị Bích Hằng nói chỉ nhìn thấy 1, anh Bảy nói chỉ thấy 2, hai thông tin chủ yếu không trùng nhau, cũng không trùng với thông tin đầu vào, nhưng kết quả cả hai đều đúng như đã trình bày ở trên. Bộ môn đánh giá cao tính trung thực của chị Hằng, anh Bảy qua sự việc này.
4.2.4. Thời gian qua, số người hoang tưởng về “Tài lạ” của mình, số “ Nhà ngoại cảm tự phong” phát triển khắp nơi, đã có người gọi là thời lạm phát nhà ngoại cảm! Cũng có thể, có một số người có khả năng thực sự mà chúng ta chưa phát hiện, nhưng trong số những nhà “ngoại cảm tự phong” đó, còn có mấy người không giàu
hẳn lên sau một thời gian làm thày, làm cậu?
   Việc các cơ quan chức năng vạch ra những “nhà ngoại cảm giả danh” như “Cậu Thủy, cô Duyên” vừa qua là vô cùng cần thiết, cũng như việc làm rõ vụ làm mộ giả ở Quảng Trị, năm 1992: Sau công bố quyết định nâng cấp nghĩa trang LS xã Cam Thành trở thành nghĩa trang LS huyện Cam Lộ, chỉ trong vòng 4 ngày, từ 160 mộ, tăng vọt lên thành 3303 mộ. Sự định hướng, phát động không có kiểm tra đã tạo nên 2366 mộ giả, nhà nước đã phải chi 185.000đ/1mộ x 2366mộ,  tại thời điểm đó, đây là một con số không nhỏ! Từ những bức xúc của người dân, vụ việc được làm rõ, 81 đối tượng phải ra đứng trước tòa (không có ai là ngoại cảm) trong đó có cả Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện, Quản trang, Trưởng công an xã: 2 án tử hinh, 44 án tù từ chung thân đến có thời hạn được tuyên cuối buổi sử án. Việc phân định trắng đen đã giúp cho những người dân lương thiện phòng tránh được sự lừa đảo, giữ gìn tình cảm thiêng liêng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, và cũng bảo vệ uy tín, tạo điều kiện được đóng góp với xã hội cho những người có khả năng thực sự.   
4.2.5. Bộ môn CTL tâm niệm không được phép gian dối trong khoa học, sự lừa dối không những mang tội với nhân dân mà còn ảnh hưởng tới tâm linh thiêng liêng, không thể thoát được luật nhân quả, tuy nhiên vì nhiều hạn chế đặc biệt là việc quản lý con người các nhà ngoại cảm không thể làm được. Là cộng tác viên, làm việc trong các chương trình và thời gian của các đề tài, nhưng các nhà ngoại cảm hoàn toàn có tự do cá nhân, ngay khi tham gia một chương trình nào đó, họ cũng chỉ chịu quản lý về chuyên môn. Phần lớn thời gian họ ở quê, tất nhiên việc quản lý con người do chính quyền sở tại, nhưng việc đánh giá kết quả đúng, hay sai, đánh giá tư cách đạo đức…trong những thời gian này thì chính quyền sở tại cũng bó tay. Vì vậy, nếu nhà ngoại cảm không biết “tu thân” thì những điều không mong muốn chắc chắn xảy ra. Do đó, công việc cần làm ngay là phải xây dựng quy chế quản lý các nhà ngoại cảm, Ở mức độ Viện, Bộ môn, quy chế đó chỉ trong phạm vi chuyên môn, và nhắc nhở về đạo đức tư cách, trong những  khoảng thời gian ngắn. Còn ở mức độ con người, cần làm rõ vị trí quản lý của các cơ quan chức năng địa phương, vị trí quản lý của nhà nước với những nhà ngoại cảm. Bộ môn CTL luôn nhắc nhở các nhà ngoại cảm phải tuân thủ pháp luật, việc tìm mộ LS phải theo các pháp quy của các cơ quan chức năng như phải báo cáo chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương, phải có biên bản cất bốc, biên bản bàn giao LS với xác nhận của các cơ quan chức năng đó…Việc chấp hành đầy đủ các pháp quy này là cách tự bảo vệ thành quả lao động của chính mình một cách hữu hiệu.
4.2.6. Việc đưa tin và đánh giá việc tìm mộ bằng tâm linh của một số phương tiện truyền thông vài năm qua, lúc nhiều, lúc ít đã thể hiện sự thiếu cẩn trọng, vô trách nhiệm của một số cá nhân hay một số đầu báo cơ hội, lợi dụng “chống mê tín dị đoan”, “ Chống lừa đảo’. Họ đưa ra những sự kiện bịa đặt vô căn cứ, xuyên tạc sự thật, tạo sóng giật gân với mục đích riêng nào đó.
  Trong quá trình 20 năm nghiên cứu, chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của cấp trên, chúng tôi thực sự cầu thị, không tự huyễn hoặc với những thành công, cũng như không chối bỏ trách nhiệm trước những thiếu sót sai lầm, chúng tôi cũng không  tuyên truyền quảng cáo cho một ai, nhưng sự thật cần được tôn trọng như vốn dĩ nó đáng và cần được tôn trọng từ lúc sinh ra, những việc làm của một số cá nhân lợi dụng các phương tiện truyền thông không chỉ gây hoang mang cho người dân, gây ảnh hưởng xấu, hạn chế sự đóng góp cho xã hội của những người có khả năng thực sự, mà còn ảnh hưởng tới những việc làm chân chính, khoa  học…
  Suốt thời gian đầu, chúng tôi, cũng như các nhà NC không mấy chú ý về việc lưu trữ các bản giám định ADN, chỉ khi có những sự việc đáng tiếc như kể trên, tập hợp lại- chắc chắn không đầy đủ - chúng tôi hiện lưa giữ gần 70 bản kết luận giám định ADN của: Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện KH&CNVN;  Viện Khoa học Hình sự TCCS;  Viện Pháp y Quân đội (hiện Đại tá Nguyễn Văn Hòa là Viện trưởng);  Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền (do Bà Nguyễn Thị Nga làm Giám đốc);  Công ty Cổ phần dịch vụ GENTIS;  Công ty Cổ phần Sinh học BIONET VIETNAM… Thế nhưng, việc Viện trưởng Viện pháp y Quân đội, cũng như Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền phát biểu trên các phương tiện truyền thông phủ nhận hoàn toàn những kết quả này, buộc chúng tôi phải làm “cái việc lẩn thẩn” là đếm để thấy trong số gần 70 bản kết quả giám định ADN hiện lưu giữ, có tất cả 13 chữ ký xác nhận của chính Viện trưởng Viện pháp y Quân đội, thời gian trước là Đại tá Nguyễn Trọng Toàn, thời gian sau là chữ ký với đầy đủ con dấu của Đại tá Nguyễn Văn Hòa! Có 2 bản xác nhận giám định ADN do chính Giám đốc TT phân tích ADN và Công nghệ Di truyền Nguyễn Thị Nga ký, đóng dấu!
  Là một đơn vị làm công việc Nghiên cứu và Ứng dụng khả năng đặc biệt của con người, thuộc Viện NC&ƯDTNCN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, vì lòng say mê tìm hiểu khả năng tiềm ẩn của con người, vì, như Đại tá Hàn Thụy Vũ đã gọi đó là “Món nợ máu xương không bao giờ trả hết” với những người đã hy sinh cho nền Độc lập của Dân tộc, cho sự Thống nhất của Đất nước, chúng tôi mong đợi cơ quan chủ quản, trước mắt là Viện, rồi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam can thiệp trả lại lẽ công bằng cho những người có khả năng thật sự đã có nhiều đóng góp cho xã hội.
4.2.7. Hơn 20 năm qua là một chặng đường dài, và càng là dài hơn khi những người tình nguyện tham gia từ “cái thuở ban đầu” đều đã ở tuổi nghỉ hưu cách đây 20 năm, nhưng nghiêm túc đánh giá, việc nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người nói chung, việc tìm mộ bằng tâm linh nói riêng đều đang ở bước đi ban đầu. Để đi đến tận cùng sự lý giải bằng các phương tiện khoa hoạc kỹ thuật hiện đại về: cơ chế hình thành, cơ chế hoạt động, cách gìn giữ lâu dài …các khả năng đó chắc chắn còn phải trải qua một con đường dài, dài lắm! và, ở mức độ tổ chức một Bộ môn, một Viện… không thể giải quyết được. Cần có một sự liên kết các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều lãnh thổ khác nhau.

  Thiết nghĩ đây là một đề đạt đáng được quan tâm!     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét