Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

NHỮNG TRUYỀN NHÂN THẬP THỦ ĐẠO

Bài đã đăng ở Kỷ yếu Hội thảo Viện NC&WD TNCN

NHỮNG TRUYỀN NHÂN THẬP THỦ ĐẠO
Ngoc Hà
Người dân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ từng truyền tụng về Lương y Huỳnh Thị Lịch là “Thánh y” bấm huyệt chữa bệnh. Bà có nhiều truyền nhân, nhưng khối kiến thức độc đáo về bấm huyệt Thập thủ đạo tới nay vẫn chưa được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi. Thân thế, sự nghiệp của bà cũng trở nên bí ẩn bởi hầu như học trò chỉ nghiên cứu, ít thực hành và quảng bá nên “bí kíp” Thập thủ đạo đã gần như biến mất.

1. Huyền tích về một số phận
Gần đây, thân thế và sự nghiệp bí ẩn của Lương y huyền thoại Huỳnh Thị Lịch được đưa ra công luận với môn bấm huyệt độc đáo Thập thủ đạo. Bà Lịch là truyền nhân duy nhất của một vị đạo sĩ bí ẩn, được dân tôn xưng như thánh ở vùng biên giới Ấn Độ.
Theo Lương y Lê Minh (từng là cán bộ Bộ Công An), bà Huỳnh Thị Lịch tên thật là Trần Thị Kim Thanh, sinh năm 1916 ở làng Cải Mực (thuộc Tổng Bình, Ý Yên, Nam Định xưa). Lương y Huỳnh Thị Lịch nổi tiếng hơn 40 năm ở Sài Gòn, Nam Bộ từ năm 1960 tới 2007. Bà không còn người thân nên bí kíp Thập thủ đạo và cuộc đời bà đã dần bị lãng quên (dù bà có tới nửa triệu học trò và hàng ngàn bệnh nhân).
Thông tin về cuộc đời bà Lịch không nhiều: Bà mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lấy vợ lẽ. Quê quán của bà cũng chỉ được bà nhắc tới hồi còn sống là ở vùng Ý Yên (Nam Định).
Gặp mấy năm đói kém mất mùa, bà Lịch - khi ấy là cô bé Thanh mới 11 tuổi đã theo người làng cuốc bộ, bỏ xứ vào Nam kiếm miếng ăn. Họ ban ngày vừa đi vừa xin ăn, ban đêm ghé đình chùa, bờ bụi… ngủ. Gần 2 năm trời họ mới vào đến Bình Dương xin làm công nhân trong đồn điền cao su. Nhưng vì đói khổ đường dài lâu ngày, chẳng đồn điền cao su nào nhận cô bé đen nhẻm, còi cọc mới 13 tuổi vào làm cả. Bé Thanh vạ vật ra chợ xin ăn, may được võ sư họ Huỳnh ở Bình Định vào lập nghiệp ở Bình Dương thương xót đón về cho làm giúp việc trong lò võ.
Vị võ sư có một võ đường lớn, thấy cô bé giúp việc ngoan ngoãn, chăm chỉ, lại có năng khiếu học võ nên đã nhận làm con nuôi, cho học võ và đổi tên cho con nuôi thành Huỳnh Thị Lịch.
Lớn hơn cô Lịch được một bác sĩ Pháp nhận vào làm y tá phụ mổ tại Bệnh viện Hỏa Xa. Nhờ kiến thức võ thuật tốt nên đã cô Lịch làm ông bác sĩ kinh ngạc vì sự thông thạo các đường kinh lạc và hiểu rõ tác dụng của các huyệt đạo trên cơ thể người. Vì thế ông đã đưa cô Lịch về làm quản gia, kiêm gia sư cho các con mình.
Năm 18 tuổi cô Lịch kết hôm với anh Trần Văn Hải, người Củ Chi – là một chiến sĩ quân báo cách mạng. Năm 1948 cơ sở bại lộ, ông Hải đã hy sinh anh dũng, bà Lịch ôm 3 đứa con nhỏ xíu trốn về Đồng Tháp Mười, tiếp tục hoạt động cách mạng và bi kịch liên tục “tấn công” góa phụ bất hạnh này. Cô con gái 13 tuổi đã bị bọn Tây bắt cóc đem ra cánh đồng cưỡng hiếp rồi giết chết. Nỗi đau chưa nguôi thì giặc càn quét vào Đồng Tháp Mười. Bà đưa con theo du kích quân trốn ra bờ sông. Vì hai con trai bé bỏng khóc nên bà sợ nhiều người sẽ mất mạng khi giặc phát hiện, nên đành bóp mũi con cùng ngụp xuống sông. Khi giặc đi qua kéo lên thì hai con đã tắt thở…
2. Từ người giúp việc thành “thánh y”
Tang tóc liên tục và kinh hoàng đã đánh gục bà Lịch thành người mất trí, lang thang khắp Sài Gòn gọi tên các con. May mắn vị bác sĩ người Pháp tốt bụng gặp lại và nhận ra bà đã đưa về điều trị và một thời gian sau bà Lịch trở lại bình thường. Vị bác sĩ này đã đưa bà theo sang Pháp. Nhờ trí thông minh, đặc biệt là tài học nhanh nhớ lâu nên bà đã tìm đủ mọi cách học lỏm nghề từ ông chủ và bạn bè của ông.
Nhờ có vốn tiếng Pháp, lại chăm chỉ làm việc nên bà dễ dàng kiếm được việc làm và phiêu bạt tới tận biên giới Ấn Độ, giáp Pakistan. Ở đây bà Lịch gặp một vị đạo sĩ tu ở một ngôi chùa trong núi có kỳ tài bấm huyệt chữa bệnh, được dân coi như thánh nhân. Chứng kiến ông chữa cho người câm tự dưng bật ra tiếng nói, đang điếc bỗng nghe được, đang chống nạng thì bỏ nạng đứng lên đi… bà rất muốn theo học. Nhờ am hiểu kinh lạc nên bà nhanh chóng trở thành học trò của đạo sĩ, hàng ngày chuyên tâm học hỏi và thực hành bấm huyệt chữa bệnh cho mọi người. 
Được 12 năm học hỏi bên thầy thì vị đạo sĩ tận số, gọi bà lại truyền cho một cuốn sách bí truyền, và dặn: “Muốn cảm thụ được hết kiến thức về môn bấm huyệt kỳ tài này để giúp đời, con cần loại bỏ lòng tham, thù hận,  trị bệnh cứu nhân độ thế, không được lấy tiền của thiên hạ, thì mới thành công”. Sau khi vị đạo sĩ qua đời, một năm liền bà Lịch hàng ngày ngồi bên mộ thầy, tập trung vừa học, vừa trị bệnh và trở thành truyền nhân duy nhất của vị đạo sĩ bí ẩn.
Nhiều học trò của bà Lịch vẫn nhớ câu chuyện “học nghề” của bà hồi trẻ. Bà hay dùng chiếc gương nhỏ phản chiếu để học lén. Khi bị ông chủ phát hiện, bà lo lắng nhưng rất bình tĩnh trả lời những câu hỏi của ông chủ. Không dè ông chủ từ không vui, chuyển sang ngạc nhiên, rồi cảm thương ý chí và nghị lực của bà mà không phạt, còn truyền nghề cho bà.
Nhờ được gặp đạo sư thánh nhân, lại chí tâm thu thập kiến thức và bằng thực tế cứu người nên bà Lịch nhanh chóng kế thừa được tinh hoa của nhiều thế hệ và nhiều dân tộc, đúc rút thành cách chữa bấm huyệt độc đáo mà bà gọi là Thập thủ đạo (bấm huyệt dựa vào kinh mạch trên 10 ngón tay, chân – có nơi còn gọi là thập chỉ đạo).
Sau 12 năm phiêu bạt Lịch trở về nước làm nữ cứu thương trong chiến khu Đ, rồi y tá trong bệnh viện công giáo… Ở đâu cũng đem những ngón tay điêu luyện và lòng nhân ái cứu giúp người, đặc biệt là trẻ em mồ côi, người tàn tật, người nghèo khó… hoàn toàn với cái TÂM không vì lợi lộc riêng. Nhiều bệnh nhân cảm kích tặng tiền, hay vật chất đều làm từ thiện hết. Dù sống trong căn nhà tuềnh toàng, thiếu thốn đủ thứ, nhưng vẫn luôn dạy học trò rằng: Chỉ những người có TÂM trong sáng, cứu người không vụ lợi mới học được môn bấm huyệt Thập thủ đạo. Bà Lịch chữa trị rất hiệu quả các chứng bệnh thường gặp, nhất là 6 bệnh: Bại liệt, động kinh, bướu cổ, câm điếc, đau cột sống, hen suyễn.
Từ cô bé Thanh làm người giúp việc, nhờ tài và tâm đức Lịch dần trở thành dì Sáu Lịch, bà lang Hàng Xanh nổi tiếng, rồi được truyền tụng là “thánh y” rộng mở vòng tay cho bệnh nhân khắp nơi tìm đến:
Quan Âm Bồ Tát tảo tần
Nghiêng bàn tay xuống cõi trần thương đau...
3. Truyền nhân Thập thủ đạo
Cụ Lịch có hàng ngàn học trò là người Việt, người nước ngoài, nhưng ở phía Bắc hiện chỉ có Lương y Lê Minh và Tiến sĩ Y khoa Trần Thống Nhất nắm giữ được các bí truyền của Thập thủ đạo.
Năm 2007 cụ Lịch mất, phương pháp bấm huyệt chữa bệnh Thập thủ đạo chìm vào quên lãng. Các truyền nhân của cụ tứ tán, hầu như về “ở ẩn” chữa bệnh, nhưng họ vẫn trân trọng những thói quen, nguyên tắc và quy trình chữa bệnh rất nhân văn của cụ Lịch: Ai có tiền thì trả, không có thì cứ về, chứ không đòi hỏi bệnh nhân.
Năm 2011, nhận lời mời của Trung tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người (nay là Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người), Lương y Lê Minh và Tiến sĩ Y khoa Trần Thống Nhất đã giới thiệu bộ môn bấm huyệt Thập Thủ Đạo và phổ biến ra toàn thể cộng đồng. Ngay lập tức phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc Thập thủ đạo đơn giản, dễ học, dễ ứng dụng và hiệu quả đã thu hút rất nhiều người học.
Tiến sĩ Trần Thống Nhất giải thích, nhiều người cho Thập thủ đạo bấm huyệt chữa bệnh là thần bí, khó hiểu. Nhưng nên hiểu đơn giản là: Máu là gốc của sự sống. Bộ phận nào trên cơ thể ít được bơm máu, hoặc không được máu  nuôi dưỡng thì sẽ là  “điểm đen ” trong cơ thể sống và thành bệnh. Bí thuật của Thập thủ đạo là dùng phối hợp các khóa và cách bấm huyệt kích thích hệ tuần hoàn dẫn máu đến đúng những “điểm đen; phục hồi dần dần tuần hoàn của vùng đó để chữa bệnh” (lý giải vì sao có thể bấm huyệt cho người teo cơ, bại liệt khỏe lại, người bị điếc nghe được, bị câm nói được…). Tuy Thập thủ đạo kỳ diệu, nhưng theo cơ chế trên thì không phải bệnh nào bấm huyệt cũng khỏi, mà hiệu quả nhất là bệnh liên quan đến việc lưu chuyển máu kém.
Hai ông Lê Minh và Trần Thống Nhất đã kiên nhẫn “cầm tay, chỉ việc” dạy từng người tự khai thông các huyệt đạo, làm nóng ấm cơ thể… và tự chữa một số bệnh thông thường rất hiệu quả… Vì vậy Thập thủ đạo đã lan truyền mạnh thành phong trào từ mấy năm nay ở Hà Nội. Lương y Lê Minh đã 78 tuổi, ông rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Đôi tay ông săn chắc, các ngón cứng như thép. Cứ một tay ông khóa huyệt, tay kia bấm lần lượt các huyệt đạo dẻo thoăn thoắt trên cơ thể bệnh nhân. Chỉ ít phút là các triệu chứng đau cổ vai gáy, cột sống, viêm khớp, cảm cúm…thuyên giảm.  Nhiều trường hợp bệnh nặng mãn tính như mất ngủ, bại liệt, cứng khớp, viêm quanh khớp vai… cũng được giảm dần và khỏi hẳn. Lương y Lê Minh kể, có người bị đau cứng cổ vai gáy chữa trị rất nhiều nơi từ 20 năm nay không khỏi, nhưng tới ông chỉ khai thông 12 huyệt cơ bản, bấm một số huyệt… sau 3 lần chữa anh ta đã khỏi các triệu chứng, khiến vợ anh vất vả bao năm đưa chồng đi bệnh viện đã trào nước mắt vì cảm phục.
Ông Lê Minh có khá nhiều bệnh nhân ngoại quốc, đáng chú ý là bệnh nhân người Anh (lấy vợ Việt và đang làm việc ở Nam Định) mùa đông nào cũng “bắt” vợ đưa lên Hà Nội, leo lên căn gác phố cổ để được “đôi bàn tay kỳ diệu” của ông Lê Minh chữa trị. Anh ta còn thích thú giới thiệu các đồng hương đến chữa bệnh “kiểu Việt Nam”… Học trò của ông Lê Minh từ nước ngoài về thụ giáo rồi đem Thập thủ đạo ra nước ngoài mưu sinh. Đặc biệt ông Lê Minh đang truyền dạy Thập thủ đạo cho một số người mù học nghề để họ giúp đời và có thêm thu nhập.
4. Nét độc đáo của Thập thủ đạo
Theo Tiến sĩ Trần Thống Nhất, Thập thủ đạo có nhiều điểm rất độc đáo so với các phương pháp chữa bệnh khác. Nó không sử dụng các huyệt châm cứu thông thường. Ngay những kiến thức tây y thuần tuý cũng khó giải thích, nhưng đã điều trị chứng suyễn, cao huyết áp, mất ngủ... rất hiệu quả.
Đầu tiên Thập thủ đạo bắt buộc học trò khai thông huyệt đạo (tùy theo sức khỏe của bệnh nhân) để khởi động cho cơ thể chịu sự bấm huyệt, không gây phản xạ co cứng cơ. Nếu người bệnh tăng xông (huyết áp ) thấp thì phải bấm để đẩy lên, còn tăng xông cao thì lại bấm để đưa xuống. Có bấm huyệt đúng thì bệnh nhân mới không bị ngất.
Nét khác biệt nữa là người chữa một tay bấm thì tay kia luôn giữ khoá huyệt (như bấm nốt đàn), tay kia bấm huyệt (như gẩy dây đàn). Có khoảng 40 loại khóa trong đó 4 loại khoá chính là khoá hổ khẩu (cổ tay), khoá khô khốc (cổ chân), khoá cơ bản (ngón tay), khoá bí huyền (đầu gối). Khoá nhằm tăng cường hoặc hãm phanh các kích thích và cho phép tăng cường khí huyết đến vùng bệnh đúng theo ý của người chữa bệnh  và  vừa sức với bệnh nhân.
Đặc biệt Thập thủ đạo sử dụng các huyệt hồi sinh (bắt nguồn từ Ấn Độ) để trợ sức, có tác dụng cấp cứu. Nếu bệnh nhân yếu, có thể dùng thủ pháp Biến điện - dùng ngón cái bấm, hoặc day trên một số huyệt trong một thời gian nhất định với tâm niệm “tập trung truyền sinh lực vào người bệnh”. Biến điện chỉ được dùng khi người chữa thực sự khoẻ mạnh. Sau vài động tác bấm nhẹ nhàng mặt bệnh nhân đã túa mồ hôi, đỏ bừng như chạy thể dục.
Tuy các thủ pháp day - bấm rất “nhẹ nhàng”, nhưng cụ Lịch đã phải học mất 12 năm. Còn các truyền nhân thì rất dày công học vận khí lực để bấm trúng huyệt mà không đau mới chữa được bệnh.
Gần đây, Tiến sĩ Trần Thống Nhất đã sưu tầm và dựng nhiều clip dạy học trò hiểu rõ về cơ thể người, về cơ xương khớp và vận hành tuần hoàn… để giúp học viên vận dụng chữa bệnh tốt hơn, đồng thời cho mọi người thấy môn bấm huyệt Thập thủ đạo rất khoa học, chứ không dị đoan như suy nghĩ của một số người.
Theo Lương y Lê Minh, Thập thủ đạo sử dụng vọng, văn, vấn, thiết của Đông y để chẩn bệnh. Vọng là quan sát hình thái, sắc mặt…; Văn là nghe tiếng nói, tiếng ho,  tiếng thở… ; Ngửi là ngửi khí vị (ngửi hơi thở, mồ hôi…); Vấn là hỏi (để biết họ nóng, lạnh, vị trí đau…); Thiết là sờ nắn (bụng, lòng bàn chân, tay, vùng bị bệnh, bắt mạch…), nhằm đánh giá thể trạng rồi mới chẩn bệnh. Ai yếu, hoặc bệnh không quen chữa thì không nên nhận; Nếu mạch khoẻ, bấm không sợ bệnh nhân ngất xỉu thì mới nhận chữa. Vừa bấm huyệt, vừa theo dõi tác dụng của bấm có chuyển biến sắc mặt không, từ đó điều chỉnh cường độ và trường độ bấm huyệt. Lương y Lê Minh sử dụng nhiều về mạch. Ông giải thích rằng, trong Tây y đếm mạch nhanh - chậm, Đông y ngoài việc chẩn mạch rất phức tạp họ còn dựa vào tĩnh mạch ở ngón tay (chỉ văn) để chẩn bệnh. Thập thủ đạo dựa vào vị trí di lệch của ven để xem xét các hình dạng ứ đọng máu của các tĩnh mạch để suy ra vùng tổn thương. Lý luận dẫn máu của Thập thủ đạo cũng đặc biệt: Dồn máu xuống, đưa máu lên (thay máu ở vùng bệnh) và dùng thủ thuật bấm huyệt day, xoa, nắn cho khối cơ di chuyển, dẫn máu xuống chỗ trũng, giảm sưng cứng.
Nét độc đáo nữa ở chỗ bấm từ đầu ngón chân, ngón tay cho các cơ di chuyển, co giật nhằm để đẩy máu và hiệu quả rất tốt (chứ ít day bấm xoa bóp tại chỗ gây đau, khó làm).
Lương y Lê Minh ngậm ngùi: Bấm huyệt Thập thủ đạo hỗ trợ chữa bệnh rất hiệu quả. Hiện ông vẫn đang tìm truyền nhân để trao lại những kiến thức Thập thủ đạo học được từ cụ Lịch. Các truyền nhân của cụ Lịch giờ đã già hết, họ không còn bị ảnh hưởng bởi danh và lợi, mà chỉ cần tìm học trò có tâm đức, trí tuệ, và lòng kiên trì để kế thừa, kẻo Thập thủ đạo mà thất truyền thì… tiếc lắm. Nhưng tìm được truyền nhân đâu có dễ, bởi ngoài giàu tình yêu thương, tâm huyết, họ cần có giữ cái TÂM trong sạch, cần phải thương yêu bệnh nhân  và phải có cảm nhận nỗi đau của bệnh nhân là cái đau của chính bản thân mình.
Hành nghề hơn 40 năm (từ 1960 - 2007) cụ Lịch chữa bệnh cho rất nhiều người. Lượng bệnh nhân của bà không thống kê hết, nhưng năm 1983 đã có ngót 200 chiếc nạng và hàng chục chiếc xe lăn của bệnh nhân bỏ lại nhà bà sau khi được giải thoát bệnh tật.
Ngày 29/2/1992 cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã viết thư gửi Lương y Huỳnh Thị Lịch với những lời cảm kích (xin trích đăng):
Tôi phục cô ở chỗ có lòng tự hào dân tộc, nhân từ, đạo đức, lo cho nhân dân, lấy chân lý làm vinh, làm lương y với đôi tay thần luyện, với lòng thương bao la không biên giới.
Thương Cô ở chỗ: Chưa thoát hết trần tục, còn vấn vương chưa được tuyên dương công nhận, chưa thấy rằng nhân dân công nhận là tối cao, tột đỉnh. Nhà nước làm sao thấy hết được sự việc của nhân dân đã làm. Địa vị của nhà nước ban chẳng qua là phù vân của xã hội. Ban hay không ban, mình cứ việc làm tròn nhiệm vụ đối với nhân dân.
…Rồi phải tập hợp học trò cũ lại, viết lại kỹ thuật khám bệnh tài tình, học trò chưa hiểu rõ, lựa chọn người tiến bộ để đào tạo huấn luyện viên đặc biệt sẽ nối nghiệp Cô...

H D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét