Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Thông điệp cõi vô hình

THÔNG ĐIỆP CÕI VÔ HÌNH

Nhà nghiên cứu Tử vi Đồng Thị Bích Hường

Thế giới đang đứng trước tình cảnh lộn xộn, hỗn mang với những mưu cầu tưởng chừng bất tận. Nhân loại sẽ có Chiến tranh hay Hòa bình: Đó chẳng phải là do chủ ý của con người hay sao? Một mai sẽ có Chiến tranh hay Hòa bình, câu hỏi này không khó trả lời !
Cho dù là Đông Tây Kim Cổ, nền tảng Đạo đức vẫn được đặt lên hàng đầu. Lão Tử đã viết :
Có Đức mặc sức mà ăn ? Kẻ tiểu nhân không Đức thì sẽ hại đến người khác. Quân tử mà không Đức thì sẽ hại đến quốc gia. Người nắm quyền mà không có Đức thì sẽ hại đến thiên hạ. Tiên lập Đức, Hậu lập Ngôn là cái gốc của Nhất hô bách ứng. Nhất hô bách ứng đâu phải bằng mọi giá có được Thiên Hạ (đối với Thiên Tử). Không có Đức mà dùng miệng Hô e là không có chính danh. Danh vọng không chính đáng thì không thể thành tựu đại nghiệp.
Khái niệm Đức là sự tổng hợp nhận thức của con người về cả quy luật của tự nhiên và xã hội để lập Đức. Bởi vậy, có câu: "Trên có bậc lập Đức, dưới có bậc lập công"; hoặc "Tiên lập đức, hậu lập ngôn". Gọi là "Đạo đức" vì nhân quy luật tự nhiên ­bao hàm cả quy luật tâm sinh lý­ mà đưa những gía trị đạo đức trong giáo dục. Nếu không thuận theo tự nhiên thì không gọi là "Đạo đức".
Cái mà Quốc Vương  tranh  đó  là Thiên  Hạ. Cái mà Chư  Hầu  tranh đó  là Lãnh Tổ. Cái mà Đại Phu tranh đó là Quyền Lực. Cái mà Nhân Sỹ tranh đó là Địa Vị. Cái mà Bách Tính tranh đó là Ăn Mặc. Sự tranh giành của họ tuy có khác nhau nhưng tất cả đều là vì ham muốn tư lợi. Sự tranh giành của Quốc Vương, Chư Hầu, Đại Phu sẽ dẫn đến Thiên Hạ hỗn loạn. Sự tranh giành của Nhân Sỹ, Bách Tính làm cho Lòng Người (Tâm ý) hung ác”
Cứ  nói Quốc Vương, Chư hầu, Nhân sĩ nghe có vẻ cao sang quá, không phản ánh thực tế, như vậy sẽ khó suy ngẫm ra bản chất vấn đề trong thế giới hiện tại đang sôi sục hận thù. Bạn  cứ thử  quăng  khúc xương  xuống  dưới  gầm  bàn thì hai con chó cũng tranh nhau. Do đó, xin được bổ xung thêm vào ý người xưa: "Cái mà chó tranh nhau là khúc xương". Bởi vậy, trong xã hội loài người phải có chuẩn mực là thế.
“Thiên hạ và Đồng đảng không thể lẫn lộn. Những kẻ xấu xa vẫn có tiếng khen. Đó là đổng đảng khen, không phải thiên hạ khen”. Vậy làm thế nào để có Đức? chẳng thế Ước mà có được, chẳng thế Cầu mà xin được, muốn có Đức mỗi người phải tự Tu thôi.
Sống trong thế giới biến dịch, biết chấp nhận mọi trạng thái, mọi khía cạnh, và phải biết vươn mình lên trên những cặp mâu thuẫn tương đối để sống trong  Đạo. Mà Đạo được ví y như nước, vì nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, chính vì không tranh, nên không ai chê trách oán thán. Giao tiếp với người một mực nhân ái; nói năng thành tín; làm việc thể hiện có khả năng; hoạt động cư xử hợp thời, mềm dẻo thích nghi.
Dù là Thánh nhân hay người Phàm Trần cũng phải sống cuộc đời khiêm cung, từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại, sống thanh bình không phù phiếm xốc nổi,  có như thế mới gần Đạo gần Trời.
Với quan niệm Thịnh Suy Thành Bại chỉ là những trạng thái biến dịch của Hóa công  được luân phiên trong cuộc đời Phàm tục, chỉ có bậc đại trí mới hiểu thấu & chấp nhận mọi trạng thái, mọi khía cạnh trong một thế giới đầy biến động, tìm hiểu sự vật trong chuyển vần xuôi ngược mà ngộ ra rằng: không có gì là bất biến cả, mọi cái sẽ có đổi thay!
Người có Đạo luôn tiềm ẩn lòng kính sợ Trời, tôn trọng Người nên cư xử lúc nào cũng thận trọng, không câu nệ cố chấp, luôn nghiêm trang cung kính,  luôn ân cần bao dung.
Người có Đạo sống một đời đạo đức chân thực, lấy sự trau dồi bồi dưỡng Tâm linh làm trọng, lấy sự thuận theo Thiên Lý làm hay mà không câu nệ tới những khôn sáo giả tạo bên ngoài do xã hội vẽ vời ra.
Người không có Đạo là người lệ thuộc vào hình thức bên ngoài, làm việc gì cũng cầu danh tranh lợi, cố bám víu vào những điều tự cho là hay, là phải rồi gắng gượng chiều lòng với những mưu cầu vị kỷ không an nhiên. Cứ như thế nhân loại ngày càng sa đọa bởi sống theo trào lưu của xã hội, coi Đạo đức là thứ phù phiếm, lỗi thời.
Nhận xét này trong phút giây có làm ai thất vọng thì hãy chắc rằng sự thoái hóa, sự hướng ngoại của nhân loại thế nào cũng có lúc đạt tới một điểm và rồi sẽ lộn lại bước đầu một chặng đường từ Hào nhoáng đến Tinh hoa, từ Giác quan đến Tâm linh và từ Đời đến Đạo
Sự trở về với các giá trị tinh thần như một sự sinh lại của con người và chỉ khi nào nhân loại đạt tới Đạo, đạt tới cực điểm tinh hoa thì lúc đó loài người mới được giải thoát khỏi sự đe dọa của Chiến tranh, Thiên tai, Dịch bệnh hay đói nghèo.
Trong khi vạn sự, vạn loài trong vũ trụ phá tán và hủy hoại hình thể mình thì những người tu hành theo trường phái Huyền học cố thu thần định trí, hồi quang phản chiếu mong đưa tới cho nhân loại những hiểu biết về giá trị đích thực trong vũ trụ, khuyên nhủ chúng ta sống sao cho trang trọng, sống sao cho yên tĩnh, bất kỳ ở địa vị nào cũng lấy cương thường luân lý làm trọng bởi trong mỗi người đều bao gồm cả Tam Tài (Thiên - Địa - Nhân) & Tam Bảo (Tinh - Khí - Thần) vì thế mà mỗi người chúng ta đều tôn quý vô ngần, cớ sao lại không biết tự trọng bản thân mình mà cứ tranh nhau hưởng mùi đời, ngụp lặn trong ba đào thế sự. Người có Đạo sống trong giàu sang mà không để cho giàu sang làm thay lòng đổi dạ, sống trong nghèo khó mà không để cho cái khó, cái nghèo làm lụy đến tấm thân, tùy thời thuận lý, không vọng động mưu cầu càn rỡ, ôm đồm nhiều chuyện phù du là bỏ mất Đại Đạo.
Trang Tử dạy rằng: “Đạo bất khả tư nghị, nên nói hay viết gì về Đạo cũng đều bất xứng. Hỏi, thưa, bàn luận về Đạo, tất cả đều vô nghĩa mà hãy để đời sống hoạt động  của mỗi người là gương mẫu cho Vợ, cho Chồng, cho Con, cho Cháu … kể đó cũng là một thành công.
Trời thưởng phạt một cách tự nhiên bằng định luật nhân quả. Hoạt động hay hèn trên bình diện nào, thì kết quả sẽ báo ứng trên bình diện ấy.
Hoạt động hay, đúng sẽ đem lại thành công, sẽ làm cho mình sung sướng, sẽ không trái với lương tâm, sẽ được mọi người tán thưởng. Hoạt động dở sai, sẽ đem lại thất bại, sẽ làm cho mình khổ sở, sẽ bị lương tâm cắn rứt, sẽ bị mọi người chê trách.
Hoạt động hay trên bình diện xã hội, sẽ làm cho xã hội tiến bộ, đoàn kết, ấm no. Hoạt động dở trên bình diện xã hội sẽ làm cho xã hội thoái hóa, chia ly, khốn khổ.
Hoạt động hay trên bình diện cá nhân sẽ làm cho con người tiến bộ, phát triển, hạnh phúc. Hoạt động dở trên bình diện cá nhân sẽ làm cho con người thoái hóa, trụy lạc, sầu bi, thống khổ, v.v.

Muốn sao, sẽ định vậy! Làm sao, sẽ được vậy! Mong người người hãy lưu tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét