Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

VĂN HÓA TÂM LINH TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI


Bài trong Kỷ yếu Hôi nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về "Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng con người"

VĂN HÓA TÂM LINH TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Nguyễn Văn Cương[1]
Nếu như khái niệm văn hóa đã nhận được tới gần 400 cách giải thích khác nhau thì khái niệm Văn hóa tâm linh cũng đã nhận được rất nhiều cách định danh không nhất quán do nội hàm vấn đề và tính phức tạp của nó. Thậm chí, do tính lịch sử, tính thời đại chi phối, những vấn đề về tâm linh còn chịu nhiều thăng trầm hơn. Và, phải đến những năm cuối của thế kỷ XX, thuật ngữ tâm linh và văn hóa tâm linh mới được công khai thừa nhận ở Việt Nam như một sự tồn tại tất yếu. Nó trở thành một yếu tố cấu thành và làm hoàn thiện con người. Một con người với sự phát triển đầy đủ được nhìn nhận trên các phương diện: con người sinh học, con người xã hội, con người tâm lý và con người tâm linh. Một trong bốn phương diện ấy không ổn định, tất yếu sẽ dẫn đến sự bất ổn của con người. Mỗi sự bất ổn của con người đều hàm chứa khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Do vậy, một xã hội nhân văn là xã hội luôn tạo cơ hội và điều kiện để con người có thể được phát triển đầy đủ nhất trên cả bốn phương diện này.
Xét duy danh khái niệm thì Tâm linh được cấu thành bởi hai từ : Tâm và Linh mang nghĩa để chỉ những điều thiêng liêng, linh thiêng trong tâm thức của mỗi con người. Nó hàm chứa cả những điều mang tính hiện thực, được chứng minh trong hiện thực nhưng ảnh xạ của nó trong tâm thức mỗi người lại không còn hoàn toàn nguyên nghĩa như nó vốn có. Tuy nhiên, phần lớn nội hàm khái niệm của nó lại hàm chứa những điều mà con người còn chưa biết hết, chưa giải thích, cắt nghĩa đầy đủ được về nó. Vì thế, ở một góc độ nhất định, tâm linh là lĩnh vực khác với khoa học. Khoa học mang xu hướng giải thiêng, luôn tìm cách giải thích bản chất những hiện tượng thiêng để trả hiện tượng đó về với bản chất hiện thực của nó. Tâm linh lại thể hiện một hướng đi ngược lại, theo đó, các hiện tượng chưa biết và đã biết đều có xu hướng được thiêng hóa, linh hóa*. Mâu thuẫn giữa khả năng hữu hạn của con người với mong muốn vô hạn là giải thích được mọi hiện tượng xung quanh chính là cơ sở quan trọng để các hiện tượng tâm linh và nhu cầu cân bằng tâm linh hình thành trong xã hội truyền thống và sẽ tồn tại trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình, khoa học đã và đang mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các vấn đề tâm linh, giải thích các hiện tượng tâm linh. Khái niệm Khoa học Tâm linh đã bắt đầu tạo được những ảnh hưởng nhất định. Khoa học muốn giải thích cơ sở của các hiện tượng tâm linh và cũng đã có những giải thích được xã hội chấp nhận. Song, sự giải thích, cho dù mang cơ sở khoa học rất cao cũng không thể phủ nhận được những hiện tượng tâm linh và cũng không hoàn toàn hướng đến mục đích đó. Khoa học chỉ hỗ trợ và tường minh thêm các hiện tượng mà trước đó con người hoàn toàn không hiểu về nó và rất dễ có xu hướng hành động cực đoan khi tiếp nhận nó. Khoa học, trong mọi nỗ lực của mình chắc chắn không thể giải thích hết, khám phá hết và minh bạch hóa toàn bộ các hiện tượng trong niềm tin tâm linh của con người.
Trong khi đó, thực tế cuộc sống không thể phủ nhận được một sự lan tỏa của các hiện tượng vốn được xem là hiện tượng tâm linh sang những vấn đề của khoa học. Những lời tiên tri đã được chứng minh bằng thực tế mà khoa học chỉ có thể thừa nhận là cần phải nghiên cứu thêm; những khoảnh khắc xuất thần trong nghiên cứu hay phát minh sáng tạo mà chính những nhà phát minh ấy cũng không thể lý giải nổi. Nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ sáng tạo cũng xem sự xuất thần đến với mình như một biểu hiện của sự trợ giúp, của sự may mắn được tạo ra từ những lực lượng mà mình không giải thích nổi.
Ở một góc độ khác, tâm linh được nhìn nhận như một tổng thể các hiện tượng có khả năng gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Những gì có thể gắn kết  ba phạm trù này đều được xem là hiện tượng tâm linh. Những hiện tượng về thế giới người đã mất, về tổ tiên, về truyền thống, về thần linh,về cội nguồn thủy tổ của dân tộc, của dòng họ (thuộc quá khứ) ; những hiện tượng tiên tri, dự báo, chỉ dẫn, cầu mong, vận hạn (thuộc tương lai) ; những khả năng đặc biệt của con người, những tác động bí ẩn của thiên tai và thảm họa (trong thế giới thực tại)... đều được xem là hiện tượng tâm linh. Văn hóa tâm linh là sự biểu hiện bằng hành vi ứng xử trước những vấn đề đa dạng, phức tạp và có nội hàm rất rộng như vậy.
Hiểu về tâm linh theo nghĩa đó, rất dễ có thể thấy, tâm linh tuy ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống nhưng rõ nhất và gần gũi nhất chính là tới tôn giáo tín ngưỡng.
Cho dù có rất nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo - tín ngưỡng nhưng xét về bản chất, tôn giáo tín ngưỡng là một hình thức thể hiện niềm tin vào cõi thiêng liêng của con người, của một cộng đồng người nào đó ở trình độ phát triển xã hội cụ thể. Nó được hình thành trên cơ sở đại đa số người trong hoàn cảnh phức tạp, nan giải: hoặc lo sợ, hoặc hoài nghi, hoặc hưng phấn, thông qua cảm thụ sức mạnh của thần thánh mà dần dần ý thức được thần thánh phản ứng hay phản tác dụng... họ tin tưởng chắc chắn loại sức mạnh này có thể đổi mới cuộc sống của chính mình. Vì vậy, nó gần nghĩa nhất với các hiện tượng tâm linh. Vẫn trên quan điểm duy danh định nghĩa thì tâm linh (niềm tin vào những điều linh thiêng) và tín ngưỡng (tín = tin, ngưỡng = ngưỡng mộ, tin tưởng, sùng kính) vốn rất gần nhau. Yếu tố niềm tin này khi được quy phạm hóa, hệ thống hóa sẽ hình thành các tôn giáo. Do vậy, văn hóa tâm linh có sơ sở hình thành giống như cơ sở hình thành tôn giáo tín ngưỡng. Nó được thừa nhận và chứng minh là một hình thái ý thức xã hội, có cơ sở xã hội và lịch sử để hình thành, nó mang bản chất xã hội, giá trị thực tế và mang khả năng cân bằng nhu cầu tinh thần của con người.
Với bản chất đó, văn hóa tâm linh trong truyền thống đã thực sự mang những vai trò không thể phủ nhận bởi những giá trị tích cực của nó. Chưa nói đến những tôn giáo lớn có ảnh hưởng bao trùm trên toàn thế giới, chỉ những hiện tượng tín ngưỡng có ảnh hưởng trong phạm vi một khu vực cũng đã được chứng minh về ý nghĩa tốt đẹp của nó đối với sự phát triển của xã hội và nhân cách mỗi cá nhân. Một trong những hình thức tín ngưỡng của người Việt có ảnh hưởng mạnh trong đời sống tâm linh chính là việc thờ cúng tổ tiên.
   Thờ cúng tổ tiên là nghi thức tâm linh thể hiện quan niệm của con người về thế giới, theo đó, có một thế giới khác sau khi con người chấm dứt tồn tại thể xác. Thế giới đó có mối quan hệ gắn kết với thế giới hiện thực trong quan hệ hai chiều: con người ở thế giới hiện thực thể hiện tình cảm với người đã khuất và những người đã khuất có ảnh hưởng nhất định đến thế giới hiện tại. Một trong những ảnh hưởng có thể kiểm chứng ngay của những người đã khuất đến thế giới hiện tại là góp phần điều chỉnh, giáo dục con người thông qua hành vi thờ tự. Thờ cúng tổ tiên là nghi thức mang hiệu quả đặc biệt trong việc giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Lễ, chữ Tâm là những phẩm chất cần thiết nhất để con người có thể được xem là hoàn thiện trong nhân cách.
Gia đình truyền thống của người Việt được hình thành trên cơ sở phương thức sản xuất nông nghiệp. Trên nền cảnh của sự hạn chế về khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất này phụ thuộc rất nhiều vào yếu yếu tố thời tiết, khí hậu, môi trường.... những yếu tố mà con người không thể chủ động điều chỉnh theo ý muốn. Sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên đến sản xuất nông nghiệp lớn đến mức người ta tin tưởng rằng, dường như, việc đạt được năng suất cao trong một vụ sản xuất là một điều may mắn, nằm ngoài sự cố gắng của con người. Những may mắn ấy đến được nhờ hàng loạt những yếu tố hỗ trợ, trong đó có việc con người đã ứng xử với thần linh, tổ tiên như thế nào để có thể được nhận sự giúp đỡ. Với lối tư duy hết sức thực dụng của mình, người nông dân thờ cúng tổ tiên có cơ sở sâu xa từ những đòi hỏi của nền tảng kinh tế, với hy vọng thần linh, tổ tiên sẽ giúp con người gặp nhiều may mắn hơn.
Gia đình người Việt được vận hành theo chế độ phụ quyền, việc thờ cúng tổ tiên còn mang đậm yếu tố gắn kết cộng đồng huyết thống, đề cao vai trò và ảnh hưởng của người cha. Đây là cơ sở tâm linh và xã hội quan trọng của việc phụng thờ Vua Tổ của người Việt. Theo chiều cạnh ngược lại, việc phụng thờ Vua Tổ vừa mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân tộc, vừa củng cố vững chắc hơn tính kỷ cương trong gia đình phụ quyền. Mục đích chung của thờ cúng tổ tiên trong gia đình và Vua Tổ của một Đại gia đình đều là để thể hiện sự biết ơn công lao tổ tiên, cầu mong cho linh hồn tổ tiên được siêu thoát và mong được tổ tiên phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống.
Khi tạo được đường dây liên hệ linh thiêng  này, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một hình thức giáo dục mà thông qua đó, con người tự giác thực hiện theo những nội dung giáo dục mà gia đình muốn đạt tới.
Như vậy, xét trong một minh họa cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì cũng đã có thể thấy, các hiện tượng thuộc lĩnh vực văn hóa tâm linh đã có những cơ sở lịch sử, văn hóa, tâm lý, xã hội để hình thành. Những ảnh hưởng tích cực của nó đến cuộc sống của con người là không thể phủ nhận, nó được khẳng định như một trong những giá trị vĩnh hằng để nhận diện và đánh giá mức độ hoàn thiện của con người. Trong bối cảnh một nền tảng xã hội nông nghiệp, khi thông tin và trình độ nhận thức của con người còn hạn chế, các hiện tượng tâm linh chi phối mạnh đời sống của con người là một tất yếu.
Khoa học đã có nhiều giải thích về cuộc sống của con người sau khi chết. Nhận thức của con người về cái chết và thế giới ngoài con người cũng đã có nhiều cơ sở để được xem xét một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, sự giải thích của khoa học không hướng tới việc phủ nhận niềm tin của con người vào sự linh ứng trong sự trợ giúp của tổ tiên. Nhận thức của con người dù có được nâng cao, cái chết và thế giới bên kia dù đã được tường minh hơn thì việc thờ cúng tổ tiên vẫn mang giá trị đặc biệt.
Giải thích thực tiễn này, tác giả P. Poupard đã viết: « Một số người đã từng cho rằng, thời hiện đại tiến triển kèm theo sự lụi tàn của tình cảm tôn giáo. Không phải như vậy, thời hiện tại giải mê vỡ mộng, do khoảng cách gia tăng giữa vô hạn ham muốn của con người với hữu hạn tồn tại của chính nó, giữa vô tận khát thèm hạnh phúc với gánh nặng tai hoạ tất yếu, giữa ý chí tham sống với tin chắc sẽ chết, đang tự tìm kiếm những lý do, lý lẽ mới để hy vọng »[i]
Do vậy, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng vẫn mang ý nghĩa cân bằng nhu cầu tâm linh, một nhu cầu không hề giảm của con người trong xã hội hiện đại. Đối diện với quá nhiều gánh nặng và sự may rủi, con người hiện đại tìm thấy ở tôn giáo, tín ngưỡng một điểm tựa an toàn. Ở đó, con người cảm thấy yên tâm vì được che chở. Cũng không thể phủ nhận rằng, chính niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng sẽ góp phần điều tiết những bất ổn trong xã hội, bởi khi có đức tin, loại trừ sự cực đoan, hành vi của con người sẽ trở nên có mức độ hơn. Họ sợ một sự trừng phạt sẽ đến.
Tuy nhiên, chính những tác động mạnh mẽ của các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng nói riêng, các hiện tượng tâm linh nói chung đến đời sống mà chúng ta đang phải chứng kiến những biểu hiện thái quá trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của con người đương đại. Nếu như trong truyền thống, do quan niệm con người khi chết sẽ biến thành ma, phải có người thờ cúng, mới trở thành ma lành, phù hộ cho con cháu; nếu không thì sẽ biến thành dữ, đi lang thang đây đó nên việc thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa quy tụ các con về ngành trưởng để cùng nhau thờ cúng bố mẹ. Sự quy tụ này mang ý nghĩa giáo dục khi nó gắn kết con cái với nhau giống như khi bố mẹ còn sống. Ý nghĩa thiêng liêng này đang bị hiểu lệch, dẫn tới việc ở nhiều nơi, con cái xem việc tự cúng giỗ cha mẹ mới là phù hợp vì con nào càng chu tất về lễ thì cha mẹ càng vui lòng và phù hộ nhiều hơn, lại tránh được mâu thuẫn anh em trong quan điểm cúng giỗ. Khi không còn chuẩn chung, mỗi nhà xem việc cũng giỗ ông bà cha mẹ như một dịp sinh hoạt tâm linh của riêng mình, nhiều thái quá trong biểu hiện đến mức trở thành bất thường, gây bức xúc trong gia đình, gia tộc và cả trên phương diện xã hội đã xuất hiện.
Cũng vậy với những hiện tượng kỳ lạ trong khả năng của con người và sự tác động của tự nhiên. Những năng lực tiềm ẩn trong con người cũng như sức ảnh hưởng khủng khiếp của các hiện tượng tự nhiên mà khoa học chưa khám phá được hết sẽ tồn tại như một tất yếu. Điều này, một mặt điều chỉnh hành vi con người nhưng mặt khác cũng lại tạo ra vấn đề còn nhiều tồn nghi. Gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay trong lĩnh vực này vẫn là vấn đề áp vong tìm mộ. Thực tế cho thấy, hiệu quả của hoạt động này là có thật, nó chứng tỏ những tiềm năng đặc biệt trong những con người đặc biệt. Cho dù khoa học đã và đang kiếm tìm những minh giải thỏa đáng nhất nhưng cũng vẫn phải có những nhượng bộ nhất định. Nó nhanh chóng được lan tỏa trong xã hội vì chạm được tới một nhu cầu rất đỗi mãnh liệt của những người còn sống muốn tri ân người đã mất. Tuy nhiên, sự nở rộ đến mức ở một số nơi, việc này đã trở thành một hoạt động dịch vụ, kinh doanh để kiếm tìm lợi nhuận, thậm chí gây ra những hệ lụy cho người bị áp vong về thể chất và tinh thần đang khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi. Những biến tướng và sự lạm dụng nhu cầu cân bằng tâm linh của con người đang là điểm đen trong sinh hoạt văn hóa tâm linh nói riêng, sinh hoạt xã hội nói chung.
Kinh tế thị trường, với một thực tế không thể phủ nhận được là luôn hàm chứa những khả năng thay đổi cuộc sống con người một cách nhanh chóng. Có những người có thể giầu lên rất nhanh nhưng cũng có người trong thời gian ngắn trở thành bần hàn. Kinh tế học gọi đó là hiện tượng đi thuận hay đi ngược so với quy luật kinh tế, nắm bắt kịp hay không kịp với nhu cầu của thị trường...Cho dù vậy thì đại đa số người dân vẫn tin rằng: có một sức mạnh huyền bí khác có thể can thiệp vào quy trình này, điều tiết đồng tiền trong kinh doanh của họ. Cở sở niềm tin này trong xã hội hiện đại càng cộng hưởng với những cơ sở tâm lý khác để đẩy cao nhu cầu thỏa mãn đời sống tâm linh. Các sinh hoạt tâm linh ngày càng có xu hướng phát triển. Mặt tích cực là không thể phủ nhận nhưng những tác động tiêu cực của nó đang ngày càng khiến không ít người hoài nghi về giá trị của hình thức sinh hoạt văn hóa nhạy cảm này. Vấn đề vẫn nằm ở nhận thức của con người.Văn hóa cá nhân là khái niệm dường như chưa được xã hội chú ý nhiều lắm do những vấn đề của lịch sử nhưng rõ ràng là đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết hành vi ứng xử của mỗi người, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin toàn cầu rộng mở như hiện nay.
Văn hóa tâm linh là một hình thái ý thức xã hội, nó hình thành trên cơ sở những điều kiện kinh tế, tâm lý, lịch sử, văn hóa nhất định, nó trực tiếp chi phối hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, thông qua quan niệm tiếp nhận của mỗi cá nhân, nó mang dấu ấn cá nhân khá rõ nét nhưng lại là hiện tượng có khả năng lan tỏa trong cộng đồng rất nhanh chóng. Để sinh hoạt tâm linh thực sự giúp con người phát triển toàn diện, rất cần những định hướng, sao cho bản thân mỗi người có thể chủ động hành vi và có thể kịp thời dừng lại trước những giới hạn nhất định. Điều này tuy rất khó đối với các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý nhưng là yêu cầu bắt buộc phải làm để các sinh hoạt tâm linh thực sự chỉ mang đến những tác động tích cực, giúp con người cảm thấy an toàn và cân bằng hơn./.


[1] PGS TS  Hiệu  trưởng Trường Đại học Văn hóa











































         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét