Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

ĐỀ TÀI KHẢO NGHIỆM KHOA HỌC VỀ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT


Bài trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về "Nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người"

ĐỀ TÀI KHẢO NGHIỆM KHOA HỌC VỀ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT
                                                                            Vũ Thế Khanh[1]
     “Ranh giới giữa Chánh tín Tâm linh và mê tín dị đoan là rất nhỏ, nhỏ đến mức… không biết cắm mũi kim vào đâu.Vì lợi ích cộng đồng, muốn phân biệt rạch ròi hai phạm trù này thì cần phải có sự phát huy tích cực phần Tuệ Giác và Thiện Tâm của các nhà nghiên cứu khoa học …”. Đó là đích ngắm đầu tiên của Chương trình Khảo nghiệm khoa học về các khả năng đặc biệt.
     Chương trình Khảo nghiệm về các khả năng đặc biệt, do ba cơ quan hợp tác thực hiện (Liên hiệp Khoa học UIA; Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an; Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống - Hội Khoa học lịch sử) được tiến hành qua các giai đoạn sau:
A. Giai đoạn tự phát:
     Từ xa xưa, hiện tương ngoại cảm đã chiếm vị trí quan trọng trong đời sống Tâm linh của cộng đồng xã xã hội. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức và ảnh hưởng rất lớn đến tín ngưỡng của nhân dân. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, mọi hoạt động văn hóa tinh thần đều hướng về cuộc chiến, do vậy các hiện tượng Tâm linh ngoại cảm không được chú ý nhiều. Khi đất nước được thống nhất, dư âm chiến tranh dần dần lắng xuống, và cũng là thời kỳ phát triển rầm rộ của các hiện tượng Tâm linh.
     Nhưng phải đến những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ 20 thì các hiện tương Tâm linh ngoại cảm mới bùng phát và đa dạng. Đã có những hình thức tự phát sử dụng ngoại cảm vào công tác tìm mộ liệt sỹ  và bước đầu đã có được kết quả rất khả quan:
     - Năm  1992 -1993, UBND thị xã Ninh Bình chủ trì việc tìm mộ 13 liệt sỹ tại chùa Non Nước - Ninh Bình bằng khả năng ngoại cảm;
     - Năm 1994, UBND thị xã Uông Bí chủ trì việc tìm mộ 5 liệt sỹ tại Uông Bí - Quảng Ninh bằng khả năng ngoại cảm. Ngày 27/8/1994 đồng chí Bùi Văn Tiến (chủ tịch UBND huyện Uông Bí) đã có công văn 545/CV- UB xác nhận kết quả tìm mộ 5 liệt sỹ bằng khả năng ngoại cảm của Nguyễn Thị Phúc Lộc và Thẩm Thúy Hoàn và cám ơn đoàn nghiên cứu khoa học ngoại cảm
     Ngày 26/6/1995. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Trịnh Tố Tâm đã ký công văn số 2708 /LĐTBXH – CV chấp nhận  việc Tìm mộ liệt sỹ của tiểu đoàn Phủ Thông bằng phương thức ngoại cảm .
     - Năm 1996 có chương trình hiệp thương "tìm lại Nam Cao" 33 cơ quan  hiệp thương đồng tổ chức đi tìm Nhà văn liệt sỹ Nam Cao , mà nòng cốt của chương trình này là bằng phương pháp ngoại cảm huyền thông giao thoa (7 nhà ngoại cảm cùng tham gia cung cấp thông tin về ngôi mộ của Nam Cao).
     - Ngày 27.7.1996, ba cơ quan đầu tiên đã ký hợp tác nghiên cứu về khả năng đặc biệt để phục vụ cho công tác tìm mộ liệt sỹ, đó là Hội Tâm lý giáo dục học VN (do  chủ tịch Hôi - GS  Phạm Minh Hạc ký ), Liên hiệp khoa học UIA (do TGĐ - TS .KTS Vũ Thế Khanh ký), Báo cựu chiến binh Việt Nam ( do Tổng biên tập - Đại Tá Trần Minh Bắc ký). Các kết quả tìm mộ liệt sỹ bằng mgoại  cảm trong  giai đoạn này được Đại tá Hàn Thụy Vũ đăng trên chuyên mục “nhắn tìm đồng đội” của báo Cựu chiến binh Việt Nam.
B.  Giai đoạn nghiên cứu theo sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng Nhà nước
Giai đoạn I:
     Đến năm 1997 thì "tình hình" đã chín muồi, được đánh dấu bằng Tờ trình ngày 26/7/1997 của ba cơ quan là Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Liên hiệp Khoa học UIA và Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được khảo nghiệm khả năng đặc biệt của anh Nguyễn Văn Liên trong việc tìm mộ liệt sỹ từ xa. Cần xác định rõ: việc tìm mộ liệt sỹ thất lạc bằng khả năng đặc biệt là hiện tượng có thật hay chỉ là sản phẩm hoang đường của các hành vi mê tín dị đoan?!
     + Nếu hiện tượng ngoại cảm là không có thật thì kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước loại bỏ phạm trù này ra khỏi hình thái sinh họat văn hóa cộng đồng
     + Nếu là hiện tượng ngoại cảm là có thật, mang tính khách quan thì báo cáo Chính phủ  và các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai khảo nghiệm các bước tiếp theo ở mức độ sâu hơn.
     Sau khi có Tờ trình nói trên của ba cơ quan, ngày 13/8/1997, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4027/KGVX gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh yêu cầu Bộ "xem xét, xử lý việc này".
     Ngày 21/8/1997, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có Công văn số 1960/QLKH thông báo ủng hộ việc tổ chức nghiên cứu của ba cơ quan và yêu cầu thận trọng trong phân tích để tránh hoạt động mê tín dị đoan và sau khi kết thúc việc nghiên cứu, ba cơ quan phải có báo cáo chính thức kết quả trình Thủ tướng Chính phủ.
     Ngày 03/9/1997 tại Viện Khoa học hình sự  (Bộ Công an) đã diễn ra cuộc họp giữa Vụ Quản lý khoa học - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Vụ Quản lý khoa học - Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự và đại diện UIA.
     Tại cuộc họp này, đại diện Viện Khoa học hình sự và đại diện Liên hiệp UIA đã báo cáo khả năng của anh Nguyễn Văn Liên qua những khảo sát sơ bộ  và đề nghị cho nghiên cứu trường hợp này để có những kết luận chính thức..
     Cuộc họp đã nhất trí đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan chức năng khác của Nhà nước cho phép ba cơ quan phối hợp nghiên cứu và giao TS. Ngô Tiến Quý ( Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự) làm chủ nhiệm đề tài, hai cơ quan là Liên hiệp UIA và Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống phối hợp. Hội nghị yêu cầu phải khảo nghiệm 100 trường hợp trong thời gian từ tháng 9/1997 đến tháng 3/1998.
     Sau đó, ngày 19/9/1997, Vụ Quản lý khoa học - Bộ Công an đã có Công văn số 87/BNV(V14) gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo về việc chấp nhận việc nghiên cứu hiện tượng anh Nguyễn Văn Liên là một đề tài cấp Bộ với chủ nhiệm và các cơ quan phối hợp như cuộc họp ngày 03/9/1997 đề xuất.
     Đến ngày 09/10/1997, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có Công văn số 2366/QLKH gửi Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA) đồng ý đề nghị của Vụ Quản lý khoa học - Bộ Công an tại Công văn số 387/BNV(V14) ngày 19/9/1997 nêu ở trên.
     Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam, chúng ta tổ chức nghiên cứu khảo nghiệm khả năng đặc biệt của con người trong việc tìm mộ thất lạc từ xa do các cơ quan, tổ chức khoa học tiến hành dưới sự chỉ đạo, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
     Lý do có sự hợp tác CÙNG nghiên cứu khoa học của 3 cơ quan là: :
     - Thứ nhất là xuất phát từ thái độ của các nhà khoa học trước một hiện tượng khác thường đang có nhiều sự nhìn nhận khác nhau và không tránh khỏi những lợi dụng mang tính mê tín dị đoan và đang làm cho xã hội bị phân tâm.
     - Thứ hai là các cơ quan khoa học có thể bằng chuyên môn của mình giúp cho việc xác minh tính xác thực của hiện tượng nói trên trong quá trình nghiên cứu.
     Việc nghiên cứu khảo nghiệm, thu thập và đánh giá số liệu được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ và rất cẩn trọng. Mục tiêu nghiên cứu được đặt ra là:
     1- Xác định khả năng ngoại cảm ( mà điển hình là anh Nguyễn Văn Liên ) là có thật hay không? Đây là vấn đề rất bức xúc mà xã hội đang cần có lời giải đáp.
     2- Nếu khả năng của anh Liên là có thật thì phải xác định xem xác suất thành công là bao nhiêu?
     3- Nếu khả năng của anh Liên là không có thật thì sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xóa bỏ hình thái  hoạt động kiểu này trong cộng đồng xã hội;
     4- Nếu khả năng của anh Liên là có thật thì báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng sử dụng  phục vụ trong việc  thực hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa uống nước nhớ nguồn (vì nhu cầu tìm mộ Liệt sỹ thất lạc trong trong những cuộc chiến tranh mấy chục năm vừa qua là rất lớn.)
     Theo đúng quy trình, sau 4 tháng nghiên cứu khảo nghiệm, ngày 25 tháng 02 năm 1998, Ban Chủ nhiệm đề tài đã khảo sát hoàn chỉnh được 492 trường hợp (số người đăng ký khảo nghiệm là 3.000) và đã hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu.
     Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, Ban Chủ nhiệm đề tài đã khẳng định khả năng tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm của anh Liên là có thật và xác suất tìm được là 70%.
     Ngày 17/4/1998, Ban chủ nhiệm đề tài đã có buổi báo cáo kết quả nghiên cứu trước Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đại diện của 07 Bộ, ban ngành có liên quan. Tại buổi làm việc này, Lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khẳng định phương pháp nghiên cứu là khoa học, khách quan, chu đáo và có độ tin cậy cao.
     Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm đã sử dụng một phương pháp nghiên cứu hiện đại, rất phù hợp với đối tượng nghiên cứu, đó là phương pháp “khách quan hóa” những dữ liệu chủ quan do nhà ngoại cảm cung cấp, do vậy đã khẳng định được một sự thật khách quan là anh Liên có khả năng đặc biệt.
     Đề tài có ý nghĩa xã hội lớn. Đại diện các Bộ, ban ngành đã tin tưởng và chấp nhận, đánh giá cao kết quả nghiên cứu. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao cố gắng của các cơ quan nghiên cứu, quyết định cho tiếp tục khảo nghiệm và đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có hình thức khen thưởng xứng đáng.
- Giai đoạn II:
     + Tiếp tục xác minh thông tin và giám định một số hài cốt liệt sỹ bằng các phương pháp khoa học hiện đại nhằm củng cố, bổ sung cho kết quả của giai đoạn I.
     + Mở rộng đối tượng khảo sát, nghiên cứu phát hiện thêm những khả năng đặc biệt khác và hướng họ vào những việc làm hữu ích, phục vụ cộng đồng, góp phần làm lành mạnh hoá các hoạt động Tâm linh.
     + Tìm hiểu và phát hiện những yếu tố thuận, nghịch mang tính 2 mặt của hiện tượng ngoại cảm, từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy những mặt tích cực trong công tác tìm mộ thất lạc, đồng thời đề ra những giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.
     Trong giai đoạn này , Chương trình Khảo nghiệm cũng đã góp phần chỉ rõ những đối tượng lợi dụng ngoại cảm để hành nghề mê tín dị đoan. Nhiều “dị nhân hoang tưởng” đã bị phơi bày dưới ánh sáng của khoa học
     Đã có hàng trăm đối tượng xin đăng ký khảo nghiệm về khả năng đặc biệt. Nhưng qua quá trình kiểm định  thì có tới trên 90 %  số đó là hoang tưởng, không hề có khả năng ngoại cảm, họ chỉ dùng mánh khóe để hành nghề mê tín dị đoan.
     Chỉ có rất ít trong số đó là có khả năng ngoại cảm, và đáng được ghi nhận , biểu dương  (như  Đỗ Bá Hiệp, Phạm Kim Khoa, Nguyễn Văn Liên, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Vũ Thị Minh Nghĩa, Phan Văn Lập, Trần Văn Tìa, Lê Văn Trong,, Nguyễn Ngọc Hoài, Nguyễn Văn Lư, Thẩm Thuý Hoàn, Nguyễn Phúc Lộc, Nguyễn Thị Nghi, Đinh Thị Hương …)
- Giai đoạn III:
     + Phát huy những kết quả tích cực của giai đoạn I và II, thiết lập các kênh văn hóa Tâm linh để giao lưu, hội thoại trực tiếp với thần thức (hương linh) các liệt sỹ để phục vụ cho việc tìm kiếm mộ thất lạc được nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiến tới việc phổ thông hoá công tác tìm mộ thất lạc, giải toả được những áp lực do nhu cầu bức thiết của xã hội; khắc phục được những phiền hà, tốn kém cho thân nhân liệt sỹ và các gia đình có mộ thất lạc…
     + Trong giai đoạn này có thể giao thoa kết hợp các  hình thái tâm linh với khoa học Hình sự để tăng cường độ tin cậy của thông tin . Đó là hình thức kết hợp khả năng ngoại cảm với giao lưu áp vong và cuối cùng là được xác minh bằng khoa học hình sự, kể cả việc giám định gien
      + Giải mã các thông điệp từ thế giới tâm linh siêu hình, từ đó đề ra phương thức ứng xử phù hợp, sao cho “âm siêu dương thái”, đồng thời góp phần tích cực vào việc xóa bỏ những hình thái văn hóa không phù hợp, bài trừ tập tục mê tín dị đoan,
- Thành tựu của Chương trình nghiên cứu về các khả năng đặc biệt:
     Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm bảo trợ Văn hóa KTTT là 3 cơ quan đầu tiên được Chính phủ giao nhiệm thực hiện Chương trình khảo nghiệm khoa học tìm mộ liệt sỹ thất lạc bằng các khả năng đặc biệt.
     - Trong 20 năm qua, nhiều hiện tượng lạ đã được kiểm định đánh giá một cách khách quan, khoa học, đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.
     - Đã có hàng chục vạn ngôi mộ thất lạc được tìm thấy bằng khả năng ngoại cảm mà chưa cần đến kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. (trong đó có Tổng bí thư Trần Phú, nhà văn liệt sỹ Nam Cao, Trung tướng Nguyễn Bình, Anh hùng Trần Bình, bí thư xứ ủy Bắc Kỳ Ngô Duy Phớn, Nguyễn Thị Tú, các liệt sỹ tình báo ở tử ngục Chín Hầm như Trung Tá tình báo Lý Văn Tố, Nguyễn Hữu Đà… LS “gieo mầm” Phạm Gia Anh, LS tiền bối Cách mạng Bùi Văn Thịnh, Anh hùng LS đoàn tàu không số Nguyễn Văn Hiệu, cùng hàng ngàn liệt sỹ ở trong các hầm mộ chôn tập thể tại Phú Quốc, Quảng Trị,...)
     - Đặc biệt, khả năng ngoại cảm đang được khai thác, ứng dụng, tring công tác điều tra hình sự, cung cấp thông tin “tập mờ” cho việc xác minh các vụ án, ngoài ra  có sự kết hợp với các Viện hàn lâm khoa học trong lĩnh vực xác minh sự kiện lịch sử và  dự báo sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.
     - Mở ra các hướng nghiên cứu nhằm tìm ra mối quan hệ  hữu cơ giữa thế giới vô hình và hữu hình, xác định được sự tương tác giữa  hai  yếu tố vật thể và phi vật thể trong  quy luật kinh tế xã hội
     - Góp phần Giải quyết các vướng mắc về tâm linh, cải thiện  nghiệp chướng của các dòng họ, góp phần tích cực vào việc làm lành mạnh hóa đời  sống văn hóa tinh thần của cộng đồng xã hội.



[1] TS KTS Tổng Giám đốc UIA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét