Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

ĐÔI NÉT VỀ KHOA HỌC NGOẠI CẢM Ở VIỆT NAM

Bài đang Kỷ yếu HNKH toàn quốc lần 1 tháng 01/2016 về "Nghiên cứu và ứng dụng KNĐB của con người" do Viện NC&ƯD tiềm năng con người chủ trì tổ chức.

 ĐÔI NÉT VỀ KHOA HỌC NGOẠI CẢM Ở VIỆT NAM

1. RA ĐỜI
            Lĩnh vực ngoại cảm/tâm linh khá là nhạy cảm ở nước ta; sách dịch nhiều, nhưng các nghiên cứu trong nước chưa được truyền thông đại chúng quan tâm đưa tin[2]. Có lúc phải mang hình thức “tài liệu lưu hành nội bộ”, số lượng rất hạn chế, ai biết thì có. Người ở Hà Nội thường may mắn hơn người vùng khác. Do đó thông tin về khoa học ngoại cảm ở Việt Nam chưa thể đến với nhiều người, nhiều nơi. Hôm nay tôi xin chia sẻ một chút thông tin về khoa học ngoại cảm ở Việt Nam, hầu mong mọi người thấy được ngoại cảm/tâm linh là lĩnh vực đã được Nhà nước Việt Nam chính thức đưa vào nghiên cứu từ lâu, khoảng 20 năm nay. Bài tóm lược dưới đây được tổng hợp từ nhiều nguồn, bạn đọc chưa thỏa mãn có thể vào mạng tham khảo thêm.
Theo tài liệu “Nguyễn Đức Cần nhà văn hóa tâm linh” (sách NXBVHTT, 2013) tại trang 137, Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Phúc Giác Hải (cũng là tác giả) sử dụng cụm từ “khoa học ngoại cảm” ở “Phần III: KHOA HỌC NGOẠI CẢM Ở VIỆT NAM”. Ở đây, NNC Nguyễn Phúc Giác Hải đã giải nghĩa về hiện tượng ngoại cảm: “Những hiện tượng đặc biệt về tinh thần, thường gọi là hiện tượng ngoại cảm (extrasensory), bao gồm những khả năng đặc biệt về tinh thần như: thần giao cách cảm, liên lạc với người âm, sự tiên tri, hồi tưởng, thiên nhãn thông, quan trắc ngoại cảm, hào quang, gọi hồn, thấu thính, thấu thị,…”. Trang 139-140, mục “PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU NGOẠI CẢM” ông viết: “Ngoại cảm thuộc về khoa học huyền bí (pseudoscience), vì vậy tất cả hệ thống lý thuyết cũng như phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại không thể áp dụng trong lĩnh vực này được… Hiệp hội tâm lý học của Mỹ lựa chọn phương pháp nghiên cứu bằng thực nghiệm (experimental research) thông qua những số liệu thống kê để kết luận đánh giá về hiện tượng tâm linh… Trên thế giới đã thành lập các trung tâm nghiên cứu về tâm linh, đó là Hội nghiên cứu tâm linh của Anh thành lập năm 1882; Hội nghiên cứu tâm linh của Mỹ thành lập năm 1885. Năm 1969, Mỹ chính thức thành lập Hội nghiên cứu cận tâm lý trực thuộc Hội xúc tiến khoa học Mỹ; Hội nghiên cứu cận tâm lý Nhật thành lập năm 1968; Hội nghiên cứu tâm linh Scotland thành lập năm 1987;..
Ở Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (CIHC) được thành lập ngày 16/11/1996. GS TSKH Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Trung tâm, PGS.TS Ngô Đạt Tam làm Giám Đốc, GS Đại tá Ngô Vi Thiện làm Chủ tịch Hội đồng khoa học. Đây là ba nhà khoa học sáng lập cơ quan đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người. Sau khi PGS TS Ngô Đạt Tam nghỉ, các nhà khoa học lớn  GS.VS Đào Vọng Đức (nguyên viện trưởng Viện Vật lý), GS TSKH Phan Anh làm Giám đốc.  Từ 2016 bà Võ Hòa Bình làm Giám đốc CIHC.
Sau này, thực tế khách quan yêu cầu phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu về ngoại cảm/tâm linh nên có 14 nhà khoa học, nhà quản lý năm 2012 đã sáng lập Viện Nghiên cứu & Ứng dụng tiềm năng con người – IHP do GS.VS Phạm Minh Hạc làm Viện trưởng/ chủ tịch Hội đồng Viện, nay Thiếu tướng PGS.TS Ngô Tiến Quý là Viện trưởng, và GS.TSKH Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Viện/Chủ tịch Hội đồng khoa học của IHP.
Như vậy khoa học ngoại cảm ở Việt Nam ra đời khá trễ so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên việc nghiên cứu ngoại cảm ở nước ta được biết đến từ khi Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cử NNC Nguyễn Phúc Giác Hải đến nghiên cứu trường hợp ông Nguyễn Đức Cần (còn gọi là cụ Trưởng Cần, 1909-1983) vào khoảng đầu năm 1974 (sau có thêm GS.TS toán-lý Nguyễn Hoàng Phương tham gia nghiên cứu). Ngày 26/04/1974, trong một buổi báo cáo của NNC Nguyễn Phúc Giác Hải tại Bộ Công An, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã phát biểu: “Việc chữa bệnh của cụ là có cơ sở khoa học, trước đây tôi cũng có khả năng này, nhưng do tham gia cách mạng, nếu không tôi cũng có khả năng chữa một số bệnh như cụ Cần”[3]. Vào ngày 30/04/1974, các cơ quan của Nhà nước đã tổ chức quay phim việc chữa bệnh tại nhà cụ Trưởng Cần, có mặt ông Lê Khắc, Phó Chủ nhiệm UBKHKT Nhà nước, thiếu tướng Kinh Chi, ông Đặng Quốc Bảo… “Rất tiếc là những điều kiện sau đó không thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học ngoại cảm ở nước ta. Mãi đến năm 1990, khi tôi trở lại công tác tại Viện Khoa học Việt Nam, vấn đề nghiên cứu ngoại cảm mới được chính thức được đặt lại”[4] – lời của NNC Nguyễn Phúc Giác Hải (theo sách đã dẫn). Quý vị có thể tham khảo mục “(3)-GÓC NHÀ NGHIÊN CỨU SIÊU NHIÊN N.P.G.H” tại FB này hoặc trên mạng để biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp đầy sóng gió của NNC Nguyễn Phúc Giác Hải, khi ông chấp nhận rời UBKHKT Nhà nước để bảo vệ chân lý suốt 15 năm. Ngoài NNC Nguyễn Phúc Giác Hải chuyên ngành sinh học, khoa học ngoại cảm ở Việt Nam còn được các chuyên gia ở nhiều ngành khác tham gia nghiên cứu. Trong đó có vật lý, điện tử, tâm lý học, toán học, toán cơ, y khoa, khảo cổ,… Họ là các giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo,… có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm sau những năm trải qua thực tiễn.
Top of Form
Bottom of Form
 2. HOẠT ĐỘNG
Kể từ năm 1996 đến nay, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người – CIHC và Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người – IHP đã cộng tác với nhiều nhà ngoại cảm chân chính tiến hành cả trăm thực nghiệm về ngoại cảm tại hiện trường. Thực hiện thành công hàng loạt đề tài NCKH cấp Bộ, mà mới thoáng qua nội dung đã thấy thú vị như đề tài “TK-05 & TK-06: người sống tìm người chết”/“TK-07: người chết tìm người sống”. Kết quả thu được ngoài sức tưởng tượng, nhiều nước đi trước Việt Nam không thể có được. Xin đơn cử một kết quả: “Danh sách những sự kiện tìm hài cốt nổi bật, được nhiều người biết”: Các AHLS và nhà cách mạng nổi tiếng Việt Nam như cố TBT Trần Phú, nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, nhà văn Nam Cao, hơn 500 AHLS hy sinh tại K’Nak-Tây Nguyên, gần 4.000 AHLS hy sinh tại Phú Quốc - Kiên Giang, hơn 5.000 AHLS hy sinh trên khắp chiến trường được quy tập về Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng vạn thân nhân mất tích trong chiến tranh đã được tìm thấy bằng phương pháp “trao đổi thông tin giữa hai thế giới – nói chuyện với linh hồn”. 
Trong hành trình này, ngoài hình ảnh dấn thân của các nhà khoa học vào lĩnh vực nhạy cảm, không “hoa màu”, còn là mồ hôi, nước mắt và tuổi trẻ của không ít các nhà ngoại cảm đã băng rừng vượt suối đến tận thâm sơn cùng cốc – Tất cả, vì chân lý, họ đã vượt lên chính mình, vượt qua thị phi và rào cản tư duy cũ. Và trên hết là thời thế đã tạo điều kiện cho khoa học ngoại cảm Việt Nam phát triển, trong đó có sự cổ vũ từ các tướng lĩnh (như Đại tướng Võ Nguyên Giáp…), nhà chính trị (như nguyên TBT Lê Khả Phiêu…), lãnh đạo Nhà nước (như PTT Phạm Gia Khiêm), nhà lý luận cao cấp (như GS Vũ Khiêu…), nhà quản lý khoa học cấp Nhà nước (như GS.VS Vũ Tuyên Hoàng...), và các cơ quan cấp Bộ, Tỉnh, Thành, cùng hàng nghìn người dân tham gia, chứng kiến, ủng hộ nền khoa học ngoại cảm non trẻ của nước nhà. Đặc biệt trong đó có sự sát cánh của Viện khoa học hình sự-Bộ Công An từ những test ADN đầu tiên: Phải chăng đây là nhân duyên đã được gầy dựng từ thời cụ Trưởng Cần? Và không thể không nhắc đến một số sự kiện mang dấu ấn thời gian, tính khai mở thể hiện mối lương duyên giữa khoa học và tâm linh ở các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của TS Bùi Văn Sướng, GS.TS Trần Phương, GS.TS Đặng Vũ Quang Huyễn và nhiều gia đình của các nhà khoa học/tướng lĩnh/cán bộ cao cấp khác. 
Trong khuôn khổ bài viết chúng  tôi không thể kể hết. Quý vị có thể tham khảo tài liệu đã được CIHC-IHP và chúng tôi phát hành. Trong đó, lời phát biểu của GS.TSKH Phan Anh giám đốc CIHC (nay là CTHĐV kiêm CTHĐKH viện IHP) nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập CIHC, được xem là một kết luận của giới khoa học về những nghiên cứu khoa học ngoại cảm ở Việt Nam vào thời điểm 11/2011: “Thành quả lớn nhất mà Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người đã đem lại sau 15 năm qua không phải chỉ là con số những đề tài nghiên cứu, những hoạt động triển khai ứng dụng đã thực hiện mà chính là ở những kết luận khoa học đã đúc kết được. Trong số đó, đáng lưu ý là những kết luận có nội dung liên quan đến sự tồn tại của một ‘thế giới vô hình’, về mối quan hệ qua lại giữa ‘hữu hình’ và ‘vô hình’. Điều này có thể dẫn đến những sự thay đổi về tư duy của con người trong xã hội. Nhiều hiện tượng trước đây được coi là ‘mê tín, dị đoan’ thì nay được nhìn nhận lại dưới góc độ khoa học.[5]

3. ỨNG DỤNG
Từ xa xưa người châu Á, đặc biệt ở vùng đất Ấn-Tạng đã biết ứng dụng ngoại cảm trong cuộc sống. Ở đấy, những người may mắn tự nhiên có được khả năng ngoại cảm xem như lộc trời cho, họ dùng khả năng này để mưu sinh; thường được dân gian gọi là thầy bói, nhà huyền thuật, “phù thủy”,… Song song với lớp người này là những người có công năng ngoại cảm cao hơn nhờ tu luyện; họ thường ẩn cư trên núi, và được các bậc minh quân tìm đến học hỏi, xin ý kiến – họ là những chân sư/minh sư/tiên sinh/arahant (la-hán). Một danh sách 500 vị Arahant ghi trong tác phẩm “500 VỊ LA HÁN” (NXBHN.2009) ở thời đức Phật có thể được xem là 500 chân sư chuyên ngành ngoại cảm được đức Phật đào tạo cho nhân loại. 
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận có nhiều chân sư, như các thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Minh Không, Thường Chiếu, Trần Nhân Tông, Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, Thích Quảng Đức,.. và hàng chục nhà ngoại cảm ở cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, như Đỗ Bá Hiệp, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Nghi, Đoàn Việt Tiến, Vũ Minh Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Đức Phụng, Phạm Thị Phú, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Bảy, Hoàng Thị Thiêm, Lê Trung Tuấn, Vũ Thanh Bình, Trần Thị Anh Thơ, Trần Lệ Giang... cho thấy, một Việt Nam nhỏ bé không thiếu những người có khả năng biệt, thì thế giới cũng có những người này, rất nhiều là đằng khác. Ngay như châu Âu và Bắc Mỹ, vốn không phải là cái nôi của thiền, ngày nay đã xuất hiện nhiều thiền sư đắc đạo nhờ công cuộc hoằng pháp của các chân sư đến từ phương Đông vào thế kỷ 19. 
Ở đâu, lúc nào cũng thế, bên cạnh những người có khả năng ngoại cảm thực sự, luôn xuất hiện những người tự nhận mình cũng có khả năng để lừa bịp kiếm tiền; số ảo này thường đông hơn số thực. Đến thời nay, tại Việt Nam, bên cạnh nhà ngoại cảm thật có cả nhà ngoại cảm giả. Trong số nhà ngoại cảm thật xuất hiện lớp người ưu tú làm việc có tâm có đức được xã hội gọi là nhà ngoại cảm chân chính: Họ được nhà nước, tổ chức khoa học tặng thưởng huân chương, bằng khen ghi nhận thành tích chữa bệnh, tìm hài cốt liệt sĩ; được địa phương tạo điều kiện để có thể cống hiến nhiều hơn. Thế nhưng, ngược lại ở những nơi xa trung tâm nghiên cứu, ánh sáng khoa học ngoại cảm chưa chiếu tới, không ít người còn bỡ ngỡ băn khoăn chưa nhận ra: NGOẠI CẢM NAY ĐÃ THUỘC VỀ KHOA HỌC. Họ vẫn cho rằng ngoại cảm là hiện tượng mang màu sắc hoang tưởng/mê tín, nên nảy sinh cách xử lý cực đoan làm người dân bị thiệt thòi, không thể tiếp cận các nhà ngoại cảm để chữa bệnh; còn nhà ngoại cảm thì đột nhiên bị phân biệt, cách ly.
Ngày trước nhân gian bảo “đi xem bói”, hôm qua có người nói “thử áp dụng khả năng ngoại cảm”, hôm nay nhờ vào những NCKH về ngoại cảm, chúng ta có thể nói “ứng dụng khoa học ngoại cảm” ở một số nội dung sau: 
  1. Ứng dụng công năng “nói chuyện với linh hồn” để tìm hài cốt thất lạc; tìm cổ vật; tìm tội phạm; kiểm chứng dữ liệu quá khứ;..
  2. Ứng dụng công năng “chữa bệnh bằng năng lượng – chữa bệnh không dùng thuốc” để chữa bệnh (hiểm nghèo);
  3. Ứng dụng kỹ thuật thiền để chữa bệnh tâm thần, bệnh hiểm nghèo, tăng cường sức khỏe;
  4. Ứng dụng kỹ thuật khai mở luân xa, ngồi thiền để có thể tự đào tạo thành nhà ngoại cảm;
  5. Ứng dụng các tiêu chí của khoa học ngoại cảm để xác định khả năng ngoại cảm của một người nào đó (phân biệt người có năng lực ngoại cảm yếu/mạnh/tự huyễn/giả mạo;
  6. Ứng dụng công năng “dự đoán/dự báo/tiên tri” để tránh hiểm họa… và những ứng dụng khác.
Có thể thấy rằng, khoa học ngoại cảm còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Ở Việt Nam, các nhà khoa học CIHC/IHP/UIA đang quan tâm và phát triển lĩnh vực “i đến v” bởi thời gian qua đã xuất hiện nhiều người có khả năng ở các lĩnh vực này. Riêng lĩnh vực “iv”, bên cạnh các trung tâm dạy thiền trong xã hội còn có những nơi tu thiền của Phật giáo. Hàng năm không rõ có bao nhiêu Phật tử/nhà sư thành công, nhưng chắc chắn là có. Những thiền sư đắc đạo này không ồn ào như chúng ta thường thấy trong đời; họ lặng lẽ sử dụng công năng thiền định để tiếp tục cuộc hành trình đã định. Tôi trộm nghĩ, những ai có chút gặt hái sau các khóa học thiền bên đời và muốn trở thành nhà ngoại cảm để giúp thiên hạ thì có thể tiếp tục “du học” sang thiền Phật giáo. Hoặc, các nhà khoa học Việt Nam có thể gửi học viên của mình đến các trung tâm thiền Phật giáo trong nước, nước ngoài như Ấn Độ để trở thành nhà khoa học siêu việt (nhà khoa học có khả năng thiền định).

Top of Form
Bottom of Form
4. Ý NGHĨA
Có thể nói rằng, ngoài những người có sẵn khả năng đặc biệt “trời cho”, từ xa xưa đã tồn tại những “lò” đào tạo người có khả năng đặc biệt. Điển hình cho việc làm bài bản này là các thiền viện ở Tây Tạng. Ở đấy, những Lạt-ma được chọn vào những lớp học đặc biệt để đào tạo theo phương pháp bí truyền: Họ có thể xuất vía (hồn) khỏi thể xác để chu du về quá khứ, nhận ra những sự kiện từng làm chấn động quả đất. Tương tự, ngày nay các bác sĩ phương Tây như Brian L.Weiss của Mỹ đã sử dụng phương pháp thôi miên đặc biệt đưa bệnh nhân du hành qua các vùng tâm thức, tìm thấy nguyên nhân căn bệnh từ kiếp trước. Việt Nam đang hiện diện nhiều nhà ngoại cảm có thể giải quyết nhu cầu của nhân dân theo các nội dung ỨNG DỤNG đã nêu. Muốn biết họ, quý vị cần liên hệ các cơ quan khoa học CIHC/IHP/UIA. 
Trong số các nhà ngoại cảm hiện nay, phần nhiều có công năng “nói chuyện với linh hồn”. Đây là một thuận lợi lớn để chúng ta có cơ hội trải nghiệm một lần trong đời về sự tồn tại của linh hồn khi trực tiếp tham gia vào một sự kiện, như tìm hài cốt liệt sĩ chẳng hạn. Từ đây tiếp tục bổ túc kiến thức để nhận biết thế giới song hành, các loài chúng sinh có trong vũ trụ – đó là nơi ta sẽ đến/trở về sau ngày “hai năm mươi”, mà theo TheB (Theory of Buddha) chỉ có thể là một trong những nẻo đường sau:
-        Một, quay trở lại đầu thai làm cư dân hạ giới (chúng sinh hữu hình: con người/súc vật);
-        Hai, trở thành cư dân trung giới (chúng sinh vô hình: hương linh/ngạ quỷ,..);
-        Ba, trở thành cư dân thượng giới (chúng sinh vô hình: các vị trời);
-        Bốn, trở thành cư dân thoát khỏi vô minh (chúng sinh vô hình giác ngộ - các vị Phật);
-        Năm, vĩnh viễn trở thành cư dân thoát khỏi vô minh (chúng sinh vô hình giác ngộ bậc đại Bồ-tát) đi thuyết giảng TheB khắp vũ trụ cùng các vị PHẬT TOÀN GIÁC (Sadibotat).
Vì vậy có thể nói, công dụng của khoa học ngoại cảm là hết sức to lớn, đem lại lợi ích cho con người và cho xã hội. Nó không hề viển vông, có thể làm thay đổi tư duy, nhận thức. Là cơ sở để chúng ta tiếp cận minh triết TheB bằng con đường khoa học đã được Albert Einstein chỉ ra từ những năm 30 của thế kỷ XX. 



[1] Kỹ sư, Nhà nghiên cứu
[2] Trước đây theo chỉ đạo của cấp trên, các kết quả nghiên cứu về tâm linh của Trung tâm NCTNCN và Viện NC&UDTNCN chưa được phép công bố
[3] Nguyễn Phúc Giác Hải, Ngyễn Tài Đức, Nguyễn Đức Cần- Nhà Văn hóa tâm linh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2013
[4] Sách đã dẫn
[5] Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Gặp gỡ giao lưu giữa các nhà nghiên cứu và những người có khả năng đặc biệt ngày 26/11/2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét