Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

CẦN ĐẦU TƯ NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG KNĐB CỦA CON NGƯỜI PHỤC VỤ ĐIỀU TRA TỘI PHẠM

Bài đăng ở Kỷ yếu HNKH toàn quốc lần 1 tháng 01/2016 về "N ghiên cứu và ứng dụng KNĐB của con người" do Viện NC&ƯD tiềm năng con người chủ trì.

CẦN ĐẦU TƯ NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA CON NGƯỜI PHỤC VỤ ĐIỀU TRA TỘI PHẠM 

Trần Văn Biển [1], Trần Văn Luyện[2],Bùi Xuân Quân[3] 

Những năm gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có những thông tin, bài viết về ngoại cảm tại Việt Nam. Nhà nước cũng đã quan tâm nghiên cứu vấn đề ngoại cảm, tâm linh, một số tổ chức nghiên cứu chính thức về tâm linh đã được thành lập, điển hình như Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người tại số 9A, Ngõ 218 Lạc Long Quân - phường Bưởi - Tây Hồ - Hà Nội; hay Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng tại số 1 Đông Tác - Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội. Với người dân, ứng dụng khả năng ngoại cảm vào việc giao tiếp với “vong” để tìm mộ đã là hoạt động phổ biến và được thừa nhận ở mức độ nhất định.  
Riêng trong lĩnh vực an ninh trật tự, theo các nhà khoa học và chuyên gia phòng chống tội phạm, hiện nay trên thế giới một số nước tiên tiến như Nga, Mỹ, Đức… cũng đã và đang tiến hành các chương trình nghiên cứu các khả năng đặc biệt của con người để ứng dụng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm gìn giữ trật tự, an toàn xã hội.  
Ông Paul Sorrentin, quốc tịch Pháp đã sang Việt Nam từ 2008 để nghiên cứu hiện tượng gọi hồn, áp vong và lấy đó làm đề tài luận án Tiến sĩ "Áp vong: nghi lễ nhập hồn người chết không cần ông đồng, bà cốt ở miền Bắc Việt Nam" (Áp vong: appliquer l'âme Rituels non-médiumniques de possession par les morts dans le nord du Vietnam - Université Paris Descartes, École doctorale 180, Centre d'anthropologie culturelle – EA 4545, Présentée et soutenue publiquement le 29 novembre 2013) 
Từ nhiều năm nay, được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã cử cán bộ khoa học tham gia khảo nghiệm nhằm phát hiện các khả năng đặc biệt của con người có thể ứng dụng trong công tác tìm mộ liệt sỹ, công tác kỹ thuật hình sự nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung, cũng như phục vụ các lợi ích của cộng đồng. Bộ môn Cận tâm lý do Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Chu Phác (Cục trưởng Cục Nhà trường – Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) làm chủ nhiệm, sau khi tìm hiểu, khảo sát đã tập hợp các nhà ngoại cảm để dùng khả năng đặc biệt của họ trong các đề tài khoa học TK08a và TK08b “Xác minh tên liệt sĩ trên mộ vô danh”, tiếp xúc được với 60 vong linh liệt sĩ, hỏi được họ tên của các vong linh, quê quán và cả họ tên của thân nhân gia đình hiện đang còn sống. 
Áp vong là phương pháp gọi hồn thông qua thân xác của một người khác không phải là người gọi (con cháu trong gia đình hoặc người quen, hoặc người có “căn” dễ dàng cho vong nhập, trong trường hợp này, vong không nhập vào chính người “áp”), thân nhân đã quá cố của các gia đình mượn thân xác người trần về trò chuyện với con cháu.  
Áp vong khác gọi hồn tại 3 điểm:  
(1) Vong linh người được mời về nhập vào người thân hoặc người hợp với vong mà không nhập vào người mời.  
(2) Trong quá trình áp vong, người mời có thể dành thời gian chữa bệnh cho vong (xóa bỏ tiềm thức của vong về bệnh tật, đau ốm trước lúc lâm chung).  
(3) Sau khi trần âm giao tiếp, chữa bệnh cho vong, người áp vong có thể cầu siêu cho vong, tùy theo nhu cầu của vong muốn tái kiếp làm người hay theo Phật, Thánh, Chúa… hoặc về một địa chỉ cụ thể (chùa, đền, đình, miếu,…).  
Thông tin có được trong buổi giao tiếp âm dương thường là về cuộc sống của những người thân đã quá cố, các thông tin về cuộc sống của con cháu tại trần thế như: tình trạng mồ mả, nhà cửa, công việc của con cháu, hướng nghiệp cho con cháu, bệnh tật, các cách điều trị, nơi điều trị, xác định bệnh âm – dương, chữa bệnh cho vong, chữa bệnh âm cho người dương, ban thờ tại gia đình, từ đường dòng họ, tìm mồ mả thất lạc, tìm người sống bỏ nhà đi, v.v…  
Trong thực tế, việc áp dụng ngoại cảm phục vụ điều tra phá án cũng đã được thực hiện. Theo báo Công lý (http://congly.com.vn/phap-luat/tu-van/ap-vong-pha-an-va-vu-vo-giet-chong-giau-xac-phi-tang-43095.html), vụ án cụ thể như sau: 
Ngày 04/01/2004 tại ấp Tân Phú xã Trần Phán huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau xảy ra vụ anh Nguyễn Văn Nên mất tích. Sau gần 10 tháng chờ không thấy anh Nên về, gia đình mới báo công an. Việc điều tra đi vào ngõ cụt vì thông tin đến cơ quan điều tra quá chậm. Nghi ngờ anh Nên bị giết, người trong gia đình đã tìm đến nhà ngoại cảm, nhờ đó sự việc bị phanh phui. Khi biết thông tin do “vong” phản hồi với nhà ngoại cảm, gia đình đã tiến hành mò tìm dưới ao sâu 2m ngay cạnh gốc dừa có úp mảnh sành dưới gốc, phát hiện thi thể đã thối rữa. Cơ quan công an tiến hành khám nghiệm hiện trường, phát hiện phần cổ tử thi có sợi dây dù, tay phải có đeo đồng hồ bằng kim loại màu trắng, xác định là của anh Nên. Cơ quan điều tra đã đấu tranh với vợ anh Nên (Trần Thị Nâu), cô này đã phải cúi đầu nhận tội giết chồng. Sau gần 1 năm, vụ án mới được làm sáng tỏ (theo Tấn Trung, Công lý và xã hội). 
Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, các nhà ngoại cảm thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã gặp một số trường hợp vong người chết oan nhập vào nhà ngoại cảm yêu cầu giúp đỡ giải oan và trừng trị người phạm tội. 
Chúng tôi gồm: Trần Văn Luyện - Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng phòng Nghiên cứu, Quản lý khoa học - Tổng cục Cảnh sát và Bùi Xuân Quân - Đại tá, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Tổng cục An ninh, có cơ duyên quen biết Tiến sĩ Trần Văn Biển - Phó Trưởng ban Quản lý khoa học - Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và tham gia một số sự kiện "áp vong" có sự điều hành của TS. Trần Văn Biển, trong đó có 2 sự kiện liên quan đến vụ án hình sự. Sự kiện thứ nhất: vong nạn nhân (nam) nhập lên gặp người nhà (vợ, con), qua đó có thông tin về quá trình nạn nhân bị giết, các thông tin về đặc điểm của thủ phạm, công việc làm ăn của vợ chồng nạn nhân... Sự kiện thứ 2: Bà Chúa Lâm Đồng (nhập lên) nói về quá trình tê giác Cát Tiên bị giết, các thông tin có liên quan về thủ phạm, cách thức thủ phạm chuyển sừng tê giác Cát Tiên qua Trung Quốc (có video clip kèm theo).  
Chúng tôi nhận thấy có thể nghiên cứu, ứng dụng khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm vào việc thu thập thông tin, giúp cơ quan điều tra có thêm cơ sở để xây dựng giả thiết và kế hoạch điều tra, góp phần nhanh chóng xác định thủ phạm gây án.  
Trước đây từ năm 1997, khi nghiên cứu đề tài khoa học về việc khảo nghiệm tìm mộ từ xa của ông Nguyễn Văn Liên, TS Ngô Tiến Quý đã có ý tưởng và mục đích ứng dụng khả năng của các nhà ngoại cảm vào công tác điều   tra phá án.
Trên cơ sở nêu trên, chúng tôi đề xuất:  
Viện Khoa học hình sự và Phòng Nghiên cứu, Quản lý khoa học - Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người để báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, lãnh đạo Bộ Công an cho thành lập Nhóm Nghiên cứu, thành phần từ các cơ quan trên, với sự tham gia của các nhà ngoại cảm  và các cộng sự... đăng ký nhiệm vụ khoa học (đề tài) cấp Bộ để tiến hành nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của hoạt động ứng dụng khả năng đặc biệt phục vụ điều tra tội phạm. Trước mắt nên có những hoạt động mang tính tiền khả thi. Chúng tôi đề nghị khi có yêu cầu cụ thể cơ quan điều tra liên hệ trực tiếp với Thiếu tướng, PGS  TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người để ông chỉ đạo phía Viện đáp ứng các yêu cầu phục vụ điều tra vì Viện có đội ngũ các nhà ngoại cảm có khả năng thực hiện các yêu cầu góp phần cho việc phá án.
Với mỗi vụ án cụ thể cần tiến hành:  
- Mời vong nạn nhân (nếu vụ án có nạn nhân bị giết) mô tả lại cảnh mình bị hại, cung cấp thông tin về thủ phạm...  
- Mời thần linh, thổ địa, chúa đất, sơn thần, hà bá (thần cai quản vùng đất, sông hồ... nơi xảy ra vụ án) để bổ sung, kiểm chứng thông tin.  
- Mời vong dòng họ nạn nhân (bà Cô tổ, ông Mãnh tổ...) để bổ sung thông tin cần thiết...
- Mời những người có khả năng đặc biệt soi, dựng lại quá trình xảy ra các sự kiện, …  
Nhóm Nghiên cứu cần triển khai nhiệm vụ theo 2 giai đoạn:  
- Giai đoạn đầu nghiên cứu nhằm chứng minh tính khả thi, thực hiện kiểm định một số vụ án đã có kết luận điều tra bằng cách: mời vong nạn nhân, thần linh lên cung cấp thông tin, sau đó đối chiếu với hồ sơ vụ án.  
- Giai đoạn 2: Thử nghiệm với các vụ án hình sự bế tắc: mời vong nạn nhân, thần linh cung cấp thông tin để có thêm căn cứ cho cơ quan điều tra xác minh.  
Trước mắt, thí điểm phương pháp "áp vong'" này chỉ thực hiện đối với các vụ án bế tắc, khi các biện pháp nghiệp vụ khác đều không mang lại kết quả hoặc với các vụ án bị cáo kêu oan kéo dài, mà không có đủ căn cứ xác định bí cáo bị oan hay không. 
Khoa học hiện đại đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng vũ trụ vẫn đầy bí ẩn. Theo một kết quả nghiên cứu, những kiến thức khoa học đã biết về vũ trụ mới chỉ chiếm khoảng 4%. Nhân loại vẫn phải sống tù mù trong 96% còn lại. Cũng theo một nghiên cứu chụp cắt lớp, não người có khoảng 86 tỉ tế bào (nơron) thần kinh. Mỗi một nơron thần kinh lại liên kết với các nơron thần kinh khác thông qua 40.000 khớp thần kinh. Thực tế hàng ngày con người chỉ sử dụng khoảng 10% số  ron thần kinh, vậy 90% kia dùng để làm gì? Có thể thấy bí ẩn của vũ trụ và tiềm năng to lớn về hoạt động của não bộ con người còn chưa được khai thác. Sự phát triển của khoa học tâm linh sẽ góp một phần làm sáng tỏ những câu hỏi đó. Nghiên cứu đề tài “Ứng dụng khả năng đặc biệt  phục vụ điều tra tội phạm” chắc chắn không giải quyết những vấn đề lớn lao như vậy, nhưng nếu thành công, nó sẽ là một minh chứng thực tế cho sự liên quan giữa não bộ và vũ trụ, sẽ góp phần xây dựng lý luận, hình thành một phương pháp mới, phi truyền thống ("thám tử tâm linh") phục vụ tìm kiếm thông tin, góp phần xác định tội phạm hình sự hỗ trợ cơ quan điều tra giải quyết vụ án.  
Mong được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người.  



[1] TS, Phó Trưởng ban  Quản lý Khoa học Viện NC&UDTNCN
[2] Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng phòng Nghiên cứu, Quản lý khoa học - Tổng cục Cảnh sát
[3] Đại tá, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Tổng cục An ninh,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét