Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

20 NĂM TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ BẰNG NGOẠI CẢM

Bài đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học toàn quốc lần 1 tháng 12/2016 về "Nghiên cứu và ứng dụng khtả năng đặc biệt của con người" do Viện NC&ƯD tiêm năng con người chủ trì tổ chức với sự cộng tác của 10 đơn vị NCKH các nội dung tương đồng.  

20 NĂM TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ BẰNG NGOẠI CẢM
Hàn Thụy Vũ[1]

Báo cáo gồm hai phần:
Phần 1: Bước khởi đầu: 24 năm bước vào thế giới vô hình (trong đó có 15 năm trong Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người).
Phần 2: Sự tồn tại của vong linh là có thật- việc giao lưu cõi âm dương là có thật- việc tìm mộ (hài cốt) liệt sĩ bằng ngoại cảm là có thật và có thể thực hiện kết quả hiển nhiên.
Đặt xung quanh bàn 12 quyển tư liệu báo cáo khoa học của 12 đề tài với hơn 2000 trang in khổ A4, 1 ấn phẩm “Bước vào thế giới vô hình” của các nhà khoa học danh tiếng Việt Nam, lý giải các biểu hiện của vong dày 340 trang, gần 1500 ảnh, hơn 100 băng ghi hình, ghi âm, 6 bộ phim hoàn chỉnh…
Không kể các ấn phẩm Tiếng Anh, Pháp, Việt chúng tôi đã phải nghiên cứu, tìm hiểu…
Mà hội thảo cho phép trình bày trong 15 phút thì thật là việc trói voi bỏ rọ, và trình độ chúng tôi không thể làm được.
Do vậy báo cáo của chúng tôi xin phép chỉ làm một bản tường trình gạch đầu dòng trong phạm vi hạn hẹp. Và sau này khi các quý vị cần nghiên cứu thêm điểm nào, chúng tôi xin cung cấp thêm.
Thực ra, từ ngày đầu tiên chúng tôi có tham vọng ghi chép đầy đủ hiện tượng, tình huống, sự việc với cố gắng cho phép để thế hệ chúng ta, (các nhà khoa học đều trên 60 – 70 tuổi) chưa lý giải được thì thế hệ các nhà khoa học trẻ, tuổi con cháu chúng ta đỡ thiếu tài liệu cho các công trình của họ. Và biết đâu thế hệ chúng ta “Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người”,của chúng ta không đến nỗi sống phí hoài quãng đời ngắn ngủi còn lại.
PHẦN I
Bước khởi đầu: 24 năm bước vào thế giới vô hình.
+ Về cá nhân sau 44 năm liên tục trong quân ngũ (quy đổi thành 61 năm 3 tháng) đến năm 1989 được nghỉ hưu.
 Lúc này như chim sổ lồng chỉ muốn đi chơi. Nhưng nhớ tới món nợ đồng đội mình đã chôn cất, cùng 1 bạn thân (là phó Chủ nhiệm chính trị Binh đoàn Trường Sơn) đi xe đạp về chiến trường cũ Hà Đông- Sơn Tây- Hà Nam – Ninh Bình – Thái Bình tìm được 5 mộ, giải oan 1 liệt sỹ mang tiếng đầu hàng địch (Lê Trung Nhơn – quê Quảng Ngãi) xây mộ chu đáo (sau giúp mẹ và em gái liệt sỹ đưa mộ về quê). Món nợ này thực cũng chưa trả hết.
+ 1990 thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam. Anh Song Hào chủ tịch lâm thời và Lê Hiến Mai Phó chủ tịch gọi đại tá Cao Nham và tôi về thiết kế ra báo Cựu chiến binh. Tôi chấp nhận vì được đồng ý cho ra phụ san “tìm người thân” để thông tin tìm liệt sỹ. Từ 1990 đến 1999 ra được hơn 100 phụ san 8 trang rồi 16 trang không bán, không thu tiền gia đình liệt sỹ đăng tin, ảnh tìm con em. Qua thông tin của đồng đội
 tìm được 1200 liệt sỹ (số tròn). Số tiền tòa soạn báo Cựu chiến binh việt Nam phải chi không dưới 200 triệu đồng.
Có tờ báo trong tay có giáo sư Hoàng Phương động viên, anh và tôi là 2 người đầu tiên viết về tìm mộ bằng ngoại cảm. Những rắc rối “tin và không tin” bắt đầu xảy ra. Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam ra chỉ thị cấm cựu chiến binh tìm mộ bằng ngoại cảm (!)
+ 1991: Bác sỹ- tiến sỹ Trần văn Dần dẫn anh Đỗ Bá Hiệp gặp tôi tại Tòa soạn. Tôi đi theo anh Hiệp cả hàng chục lượt. Anh tìm mộ rất dễ dàng chính xác, các gia đình khâm phục.
+ 9- 1993: Anh Hoàng Phương và tôi viết về anh Đỗ Bá Hiệp đăng báo Hà Nội mới và tập san Thế giới mới (nhiều kỳ) Báo Tiền Phong do một công tác viên len vào đành tới tấp, phỉ báng không tiếc lời. Cuộc tranh luận kéo dài 4 tháng đến hết năm 1993. Kết cục báo Tiền Phong có mời tôi sang Tòa soạn bày tỏ những ý nghĩ tốt đẹp.
+ 3- 4-1993: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thư ký gọi tôi bảo dẫn anh Đỗ Bá Hiệp vào gặp Anh. Thư ký cho biết anh Giáp tiếp 15 – 20 phút (sau thành 60 phút). Sau khi báo cáo Anh một vài việc biết ý Anh muốn hỏi riêng nhiều chuyện, tôi xin phép sang buồng Bí thư. Khi chia tay, Anh bảo tôi: “Nhà báo phải chụp ảnh kỷ niệm chứ!” Tôi đáp “Thưa sợ Đại tướng không cho chụp nên không mang máy” Anh cho gọi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trực lên chụp. Lúc chào Anh, Anh nói riêng với tôi: “ Vấn đề tế nhị, nhậy cảm, các cậu cố gắng nghiên cứu mà làm”.
Cũng thời gian này giáo sư Ngô Vi Thiện là bạn thân thiết cũ tới gặp tôi tại Tòa soạn và nhà riêng. Anh cho biết phải làm mấy chương trình lớn: Tìm liệt sỹ ở núi Non Nước (Ninh Bình) và ở chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh ).
Thực ra từ năm 1993, nối tiếp anh Đỗ Bá Hiệp (sinh 1936) lực lượng ngoại cảm có thêm cháu Phan Thị Bích Hằng (sinh 1971), Thầy Trần Quang Bích kỹ sư phát hiện và bồi dưỡng hai cháu Thẩm Thúy Hoàn (sinh 1977) và Nguyễn Thị Phúc Lộc (sinh 1978).
+ Từ tháng 4 năm 1993, chúng tôi cùng giáo sư Ngô Vi Thiện, và các cựu chiến binh sư đoàn 308 chuẩn bị các thủ tục và một năm sau, tháng 4 năm 1994 tìm được 13 liệt sỹ dưới 4 mét đất ở Non Nước (Ninh Bình).
Hai cháu Thẩm Thúy Hoàn và Nguyễn Thị Phúc Lộc có Phan Thị Bích Hằng tham gia lúc đầu và đã tìm được đủ danh tính quê quán. 12 gia đình đến nhận mộ, chỉ còn liệt sỹ Dương A Xoéng ở Kỳ Sơn (Hòa Bình) theo phong tục người Mường coi như đã có mộ ở quê.
Đầu năm 1994, thiếu tướng Chu Phác xem băng thấy tôi có mặt tìm liệt sỹ ở Non Nước, anh gửi cho tôi mấy chữ hẹn gặp nhau. Đã quen biết từ lâu, nay tâm đầu ý hợp, hai anh em đã thành một lúc cuối đời. Anh cho tiền làm phim Tình đồng đội.
+ Tháng 8 năm 1994 hai cháu Thẩm Thúy Hoàn và Nguyễn Thị Phúc Lộc cùng chúng tôi, kỹ sư Trần Quang Bích, giáo sư Ngô Vi Thiện đã tìm được 5 mộ liệt sỹ ở đồi Đông Triều, gọi lần lượt đúng tên được các gia đình công nhận. (Thực ra là có 4 hài cốt vì hài cốt liệt sỹ võ sĩ quyền anh Đỗ Đặng còn chôn trong rừng Hổ Lao).
+ 5 – 1995, hai cháu tìm được 2 hài cốt liệt sỹ ở Pheo (chiến dịch Hòa Bình 1952).
Tiếp đó chúng tôi tham gia Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người, đề tài TK05/TM ra đời và tháng 12 năm 2001 cháu Phan Thị Bích Hằng tìm mộ liệt sỹ Anh hùng Lương Ngọc Quyến, người cùng Đội Cấn lãnh đạo khởi nghĩa Thái Nguyên 1917.
          - Tìm mộ Bí thư xứ ủy Trung kỳ Nguyễn Phong Sắc, người lãnh đạo khởi nghĩa Xô viết Nghệ -Tĩnh.
- Tìm mộ liệt sỹ công an xung phong Nguyễn văn Dần kiểm chứng phương pháp trứng đũa v.v…
- Và một số trường hợp khác đều thành công trước khi về thành lập Bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người).
Từ khi nhóm nhỏ các nhà ngoại cảm về thành lập Bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người đến nay đã qua 15 năm. Chỉ kể từ đề tài TK05, “lần đầu tiên Bộ môn thực hiện một cách chính thức việc tìm mộ bằng ngoại cảm”, đến nay đã làm đến đề tài thứ TK12. TM. Các đề tài đều được Hội đồng Khoa học 2 cấp đánh giá xuất sắc, đồng thời vẫn tìm mộ và làm nhiều việc tâm linh khác. Phần này khi tổng kết 10 năm, cũng như 5 năm tiếp theo và qua 2 cuộc Hội thảo Khoa học “Giả thuyết, lý giải các hình thái biểu hiện của vong” do Bộ môn tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh (20/9/2009) và ở Hà Nội (7/5/2010) với hơn 600 thành viên tham dự, chủ nhiệm Bộ môn thiếu tướng – tiến sĩ Nguyễn Chu Phác đã có nhiều tổng kết giá trị sâu sắc.
 Được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước theo dõi, động viên, chúng tôi không bao giờ nản chí. Tiếc rằng có người hữu trách về “lãnh đạo con người” có lẽ chưa để mắt xem chúng ta làm được cái gì hữu ích cho cuộc sống và có vẻ muốn “rào vây” cuộc sống tâm linh lại. Trong Hội thảo Khoa học do Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người chủ trì lần này trong phạm vi hạn hẹp, chúng tôi chỉ trình bày thêm một số ý kiến, những suy nghĩ nhỏ hy vọng đóng góp vào vấn đề to lớn của chúng ta.

PHẦN II:
Sự tồn tại của vong linh là có thật. Việc giao lưu cõi âm – dương là có thật. Việc tìm mộ (hài cốt) liệt sĩ bằng ngoại cảm là có thật và có thể thực hiện kết quả hiển nhiên.
Ý kiến đầu tiên, việc trắc nghiệm, khi bắt tay sàng lọc “những người có khả năng đặc biệt” trong đầu tôi không có một ý niệm gì. Nói đúng là không tin, không tin một cái gì chưa tận mắt nhìn thấy, tay mình không chạm tới. (Mặc dù việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ rất chu đáo, chúng tôi thấy các cụ tồn tại trong ký ức, như khi các cụ còn sống).
 Từ khi còn đơn độc một mình, cho đến khi thành lập Bộ môn có thêm các anh phụ trách, chúng tôi đã khảo sát, trắc nghiệm liên tục hàng trăm trường hợp gọi là “người có khả năng đặc biệt”. Trong tâm tưởng, chúng tôi tâm đắc định đề của nhà triết học Pháp Descartes thế kỷ XVII: “Có nghi ngờ mới có tư duy, có tư duy mới tồn tại”. Và hướng tới mục tiêu cuối cùng (góp phần đưa liệt sĩ về với gia đình) với lời răn dạy của K.Mác: “ Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo cho bộ da của mình”.
Phải nói, đây là một quá trình gian khổ. Không một người có khả năng đặc biệt (khoanh chủ yếu trong mục tiêu tìm mộ) mà chúng tôi không gặp gỡ nhiều lần, bàn bạc, tìm hiểu, nhiều khi khá thóc mách. Tiếp đó là bước thực nghiệm trên thực địa. Trong 10 năm đầu, kể cả sau này, hầu như các nhà ngoại cảm đi thực địa đều có cán bộ phụ trách đi theo dõi ghi chép. Để đủ tư liệu, chứng cứ nghiên cứu chúng tôi tự bỏ tiền túi, tự trang bị máy ảnh, máy ghi âm, máy ghi hình, làm phim và lưu đĩa hình. Nay những tư liệu ấy vẫn được bảo quản tốt.
Đến nay đã có những nhà ngoại cảm thế hệ thứ 4 thứ 5, số lượng có lúc  tới 3 – 40 người (kể cả những người ẩn danh) và có đóng góp ấn tượng, với kết quả xứng đáng được ghi nhận và không dễ gì bác bỏ được. Tuy nhiên, như giáo sư Hoàng Phương, người đã bỏ hàng chục năm cuối đời nghiên cứu tâm linh đã có kết luận: Người có khả năng đặc biệt là người đa nhân cách (có nghĩa anh chị ta lúc là A, lúc là A’, lúc là B, C …)
Tôi hỏi: Anh nói nhân cách con người thì thiên hình vạn trạng có trung thực và gian dối, cao thượng và hèn mọn, rộng lượng và hẹp hỏi, tâm vàng, đức sáng và tăm tối vv… Anh diễn giải: “ Đấy đúng là chỗ quản lý “người có khả năng đặc biệt” phải nắm chắc họ tự hoàn thiện theo hướng nào, họ đi theo nguồn sáng tâm linh hay vào hang tối địa ngục. Vươn tới cõi thiêng liêng khó lắm!”. Chúng tôi đã chứng kiến có lúc nhà ngoại cảm nói đâu trúng đó, bỗng nhiên “như bị nhiễu” rơi vào hư vô mênh mông hoang tưởng. Và sự chuyển biến của họ, có thể hiểu được, khi thấy mất dần khả năng, có người mất hẳn do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt nguyên nhân chủ quan nhạt nhòa tâm đức để tiền tài, danh vọng chi phối. Và lúc này câu nói của Abraham lincos hoàn toàn chính xác: “Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc. Lừa được mọi người trong vài lúc. Nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc”.
Cần nhắc lại rằng việc đầu tiên bỏ công sức khảo nghiệm nghiêm túc các đối tượng nghiên cứu và hoạt động của Bộ môn Cận Tâm Lý là hành động đúng đắn. Đó là cơ sở để theo dõi, rút ra những căn cứ, xác định các tiêu chuẩn và kết luận các tiêu chí, mở ra các khái niệm mới có thể chấp nhận được, và gợi mở những lý giải, những giả thuyết khoa học như chúng ta đã thấy 15 năm qua.
Chúng tôi xin phép báo cáo ý thứ hai.
Ở đây chúng tôi xin trình bày một số hiện tượng, tình huống đặc biệt mà trong các báo cáo trước chưa có điều kiện ghi nhận về mối quan hệ Âm – Dương.
1. Liệt sỹ Nguyễn Công Mậu, anh ruột thượng tá Nguyễn Thế Kỷ bộ đội không quân, hy sinh ngày 15/4/1954 an táng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Trung Kiên (Phúc Yên) nằm trong số 120 mộ chưa biết tên. Nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp đưa gia đình liệt sỹ tới nghĩa trang. Anh tả liệt sỹ đầy đủ hình dáng, tính tình như khi còn sống. Anh bảo: “liệt sỹ Mậu rất giống em ruột là tiến sỹ Nguyễn Như Ý (rất trắng trẻo) nhưng sao khi hy sinh mặt đen sì như Tây đen”. Đến đây cả gia đình vô cùng xúc động khâm phục vì gia đình biết rõ anh Mậu khi hy sinh bị cháy đen vì bom napan.
Anh Đỗ Bá Hiệp có khả năng từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Anh chỉ cần nắm tay thân nhân người mất mộ, sau vài phút anh có thể cung cấp thông tin: hình dáng, tính tình, còn hay mất hài cốt, địa điểm hài cốt vv… Các hài cốt anh chỉ dẫn đều chính xác dù có trường hợp rất khó. Sau này có điều kiện thử AND đã có một số gia đình thực hiện.
2. Tìm hài cốt 13 liệt sỹ (4/1994) ở ngã ba sông Vân, sông Đáy, chân núi Non Nước (Ninh Bình). Chương trình này chúng tôi cùng giáo sư Ngô Vi Thiện, anh em cựu chiến binh sư đoàn 308 chuẩn bị mất 1 năm. Từ chỗ tìm liệt sỹ Nguyễn Văn Tý tức Anh Tâm, thường gọi Tý Tâm theo yêu cầu của gia đình. Hai cháu học sinh phổ thông Thẩm Thị Thúy Hoàn ( sinh năm 1977) và Nguyễn Thị Phúc Lộc (sinh năm 1978) mới 16 – 17 tuổi dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Trần Quang Bích, có sự cộng tác của cháu Phan Thị Bích Hằng lúc đầu đã phát hiện thành 13 liệt sỹ.
Ở đây tôi chỉ xin trình bày hai điểm:
+ Đây là lần đầu tiên được chứng kiến cuộc giao lưu âm dương giữa các liệt sỹ với 3 nhà ngoại cảm, không được biết việc làm của nhau, kéo dài tổng cộng gần 3 tiếng đồng hồ ở 2 – 3 địa điểm khác nhau, rồi tại thực địa, ở các thời điểm khác nhau mà thông tin trùng hợp đến ngỡ ngàng, kỳ lạ. Bước đầu các nhà ngoại cảm nhận được danh tính, quê quán 8 liệt sỹ. Tiếp sau đó, tại hiện trường thêm 5 liệt sỹ. Báo Cựu chiến binh Việt Nam đăng số tháng 6 năm 1994 nhiều đồng đội nhớ xác định công nhận, nhiều gia đình đã nhận mộ.
+ Trước khi đi hai nhà ngoại cảm Hoàn và Lộc hỏi địa điểm các liệt sỹ còn hài cốt và núi Non Nước. Các liệt sỹ bảo “cứ đi rồi sẽ chỉ”. Hai cháu còn là học sinh phổ thông từ nhỏ chưa rời Hà Nội một lần. Chúng tôi ngồi trên xe, im lặng để các cháu dẫn đường. Tới Ninh Bình, qua nhiều núi, các cháu chỉ nơi rời quốc lộ 1 và rẽ đúng đường vào chân núi Non Nước. Cũng con đường này lần đi trước chúng tôi đã phải hỏi, rẽ ngoằn ngoèo mới vào tới nơi.
+ Đặc biệt lần đầu tiên chúng tôi mời cháu Phan Thị Bích Hằng (nhà ngoại cảm mới xuất hiện quê ở Ninh Bình) kiểm tra chéo và không cho biết nơi hai cháu Hoàn và Lộc đã tìm. Nhà ngoại cảm Bích Hằng tới ngay địa điểm ven sông, chỉ đi lại vài ba lượt trên khoảng gần 100m, cháu đã ngồi xuống đúng chỗ tập trung nhiều hài cốt nhất. Trong cuộc nói chuyện kéo dài, Bích Hằng “phiên dịch”, liệt sỹ Tâm nói: “Đến nay là đã 41 năm 11 tháng thiếu 3 ngày gia đình và đồng đội mới tới thăm tôi”. Câu nói xoáy vào tim chúng tôi. Anh Ngô Vi Thiện quay mặt lau nước mắt. Sau mở lịch đếm từng năm, tháng, ngày càng thấy đau xót. Hôm ấy là 25 tháng 4 năm 1993, các đồng chí hy sinh đêm 28 tháng 5 năm 1951, đúng là 41 năm 10 tháng 27 ngày. Thế ra các đồng chí nằm đó, tại cái bến sông buôn bán tre vầu sầm uất đã đếm từng ngày mong mỏi người thân! Bẩy năm sau, đọc trên báo An ninh thế giới bà Monique Selim, tiến sỹ nhân chủng học xã hội thuộc Viện chiến lược và chính sách y tế Pháp, rất xúc động về câu liệt sỹ nói và quyết định phải gặp anh Chu Phác và tôi để tìm hiểu.
3.Việc tìm mộ 5 liệt sỹ trên núi Đông Triều (Quảng Ninh – 25/8/1994). Có 2 chuyện cần ghi lại: Sau gần một năm chuẩn bị, GS Ngô Vi Thiện cùng chúng tôi đã tìm được 3 thân nhân liệt sỹ. Riêng võ sỹ quyền anh liệt sỹ Đỗ Đặng ở Hải Phòng không tìm được người thân. Sắp tới ngày lên đường còn thiếu gia đình liệt sỹ Trần Sáu. Đại tá Nguyễn Mai Hiến em liệt sỹ Nguyễn Chí Kính chợt nhớ một việc người quen nhờ đã đến lúc phải trả lời. Anh tới nhà chị Thúy. Chị đi vắng, anh viết mấy chữ cài vào khóa cửa. Chiều tối chị Thúy vội tìm anh Hiến chị bảo “sao bác không gọi cháu đến, lại cất công vội tìm cháu”.Anh Hiến: “vì mai bác phải đi Đông Triều tìm mộ anh bác”. Chị Thúy mừng rỡ cháu cũng có bác ruột là Trần Sáu hy sinh năm 1945 ở Đông Triều. Đêm ấy chị Thúy gọi cho mẹ (em gái liệt sỹ Trần Sáu) ở Lạng Sơn. Mẹ chị không kịp đi theo, chị thuê riêng một ô tô đi cùng. Chúng tôi mừng vui. Anh Ngô Vi Thiện bảo: “một sự tình cờ khá kỳ lạ. Chỉ là ngẫu nhiên hay là tác động của tâm linh do sự run rủi của đồng chí Sáu như người xưa thường nói?”
Chuyện thứ hai: 01 giờ sáng 26/8/1994, chúng tôi làm lễ và bắt đầu khai quật. Đến 10 giờ đào được một hố rộng hơn 1 mét, dài 5 mét, sâu hơn 1 mét thì gặp vỉa đá nguyên sinh. Ai cũng nhận thấy không thể đặt mộ vào vỉa đá đó được. Chúng tôi quyết định dừng, lòng đầy ngờ vực và lo lắng. Vì sao hai nhà ngoại cảm Hoàn và Lộc chỉ theo “ý kiến của các liệt sỹ” lại phạm sai lầm? Mà mới một năm trước tìm 13 liệt sỹ ở núi Non Nước rất khó phải phân biệt lại không vấp váp chút nào.
Trời nắng chói lọi. Chúng tôi chui vào một căn hầm công sự boong ke cũ của địch trên đỉnh đồi. Chúng tôi làm lại cuộc giao lưu với các liệt sỹ. Chúng tôi hỏi qua hai cháu Hoàn và Lộc, liệt sỹ Nguyễn Chí Kính trả lời “đúng là chúng tôi chỉ sai vị trí. Nhưng xin hỏi các người, tại sao đồng chí Hợp muốn ở lại Đông Triều, mà các người cứ muốn đưa Hợp về quê? Các người nghĩ thế nào mà làm như vậy? Thôi, các người đi về đi. Đừng tìm nữa vô ích. Chúng tôi không chỉ chỗ cho đâu!”Anh Ngô Vi Thiện cho biết đúng là lần trước ông H là một trong những người cháu hưởng quyền thừa kế liệt sỹ Hợp có chủ ý đưa hài cốt liệt sỹ Hợp về quê. (Phải nói thêm về chuyện này. Đồng chí Nguyễn Duy Hợp hoạt động cách mạng từ năm 1943 – 1944, trong hoàn cảnh nghèo khó một mẹ một con, được cả xã, cả huyện tôn vinh. Cách mạng thành công, đồng chí Hợp hy sinh tháng 10 – 1945. Các cháu liệt sỹ mang mẹ Hợp ra Hà Nội. Thành phố cấp cho mẹ đủ nhà ở khang trang. Họ để mẹ ở một thời gian cho phải phép rồi lại đưa mẹ về căn nhà nát xưa. Khi mẹ từ trần không có ai ở bên. Vong linh liệt sỹ Hợp kể lại chuyện này cho chúng tôi nghe trong nỗi buồn vô hạn). Người thừa tự sau một hồi nghe ngóng đã đồng ý để liệt sỹ Hợp ở lại nghĩa trang liệt sỹ Đông Triều. Chỉ một lát sau hai nhà ngoại cảm chỉ sang điểm phía nam dưới chân đồi cao (đối diện và cách điểm cũ gần 300m). Cuộc khai quật kéo dài suốt đêm, phá rất nhiều đá tảng, đã tìm đủ hài cốt 4 liệt sỹ, cùng nhiều đinh và ván quan. Nhưng nỗi buồn của chúng tôi chẳng được giải tỏa khi ông H nhất quyết đưa liệt sỹ Hợp về quê. Hai nhà ngoại cảm đành nhắc lại ý liệt sỹ Hợp “việc làm trái ý tôi thế này, hậu quả thế nào không lường được đâu”.
 Ở đây chúng ta chưa có dịp bàn đến vấn đề luật nhân quả hiển hiện.
4. Tìm liệt sỹ anh hùng Lương Ngọc Quyến được nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thu nhận thông tin qua chỉ dẫn của cụ khá đầy đủ (21/12/2001). Về đường đi đến địa điểm, các mốc bụi tre, chuồng lợn, ao nhỏ, cây bạch đàn mới chặt có nẩy 3 chồi vv..(nơi cụ nằm). Mọi người đều tin tưởng. Nhưng đáng ghi nhận là khi tôi và cháu Bích Hằng đi trước vào nhà ông chủ trang trại trồng chè, ông nói ngay: “các ông bà đi tìm mộ ở đây?” và ông kể lại giấc mơ đêm qua mà ông vừa nói với vợ. Ông bảo mấy hôm trước có gia đình đi qua tìm hỏi rồi sang đồi bên kia. Chiều ấy một đàn chim về ríu rít ở bụi tre, sau còn một con vàng anh đậu hót mãi. Đêm qua ông mơ thấy một vật tròn đen ở gốc cây bạch đàn và cứ vác cuốc ra đào xới mãi. Các ông tìm mộ cứ tìm chỗ gốc bạch đàn. (may tôi kịp ghi hình được đoạn cảnh này, nay xem lại băng vẫn thấy lạ về một linh ứng).
5. Tìm liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung kỳ, người chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (ngày 11/10/2002) vấp ý định giữ  mộ tổ ông giáo T. Tại địa điểm nghi ngờ có mộ liệt sỹ. Đảng ủy, chính quyền xã họp mấy lần chưa tìm ra hướng giải quyết. Tại thực địa, có một ngôi mộ mới đắp tròn to đẹp. Sau mấy phút đi quanh khu đất ven sông Lam, Bích Hằng nói nhỏ với tôi: “chỗ nấm đất mới không có mộ. Mộ cụ ông giáo ở chếch 2 -3 mét ra phía bờ sông”. Và Bích Hằng xác định mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc cách 3- 4 mét về phía trong. Trước đông đảo bà con trong thôn và chính quyền xã, nhà ngoại cảm Bích Hằng nói to với mọi người về tên và chỉ mộ cụ tổ ông giáo T.
Đến hôm khai quật, xã phải làm thêm việc đào nơi nấm mộ mới đắp và mọi người thấy hài lòng, tin tưởng. Tôi cứ ngẫm rằng nếu không có vong linh bậc tiền bối của hai gia đình phù trợ và Bích Hằng là người truyền đạt thì việc tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc không phải dễ dàng.
6. Tìm mộ liệt sỹ Phạm Văn Thành hy sinh 8/3/1965 tại Knăk huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Từ tìm một liệt sỹ thành gần 300 liệt sỹ.
Đây là trận đánh căn cứ huấn luyện biệt kích của Mỹ nằm trên dãy đồi cao Knăk (nay thuộc huyện KBang tỉnh Gia Lai) trận đánh đêm 8/3/1965 không thành công, hy sinh gần 400 đồng chí, hầu hết phải bỏ lại trong rừng. Và hầu như đã bỏ quên 37 năm!
Người đề xuất chủ yếu: Anh Phạm Văn Mẫn tìm anh ruột là liệt sỹ Phạm Văn Thành. Sau có thêm anh Ngô Trọng Quang em liệt sỹ Ngô Trọng Đãi tham gia.Anh Phạm Văn Mẫn đã bỏ nhiều công sức tìm được 9 nhân chứng, những người trực tiếp đánh trận này hầu hết đã ở tuổi 6- 70, tìm được danh sách tương đối đầy đủ của các đơn vị tham gia (Tiểu đoàn đặc công 409, Quân khu 5; đơn vị đặc công tỉnh Bình Định; và một số đơn vị thuộc Trung đoàn 95A…).
Bộ môn gồm hai cán bộ và 3 nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bẩy, Thẩm Thị Thuý Hoàn đã vào Knăk 6 đợt (Hà nội – Knăk 1500km). Có đợt đón đủ 9 cán bộ nhân chứng tới thực địa. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên chính uỷ quân khu 5 thời kỳ chống Mỹ làm trưởng đoàn, có thiếu tướng Châu Khải Địch phụ trách đặc công quân khu 5 giúp sức.
Đoàn đã xác định được 10 hố chôn hỗn độn 128 liệt sỹ (có tên quê quán, đối chiếu danh sách được đồng đội và đơn vị công nhận).
Trong gần 4 tháng đầu năm 2002 và nối tiếp sang đầu năm 2003 có sự giúp sức vô hạn của đồng bào và đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền huyện Kbang mới thành lập (còn rất nghèo khó) đã cắt mấy quả đồi thành lập nghĩa trang, dày công quy tập được gần 300 liệt sỹ…và tiếp sau xây tượng đài, đài tưởng niệm, miếu thờ bia đá ghi công hoành tráng thoả lòng mong ước của mọi người. Đây là một công trình khó khăn gian khổ, khó kể xiết (xin tham khảo bản báo cáo tổng kết 200 trang còn lưu trữ).
Ở đây chúng tôi xin ghi lại 3 hiện tượng cần xem xét.
a. Đợt đi thực địa lần đầu, anh Phạm Văn Mẫn mời nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy đi cùng ngoài kế hoạch. Họ đã tìm tới “khu rừng ma” (tên đồng bào đã đặt cho một cánh rừng rậm rải bên suối Đắc Lốp, không ai dám xâm phạm vì họ bảo có nhiều bộ đội hy sinh còn nằm ở đó). Đây là khu rừng rất rậm rạp, mỗi bước phải phát cây mở đường. Theo những thông tin Nguyễn Khắc Bẩy được các vong linh liệt sỹ chỉ dẫn, tới đây anh Bẩy rơi vào mù mịt mất phương hướng. Anh điện hỏi chủ nhiệm Bộ môn, thiếu tướng nguyễn Chu Phác ở Hà Nội. Anh Chu Phác hỏi “ở đấy ai là Thành?”. Anh Mẫn: “Thành là anh ruột cháu, là liệt sỹ chúng cháu đang tìm nhưng không thấy” Anh Phác lại hỏi  “ở đây có ông chỉ huy đeo súng ngắn cũng hy sinh không?”. Anh Mẫn: “có một ông chỉ huy, là tiểu đoàn trưởng hy sinh cùng anh cháu” Anh Phác bảo  “ông đeo súng lục cầm cái gậy đuổi các cậu về và nói, ở đây có hàng trăm liệt sỹ chúng nó không tìm mà chỉ tìm một người là Thành – anh nó – thì không cho tìm”. Anh Phác bảo anh Mẫn: “phải về ngay để nghiên cứu, tổ chức lại cuộc tìm mộ này”.
Cuộc tìm lần một không được việc. Nhớ lại các cuộc tìm mộ tập thể ở Non Nước bớt khó khăn phức tạp vì bắt đầu từ liệt sỹ Tý Tâm là chính trị viên đại đội, còn ở Pheo chỉ tìm được 2 liệt sỹ (có thân nhân đi cùng) song rất khó khăn, vì đồng đội biết còn nhiều liệt sỹ hy sinh trong trận này nên chưa tạo được lòng tin, gây rối suy nghĩ của những người chứng kiến. Bài học này dạy chúng tôi rằng tìm mộ tập thể không được “quên” người chỉ huy cao nhất, tìm nhiều mộ họ tộc không được “quên” bậc bề trên, hoặc người cao tuổi nhất. Phải chăng “trật tự xã hội âm” vẫn tồn tại, có tôn ti trật tự, có trên có dưới nhưng là một trật tự liên kết không phải họ nhà tôm lộn c… lên đầu?. Thực tiễn công việc 20 năm buộc chúng tôi phải đặt câu hỏi như thế.
b. Các bước tiếp theo, nằm trong kế hoạch TK06 – TM được chuẩn bị, quy hoạch rất kỹ. Trước khi đi thực địa chúng tôi lên K9 dâng hương cầu Bác phù hộ. Ngày 26/3/2002, tại Hà Nội Phan Thị Bích Hằng cùng anh Phạm Văn Mẫn và chúng tôi đã mời 2 liệt sỹ Ngô Trọng Đãi và Phạm Văn Thành về. “cuộc nói chuyện” kỳ lạ kéo dài hơn 70 phút (có ghi hình đầy đủ). Nhiều vấn đề sáng rõ quanh 8 mộ liệt sỹ đưa về đến trạm trung phẫu tiền phương. Chỉ ghi mấy ý của liệt sỹ Ngô Trọng Đãi “nằm dưới lòng suối, có 8 người… bây giờ chưa nói hết ra được…Vì có nói ra sẽ chẳng ai vào với chúng tôi nữa…” Liệt sỹ Phạm Văn Thành cũng nói với em một số ý quan trọng nữa. Anh Phạm Văn Mẫn, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và chúng tôi đều đồng thanh hứa với hai anh là sau khi tìm được các anh và một số liệt sỹ khác sẽ báo cáo Bộ Quốc Phòng xin được xây đài tưởng niệm, dựng bia ghi tên tất cả các liệt sỹ ở Knăk tại nghĩa trang.
c. Ngày 30/3/2002 chúng tôi bắt đầu tìm ở trạm trung phẫu. Mọi người rất mừng vì có cựu chiến binh trung tá Nguyễn Văn Ẩm là chính trị viên phó tiểu đoàn 409 đặc công trực tiếp phụ trách trạm trung phẫu, và việc chôn cất 8 liệt sỹ. Trung tá Ẩm kể: Các thương binh nặng đưa về trạm trung phẫu, nếu không cứu được thì bác an táng chu đáo, thành hàng nghiêm chỉnh bên sườn đồi. Sau đó xuống suối cách khoảng 25 mét rửa tay rồi lên gốc cây đa cổ thụ ngồi. Do tuổi cao, đã 74 tuổi và địa hình thay đổi nhiều, hầu như không còn dấu vết gì như bác còn nhớ. Bác Ẩm như người thất thần, thắp hương cầu xin thần linh thổ địa và các liệt sỹ chỉ dẫn. Các nhà ngoại cảm lại rơi vào hư vô không “thấy” một vong nào. Cuộc đào xới một vài địa điểm toàn đất đỏ au, rễ cây, phải dừng lại.
Đến 20 giờ, đang ngồi chơi tại phòng nghỉ, chợt nhà ngoại cảm Thẩm Thuý Hoàn reo lên: Bác Đãi về. Mọi người quây quần “ trò chuyện”. Bác Ngô Trọng Đãi có mấy ý kiến đáng chú ý. “có 471(?) anh em hy sinh trên mảnh đất này nhưng địch mang hai xe vận tải lớn chất đầy anh em rồi đem đi đổ ở đâu không rõ. gần 100 anh em địch mang lên đồi đổ xăng đốt hết”. Liệt sỹ Đãi xác định điểm tìm buổi sáng là đúng nhưng nay do địa phương đắp đập giữ nước thành hồ, nên 8 liệt sỹ nằm dưới 3 – 4 mét nước sâu bên gốc đa bị cưa ngang. Liệt sỹ cũng xác định vị trí 8 người: Đãi - Tất - Được - Tuyển - Hưởng – Bình – Thành và Công (người trẻ nhất) như Phan Thị Bích Hằng đã chỉ.
Liệt sỹ Đãi khẳng định: “Còn ở lại đây để đấu tranh đưa được anh em ra khỏi khu rừng này”.
Lúc này chúng tôi càng hiểu vì sao bác Ẩm và các nhà ngoại cảm đều bị “che mắt” vì hơn ai hết các liệt sỹ biết rõ thời điểm ấy chưa thể lặn xuống nước tìm mò hài cốt của họ. Và đúng như vậy, phải 5 tháng sau, đến ngày 27/8/2002, khi Đảng uỷ, Chính quyền huyện cho phép mở đập tháo nước (1) mới tìm được hài cốt 8 liệt sỹ.
Và thật tốt đẹp, các đợt tiếp sau kéo dài cả sang năm 2003 đều tiến hành suôn sẻ.
7. Tìm những người chết trôi nổi trên sông, biển, những người bỏ nhà đi mất tích, những thủ phạm vụ trọng án vv…
Bước sang mấy năm đầu thế kỷ 21, chúng tôi đang đứng trước những đòi hỏi mới. Có khả năng đi tiếp  những bước tìm kiếm hóc hiểm hơn nữa hay không?. 
Qua năm 2000, hơn 10 năm đã trải qua đạt kết quả từ chỗ tìm từng mộ, tới tìm mộ tập thể nhiều người. Nay lực lượng những người có khả năng đặc biệt, lực lượng cán bộ tăng lên chút ít. Bước đầu đã đặt ra một số tiêu chí như có thân nhân đi cùng, những thông tin nhà ngoại cảm cho trước như đặc điểm vị trí, đặc điểm hài cốt dưới mộ, về di vật chôn theo… phải đạt 6 – 70% mới bắt tay vào làm. Việc kiểm tra chéo bắt đầu thực hiện nhiều hơn.
Nay đứng trước yêu cầu bức xúc của nhiều gia đình, hầu như không ai bảo ai đều quyết tâm làm.
a.Trận gió mùa Đông Bắc và lốc cuốn tháng 10 năm 1985 đã đánh đắm cả 4 thuyền của xã Tràng Cát, huyện An Hải, Hải Phòng, ở vùng biển Nghệ An, Thanh Hoá. Riêng thôn Lương Khê mất 13 người. Các gia đình đã liên tục 17 năm tìm kiếm vô vọng. Tình cờ một gia đình liên hệ với chúng tôi. Nhà ngoại cảm trẻ tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Bẩy từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trở về, nhận nhiệm vụ này. Anh đã nhanh chóng xác định: Có 6 người trôi vào đảo Hòn Mê, một hòn đảo quân sự không có dân, được chiến sỹ trên đảo chôn cất, chăm sóc hương khói

Ghi chú (1): Hồ nước Đắc Lốp là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và canh tác của cả huyện lị Kbang. Đảng ủy và chính quyền huyện,chờ mùa mưa tới mới hạ quyết tâm cho tháo nước. Và nếu không được đồng bào nhất trí chắc việc tìm 8 liệt sĩ không bao giờ thực hiện được.

chu đáo. Ngày 5/11/2002 Bẩy cùng bà Quan Lệ Lan cán bộ của bộ môn và gia đình ra đảo Hòn Mê. Kết quả bộ đội giúp cất bốc được hài cốt. Các dấu vết cho trước như bị cá ăn mất bàn chân phải, và các di vật như áo bay, quần cộc, dây chun thắt nhiều nút, dây đeo tượng chúa… còn trên hài cốt khiến gia đình nhận ngay ra người thân  của 2 gia đình, cải táng 3 ngôi chờ tìm thân nhân.
b.Anh Ngô Hoài Nam cán bộ đài tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh có mẹ là bà Nguyễn Thị Hoa bỏ nhà đi từ năm 1993 và bặt tin ngay. Các con bà đi tìm, nhờ các cơ quan chức năng qua nhiều đầu mối suốt 12 năm ròng. Qua báo chí, nhà báo Hoài Nam liên hệ được với chúng tôi. Anh Nguyễn Khắc Bẩy được giao nhiệm vụ. Thấy công việc rất khó chúng tôi giao thêm nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng kiểm tra chéo ở một địa điểm, thời điểm khác. Khắc Bẩy cho biết bà Hoa rớt xuống sông Sài gòn, từ trần ngay hôm bà rời nhà. Nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng cho thông tin trùng về thời gian mất, và quần áo bà mặc. Chúng tôi xem bản đồ sông, kênh, rạch từ TP Hồ Chí Minh đổ ra biển thật không ai có thể đoán thi hài bà trôi qua những sông nào. Anh Bẩy đã vẽ một bản đồ khá chi tiết nơi bà được an táng, với những mốc dễ nhận biết, ở góc trên bản đồ có chữ Phước An. Nhà báo Hoài Nam đã chọn được người lái xe ôm rất thông thuộc đường. Anh đã tìm tới nơi bà mẹ được an táng. Khi khai quật, thấy hài cốt, anh còn chưa thực yên tâm. Niềm tin chắc chắn khi anh thấy chiếc nhẫn vàng bà ngoại tặng mẹ anh. Anh vội gọi điện cho tôi: Chính xác tuyệt đối rồi, không cần thử nghiệm gì nữa.
c.Mở rộng khả năng ngoại cảm này chúng tôi mở rộng việc tìm kiếm liệt sỹ sang một số lĩnh vực khác. Chúng tôi cảm thấy mối quan hệ âm dương ngày càng gần gũi và có thể mở rộng hơn.
Chúng tôi nhớ tới việc “tìm người bỏ nhà đi mất tích nhưng còn sống”, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thực hiện thành công từ năm 2002. Ông Vũ Minh ở chung cư 26 Nguyễn Khắc Nhu (Ba Đình – Hà Nội) có con trai tên là Đ học sinh lớp 11 trường Phan Đình Phùng bỏ nhà đi từ 7/1/2002. Ông đã nhờ nhiều nhà ngoại cảm nhưng vô vọng. Đến với Bích Hằng ngày đầu tháng 3 cháu chọn con đường vòng ngoạn mục, qua ảnh mời liệt sỹ bác ruột Đ cung cấp thông tin. Bích Hằng chỉ rõ Đ đang ở Lạng Sơn, cách chợ Đông Kinh gần 2Km phục vụ ở một cửa hàng ăn, phải đến đúng 10 giờ ngày 7/5 bố mẹ Đ mới được xuất hiện. Ông bà Vũ Minh tìm được con, mà Đ không có thời cơ trốn nữa.
Xin kể thêm một vài trường hợp.
* Ngày 5/4/2004, cháu T học lớp 9c có khuyết điểm bị cô giáo đuổi học. T xin tạ lỗi mãi không được em bỏ nhà đi trốn. T lên tàu vào nam không tiền mua vé phải chạy trốn giữa các toa. Ông bà Bùi Công Toán gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy. Bẩy đáp: T còn sống. Đến 22 – 23/5/2004 sẽ có tin T ở đâu. Cả nhà chờ đợi đếm từng ngày từng giờ. 14giờ ngày 23/5/2004, ông bà Toán gọi điện cho Bẩy. Cháu bảo cứ chờ đến 17 giờ. Thì đến 17 giờ kém 10, chuông điện thoại réo, có tiếng nằng nặng miền nam: Tôi là bác sỹ Giáo ở bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Cháu T bị rơi xuống lòng đường sắt, bị chấn thương sọ não, đã cấp cứu qua cơn nguy kịch nay cháu lúc tỉnh, lúc mê. Gần 60 ngày đêm sống trong hoảng loạn về đứa con trai duy nhất, ngay sáng hôm sau ông bà, gia đình đã gặp lại T. Thật không niềm vui nào bằng.
* Hoàng Thị Thiêm lại tìm bằng con đường khác. Ngày 20/3/2011, anh Tuấn con bà Nguyễn Thị Ngĩa ở Bình Đà, xã Bình Minh – Thanh Oai – Hà Nội mang nhiều tiền đi mua xe máy rồi biệt tăm. Gia đình đã báo cơ quan An Ninh, qua nhiều tuần vẫn chưa có manh mối. Bà Nghĩa, chị Hiền (vợ Tuấn) và gia đình tìm đến cơ sở Hoàng Thị Thiêm. Nhiều vong về nhập, song chỉ có cụ tổ đời thứ 7 nói rõ: Tuấn mang tiền đi xa, bị lừa mất hết tiền, bị đánh thương vào đầu nhưng không chết (hoàn toàn trùng với thông tin nhà ngoại cảm Vũ Thị Cẩm Bằng ở Thạch Lỗi - Cẩm Giàng - Hải Dương cung cấp). Cụ nói thêm: đã về rồi ở gần. (hỏi tên địa chỉ vong không nói được) cụ chỉ mô tả địa hình, địa vật chỗ Tuấn đang ở. Chị Hiền xác định được ngay đó là mấy nơi vợ chồng chị đã từng đến. Chị Hiền đã tìm thấy chồng ở Sơn Tây.
Ba nhà ngoại cảm tìm người mất tích còn sống bằng ba con đường, ba phương pháp khác nhau đã mở rộng không gian tìm kiếm và chúng tôi ngày càng linh cảm rõ hơn 2 thế giới âm và dương song song tồn tại. Phải chăng đây là những khía cạnh, những hiện tượng mà các nhà khoa học bằng trí tuệ và kiến thức của mình (Vật lý học, Sinh học, Tâm lý học, Y học, Đạo học, Văn hóa Phương Đông và xã hội học dân tộc mình vv..) từng bước lý giải những vấn đề mà khoa học thực chứng hiện nay còn vướng víu.
Chính vì những ý tưởng như vậy bộ môn chúng tôi mạnh dạn đi vào phục vụ tháo gỡ những yêu cầu của đồng bào Thiên chúa giáo, các vị hòa thượng Phật giáo. Khi anh em An ninh gặp những vụ trọng án, chúng tôi cũng sẵn sàng góp sức và đạt kết quả tốt. Vì lý do riêng không được công bố, nhưng việc giúp cán bộ điều tra tìm những manh mối ban đầu để phá án khiến các nhà nghiên cứu khó có thể bỏ qua. (Hải Phòng 2 vụ, Hà Nội 2 vụ, Vĩnh Phú 1 vụ).
Đến lúc này bộ môn Cận Tâm Lý đã thành một tổ chức chặt chẽ hơn nằm trong Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người được nhà nước quản lý đã gần tròn 8 năm. Chỉ nói riêng việc tìm kiếm mộ (hài cốt) liệt sỹ, khả năng, năng lượng ngoại cảm được thử thách nghiêm túc qua hàng chục năm và tìm được hàng chục ngàn liệt sỹ. Ở giai đoạn gần đây có việc thử ADN chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được như ba liệt sỹ tìm trong khuôn viên trường Trưng Vương (Hà Nội). Các đồng đội cùng đơn vị và một gia đình xác nhận, còn một liệt sỹ không tìm ra tung tích. Hay như gần 300 hài cốt kịp thời đưa về nghĩa trang. Vậy bước đường đi tới sẽ ra sao?
8.Sang năm 2004, đứng trước gần 600.000 mộ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ với những hàng bia trắng xóa chúng tôi đồng tâm nhất trí làm đề tài “Tìm danh tính liệt sỹ chưa biết tên” trước đây thường gọi là mộ vô danh, anh chị em trong bộ môn gọi là: “hỏi người chết tìm người sống”. Đây là một thử thách mới rất ngặt nghèo.Về phương pháp, tìm danh tính từng liệt sỹ ít nhất phải có 3- 4 nhà ngoại cảm độc lập, riêng rẽ. Họ thu nhận thông tin ở thời điểm khác nhau. Mỗi nhà ngoại cảm có 1 cán bộ đi theo ghi chép, chứng kiến từ đầu đến cuối. Đây là việc làm tất yếu liên quan đến đề án thử AND sắp tới, mà một số người từng đả phá nói quá mức. Ít nhất ba người có thông tin trùng hợp thì tạm ghi nhận kết quả bước đầu. Về tiêu chí: Có hai tiêu chí bắt buộc phải nói rõ họ tên đơn vị, đồng đội cùng đơn vị còn sống, phải nói rõ quê quán và người thân còn sống để cán bộ Bộ môn có thể tìm kiếm, xác minh. Chúng tôi đã tới nghĩa trang Điện Biên Phủ 2 lần, Mai Dịch 3 lần, Đông Kim Ngưu – Hà Nội 3 lần, Phú Long – Ninh Bình 2 lần, Kim Tân – Thanh Hóa 2 lần, Đường 9, Trường Sơn, Quảng Trị 1 lần và một số nghĩa trang liệt sĩ nhỏ lẻ khác. Ròng rã suốt 2 năm (2004 - 2005) song kết quả rất thấp, chỉ đạt từ 6 – 14%. Phải hỏi con số này có phản ánh thực tế không? (còn 86 – 94% là chưa tìm được hoặc tìm sai sau khi đối chiếu hai tiêu chí trên).
Chưa thể trả lời ngay được vì công tác hậu kỳ quá khó khăn: vượt xa khả năng của Bộ môn: Tự tổ chức đi tìm không có lực (có 5 trường hợp tự đi đều đạt kết quả), thư gửi đi không có hồi âm, nhiều gia đình, họ hàng đã biến chuyển hầu như không còn có tung tích v…v… Chúng tôi phải tạm dừng, món nợ này còn đó. Đó là số liệt sĩ trong nghĩa trang chưa có ghi danh tính.
Những năm tiếp theo việc tìm mộ liệt sĩ và nhân dân, Bộ môn vẫn phải tiếp tục và chưa bao giờ đáp ứng nổi yêu cầu bức xúc của cộng đồng.
Ngoài ra xin báo thêm năm 2010 Bộ môn có làm một số công việc như:
- Tiến hành tìm kiếm và cùng địa phương huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi khai quật mộ tập thể 93 chiến sĩ đặc công và bộ đội địa phương hy sinh năm 1968. Các nhà ngoại cảm thế hệ thứ 4 Điền Thị Thiên Dung, Vũ Thi Thược, Lê Trung Tuấn, trẻ tuổi, phương pháp mới, tốc độ nhanh, chính xác cao, vô tư, trong sáng, có nhiều đóng góp quan trọng đối với kết quả nghiên cứu của Bộ môn.
- Nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng đã vẽ chân dung 3 liệt sĩ tiểu đội anh hùng Nguyễn Ngọc Nại, 3 liệt sĩ anh em Đại tướng Đoàn Khuê v…v…
- Giúp hóa giải những khó khăn về  phong thủy và gia cảnh của nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, hóa giải tâm linh, giải nghiệp của Nguyễn Thị Thùy (Ông Hằng), Nguyễn Vũ Thanh Bình v…v…tìm nguyên nhân cái chết bất thường của nhiều người trong một thời gian ở Quảng Ninh, Kiến An, Sóc Sơn như Nguyễn Cung Hà, Hoàng Thị Thiêm, Quan Lệ Lan, Điền Thị Thiên Dung…
- Giúp làm rõ 3 vụ án oan trái do vong linh nhập vào người khác kêu oan.
- Góp phần xác định vị trí ô tô chìm ở Hà Tĩnh. Sau đó cùng ba nhà ngoại cảm tìm thêm 4 xác người bị lũ cuốn.
- Hoàn thành, xây dựng bộ phim về tiểu đội anh hùng Nguyễn Ngọc Nại, được đánh giá cao, đã chiếu trên đài truyền hình Hà Nội góp phần tôn vinh các liệt sĩ và sáng tỏ các giá trị hào hùng của lịch sử.
-  Nhà giáo, phó chủ nhiệm bộ môn đề xướng, Bộ môn đã đóng góp vai trò chủ yếu vận động nội bộ và nhà hảo tâm giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt, bão được trên 400 triệu đồng. Các nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, Hoàng Thị Thuy, Lê Trung Tuấn, Nguyễn Hữu Mẫn… đã đóng góp và tổ chức nhiều chuyến đi cứu trợ vào những vùng đặc biệt khó khăn.
-  Nhà ngoại cảm cựu chiến binh Phan Ngọc Sáu và cộng sự (Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã quy tập gần 1000 liệt sĩ. Trong 6 tháng đầu năm 2011 các đồng chí đã tìm được 64 hài cốt liệt sĩ. Đã đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ và nghĩa trang quê hương 52 liệt sĩ, gắn bia cho 12 liệt sĩ chưa có tên. Ngoài ra còn tìm giúp 47 hài cốt dân thường.
- Theo yêu cầu của cựu chiến binh Nguyễn Quang Hiển phát hiện 5 liệt sĩ đồng đội hy sinh ở Hát Lót (Sơn La), tháng 11/1953 trên đường lên Điện Biên Phủ bổ sung cho các Đại đoàn, Bộ môn phân công phó chủ nhiệm Trần Thịnh, cán bộ nghiên cứu Tạ Mai và hai nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy, Điền Thị Thiên Dung thực hiện tìm kiếm. Cựu chiến binh Quang Hiển cử con gái Nguyễn Thị Kim Anh (ĐT: 0903813921) từ TP. Hồ Chí Minh đi cùng.
Tại Hà Nội, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy đã tiếp cận nói chuyện được với 5 vong liệt sĩ có đủ tên họ, quê quán gồm xã, huyện, tỉnh (Thái Bình). Tại thực địa: Nghĩa trang Hát Lót có 213 mộ. Trước chính quyền và quản trang, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy xác định 5 liệt sĩ mà ông Hiển nhờ tìm thì bất ngờ 5 ngôi đã có tên nhưng thiếu họ và tên đệm, có quê nhưng không có xã. 5 liệt sĩ đều quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Điện hỏi ông Hiển về 5 liệt sĩ có đủ tên, quê quán, ông Hiển công nhận đúng. Quản trang – bà Nguyễn Thị Lụa công nhận đó là 5 liệt sĩ đưa từ cầu Hát Lót về.
Điền Thị Thiên Dung tìm tiếp 5 liệt sĩ mà anh Bẩy đã tiếp xúc được từ Hà Nội. Bằng phương pháp áp vong, có 12 người dân tình nguyện ngồi áp vong. Vong liệt sĩ Trần Văn Minh ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhập vào cháu Nhung 23 tuổi bán hàng tại chợ Cầu Mới, thị trấn Hát Lót. Vong liệt sĩ Minh chỉ mộ liệt sĩ Vũ Thị Sinh quê Nga Sơn, Thanh Hóa, nằm bên trái mình, mộ liệt sĩ Nguyễn Thanh Hùng quê Thiện Hóa, Thanh Hóa nằm bên phải mộ mình.Sau đó liệt sĩ Trần Văn Minh còn chỉ tiếp 5 ngôi mộ (Nguyễn Khắc Bẩy đã tiếp cận từ Hà Nội) ở ngang tượng đài Tổ quốc ghi công, từ cổng vào bên tay trái hàng sau cùng, với đủ tên, quê quán ở tỉnh Thái Bình xếp từ trái sang phải: Điền, Kiên, Thà, Tân, Huy. Đây là 5 liệt sĩ chưa biết tên địa phương khai quật tại Bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đưa về an táng ngày 30/4/2009.
Kết quả từ yêu cầu tìm 5 liệt sĩ, các nhà ngoại cảm đã tìm được 13 mộ với đầy đủ thông tin (1) ở nghĩa trang Hát Lót.

  Mấy ý kiến kết luận:
          1.Việc Tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm đã được thử thách, kiểm nghiệm liên tục hơn 20 năm qua, trong đó có 15 năm nằm trong tổ chức Bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người bằng 12 đề tài khoa học. Đó là những năm nhà ngoại cảm cùng cán bộ phụ trách hoạt động trong bầu không khí khoa học, trí tuệ. 15 năm Bộ môn Cận tâm lý làm 12 đề tài nghiên cứu, mỗi năm có tổng kết, có báo cáo trước Hội đồng Khoa học và cùng bắt tay nhau khám phá, khám phá tỉnh táo trước một vấn đề nhạy cảm chưa hề có tiền lệ ở nước ta. Đâu có dễ gì nói dối trên giấy trắng mực đen, năm này qua năm khác, trước những nhà khoa học chân chính để năm nào cũng giành điểm cao?.
Nay chúng ta khẳng định: “ Sự tồn tại của vong linh là có thật. Việc giao lưu cõi âm dương là có thật. Việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm là có thật”, mà không vô cảm, xấu hổ trước vong linh liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và cộng đồng, không a dua hoặc cơ hội bốc đồng.
        2.Về những người có khả năng đặc biệt (nhà ngoại cảm), trải qua 20 năm khảo nghiệm, chúng ta ghi nhận và không bao giờ quên công lao to lớn của họ, những người lình canh ranh giới chân lý và mê tín dị đoan. Song chúng ta cũng thấu hiểu những áp lực mà họ phải gánh chịu.
Đó là áp lực của vong linh liệt sĩ, của thần linh, thổ địa, của thân nhân liệt sỹ, của cả danh và lợi và dư luận xã hội.
Đó là những khó khăn gian khổ tới những vùng đất hiểm độc, rừng núi xa xôi nhất mà bộ đội đã trải qua, có nơi còn đầy bom mìn.
Họ đều biết trong công việc, sự lừa dối, không trung thực không cần đo đếm về lượng dù phạm một hay nhiều lần đều là tội ác. Và cũng tự biết liệu có thoát khỏi quả báo “của thiên trả địa” hay không!
Chúng ta cũng không thể không nhắc tới một số kẻ vô lương, kẻ cơ hội tỏ ra trung thành khoác áo “nhà báo”, lợi dụng “chống mê tín dị đoan” đưa ra những sự kiện bịa đặt vô căn cứ, xuyên tạc sự thật, tạo sóng giật gân để bán chạy hàng. Trong quá trình mấy chục năm nghiên cứu, chúng tôi chấp hành nghiêm chỉ thị của cấp trên. Chúng tôi không tuyên truyền quảng cáo cho một ai. Mọi tài liệu đều đóng dấu mật. Sự im lặng của chúng tôi là một trách nhiệm.
Chúng ta cũng chân thành biết ơn những nhà báo, báo viết và báo hình, báo mạng chân chính đã vì các liệt sỹ, vì nhiệm vụ lớn của Đảng và Chính phủ đối với những người con ưu tú đã hy sinh cho Tổ quốc, đã bỏ nhiều công sức đi sâu nghiên cứu, phân rõ trắng đen đưa ra công luận những ý kiến trung thực.
3.Trong dịp Bộ môn Cận Tâm Lý tổ chức kỷ niệm 20 năm tìm hài cốt liệt sỹ bằng ngoại cảm, ngày 23/1/2011 Bộ Lao động thương binh và xã hội đã trao bằng khen cho 38 cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, một số nhà văn hóa Phương Đông trong đó có nhiều giáo sư, tiến sỹ, có một số cán bộ trên dưới 80 tuổi, khi lên nhận bằng phải chống gậy, có người dìu như kỹ sư cơ khí Trần Quang Bích. Có nhà ngoại cảm rất trẻ mới trên 20 tuổi là người kế tiếp của thế hệ già. Đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý Nhà nước cấp Bộ tặng khen cho những người có công lao, có nhiều thành tích trong công cuộc tìm hài cốt liệt sỹ. Sự ghi nhận và tôn vinh này là nguồn động viên rất lớn đối với anh chị em, cộng tác viên Bộ môn Cận Tâm Lý nói riêng và với trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người nói chung. Qua phương tiện thông tin đại chúng đã có hàng trăm ngàn gia đình liệt sỹ, hàng chục ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, mừng vui, tri ân tấm lòng vàng của Đảng và Nhà nước đối với con em của họ. Đặc biệt các vong liệt sỹ nơi nào cũng vui mừng hoan hỷ. Tiếp đó Bộ tư lệnh lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng huy hiệu Bác Hồ cho một số cán bộ, một số nhà ngoại cảm. Được mang huy hiệu cao quý của Bác Hồ trong trái tim là lời nhắc nhở mãi mãi noi theo tấm gương vĩ đại của Bác.
4. Tiếp theo ấn phẩm “Bước vào thế giới vô hình”, Bộ Môn Cận Tâm Lý đã soạn thảo  ấn phẩm “ Sự thật tưởng như huyền thoại”  do chính các nhân chứng, các gia đình liệt sỹ kể lại hành trình đi tìm người thân, tự kiểm nghiệm và đánh giá các người có khả năng đặc biệt. Đây là những chứng cứ giúp chúng ta suy ngẫm, minh chứng cho mọi nhận xét của chúng ta trong 20 năm qua.


[1] Đại tá, Nhà báo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý (1998-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét