Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

THẾ GIỚI MA - HIỂU ĐỂ ĐỪNG MÊ TÍN

Bài đăng trong kỷ yếu Hội nghị KH toàn quốc lần 11 tháng 12/2016 về "Nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người" do Viện NC&ƯD tiềm năng con người chủ trì tổ chức với sự cộng tác của 10 đơn vị NCKH các nội dung tương đồng.

THẾ GIỚI MA - HIỂU ĐỂ ĐỪNG MÊ TÍN
 Vũ Thế Khanh[1]                          
  Từ xa xưa, hầu hết các nước trên thế giới đều có những nghiên cứu liên quan đến Ma, và tỷ lệ những  người sợ Ma ở các quốc gia cũng phải chiếm quá nửa dân số . Vậy có ma hay không có ma? Có những dạng ma nào? Tính chất của nó ra sao?
NGOẠI MA VÀ NỘI MA
Trước hết, về ý nghĩa tượng trưng thì “Ma” là một phạm trù chỉ những điều xấu ác, tiêu cực, mờ ám trong ý thức và hành vi của đương sự. Phạm trù này được thể hiện trong cách nói như: âm mưu Ma quỷ, mưu Ma chước quỷ, liên minh Ma quỷ, thói ranh Ma, Ma mọi, Ma túy... Do vậy khái niệm “Ma” không nhất thiết dùng để chỉ thần thức của người đã khuất, mà còn dùng để ám chỉ cho hành vi của cái tâm bất lương, ngay cả khi người đó còn sống vẫn có thể gọi là Tâm Ma.
Ma không chỉ có một loại, mà có đến 10 loại Ma, và được chia thành 2 nhóm  là Ngoại Ma (hay còn họi là Thiên Ma) và  Nội Ma (Tâm Ma). Đa số dân chúng hiểu khái niệm “Ma” nghiêng nhiều về loại Ngoại Ma, còn Nội Ma thì không mấy ai chú ý đến.
Vậy Ngoại Ma là gì?
Ngoại Ma là phần vật chất vi tế thoát ra và cắt đứt được sự ràng buộc với cơ thể hữu hình khi cơ thể ấy không còn chức năng sinh học (tức bị Chết). Phần vật chất hữu hình của cơ thể,  gọi là xác thân, hoặc còn gọi là Thân tứ đại , bao gồm 4 đại lượng chính  (Đất, Nước, Gió , Lửa). Phần vật chất vô hình vi tế, tuy mắt thường không nhìn thấy, nhưng nó vẫn tồn tại, ngay cả trường hợp phần thể xác không còn nữa. Khi con người chết đi thì lực lượng vật chất này thoát ra khỏi thân tứ đại, tiếp tục tồn tại dưới dạng thân Trung ấm, và chờ đủ duyên thì đi tái sinh vào lục đạo luân hồi tương ứng với nghiệp lực đã gieo theo lý Nhân Duyên Quả. Khi lực lượng tâm thức này thoát ra, sẽ được thể hiện dưới nhiều dạng phong phú, và được gọi bởi nhiều cái tên khác nhau  (tùy theo mức độ tiến hóa Tâm linh của người đó),  như có thể gọi: Người âm , Cô hồn, linh hồn, Vong, Vong linh, Hương linh, Anh linh, Chân linh, Giác linh, ... Đạo Phật gọi phần vật chất vô hình này với cái  tên chung là THẦN THỨC.  Đương nhiên, khi chưa đi tái sinh thì các phần vật chất ( dạng Thần Thức)  này sẽ có tương tác rất mạnh với thể giới hữu hình theo lý nhân duyên Tương sinh và Tương khắc. Tương sinh là do có ân nghĩa, thân thuộc với nhau, Tương khắc là do có thù oán, nợ nần với nhau khi còn tại thế. Dạng thần thức này thường được gọi chung là MA (hay Ngoại Ma, Thiên Ma) , do vậy khi đi dự tang lễ,  người ta thường gọi là đi viếng đám Ma, hay là đi đưa Ma, …
Ngoại Ma là yếu tố mang tính khách thể, tồn tại độc lập với  xác chết, nhưng vẫn còn có ảnh hưởng  tương tác với yếu tố chủ thể của cơ thể sống. Ngoại Ma mang tính khách quan bởi vì nó là sự kiện ngoại cảnh nằm ngoài cơ thể (nên gọi là Ngoại), nó tác động đến chủ thể chứ không phải do chủ thể phát sinh ra nó. Ngoại Ma có tương duyên với yếu tố chủ quan của mỗi cơ thể sống là bởi tuân theo nguyên lý cộng tác dụng: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Điển hình cho trạng thái này là câu ví von trong dân gian : “đi với Bụt mặc áo Cà Sa, đi với Ma mặc áo giấy”. Ngoại Ma cũng có loại Thiện, loại Ác tùy theo căn cơ của chúng sinh, và chúng cũng có đầy đủ các phép thần thông, (như nhân vật Bạch Cốt Tinh trong chuyện Tây Du Ký vậy). Ngoại Ma có khả năng biến hóa thần thông nên Ngoại Ma  thường dùng sở trường này làm phương tiện cứu cánh để chuyển thông điệp đến thế giới hữu hình. Để ám chỉ khả năng biến hóa của Ngoại Ma, người ta thường nói: “Bụt cao 1 trượng, Ma cao 10 trượng”. Ngoại Ma cũng giống như đạo giang hồ, (chỉ ưa dùng võ công để phân định cao thấp chứ không ưa dùng luật pháp). Tuy nhiên, với những người tu hành chánh đạo thì họ không đề cao Thần thông mà chỉ coi trọng luật Nhân Quả: “Thần thông không bằng Đạo thông”, cũng ví như nhà chức trách thi hành công vụ thì dùng pháp luật là chính, không lạm dụng vũ lực hoặc võ thuật..
Nội Ma là gì?
Nội ma bắt nguồn từ ác tâm nằm trong tâm khảm của hành giả. Trong kinh sách nhà Phật đã chỉ ra 9 loại Nội Ma, tức là 9 loại tiêu cực phát sinh trong tâm thức của hành giả như:
1-Ma oan nghiệt nhiều đời:
Ta thường nghe nói “oan oan tương báo”, tức những nợ nần với nhau nhiều đời. Chữ nghiệt là nghiệt ngã, làm cho mình đau khổ. Ma oan nghiệt nhiều đời chính là nghiệp chướng nhiều đời của ta. Nghiệp chướng thì ai cũng có. Nhưng nghiệp là gì ? Là năng lực do thân khẩu ý của mình tác động, khi đối duyên xúc cảnh nó bị bó buộc lại thành năng lực gọi là nghiệp. Từ đó, nó hướng dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Nói nghiệp chướng nhiều đời của ta tức là loại ma oan nghiệt này. Loại ma oan nghiệt này tất cả chỉ do hành động tạo tác của chúng ta.
Ma oan nghiệt cũng có từ sự ăn mặc, ngủ nghỉ, quan hệ bà con quyến thuộc, sống chết, danh vị, tiền tài… Nếu không làm chủ được thì nợ nần chồng chất. Làm chủ được thì tức thời ngay đó an lạc. Còn cứ dong ruổi ngược xuôi, vướng mắc rồi oan nghiệt. Như trong kinh Phật nói tám thứ khổ trong đời: sanh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh cũng từ oan nghiệt này mà ra.
Trong điều một nói về ma oan nghiệt, do quá khứ đã chúng ta thấy quanh quẩn trong phạm vi mê lầm tạo những nghiệp như bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, sát, đạo, dâm, vọng, tức là đã phạm ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Muốn trừ được Ma oan nghiệt nhiều đời thì Nhân bất sát sanh, nghĩa bất thâu đạo, lễ bất tà dâm, trí bất ẩm tửu, tín bất vọng ngữ.
2- Ma phiền não:
Chữ phiền một bên bộ hỏa một bên bộ hiệt  giống như cái đầu bị lửa đốt. Nghĩa là khi phải tiếp xúc với sự việc gì đó mà nghe nóng trong đầu, bực bội không yên thì đó là phiền. Chữ Não một bên bộ tâm một bên có bộ xuyên tức hệ thống thần kinh não bộ bị động. Giống như cái nồi bị nung lửa, những thứ trong đó sôi sục lên. Tóm lại, phiền não là không yên trong lòng. Lòng đã không yên thì rối rắm, tăm tối, theo đó tác động ra bên ngoài các giác quan bất an, bất ổn. Như người mất búa ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, thấy toàn là những người ăn trộm búa của mình.
Người ta cần  phải triệt tiêu phiền não như thế nào ? Nghĩa là đối cảnh đừng sanh tâm. Bởi vì trong tâm còn có vấn đề nên đối cảnh còn sanh tâm. Chúng ta làm sao đối cảnh không sanh tâm, cảnh tham không tham, cảnh sân không sân… Không luận là ai, nếu được như vậy thì người đó là Phật. Ngài Lâm Tế có nói câu: “Phùng Phật sát Phật, phùng ma sát ma”. Dù cảnh Phật, chúng ta cũng biết rằng đó là vọng tưởng. Nếu chẳng dứt sớm thì tánh định khó hiện. Như thấy sắc tâm sanh là tâm dâm phiền não. Không đợi dính mắc gì hết mà đối với sắc trần khởi niệm là đã có phiền não, đã có vấn đề rồi, phải chỉnh đốn. Thấy giết tâm sanh là tâm giết phiền não. Thấy của tâm sanh là tâm trộm phiền não. Thấy vật tâm sanh là tâm tham phiền não. Với người sanh mạn là ngã tướng phiền não. Đối kẻ thấp kiêu ngạo là phiền não tự đại. Gặp cảnh nghịch sanh tâm là tâm khuể phiền não. Gặp cảnh thuận sanh tâm là phiền não thích ý. Gặp oan gia sanh ghét là tâm hận phiền não. Cùng thân thích sanh yêu là tâm tư phiền não…
Chúng ta nhiều khi bị vọng tưởng dẫn đi một cách say mê. Bởi vì nó thay hình đổi dạng, phát tiết từ nơi những lỗ chân lông của mình. Có những loại vọng tưởng cứng ngắc làm cho mình nhức nhói, có những loại vọng tưởng mềm mại làm cho mình thích thú. Tóm lại, không tỉnh là bị nó dẫn đi thôi.
3- Ma sở tri:
Thường người tu theo đạo Phật hay bị ma sự. Ma sự có hai loại: Một là nội ma, hai là ngoại ma. Nội ma tức là những cố chấp bên trong. Ngoại ma tức là những vướng mắc bên ngoài. Những vướng mắc bên ngoài ta không giải tỏa, không vượt qua, không khắc phục được thì bị nó đánh gục. Như thế chúng ta bị ngoại ma phá hoại, làm cho đường tu không tiến được. Nếu như chúng ta khắc phục được những ma sự bên ngoài, nhưng đến những chất chứa, những cố thủ cù cặn bên trong mà không trừ bỏ, không vượt qua được thì chúng ta lại bị một loại ma nữa. Loại này cứng đầu khó trị, tuy nhiên nó cũng từ ta mà có, không phải ở bên ngoài đến. Buông được vọng tưởng thì có định, ma lực bên ngoài không làm gì được chúng ta. Nếu được định thì tuệ giác phát triển. Tuệ giác phát triển thì nội ma cũng không làm gì được. Bọn ma chỉ là những niệm tưởng lăng xăng điên đảo, nó là bóng dáng của tiền trần. Chúng dấy khởi lên bất cứ lúc nào trong mọi sinh hoạt.
Cho nên có thể nói ngoại ma là những vướng mắc bên ngoài, nội ma là những chấp thủ bên trong. Người tu lúc nào cũng sáng suốt thấy rõ ma sự nên không để nó làm gì được mình. Một niệm dấy khởi mà không làm chủ được thì sẽ bị chúng ma kéo lôi ngược xuôi, tạo bao nhiêu hậu quả, vô vàn sinh tử không có ngày cùng. Đó là nỗi điên đảo lớn lao mà gốc gác là do chúng ta không làm chủ được.
Những loài ma quái bên ngoài trị không khó. Văn minh đến đâu thì những loài ấy rút lui đến đó. Nhưng loài ma trong tim gan, trong máu thịt của mình mới là khó trị. Đây là những vướng mắc, những cố chấp, những cù cặn bên trong mà mình chưa dám thảy ra. Hãy thảy ra. Chúng ta đừng nghe nói ma mà tưởng nó là hiện hình râu tóc ghê rợn. Ma đây là sự thối chuyển, sự khiếp nhược, sự cố chấp… mình bị vướng mắc những thứ đó là ma. Có một loại ma rất khó trừ, đó là ma sở tri tức là những chấp thủ bên trong. Ma này thuộc về lý chướng.  Chướng này còn có tên là chấp pháp, tức là chấp bên trong.
4- Ma tà kiến:        
Đây là nói những kiến chấp. Theo tinh thần đạo Phật, dù tu pháp môn nào, mà tu tới đâu chấp tới đó, tức là tà đạo. Ví dụ ở trong Thiền viện này, có vị tu làm chủ được thân tâm, buổi chiều không ăn uống gì hết mà vẫn an nhiên khỏe mạnh, rồi chấp cho đó là chân lý, như vậy là tà. Tóm lại, tà kiến, tà chấp là những căn bệnh thâm căn cố đế.  Ở đây nói những thứ chấp: Chấp tánh chẳng hoại, gọi là chấp có. Nghĩa là chấp có các sự vật còn hoài không mất, đó gọi là chấp có. Chấp tánh vốn không, gọi là chấp không. Điều này chúng ta dễ lầm lắm. Như nói tánh các pháp là không, nếu nghe như vậy mà cho không có gì cả thì trật. Các Thiền sư nói chúng ta tu hành mà không đả thông được những kiến chấp.
Chúng ta phải là người đầy đủ từ bi trí lực, mới có thể thành tựu được. Còn một chút kiến chấp là còn trở ngại. Ở đây nói chấp có, chấp không, chấp bất tử, chấp thường, chấp diệt, chấp đoạn, chấp tự nhiên… Tóm lại những cái lầm chấp, chúng ta lượm lặt ôm giữ cố thủ, bảo vệ từ lâu nay
5- Ma vọng tưởng:    
Ma vọng tưởng này là tự chướng. Tự chướng chẳng không, thì dòng sanh diệt tiếp nối. Điên đảo tán loạn, che chướng bản tâm, do đó người tham thiền cần lưu tâm nhiều ở điểm này. Nay xin đưa ra một vài vọng chướng tiêu biểu để trình bày, như: Vọng tưởng ta ngộ đạo - Vọng tưởng ta tu chứng- Vọng tưởng ta được định- Vọng tưởng ta phát tuệ- Vọng tưởng ta biết nhiều -Vọng tưởng ta có danh hiển đạt- Vọng tưởng nhiều người cung phụng ta.- Vọng tưởng ta làm thầy thiên hạ- Vọng tưởng nhiều người quy hướng ta - Vọng tưởng ta hóa đạo - Vọng tưởng ta truyền lục - Vọng tưởng ta sẽ được nhập tạng- Vọng tưởng ta có thần thông- Vọng tưởng ta được huyền diệu - Vọng tưởng ta rất kỳ đặc. Và có rất nhiều thứ quái lạ như: Ta sẽ sống lâu, ta sẽ cải lão hoàn đồng, ta sẽ bay cao và ta sẽ thành Phật… Các cuồng vọng như thế, làm rối tâm động niệm, trái với chân thể thanh tịnh của mình.
6 - Ma khẩu nghiệp:
Ma này là cuồng chướng. Loại cuồng chướng này chẳng những làm cho chúng ta chẳng kiệm ngôn, dưỡng đức, mà còn khiến cho tâm chúng ta tán động, lăng xăng. Ma không phải là ma quỷ hiện hình mà những gì làm trở ngại trong sinh hoạt bình thường của chúng ta đều gọi là ma cả.  Ba nghiệp thân khẩu  ý. Khẩu có bốn lỗi là : Nói lời dữ, nói dối vọng, nói thêu dệt, nói hai chiều. Công phu đến đây, hành giả không khéo điều phục khẩu nghiệp, có thể sanh ra đại ngôn cuồng vọng, buông lời bừa bãi, làm chướng ngăn con đường vào Thánh.
7- Ma bệnh khổ:
Đây là khổ chướng. Thân có nhiều bệnh tật là do nghiệp nặng, hoặc tự mình làm mất sự điều hòa, biến sanh các thứ bệnh.
8- Ma thùy miên:
Tức là chướng ngại của ngủ nghỉ quá nhiều.  Ma hôn trầm là một loại ma rất khó trị trong nhà thiền. Nó luôn kèn cựa công phu tu hành của chúng ta và không tha bất cứ ai. Ma vọng tưởng sôi nổi, dữ dằn, tưởng như không có cách gì trị nó, nhưng thật ra nếu công phu liên tục thì khắc phục ma vọng tưởng không khó. Qua giai đoạn sôi nổi cam go đó thì đến quãng êm ả, thoải mái, bình yên. Đến giai đoạn này hành giả vừa ngồi là hai mắt lim dim khép lại, y như từ bi lắm nhưng một hồi thì chao đảo. Đó là ma hôn trầm dẫn. Tại sao ma hôn trầm khó trị? Vì nó mềm mại dịu dàng, dễ thương, dễ gần gũi nên mình không nở quăng nó. Mà không quăng nó được thì phải theo nó thôi. Hơn nữa ma ngủ cùng loạn tưởng, là hai ách chướng khó trị nhất của các hành giả. Có thể nói hai chướng này là hai gộng kềm luôn luôn kẹp chặt hai đầu, bao vây hành giả lẩn quẩn trong đó. 
9. Ma làm mê hoặc
Loại thứ hai là ma bên ngoài đến làm mê hoặc. Đây là những trở ngại bên ngoài đến với người tu chúng ta. Những trở ngại này là từ đạo đức, dáng vẻ, cách cư xử, quyền chước của chính chúng ta thiếu sót mà ra.  Ở đây nói các loại ma bên ngoài là do mình thiếu quyền chước, thiếu lễ nghĩa hay tự cao, ngã mạn, hoặc nói thẳng, hoặc hành động thô, dựa vào thế lực, hoặc ỷ tài giỏi…Hoặc nói lời ác, hoặc cho mình hơn, hoặc nói điều dở của người, hoặc thiếu dáng vẻ hòa diệu, hoặc không cung kính, hoặc lượng hẹp hòi, hoặc thiếu nhẫn nại v.v…
MA VÀ THẾ GIỚI TÂM LINH
Ma có phải là thế giới tâm linh không? Vẫn là câu hỏi nhiều người đặt ra. Thực tế, ma và Tâm linh là 2 phạm trù có đẳng cấp hoàn toàn khác nhau. Tâm linh là từ Hán Việt, được ghép bởi 2 thành tố là “Tâm” và “Linh”. Tâm có 2 dạng thức: Chân Tâm và Vọng Tâm. “Chân Tâm” là cái Tâm hằng sáng suốt (bất sinh bất diệt) mà các bậc chân tu thường hướng tới. Vọng tâm là những tình thức (ái, ố, hỷ, nộ, lạc, ai, dục) trỗi dậy khi 6 căn thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). “Linh” là khái niệm dùng để chỉ cho những sự kiện có tính trong sáng, mầu nhiệm, thiêng liêng, kỳ diệu. “Linh” chỉ được dùng với những đối tượng mang tính tích cực chứ không dùng cho các sự kiện mang tính tiêu cực, mờ ám, (cũng giống như “hiền tài, nhân tài” chỉ được dùng cho các bậc vĩ nhân có tư cách cao quý chứ không dùng cho những người giỏi tham nhũng hoặc giỏi phi dao, bắn súng, giỏi trèo tường khoét vách để cướp bóc ). Nghịch nghĩa với “Linh” là “Ám muội”. Người ta chỉ dùng từ “Linh” cho các bậc thần thánh (Thần Linh. Thánh Linh, Thiên Linh, Địa Linh), chứ không dùng từ “Linh” cho Ma Quỷ.  Không ai gọi là Ma linh, Quỷ linh, mà chỉ gọi Ma ám, Quỷ ám.
Vậy Tâm Linh, là khái niệm để chỉ cái  “Tâm trong sáng, mầu nhiệm”, trái ngược với Tâm Linh là Tâm ám muội. Cần phân biệt rõ, Tâm Linh và Ma Quỷ là 2 phạm trù khác xa nhau về bản chất sự việc - cũng như bác sỹ thì có thể nghiên cứu về sức khỏe, về vi trùng, nhưng bác sỹ không đồng nghĩa với vi trùng.
Hiện nay, người ta thường lạm dụng khái niệm “Tâm linh” để chỉ chung cho thế giới vô hình của người đã chết, hoặc các sự việc huyền bí, thậm chí cả ma quỷ cũng gọi là “chuyện tâm linh”... Điều này làm cho khái niệm Tâm Linh mất đi tính tích cực. Như vậy , cũng không nên băn khoăn là “có Ma hay không có Ma”, mà cần phân biệt  dạng ma nào, và tính chất của nó ra sao.
MA CÓ LÀM ĐIỀU XẤU CHO CON NGƯỜI?
Sợ Ma gần như là “bản năng tự nhiên” của người yếu bóng vía khi gặp phải những sự kiện dị thường, kỳ bí. Từ xa xưa, hầu hết các nước trên thế giới đều có những nghiên cứu liên quan đến Ma, và tỷ lệ những  người sợ Ma ở các quốc gia cũng phải chiếm quá nửa dân số. Nhiều người sau khi ra nghĩa địa về nhà thường bị ốm đau cho là ma làm. Điều này cũng có thể bị Ngoại Ma báo ứng do nhân quả, nhưng đó chỉ là hãn hữu, vì đã là nghiệp chướng thì cho dù ta ở bất cứ đâu, Ngoại Ma vẫn có thể tìm đến để “đòi nợ”. Còn đa phần là do bị nhiễm độc của yếu tố môi trường. Cần  hiểu rằng, ở nghĩa địa các xác người chết bị phân hủy, các thán khí độc hại thoát ra từ thịt và xương của động vật bị thối rữa, rất có hại cho cơ thể người còn sống. Nếu ta bị các luồng khí độc đó xâm nhập (gọi là bị ám khí, tà khí, âm khí) cộng với quang cảnh thê lương tác động khiến cho ta rất dễ bị ngộ độc về Tâm cũng như về Thể. Trường hợp này cần xông hơi, đánh cảm để đẩy khí độc ra khỏi cơ thể là được, không nên tin vào mấy vị thầy rởm cúng kiếng linh đình mà tiền mất tật mang.
Ngoai Ma (hay còn gọi là Thiên Ma) là khái niệm chỉ Thần thức của người đã chết. Cách ứng xử của thế giới Ngoại Ma không xấu ác như người ta vẫn nghĩ, mà đa phần là tương tác theo nghiệp báo của Nhân quả (có ân thì báo ân, có oán thì trả oán). Trong các ca khảo nghiệm về ngoại cảm, ta thấy Linh hồn của người thân đã mất (như tổ tiên, ông bà cha me,v.v,…) vẫn che chở và thương yêu con cháu như lúc họ còn tại thế. Ngược lại, với những trường hợp khi họ còn sống bị đánh đập, bị giết hại, bạc đãi …thì linh hồn của họ cũng rất sân hận và luôn có ý định báo thù theo Nhân Quả.  Khi chết đi, thì linh hồn (ngoại ma) hoàn toàn có thể thấy biết được các hành vi xấu của kẻ khác đối với mình. Vì sợ bị Ngoại Ma trả thù, dọa nạt,  cộng với việc khi đã làm điều khuất tất thì Nội ma sẽ chiêu cảm, nên người ta mới hay “sợ ma”. Hơn nữa, Ngoại ma là lực lượng vô hình vô ảnh, thoắt ẩn thoắt hiện rất khó đối phó, lại thường xuất hiện bất ngờ, kinh dị, nên những người có hành vi xấu ác không thể trốn chạy , đã sợ lại càng sợ hơn.  Tuy nhiên , với những người có đạo lực cao, có tâm từ bi sáng suốt thì họ cũng không sợ Ngoại ma, ngay cả khi mơ thấy ma. Các nhà ngoại cảm hoặc các bậc tu hành “gặp ma” là chuyện bình thường. Họ không sợ vì thấy rằng thế giới Ngoại ma cũng tôn trọng luật Nhân quả, thậm chí thế giới Ngoại Ma rất muốn nghe sự nhắc nhở, khai thị  của các bậc minh sư tu hành đắc đạo. Ngoại ma rất thèm khát được cứu độ bằng năng lực Tâm linh, và mong cầu sự từ bi Ba la Mật.
Ngược lại, khi ai đó đã làm việc xấu ác thì Nội Ma luôn thường trực trong tâm trí họ, do vậy chẳng cứ lúc ngủ mơ mà ngay cả khi thức họ cũng luôn bị ám ảnh bởi ma báo thù, khiến cho thần trí bất an, thân tâm hoảng loạn, vì vậy, nhân dân ta mới có câu tục ngữ: “có tật giật mình”.
Trong đời sống hàng ngày, người ta thường sợ Ngoại Ma mà quên đi tác hại của Nội Ma. Thực ra, Nội Ma mới đáng sợ, vì Nội Ma  bắt nguồn từ Ác Tâm, nên tác hại của nội ma rất lớn. Vì Nội Ma nằm trong tâm khảm của hành giả nên nó là “giặc trong nhà”, ta rất dễ bao biện và bênh vực nó, khiến cho ta bị nó cảm hóa và biến ta thành kẻ tòng phạm . Những người tu hành họ không sợ Ngoại Ma mà  thường cảnh giác với Nội Ma. Chiến thắng với những thói xấu ác, chiến thắng huyễn ngã, ma tính trong tâm hành giả mới là điều khó nhất. Do vậy, ở chùa người ta thường đề bức hoành phi ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN, ý nói chiến thắng chính mình mới là ĐẠI HÙNG.



[1] TS, KTS, Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét