Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

TÍN NGƯỠNG SA - MAN TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM...

Bài đăng ở Kỷ yếu HNKH toàn quốc lần 1 tháng 01/2016 về "Nghiên cứu và ứng dụng KNĐB của con người" do Viện NC&ƯD tiềm năng con người chủ trì.

 TÍN NGƯỠNG SA - MAN TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
VỚI NHỮNG ĐẶC TRƯNG LIÊN QUAN
ĐẾN KHẢ NĂNG TIỀM ẨN CỦA CON NGƯỜI
(Bài 1)
Phan Đăng Nhật[1]
(GS Phan Đăng Nhật có 2 bài (bài 1 và bài 2); vốn là một được tách ra, nên liên quan chặt chẽ với nhau. Đề nghị độc giả đọc bài 1, trước khi đọc bài 2)
I. Mở đầu-thuật ngữ
1. Tín ngưỡng saman (shamannis)
Có người gọi đây là sa-man giáo. Rành mạch hơn thì nên chỉ rõ đây là tín ngưỡng, chưa phải là tôn giáo, vì vậy, chúng tôi dùng thuật ngữ tín ngưỡng sa-man, hoặc viết tắt là saman.
Thuật ngữ saman có cội nguồn từ người Nga, tộc người Tông-gu (tongouse). Có thể từ này bắt nguồn từ samana, tiếng Pali do ảnh hưởng của Ấn Độ đối với vùng Xibêri. Saman trở thành một thuật ngữ quốc tế, người ta không dịch ra các ngôn ngữ quốc gia.
Nhà khoa học nổi tiếng thế giới về saman, Mircéa  Eliade, đã đưa ra những thuộc tính của sa man. Ông rất nhấn mạnh đặc điểm của cơ chế kỹ thuật  saman là “extase” nghĩa là “xuất thần - nhập hoá”. Ông coi đây là thuộc tính cơ bản nhất của saman chỉ cần nó đủ cho một định nghĩa: “Định nghĩa đầu tiên của hiện tượng phức hợp này và có lẽ  là định nghĩa ít mạo hiểm là: Tín ngưỡng saman = kỹ thuật xuất thần - nhập hoá”[1]. Extase trong tiếng Pháp còn có nghĩa là “thần trí hôn mê”, hoặc “ngây ngất”. Theo định nghĩa của Mircea, hai nghĩa vừa nêu không thật sát hợp với kỹ thuật của sa man. Ông nhấn mạnh sự khác biệt cơ chế xuất thần nhập hoá của saman là, linh hồn của người xuất thần rời bỏ thể xác để đi lên trời hoặc xuống địa ngục: “Người ta không thể so sánh bất kỳ một người xuất thần - nhập hoá nào với một saman; ông ta là nhà chuyên nghiệp nhập đồng, trong đó linh hồn của ông coi như rời bỏ thể xác để thực hiện một cuộc ra đi lên Trời hoặc xuống địa ngục”[1]. Vậy ngây ngất, đê mê là trạng thái bên ngoài, là biểu hiện của mọi thứ say  (say rượu, nha phiến, ma tuý,.. ) không phải là bản chất của hiện tượng xuất thần - nhập hoá của saman.
Cũng theo Mircea Eliade, một điều cần phân biệt nữa là ông/bà saman có quan hệ liên thông với vong linh: “Cũng có một sự phân biệt nữa, nói chung cần thiết xác định mối quan hệ của sa man với vong hồn. Khắp nơi trong thế giới nguyên thuỷ và hiện đại, có những cá nhân tin chắc rằng đã giữ mối quan hệ với vong linh, (theo hai kiểu), hoặc là họ bị nhập (possédé)/bị ám; hoặc là họ làm chủ vong”[1]
Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 3) cũng nhấn mạnh hai đặc điểm của saman là xuất thần- nhập hoá và giao tiếp với vong linh: “Saman giáo (shamanisme) là một loại hình tôn giáo cho rằng, một người nào đó, do bẩm sinh hay sau một thay đổi cơ bản về cơ thể (ốm thập tử nhất sinh) hoặc về tâm lý tinh thần (stress), có khả năng giao tiếp với các siêu linh, các vong hồn bằng cách thoát hồn khỏi xác; hoặc thần thánh, ma quỷ nhập vào mình, để cầu xin một điều gì. Biện pháp của saman giáo là phải tự đưa mình chuyển từ thể trạng bình thường sang thể trạng cuồng loạn, hôn mê bằng tiếng hát, tiếng đàn, hương khói, đặc biệt bằng nhảy múa điên loạn”[1]
Từ điển tôn giáo nhấn mạnh hai đặc điểm của cơ chế saman là xuất thần và giao tiếp với vong hồn: “Thôi miên xuất thần làm cho saman khác hẳn những người tinh thông ma thuật và tôn giáo khác; saman không thể là saman nếu không có cảm giác thôi miên xuất thần, và saman thực hiện tất cả chức năng của mình trong lúc xuất thần. Saman cũng được các hồn ma giúp đỡ và hướng dẫn”[1]
          Nhà khoa học X.A.Tocarep có nhận định: “Đa số các nhà nghiên cứu đều thấy rõ nét điển hình của Saman giáo là việc áp dụng các phương pháp giao tiếp xuất thần nhập hóa (chữ dùng của người dịch Lê Thế Thép) với giới siêu nhiên và việc tách những người có khả năng giao tiếp này. Đặc điểm nổi bật này là đặc trưng của Saman giáo, tới mức các nhà nghiên cứu rất dễ nhận ra nghi lễ và tín ngưỡng saman, miêu tả và phân loại đúng, dù ở nước nào, dân tộc nào mà họ gặp”[1]
          Như vậy là, hai nhà khoa học ở hai chân trời ý thức hệ đều gặp nhau ở đăc điểm của sa man là: xuất thần nhập hóa và liên thông với thế giới siêu linh. Điều này càng chứng tỏ đặc diểm trên là chân lý. 
          Có nhà khoa học nhấn mạnh tính lâu đời, tính phổ quát khắp hành tinh và vai trò trung gian với thế giới bên kia của saman: “Sự thực hành saman, về thời gian, lên đến, ít nhất, một số nghìn năm. Những điểm giống nhau nổi bật giữa các đề tài và thực hành sa man trên tất cả hành tinh chúng ta, gợi ý điều này: đây là một hiện tượng vô cùng lâu đời và một số cấu trúc của tư tưởng loài người là phổ quát. Ngày nay, chúng ta gặp saman ở khắp nơi, sa man vận hành hoạt động cơ bản theo cùng một cung cách và dựa vào cùng những kỹ thuât như nhau, đó là sự trung gian với thế giới bên kia.”
(Peter T.Furst, Giám đốc ban Nhân học, thuộc Đai học Quốc gia tại New York)
Tóm lại, việc thực hành tín ngưỡng saman coi trọng hàng đầu cơ chế xuất thần - nhập hoá, bằng cơ chế này, thầy saman dẫn hồn mình đi đến thế giới vong linh trên trời, dưới đất và trên mặt đất. Và ông/bà saman phải có mối quan hệ liên thông với vong linh.
Ngây ngất là đúng, nhưng nếu chỉ có ngây ngất, thăng hoa mà không có hai đặc điểm trên thì không thể gọi là xuất thần - nhập hoá của saman.
2. Xuất thần-nhập hoá.
Sau nhiều năm nghiên cứu , thể nghiệm và quan sát, cuối cùng chúng tôi đồng ý tiếp nhận lựa chọn thuật ngữ xuất thần - nhập hoá (dịch extase, extatique) [1] để chỉ cơ chế kỹ thuật hàng đầu của saman; với  quan niệm rằng trong hành xử thực tế không/ hoặc khó tách rời hoàn toàn hai khâu xuất thần và nhập thần, có lúc xuất thần bao gồm cả nhập thần, đúng như bà Nguyễn Thuỵ Loan đã viết: “Khái niệm “xuất hồn” ở đây được dùng để chỉ những trường hợp “linh hồn” của một người thoát khỏi thể xác để thâm nhập thế giới siêu thực, mà không tiếp nhận “hồn” của ai khác vào thể xác. Còn việc “nhập hồn” trên thực tế bao hàm đồng thời cả việc “xuất hồn” của bản thân và tiếp nhận “hồn” (khái niệm tạm dùng chung cho các lực lượng siêu nhiên bao gồm cả các đấng thần linh, hồn người chết, ma quỷ) vào thể xác của mình để thực hiện một hành động không bình thường hoặc xuất chúng…”[1]
3. Phương pháp đặc biệt
Tìm mộ có phương pháp thông thường và phương pháp đặc biệt. Thông thường là dùng các khả năng của người thường như: xúc giác, thị giác, thính giác, tưởng tượng. trí nhớ, phán đoán,…Phương pháp đặc biệt như lâu nay vẫn gọi: ngoại cảm, cận tâm lý.,…Ngoài ra, người ta còn tìm mộ bằng sinh học định vị và phương pháp cảm xạ: “ Việc tìm mồ mả thất lạc hiện nay, dù ở Việt Nam hay ở Pháp…con người vẫn sử dụng phương pháp ngoại cảm-sinh học định vị và phương pháp cảm xạ vật lý”[1]
Chúng tôi không muốn sa đà vào việc tranh luận các phạm trù, khái niệm trên nên cứ gọi một cách không khoa học lắm là “phương pháp đặc biệt”.
II.Tín ngưỡng saman trên thế giới - Một số nhận định, đánh giá về saman
Từ xưa đến nay có vô số tài liệu sách vở về saman, chúng tôi chỉ dám đưa ra một số đặc điểm của tín ngưỡng saman như sau:
II.1. Saman là một tín ngưỡng rất phổ biến, tồn tại khắp các châu lục.
Cho đến nay, chúng ta biết đến sự tồn tại của saman ở:
- Trung Á và Bắc Á (người Tatar, người Bouriate, người Kirghize, người Ougrien, người Lapon, người Ostyak, người Yurak, người Samoỳede, người Yakoute, người Dolgan, người Tongouse, người Orotchi, người Koryak, người Tchouktche.)
- Bắc và Nam Mỹ (người Esquimaux, người Paviotso, người Achumawi)
- Đông Nam Á và châu Đại Dương (người Việt và các dân tộc thiểu số Việt Nam, người Semang, người Sakai, người Jakun, người Andamane, người Nicobar, ở Mã lai, ở Sumatra, ở Borneo, người Dayak, người Mélanesy, người  Polynesy)
- Người Ấn –Âu (người Đức cổ, người Hy Lạp cổ, người Scythe, người Caucase, người Ấn Độ cổ, các tộc người thiểu số Ấn Độ)
- Tây Tạng, Trung Quốc và Viễn Đông (người Lôlô. người Moso, người Trung Hoa, Người Triều Tiên, người Nhật Bản)
II.2. Tín ngưỡng saman là tín ngưỡng vào loại rất cổ và có sức sống mạnh mẽ cho đến thời hiện đại
Từ điển tôn giáo nhấn mạnh lịch sử lâu đời của saman: “Saman được mô tả là “nghề nghiệp lâu đời nhất thế giới”, chứng cứ khảo cổ học cho thấy kỹ thuật saman đã có ít nhất là 20 000 năm”.
       Các nhà khoa học xếp tín ngưỡng saman vào loại tín ngưỡng nguyên thu.
  Saman giáo có thể là cổ nhất cả phương Đông lẫn phương Tây, là tôn giáo phổ biến nhất. Nó thường đồng tồn tại với những hình thức khác nhau của pháp thuật, tín ngưỡng và tôn giáo; …” [1]
 Ở Triều Tiên, saman được coi là một bộ phận của văn hoá đồ đồng và tồn tại trước thế kỷ thứ 10 (trước CN). “Nói chung, người ta thừa nhận rằng Saman giáo tồn tại ở bán đảo Triều Tiên trước thế kỷ X (trước C.N,), và tài liệu khảo cổ học cho rằng nó  là một bộ phận của nền văn hoá đồ đồng” [1]
 “Ở Trung Quốc, trong khoảng một thế kỷ nay, trải qua biết bao cuộc biến động chính trị, mỗi lần như thế, thầy saman (Trung Quốc gọi là sư công) đều bị đả kích; trang bị, y phục đều bị đốt phá. Thế nhưng vẫn không tiêu diệt được niềm tin của nhân dân đối với tìn ngưỡng này: “Hoạt động saman của dân tộc ít người nam Trung Quốc thì ở Quảng Tây gọi là “sư công khiêu thần” hay dân gian gọi là “khiêu quỷ”…Tế tự tôn giáo dân gian này trải qua hàng ngàn năm, đã thành một bộ phận không thể thiếu, của văn hoá dân gian. Trong hoàn cảnh lâu dài, quanh co phức tạp, loại tâm lý dân tộc này đã trở thành niềm tin sâu đậm, không chút nghi ngờ trong đầu óc một bộ phận nhân dân. Mặc dù. gần trăm năm nay, xã hội nhiều biến đổi, niềm tin đó vẫn không thể nào thay đổi hoàn toàn để thích ứng với thời đại mới. Hiện tượng kỳ lạ này khiến cho nhiều nhà triết học, dân tục học (văn hoá dân gian) không thể nào hiểu được”[1]
III.Vai trò của saman trong xã hội đương đại
III.1. Ở Hàn quốc
Ở  Hàn Quốc, người ta đánh giá cao vai trò của saman trong thi kỳ hiện đại, nên họ đề xuất một chiến lược phát huy và đổi mới saman gồm 6 điểm:
-Nâng cao trình độ nghệ thuật của saman làm cho nó trở thành trau chuốt, nhằm phù hợp với các tầng lớp khán giả trong cả nước.
- Đưa saman vào hoạt động thương mại, cung cấp sự tiêu khiển cho công chúng tiêu thụ, nâng cao quan hệ cộng đồng và nâng cao quan hệ mật thiết của họ với thế giới thần linh.
- Làm cho saman trở thành một bảo tàng nhân tạo và môt báo cáo về nhân học, bảo tồn hồ sơ và đối tượng saman cho các học giả và toàn thể công chúng nghiên cứu.
- Làm cho saman là một hội tụ liên tôn giáo. Sự mở ra cho hội tụ liên tôn giáo là chung trong truyền thống văn hoá Hàn Quốc , đặc biệt là Phật giáo. Nho giáo và Đạo giáo với saman, bất luận cả trong giai đoạn có mâu thuẫn giữa các tôn giáo.
- Phát triển hệ thống mạng hỗ trợ  cho saman. Một chiến dịch làm đổi mới saman , cần có sự phát triển mạng lưới hỗ trợ, nhằm xúc tiến sức sống của saman về phương diện niềm tin và thực hành.
-Quốc tế hoá saman Hàn quốc. Sự lựa chọn này đòi hỏi phải phát hiện một cơ  sở chung giữa văn hoá Hàn và các hình thức văn hoá saman khác, nhằm xây dựng một hệ thống quốc tế , để hỗ trợ lẫn nhau và san sẻ cho nhau từ bên trong.[1]
III.2. Ở Mỹ
Nhiều nhà khoa học thế giới đã công nhận vai trò đẩy lùi bệnh tật của shamanism và kiến nghị học tập, lợi dụng truyền thống cổ xưa đó để nâng cao sức khỏe cộng đồng: “Shamanism là một truyền thống tri thức có hàng 20.000 năm tuổi. Trong đó tràn ngập các hình thức của y học và tâm lý trị liệu. Thầy saman là những người chữa bệnh đầu tiên, họ chịu trách nhiệm về sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng”[1] …..“Phần kết luận, Viloldo and Kripper so sánh phong cách y tế phương Tây chúng ta với phong cách đó của phương pháp chữa bệnh (của) những thầy saman và người làm tâm linh và những cách khảo sát của họ, mà trong đó chúng ta có thể lợi dụng truyền thống cổ xưa của pháp thuật và chữa bệnh nói trên, và bằng cách đó, chúng ta học để chữa bệnh cho chúng ta và nhiều người khác[1]
Đây là ý kiến của những nhà khoa học của  nước Mỹ văn minh, hiện đại. Vậy thì, chúng ta lại càng phải học tập, lợi dụng truyền thống saman gấp nhiều lần, nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân.
Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sự bùng nổ, sự “trỗi lên lại” của tín ngưỡng saman trên các miền của đất nước ta, mà các sự kiện chúng tôi lưu ý là: điện thờ tư gia, ngoại cảm tìm mộ và ngoại cảm chữa bệnh[1]. Điều đó diễn ra không riêng gì ở Việt Nam, mà ở các nước trên thế giới cũng như vậy. Sau đây là ý kiến của hai chuyên gia:
- TS. PGS Alberto Viloldo, ở Đại học Quốc gia San Francisco.
- TS, Stanley Kripper, chủ tịch Hội Cận tâm lý, “một trong những nhà nghiên cứu cận tâm lý nổi tiếng nhất trong thế giới ngày nay” (theo sách Healing States)
Họ đã khẳng định: saman đã trỗi lên lại trong thế giới hiện đại ở nhiều lĩnh vực: tôn giáo, tâm linh, chữa bệnh,…:
Saman, một trong những truyền thống cổ xưa nhất của nhân loại, nay đã trỗi lên lại, ở thời kỳ xã hội hiện đại, trong tôn giáo, tâm linh, thực hành chữa bệnh và các truyền thống ý thức. Mặc dầu các chi tiết kỹ thuật của cơ sở và bản chất (của) saman, thường là mơ hồ và khó hiểu, vẫn có một sự thừa nhận rộng rãi rằng, saman là một kiểu loại nguyên thủy của chữa bệnh và phát triển con người. Những điều này vẫn tiếp tục thích ứng với thế giới ngày nay”[1]… 
IV. Tín ngưỡng saman ở các dân tộc/tộc người Việt Nam với cơ chế xuất thần -nhập hoá
IV.1. Lên đồng hầu bóng - người Kinh
  “Xuất phát từ quan niệm rộng rãi nhất, coi saman là hình thức thoát hồn hay nhập hồn, tức là tình huống mà các ông Đồng, bà Đồng tự đưa mình vào một trạng thái ngây ngất (ecstasy) để từ đó tiếp nhận sức mạnh, năng lượng mang tính siêu nhiên thông qua các vị thần Tam phủ Tứ phủ nhập vào, nhằm đạt tới ước vọng sức khoẻ và may mắn. Nếu như vậy, thì Hầu bóng-Lên đồng của Đạo Mẫu là một trong vô vàn các hình thức saman của các dân tộc trên thế giới mà ngày nay trong nhiều dân tộc nước ta còn giữ lại được và đóng góp vào kho tàng văn hoá saman nhân loại  một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng-văn hoá này” [1]
Hầu bóng là nghi lễ trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu (còn gọi là đạo Mẫu). Trong một buổi hầu, thường là nhiều vị Thánh nhập rồi xuất, lại tiếp vị khác nhập /xuất. Mỗi lần nhập xuất như vậy gọi là một giá đồng, với quan niệm thân xác của con đồng là cái giá đỡ để cho Thánh làm việc nhà Thánh.
Sau khi chuẩn bị lễ vật và nghi thức, ông/bà đồng ngồi trước bàn thờ khói hương nghi ngút. Hầu dâng phủ diện cho con đồng. “Khi ông đồng và bà đồng phủ khăn lên đầu thì họ được coi như người đã chết” (Ngô Đức Thịnh)[1] , nói cách khác hồn của họ đã thoát xác để sẵn sàng cho hồn Thánh thay thế và hoạt động. Như vậy, ngay trong nhập đã phải có xuất (và sau khi Thánh thăng lập tức phải có nhập hồn người, không như thế sẽ mất vía, lạc vía). Đó là lý do chúng tôi chọn cụm từ “xuất thần-nhập hoá”.
Các vị Thánh giáng đều đặn là: Quan lớn đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Ngũ; chầu Đệ nhị, chầu Lục; ông Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười; cô Bơ Thoải, cô bé Thượng Ngàn, cậu Bơ,…
 Có hai loại lên đồng:
- Loại cấm khẩu, chỉ múa, phát lộc mà không nói,
      - Loại khai khẩu, truyền phán nhiều, có khi hát múa. 
Một số nhân vật được thờ biểu đạt qua bức tranh Tứ Phủ Công Đồng:


IV.2. Mo-người Mường
Người Mường có rất nhiều loại Mo. Ở đây chỉ bàn đến Mo Lên/Mo Lên Trời. Người ta hát kể/diễn xướng Mo Lên trong đám ma, trước quan tài, trong đó còn quàn thi hài người chết. Người hát-kể Mo là ông mo/thầy mo. Nhiệm vụ của ông là bằng xuất hồn -nhập hoá dẫn hồn người chết cùng vía của đoàn người gồng gánh lễ vật (gọi là tứa) lên Trời để thực hiện các việc chính: Đối kiện, Xin tuông, Chuộc sổ. Ngoài ra , đây còn là một cuộc du ngoạn thú vị, qua nhiều cảnh vật kỳ thú như Chùa Chiền Hang Hao, Đá Tầm Tè, Cây đa Đồng Chìu, Chợ Bông-Chợ Hoa,…Có hoàn thành các nhiệm vụ chính ở mường Trời, hồn mới đủ điều kiện về sống yên ổn với ông bà tổ tiên ở mường ma, để cho “đẹp bên ma, lành bên người”. Nếu không, hồn sẽ là những ma xấu, khổ sở đói rách và lang thang, quấy phá gia đình, làng xóm.
Để tổ chức đoàn đi, ông mo phải xuất hồn/vía người sống trong đoàn Tứa , đi theo ông (và khi về phải nhập hồn trở lại) Ông mo vừa là người diễn xướng vừa là người chỉ huy và dẫn đầu đoàn. Luôn luôn chúng ta nghe điệp khúc miêu tả đoàn người/hồn:
Ông mo mường xăm xăm đi trước
Ngài (hồn ma)bước rón theo sau
Tứa khiêng theo sau nhộn nhịp
Gánh theo đi nườm nượp
Người như đàn bướm bay
Lên phần phật chân xống
Lên phần phần chân áo
Cuộc du hành sẽ thất bại nếu đoàn lạc đường, hồn không về được mường Ma và trở thành ma xấu, như trên đã nói, và cũng nguy hiểm , nếu như vía (người sống) không nhập được xác. Người lạc vía sẽ trở thành ngớ ngẩn, điên loạn, có khi chết. Ông Mo nếu không cao tay, có khi cũng bị ma quật. Để có thế lực hộ thân và để bảo lãnh cho các công việc vừa nêu, ông Mo phải có pháp thuật cao và còn phải tôn thờ một vị thần hộ mệnh (thánh sư). Saman của các dân tộc nước ngoài cũng có vị thần này được gọi là “những thần bảo mệnh hoặc trợ giúp thầy saman” (the shaman’s guardian spirits or helpers). Vì vậy, khi làm đám, ông Mo phải đặt bàn thờ thánh sư trước mặt và khấn nguyện sự phù trợ. Đồng thời ông phải có một túi thiêng gọi là khụt (người Thái gọi là khót, người Êđê, Jrai gọi là yang ktung) , trong túi có những vật thiêng như răng thú rừng, lưỡi tầm sét, đá quý,…
Tóm lại, nghi lễ mo Mường trong   đám tang là một cuộc xuất thần -nhập hoá nhiều người. Trong đó ông Mo có nhiều trọng trách:
- Tự xuất thần -nhập hoá mình, lại phải xuất thần  và nhập hoá hoàn chỉnh cho đoàn tứa,
- Chỉ đạo và dẫn đầu đoàn người và hồn người chết đi đúng đường lên mường Trời rồi trở về trần gian,
-Tiếp xúc giao dịch, có khi phải đấu tranh thuyết phục các nhân vật siêu nhiên trên thế giới mường Trời.
Vậy ông Mo mường là một thầy saman với đầy đủ tính chất và đặc điểm của nó.
IV.3. Mo -người Thái
Người Thái cũng như nhiều dân tộc anh em khác, tin rằng khi người chết, hồn  tách ra khỏi xác và vẫn tồn tại, vẫn có “cuộc sống” riêng. Các hồn đó phải được ông mo chỉ lối dẫn đường để  đi về với tổ tiên, cư ngụ đúng vị trí của từng loại hồn, ở mường Trời. Như vậy, hồn sẽ “sống” bình yên, phù hộ cho con cháu. Ngược lại, nếu không được đưa đường, hồn sẽ  tán loạn khắp nơi, biến thành những hồn ma xấu, lang thang, không ai thờ cúng, gây hại cho xã hội và gia đình.
Nhiệm vụ về phương diện tín ngưỡng của cúng dẫn hồn là đưa hồn đi đến nơi đến chốn để đạt được hai phía “đẹp bên ma, lành bên người”.
Tuy nhiên, việc dẫn hồn không đơn giản. Vì rằng, đường lên mường Trời xa xôi, cách trở; hơn nữa, khác với các dân tộc anh em, trong lúc các dân tộc chỉ có một hồn, người Thái lại có 80 hồn.
Vì vậy, ông mo phải chỉ cho các hồn đúng nơi cư trú của từng hồn (hồn ngọn/hồn cuối), công việc này đựơc gọi là rải hồn.
Cuối cùng , qua muôn vàn gian truân khổ ải, nhờ sự hiểu biết và sự chỉ dẫn tận tình của ông mo, các hồn đều được về đúng chỗ và hồn gốc về với tổ tiên ở Liên Pán, nơi đó cuộc sống tuyệt đẹp, như ước mơ của loài người muôn đời nay:
      Muốn ăn cơm, gạo tự đến
      Muốn ăn cá, cá tự lại
      Hạt thóc to, phải lấy rìu bổ
      Cọng rau lớn, phải lấy rìu chặt
     Ăn no đủ ba ngày
Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa của ông mo là tập hợp và đưa trở lại trần những vía đi tiễn hồn. Việc thu gom phải triệt để, không được để sót, nếu sót thì vía đó bị lạc, chủ nhân của vía sẽ ốm đau, bệnh tật và ông mo có lỗi với các gia đình thân chủ.
Để làm những nhiệm vụ quan trọng trên đây, ông Mo Thái phải:
- Xuất thần-nhập hoá để đi lên mường Trời,
- Phải có khả năng tiếp xúc giao dịch với thế giới siêu linh,       
- Phải dẫn hồn người chết và đoàn vía người sống đi đúng đường,
- Phải đưa vía người sống về và nhập hồn lại đầy đủ cho họ.
Ông là một thầy saman tiêu biểu, đã làm những nhiệm vụ tiêu biểu của  saman
IV.4. Mỡi-người Mường
Chức năng của Mỡi là chữa ốm đau, cầu lành, cầu phúc.
Trình tự của một lễ Mỡi chữa ốm đau gồm năm phần:
- Phần thứ nhất. Lúc này Thánh Mỡi chưa nhập. Người làm Mỡi khấn xin Thánh nhập vào họ.
- Phần thứ hai. Lúc này Thánh đã nhập, người làm Mỡi xưng là Vua Cả, đi mời ma gây bệnh về trước  sập thờ để hưởng lễ.
- Phần thứ ba. Người làm Mỡi , có Thánh nhập, nhân danh Thánh mời ma ăn trầu, hưởng cỗ, yêu cầu ma trả lại vía cho người.
- Phần thứ tư. Mỡi tiễn ma về nơi ở của chúng và dặn không bao giờ quấy rối vía người  ốm này nữa.
- Phần thứ năm. Dâng ăn cho vua Mỡi, các Thánh, các vị kem (chức việc bên ma Mỡi) và tổ tiên người Mỡi.
Bốn trong số năm phần của buổi lễ ông/bà Mỡi ở trong tình trạng xuất thần- nhập hoá. Những vị vua thánh nhập vào Mỡi là vua cha Ngọc hoàng, Đức Mễ Wàng Pà, Đức Ông Thánh Cả, ba Ông Thánh Hiền, ông Tề Thiên Đại Thánh.
Khi nhập, Mỡi hát và nói trong trạng thái ngây ngất, thường là không biết gì. Lúc đó họ trở thành vua Mỡi và xưng là vua Cả. Họ gọi người phụ lễ là wa con (hoa con), phụ lễ nam là wa wàng (hoa vàng), nữ là wa pạc (hoa bạc).
Tóm lại, cơ chế xuất thần- nhập hoá có vai trò quan trọng hàng đầu và chi phôí toàn bộ quá trình thực hành tín ngưỡng Mỡi của người Mường. Ông/ bà Mỡi có khả năng liên thông với thế giới âm gồm một bên là vua, thánh, bên kia là ma[1]. Mỡi là một hiện tượng tiêu biểu của sa man.
IV.5.Then- người Tày
Trong nghi lễ Then có cả nhập hồn và xuất hồn.
Mở đầu buổi lễ, ông/bà Then làm tiết mục mở đường hoặc chuộc binh để nhập Then. Ông /bà Then định thần, trong tiếng đàn hát, tay xóc nhạc. Bỗng ông /bà rùng mình. Đó là lúc hồn người thoát ra khỏi thể xác và hồn ma Then nhập vào. Hiện tượng xuất thần-nhập hoá được thực hiện. Trong cả quá trình buổi lễ, tình trạng tâm thần của ông/ bà Then vẫn như vậy, chỉ có khác là các nhân vật siêu linh thay đổi vai. Ngọc hoàng và các thiên tướng nhà Trời kế tục nhau nhập đồng.
Thường là Ngọc hoàng mở đầu. Ngài khai quang cho Then, cấp bổng lộc, rồi xóc nhạc ngựa (coi như lên đường) và thăng. Tiếp theo là các Tướng Hiển (còn gọi là Tướng Hoả thang), Tướng Hổ, Thánh Cá,…Tướng Hiển chủ sự về trừ ma , chữa bệnh, thường nhập đồng dưới dạng dẫm lên đống lửa đang cháy. Tướng Hổ nhập vai con hổ, cào cấu và gào thét. Thánh Cá nhập đồng dưới dạng trẻ con, v.v…[1]
Quá trình tiến hành nghi lễ, ông/bà Then có nhiệm vụ dẫn âm binh đi đến các cửa Tổ tiên, Thành hoàng, Thổ thần, tổ nghề Then,  các Thiên tướng và Ngọc hoàng. Những lúc này , trong trạng thái xuất thần-nhập hoá, xuất hồn người, nhập hồn ma Then, ông/bà Then tiếp xúc, giao thiệp với các vị thần linh. Nên nhớ, trong các thao tác này, ông/bà Then không có giờ phút nào được lơ là mà trở thành người thường (không xuất thần nhập hóa).
Tóm lại, cơ chế xuất thần -nhập hoá có vị trí quan trọng hàng đầu và chi phối việc thực hành nghi lễ Then của người Tày, đúng như GS Ngô Đức Thịnh đã tổng kết: “Nghi lễ Then là một hình thức shaman giáo thể hiện qua việc nhập hồn và xuất hồn, trong đó , nhập hồn các thần linh vào thân xác của các bà Then, ông Then là chủ yếu, để cầu an, giải hạn, chữa bệnh, bói toán và để cấp sắc, nâng sắc cho bản thân các bà Then, ông Then nữa”[1]
IV.6. Úa lếnh-người Hmông
Thầy sa man người H’mông được gọi là chí lếnh= ông thầy cúng, việc thực hành nghi lễ sa man được gọi là úa lếnh=làm cúng/cúng. Khi cúng, phần lớn là chữa bệnh, chí lếnh chủ yếu là xuầt hồn đi khắp các nơi ở thế giới âm để tìm hồn ma ác đã làm hại người ốm. Những nơi mà ông thường đến là:
-Đột nhập vào ngôi nhà người ốm,
- Lặn xuống thế giới dưới nước,
- Bao vây khu ở cũ trước khi di cư.
- Lần đường về nơi ở của tổ tiên,
- Đến hang quỷ ăn thịt người và thùng nước mắt,…
Như vậy, khi thầy saman trùm khăn, xuất hồn là lúc thầy đi vào thế giới của ma. Chỉ có ông mới có khả năng giao tiếp với thế giới bên kia.
Tóm lại, chí lềnh/thầy saman người H’mông khi làm việc âm đã huy động hai khả năng đặc biệt là: xuất thần-nhập hoá và liên thông với các nhân vật siêu linh.[1]
IV.7. Vijơu-người Raglai 
Thầy cúng ở người Raglai gọi là vijơu, có hai loại chính: cúng lên đồng (vijơu pamõng) và cúng không lên đồng (vijơu cati). Chỉ có cúng lên đồng mới là đối tượng nghiên cứu của bài này. Và ở đây, xin quy ước, khi nói vijơu có nghĩa là vijơu pamõng.
Vào lễ cúng, vijơu ngồi xếp bằng, đầu trùm khăn, thường là màu trắng, phủ xuống quá vai, miệng ngậm ngải, tay cầm chiếc lá (thường là lá mít) tương trưng cho cái quạt. Hỗ trợ cho vijơu có người phụ đồng (hulơu valàc). Ông này không xuất thần, tâm thần tỉnh táo.
Nhiệm vụ chính của vijơu là thực hiện một cuộc du hành, trong trạng tháí xuất thần-nhập hoá, đến ngưỡng cửa của thế giới thần linh, rồi đến gốc khế thần, có gian trại thần, giao tiếp với thần linh, lần lượt tìm hỏi các thần để biết căn nguyên dẫn đến ốm đau, tai hoạ của thân chủ mình.
Các thần thường được mời gọi là: Thần rơm rạ lúa gạo, Thần Trời, Thần Sấm, Thần đập nước, Thần Rồng,…Thân mình vijơu thỉnh thoảng rung lên, hoặc là ông rung đùi, huýt sáo. Phụ đồng/hulơu valàc nói lời phụ hoạ.
Có lúc chiếc lá trên tay vijơu không phe phẩy (tức là không làm nhiệm vụ quạt) mà lật đi lật lại, vijơu nhìn chăm chú vào đấy: ông đang xem sổ sách ở Thượng giới để tìm hiểu số phận của thân chủ.
Một công việc quan trọng nữa của vijơu là bắt các thần ác, thần phá hoại nhốt vào hộp sắt thần, hộp bạc thần. Ông phải nhờ vào các vị thần lớn mới làm được việc trên. Lúc này, người ta nghe ông phát ra những tiếng hú kéo dài.
Mặc dầu khá vất vả, cuối cùng ông hoàn thành mọi công việc, chào chia tay để trở về  trần gian. Ông rùng mình liên tiếp, lắc mạnh người và giật mạnh khăn trùm đầu. Hồn người thường đã trở lại với vijơu.
Tóm lại, vijơu pamõng là sa man của người Raglai. Trong khi thực hành nghi lễ, ông đã thực sự xuất thần- nhập hoá, đi lên thượng giới, tiếp xúc với các vị thần, tìm hiểu và cầu xin; đồng thời bắt giữ các ma xấu.  Các việc này có mục đích chữa bệnh và điều hoà các mâu thuẫn xã hội của thân chủ.[1]
IV.8. Pjâo-các tộc người Tây Nguyên
Hầu hết các tộc người Tây Nguyên đều có saman, với các tên gọi tương tự như nhau: người Jrai, Bahnar gọi là Pjâo, Êđê gọi là Mjâo, Mnông là Bujâu, người K’ho gọi là Bơjơu, Churu là Pjơu… Xin quy ước một tên chung là Pjâo.
Pjâo khác với những thầy cúng được nhân dân gọi là pô riu yang (ông khấn thần) hoặc pô iâo yang (ông gọi thần). Các ông này chỉ biết khấn, mời gọi thần, khác với pjâo, họ không  có khả năng xuất thần-nhập hoá.
Pjâo thường làm các việc : tìm kẻ phạm tội (ví như ăn trộm) và chữa bệnh, phần lớn là chữa bệnh.
Mở đầu buổi lễ bao giờ cũng có thủ tục thỉnh cầu thần linh nhập vào pjâo. (Lưu ý, ở đây không có khăn phủ diện; chỉ người Kinh, người Chăm và người Raglai mới dùng loại khăn này) Ông ta thường khấn:
Bẻ hai lá đa, ba lá sung
Cầu thần
Cho trong miệng tôi có thần
Cho trong hàm tôi có sắt
Cho môi tôi biết đoán trước.
Khi nhập thần ông rùng mình. Các pjâo làm phép bằng nhiều cách, ví dụ:
- Soi nến lên thân thể người bệnh để tìm nguyên nhân ốm đau
- Đo gang tay và sải tay để tìm bệnh, chữa bệnh
- Bóp trứng gà để tìm kẻ phạm tội
Tóm lại, pjâo là saman của nhiều tộc người Tây Nguyên. Họ có khả năng xuất thần-nhập hoá, được  thần linh (yang) và linh hồn tổ tiên nhập vào thể xác mình , để chữa bệnh và tìm tội phạm.[1]
VI. 9.  Saman của người Chăm
Saman người Chăm gọi là “Yang rajak[1] là lọai hình lên đồng nhập bóng trong tín ngưỡng dân gian của người Chăm chủ yếu là diễn ra ở bà Pajau (Pơjau) (bà bóng) và thầy Ka-ing (ông bóng). Trong nghi lễ cúng tế đền tháp, lễ nghi cộng đồng khi bà Pajau ngồi đồng một hồi lâu (xuất thần để đưa người về trạng thái rỗng), sau đó khi bị thần linh nhập vào thì toàn bà run lên, người Chăm gọi hiện tượng này là “yang rajak”. Khi yang rajak (thần linh nhập), bà Pajau thường mách bảo những điều tốt, xấu mà thần linh truyền đến cho dân làng như nói về việc thần linh nổi giận vì dân làng bị ô uế, loạn luân, chửa hoang, ăn cắp, người chết khiêng qua làng. Năm nào dân làng vi phạm những điều trên thì thần linh sẽ trừng phạt cả cộng đồng, không cho trời làm mưa, hạn hán, mất mùa và đói kém. Muốn tránh được tai ương, sự trừng phạt của thần linh thì dâng làng phải cúng lễ tế thần để tạ lỗi và hứa với thần sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Lúc đó thì thần mới ban cho mưa thuận gió hoà, khỏi bị hạn hán, bệnh dịch, dân làng sẽ được sức khoẻ và mùa màng.
Sau khi Bàlamôn, đặc biệt là Hồi giáo xâm nhập vào Chăm thì loại hình Saman giáo người Chăm biến đổi và ảnh hưởng đậm Mã Lai. Bên cạnh bà Pajau làm nghề đồng bóng, thì xuất hiện thêm bà Raja và ông bóng Ka-Ing trong hệ thống lễ Raja. Dựa vào nhiều tư liệu cho biết, bà Raja và ông bóng Ka- ing có nguồn gốc từ Mã Lai.[1] Về sau hình thức lên đồng nhập bóng của ông Ka- Ing trong lễ Raja Chăm phong phú và hấp dẫn hơn bà Pajau trong lễ nghi dân gian cũng như lễ nghi ở đền tháp Chăm Ahier. Những yếu tố nghi lễ, tục cúng, những cung văn, khúc nhạc, lời ca, điệu múa, sự hòa âm phối khí của nhạc lễ, khói trầm hưởng bay nghi ngút trước bệ thờ, tượng thờ, những lời cầu khấn và chấp tay cầu nguyện của dân làng là những yếu tố tổng hòa tạo nên hiện tượng hoá thân của bóng đồng của bà Pajau, Raja và thầy Ka-Ing trong loại hình tín ngưỡng, Saman của người Chăm . Khác với bà Pajau cúng tế ở đền tháp, bà Pajau Chăm trong lễ Rija có khả năng chữa một số bệnh thông thường[1].
Tóm lại, Saman của người Chăm có nhiều hình thức và có cả ở hai giới đàn ông và đàn bà. Cả hai đều có khả năng xuất thần-nhập hoá, được thần linh (yang) và linh hồn tổ tiên nhập vào thể xác mình, để chữa bệnh, truy tìm tội phạm và có khả năng dự báo trước những điều lâm nguy sẽ đến với cộng đồng nếu có.
     
 Khắp đất nước ta, từ bắc chí nam, rất nhiều dân tộc/tộc người tôn thờ tín ngưỡng sa man: Kinh, Mường, Thái, H’mông, Tày, Êđê, Jrai, Bana, Chăm, Raglai,v.v…Đó là những tín ngưỡng sa man tiêu biểu với những đặc điểm về cơ chế vận hành như:
- Thầy sa man nhập định, rồi xuất thần- nhập hoá, đi vào thế giới siêu linh, ở mường Trời.
- Ông tiếp xúc với các nhân vật thần linh để thương thuyết, cầu xin nhằm thực hiện một số công việc đối với người trần như: chữa bệnh, dẫn hồn người chết, tìm vía bị lạc, tìm tội phạm, bắt giữ ma ác,…
- Trong một số trường hợp ông còn phải đẫn đầu và chỉ đạo một đoàn vía tuỳ tùng, xuất và nhập, hồn/vía họ, đưa họ đi đến nơi, về đến chốn.
   
V. Kết luận
1. Tín ngưỡng saman là một hiện tượng lâu đời, khoảng 20 000 năm  và được phổ biến rộng rãi trên các châu lục. Nhiều quốc gia dân tộc đánh giá đúng mức hiện tượng văn hóa tín ngưỡng này, đã phát huy nó trong xã hội hiện đại.
2. Đây cũng là một tín ngưỡng có từ lâu đời và phổ biến rộng rãi trong các dân tộc/tộc người  nước ta
3. Cơ chế đặc trưng của saman là xuất thần-nhập hóa và liên thông với thế giới siêu linh. Đặc trưng này có liên quan đến khả năng tiềm ẩn của con người mà ngày nay Việt Nam cũng như trên thế giới đang dầy công nghiên cứu và ứng dụng.
4. Cũng như một số nước trên thế giới, tín ngưỡng này “đã trở thành niềm tin sâu đậm không chút nghi ngờ trong đầu óc một bộ phận nhân dân”. Vậy chúng ta cần:
- Thực hiện đúng pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, bảo đảm tự do tín ngưỡng;
- Khai thác những mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của saman các dân tộc để phục cho đời sống, xã hội
  Tài liệu tham khảo chính  (xin xem cuối bài 2)           
                                  

[1] GS TSKH, Giám đốc Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét