Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Bài viết về Quê hương gắn liền với dòng tộc

QUÊ HƯƠNG - NƠI ĐÓ CỘNG ĐỒNG VÀ DÒNG TỘC

                                                                                                                   Bùi Đình Kiên

Ai sinh ra ở đời cũng phải có làng, có quê, dù có cuộc sống ngắn dài, rồi cũng phải về với đất, về với tổ tiên, đó là quy luật âm dương đất trời. Song vẫn theo quy luật ấy, vong linh, tên tuổi vẫn còn ở lại với trần gian. Một minh chứng đầy thuyết phục của các phong tục Việt nam như đình chùa, miếu mạo, nhà thờ họ, bàn thờ gia tiên... đều được thờ cúng trang trọng, uy nghiêm để tri ân tiên tổ, thánh thần, trời phật.
   Những điều đã rõ: Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 hằng năm đã trở thành quốc tổ. Đặc biệt những năm gần đây, được phép của Nhà nước, các địa phương ngoài tu bổ, tôn tạo đình, chùa... nhiều dòng họ đã thành lập được Ban liên lạc của dòng họ mình để hội tụ trí tuệ, tôn vinh tổ tiên, hướng về  nguồn cội  nhằm phát huy những giá trị văn hóa và tinh thần trên đạo lý lấy tâm và đức làm trọng để tri ân các bậc tiền nhân.
   Nhân dịp đại hội toàn quốc họ Bùi Việt nam lần thứ 2 (4/2013), là một người con của họ Bùi xứ Đoài xưa, nay là xứ Phùng – Đan Phượng – Hà nội, xin được rất trân trọng cảm nhận, ngưỡng mộ những thông tin dòng tộc đã được đăng trên tập san họ Bùi Việt Nam. Đặc biệt cuốn truyện kể về “những người con dâu, con gái họ Bùi Việt Nam” do Bùi Xuân An sưu tầm và biên soạn đã thầm nhắn nhủ người đọc hãy viết lên những gì mình biết, dù là rất nhỏ, nhưng cũng  để góp thêm những giá trị nhân văn của dòng tộc họ Bùi Việt Nam.
Sau đây là chuyện kể:
   Các dòng họ xứ Đoài xưa nói chung và họ Bùi nói riêng cũng đã sinh ra nhiều người con tuấn kiệt để làm rạng danh cho quê hương đất nước, trong đó  xứ Phùng  - Đan Phượng – Hà Nội cũng có nhiều người con như thế rất đáng được trân trọng, trong đó nổi bật trên văn đàn thi ca, hội họa, có nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, quê làng Phượng Trì, nay thuộc thị trấn Phùng huyện Đan Phượng.  Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo viết về ông, trong đó tác giả Phú Bình có bài viết về Quang Dũng rất cảm động đăng trên báo  An ninh thế giới giữa tháng 6 năm 2012 nhân ngày những người yêu thơ đón nhận cuốn :    “ Mắt người Sơn Tây” của thi sĩ Quang Dũng, trong đó có tựa đề “Mây lang thang”, trích đoạn đầu: “Quang Dũng có lẽ là nhà thơ mang trong mình dòng máu lãng du vào loại bậc nhất thi đàn Đất Việt  thế kỷ XX”.
    Đó là thơ. Còn về văn, xin trích đoạn ngắn những điều Ông trăn trở, viết thẳng, nói thẳng, nói thật những  tâm thức  về văn hóa, văn nghệ cách mạng trong đợt triển khai diễn đàn lấy ý kiến rộng rãi các văn nghệ sĩ hướng tới Đại hội  văn hóa , văn nghệ toàn quốc lần thứ hai họp vào đầu năm 1957 với bài viết được đăng ba kỳ trên báo văn nghệ, Ông viết: “Người thi sĩ thấy vinh dự được đi với cách mạng, cách mạng cũng thấy cái vinh dự được nhiều thi sĩ về “tụ nghĩa” ở dưới bóng cờ của mình. Họ vốn là những người vốn bất mãn lớn với cái cũ rồi, họ đi với cách mạng là để làm cách mạng, chứ đâu phải bất mãn với cách mạng. Đôi điều không thông làm cho họ phật ý, nhưng nghĩ đến cách mạng, tin vào chân lý cao cả của cách mạng, họ vẫn phấn đấu, kiên trì và trung thành với cách mạng, dẫu họ  là trong Đảng  hay ngoài Đảng. Đã đứng ở hàng ngũ phấn đấu cho Cộng sản chủ nghĩa là cái lý tưởng tuyệt đích của nhân loại. Bây giờ họ cũng có cái kiêu hãnh mang một tâm hồn Cộng sản và họ nhất định tin là như thế, chỉ có khác là kết nạp hay chưa kết nạp mà thôi” .
   Ngôn từ thật trong sáng, rõ ràng và cách mạng. Ông đã đại diện cho nhân sĩ trí thức nói với Tổ quốc  như thế.
   Lời ngợi ca của nhà báo Phú Bình về Quang Dũng là đúng, vì theo quy luật âm dương đất trời , “dòng máu lãng du” ấy phải là dòng máu của cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Xin có một vài minh chứng:
   Ông nội:  Cụ Chánh Hai. Theo tài liệu của Bùi Đức Dương. Thọ Vực đã đăng trên tập san họ Bùi Việt nam số 17(Nguồn gốc họ Bùi ở Đan Phượng) thì có lẽ dòng họ Bùi Đình của Quang Dũng cũng là dòng  họ khoa bảng.
   Bà nội nhà thơ là cụ Tạ Thị Ước, con gái họ Tạ Đăng, dòng họ khoa bảng ở Đại Phùng cùng xã, một họ nức danh thời Lê Trịnh có tới bốn đời liên tiếp thi đậu Tiến sĩ  – Tạo sĩ, đó là:
Năm 1683: Cụ Tạ Đăng Vọng thi đậu Đệ nhị Giáp tiến sĩ (cha);
Năm 1700: Cụ Tạ đăng Huân thi đậu Đệ tam Giáp tiến sĩ (con);
Năm 1760: Cụ Tạ Đăng Đạo thi đậu Đệ tam Giáp đồng tiến sĩ (cháu);
Năm 1777: Cụ Tạ Đăng Liêm thi đậu Tao sĩ – Tả Đô đốc (chắt)
   Đúng 100 năm sau, chắt , chít trực hệ rời quê về Thu Quế thuộc Tổng Phùng, đổi chữ đệm Đăng thành Văn, đó là Tạ Văn Cán thi đậu tiến sĩ triều Nguyễn năm 1892, ngoài các vị khoa bảng trên còn rất nhiều cháu con hai dòng họ Bùi – Tạ thi đậu nho sĩ, tú tài trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo... góp phần xây dựng quê hương đất nước. Với dòng nguyên khí khí ấy há chẳng phải là phần máu thịt dành cho Quang Dũng hay sao. Có một điều rất vui và tự hào cho họ Bùi chúng ta,  người con gái sau là chính thất của Tiến sĩ Tạ Đăng Vong, người mở đầu khoa bảng nức tiếng xứ tổng Phùng xưa lại là một người con của họ Bùi. Gia phả họ Tạ Đăng đã ghi: “ Chính thất người họ Bùi, tên húy là thị Phì, tên hiệu là Từ Hậu, con gái Phúc Đường Hầu họ Bùi, sinh năm 1647, mất năm 1727 hưởng thọ 81 tuổi được phong phu nhân”.
   Hiện nay , tại làng Đại Phùng – xã Đan Phượng vẫn còn ngôi nhà văn chỉ để thờ các vị tiên hiền là những người con của các dòng họ trong làng, trong đó có họ Bùi và họ Tạ Đăng. Đặc biệt, trước bệ thờ chân linh tiên hiền có bức hoành phi  đó là: Long - Môn – Thanh – Giá và hai câu đối treo hai bên tả hữu:
-         Thủy chi Giang hán – Tinh chi đẩu
-         Hạc tại Vân tiêu – Phượng tại ngô
Câu đối trên do nhà giáo Tạ Đăng Viêm cho chữ và hai gia đình cung tiến là tác giả và Cụ Hà Vũ Quý. 
   Lời thơ dung dị, mộc mạc nhưng thấm đậm chất nhân văn, đất quê, đất học.
   Họ Bùi Việt Nam Đại hội lần thứ hai nhưng rất tiếc khu cận Phùng khá đông họ Bùi nhưng vẫn chưa có tổ chức,  vì vậy rất mong địa phương vận động các dòng họ Bùi xứ Phùng thành lập Ban liên lạc để cùng đi vào hoạt động, nhằm phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp của cha ông, tiên tổ và phấn đấu cùng với  các dòng họ xây dựng quê hương xứ Phùng giàu đẹp.
   Với câu chuyện của dòng họ Bùi xứ quê Phùng, đó cũng là để nối tiếp truyền thống tốt đẹp của họ Bùi Việt Nam.
   Chúc Đại hội toàn quốc lần thứ hai Họ Bùi Việt nam thành công tốt đẹp.
Hà nội tháng 2 năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét