Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Bài viết về VĂN HÓA GIA ĐÌNH


ĐÔI ĐIỀU NÓI VỀ VĂN HÓA GIA ĐÌNH
*****
                                                                                     Bùi Thành Phần      
                                                                    Phó chủ tịch Trung ương Hội  Khoa học  
                                                              Phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam  
 
       I. Những vấn đề chung của "Văn hóa gia đình"
       1. Văn hoá gia đình - một vấn đề thường nhật - nhưng là một  chuyện lớn:
     Ngày nay văn hóa gia đình đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Sự chuyển dịch này được diễn ra hàng ngày, hàng giờ và rất khách quan. "Văn hóa gia đình" ở đây có nội hàm là cả dân tộc Việt Nam với sự lan tỏa trên phạm vi toàn quốc - từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược cho đến miền xuôi... mọi phong tục tập quán, như: "Lời ăn tiếng nói", lối mặc, nếp ở, cách thức ứng xử với nhau, cho đến tập tục thờ phụng Tổ tiên như thế nào cho phải lẽ, phải đạo ... và đây còn gọi là "văn hóa từ trong nhà ra ngoài xã hội"! Vấn đề "thờ phụng Tổ tiên" cũng cần bàn làm sao cho "có văn hóa" và "văn hóa thờ cúng" phải thể hiện được vai trò quan trọng trong "Giáo dục gia đình"! 
     Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn mong muốn, phải "Xây dựng  nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", và cho rằng: "Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực" ... Bởi mọi vấn đề suy cho cùng đều do văn hóa mà ra. Chính nhờ có "văn hóa dân tộc - văn hóa gia đình" mà nước Việt Nam mới duy trì và phát triển được như ngày nay. Xin có vài ví dụ để làm rõ :
     -Chuyện xưa trong nước- từ thời Hai bà Trưng: Thuở ấy dân số Việt Nam có khoảng một triệu người. Nếu theo "Phép thông kê học về dân số" ngày nay, thì tỷ lệ được phân tích như sau: Có khoảng 30% là thiếu niên nhi đồng (tương ứng với 30 vạn người) + 40% là những người trẻ (khoảng 40 vạn người) + 30% là người cao tuổi (vào độ 30 vạn người). Trong khoảng 40 vạn người trẻ tuổi được phân tích theo giới tính thì có độ > 50% là nữ giới (>20 vạn người) và gần 50% là nam giới (gần 20 vạn người). Để diệt chủng và đồng hóa dân tộc Việt Nam, quân xâm lược phương Bắc đã bắt đưa về nước họ và giết chết khoảng 15 vạn đàn ông trai tráng Việt (sử sách của Trung Hoa và Việt Nam vẫn còn ghi), đồng thời họ cũng để lại Việt Nam khoảng ngần ấy binh lính và thanh niên phương Bắc - Sử sách gọi số người này là "Mã lưu nhân”. Khoảng 15 vạn Mã lưu nhân ấy ở lại Việt Nam và kết hôn ít nhất cũng vào khoảng 15 vạn phụ nữ Việt Nam (nói ít nhất, bởi thời đó đàn ông được lấy nhiều vợ). Nhưng "bản sắc văn hóa dân tộc Việt" vẫn không bị xoá bỏ, đồng hóa. Sự không bị xoá bỏ, đồng hóa này có lý do. Vì những người cha, hầu hết là lính tráng thường phải đi chinh chiến liên miên, trong gia đình chỉ còn lại những bà mẹ. Họ phải bảo đảm việc làm ăn, nuôi dạy con cái, thờ phụng Tổ tiên ... bằng chính tiếng nói mẹ đẻ, tập quán, phong tục và "văn hóa dân tộc Việt" của mình. Như vậy chúng ta có thể tự hào mà khẳng định rằng: Sự không bị đồng hóa của kẻ địch phương Bắc là do "Các bà mẹ Việt Nam". Những người mẹ đã giữ được "bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc Văn hóa gia đình" - và chính bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình Việt ấy đã chiến thắng phương Bắc. Dân tộc Việt Nam tồn tại là nhờ những bà mẹ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng ! Ngoài nước: - Người Mông Cổ đô hộ người Hán, Người Mãn Thanh đô hộ người Hán. Người Hán đã thua trên trận mạc nhưng cuối cùng người Hán không đánh mà vẫn "nuốt chửng" hai quốc gia đó - bởi lẽ chính "văn hoá Hán tộc" đã thắng. Dân tộc Hán chiến thắng trở lại là do văn hoá Hán .
     -Chuyện thời nay: Sau khi đất nước Việt Nam thống nhất, Mácnamara (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - người bị anh Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn ám sát năm 1963 - không thành - ở cầu Công Lý) đã có chuyến thăm Việt Nam. Ông ta đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nói và hỏi Đại tướng rằng: Nước tôi lớn, giàu có, vũ khí hiện đại thế; còn nước các ông nghèo, vũ khí thô sơ thế ... lý do nào mà các ông đã chiến thắng chúng tôi? Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: Chúng tôi thắng các ông bởi nền "Văn hóa Việt Nam".  Chúng tôi thắng các ông bằng văn hoá chứ không phải bằng vũ khi, tiền bạc ! ...
     Mấy ví dụ trên cho thấy vai trò của văn hoá dân tộc là vô cùng quan trọng.
     Văn hoá nói chung bao hàm nhiều vấn đề rất rộng lớn (cả về nội dung và tầm vóc) nay xin xoay quanh một vấn đề hẹp - đấy là "Văn hoá gia đình" .
     Gia đình Việt nam từ xa xưa được hình thành bởi nền nông nghiệp (cho đến nay đất nước vẫn còn khoảng 70% dân số là nông dân - sống bằng nông nghiệp). Cho nên có thể nói xã hội ta hiện nay vẫn là một "xã hội nông nghiệp" và chính vì vậy mà "văn hoá gia đình" - nói rộng ra là "văn hoá họ tộc", "văn hoá quê hương" - vẫn giữ  vai trò quan trọng từ những nét đẹp xưa, vẫn là cái gì đó nằm sâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam, như: Cây đa, giếng nước, sân đình, cái cổng làng, cùng luỹ tre xanh ... Có lẽ với nhiều người trong chúng ta, nó sẽ còn lưu giữ mãi những hình ảnh ấy trong tâm khảm và sẽ đi theo đến cuối đời - Không những thế nhất định nó còn kéo dài cho tới nhiều đời sau.
     Xã hội nông nghiệp cho chúng ta những nét đẹp trong lối ứng xử giữa con người với con người, như: "trong họ ngoài làng tối lửa tắt đèn có nhau", gia đình có việc hiếu, việc hỷ... bà con họ hàng, chòm xóm sẵn sàng giúp một tay... Có những gia đình dù đã rời xa quê hương nhiều năm, nhiều đời (ra ở thành thị, hoặc ở nước ngoài), nhưng họ vẫn luôn luôn hướng về họ hàng, quê hương đất tổ - Nhất là lúc về già "lá rụng về cội" - Họ mong được quay về quê hương ! Có nhiều gia đình đã sống ở Hà Nội tới năm - sáu đời, nhưng ở quê nhà có hội đình, hội chùa, ngày giỗ Tổ tiên ... các cụ bằng nhiều cách mong muốn, đôn đốc con cháu nhớ về quê hương tham dự ...
     2. Cấu trúc văn hoá gia đình Việt nam luôn được gắn bó chặt chẽ giữa gia đình với dòng tộc, quê hương, xã hội và đất nước.
     Muốn có con người tốt phải giáo dục những điều tốt đẹp ngay từ trong gia đình, rồi qua đó mà từng bước nâng lên, cụ thể: Trước tiên phải biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh em, họ tộc... Tiếp theo là tình yêu quê hương: "Ta yêu quê hương vì có chim có bướm - vì dòng nước, hạt gạo nuôi ta khôn lớn - vì có bà con xóm giềng thân thương - ..." Cao hơn là tình yêu Tổ quốc: "Nước mất nhà tan - Tổ quốc trên hết" ... Cao hơn nữa là tình yêu nhân loại, tình yêu nhân dân lao động, nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, tình yêu với trái đất này - mái nhà chung của con người và của muôn loài ...
     Nếu một người nào đó không biết kính trọng thương yêu ông bà, thương yêu bố mẹ, anh em... thì chớ  hy vọng gì ở họ có tình yêu đối với người khác - và lại càng đừng trông chờ họ có tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước, hay tình yêu quốc tế bao la !
     Người Việt Nam cho rằng, muốn gắn bó gia đình thì phải lấy " tình nghĩa làm trọng": Con cái phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh chị em phải biết thương yêu nhau. Hiếu thuận phải được đặt lên hàng đầu, chỉ có như thế mới là hợp với đạo lý, hợp với lẽ trời (người Việt Nam gọi là đạo lý làm người). Sai lầm của con cháu trước hết phải là trách nhiệm của gia đình, sau đó mới đến nhà trường và xã hội.
     Vậy như thế nào là người tốt ? Người tốt thường có những đặc tính là:  Khiêm nhường từ tốn, hiền hoà, tình nghĩa, cao thượng, tế nhị, nhẫn nại và biết kiềm chế, kiềm chế từ trong nhà ra ngoài hàng xóm. Biết kiềm chế theo các cụ xưa là: "Một sự nhịn, chín sự lành!". Chuyện trẻ con giữa hàng xóm với nhau, có thể làm mất lòng người lớn. Nếu không biết kiềm chế thì rất dễ dẫn đến "Chuyện bé xé ra to" ... Ngay như muốn gìn giữ được hoà bình thế giới, các Nguyên thủ Quốc gia mỗi khi ngồi lại bàn bạc những vấn đề vướng mắc giữa các nước với nhau cũng phải biết tự kiềm chế, chỉ có như vậy  thì sự bàn bạc mới đi đến kết quả .
     3.Nội dung của giáo dục gia đình: Giáo dục gia đình có những nội dung chính sau: Một là, giáo dục tình nghĩa gia đình, anh em họ tộc. Hai là, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. Ba là, giáo dục tính ham học, chăm làm. Bốn là, giáo dục truyền thống "tôn sư, trọng đạo, tôn trọng lẽ phải. Năn là, giáo dục tình nghĩa bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp. áu là, giáo dục con cháu tránh xa các tệ nạn xã hội (như là cờ bác, hút chích, đĩ điếm ...). Những vấn đề này đã được người xưa tổng kết và đã đi vào thi ca, như: 
     + Giáo dục gia đình, Ông bà cha mẹ phải biết dạy con cháu từ tấm bé: "Dạy con từ tuổi còn thơ", hoặc như: "Bé chẳng vin, cả gẫy cành", hay: "Bé ăn trộm gà, cả ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc"... là vì vậy. Hoặc nữa: "Bảo vâng gọi dạ con ơi. Vâng lời sau trước con thời chớ quên. Công ơn cha mẹ khôn đền. Vào thưa ra gửi mới nên con người", hay: "Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Đối với anh chị em trong nhà, có các câu thơ rằng: "Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần", hoặc: "Gà cùng một mẹ chỏ hoài đá nhau"... Anh em trong nhà phải tránh việc kèn cựa thiệt hơn về vật chất, tránh tranh luận thắng thua về trí khôn.         
     + Đối với đồng bào trong nước, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội phải hun đúc được tình thương yêu đoàn kết gắn bó bền chặt giữa những người Việt Nam với nhau, như: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", hay là: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn"... Tình yêu này đã được thể hiện rõ nhất qua việc cùng nhau chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, cũng như cùng nhau chung tay xây dựng nước nhà .        
     + Gia đình còn phải quan tâm giáo dục lòng biết ơn đối với các thầy  cô - những người đã dạy dỗ mình thành người, thành tài - đó cũng là đức tính và truyền thống "tôn sư trọng đạo" của nhân dân ta. Người xưa khẳng định rằng: "Không thày đố mày làm nên", hoặc "Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy"... Trong giáo dục đức tính ham học, chăm làm, cụ Nguyễn Trãi có câu thơ rất hay rằng: "Nên thợ nên thày vì có học. No ăn no mặc bởi chăn làm".
     Ở Quốc Tử Giám, Hà Nội có Văn Miếu thờ người thầy vĩ đai Chu Văn An. Nơi đây biết bao nhiêu Công - Hầu, Khanh - Tướng của mọi triều đại xưa đã đến quỳ trước vong linh Cụ để tự tu tỉnh. Ngày nay cũng biết bao con người thành đạt, thậm chí đến hàng lãnh tụ cũng đến đây học tập Cụ, mong Cụ chiếu dọi cho tinh thần sáng suốt, trong sáng hơn về đạo đức, giỏi giang hơn về tài nghiệp. Ở Hà Nội và các tỉnh bạn thường đến Văn Miếu để tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi, đỗ đầu; tuyên dương các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi ...Tấm gương của người thầy Chu Văn An còn sừng sững toả sáng cho tới ngày nay .
     Nhân đây xin có đôi điều giới thiệu qua về Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội như sau:
     Từ Tam quan đi vào lớp cổng đầu tiên, hai bên có hai cổng lớn đi vào Phương đình, nếu nhìn từ bên ngoài vào, thì: Một cổng là "Thành đức" - cổng bên phải. Một cổng là "Thành tài" - cổng bên trái.
     Theo các nhà Nho xưa, các Cụ cho rằng, con người phải có "Đức" trước, tiếp theo đó là có "Tài" và  Đức -Tài trọn vẹn là biểu hiện của sự thành đạt trọn vẹn.
     Các Cụ xưa còn có sơ đồ: Lấy trục hoành biểu hiện cho "Đức" - làm bề ngang, lấy trục tung biểu hiện cho "Tài" - làm chiều dọc. Các cụ bảo rằng: Nếu "Hoành" rộng, "Tung" có thấp hơn một chút, thì vững bền. Nhưng nếu "Tung" cao, cao hơn "Hoành" nhiều quá, thì dễ đổ.
      Tương truyền, ngày xưa các Cụ vào Văn Miếu, tới lớp cổng này, bao giờ cũng qua cổng phải (Thành đức) trước; khỉ đi ra, thì qua cổng trái (Thành tài) - hàm ý ở đây là "tôn trọng Đức trước Tài". Nhưng chỉ có ông Nguyễn Hữu Chỉnh bao giờ cũng đi ngược lại, vì thế ông này về sau thất Đức, phản lại nhà Lê, phản lại cả Tây Sơn, nên mang hoạ vào thân !?
     Người xưa đã cụ thể hoá "Đức- Tài" bằng 4 tiêu chí sau đây:
     Một là, "Tâm chính"  - Trong sáng, không gian manh lừa lọc.
     Hai là, "Tín thành" - Giữ chữ tín, không "ngoắt nghoéo" để mọi người tin tưởng.
     Ba là,"Trí kiên"  -  Kiên trì trong công việc, nhẫn nại giữ vững mục tiêu.
     Bốn là, "Sự cẩn" - Làm gì cũng phải cẩn trọng trước sau.
     Trong Văn Miếu còn có một Hoành phi, với nội dung ghi: "Cổ kim Nhật Nguyệt". Hoành phi này là của cụ Nguyễn Nghiễm - Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương với Giám đốc Học viện bây giờ) - cụ Nghiễm là thân phụ của cụ Nguyễn Du. Dịch nghĩa đen câu "Cổ Kim Nhật Nguyệt" đại để như sau: "Cổ" là ngày xưa. "Kim" là ngày nay. "Nhật" là mặt trời. "Nguyệt" là mặt trăng. Như vậy có thể dịch ra Việt ngữ nội dung Hoành phi ấy thành câu: "Mặt trời, Mặt trăng ngày xưa, hôm nay vẫn thế cả" ! 
     Dịch theo nghĩa bóng, có thể hiểu ý nghĩa thâm thuý sâu xa của Cụ Nguyễn Nghiễm là: Ngày có Mặt trời - Mặt trời có ánh sáng; đêm có Mặt trăng - Mặt trăng có ánh sáng. Làm bất kể việc gì, ở bất cứ nơi đâu, vào ban ngày hay ban đêm - việc ấy đều có Trời - Đất chứng giám cả. Làm tốt Trời Đất biết, làm xấu Trời Đất biết - "Đèn Trời vằng vặc, lưới trời lồng lộng, chẳng thể dấu vào đâu được!"                                 
     Đối với đất nước ngày nay, tiêu chuẩn chọn cán bộ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước lại càng cần phải quan tâm tới vấn đề "Đức - Tài".                
     - Lễ giáo gia đình có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người. Với quốc gia (kể cả các tổ chức đoàn thể xã hội) cũng phải có phép tắc, lễ giáo - người xưa gọi là "Vương - Giáo". Vương có nghĩa là những "Gia pháp quy ước trong gia đình; là luật lệ, điều lệ của các tổ chức xã hội; là luật pháp, phép tắc  của Nhà nước - cao nhất là Hiến pháp. Giáo có nghĩa là "giáo dục dạy dỗ của gia đình - nhà trường - xã hội". Nếu không có lễ giáo thì gia đình và xã hội sẽ gặp nhiều "bi kịch", vì con người vốn có "tính bản năng và tính nhân đạo". Cụm từ "con người" cũng nói lên điều này. Phần "con" mang tính thú - gọi là "thú tính", là tính bản năng. Phần "người" mang tính nhân đạo - gọi là "Nhân tính". "Tính nhân từ" cao cả phải qua giáo dục đào tạo, rèn luyện và phải có kỷ cương để ràng buộc. Các cụ xưa còn nói: "Có Quỷ - Thần hai vai" là mang hàm ý trên. Khi quỷ mạnh, thần thua thì thú tính nổi lên. Khi thần mạnh, quỷ thua thì nhân ái thắng, nhân từ thịnh.                                                                            
     - Giáo dục gia đình Việt Nam còn qua việc thờ phụng Tổ tiên với nhiều tập tục, nhiều lớp lang lưu lại ở khắp đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, suốt từ Bắc vào Nam,
     Việc thờ phụng Tổ tiên có các hình thức như sau:
     + Thờ Tổ tiên và những người thân trong gia đình đã khuất (tại mỗi nhà).
     + Thờ Tổ tiền trong họ tộc (ở nhà thờ Tổ hoặc tại nhà ông trưởng họ).                                                                                                               
     + Thờ Tổ tiên của làng xóm, đó là Thành Hoàng làng (ở tại đình làng).
     + Thờ Tổ tiên của đất nước (như thờ Quốc Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 03 Âm lịch hàng năm tại Đền Hùng Phú Thọ).
     Ngoài ra, còn có các tổ chức thờ phụng Tổ tiên qua các lễ hội, các hoạt động đạo hiếu, tang lễ dến các việc ứng xử trong giao tiếp, các tập tục cưới hỏi, hoặc việc chọn ngày giờ "động thổ, xuất hành, khai trương, ..." Các hoạt động có tính cộng đồng này rất phong phú, đa dạng, đủ mọi mầu sắc... Tuy nhiên chúng ta cần chọn lọc. Nếu là "thuần phong mỹ tục" - nghĩa là cái hay, cái đẹp - cần được duy trì, phát huy, lưu truyền để giáo dục con cháu về sau. Những gì là mê tín dị đoan "mua thần bán thánh", lạc hậu hay những việc làm có tính rườm rà, lãng phí, không đẹp... mà chúng ta vẫn nói, đó là  "hủ tục - bại phong" thì cần được loại bỏ .
     II . Văn hoá thờ phụng Tổ tiên
     1. Sự bền vững của Văn hoá Việt Nam chính là nhờ vào "Văn hoá thờ phụng Tổ tiên":
     Văn hoá thờ phụng Tổ tiên là vấn đề và việc làm "tối quan trọng" - thậm chí có những học giả nói: "Mất Văn hoá thờ phụng Tổ tiên là mất Nước!". Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 16 .   Nhưng luật lệ Công giáo không cho đồng bào Công giáo thờ Tổ tiên (nói chính xác là có, nhưng thờ Tổ tiên phải qua bàn thờ Chúa - thờ Chúa là thờ Tổ tiên). Chính vì lẽ đó mà đã gần 500 năm, Công giáo vẫn rất khó phát triển ở Việt Nam (tuy vậy từ năm 1968 - Joang Pon II/Giáo Chủ Vatican - đã có "chủ trương đổi mới" cho phép Giáo dân Việt Nam được thiết lập bàn thờ Tổ tiên và được thắp hương trong gia đình như mọi gia đình Việt Nam khác - nên tình hình có cải thiện, phát triển hơn). Các nước Châu Âu, người ta có thờ Tổ tiên, nhưng họ đưa vào Nhà thờ. Đạo Hồi châu Phi, người ta thờ Tổ tiên dưới ánh sáng của Thánh Ala. Qua điều tra "Xã hội học" ở Hà Nội - một nơi đã có nếp sống công nghiệp, nếp sống thành thị và giao lưu quốc tế lớn - thế mà đến nay vẫn có đến 98% gia đình thiết lập bàn thờ Tổ tiên trong nhà. Một người Hàn Quốc sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh học vị Tiến sỹ với đề tài: "Tục thờ phụng Tổ tiên của người Hà nội và các vùng phụ cận" (hiện ông đang là Giáo sư Đại học của Hàn Quốc) nhận xét: Người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đếu có phong tục giống nhau là thờ phụng Tổ tiên. Nhưng người Việt Nam thờ Tổ tiên có hai cách: Thờ chính thống và thờ phi chính thống. Thờ chính thống, là lấy ngày người thân qua đời làm ngày giỗ để cúng bái. Thờ phi chính thống, theo quan niệm của người Việt Nam, vong hồn người quá cố luôn luôn ở gần bên mình, ngưới đang sống được tiếp xúc với  "người vô hinh" qua việc cúng bái. Mỗi biến cố, sự kiện gì dù to, dù nhỏ  xảy ra trong gia đình họ đều thắp hương cầu khấn trình bày, kính cáo và xin sự phù hộ độ trì. Ví dụ qua các sự kiện, như: Sinh con, con đi học, con thi đỗ; gia đình có người được thăng tiến, khen thưởng; gia đình xây dựng nhà cửa; ngày Rằm, mồng Một hàng tháng; thậm chí có người không may "mắc nạn"...  Hoặc mỗi khi vào mùa thu hoạch hoa trái, người ta ra vườn hái lượm những hoa trái đầu mùa ngon thơm mang về bày vào đĩa, đặt lên bàn thờ và thắp nén nhang khấn vái tổ tiên, mời các Cụ về thụ hưởng trước ...Với người Việt Nam, "người bên kia thế giới" với người đang sống lúc nào cũng "Có thể gặp nhau" qua việc cúng vái. Bàn thờ là nơi cư ngụ của "người đã khuất".
Chính vì thế mà bàn thờ bao giờ cũng được đặt ở những nơi trang trọng nhất trong nhà - vừa kính trọng nghiêm trang nhưng lại vừa gần gũi. Ông Giáo sư Tiến sĩ Hàn Quốc này cho rằng, phong tục thờ phụng Tổ tiên của người Việt Nam rất hay, rất đẹp và có ý nghĩa giáo dục cao, giáo dục thường xuyên ở ngay trong mỗi gia đình.
     2. Phong tục cúng Giỗ của các gia đình Việt Nam :
     - Người Việt Nam rất trọng lễ - nghĩa: Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra bố mẹ, bố mẹ sinh ra mình, nên khi ông bà, bố mẹ còn sống, các con cháu phải phụng dưỡng, lễ phép nghe lời dạy bảo của  ông bà, cha mẹ. Khi các cụ trăm tuổi, ngoài việc chăm lo ma chay chôn cất cho chu đáo, sau đó phải thờ cúng các cụ, để tỏ lòng nhớ ơn các cụ lâu dài.
     Việc thờ cúng Tổ tiên trước hết là phải lập bàn thờ tại nhà để cúng bái các cụ trong những ngày giỗ chạp, sóc vọng, tết nhất. Thờ cúng Tổ tiên không phải là tôn giáo, lại càng không phải là một đạo phái nào cả. Vì tôn giáo, đạo phái phải có Giáo chủ, Giáo điều - tức Điều lệ của giáo giới - khi hành đạo phải có Tu sĩ làm trung gian. Trong quan niệm của người Việt Nam cho rằng "chết chưa phải đã hết!". Thể xác có thể mất nhưng linh hồn vẫn tồn tại và vẫn lui tới gia đình - và người đời có quan niệm rằng: "Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt" - Cũng chính vì thế, mọi người mới chấp nhận khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!". Người Ai Cập cho rằng: "Nếu thường xuyên nhắc tới người đã khuất thì người đó trường sinh!".
     Tục xưa còn truyền lại rằng, vong hồn người đã khuất luôn ngự trên bàn thờ - vì thế nên có vùng miền còn gọi "bàn thờ" "giường thờ" - coi các cụ vẫn như còn sống và ngự ở trên "cái giường" đó để gần gũi con cháu, theo dõi giúp đỡ con cháu hàng ngày và những lúc cần thiết.  
     - Về tục lệ ngày giỗ: Điều quan trọng nhất trong thờ phụng Tổ tiên là việc nhớ ngày "cúng giỗ". Vậy phải hiểu cúng giỗ là thế nào? Ngày giỗ có thể nói gọn là "ngày kỷ niệm người đã qua đời". còn gọi là "Kỵ nhật". Làm giỗ cũng tuỳ theo gia cảnh, nhưng có sự phân loại như sau:
     + Giỗ ông bà, cha mẹ thường làm to hơn.
     + Giỗ anh em, chú bác và các vị Cao tằng Tổ khảo, thường nhỏ hơn. gọi là "giỗ mọn"...Ý nghĩa chính của "giỗ mọn" nói rằng, những người đời sau không bỏ giỗ và vẫn nhớ tới những người thân đã khuất.
     + Ngày giỗ cũng có sự phân biệt thành 3 loại chính, là: Giỗ đầu, Giỗ hết, Giỗ thường.
     *Giỗ đầu còn gọi là "Tiểu tường" là ngày kỷ niệm đầu tiên của người đã khuất được "đúng một năm"
.   *Giỗ hết còn gọi là "Đại tường" là ngày kỷ niệm lần thứ hai của người đã khuất "được hai năm".
    *Giỗ thường còn gọi là "Kỵ nhật", hay "Cát kỵ". Cát kỵ có nghĩa là "ngày giỗ lành. Qua hai năm, người chết còn nằm dưới huyệt - "Hung táng". Sau hai giỗ Tiểu tường và Đại tường con cháu có thể làm lễ "Cải táng" - tức là "bốc mộ" - để mang đi "táng" ở một nơi khác. Việc "táng" sau này được gọi là  "Cát táng" - Và các ngày giỗ sau Cát táng được gọi là Cát kỵ.   
     Theo quan niệm của người xưa: Trước hai ngày giỗ Tiểu tường và Đại tường, "Trùng quỷ" vẫn còn có quyền hành đối với người chết và tác hoạ đối với người thân còn sống trên trần gian. Nhưng qua hai cái giỗ trên thì Trùng quỷ cũng hết những "quyền lực" ấy.
     * Ngoài các ngày Giỗ đầu, Giỗ hết, Giỗ thường, thuở xưa còn một số ngày giỗ khác nữa, như: Cáo giỗ, gửi giỗ, chính giỗ, giỗ họ, giỗ hậu, mấy đời tống giỗ (đưa vong linh người đã khuất - khoảng 05 đời trở lên - vào thờ ở nhà thờ Họ).
     + Còn vấn đề nữa như: Người chết yểu (chết non) có cúng giỗ không, nội dung cúng bái thế nào, ý nghĩa cúng bái ra sao...nếu có điều kiên xin sẽ trình bày và thưa tiếp với quý vị vào  một dịp khác !
     3. Bàn thờ Gia tiên:
     Đã nói đến "ngày giỗ" thì phải nói tới "bàn thờ". Bàn thờ (hay giường thờ) chính là nơi thiết lập ra để cúng giỗ. Xưa kia, tại mỗi gia đình Việt Nam, dù theo: Đạo Phật (có gốc từ Ấn Độ), Đạo Khổng (theo Học thuyết Đạo đức - Chính tri để cai quản đất nước của Khổng Tử), Đạo Lão (theo Học thuyết của Lão Tử tôn sùng tự nhiên, có nhân tố của phép Biện chứng và có khuynh hướng Vô Thần luận), Đạo Bàlamôn (Tôn giáo cổ gốc Ấn Độ), Đạo Cao Đài, Hoà hảo (Nam bộ - Việt Nam), Đạo Cơ đốc (thờ chúa Jesus),... họ đều tin rằng có linh hồn - Linh hồn bất diệt. Vì thế họ coi vấn đề "phụng thờ Tổ tiên" là việc làm quan trọng.  
     Muốn báo hiếu cho người đã khuất thì trong nhà phải có "bàn thờ". Tuỳ theo gia cảnh của mỗi nhà mà lập bàn thờ, như: Có nhà lập bàn thờ theo đúng luật lệ cổ, cũng có nhà lập bàn thờ khá tiện nghi theo lối mới, lại có nhà giản tiện chỉ đóng một "ván trang" treo lên tường, hoặc dùng ngay một "nóc tủ" có trong nhà để làm bàn thờ... nghĩa là rất đa dạng và phong phú. Tất cả những hình thức đó không mấy quan trọng. Đẹp và hoành tráng, đúng lệ cũng tốt, hoặc giản dị cũng tốt, miễn sao có lòng thành mới là quý, mới là điều quan trọng nhất của việc lập một bàn thờ Gia tiên !
     Từ ngày xưa cho tới ngày nay, bàn thờ Tổ tiên thường được đặt ở chính giữa nhà, hoặc nơi trang trọng sạch sẽ, đẹp đẽ nhất trong ngôi nhà; hay bàn thờ được bày đặt theo hướng nhà do luật Phong Thuỷ quy định ... Ngoài bàn thờ Tổ tiên, một số gia đình Việt Nam còn có những bàn thờ khác và vị trí đặt cũng theo luật tục riêng, như: Bàn thờ Thổ công, bàn thờ Thần nghề (còn có các tên gọi khác là: Thánh Sư, Nghệ sư, hoặc Tiên sư), bàn thờ Bà cô, Ông mãnh, bàn thờ Tiền chủ, bàn thờ Thần tài. Có gia đình còn lập bàn thờ Phật, bàn thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Nhưng người theo "Đồng bóng" lại có bàn thờ Chư vị, hay Đền thờ Chư vị; các thày Phù thuỷ lập Am thờ Thái thượng Lão quân, hoặc Thần Độc cước, Thần Tề Thiên Đại thánh, Thánh Quan Vân Trường... Gần đây có một số gia đình còn lập bàn thờ Bác Hồ trong nhà mình  ...
     Mỗi bàn thờ có trang trí theo một lối riêng, không bàn thờ nào giống bàn thờ nào. Nhưng về đại để thì tương đối giống nhau, như cũng có Bài vị, ảnh hoặc tượng của người đã khuất; bát hương cùng một số "Tự khí" - đồ thờ thông thường: cây đèn, nến, ống đựng hương ...
     4. Cách lập bàn thờ Tổ tiên: Trong thờ cúng có phân biệt nhà thờ Họ và nhà (bàn) thờ gia đình.
     a. Nhà thờ Họ: Mỗi dòng Họ thường có một nhà thờ chung và lập chung một Bài vị Thuỷ tổ. Nhà thờ Họ còn gọi là "từ đường", tên thường được ghi bằng "chữ Hán", ví như: "Nguyễn tộc Từ đường", nghĩa là "Nhà thờ họ Nguyễn". Nhưng nếu trong một làng có nhiều Họ cùng chung tên, để phân biệt, người ta có thể thêm vào chữ đệm của Họ. Ví dụ: "Nguyễn Văn từ đường" (Nhà thờ họ Nguyễn Văn); "Nguyễn Hữu từ đường" (Nhà thờ họ Nguyễn Hữu), ...
      - Bài vị Thuỷ tổ: Trên bàn thờ họ thường có "Bài vị của Thuỷ tổ họ". Ghi "bài vị Thuỷ tổ họ" là ghi tên họ vào Bài vị ấy. Ví dụ như với họ Bùi, thì nội dung sẽ dược ghi như sau: "Bùi môn lịch đại Tổ tông Thần chủ", có nghĩa là: "Thần chủ Tổ tiên họ Bùi". Vị Thần chủ nay không bao giờ thay đổi, nên người ta còn gọi là "Bách thế bất diệt chi Chủ". Bài vị thời xưa thường được ghi bằng chữ Hán, nhưng ngày nay nhiều nơi người ta đã dùng chữ quốc ngữ để ghi. Thiển nghĩ đây cũng là việc làm tốt!
      - Việc cai quản nhà thờ họ và duy trì "hương khói" thường xuyên: Trách nhiệm này được giao cho "Trưởng họ" - Chi trưởng đảm nhận, cụ thể là trưởng nam (anh Cả) của Chi trưởng sẽ đời đời giữ "hương hoả" (đèn nhang). Trường hợp  "Trưởng nam của Trưởng chi tuyệt tự hoặc ly hương" không có điều kiện về quê để chăm lo hương hoả, thì việc hương khói cho Tổ tiên được trao cho người con trai kế tiếp của chi trưởng đảm trách. Trong thực t, vì nhiều lý do khác nhau, có những dòng họ chưa xây được nhà thờ riêng, cho nên người ta cũng có cách xử lý, giải quyết vấn đề như sau:
     + Có thể dùng nhà của Trưởng tộc để lập bàn thờ Tổ họ và tổ chức Giỗ tổ.
     + Có thể xây một "Đài lộ thiên- dựng bia Thuỷ tổ" để đến ngày "Giỗ tổ" các con cháu đến đó cúng tế; sau về nhà Trưởng họ, hoặc một nhà nào đấy có điều kiện thuận lợi, tổ chức "liên hoan" chung... tuỳ theo quyết định của họ. 
     b. Bản chi Từ đường: Nhiều họ quá to, chỉ một chi, mà con cháu đã rất đông, cho nên ngoài việc tham dự ngày giỗ Tổ của toàn họ, người ta còn có thể lập "Từ đường của chi họ". Từ đường này còn có tên gọi là: "Bản chi Từ đường". Tên của nhà thờ chi họ được đặt theo thứ tự của "số thiên can, như  Giáp, Ất, Bính, Đinh, ... Nhâm, Quý". Ví dụ: "Chi thứ nhất của họ Nguyễn", nếu xây dựng nhà thờ, thì tên được gọi là: "Nguyễn tộc Giáp chi Từ đường". Hoặc: "Chi thứ hai của họ Lê", tên gọi là: "Lê tộc Ất chi Từ đường". Hoặc: "Chi thứ ba của họ Trần", nếu xây dựng nhà thờ, thì tên của Từ đường sẽ được gọi là: "Trần tộc Bính chi Từ đường",... Bài vị của ông Tổ chi được gọi là: "Thần chủ Bàn chi" - và Vị Thần này cũng được tôn thờ mãi mãi !
     c. Gia từ: Gia từ là bàn thờ Gia tiên của mỗi nhà. Dù giầu nghèo thề nào, mỗi nhà đều có một bàn thờ Gia tiên riêng. Rất đông gia đình Việt Nam lập bàn thờ ngay tại nhà ở của mình. Những gia đình giàu có, họ có thể xây tách biệt, hoặc xây nhà kỷ niệm riêng cho một bậc tiền bối nào đó - nhà thờ này gọi là "Gia từ". Ngày nay nhà nước cũng xây dựng nhiều nhà kỷ niệm cho các Vị Lãnh tụ đã quá cố tại quê hương - thực chất đây cũng là "Gia từ".
     - Thời xưa nhiều nơi quy định: Anh chị em ruột, từ người con trai thứ hai trở xuống và các con gái không phải lập bàn thờ, không làm giỗ, chỉ đến gần ngày giỗ thì đi "hỏi giỗ và góp giỗ" với gia đình người con trai trưởng (anh cả). Đến ngày giỗ, tất cả mọi người sẽ đến nhà người trai Cả (trưởng) hành lễ và sau đó "đại gia đình" cùng nhau liên hoan chung. Tập tục này là một hình thức nhắc nhở tình đoàn kết gắn bó ruột thịt giữa anh em trong một "đại  gia đình" với nhau. Dần dà với tấm lòng hiếu thảo thành kính đối với ông bà, cha mẹ (đã khuất) và Tổ tiên, nhiều người lập bàn thờ riêng - và bàn thờ này được gọi là: "Bàn thờ vọng" - đặc biệt quan trọng đối với những người con ly hương, không có điều kiện về quê nhà hành lễ và dự đám giỗ.
     - Gần đây nhiều gia đình không có con trai nối dõi "tông đường", nên các bà, các chị cũng đã cùng chồng con thống nhất lập bàn thờ "Nội - Ngoại" chung, hoặc lập bàn thờ riêng để "hương hoả" báo hiếu các cụ cùng Tổ tiên bên ngoại. Thiết nghĩ, cử chỉ này rất tốt, nó thể hiện được quyền bình đẳng Nam - Nữ, quyền công dân và tình thương yêu của ông bà, cha mẹ đối với mình - con nào cũng là con, cháu nào cũng là cháu, không phân biệt trai gái, nội ngoại. Việc này cũng sẽ làm cho "Những người nơi chín xuối mỉm cười, tự hào về các con cháu mình !". 
     5. Hướng đặt bàn thờ: Theo luật tục Phong Thuỷ, các nơi thờ tự, như: Đình, Đền, Chùa, Miếu, Nhà thờ họ (nghĩa là bàn thờ của cộng đồng) ... người xưa thường tuân theo một trong những quy định chính về hướng xây dựng các  công trình đó như sau, hoặc:
     - Một là hướng về Phật - hướng chính Tây.
     - Hai là, hưởng Thánh nhân - chính Nam (Nam diện xưng Vương, xưng Đế).
     - Ba là, tối ưu thì chọn hướng Tây Nam (hướng của Phật và Thánh).
     - Bốn là, dựa vào thế đất: "Tiền hà, hậu sơn, hữu Bạch hổ, tả Thanh long".
     - Năm là, đặt hướng theo quy định của phép "Dịch học Bát quái" - Nghĩa là tuỳ vào mệnh của người "Chủ trì" -  tính theo năm sinh (Âm lịch) của người ấy.
     6. Trang trí bày biện bàn thờ:
     a. Vị trí đặt bàn thờ, có thể tuân theo một trong các quy định sau:    
     - Bàn thờ thường đặt ở giữa nhà. Những gia đình có cấu trúc theo kiểu "toà ngang dẫy dọc", thì thường được đặt ở nhà trên còn hướng, theo hướng nhà.
     - Cũng có thể đặt bàn thờ theo "Thuật Phong Thuỷ". Ví dụ nhà hướng Nhâm thì bàn thờ nên nhìn về hướng chính Bắc, hoặc hướng Đông Nam.
     - Để cho "ấm cúng gần gũi", bàn thờ nên đặt ở phòng khách, hoặc những phòng thường tụ hội đông người, hướng bàn thờ cũng nên theo hướng nhà.
     - "Nhà hình ống" ở thành thị thường chật hẹp, bàn thờ cũng có thể là "tấm ván trang", có thể là nóc tủ, có thể là một cái bàn,... đặt vào nơi thích hợp vừa trang trọng thành kính lại phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình, ...
     b. Trang trí bày biện trên bàn thờ: Các Khí tự bày đặt trên một "Bàn thờ phổ thông", thường có: Trong cùng là "Bài vị", hoặc ảnh, hoặc tượng của những người đã khuất. Bên ngoài, tiếp đến sẽ được bày theo một trong 3 bộ "Khí tự" như sau: Bộ "Tam sự", bao gồm: 01 bát hương (hoặc đỉnh đồng) và 02 cây đèn (hoặc là: 02 cây nến, hoặc là: 02 con hạc đội nến, ...); Bộ "Ngũ sự", bao gồm: Bộ "Tam sự" và thêm 02 ống đựng hương; Bộ "Thất sự", bao gồm: Bộ "Ngũ sự" và thêm 02 cây nến (hoặc đèn).
     c. Giới thiệu một bàn thờ  "tam cấp" của gia đình giầu có:
     Để nắm được "tính đầy đủ theo tiêu chuẩn về lượng Khí tự " trên một bàn thờ, nay xin giới thiệu loại bàn thờ "tam cấp" (ba lớp) của một gia đình giàu có như sau: Lớp trong - cấp một (lớp này được kê sát tường hậu): Thường là một Rương lớn. Mặt trước của Rương trang trí đóng nẹp chia ô để ghi các chữ lớn (đại tự) có ý nghĩa, hoặc các bức vẽ như hoa, chim thú linh ... Trong Rương thường được cất giữ   nồi đồng, sanh đồng (đồ dùng gần giống chiếc chảo bằng đồng để nấu canh, sào rau ...), bát đĩa, đồ đạc quý ...ít dùng trong năm. Nếu không dùng Rương, người ta dùng một chiếc bàn lớn "sơn son thếp vàng" .Dù là Rương hoặc một chiếc bàn lớn, kích cỡ của chúng đều được lấy theo "số đo của Khổng Tử hoặc của Lỗ Ban. Trên bàn thờ (phía trong cùng) đặt Long khán (còn gọi là Ngai) và đặt Bài vị Thần chủ - tượng trưng cho ngôi vị Tổ tiên (hoặc tượng, hay ảnh của người đã khuất). Tiếp theo đặt một khay "Tam sơn" để bày: (1).Chén nước (hoặc rượu), (2).đĩa trầu cau, (3).đĩa hoa (hoặc Quả)...
      - Lớp ngoài - cấp thứ hai (lớp giữa) là một chiếc bàn to (số đo theo Khổng Tử hoặc Lỗ Ban). Chiếc bàn này diện tích cần đủ để bày xếp các Khí tự sau: 01 Kỷ (ghế thờ) để đặt 03 chiếc "đài có nắp đậy". 01 hương án (bàn hương), chính giữa đặt "đỉnh đồng", hoặc "bát hương". 02 "cây đèn" (phía trên loe rộng đủ để đĩa đèn dầu lạc). 02 con "hạc đội nến" (bằng đồng hoặc bằng gỗ). 02 "ống đựng hương". 02 "bình cắm hoa", nếu chỉ có 01 bình (gọi là "độc bình") thì thêm 01 "mâm bồng" đặt đĩa hoa quả to (còn gọi là "mâm ngũ quả").
      - Lớp thứ ba - cấp thứ ba: Những ngày giỗ trọng, gia đình thường làm "mâm cơm cúng", anh em họ hàng đến dự cũng mang những "lễ vật" đến thắp hương. Do đó cần một bàn đủ chỗ cho việc bày đặt những lễ vật này. 
     Ghi chú: Lớp thứ ba, xa xưa được đặt ở giữa (tức là lớp thứ hai), và có "Y môn" (màn cửa) che kín - hàm nghĩa để các Cụ "về thụ hưởng được yên tĩnh, tao nhã?!" - mặt khác lớp thứ hai ở ngoài cũng sẽ giúp cho các Khí tự hoành tráng "được phô" ra . Sau này được đổi ngược lại cho nhau (có thể là để tiện cho những người đến sau bày đặt lễ vật lên bàn thờ).
      - Những khí cụ tăng uy linh cho bàn thờ :
      Một số gia đình còn bày thêm những "đồ vật mang tính uy danh - tôn vinh" đặt trước ban thờ  để kính trình tổ tiên. Việc này góp phần tăng thêm uy linh cho nơi thờ tự, như: Các biển bài sắc phong của nhà Vua, hoặc các biển bài thi cử đỗ đạt (như: "Phát khoa", "Bái khánh", Ấm tử vinh quy", ...). Các gia đình Võ quan còn bày đặt "Giá binh khĩ - Bát bảo" - là loại vũ khí của các Chiến binh thời xưa.
     Về sau những "Vật này" được coi là "Bảo bối" trấn giữ, nên nhiều nhà có điều kiện cũng "thửa" mang về bày đặt trước bàn thờ và coi đó như là các Khí tự quý giá.
     Ngoài ra , phía trước bàn thờ còn có thể treo thêm Y môn, Đăng tự...
     - Những lời nhắn nhủ tới đời sau:
     Để nhắc nhở, nhắn nhủ đời sau và góp phần làm cho bàn thờ thêm uy nghiêm, hoành tráng, nhiều gia đình có các HHHoành phi, Câu đối, Đại tự...Nội dung của Hoàng phi, câu đối thường nói về "gia thế", hoặc  "nhắc tới những kỳ tích thành công trong sự nghiệp của tiền nhân", hoặc là những lời nhắn gửi cho con cháu hậu thế...
     7. Ý nghĩa của đồ thờ: Người xưa "gắn" cho mỗi khí tự đặt trên bàn thờ một ý nghĩa riêng, ví dụ:    
     Tam sơn: Tượng trưng cho "Tam giáo", bao gồm đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật.
     (1). Đạo Khổng theo "Học thuyết Đạo đức - Chính trị" của Khổng Tử (thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên), Ngài lấy học thuyết này để cai trị đất nước. (2). Đạo Lão là của Lão Tử (thế kỷ thứ 2 sau công nguyên - Ngài được tôn vinh là Thái thượng Lão quân) - Lão Tử chỉ sự ra đời của vạn vật - không vật nào bất biến - chúng sẽ chuyển thành các mặt đối lập của nhau. (3). Đạo Phật: Ra đời ở Ấn Độ, do Thích Ca Mâu Ni - Phật Đà sáng lập vào thế kỷ thứ 4 - 5 trước Công nguyên.                             
     Lư hương: Tượng trưng cho Thái cực. Thái cực là giai đoạn đầu tiên, là nguyên nhân xuất phát và phát triển của Trời - Đất - Vạn vật thông qua mối liên hệ Âm Dương (Khí âm và Khí dương) - Ngũ hành (5 nguyên tố: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ).
     Hương: Được thắp lên tượng trưng cho các vì Tinh tú trên bầu trời.
     Đèn: Tượng trưng cho ánh sáng của Nhật (Mặt trời), Nguyệt (Mặt trăng); cho quang minh, rõ ràng thanh bạch.
     Lọ hoa: Tượng trưng cho cái "Tâm không", "Tâm thành"- tức "Lục căn thanh tịnh" để nhận thức thế giới (Lục căn gồm: 1. Nhãn căn (mắt)- thị giác, 2.Nhĩ căn (tai)- thính giác, 3.Tị căn (mũi)- khứu giác, 4.Thiệt căn (lưỡi)- vị giác, 5.Thân căn (thân thể)- xúc giác. Trong Phật giáo gọi "Lục căn" là "Lục thức").
     Mâm ngũ quả (mâm bồng) : Tượng trưng cho "Ngũ phúc lâm môm"- Nghĩa là năm điều phúc vào nhà .
     Ngũ phúc này nói về 02 cấp Phúc: Một là Phúc với gia đình (họ tộc), gồm: (1).Phúc tộc (Hạnh Phúc cho cả gia đình, tộc họ), (2).Phúc mộ (có mộ phần kết phát), (3).Phúc tụ (gia đình, họ hàng, anh em quây quần đoàn kết), (4).Phúc lộc (họ hàng có nhiều người vinh hiển), (5).Phúc thịnh (họ tộc, gia đình nhiều người phát triển giầu có).
        Hai là Phúc cho bản thân mỗi người, gồm: 1.(Hạnh) phúc,  2.Lộc (lợi lãi), 3.Thọ (sống lâu),  4.Khang (mạnh khoẻ), 5.Ninh (sống yên ổn , hoà hiếu) .
     Người Việt Nam thờ phụng Tổ tiên chính là vì hiếu đễ và nhớ ơn các bậc Tiên liệt đã có công sinh thành, giáo dục mình khôn lớn, trưởng thành. Vì vậy Cụ Đồ Chiểu có câu thơ dạy rằng: "Dù đui mà giữ Đạo nhà. Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ !".
     Những đồ Khí tự được coi là Vật thiêng, nghèo thiếu đến đâu cũng không được mang bán. Dù cho hoàn cảnh "bất đắc dĩ" phải cầm cố đồ thờ của gia đình, thì chưa biết tổ tiên có qưở trách gì không, nhưng chắc chắn người đời sẽ chê cười.
     Vì lòng tham, mà ai đó đi lấy trộm đồ thờ của nhà khác, hoặc của Đình, Đền, Chùa, ... thì chắc chắn đến lúc nào đó họ sẽ gặp điều không may !
     Tác giả đã có dịp đến thăm Đền Và (Sơn Tây - Hà Nội ngày nay), nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, cụ Từ ở đây cho biết: Chiếc đỉnh đồng của đền bị mất trộm hơn 10 năm. Ấy thế mà tự nhiên có một ngày chiếc đỉnh đồng ấy lại về ngự ngay ở đúng vị trí cũ.
     Hoặc như đền thờ Đức Thánh Trần ở quê tôi, nơi đây cũng có một đỉnh đồng. Chiếc đỉnh đồng được một nhà "Hảo tâm" cung tiến và có khắc tên ngôi đền này. Rồi một ngày cũng có kẻ đột nhập lấy cắp mang đi mất,... Lâu sau, có một người tốt bụng từ xa mang đến chiếc đỉnh đồng và cho biết họ đã nhặt được nó ở một góc ruộng nọ thuộc huyện bên, vì thấy rõ tên nhà đền, nên mang đến hoàn lại. Trộm nghĩ, mấy người lấy cắp kia, chắc đã gặp nhiều "tai hoạ" nên xám hối (hoặc sợ hãi) mà đem trả lại; hoặc bỏ đi, hy vọng có người nhặt được sẽ giúp cho họ việc hoàn lại chăng ?! ...
     Trên đây là một đôi điều giới thiệu về luật tục thờ phụng Tổ tiên của dân tộc Việt Nam xin Quý vị tham khảo, chọn lọc áp dụng. Xưa kia các Cụ dạy rằng: "Thành kính tại tâm, bàn thờ dù đơn sơ mộc mạc, hay thiết lập theo đúng lễ nghi, phép tắc thì cũng chỉ là hình thức" "Tâm động quý Thần chi - nghĩa là có Tâm thì Tổ tiên Thần Phật biết". Cho nên, do hoàn cảnh riêng, mà trang bị cho bàn thờ chưa đầy đủ thì chắc rằng các bậc Tiên liệt nhất định sẽ cho hai chữ: "Đại xá"!
     III. Việc dâng hương trong cúng tế
     1. Tục dâng hương (còn gọi là thắp hương hay đốt hương):
     Dâng hương là một trong những tập tục truyền thống lâu đời trong sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của người Việt Nam. Việc dâng hương thường được thực hiện trong các dịp cúng bái Gia tiên, Gia thần, các ngày giỗ chạp, tuần tiết, sóc vọng... Và tại các Đình - Chùa - Đền - Miếu - Phủ... cũng có dâng hương.
     Dâng hương không chỉ là "đốt hương", "thắp hương"- và rất sai lầm, nếu ai đó thắp cả nắm, cả bó hương và cắm vào một chỗ, hoặc đốt càng nhiều càng tốt, cắm vô tội vạ. Dâng hương thực sự có hàm nghĩa Văn hoá - Đạo lý tốt đẹp và cao hơn nữa là mang cả ý nghĩa của một quan niệm Triết lý Vũ tru - Nhân sinh sâu sắc.      
     Quan sát kỹ một "Lễ dâng hương truyền thống" chúng ta sẽ thấy nó có luật tục quy định rõ ràng, không tuỳ tiện. Ví dụ: Thắp "nhang một nén" là biểu hiện của sự thành tâm. Do đó mới có câu nói cửa miệng rằng: "Lòng thành thặp một nén nhang!". Cổ xưa  cho rằng, thắp "nhang hai nén" là muốn tỏ rõ sự ăn năm xám hối về một sai phạm, tội lỗi nào đó với các bậc bề trên đã khuất, hoặc với Thần - Phật...       và mong các Chư vị giải thoát cho các tội lỗi ấy. Nhưng sau này có quan niệm: "Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại" do đó chẳng mấy ai thắp "hương hai nén" để "phô ra cái xấu cho toàn toàn Thiên hạ biết"- đặc biệt từ triết lý "thặp hương theo số lẻ"- thì việc thắp hương hai nén không còn! Thắp "nhang ba nén" là để cầu mong Gia tiên, Thần - Phật ban phúc, ban lộc, hoặc giải cho những lỗi oan ức mà ở "nơi trần thế này dáng hoạ" vào họ.  
     Tuy nhiên ngày nay, có nhiều người lợi dụng cúng bái để xin (xỏ) bất kể thứ gì, họ nghĩ rằng xin cái gì thì Tổ tiên, Thần - Phật cũng sẽ cho cái đó- thậm chí muốn thoát cả tội ác đã gây cho đời!?. Thực sự Tổ tiên, Thần - Phật rất công minh - con người ta chớ có lầm tưởng !
     2. Tại sao thắp hương thường dùng "số lẻ"?
     Trong thắp hương (đốt hương), người đời thường dùng các "số lẻ", như: 1- 3- 5 -7 - 9, ... nói chung, nếu thắp hương 3 nén là đủ rồi.  Theo Triết lý Âm - Dương, thì số lẻ là tượng trưng cho sự "thiêng liêng của Trời"- và theo luật Cơ - Ngẫu của Dịch lý (Kinh dịch - Chu dịch), số lẻ thuộc về Dương, số chẵn thuộc về Âm. Dương mang tượng của Trời, tượng trưng cho sự linh thiêng, cho vô hình, cho trong sạch - thanh tịnh, cho sự mở đầu của "cái động"- với lý lẽ mọi sự vật, sự việc chuyển động không ngừng. Vận động là vĩnh viễn, đứng yên chỉ là tương đối, là tạm thời. Sự chuyển động bao giờ cũng theo hướng tiến lên, biểu hiện cho sự tiến bộ tốt đep - thể hiện rõ là: "Khói hương bao giờ cũng bay thẳng lên cao !". Chính vì lẽ đó mà người đời thường thắp hương theo số lẻ. (nếu có điều kiền vào dịp nào đấy người viết bài này xin trình bày rõ về "Sự huyền bí của những con số").
     3. Con số 3 - con số "tuyệt hảo" trong luật tục dâng hương:
     Về toán học, không gian 3 chiều tạo nên 1 khối vô cùng, hình học phẳng thì 3 điểm không thẳng hang tạo nên một mặt phằng không giới hạn và sẽ "vững như kiềng 3 chân", hay "sừng sững vững như Tam đa". Trong dãy số đếm tự nhiên có rất nhiều con số, người ta quy định, cứ 3 con số liền nhau cách nhau hang nghìn thì có một dấu chấm như thế sẽ dễ nhận ra về lượng và đọc chính xác hơn...Trong cuộc sống, số 3 mang nghĩa "cần và đủ" cho nhiều việc ở đời, như: "Áo có 3 manh, cơm đủ 3 bữa, nhà có 3 gian"... như vậy là đã tạm ổn. Trong Dịch lý, con số 3 là con số thành của quẻ Ly, tượng trưng cho trong sáng, cho sự mở của Trời - Đất, số 3 là "số sinh vượng". Số 3 là biểu tượng cho "Lưỡng Long chầu (triều) Nguyệt" thường được trang trí trên Bát hương (Bình nhang). Bát hương dù to hay nhỏ, dù đặt tại bàn thờ Gia tiên, hoặc ở Đình -Chùa - Đền -...đều có trang trí hình hai con Rồng chầu vào một Mặt trăng. Theo Dịch lý, đôi Rồng tượng trưng của song Dương (hai hào Dương), một Mặt trăng tương trưng cho nhất Âm (một hào Âm). Trang trí như vậy thì Mặt trăng ở giữa, hai con Rồng hai bên là hình của Quẻ Ly. Trong tục thờ Táo quân - hai ông một bà - của người Việt Nam, cũng đặt một mũ Đàn bà ở giữa, hai mũ của Đàn ông ở hai bên. Đây cũng là quẻ Ly trong Kinh dịch. Ly có tượng điển hình là "lửa". Lửa là trung tâm của bếp, biểu hiện cho sự sống thường nhật của con người. Con số 3 là con số "mẫu mực" của người Đông Nam Á, ví như: "Tam toà Thánh mẫu", ba ngôi "Tam bảo" (Phật - Pháp - Tăng), ba pho "Tam thế" (Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai), Bàn thờ "Tam cấp", mâm cỗ "Tam sinh" (Trâu, lợn, dê), vái ba vái, lễ ba lễ, lậy ba lậy, ... Con số 3 có liên quan đến quan niệm Triết học về Vũ tru của người Phương Đông, như: "Thiên - Nhân -Địa" (Trời - Người - Đất). Người được coi là "Nguyên lý hợp nhất kết hợp Trời - Đất", vì thế mới có câu dạy người Quân tử rằng: "Trí làm trai phải đứng giữa Trời và Đất" và chữ Vương (Vua) mới mang nghĩa "Tam tài".
     Người xưa rất coi trọng nghĩa của "thế Tam tài", làm việc gì cũng xem xét tới điều kiện tương hợp của "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà", và cho rằng, chỉ có như vậy thì công việc mới bảo đảm thành công, thắng lợi. Khát vọng của con người là phấn đấu vươn lên để đạt được ba phẩm chất: "Chân - Thiện - Mỹ".
     Trong tục thờ phụng Tổ tiên của người Việt Nam, trong dâng hương (thắp hương) người ta dùng ba nén với ý nghĩa như trên là rất cao quý và đấy cũng là lý do của việc thắp hương 3 nén.
     Ngày nay nhiều người không hiểu được vấn đề, nên đến các nơi thờ tự của cộng đồng họ đốt hương như "hun khói" thật chẳng đúng và đẹp chút nào. Không những vậy, theo Triết lý Phương Đông, "con số 3 là con số tuyệt hảo, thật hoàn mỹ", thế mà có người lại ghét bỏ, kiêng kỵ nó, ví như: Không chụp ảnh ba người, không xuất hành vào ngay 3, Khách sạn không có phòng số 3,... để đi theo "một điển tích nào đấy" của phương Tây thì thật phi lý.
                                                   Viết tại Bađình - Hànội , xuân 2013 .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét