Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

KHOA HỌC LÀ TÌM HIỂU ĐIỀU CHƯA BIẾT

Bài của GS TSKH VS Phạm Minh Hạc đăng trên BẢN TIN số 01, tháng 6/2013 của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.

KHOA HỌC LÀ TÌM HIỂU ĐIỀU CHƯA BIẾT
                                                               GS. Phạm Minh Hạc
                                                                       Viện trưởng
                                       Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng Con người

                 Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (ở dưới viết là Viện) từ Lễ ra mắt đến nay chưa đầy nửa năm. Trong điều kiện hoạt động rất eo hẹp Viện bước đầu đã hoàn thành công tác tổ chức: đã ban hành một số quy chế hoạt động, hình thành 6 tổ bộ môn, 2 trung tâm, 2 phòng, 2 ban, 6 câu lạc bộ; đồng thời, bắt đầu tiến hành được một số công tác chuyên môn, các bạn đọc Bản tin số 1 này có thể thấy bức tranh chung về Viện. Với hơn 20 bài đăng trong Bản tin này của các tác giả là cán bộ và cộng tác viên của Viện, bạn đọc có thể thu nhận một số thông tin về một số nội dung khoa học, cũng như về một số vấn đề liên quan, thuộc phạm vi nghiên cứu và ứng dụng của Viện.

               Do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam tổ chức và Bộ khoa học-công nghệ cấp phép hành nghề, Viện là một tố chức khoa học. Nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu và ứng dụng một số vấn đề về tiềm năng con người. Tiềm năng con người được hình thành và duy trì, phát triển đã mấy triệu năm nay, trong một thân thể khoảng 100.000 năm nay không có gì biến đổi, nhưng phần lớn (có đến khoảng 95% bộ não) chưa sử dụng đến. Theo tiến hoá văn minh nhân loại, khoảng gần 3.000 năm nay, tiềm năng ấy dần dần được sử dụng nhiều hơn, hiệu quả ngày càng cao, như chúng ta thấy ngày nay loài người có công nghệ thông tin với mạng toàn cầu từ năm 1990. Đi vào thế kỷ XXI vấn đề con người, vốn người, “sức mạnh  mềm”, vốn xã hội nói chung, vấn đề tiềm năng con người rất được quan tâm, nghiên cứu. Hiện nay, bước đầu tìm hiểu, 32 nước có tổ chức nghiên cứu một số nội dung tương tự (hoặc gần gũi) với nội dung công tác của Viện, như các bạn đọc trong Bản tin này.


             Vấn đề tiềm năng con người, như các bài viết trong Bản tin này, tuy phần nhiều mới là nêu lên để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, nghiên cứu, nhưng cũng thấy rất phong phú, phức tạp, nhiều đối tượng khác nhau quan tâm dưới các góc độ khác nhau. Có vấn đề mới nghe có thể coi là quen thuộc, như vấn đề dự báo, vấn đề phong thuỷ, vấn đề vân tay, vấn đề văn hoá Đông phương…, nếu có gì khác, mà lại là cái khác rất hắc búa, là vận dụng vào xem “số phận” con người. Một số vấn đề phức tạp hơn, như các vấn đề thuộc bộ môn cận tâm lý học, năng lượng sinh học (chữa bệnh không dùng thuốc), bộ môn các hiện tượng siêu hình đi vào thế giới tâm linh. Riêng bộ môn cận tâm lý học lại gồm cácc nhà ngoại cảm nghiên cứu và ứng dụng các hiện tượng đến ngày nay nhiều nơi nhiều người gọi là “siêu nhiên”, “đầy bí hiểm”, “sự thật như huyền thoại”…, trong đó có “gọi hồn”, “nói chuyện với người âm”, có vẻ khó tin, nhưng lại có kết qủa tìm được mộ người thân, nhất là các liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay của chúng ta. Và xem xét vấn đề này như một vấn đề khoa học thật không đơn giản chút nào. Trên thế giới có ý kiến cho rằng thuyết tâm linh (tiếng Anh: spiritism) khởi đầu bằng một tác phẩm mang tên “Năm cuốn sách cơ bản về thuyết tâm linh của tác giả người Pháp Alăng Cacđêch (Allan Kardec, 1804-1896), viết trong hơn 10 năm (1857-1868), phần nào dựa trên sự kiện hai chị em Phôc (Fox, Mỹ) năm 1848 mô tả lại hiện tượng nghe được tiếng nói từ cõi âm, Cacđêch khẳng định sự tồn tại của linh hồn của người đã khuất, người sống có thể tiếp nhận. Về vấn đề này đến này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ, người phản đối, cũng có người lên án... Tôi nghĩ, sứ mệnh khoa học là tìm hiểu những điều chưa biết, hoặc biết chưa đến nơi đến chốn, tìm hiểu nghiên cứu một cách khách quan, nghiêm túc, thu thập nhiều số liệu, tư liệu. Lập trường của Viện chúng tôi là không vội vàng kết luận, nhất là kết luận kiểu phe này – phe kia, “phe duy vật” – “phe duy tâm”…(cần hiểu các thuật ngữ này đúng theo tinh thần khoa học), chẳng có lợi gì cho cuộc sống. Viện chúng tôi nhận nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng một số vấn đề các bạn thấy trong Bản tin này. Mong các bạn góp ý, tranh luận, thảo luận, cùng nhau góp sức tìm hiểu tiềm năng con người Việt nam, có khi gọi là “các khả năng đặc biệt” của con người, trong đó có thế giới tâm linh của người Việt nam, hy vọng góp phần nhân lên sức mạnh tinh thần vốn có truyền thống cao đẹp của tổ tiên cha ông để lại, với tinh thần hoà nhập quốc tế, như Đảng và Nhà nước đã khẳng định, tiến lên sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét