Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

NHÌN LẠI ĐỂ BƯỚC TIẾP

Bài của GS TSKH Phan Anh đăng trong BẢN TIN số 01, tháng 6/2013 của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.

NHÌN LẠI ĐỂ BƯỚC TIẾP
                                    GS.TSKH Phan Anh

                                     Chủ tịch HĐKH Viện NC& ƯD Tiềm năng con người

  Như mọi người biết, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người được Liên hiệp Hội Việt Nam thành lập cuối năm 2012 với chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của con người, về tiềm năng con người. Năm 2013 là năm hoạt động đầu tiên của Viện và cũng là năm Viện bắt đầu triển khai các nghiên cứu - ứng dụng trong lĩnh vực của mình. Tuy là đơn vị mới thành lập nhưng chúng ta hiểu và ý thức được sứ mệnh cũng như trách nhiệm đặc biệt mà Liên hiệp Hội Việt Nam đã trao, đã kỳ vọng vào đơn vị mới này như thế nào qua nhiệm vụ nghiên cứu mà Liên hiệp Hội giao cho chúng ta trong năm hoạt động đầu tiên này, đó là  Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu khoa học tiềm năng con người trong giai đoạn mới.
Trong lịch sử phát triển xã hội, từ xa xưa người ta đã nhận biết có những điều đặc biệt hoặc những bí ẩn liên quan đến con người. Con người cũng đã quan sát, nghiên cứu và có thể cũng đã đúc rút được những kiến thức nhất định, nhưng rồi thời gian trôi qua với nhiều biến cố đã khiến cho nhiều tư liệu bị mai một, không lưu lại được đầy đủ cho đời sau.
Trong những thập niên gần đây, trên thế giới và ở cả nước ta, nhiều tổ chức và cá nhân kể cả tổ chức có hay không có chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực này đã bỏ không ít thời gian, công sức để tìm tòi, mong làm sáng tỏ những điều còn bí ẩn đối với con người cũng như những vấn đề có liên quan đến “khả năng đặc biệt”, “khả năng tiềm ẩn” của con người và tìm cách ứng dụng những “khả năng” đó ở các mức độ khác nhau. Rất nhiều tài liệu đã được đúc kết, kể cả những gì đã công bố hoặc chưa công bố, nhưng độ tin cậy của những tư liệu này đến đâu hoặc thực chất vấn đề là ở đâu thì vẫn còn có nhiều dấu hỏi. Điều này phụ thuộc vào phương pháp và cách tiếp cận của mỗi nghiên cứu. Cũng không loại trừ có những kết luận nhận được theo kiểu “thầy bói xem voi”. Phần lớn các nghiên cứu được xuất phát từ việc ghi nhận hiện tượng, ghi nhận sự việc, hoặc qua trải nghiệm rồi suy luận trên bản thân sự việc để rút ra kết luận chung, khái quát hóa theo các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống rồi biến thành các kết luận về nhận thức. Ngay cả đối với các nghiên cứu như vậy cũng khó tránh khỏi việc đưa ra các kết luận có tính phiến diện. Đơn cử ví dụ về nghiên cứu, đánh giá “khả năng chữa bệnh” bằng “phương pháp đặc biệt” của một “nhà ngoại cảm” nào đó nếu chỉ căn cứ vào các số liệu y tế được thống kê đối với người bệnh để đưa ra kết luận về “khả năng chữa bệnh” của người đó như một sự đánh giá khách quan, thuần túy về Y học thì sẽ là phiến diện. Thật vậy, rất nhiều hiện tượng lạ, hiện tượng đặc biệt đã quan sát thấy mà chúng ta coi đó là do “khả năng đặc biệt” của con người đều có liên quan đến yếu tố tâm linh, đến phạm trù siêu hình, một “thế giới vô hình” mà ẩn sau đó là các “thông điệp” mà nếu không chú ý chúng ta sẽ không nhận ra. Trách nhiệm mà Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người trong năm hoạt động nghiên cứu đầu tiên này cần làm trước hết là Nhìn lại và đánh giá những gì mà  thế giới và VN đã nghiên cứu, đã nhận thức từ nhiều năm nay, đặc biệt trong khoảng vài chục năm gần đây trong lĩnh vực tiềm năng con người để lựa chọn hướng đi đúng cho nghiên cứu trong các bước tiếp theo.
Trong Đề cương nghiên cứu của Viện được Liên hiệp Hội Việt Nam duyệt cho năm 2013, trách nhiệm trên đã thể hiện ở 3 nội dung:
  • Tổng hợp và đánh giá những gì mà thế giới và Việt Nam đã nghiên cứu, đã nhận thức trong lĩnh vực tiềm năng con người và một số lĩnh vực có liên quan về tâm linh, đặc biệt trong giai đoạn từ giữa thế kỷ XX đến nay.
  • Tổng hợp và đánh giá việc ứng dụng tiềm năng con người trên thế giới và Việt Nam đặc biệt chú trọng giai đoạn từ giữa thế kỷ XX đến nay
  • Xây dựng chương trình nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn của Viện về tiềm năng con người và những vấn đề có liên quan về tâm linh, giai đoạn 2014-2018 và tầm nhìn đến năm 2030
Điều lưu ý của các nội dung này không phải ở việc Tổng hợp các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vì công việc này chủ yếu chỉ là thu thập và sắp xếp tài liệu, tuy khối lượng sưu tầm và xử lý không nhỏ. Thật vậy, nếu chỉ tính trong thời gian từ giữa thế kỷ XX đến nay chúng ta sẽ phải sưu tầm và xử lý một khối lượng lớn tư liệu có trên thế giới và Việt Nam, mà chỉ tính riêng ở VN thôi thì con số bao gồm cả những tư liệu công khai, chưa công khai, hay còn trôi nổi là rất đáng kể.
Điểm đặc biệt quan trọng ở các nội dung này chính là việc Đánh giá các nghiên cứu và ứng dụng trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực tiềm năng con người và những lĩnh vực có liên quan về tâm linh , đây là công việc đòi hỏi trí tuệ ở mức độ cao và thể hiện tầm vóc nghiên cứu của đề tài.
Đánh giá các nghiên cứu, theo ý nghĩa mà chúng ta hiểu chính là đánh giá các nhận thức đã rút ra từ các nghiên cứu, quan sát mà thế giới và Việt Nam đã trải qua trước đây nhờ sự phân tích, phê phán một cách biện chứng, dựa trên hệ thống những quan điểm hay những tiêu chí được xây dựng ban đầu. Thông qua việc đánh giá chúng ta sẽ nhận diện một cách rõ nét những sự việc đã hoặc sẽ xảy ra trong thực tế, giúp phân biệt điều hư, thực, đóng góp cho xã hội những hiểu biết đúng đắn về những vấn đề nhậy cảm mà xã hội đang quan tâm. 
Xây dựng các tiêu chí cho việc nhận định, đánh giá sẽ là một trong những khâu quan trọng nhất và phải tiến hành trước nhất của đề tài. 
Những nội dung nghiên cứu, đánh giá sẽ được cụ thể hóa ở các đề tài nhánh liên quan đến các khía cạnh về ngoại cảm, cảm xạ học, năng lượng sinh học, cận tâm lý, siêu hình học, dự báo thông tin v.v. 
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích và đánh giá những kết quả nghiên cứu mới nhất, những vấn đề đã được giải quyết và những hạn chế sẽ chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, từ đó xây dựng được hướng giải quyết và những nội dung cần nghiên cứu trong giai đoạn mới của Viện giai đoạn 2014- 2018 và tầm nhìn đến 2030.
                                                                                                                                            PA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét