Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Tâm linh và ảnh hưởng đến đời sống con người

Bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo Hội nghị toàn quốc về "Nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người" do Viện NC&ƯD TNCN đăng cai tổ chức cùng 10 đơn vị nghiên cứu khoa học đồng tham gia

TÂM LINH VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Lương Ngọc Huỳnh[1]
          Chúng ta thường nói về Tâm Linh như một trong những hiện tượng huyền bí mà không có lời giải thích, hầu như bất kì điều gì khi con người không thể giải thích nó thì ta lại đưa nó vào trạng thái mà ta gọi là Tâm Linh. Vậy Tâm Linh ta hiểu nó như thế nào? Đó là những sự linh ứng sự báo trước, sự nhìn thấy, sự hiểu được, sự nghe được mà tự bản thân mình chứng nghiệm trong Tâm. Khi một ai đó được chứng nghiệm nhiều lần họ sẽ có niềm tin vào Tâm Linh, còn ai đó mà chưa chứng nghiệm thì họ có thể không tin về Tâm Linh. Vậy tâm linh có thật không? Ta có thể trả lời rằng Tâm Linh là có thật. Đó là thông điệp của Thượng Đế, của Thần Tiên, của Phật, của Chúa, của những con người đã mất, của linh hồn các loài linh vật mà trong đó có cả động thực vật. Ngoài ra nó còn bao hàm bởi những nền văn minh ngoài trái đất mà con người chưa biết, chưa thể lý giải, nó cũng có thể bị quy vào Tâm Linh. Vậy chúng ta cùng nghiên cứu mọi khái niệm để từng bước đi vào tìm hiểu các trạng thái Tâm Linh.
1. Tìm hiểu về các tầng năng lượng theo khái niệm cảm nhận của con người.
Năng lượng hay tầng năng lượng phụ thuộc vào cảm nhận của con người trong đó có đủ các trạng thái ta gọi là thiên nhiên cảm nhận. Người bình thường chỉ nhìn được một mặt trực diện, nhưng khi tư duy phát triển đến một mức độ cao hoặc ở trạng thái thiền sâu, thì người ta sẽ nhìn được các khía cạnh khác của mặt bên trong, đó chính là mặt khuất của hình mà ta gọi là tượng ý, tưởng tượng, hay quán tưởng. Trong đó Thiên là tượng, Địa là hình, người cùng cấp năng lượng không gian thì sẽ nhìn được tượng hay hình trong tầng cấp đó, đó chính là các biểu tượng của sóng năng lượng, thông qua các sóng năng lượng của thời gian, con người có thể nhìn được về quá khứ hiện tại và tương lai. Trong khi đó con người chỉ là một phần tử nhỏ trong bánh xe luân chuyển của không gian và thời gian. Theo quan niệm của đạo giáo về hệ thống năng lượng và không gian bao gồm có 12 tầng cấp dương và 12 tầng cấp âm, nó được phân chia như sau:
- Người yếu đuối, bệnh tật, sắp chết là tầng cấp không hoặc tầng âm 1.
- Người khoẻ mạnh không ốm đau ở tầng cấp + 2 đến + 3. 
- Người có tư duy vượt trội thường là những người có tài nổi tiếng, bao gồm các nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà lãnh đạo, nhà âm nhạc, hội họa v.v.. họ đạt tầng cấp năng lượng từ +3,5 đến +4.
- Các nhà truyền giáo tài ba, thông tuệ có thể đạt từ tầng + 4 đến + 4,5.
- Từ tầng từ + 5, 1 đến tầng +  7, là tầng của các vị thánh, thần tiên, la hán.
- Trên tầng + 8 là tầng của thiên binh thiên tướng và các vị bồ tát.
- Tầng từ + 9 đến +11 là tầng của Ngũ Đế, của Phật Tổ, của Đức Chúa.
- Tầng 12 là tầng của Thượng Đế, tầng của vô cực biến hoá.
- Khi con người mới chết là ở tầng -1.
- Chết lâu năm có thể đến tầng -2,-3,-4.
- Có những linh hồn tu luyện thành tinh quái có thể đạt tới tầng – 7, - 8 hoặc cao hơn nữa. Nghĩa là sự tu luyện của ma quái đã đạt mức thượng thừa, nó là sự đối lập cho hai trạng thái âm và dương, nên nhân gian có câu " Ma Ma Phật Phật bởi do ta, Phật phật Ma ma bởi chính tà" do vậy các quan niệm của con người về hiện tượng Phật, Ma cũng từ chính, tà, tốt xấu mà suy ra. Trên cơ sở đó mỗi con người đang hiện sinh trên trái đất này nếu làm điều tốt ta được cộng điểm dương, có nghĩa là ta đang tiến gần đến với Thượng Đế, Thần Tiên, Phật, Thánh. Còn nếu ta làm điều xấu thì ta bị trừ điểm dương mà cộng thêm điểm âm vậy là ta đang đi gần đến với Ma Quỷ! Vậy trong một ngôi chùa một ngôi đình, nhà sư trụ trì hay ông từ coi đình mà có tâm đức thì người dân ở đó hưởng phước, nếu họ thất đức thì dân gặp hoạ. Trong một gia đình Bố Mẹ làm điều tốt thì con cái hưởng phúc, nếu Bố Mẹ làm điều xấu thì con cái gặp hoạ. Trong một xã hội hay một đất nước nếu Lãnh đạo đất nước làm điều tốt thì dân được phước, lãnh đạo đất nước làm điều xấu thì người dân bị tai hoạ là điều hiển nhiên, nó hoàn toàn đúng với mọi quy luật tự nhiên và cảm nhận về tâm linh của con người.

2. Ý Nghĩa Tâm Linh trong Thần và Người
Thần và người là trạng thái hai trong một và một mà hai, nó giống nhau ở Nguyên Thần nhưng khác nhau ở tinh thần và thể xác. Đạo giáo và Y học cổ truyền có quan điểm chung rằng: “Tinh-Khí-Thần” Là ba yếu tố quyết định sinh mệnh của con người, nên được coi như “Tam bảo”. Trong ba yếu tố đó không thể thiếu bất kỳ một yếu tố nào.  Nguyên thần của con người có ở trong vũ trụ, có ở trong ý thức, trong tư duy, trong thể xác nó đi từ ngọn tóc đến đầu các ngón chân, nó có mặt ở mọi nơi trong từng tế bào con người.  Người ta có thể nhân bản một con người từ tế bào, bởi chính nguyên thần có mặt ở đó. Do vậy khi ta chết đi cái thể xác biến đổi nhưng nguyên thần vẫn còn đó, nguyên thần mạnh có thể tác động đến vật chất giống như ta vận dụng năng lượng từ suy nghĩ tác động vào một trạng thái cụ thể trong thiên nhiên.
        Trong Tam Bảo thì “Tinh,
K, Thần" hay còn gọi là "Thân, Tâm, Ý" theo cách gọi của Đạo Lão luôn đồng hành trong suốt quá trình hình thành và thay đổi mọi trạng thái của con người, trong đó có trạng thái "Chết". Chính vì vậy mà người chết đi không phải là đã hết, nó chỉ chuyển hoá thể xác từ dạng năng lượng động, có hình, sang dạng năng lượng vô hình, mà ta thường đặt khái niệm đó là Tâm Linh. Vì vậy trong đạo Phật nói về kiếp luân hồi căn cứ vào cái sự tồn tại vĩnh cửu của nguyên thần. Khi nguyên thần được tồn tại, tu luyện trong đời sống con người hoặc trong trạng thái vô hình, đạt được cấp độ năng lượng tầng cao thì nguyên thần đó trở thành "Thần Thánh, Phật Chúa".
Trong cuốn sách “Hoàng Đế nội kinh” cũng ghi lại rằng “Khi thể xác con người mà mất thần, thì người đó sẽ chết". Chết ở đây chỉ có nghĩa là thể xác không động chứ không có nghĩa là chết hoàn toàn, bởi nguyên thần vẫn còn đó.
Trong y học hiện đại người ta chứng minh rằng "Hạch Nền" là nơi hội tụ mọi trạng thái cảm xúc và linh hồn của con người. Mà nguyên thần là trung tâm điều khiển mọi cảm xúc, mọi tư duy và hành động, nguyên thần có thể di chuyển đến bất kỳ nơi nào trong cơ thể, thường trú ngụ ở Tâm, nên trong đông y có nói Tâm tàng thần là vậy.
        Ngoài việc trú ngụ, nguyên thần còn điều khiển trạng thái di chuyển của khí huyết trên hệ thống kinh lạc, theo giờ tuần hoàn, do vậy các nhà tu hành có thể căn cứ vào yếu tố đó mà đưa ra "nhân thần cấm kị" để tránh va chạm làm tổn thương nguyên thần, nhẹ là hao tổn khí huyết nặng có thể tử vong!
 Trong các loài động vật đều có nguyên thần, động vật cao cấp thì nguyên thần càng mạnh, nó chi phối tư duy hay còn gọi là trí thông minh, chính điều này là yếu tố quyết định cho cảm xúc, từ cảm xúc mà phát triển đến tình thương yêu, hay ghét, giận. Cảm xúc cao có tư duy lớn trở thành lương tâm, đạo đức, và ngày càng hoàn thiện đến thông tuệ, mở rộng hiểu biết và giác ngộ đến trí huệ.  Những bậc chân tu, như Thích Ca, Lão Tử, Giê Su v.v.. là những người tu luyện đạt đến trạng thái giác ngộ, khai mở nguyên thần mà thành Phật, Chúa, Thánh, Thần.
     Làm sao để biết rằng ai đó đã đắc pháp hiển linh Thần
, Thánh, Phật, Chúa? Khi thân xác của họ chết đi, linh hồn của họ hiển linh có thể cứu độ chúng sinh, báo ứng cho người sống biết trước tai hoạ, giúp đỡ người tốt, loại trừ ác nghiệp, thì người đó chính là Thần Thánh, Phật, Chúa. Họ được theo dõi chứng nghiệm nhiều lần sự linh ứng trong tâm mỗi người, làm cho đại đa số dân chúng sùng tín mà suy tôn, lập đền chùa thờ phụng. Có những người hiển linh khi họ đang tồn tại là con người, bởi nguyên thần đắc pháp mà biết trước và cứu độ được cho chúng sinh thì người đó chính là Thánh Nhân đương thời cứu thế.

3. Những nguyên nhân ảnh hưởng đến vận khí
Một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến vận khí chung của thế giới đó là việc phá thai, và sự ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Phá Thai và hệ luỵ về Tâm Linh. Phá thai có chủ đích được ra đời từ trước công nguyên khi mà loài người hình thành chế độ phong kiến vua chúa. Việc sinh một đứa trẻ không mong muốn do bị cưỡng hiếp, hay vì một lý do bất khả kháng khi người mẹ bị bắt vào phục vụ cho các vua chúa. Cũng có thể là sự lựa chọn của người phụ nữ hoặc đôi khi bị bắt buộc phải phá thai! Hơn hai ngàn năm lịch sử loài người tính đến hết thế kỷ 19 việc phá thai vẫn hình thành nhưng nó được giới hạn trong những trường hợp đặc biệt, do vậy tổng số thai nhi bị phá trên toàn thế giới chưa nhiều đáng kể.
        Nhưng kể từ sau đại chiến thế giới thứ hai 1945 và đặc biệt vào những năm của thập niên 60-70 của thế kỷ 20 thì luật phá thai được hình thành ở nhiều nước đặc biệt là những quốc gia đông dân số, có nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc căn cứ vào số liệu được tổng hợp trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 50 triệu thai nhi bị phá, đó là chưa kể những ca nạo phá thai ở các trung tâm tư nhân hoặc những người phụ nữ tự mua thuốc uống phá thai mà không được kiểm soát. Nếu tính cả những trường hợp này thì con số sẽ tăng lên rất nhiều.
 
(Ở Trung Quốc mỗi năm có khoảng 13 triệu ca phá thai. Ở Việt Nam theo thống kê là khoảng 1,5 triệu ca/ năm). Ta biết rằng đại chiến thế giới thứ 2 làm khoảng 50 triệu người thiệt mạng! Hiện nay với con số công bố của Liên Hợp Quốc thì mỗi năm chúng ta đã cố tình giết đi số lượng thai nhi bằng một cuộc đại chiến thế giới? Vậy thai nhi ảnh hưởng gì đến Tâm Linh? Thai nhi là một dạng thể xác và linh hồn ở trạng thái trung tâm của hai cực âm và dương, nghĩa là có nhưng chưa được sinh ra. Chúng ăn những nguyên khí của người mẹ khi còn trong bụng. Thai nhi là một trạng thái chuyển kiếp do quá trình tạo nghiệp. Biết bao linh hồn tu luyện nhiều kiếp để được làm người, nhưng chúng lại bị cướp đoạt mạng sống, quyền được sống ngay khi còn trong bụng mẹ! Do vậy, nỗi hận của thai nhi rất lớn! Đặc biệt những thai nhi đã được sinh ra làm người nhưng do sự mất nhân tính của những bà mẹ hoặc do văn hoá xã hội đồi bại mà những người mẹ này cố tình đập chết, hay vứt bỏ con mình ở nơi cống rãnh bẩn thỉu, hoặc bỏ rơi làm cho thai nhi phải chết thì sự thù hận này càng khủng khiếp, chúng sẽ đeo bám hành hạ người mẹ đó nhiều đời! Những vong nhi sau khi bị chết non hoặc bị bỏ đi khi còn trong bụng mẹ phải chịu bao đắng cay cực khổ, chúng bị lang thang không nơi cư ngụ và nương tựa chúng đã lập nên một quần thể lớn mạnh! Có những trường hợp bằng mọi cách quay lại tái sinh tìm bố mẹ để báo thù! Có thể phá trực tiếp bố mẹ, có thể hành hạ những đứa trẻ là anh, chị, em trước hay sau chúng! Nguyên nhân của sự báo oán:  Trước đó chúng có thể là những vong nhi báo ân, nhưng vì Bố Mẹ bỏ chúng nên chúng quay lại báo oán!  Sự báo oán sẽ ảnh hưởng đến thế giới văn minh. Ngày nay thế giới phát sinh rất nhiều tội phạm, nghiện ngập, trộm cắp, giết người, lừa đảo, tham nhũng, khủng bố!... Đó là dấu hiệu ban đầu của những đại hoạ. Trong tương lai không xa khi mà số vong nhi bị phá vượt số người đang sống trên hành tinh thì cũng là lúc đại họa thế giới sẽ ập tới ! Điều đó khó mà tránh khỏi!
Tâm Linh có thể ảnh hưởng đến môi trường và ngược lại: Từ xưa con người đã rất quan tâm đến địa lý phong thuỷ và bảo vệ nghiêm ngặt những khu vực địa linh nhân kiệt, nhưng ngày nay thế giới phát triển về khoa học công nghệ, kèm theo sự bùng nổ về dân số, các thành phố lớn các khu công nghiệp, các khu dịch vụ phần nào đã phá đi cấu trúc trật tự của địa lý phong thuỷ, điều này làm ảnh hưởng đến trường khí của địa linh hay còn gọi là Long Mạch, đó là nguyên nhân gây nên sự sa sút về nguyên khí làm ảnh hưởng đến vận khí của một số khu vực dân cư, bên cạnh đó do ý thức bảo vệ môi trường của chính con người trong xã hội đã làm cho vận khí ngày càng tiêu vong, từ nguồn nước, đến không khí đâu đâu cũng bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là các nước mới phát triển và  mong muốn phát triển ồ ạt dẫn đến mất kiểm soát về thực trạng môi trường, đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến địa lý phong thuỷ làm cho trạng thái âm khí, tà khí, cái xấu trong tâm linh hỗn loạn và trỗi dậy khiến cho các khu vực đó quốc gia đó ngày càng suy vong.
4. Lòng tham và sự cầu cứu tâm linh của con người
Đến khi gặp phải các vấn đề về Tâm Linh, con người không biết phải tự sửa mình thì lại càng lao vào cúng bái cầu xin các đấng vô hình giúp đỡ giải nghiệp vậy nên mới có câu "Bất vấn thương sinh, vấn quỷ thần"?! Sao không hỏi dân sinh mà lại đi hỏi quỷ thần?! "Bất vấn thương sinh vấn quỷ thần" là một câu thơ đường của nhà thơ Lý Thương Ẩn, nói rằng: Ở đời nhà Hán có một vị Đại Học Sĩ rất tài ba tên là Cổ Nghị, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Hán Văn Đế biết danh Cổ Nghị giỏi như vậy thì mừng khôn tả, Vua Hán liền cho người mời Cổ Nghị vào hoàng cung để hỏi một số vấn đề về đàm thiên, thuyết địa luận nhân. Nhưng khi gặp Cổ Nghị, Vua lại không  hỏi về dân chúng, mà chủ yếu tập trung hỏi về các lĩnh vực liên quan đến số phận và nghiệp vương của mình. Khi Cổ Nghị nói những vấn đề này thì khiến cho Vua Hán say mê đến nỗi từ đó ngày ngày chỉ lo cúng bái xin lộc thánh thần duy trì ngôi báu! Chẳng còn nghĩ đến vận nước và lòng dân! Chính vì vậy nhà thơ Lý Thương Ẩn đã viết câu thơ trên với ngụ ý chê trách Hán Văn Đế chỉ vì lo cho giai cấp thống trị của mình mà quan tâm chuyện thần thánh! Trong khi đáng lẽ ra ông ta nên quan tâm đến vận nước, lòng dân và việc sử dụng nhân tài sao cho ích nước lợi nhà.
        Do tâm con người loạn, tư duy và mọi hành động bị loạn khiến cho âm dương đều loạn và ảnh hưởng đến giá trị tâm linh.  Ta lấy một ví dụ trong xã hội của chúng ta ngày nay. Do mất cân bằng về giới tính Nam-Nữ, tỷ lệ người già và người trẻ chênh lệch, sự bứt phá của công nghệ khoa học, kiến thức xã hội cùng với tham vọng của người lớn, chủ trương chính sách giáo dục của nhà nước, khiến cho các em nhỏ đã phải tiếp nhận một áp lực quá sớm, trong khi đó người lớn thì bi quan chán nản, người già thì luôn cảm thấy cô đơn không được giúp đỡ và chia sẻ, bên cạnh đó do quá trình biến đổi khí hậu nhanh, môi trường xuống cấp, tệ nạn quan chức tham nhũng, đạo đức cán bộ suy đồi, toàn xã hội nổi lên sự lừa dối của con người từ mọi mặt v.v.. Dẫn đến cả xã hội đều loạn tâm, loạn trí!  Khắp nơi từ thành phố, nông thôn, đến miền núi, vì lợi nhuận vì đồng tiền mà tận dụng quá nhiều đến công nghệ hoá chất trong sản xuất công, nông nghiệp dẫn đến thảm hoạ môi trường. Con người phải ăn uống những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí còn mắc bệnh hiểm nghèo và tổn thọ từ thực phẩm do chính con người làm ra! Điều này phạm đến tâm và đức. Con người có bốn cái tham. Tham quyền lực, danh vọng. Tham tiền bạc, của cải. Tham hưởng thụ ăn chơi sa sỉ rượu chè, trai gái. Và tham sống sợ chết! Chính những hoàn cảnh môi trường xã hội như vậy đã tác động mạnh đến tâm lý của mỗi người!
Trước mắt, xã hội Việt Nam đang mất đi sự cân bằng về âm và dương nghiêm trọng. Trong đó sự mất cân bằng giữa tư duy và thực tiễn, giữa tham vọng và cuồng tín, giữa lòng tham và sự khát vọng! Coi thường mọi giá trị của tâm linh. Người Việt Nam ngày nay quan tâm đến các vấn đề tâm linh, thờ cúng, từ việc xây chùa, xây đền, lập phủ v.v...Tục thờ cúng lễ hội, ngày rằm ngày tết đã xuất hiện từ lâu do tập quán ăn sâu vào tận tâm mỗi người Việt Nam, đó là văn hoá Tâm Linh nhưng sự linh ứng, chứng nghiệm trong tâm của mỗi người một khác. Có người tu tại tâm, lòng thành kính tại tâm, tự tu và tự ngẫm tự chứng nghiệm, nhưng cũng có người đi cúng lễ theo phong trào, thắp hương theo phản ứng tập thể, tâm không tịnh và cũng không cần sự chứng nghiệm! Cũng do phong trào và lòng tham của con người đã làm cho xã hội biến đổi, sự tham vọng vật chất đã trở thành trạng thái lượng biến mất kiểm soát.
Trong "Chu Dịch", ta nhận định từ Quẻ Càn mà nói: "Thiên Hành Kiện Quân Tử Dĩ Tự Cường Bất Tức". Nghĩa là nhân sinh ở đời phải hành động theo đạo trời, từ tự thân mình xuất phát cho bản thân mình trở thành một cơ sở độc lập, quả cảm, siêng năng kiên trì... Không ngừng phát huy và củng cố tự hoàn thiện chính mình, để vạn vật được "Sinh Sinh Bất Tức". Nghĩa là vạn vật luân chuyển tự nhiên, liên tục, không cần đến sự tác động khác. Nếu chúng ta không tự vận động bản thân mình thì dần dần chúng ta sẽ tự đào thải, tự mất đi nguồn sinh lực tự có của chính bản thân mình.
Trong khi cái nguyên thần và sinh lực của mình đang có mà không được phát huy, lại đi nhờ cậy vào việc xem bói, xin quẻ và làm những nghi lễ long trọng để chứng tỏ mình có hiếu hay trọng đạo v.v... Vậy thì tại sao chúng ta lại không nghĩ đến sự ảnh hưởng từ mặt trái của tâm linh dẫn đến rối loạn xã hội? Trong văn hoá tâm linh, chúng ta không phủ nhận việc có Quỷ Ma, Thánh Thần nhưng sự chú trọng về nghi thức thiếu chứng nghiệm và cuồng tín quá, sẽ khiến chúng ta đi lệch quỹ đạo tự nhiên. Ta biết rằng, Thần Tiên hay con người thuộc dương tính, trong khi đó thế giới Quỷ, Ma lại trái ngược nhau với con người, họ thuộc trạng thái âm tính. Trong thực tế thì năng lượng dương luôn đi lên còn năng lượng âm luôn đi xuống, do vậy từ tư duy và thiếu sự chứng nghiệm về tâm linh, không hiểu mình phải cầu cúng ai, mà lại đi cúng quỷ ma nhiều thì vô tình con người đã tạo ra trạng thái âm tính năng lượng quá nhiều, dẫn đến nguồn sinh trưởng năng lượng dương bị suy giảm trầm trọng. Nếu mỗi gia đình hương khói thờ cúng ma quỷ nhiều quá, khiến cho năng lượng âm càng lớn thì gia đình đó kém đi vận khí. Do vậy nhiều gia đình, nhiều đền chùa hương khói nghi ngút thờ cúng vong âm thì quỷ ma kéo đến nhiều khiến cho xã hội sẽ giảm năng lượng dương, và điều tất yếu là quốc gia suy vong! Chúng ta có quyền tin vào Tâm Linh, tín ngưỡng tôn giáo, thờ phụng tổ tiên... Nhưng mọi thứ phải hiểu rằng nên cúng ai và thờ ai? Còn nếu chúng ta cứ mất dần ý thức chứng nghiệm về tâm linh, cuồng tín mê muội, thì thói quen đó sẽ làm cho ý thức của chúng ta dần dần thay đổi!

5. Những khái niệm và định kiến
Tôi thiết nghĩ rằng, truyền thống văn hoá tâm linh, hay một thói quen hàng trăm năm, không nhất định là đúng hết. Nếu chúng ta không thức tỉnh lại, nhìn thẳng vào thực trạng của xã hội để thấy rằng, con Rồng Việt Nam đang đi xuống dốc ngày càng trở nên trầm trọng cả về tư duy lẫn mọi hành động thiếu kiểm soát và định hướng rõ ràng, thì chúng ta đang góp phần kéo con Rồng tụt lại so với thế giới. Ý thức về tâm linh, tư duy hèn yếu khiến cho rất nhiều người khi gặp nghịch cảnh, hay tâm ý bất ổn thì việc đầu tiên họ sẽ nghĩ ngay đến việc đi xem bói, xin quẻ hay thờ cúng quỷ thần?!
        Tôi xin lấy ví dụ:
Khi con cái ốm đau, chồng vợ ly tán, mất cắp, bị tai nạn, bị lãnh đạo trách mắng, làm ăn khó khăn nợ tiền, hay bất luận trong gia đình có vấn đề gì đó trục trặc, ham danh, hám lợi, muốn thăng quan tiến chức, muốn chạy tội v.v...  thì đại đa số mọi người đều nghĩ đến việc xem bói xem tướng, hay chạy lên đền chùa bái Phật, bái Thần Tiên, để cầu xin cho vận số của mình, trong khi đáng lẽ tự mình phải cố gắng khắc phục, phấn đấu, vươn lên bằng chính cái tâm và sự linh nghiệm bằng tài năng, đạo đức, trí tuệ và sức khoẻ của chính bản thân mình. Tôi xin hỏi rằng:
Chẳng có lẽ Phật Thánh và Thần Tiên ngày nào cũng như một bác sĩ khám bệnh ở bệnh viện 24/24 giờ để ngồi chờ ở đền, chùa chỉ để nghe mọi người đến kể khổ và cầu xin?!
Có nhiều người thắp một nén nhang bỏ vài trăm ngàn đồng vào mâm lễ để cầu xin cho một việc kinh doanh buôn bán hàng triệu đô la! Chẳng lẽ tâm linh mà dễ vậy hay sao? Phật, Thánh, Thần, Tiên cũng không phải là người làm thuê của ta, để ta muốn cầu cái gì thì Phật, Thánh, Thần, Tiên phải làm theo ý mình! Trong khi đó bản thân ta không phải là một linh thần cũng chẳng là một vĩ nhân! Do vậy Phật, Thánh, Thần, Tiên cũng không có nghĩa vụ phải làm những việc mà ta yêu cầu! Cho dù nếu ta có là vĩ nhân đi chăng nữa thì Phật, Thánh, Thần, Tiên cũng không vì điều đó mà phải phù hộ cho ta! Tôi lại hỏi: Có ai đó nghĩ rằng, những bức tượng đang ngồi trước mặt mình liệu có phải là "Chân Thần của Phật Thánh, Thần Tiên" thật hay không? Hay đó chỉ là linh hồn Ma Quỷ hoặc linh hồn của một con linh quái Cáo, Chồn, nào đang ngồi ở đó? Sợ rằng câu hỏi này của tôi sẽ làm cho nhiều người thất vọng! Bởi đó không phải là "Chân Thần"! Thần Linh không phải là vạn năng, huống chi những người như tổ tiên đã qua đời thì còn rất hạn chế về quyền năng. Do vậy họ có muốn phù hộ cho ta cũng chỉ ở mức hạn chế, ta phải biết rằng, vong hồn của người âm khi chưa tu luyện thành "Ma Tiên" thì năng lượng ấy là năng lượng âm, còn lưu lại cái suy bại, đau khổ!  Nếu ngày nào cũng lo lắng nhang khói, thờ cúng người âm thì vô tình ta đã lấy những năng lượng suy bại, sự ốm đau cho chính ta. Đạo hiếu là cốt cách nhân phẩm đáng quý nhưng kính tụng trong tâm và luôn tưởng nhớ đó là giá trị chân thực. Rất nhiều điều tâm nguyện trong tâm mình đã đủ thì sao còn cần làm nghi lễ quá nhiều cho ai xem? Đó chính là Tâm Linh, sự linh ứng trong tâm mỗi người. Tất cả mọi hoạt động tín ngưỡng cũng nên vừa phải, khi hỏi Phật, Thánh, Thần, Tiên nhiều quá thì sẽ trở thành người ỷ lại mà không biết tìm nguyên nhân! Do vậy ta sẽ không bao giờ có tinh thần nghĩ lại mình và từ đó hình thành thói tự lợi, việc quá chú trọng đến thờ cúng có thể ta nghĩ đó là hiếu đạo, là văn minh, nhưng thực tế lại là một sự biểu đạt suy nghĩ cho tham vọng!

Một khía cạnh nữa mà tôi muốn đề cập đến, đó là phong tục cứ lễ tết là phải tặng quà? thậm chí có người còn mong muốn, đua tranh nhau tặng quà? Điều này cuối cùng sẽ hình thành một sự so sánh nhiều hay ít, xấu hay đẹp, và biết thế nào là đủ?! Tự mình đã đặt cho mình một cái áp lực, tạo ra bầu không khí căng thẳng mỗi khi lễ tết và nết sống xã hội trở thành trạng thái dẫn dụ mọi người thành thói quen ham danh, muốn nhận quà, muốn trục lợi, muốn tham nhũng, chỉ muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhà lầu, xe hơi... mà không muốn làm việc!  Khi đến làm việc ở cơ quan không có tinh thần đoàn thể, đi muộn, nhưng đến giờ nghỉ thì vội vã chạy nhanh về sớm... Hình thành thói quen làm ít mà chỉ muốn tăng lương, hoặc nghĩ mọi cách kiếm tiền...?! Xã hội như vậy tạo ra con người thiếu trách nhiệm, không muốn đảm đang nhiệm vụ, nhưng nếu như có chuyện gì xảy ra thì chính những con người ấy, sẽ là người đầu tiên chạy trốn mất! Hơi có một tý khó khăn thì lại lên chùa, lên đền cầu khấn Phật, Thánh, Thần, Tiên... Những câu khấn thì kể lể khổ sở? Nhưng văn hoa thì lại trau truốt từng ý, để mong muốn điều tốt cho mình, thậm chí có người còn muốn khấn hay làm bùa phép cho đối thủ của mình chết đi?!!! Chẳng muốn bỏ ra một đồng, nhưng lại muốn có những nguồn lợi lớn trong làm ăn?! Điều này sẽ rèn luyện cho con người một "Công năng đặc biệt" mà ta gọi là "Khẩu Tài" đó là khả năng "Uốn Lưỡi" rất tốt! Chính vì sự tham vọng danh lợi, mà xã hội sẽ xuất hiện những ông thầy phù thuỷ, thầy bói, thầy cúng... Lừa đảo và tận dụng sự lười biếng của những kẻ chỉ lo cầu cúng để đi làm "Nghiệp Vụ"! Vô tình họ đã lợi dụng giá trị Tâm Linh để phá hoại chính Tâm Linh!  Chung quy thì thầy bà, hay cúng lễ Phật, Thánh, Thần, Tiên thiếu sự chứng nghiệm của Tâm và Linh thì chưa cho cho ta được thành quả của việc cầu nguyện, mà đã cho ta hậu quả của mất tiền, lười biếng và tự ti! Cuối cùng những người có đức hạnh có tài năng không được trọng dụng trong xã hội, mà kẻ uốn ba tấc lưỡi, tham nhũng, lừa đảo thì ngang nhiên hoành hành! Làm cho những người tốt hẫng hụt mất cân bằng tâm lý, khiến họ lại vào chùa bái Phật Thánh, Thần Tiên, hoặc tìm đến gặp những ông thầy.... Câu chuyện này đang diễn ra trong cuộc sống xã hội Tâm Linh Việt Nam. Một quốc gia muốn phát triển, thì từ lãnh đạo đến người dân cần phải làm tốt từ việc nhỏ, không phải chỉ làm bằng cái mồm mà tay chân không nhúc nhích. Hàng triệu người từ nhà nước đến người dân chỉ hô hào mà không tự mình thay đổi, không làm nhưng lại chỉ muốn hưởng thụ, thì điều tất yếu sẽ sinh ra lừa đảo!  Đã không làm được nhưng lại nói cho hay để đánh lừa người khác, mà đặc biệt là những người có chức sắc, những người là lãnh đạo... Có nhiều người bực tức phẫn nộ nhưng tâm lực không đủ, tâm trí kém, tâm pháp không có, và tâm linh thiếu chứng nghiệm mà không dám nói ra!  Có người tham quyền cố vị ham danh hám lợi thì đến cầu Phật Thánh, Thần Tiên để được yên vị hay thăng quan tiến chức, nhưng khi dành được chức quyền thì lại làm không tốt, công việc không thuận lợi...thì lại đi thỉnh giáo Phật Thánh, Thần Tiên để mong cứu khổ cứu nạn! Đó là chưa kể đến nhiều người dựa vào Tâm Linh để xây đắp đền chùa buôn thần bán thánh thì vận khí của xã hội sẽ đi đến đâu?! Tôi rất mong mỏi mỗi người chúng ta tin vào tâm linh và tự mình chứng nghiệm, tự mình tu tâm đức, để tạo ra một môi trường tâm linh trong sáng đúng với bản chất tự nhiên của vũ trụ, sự phát triển của mỗi chúng ta, của xã hội mang lại cuộc sống an lạc thanh tịnh và văn minh của nhân loại.
             



[1] GS Võ sư, Viện NC&UDTNCN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét