Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

ỨNG DỤNG PHONG THỦY TRONG CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI


ỨNG DỤNG PHONG THỦY TRONG CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI
Bộ môn Phong thủy
Thế kỷ 20 đánh dấu thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, và người ta cũng kỳ vọng bước ngoặt mới trong Thế kỷ 21, trong đó nhiều khả năng một số lĩnh vực còn đang nghiên cứu và ứng dụng có thể được làm sáng tỏ.
 Những phát minh khoa học của phương Tây đã thay đổi một số quan niệm cũ, đưa lại nhiều tiện ích cho con người, tuy nhiên còn những bất cập, những mặt trái của sự phát triển, chẳng hạn như sự biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nên văn hóa Á đông với những nét đặc thù vẫn giữ được, không bị mai một, nhất là những ngành khoa học cổ xưa mà những năm gần đây, một bộ môn được quan tâm là Phong thủy.
Có khá nhiều nhà nghiên cứu, nhiều sách báo tài liệu, nhiều diễn đàn bàn luận, một vài trường đại học đưa vào chương trình giảng dạy thử nghiệm, nhưng Phong thủy còn ẩn chứa những bí mật chưa được khám phá. Dù vậy, bằng những ngả đường khác nhau, việc ứng dụng Phong thủy là nhu cầu tất yếu, diễn ra không ngừng, kể từ khi hình thành và trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử.
Trong cuộc sống đương đại, dĩ nhiên Phong thủy cũng cần thích ứng, không thể lệ thuộc cứng nhắc, sao chép máy móc những đúc kết của tiền nhân. Chọn lọc tinh hoa và loại bỏ những yếu tố mang màu sắc mê tín, dựa trên nền tảng cùa vũ trụ quan và nhân sinh quan phương Đông, những nguyên tắc cơ bản của học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, Bát quái…Phong thủy phải tiếp tục sáng tạo, bổ sung lý luận và minh chứng qua thực tiễn.
Là khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường sống, Phong thủy liên quan đến “Thiên, Địa, Nhân” trong không gian và thời gian rộng lớn. Tựu trung lại, có thể tóm tắt những nhóm chính:
1. Hoạch định chiến lược chung
Những nhà phong thủy trước đây thường am hiểu Nho, Y, Lý, Số. Có những bậc thày Tướng số, Thuật số nổi tiếng được mời làm quân sư, giữ vị trí cao trong triều đình, đóng vai trò quan trọng trong việc phò tá vua chúa, quyết định thành, bại của quốc gia. Một đất nước, hiểu theo nguyên nghĩa, bao gồm “đất” và “nước”, đều là những thành tố thiết yếu của khoa phong thủy. Trong thế giới hiện đại, vấn đề địa chính trị cho thấy vị trí địa lý khá nhạy cảm của Việt Nam. Để xây dựng chiến lược, đường lối cho một tiến trình dài hạn, luôn luôn phải có dự báo, dự đoán hay tiên đoán về những khả năng có thể xảy ra , những tình huống thuận lợi hay bất lợi, tích cực hay tiêu cực. Từ đó những nhà lãnh đạo đưa ra những chính sách thích hợp, điều chỉnh linh hoạt để khắc phục nhược điểm, tận dụng thời cơ, tập trung huy động nguồn lực thúc đẩy sự  phát triển. Bên cạnh các phương pháp nghiên cứu chiến lược, dự báo kinh tế, thống kê,… thì Phong thủy cũng có những cách đánh giá riêng. Nếu có sự kết hợp chặt chẽ cùng các ngành, Phong thủy sẽ có đóng góp đáng kể cho mục tiêu chung đưa nước ta sớm cường thịnh.
 2. Quy hoạch, kế hoạch về phân vùng, sử dụng đất
Bài toán quy hoạch ở Việt Nam đôi khi gây bức xúc trong dư luận do một số vấn đề tồn tại. Đi sâu tìm hiểu và phân tích, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhìn từ một khía cạnh, có thể một phần là Phong thủy chưa được xem xét đến. Thời xưa, trước khi thành lập kinh đô, nhà vua đều phái thầy Phong thủy tới nhiều nơi tìm chọn đất đai, khảo sát rất kỹ lưỡng. Ngay trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ cũng nhắc thế “Rồng chầu, Hổ phục”. Ngày nay, những phương pháp tối tân của khoa học hiện đại giúp ích đắc lực công việc này. Nhưng đi kèm, nên tiếp nhận những hiệu quả của Phong thủy. Trước  một cuộc đất, khoa Phong thủy chia làm nhiều phần để nhận xét và đánh giá mức độ cát hung. Đơn giản nhất là chia thành cửu cung, bao gồm tám cung Bát quái và một cung ở giữa; còn phức tạp hơn thì chia thành 24 sơn và có thể tiếp tục chia nhỏ hơn nữa tùy theo nhu cầu luận đoán. Khi đó tương ứng với mỗi khu vực đất đai với vị trí và hướng cụ thể, người giỏi thuật Phong thủy có thể đưa ra những xét đoán mỗi phần của mảnh đất đó phù hợp với công việc gì. Tất nhiên đây không phải yếu tố duy nhất để đưa ra phán quyết cuối cùng nhưng cũng nên được nhìn nhận và  phối hợp với các phương pháp khác.
3.     Nguồn nước và sử dụng nước
Những nghiên cứu khoa học thế giới thời gian qua cho thấy loài người đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch. Nước thuộc đối tượng hàng đầu trong khoa Phong thủy. Bản thân từ “Thủy” trong Phong thủy cũng tự nói lên điều đó. Nước mà chúng ta sử dụng chủ yếu từ nước bề mặt và nước ngầm. Trong đó nước bề mặt được thu về từ sông, suối, ao, hồ, còn nước ngầm từ giếng khoan và giếng đào. Trong Phong thủy, hay nhắc tới khái niệm Long mạch và đi sâu giải thích lại không đơn giản lắm vì rất khó nhận ra. Tìm Long mạch đối với các thầy Phong thủy là không phải bàn cãi. Câu “3 năm tầm long, 10 năm điểm huyệt” phản ánh tính chất phức tạp và gian truân của tìm Long mạch. Long mạch có thể nói nôm na là dòng khí tiềm tàng, tuy không nhìn thấy rõ ràng hoặc sờ nắn được nhưng có thể cảm nhận và dự đoán thông qua việc xem xét đường đi của các mạch núi, dòng sông. Trong việc ứng dụng cụ thể vào cuộc sống, việc giữ gìn, bảo tồn và phát hiện các Long mạch quý chính là bảo tồn dòng khí lành giúp cho phát triển bền vững, trùng hợp mục đích bảo vệ môi trường đang được thực hiện như bảo hộ rừng đầu nguồn, khơi thông dòng chảy, nạo vét sông ngòi, giữ gìn cảnh quan...
4. Kiến trúc, thiết kế, xây dựng
Ở Việt nam, vấn đề quy hoạch kiến trúc nói chung còn nhiều vấn đề thách thức, cũng có thể một phần chưa được quan tâm đúng mức hoặc do chưa được quản lý chặt chẽ. Bức tranh đô thị vẫn còn nhiều mảng sáng tối xen kẽ lẫn lộn. Nhà cao tầng dày đặc chen lấn, hình ảnh làng quê truyền thống phai nhạt. Việc xây dựng các công trình văn hóa hoành tráng cũng còn nhiều ý kiến tranh cãi, chẳng hạn xây tượng đài. Trong khi đó, việc bố trí, bài trí cái gì, ở đâu, vào lúc nào, lại là một thế mạnh của khoa Phong thủy. Thực vậy, trong lý luận của mình, đặc biệt của trường phái Hình thế có đề cập những nguyên tắc rất rõ ràng cho một hình thế bền vững, đó là việc phải hội tụ đầy đủ đại diện của Tứ linh - Thanh long, Bạch hổ, Huyền vũ, Chu tước. Bàn thêm một cách chi tiết, còn nhiều cách tính toán nhằm chọn hướng và vị trí, đây là hai yêu cầu tiên quyết “nhất vị, nhị hướng” trong Phong thủy.
5. Quốc phòng, bảo vệ đất nước
Gắn liền với lịch sử của dân tộc ta là lịch sử dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Trong quá trình đó chúng ta đã phải thực hiện tiến hành rất nhiều cuộc chiến. Muốn giành chiến thắng, các yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” đều phải được tính đến. Thực tế lịch sử cũng minh chứng cho thấy, cha ông ta đã biết cách vận dụng rất linh hoạt yếu tố này để mang lại thắng lợi. Chẳng hạn việc sử dụng bãi cọc trên sông Bạch Đằng là một nét độc đáo, cho dù đã được lặp lại đến 3 lần vẫn không mất tác dụng. Khoa Phong thủy coi trọng yếu tố “Địa lợi”. Trường phái Phong thủy Huyền không phi tinh, với lý thuyết Tam nguyên cửu vận và cửu cung cho thấy khá rõ nét về ứng dụng của khoa phong thủy vào việc phân tích một vùng đất để xem xét rõ ràng chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu, khu vực nào đắc địa, khu vự nào thất cách, thậm chí còn có thể tính toán được thời vận của những biến cố có khả năng xảy ra vào thời điểm nào, năm nào, tháng nào,… Trong thời đại ngày nay, việc kiểm soát những vùng biển được xem là quan trọng, nước Việt Nam lại có đường bờ biển dài, Phong thủy biển đảo cũng nên được chú trọng. Bộ môn Phong thủy còn được kết hợp với những môn chuyên nghiên cứu về cách đánh trận như Kỳ môn độn giáp vốn cũng có nhiều điểm tương đồng về mặt lý luận.
6. Quy hoạch nghĩa trang
Khoa Phong thủy không những quan tâm đến mảnh đất - Dương trạch, cho người sống mà còn tìm hiểu ảnh hưởng của mảnh đất - Âm trạch  cho người chết, nói rộng ra chính là đất chôn cất, xây mồ mả, lăng tẩm. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, Phong thủy lưu ý tác động của những người đã khuất tới những người đang sống, cụ thể là những người chung huyết thống. Quả thực đến nay, chưa có một lý giải khoa học xác đáng, nhưng tìm cho người thân chẳng may qua đời một mảnh đất chôn cất có Phong thủy đẹp vẫn là mong muốn của nhiều thế hệ. Đất đai có hạn, chính vì vậy quy hoạch nghĩa trang đang trở thành cấp thiết. Âm trạch trong khoa Phong thủy có nhiều lý luận rất sâu sắc trong việc lựa chọn khu vực nào là phù hợp cho việc xây mồ mả, làm nghĩa trang. 
7. Phục vụ các nhu cầu cuộc sống cơ bản con người
Nhờ tác dụng thiết thực, Phong thủy có mặt trong cuộc sống thường ngày của người dân. Trong đời có 3 việc lớn “Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu” thì làm nhà đứng hàng đầu. Câu nói “Sống về mồ về mả, ai sống bằng cả bát cơm” thể hiện quan điểm của người xưa coi trọng Âm trạch như thế nào, hay “Nhất cận thị, nhị cận giang”, “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” cũng phần nào tổng kết những kinh nghiệm Phong thủy trong việc chọn đất, chọn hướng làm nhà.
Không chỉ lo làm nhà cho riêng mình, cuộc sống hiện đại còn phải xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng như công xưởng, nhà máy văn phòng, cửa hàng kinh doanh, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện… Mọi công việc đều được tính cẩn thận ngay từ chọn đất, chọn hướng, chọn ngày khởi công, chọn tuổi.
Khoa Phong thủy lại chú ý phương pháp hóa giải những điều xấu, và đây cũng một phần tạo nét hấp dẫn của bộ môn này. Có những thêu dệt và tâng bốc một cách quá thái là đáng trách, nhưng một điều không thể phủ nhận là khoa Phong thủy có thể hỗ trợ con người về mặt giữ gìn sức khỏe.Thật vậy, tất cả những hướng hay vị trí mà Phong thủy lựa chọn đều dựa trên nguyên tắc “Đón lành tránh dữ”. Ví dụ: Đối với điều kiện thời tiết khí hậu của Việt Nam thì việc làm nhà hướng Nam được ưu tiên do tránh được cái lạnh của mùa Đông từ phương Bắc thổi tới, và đón được gió Nam mát mẻ vào mùa hè.
Kết luận
Có khả năng vận dụng vào nhiều những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô như đã trình bày ở trên, song khoa Phong thủy không phải là phép màu để có thể hóa phép muốn gì được nấy. Giá trị của Phong thủy chính là hỗ trợ, làm gia tăng khả năng thành công, tạo thêm lợi ích cho con người. Khoa Phong thủy cần phối hợp chặt chẽ với thuật xem Thời điểm (năm, tháng, ngày, giờ), dự đoán theo Dịch lý, Thiên văn,… mới có thể bảo đảm tính chính xác cao hơn. Đồng thời, tiếp nhận thành quả của các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để làm sáng tỏ những vấn đề tranh cãi và tăng cường khả năng ứng dụng trong cuộc sống đương đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét