Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Y HỌC BỔ SUNG VÀ TIỀM NĂNG CON NGƯỜI


Y HỌC BỔ SUNG VÀ TIỀM NĂNG CON NGƯỜI
Thạc sĩ Nguyễn Văn San

1. Phân biệt Y học phương đông và Y học phương tây
Tây y ra đời cùng với nền công nghiệp hóa, chủ nghĩa duy vật và khoa học hiện đại. Tây y nghiên cứu cơ thể con người bằng những công cụ khoa học cực kỳ hiện đại của sinh học, hóa học và vật lý học. Tây y tìm ra những quy luật vận hành của cơ thể, những cơ chế và tác nhân gây bệnh, các cách thức chữa bệnh tuân thủ một cách chặt chẽ và hoàn toàn theo các quy luật hữu hình (nhìn thấy và đo đếm được) của sinh, hóa, lý.
Đông y có nguồn gốc từ xa xưa, cổ truyền, gắn với chủ nghĩa duy tâm, có nhiều yếu tố vô hình. Lục phủ, ngũ tạng của Đông y không đồng nhất với các bộ phận cơ thể của Tây y. Tạng Tâm không phải là quả tim mà là phần vô hình gắn với các chức năng của tim. Vì thế Tạng Tâm vô hình này mới có các tính chất: thuộc hành hỏa, khai khiếu ra lưỡi, chủ thần minh và huyết mạch. Những người tâm thần, tự kỷ, tăng động, thường có vấn đề về tim. Hệ Kinh Lạc là những đường vô hình tỏa khắp toàn thân, liên kết các bộ phận trong cơ thể thành một khối thống nhất, chỉnh thể. Ví dụ Kinh Tâm có một nhánh đi xuống nối với Tiểu Trường, một nhánh đi qua họng lên mắt, một nhánh đi ra nách xuống ngón tay út.
Vậy tại sao những người cổ xưa lại tìm ra được những thứ vô hình này? Khoa học bây giờ thường gắn những kiến thức cổ truyền này với kinh nghiệm lâu đời. Nhưng thực ra không phải vậy, những bậc thầy Đông Y trước kia thực sự đã nhìn thấy được những thứ vô hình này bằng con mắt thứ ba. Con mắt thứ ba chỉ có thể được khai mở thông qua thiền định.
Theo minh sư Patriji[1]: "Thiền định là Hòa quyện vào Hơi thở. Khi ta hòa vào dòng hơi thở tự nhiên và nhẹ nhàng, tâm trí sẽ trở nên trống rỗng. Để làm được điều này, ta cần bắt đầu quan sát hơi thở. Hãy dõi theo hơi thở tự nhiên, nhẹ nhàng của chính mình. Khi hít vào ta nhẩm "tôi đang hít vào", khi thở ra ta nhẩm "tôi đang thở ra". Khi tâm trí gần như trống rỗng, một nguồn năng lượng Vũ trụ to lớn sẽ chảy tràn vào cơ thể của chúng ta. Một tâm trí dạy đặc như "rừng rậm" sẽ khiến cho năng lượng Vũ trụ không vào được cơ thể. Còn khi năng lượng Vũ trụ đã đi vào được cơ thể, kết quả là con mắt thứ ba sẽ được khai mở."
2. Y học bổ sung
Cuối thế kỷ 20 có một loạt những phương pháp y học mới ra đời, chúng có thể có nguồn gốc từ y học cổ truyền, nhưng chúng thực sự muốn thoát ra khỏi những lối mòn cũ, nên đã đi bên lề của các dòng y học chính thống và được gọi là Y học bổ sung. Các phương pháp Y học bổ sung do người Việt Nam khởi xướng và đang được truyền bá rộng rãi là: Diện Chẩn của thầy Bùi Quốc Châu, Thập Thủ Đạo của bà Huỳnh Thị Lịch và Khí Công Y Đạo của thầy Đỗ Đức Ngọc.
Tại sao Y học bổ sung lại càng ngày càng được quan tâm rộng rãi đến như vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tiếp tục câu truyện về cơ thể vô hình.
Bao bọc xung quanh cơ thể chúng ta có một trường năng lượng sinh học, hay vầng hào quang mà chỉ những người đã khai mở con mắt thứ ba mới nhìn thấy được.
 Theo bà Barbara Ann Brennan[2] , hào quang con người có thể chia thành 7 vầng tương ứng với 7 luân xa. Vầng thứ nhất: người nhạy cảm có màu xanh nhạt, ít nhạy cảm có màu xám. Vầng thứ hai: những cảm giác trong sạch có màu sáng và trong trẻo, những cảm xúc rối rắm có màu tối và xám xịt. Vầng thứ ba có màu vàng và càng sáng rõ khi ý niệm và hình thái tư tưởng càng tốt đẹp. Vầng thứ tư kết hợp với lòng yêu thương và có màu hồng. Vầng thứ năm có màu xanh thẫm. Vầng thứ sáu kết hợp với cảm xúc tâm linh, có màu vàng bạc và trắng sữa. Vầng thứ bảy kết hợp với trí tuệ bậc cao, có màu vàng óng, lung linh.
Bác sĩ Dietrich Klinghardt[3] tìm cách chia cơ thể - trường năng lượng sinh học của chúng ta thành 5 tầng tương ứng với các phương pháp trị liệu như sau:
Tầng thứ nhất: Cơ thể vật lý (physical body) là cơ thể mà chúng ta nhìn thấy được bằng mắt thường, nó tuân thủ theo các quy luật sinh-hóa-lý. Chúng ta có thể dùng các biện pháp như giải phẫu, thuốc Tây y, thuốc Đông y, thay đổi chế độ ăn uống, bổ xung vi-ta-min và khoáng chất, ... để tác động.
Tầng thứ hai: Cơ thể năng lượng (energy body) là tầng đầu tiên của hào quang, tương ứng với luân xa 1 và 2, hình thành nên từ các cảm giác thần kinh. Chúng ta có thể dùng các biện pháp như Diện chẩn, Thập Thủ Đạo, Khí Công Y Đạo, Châm cứu, Từ trường, Sung điện, ... để tác động.
Tầng thứ ba: Cơ thể tâm thần (mental body) là tầng tiếp theo của hào quang, tương ứng với luân xa 3, liên quan đến suy nghĩ, hành vi, thái độ và niềm tin. Chúng ta có thể dùng các liệu pháp tâm lý, thôi miên, áp vong, thần chú, ... để tác động.
Tầng thứ bốn: Cơ thể trực giác (intuitive body) là tầng hào quang tương ứng với luân xa 4 và 5, liên quan đến những giấc mơ, cái vô thức và trực giác của con người. Chúng ta có thể dùng các liệu pháp âm thanh, màu sắc, các nghi lễ tôn giáo, truyền năng lượng. Đây là mức cao nhất mà một người chữa bệnh có thể tác động được đến người bệnh.
Tầng thứ năm: Cơ thể tâm linh (spiritual body) là tầng hào quang tương ứng với luân xa 6 và 7, liên quan đến việc kết nối và đồng nhất của chúng ta với Đấng thiêng liêng (Thượng đế, Phật, Chúa, Ông trời, ...). Chúng ta tự chữa bệnh thông qua tầng thứ năm này bằng phương pháp thiền định.
Thông thường, bệnh tật xuất phát từ trường năng lượng sinh học trước, do sự tích tụ của các cảm giác tiêu cực (cơ thể năng lượng), do sự tích tụ của các suy nghĩ, hành vi không tốt (cơ thể tâm thần), do ảnh hưởng của năng lượng xấu (cơ thể trực giác) do sự huân tập các nghiệp lực từ nhiều kiếp (cơ thể tâm linh). Nếu chúng ta biết cách dùng các biện pháp y học bổ sung, tác động đến các tầng hào quang, để phòng và tự chữa bệnh từ sớm, thì bệnh sẽ không có cơ hội phát tác vào cơ thể vật lý.
Osho[4] đã dẫn lời Khổng Tử, một nhà sáng tạo kiệt suất các cơ chế của xã hội, đã đề suất một cách vận hành cho ngành y như sau: chúng ta nên trả lương hàng thàng để các lương y tìm cách duy trì sức khỏe cho chúng ta và mỗi khi chúng ta bị bệnh thì các lương y phải tự tìm cách chữa miễn phí cho chúng ta. Lúc này chắc chắn các lương y sẽ tìm cách giúp chúng ta "sống khỏe" thay vì tìm cách "chữa bệnh". Các lương y sẽ bắt chúng ta Thiền định hàng ngày, chăm chỉ tập Yoga, tập Khí công Y đạo, tích cực học Diện Chẩn để tự xoa mặt buổi sáng, học Thập Thủ Đạo để tự bóp tay lúc mỏi mệt. Các phương pháp này ngoài việc phòng bệnh còn có khả năng giúp cơ thể tự chữa bệnh rất hiệu quả.
Ngược lại, ngẫm nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy, chính việc có bệnh mới chữa, càng chữa thì bác sĩ càng có tiền, tạo nên một cơ chế vô hình trong xã hội làm chúng ta ngày càng yếu đi, uống nhiều thuốc lên và bệnh cũng ngày càng nhiều lên!
Hà Nội, 31/5/2015





[1] Minh sư Patriji, "Thiền định và Tâm trí diệu kỳ", Nguyễn Trần Quyết dịch, NXB Hồng Đức, 2014.
[2] Barbara Ann Brennan, "Bàn tay ánh sáng - Sách hướng dẫn chữa trị qua trường năng lượng con người", Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1996.
[3] http://www.holistic-mindbody-healing.com/human-biofields.html
[4] Osho, "Từ thuốc đến thiền" dịch từ nguyên bản "From medication to meditation" bởi Ngô Trung Việt, 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét