Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ TÂM LINH – CẬN TÔN GIÁO


VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VẤN ĐỀ TÂM LINH – CẬN TÔN GIÁO
TS Nguyễn Mạnh Cường
Trưởng ban Quản lý khoa học
Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người tuy mới ra đời và còn non trẻ song các cán bộ của Viện cũng đã có nhiều cố gắng tiếp cận vấn đề học thuật từ những hiểu biết riêng của mình, nhằm tạo ra một cách nhìn mang tính lý luận chung. Tuy nhiên khái niệm tiềm năng con người vẫn còn nhiều tranh luận, phải chăng nên hiểu là cái khả năng đặc biệt của con người vẫn nằm trong “tập mờ” của mỗi con người qua lớp bọc tâm linh – cận tôn giáo? Và nếu biết khởi dậy những khả năng này sẽ là những đóng góp to lớn vào cuộc sống thường nhật của xã hội?
         Để hiểu rõ hơn những gì mà chúng tôi đã làm, với tư cách của một người đọc sách, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số kết quả đã nghiên cứu thông qua các công trình đã công bố, từ khái niệm tới cách hiểu rất chung không mang ý kiến cá nhân của mình.
         Từ kết quả đã được nghiên cứu, hằng mong đây sẽ là một tài liệu để tham khảo giúp cho công tác nghiên cứu của Viện và của mỗi cá nhân.
Vấn đề tâm linh – cận tôn giáo đã và đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Dù với những mục tiêu và những nhãn quan khác nhau, song nhìn chung các nhà nghiên cứu đều muốn lý giải về vai trò của tâm linh, tôn giáo cả ở mặt tiêu cực và tích cực, cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân phục hồi trở lại của tôn giáo, sự phát triển của các hiện tượng tâm linh – cận tôn giáo trong đời sống xã hội. Mặc dù rất được quan tâm nhưng đến nay tâm linh, tôn giáo vẫn là một khái niệm còn được để ngỏ. Khối lượng tài liệu viết về vấn đề này đang tăng lên nhanh chóng trong vòng chục năm trở lại đây. Đã xuất hiện nhu cầu phân loại và tổng kết các nghiên cứu về tâm linh, tôn giáo. Tâm linh, tôn giáo là các khái niệm có nội hàm như thế nào, mối quan hệ giữa hai hiện tượng này ra sao? Hiện tượng tâm linh cận tôn giáo là gì? Đó là những đòi hỏi mang tính nhận thức luận cần phải giải quyết.
Khái quát các công trình nghiên cứu về tâm linh – cận tôn giáo có thể chia thành 2 nhóm như sau:
·       Khái niệm, thuật ngữ cần tìm hiểu và nghiên cứu
Thuật ngữ tâm linh” trong tiếng Việt có hai từ tiếng Anh tương đương là psychic (theo nghĩa các hiện tượng dị thường, huyền bí) và spiritualism (với hai nghĩa: 1/ Niềm tin tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết; và 2/ Tâm trí, tâm hồn, tinh thần).

- Ở khía cạnh thứ nhất, thuật ngữ “Psychic” được dùng với nghĩa “tâm linh”. Các học giả phương Tây nghiên cứu tâm linh với tư cách các hiện tượng dị thường huyền bí; những trạng thái tâm lý đặc biệt; hoặc những nguồn năng lượng đặc biệt của con người (dòng điện trường sinh học, trực giác), thậm chí cả những bí ẩn của Thiền học Phật giáo và Yoga Ấn Độ. Nhiều công trình nghiên cứu đáng chú ý về những vấn đề này được các nhà tâm lý học, thần học, vật lý học công bố như: Transpersonal Development: The Dimension Beyond Psychosynthesis (Sự phát triển của siêu cá nhân: kiểu mẫu bên ngoài tâm thức) của Roberto Assagiologi [1], Harper's Encyclopedia of Mystical & Paranormal Experience (Bách khoa toàn thư của Harper về những trải nghiệm huyền bí và không thể minh chứng bằng khoa học) của Rosemary Ellen Guiley [2]….

Nội hàm của thuật ngữ “Psychic” được làm rõ trong cuốn Bách khoa toàn thư của Harper về những trải nghiệm huyền bí và không thể minh chứng bằng khoa học [3] của Rosemary Ellen Guiley. Đây là cuốn sách dùng để tra cứu về những khái niệm, học thuyết, thể nghiệm huyền bí trong thế giới tín ngưỡng và tâm linh của nhân loại như: phù thuỷ, thuật giả kim, bói toán, yoga, thiền... Trong tác phẩm này, tác giả đã lý giải về Psychic thông qua hàng loạt các khái niệm như Psi, ESP, PK, nhà tâm linh.
Psi là những hiện tượng hay cảm giác siêu việt bất kỳ, bao gồm nhận thức ngoài cảm giác (ESP) và tâm lý động học (PK).
ESP (Extrasensory perception) là “giác quan thứ 6” trong đó thông tin cảm nhận được nhận biết thông qua các phương tiện ngoài năm giác quan thông thường: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, và vị giác. ESP mang đến cá nhân thông tin về hiện tại, quá khứ hoặc tương lai.
PK (Psychokinesis) là một hình thức Psi có ảnh hưởng rõ nét của tinh thần đối với thể xác thông qua các phương tiện vô hình, chẳng hạn như sự di chuyển đồ vật, uốn cong kim loại, thân xác bay bổng, phép màu chữa bệnh, tính vô hình, sự tỏa ánh sáng, bùa chú ma thuật, lời nguyền và nghi lễ kiểm soát thời tiết... Guiley đã đưa ra nhiều dẫn chứng về hiện tượng ESP, PK trên thế giới từ xưa đến nay. Một nhận định chung được đưa ra là những hiện tượng thần bí đó có thật dù bị người ta lợi dụng xuyên tạc lừa bịp; và khoa học vật lý cổ điển không giải thích được, có lẽ khoa học vật lý lượng tử có thể giúp soi sáng nhưng đến hiện thời thì chưa soi sáng được. Sự tồn tại của hiện tượng thần bí đó đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu vì những mục đích khác nhau nhưng vẫn chưa đi đến kết luận khoa học. Trong khi chờ đợi thì ESP vẫn còn là thần bí và dễ bị người nào đó lợi dụng lừa bịp người khác. Tác giả kết luận đó là vấn đề khoa học của thế kỷ XXI.
* Những nhìn nhận của các học giả Việt Nam về hiện tượng tâm linh – cận tôn giáo
Ở Việt Nam, “Psychic” cũng được dịch thành “tâm linh” với nội hàm tương tự như trên. Trong các cuốn sách Lý giải các hiện tượng dị thường: khoa học và tâm linh [4], Hiện tượng tâm linh [5], Lý giải các hiện tượng dị thường [6], Đỗ Kiên Cường đã bàn về khái niệm “tâm linh” theo nghĩa các hiện tượng dị thường liên quan tới kinh nghiệm của con người (psychic) chứ không phải là một quan niệm tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết (spiritualism). Những kinh nghiệm đó bao gồm: thần giao cách cảm (liên lạc giữa các bộ não hay “đọc ý nghĩ”), tiên tri (khả năng biết các sự kiện chưa xảy ra), hậu tri (nhận thông tin quá khứ, như “đọc ý nghĩ người chết”), thấu thị hay thấu thính (nhìn xuyên tường hay nghe thấy âm thanh từ ngàn dặm), ngoại cảm (nhận tin không bằng ngũ quan, gồm bốn hiện tượng trên), viễn di sinh học (như bẻ cong thìa bằng ý nghĩ), cận kề cái chết (cảm giác của người sống lại, như xuất hồn, ánh sáng cuối đường hầm, thiên thần hay ma quỉ...), xuất hồn hay thoát xác (cảm giác thoát khỏi cơ thể vật lý, như “hồn” bay lên quan sát “xác”), luân hồi (niềm tin về kiếp trước và kiếp sau), giao tiếp với người chết (như gọi vong, cầu hồn hay tìm mộ), psi (thuật ngữ trung tính cho các hiện tượng kể trên)... Đỗ Kiên Cường cũng đã trình bày và phân tích nhiều hiện tượng dị thường trên thế giới cũng như của Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay. Ví dụ như nhà tâm linh Uri Geller (người Israel, dùng ý nghĩ bẻ cong thìa); nhà tâm linh Anatoly Kaspiroski chữa bệnh bằng ý nghĩ; việc gọi vong, tìm mộ của các nhà ngoại cảm ở Việt Nam (Nguyễn Văn Liên, Cô đồng Phương...). Theo tác giả, tất cả các hiện tượng dị thường đều là những hiện tượng đã và đang xảy ra trong hiện thực khách quan và phải giải thích chúng bằng các quan điểm hiện đại của khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội nhân văn.
Trong bài viết Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh [7], Phạm Ngọc Quang đã trình bày, phân tích khái niệm “tâm linh” đồng thời đưa ra làm rõ tâm linh có mối quan hệ như thế nào với khái niệm “phản ảnh”. Theo tác giả, tâm linh là khái niệm dùng để chỉ “niềm tin vào khả năng tồn tại của vong (người sau khi chết) với khả năng nhận thức của vong, tin vào khả năng đặc biệt của con người có thể tiếp xúc với vong. Nhờ vậy, có thể giúp con người đang sống biết được những thông tin về một số vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra, từ đó, con người nhận thức và hoạt động có hiệu quả cao hơn”. Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng dùng chữ “tâm linh” để chỉ những hiện tượng như tìm mộ, tìm người đã khuất hoặc còn sống; biết được những gì đã diễn ra trước khi, trong khi, sau khi chết của một con người cụ thể. Các hiện tượng này được đề cập khi gắn với một số “nhà ngoại cảm” như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Liên… Liên quan tới sự hiểu biết của người có khả năng đặc biệt, có hai khả năng xảy ra: thứ nhất, nhờ có khả năng đặc biệt, tự bản thân người đó biết được một số sự kiện đã, đang và sẽ xảy ra – mặc dầu họ không trực tiếp trải nghiệm, không trực tiếp chịu sự tác động, không chứng kiến các sự kiện đó; thứ hai, nhờ sự mách bảo của người đã khuất (vong) đối với người có khả năng đặc biệt kia. Chỉ một số người có khả năng đặc biệt (mà phần nhiều, khả năng này chỉ xuất hiện sau biến cố đặc biệt của người đó) mới “nghe” được tiếng nói của vong, mới “nhìn” thấy vong, mới tiếp xúc được với vong,… Làm theo những chỉ dẫn của vong, con người có thể đạt những kết quả nhất định. Phạm Ngọc Quang cho rằng khái niệm “tâm linh” được dùng để chỉ những hiện tượng như vậy. Trong trường hợp “nhà ngoại cảm” có được hiểu biết nào đó về quá khứ, hiện tại và tương lai không phải do người đó trực tiếp phản ánh sự vật thông qua cảm tính và lí tính, mà họ có được tri thức ấy nhờ “sự mách bảo” của vong. Xét từ giác độ đó, tri thức mà nhà ngoại cảm có được là kết quả của sự giao lưu trí tuệ giữa người sống và người đã chết, là sự kế thừa tri thức của vong; không có mối liên hệ nội tại, trực tiếp nào với học thuyết phản ánh. Người có niềm tin tâm linh là những người tin vào sự tồn tại của vong và tính xác thực của những thông tin mà vong mách bảo (trực tiếp với mình hoặc qua những người có khả năng đặc biệt giao tiếp được với vong).
Trong cuốn sách Tích hợp đa văn hoá Đông - Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai [8], Nguyễn Hoàng Phương cũng đã đưa ra khái niệm: “Tâm linh là lễ nghi ma thuật của các tộc người nguyên thuỷ; là bói toán, tiên tri thời cổ đại; là tôn giáo, thần học thời trung cổ; là ngoại cảm, là sự hài hoà của vũ trụ, một phần là biểu hiện của trí tuệ đại vũ trụ thời hiện đại”. Từ đó, ông dự báo rằng: “Các hiện tượng tâm linh sẽ trở thành khoa học thống soái của các thế kỉ sau, cũng như khoa học vật lí là đế vương của thế kỉ này”. Trong quan niệm nêu trên, đặc biệt là quan niệm về tâm linh thời hiện đại, tác giả đã định nghĩa “tâm linh” bằng cách quy nó về một số khái niệm mà  bản thân các khái niệm đó cũng chưa rõ: “Ngoại cảm”, “sự hài hoà của vũ trụ”, “biểu hiện của trí tuệ đại vũ trụ”.
- Những tài liệu liên quan đến tâm linh hiện nay còn đề cập tới tâm linh với tư cách niềm tin tôn giáo, triết học về cái thiêng, sự tồn tại sau cái chết và với tư cách là tâm trí, tinh thần.
Phân tâm học và văn hóa tâm linh [9] cung cấp một hệ hình lý thuyết nghiên cứu về văn hóa trên tất cả các bình diện, trong đó, nghiên cứu về con người với vai trò là chủ thể của văn hóa. Cuốn sách là tập hợp các tiểu luận nghiên cứu về con người, về tiếp biến văn hóa dưới góc nhìn phân tâm học tạo ra hướng mở cho việc tiếp cận hệ thống lý thuyết phân tâm học, tạo đà cho những nghiên cứu chuyên sâu vào thực tiễn văn hóa dân tộc theo những bình diện khác nhau của lí thuyết. Cuốn sách đề cập tới những vấn đề xoay quanh đời sống văn hóa nhân văn, mà “con người là một thực thể đa chiều …Đó là bản chất sinh học, bản chất xã hội và bản chất tâm linh. Ba bản chất này tạo thành chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của con người”. Trong đó đáng chú ý là S. Freud với “Sự trở lại ấu thơ của tục totem”. Freud coi tục thờ cúng tôtem, một tín ngưỡng ra đời cùng với sự xuất hiện của xã hội người (xã hội thị tộc), là nguồn gốc của văn hóa và tâm linh. Ngoài ra còn một số bài viết của các tác giả khác như Carl Jung với Thăm dò tiềm thức, E. Fromm với Phân tâm học và tôn giáo
Tác phẩm Văn hoá tâm linh [10] của Nguyễn Đăng Duy cho rằng: tâm là niềm tin, linh là linh thiêng, thiêng liêng. Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm. Tác giả cũng trình bày một số đặc điểm của tâm linh (như tâm linh là một hình thái ý thức; tâm linh là phần thiêng liêng trong ý thức con người), đồng thời phân tích mối quan hệ của tâm linh với mọi mặt của đời sống (cá nhân; gia đình; cộng đồng làng xã; văn hóa nghệ thuật; tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín đị đoan). Nguyễn Đăng Duy cũng đã làm rõ vấn đề tâm linh trong tín ngưỡng tôn giáo ở người Việt miền Bắc thông qua tín ngưỡng thờ thần thánh trời đất; tín ngưỡng thờ mẫu; tang ma và thờ cúng tổ tiên; Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo.
Tương đồng với quan điểm trên, trong tác phẩm Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Hồng  [11], Vũ Tự Lập nêu lên quan niệm về thế giới tâm linh là thế giới của cái thiêng liêng, mà ở đó chỉ có cái gì cao cả, lương thiện và đẹp đẽ mới có thể vươn tới. Cả cộng đồng tôn thờ và cố kết nhau lại trên cơ sở của cái thiêng liêng đó. Phân tích quan điểm của nhà nghiên cứu này thì có thể thấy “cái thiêng” như là cơ sở cố kết cộng đồng có nhiều loại khác nhau, ít nhất có hai loại cơ bản: “cái thiêng” mang tính trần tục, “cái thiêng” mang tính siêu tự nhiên. Trong cuộc sống đời thường, “cái thiêng liêng cao cả” có thể là những con người, sự vật hiện thực (quê hương, đất nước, người có công với nước…); trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo, “cái thiêng liêng cao cả” là những yếu tố siêu tự nhiên (thần linh, Thượng Đế, Đức Chúa Trời…)
Nguyễn Duy Hinh đã dành một phần trong cuốn Tâm linh Việt Nam [12] để bàn về thuật ngữ “tâm linh”. Ông cho rằng tâm linh thuộc phạm trù ý thức (cũng có thể nói thuộc về tâm thức theo nghĩa rộng là cái gì mà tâm nhận biết), nhưng đó mới là trải nghiệm tức thể nghiệm tiền - lôgic chứ chưa có giá trị duy lý. Theo Nguyễn Duy Hinh, “Tâm linh là thể nghiệm của con người (Tâm) về cái Thiêng (linh) trong Tự Nhiên và Xã hội thông qua sống trải, thuộc dạng ý thức tiền lô-gic không phân biệt Thiện Ác”. Tác giả cũng làm rõ sự khác biệt giữa tâm linh với tín ngưỡng cũng như mối quan hệ giữa hai khái niệm này. Tâm linh là cảm nhận về cái Thiêng trong Tự Nhiên và Xã Hội (cộng đồng người) trong quá trình sống trải (thể nghiệm). Thờ cái Thiêng thì thành tín ngưỡng, đã thờ thì cúng tức cung cấp thực phẩm để cầu xin một ân huệ nào đó. Không thờ cũng có thể cúng như cúng cô hồn. Theo đó một số hiện tượng tâm linh thành tín ngưỡng hoặc có thờ cúng hoặc không thờ cúng. Đó là tâm linh tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, cúng hồn lúa... Còn tâm linh phát triển thành tâm linh tôn giáo thì người ta tin theo tâm linh của một Giáo Chủ nào đó truyền dạy có trình độ logic nhất định cao hơn tâm linh tín ngưỡng. Nhưng dù vậy mỗi cộng đồng người tiếp thu tâm linh Giáo Chủ nào đó đều ít nhiều thông qua tâm linh tín ngưõng của mình. Từ việc xây dựng hệ thống những quan niệm về tâm linh, Nguyễn Duy Hinh đã làm rõ vấn đề tâm linh người Việt Nam thông qua bốn yếu tố cơ bản là Trời, Đất, Nước, Người. Từ đó tác giả cũng đặt ra vấn đề cần nhận thức vai trò của tâm linh trong lịch sử cũng như thời đại hiện nay.
Nghiên cứu điều tra về thực trạng đời sống tâm linh của người dân thành thị và nông thôn ngoại thành Hà Nội[13] là công trình nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Mai thực hiện vào năm 2006 - 2007. Đề tài này đã làm rõ khái niệm “tâm linh” cùng với những khái niệm liên quan như “nhà tâm linh”, “đời sống tâm linh”, “văn hóa tâm linh”. Theo đó tâm linh được hiểu là “sự cảm nhận của con người về những hiện tượng linh thiêng, kỳ lạ của trời đất, vạn vật trong vũ trụ và đương nhiên là cả con người”. Tác giả cũng đã đưa ra các quan niệm về tâm linh cũng như lý giải sự xuất hiện của tâm linh. Vai trò của tâm linh với đời sống tinh thần của con người và sự phát triển xã hội cũng được tìm hiểu khá chi tiết. Tác giả cho rằng tâm linh người Việt bao hàm hoặc đồng nhất với tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Từ những lý luận cơ bản này, Nguyễn Ngọc Mai đã trình bày thực trạng đời sống tâm linh của người dân ngoại thành Hà Nội, so sánh sự giống và khác nhau trong hoạt động tâm linh của người dân ở thành thị và nông thôn, của giới nam và giới nữ tại địa bàn  được nghiên cứu[14].
Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu đề cập đến “tâm linh” liên quan với đời sống tinh thần, văn hóa, phong tục tập quán. Trước hết có thể kể đến các tài liệu của các học giả thời phong kiến như Lĩnh nam chích quái của Trần Thế Pháp, Việt điên u linh, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn… Trong những cuốn sách này, các tác giả kể về các sự tích huyền bí, các tập tục chứ chưa có kiến giải về lý luận liên quan đến tâm linh. Sau này, các học giả thời hiện đại quan tâm đến  quan niệm, niềm tin, phương thức hành lễ, tập tục kiêng kỵ của người Việt qua các tục thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ các vị thần tự nhiên… Có thể kể đến các cuốn sách như: Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Huyên với Văn minh Việt Nam, Nếp cũ của Toan Ánh… Hầu hết các công trình này chỉ nhắc tới các khái niệm “tâm linh”, “đời sống tâm linh”, “thế giới tâm linh” mà chưa bàn luận, phân tích tâm linh là gì.



[1] Roberto Assagiologi: Transpersonal Development:The Dimension Beyond Psychosynthesis, Casa Editrice Astrolabio, Rome, 1988.

[2] Rosemary Ellen Guiley: Harper's Encyclopedia of Mystical & Paranormal Experience, Harper San Francisco, 1991.
[3] Tại Việt Nam cuốn sách này được xuất bản với tên: Rosemary Ellen Guiley (Nguyễn Việt Cường  và các cộng sự dịch): Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, Nxb. Tôn giáo, 2005.
[4] Đỗ Kiên Cường: Lý giải các hiện tượng dị thường: khoa học và tâm linh, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
[5] Đỗ Kiên Cường: Hiện tượng tâm linh, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2001.
[6] Đỗ Kiên Cường: Lý giải các hiện tượng dị thường, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
[7] Phạm Ngọc Quang: Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh, tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2008, tr. 6 - 10.
[8] Nguyễn Hoàng Phương: Tích hợp đa văn hoá Đông – Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1995.
[9] S. Freud, C.Jung, E. Fromn & R. Assagioli (Đỗ Lai Thúy biên soạn):  Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Nxb. Văn hóa thông tin, 2000.
[10] Nguyễn Đăng Duy: Văn hoá tâm linh,  Nxb. Hà Nội, 1996.
[11] Vũ Tự Lập (chủ biên): Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Hồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
[12] Nguyễn Duy Hinh: Tâm linh Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2007.
[13] Nguyễn Ngọc Mai: Nghiên cứu điều tra về thực trạng đời sống tâm linh của người dân thành thị và nông thôn ngoại thành Hà Nội, Đề tài cấp cơ sở, Viện Nghiên cứu con người, 2006 - 2007
[14] Xem thêm Mai Thuỳ Anh: Hệ thống hoá quan niệm về hiện tượng tâm linh cận tôn giáo – Đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Hà Nội 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét