Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

BÀI TRÍ TƯỢNG PHẬT TRONG CÁC CHÙA

BÀI TRÍ TƯỢNG PHẬT TRONG CÁC CHÙA
VÙNG ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

                     TS Nguyễn Mạnh Cường
    Trung tâm Trắc nghiệm Tư vấn Bồi dưỡng
I. Chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ
            Với người Việt nói chung, người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng rất thích lên chùa thăm tượng. Người Việt thường lên chùa gặp Phật và chư vị Bồ tát là để cầu, để xin. Họ xin đủ thứ nhằm mưu cầu một cuộc sống bình an hạnh phúc. Họ lên chùa với câu cửa miệng Nam mô A di đà Phật, và họ coi câu thần chú này thay cho lời chào với những người cùng lên chùa mà không biết rằng những người này có đồng môn với mình hay không? Cũng có nhiều người đến chùa đơn thuần là để thăm tượng Phật được bày trong chùa mà liên tưởng tới những giáo lý của Phật giáo rất xa xăm. Ngày nay, có nhiều người có học, có đọc tìm hiểu về Phật giáo, có nhiều người còn thuộc tên tuổi của các vị được thờ và sớm phát hiện ra rằng Phật giáo ở Việt Nam thông qua chùa, thông qua hình tượng Phật trong chùa thật là đa dạng và đặc sắc. Ở Việt Nam hiện nay có đủ các loại chùa, các loại tượng Phật khác nhau. Chùa theo dòng Đại Thừa (hay Bắc tông) ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam; trong khi ấy những ngôi chùa theo dòng Tiểu Thừa (hay Nam tông) đang rất thịnh hành ở Nam Bộ. Còn ở miền Trung sau cả ngàn năm chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, nay ngôi chùa mang nhiều dáng dấp của Phật giáo Trung Hoa. Đúng là chùa mỗi miền mỗi vẻ, nhưng có lẽ không có ngôi chùa nào cổ kính, trang nghiêm như các chùa thờ Phật vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi một loại hình chùa thường đi với loại bài trí tượng khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về bài trí tượng Phật trong các chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
Vùng Châu thổ sông Hồng hay còn gọi là vùng đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của nhiều lớp văn hóa cổ của người Việt. Chính vì vậy mà người Việt cũng sớm tiếp xúc với Phật giáo. Câu truyện về Bà Man Nương Phật mẫu, cùng hệ thống các chùa Tứ Pháp là: Chùa Tổ (Mãn Xá) cùng chùa Dâu, chàu Đậu, chùa Dàn, chùa Tướng đã tạo nên hệ thống Phật Mẫu (vừa là Phật, vừa là mẫu) rất Việt Nam.
Ngôi chùa là tên gọi bình dân chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ, còn khi khai lý lịch cho các chùa chúng ta thường thấy loại văn tự Hán như: Hưng Ký tự, Phúc Nghiêm tự, Kim Liên tự… Tương tự như vậy, khi nói về Đức Phật, người miền Bắc gọi là Phật, còn người miền Nam thường gọi Bụt (Buddha). Nên thực chất dù là Phật, dù là Bụt thì cũng vẫn để chỉ Đức Phật mà thôi.
            Chùa của người miền Bắc thường có nhiều yếu tố kiến trúc những chỉ cần Tam bảo nơi để tượng Phật đủ gọi là chùa. Tam bảo gồm 3 gian nhà là Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện (hay Phật điện).
II. Các lớp tượng cơ bản trên Phật điện
Phật điện chùa thường có 4 lớp tượng Phật và nhiều ban thờ Phật và Bồ Tát khác. Bốn lớp tượng Phật đó là
1.      Tượng Tam Thế
Lớp trên cùng, ở chỗ giáp vách gần nóc nhà, có ba pho tượng nhỏ để ngang một dãy, khuôn khổ bằng nhau, hình dáng giống nhau, gọi là tượng Tam thế. Tam thế là nói tổng hợp hết thảy Chư Phật ở đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai, tức là chỗ chung cả các cõi Phật trong mọi thời gian.
2.      Lớp tượng Di Đà tam tôn
Lớp tượng thứ hai có ba pho tượng lớn: Pho tượng ngồi giữa là tượng đức Di Đà, pho tượng đứng bên trái là tượng Đức quan Thế Âm, pho tượng đứng bên phải là tượng Đức Đại Thế Chí. Ba pho tượng này thờ đức Phật và hai đức bồ tát ở Tây phương cực lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh. Tuy cõi cực lạc là cõi Phật, nhưng có duyên với cõi sa bà là cõi trần của chúng ta, cho nên để gần hơn lớp tượng Phật tam thế.
3.      Tượng đức Thích Ca giáo chủ
       Lớp thứ ba có ba pho tượng lớn: Pho tượng lớn ngồi giữa là đức Thích Ca mầu ni, pho tượng ở bên tả hoặc đứng trên toà sen, hoặc ngồi trên con sư tử xanh, là tượng đức Văn Thù bồ tát, pho tượng bên hữu hoặc đứng trên toà sen, hoặc ngồi trên con voi trắng là tượng đức Phổ Hiển bồ tát.
      Ở lớp thứ ba này có nhiều chùa làm tượng Thích ca mầu ni ngồi cầm hoa sen, gọi là tượng niêm hoa  để ở giữa, bên tả là tượng Ca Diếp tôn giả vẻ mặt già, bên hữu là tượng Át Nan đà tôn giả vẻ mặt trẻ, là hai vị đại đệ tử của Phật Thích ca lúc còn ở thế gian. Tượng hai vị tôn giả ấy đều tạc đứng, hình dáng hai người tỳ kheo.
      Lớp này thờ đức Phật làm giáo chủ ở sa bà thế giới và các vị bồ tát giúp Phật mà giáo hoá chúng sinh, cho nên để gần ở ngoài.
4.      Tượng Cửu Long:
     Lớp thứ tư có pho tượng Cửu Long để giữa. Tượng này làm theo điển nói khi đức Thích ca mầu ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn rồi ngài bước đi bảy bước... tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà kêu lên rằng: Thiên thượng, địa hạ, duy Ngã độc tôn. Có nghĩa là: Trên trời, dưới đất chỉ có ta là tôn quý hơn cả.
     Bởi vậy tượng Cửu Long làm chín con rồng vây bọc xung quanh và ở trên những đám mây có chư Phật, chư Thiên, nhã nhạc, cờ phướn và bát bộ kim cương, ở giữa có pho tượng nhỏ, đứng một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất. Đó là tượng Đức Thích ca mầu ni lúc sơ sinh.
     Bên trái tượng Cửu Long có tượng Đế Thích ngồi ngai mặc áo đội mũ hoàng đế, bên hữu có tượng Đại Phạn Thiên cùng một kiểu như tượng Đế Thích. Đó là theo hai điển nói hai vị Đại Thiên Vương này làm chủ tể ở cõi sa bà thế giới và lúc nào cũng hộ trì đức Thích Ca khi ngài chưa thành Phật. Sa bà thế giới tức là cõi đời ta đang sống, cho nên mới để tượng Cửu Long và tượng Phạm Thiên Đế Thích ở lớp ngoài cùng.
     Những chùa thường, ở trong điện thờ Phật chỉ bày có thế thôi. Còn những chùa rộng lớn thì bày thêm hai lớp tượng nữa, được trình bày trong mục tiếp theo.
 III. Các bộ tượng đi kèm trong chùa
Tứ Thiên Vương: Ở ngoài tượng Cửu Long còn bày bốn pho tượng tứ Thiên Vương mặc áo vương phục, bày làm hai dãy đối nhau, tức là bốn vị hộ thế.
Tượng Tứ Bồ tát: Có chùa bỏ tượng tứ Thiên Vương mà bày bốn vị Bồ Tát, tạc hình thiên thần: gọi là Ái bồ tát, tay cầm cái tên ; Sách Bồ tát, tay cầm cái dây; Ngữ Bồ tát, tay cầm cái lưỡi; Quyền bồ tát, tay nắm lại và để vào ngực.
Tượng bát bộ kim cương: Có nhiều chùa tạc tượng tám vị kim cương, là thần tướng trên trời, thường gọi là bát bộ kim cương: Thạch trừ tai kim cương, Tích độc thần kim cương, Hoàng tùy cầu kim cương, Bạch tinh thủy kim cương, Xích thanh hỏa kim cương, Định trừ tai kim cương, Tử hiền kim cương, Đại thần lực kim cương.
     Bốn vị bồ tát và tám vị kim cương này, theo những điển ở trong kinh, thì có nhiều thuyết khác nhau, song đại ý nói những bậc thần đã phát bồ đề tâm, đem thân lực mà hộ Phật pháp.
     Theo cho đúng quy ước, thì ở trong điện thờ Phật phải bày như thế mới có ý nghĩa. Vì rằng Chư Phật là bậc đại giác viên mãn đã xuất thế gian rồi, thì ở xa trên cùng. Đức phật A di đà chủ việc cứu thế ở cõi cực lạc và Đức Phật Thích ca mầu ni chủ việc giáo hóa ở cõi Sa bà, thì để chính giữa điện. Các vị bồ tát là các vị có lòng từ bi bác ái đem trí tuệ và chân lý mà giúp Phật trong việc cứu độ chúng sinh, thì để hai bên cạnh Phật. Còn những bậc ở trong thế gian mà có thần uy thế lực như các vị Thiên vương và có sức mạnh rất lớn như các vị Kim Cương, thì để ở ngoài cùng để hộ trì Phật pháp.
IV. Các loại hình Tượng cơ bản trong chùa
     Chúng ta nên biết rằng trong chư Phật, chư Bồ tát thờ các chùa Việt Nam, chỉ có tượng Đức Thích Ca và Đức Quan Thế Âm là có nhiều hơn cả.
Tượng đức Thích ca có 4 kiểu như sau:
-          Tượng Cửu Long tạc theo điển tích lúc Phật sơ sinh.
-          Tượng Tuyết Sơn tạc theo kiểu đức Phật Thích Ca tu hành khổ hạnh. Hiện nay ở ngoài Bắc, chùa Tây Phương thuộc huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, có tượng Tuyết Sơn tạc rất khéo, và chùa Bút Tháp thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có pho tượng Tuyết Sơn cũng rất đẹp.
-          Tượng thuyết pháp hay tượng niêm hoa tạc theo điển lúc Đức Thích Ca thành Phật.
-          Tượng Niết bàn tạc theo điển lúc đức Phật Thích Ca nằm nghiêng về phía bên trái. Kiểu này ở nước ta không nhiều, chỉ có bên Lào và Thai Lan, thuộc phái Nam tông mới có nhiều.
Tượng Quan Thế Âm có 6 kiểu như sau:
-          Quan Âm Chuẩn đề, theo đúng trong sách thì phải làm 3 mắt 18 tay cầm pháp bảo, nhưng thường chỉ làm có nhiều tay thôi.
-          Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, tạc theo điển bà Diệu Thiện, nhưng thường chỉ làm 100 tay hay vài trăm tay là cùng. Chỉ có tượng Quan Âm chùa Bút Tháp, thuộc tỉnh Bắc Ninh, là được làm đúng chuẩn ngàn mắt ngàn tay. Song cũng xin lưu ý đây là tượng Quan Âm quá hải chứ không phải là Quan âm ngàn mắt ngàn tay.
-          Quan Âm đội mũ ni, hoặc đứng hoặc ngồi trên tòa sen, tay cầm lọ nước cam lộ và cành dương liễu.
-          Quan Âm tọa sơn tạc theo kiểu ngồi trên núi đá.
-          Quan Âm tổng tử hay Quan Âm Thị Kính, tạc theo điển nàng thị Kính, người nước Cao Ly, lấy chồng là Thiện sĩ, bị chồng ngờ là thất tiết, nàng bèn cải nam đi tu, pháp danh là Kinh Tâm, lại bị Thị Mầu đổ oan tình cho, nàng phải nuôi một đứa trẻ thơ, sau được chứng chính quả thành Phật. Tượng tạc theo lối ngài ngồi bế theo đứa bé ở bên cạnh có con vẹt đậu trên núi đá. Con vẹt ấy là hậu thân của Thiện Sĩ.
-          Tượng Quan Âm quá hải ở Chùa Bút Tháp là dạng tượng ngàn mắt ngàn tay ngồi bên trên. Bên dưới có con quỷ đội toà sen đưa Đức Quán Âm qua biển Nam Hải; vì vậy mới gọi là Quán Âm quá hải.
     Những tượng Quan âm ở nước ta thường là nữ tướng cả chỉ có tượng Chuẩn đề và tương Thiên thủ thiên nhãn là không phân biệt nam hay nữ.
Tượng Hộ Pháp
     Ở nhà Bái đường là nhà ngang với điện thờ Phật, các chùa thường có hai pho tượng rất lớn, mặc áo giáp đội mũ trụ, cầm binh khí, hình dáng như hai võ sĩ rất dữ tợn, hoặc đứng hoặc cưỡi trên hai con sấu. Đó là hai tượng Hộ Pháp, bên tả là vị khuyến thiện, bên hữu là vị trừng ác. Người ta thường gọi tắt là Ông Thiện và Ông Ác. Những điển nói về hai ông Hộ Pháp này có nhiều chỗ khác nhau. Nhưng chung quy cũng là hai vị thiên thần có sức mạnh chuyên coi việc hộ trì Phật Pháp.
     Những chùa thật cổ chỉ làm có một vị Hộ Pháp gọi là Vị đà thiên tướng quân, tức là một vị thiên tướng vâng sắc chỉ của Phật hộ trì phật pháp trong 3 châu là Đông châu, Tây châu và Nam châu, cho nên người ta thường gọi là Tam châu hộ pháp.
Động thập điện: Tại gian Bái đường những chùa lớn thường làm ở vách hai bên tả hữu mười cái động ở âm ty, gọi là động thập điện. Đáng lẽ nên để tượng 18 vị La Hán ở hai bên nhà bái đường, mà để trong thập điện ở hai bên dãy hành lang thì mới đúng, vì các vị La Hán là đệ tử của Phật, vâng sắc lệnh của Phật ở lại thế gian mà gửi Phật pháp. Nhưng có lẽ vì không đủ chỗ, cho nên mới để các vị La Hán ở ngoài hành lang và để ở động thập điện vào nhà bái đường. Những động này thường làm theo điển đã nói ở trong kinh Địa tạng bản nguyện, phô bày những hình phạt ở âm ty để trừng giới những kẻ gian ác. Trong các động ấy có tượng các vua diêm vương, các phán quan cùng các ngục tốt là quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa rất là hung tợn và bày ra các ngục hình, như bàn chông, vạc dầu…rất ghê rợn.
     Sách nhà Phật nói rằng: ở dưới âm ty có 10 ông vua coi 10 điện, gọi là thập điện diêm vương. Mười ông vua ấy là:
Tân Quảng Vương, coi điện thứ nhất.
Sở Giang Vương, coi điện thứ hai.
Tống Đế Vương, coi điện thứ ba.
Ngũ Quan Vương, coi điện thứ tư.
Diên Là Vương, coi điện thứ năm.
Kiến Thành Vương, coi điện thứ sáu.
Thái Sơn Vương, coi điện thứ bảy.
Bình Đẳng Vương, coi điện thứ tám.
Đô Thị Vương, coi điện thứ chin.
Chuyển Luân Vương, coi điện thứ mười.
     Theo các điển trong sách, hễ người nào chết, thì linh hồn phải qua 10 điện ấy để Diêm Vương xét hỏi các công đức và các tội lỗi mà định sự thưởng sự phạt theo cái nghiệp báo của người ấy.
     Chùa nào có động thập điện thì hay để riêng ra một chỗ ở đằng sau điện thờ Phật. Cũng có nhiều chùa không làm thành động chỉ làm tượng 10 vị Diêm Vương và đặt ban thờ hoặc ở hai bên điện thờ phật, hoặc ở hai bên nách bái đường, mỗi ban để thờ năm vị.
Tượng La Hán
     La Hán là do chữ Phạn A La Hán là những bậc đã tu đến chỗ không sinh, không tử, không có gì phải học nữa, cho nên có nghĩa là vô học, hay là vô sinh và lại có nghĩa là sát tặc, tức là nói giết được cái giặc phiền não.
     Ở chùa bên Tây Tạng, bên Tầu và Việt Nam thường làm 18 vị La Hán nhưng trong các sách chỉ nói có mười sáu vị mà thôi. Sách Pháp Trụ kí chép rằng: Mười sáu vị La Hán vâng sắc mệnh của Phật ở lại thế gian mà thủ hộ chính pháp, đến nay vẫn chưa nhập diệt.
     Mười sáu vị la hán ấy là:
1.      Tân độ la Bạt na roa xa Tôn giả (Pindola Bharadvaja)
2.      Ca nặc ca Phạt xa Tôn giả (Kanakavatsa)
3.      Ca nặc ca Bạt lị noa xa Tôn giả (Kanaka Bhadradvaja)
4.      Tô tần đà Tôn giả (Snivinda)
5.      Nặc cự la Tôn giả (Nakula)
6.      Bạt đà Tôn giả (Bhadra)
7.      Kalica Tôn giả (Karika)
8.      Phạt xa la phất đa la Tôn giả (Vajravutra)
9.      Thú bác ca Tôn giả (Svaka)
10.  Bán thác ca Tôn giả (Panthaka)
11.  Ra hộ la Tôn giả (Râhula)
12.  Na ka tê na Tôn giả (Nagasena)
13.  Nhân kết đà Tôn giả (Ingata)
14.  Phạt na bà tư Tôn giả (Vanavâsin)
15.  A thị đa Tôn giả (Ajita)
16.  Chú đồ bán thác ca Tôn giả (Cudapanthaka)
     Tương truyền rằng tượng 16 vị La Hán này là do người Quán Hưu đời nhà Lương nằm chiêm bao thấy mà vẽ ra.
     Sách La Hán đồ tán tập vẽ 18 vị, là thêm một vị tên là Khãnh Hữu Tôn giả và một vị tên là Tân Đồ Lư. Người ta cho Tân Đồ Lư chính là Tân độ la Bạt ra nọa xa, nhưng chỉ lấy hai chữ tên tự ở trên dịch hơi sai âm của tiếng Phạn và bỏ mấy chữ tên họ ở dưới đi, mà đặt ra một vị khác. Còn Khánh Hữu là dịch theo tiếng Nam đề mật đa la là tên người làm bộ sách Pháp trụ ký vào khoảng 800 năm sau khi Phật Thích ca nhập Niết Bàn.
     Lại có thuyết nói: Họ Trương ở Kim Thủy, đất Thục, vẽ tranh 18 vị La Hán và Tô Đông Pha làm bài tụng tán. Theo thuyết này thì hai vị thêm vào sau là Ca Diệp tôn giả và Quan đồ bất thần Tôn giả.
     Bên Tây Tạng, thì tương truyền rằng hai vị sau là Ma gia phu nhân và Di Lặc.
     Vậy theo đúng trong sách, thì chỉ có 16 vị mà thôi, còn hai vị nữa là người đời sau người ta nhận lầm mà thêm ra và không biết đích xác là danh hiệu người nào.
     Dù sao đi chăng nữa thì có nhiều pho tượng La Hán được làm rất nghệ thuật chứng tỏ tay nghề điêu khắc hội họa của những người thợ thủ công Việt Nam cũng đạt tới một trình độ cao, hiện nay còn nhiều chùa có nhiều tượng La Hán rất đẹp và đôi khi thấy có cả những bức tranh vẽ các vị La Hán.
Tượng tổ tây: Trên bàn thờ các vị tổ trên tăng đường, thường có một pho tượng tạc chân dung người Tây trúc (Ấn Độ), mũi cao, tóc quăn, râu quai nón, tục gọi là đức tổ Tây hay tổ Đạt Ma.
     Chính pháp danh của ngài là Bồ đề đạt ma (Bodhidharma), người dõng dõi quý tộc ở phía nam Ấn Độ, xuất giá tu hành đạo Phật và chuyên về môn thiền (Dhyana). Năm Phổ thông nguyên niên (520) đời vua Võ Đế nhà Lương, ngài đi đường biển sang Quảng Châu. Vua Lương Võ Đế mời ngài vào kinh đô ở Kiến Nghiệp tức thành Nam Kinh bây giờ. Ngài vào yết kiến vua Võ Đế, nhưng thấy vua không hiểu đến chỗ mầu nhiệm của đạo Phật. Ngài bèn qua sông Dương Tử, sang nước Bắc Ngụy, trụ trì chùa Thiền Lâm, tu pháp tham thiền, suốt ngày ngồi nhìn vào vách. Tương truyền rằng Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 của phái Thiền tông bên Ấn Độ, sang Tầu làm sơ tổ ở cõi Đông Thổ, truyền đạo pháp và áo cà sa cho đệ tử là Tuệ Khả làm đệ nhị tổ. Ngàitích vào ngày rằm tháng mười năm Đại Thông thứ hai (530) đời vua Võ đế nhà Lương. 

     Nhìn chung, chúng tôi chỉ mới lựa chọn một số bộ tượng cơ bản của đạo Phật còn lưu trong các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ để giới thiệu cùng bạn đọc. Rất có thể còn nhiều vấn đề khác mà chúng tôi chưa kịp giới thiệu với mọi người mong nhận được sự thế tất..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét