Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

BÀN VỀ LONG MẠCH THĂNG LONG

Bài đã đăng trong Kỷ yếu Hội thảo của Viện NC & ƯD TNCN ngày 29.01.2015

BÀN VỀ LONG MẠCH THĂNG LONG
VÀ ĐỊA LINH BA ĐÌNH  KỲ BÍ
                 
                               Nhà Nghiên cứu Bùi thành Phần
                            Trung tâm Trắc nghiệm- Tư vấn- Bồi dưỡng

Long mạch là khái niệm nói về hình thế sông - núi có mang Địa khí mạnh. Địa khí này có thể tác động đến môi trường xung quanh .
 Long mạch được tạo nên bởi sự vận hành của Thiên - Địa, Âm Dương - Ngũ hành, Bát quái, ...  Con người chỉ có thể vận dụng chứ không thể can thiệp thay đổi nó được. Đây là "cỗ máy kiến lập thần kỳ" của Vũ trụ (Không gian -Thời gian) trong quá khứ - hiện tại - tương lai .
 Long mạch có thể đi cao như những dãy núi, dãy đồi và cũng có thể đi trên những thửa ruộng, cánh đồng hoặc như những con sông, dòng suối, ...
Nó có thể xác định được qua hình dạng của những dải núi, dãy đồi, doi đất, dòng sông, con suối, ... với dáng vẻ giống như con Rồng đang trườn bò, bay lượn hoặc nằm dấu mình, hoặc uốn khúc nhấp nhô lúc ẩn, lúc hiện, ...Long mạch có hai dạng: "Sơn mạch" và "Thuỷ mạch".  Long mạch lại được chia ra thành: Can Long, Chi Long, Cước Long, Bàng  Long.
Nhiều sách cổ giải thích về sự huyền bí của đất (Địa giải huyền thư) chỉ ra rằng, nếu:
 - Cuộc đất nào nằm trên Đại Can Long thì có thể hình thành lên Kinh sư (nơi đóng Đô) của một Đất nước. 
- Cuộc đất nằm trên Chi Long thì có thể lập nên Thành phố, Đô thị cấp tỉnh .
- Cuộc đất nằm vào Cước Long thì có thể là Thị trấn , Xứ cấp Phủ, Huyện.
- Cuộc đất ở bên Bàng Long thì có thể là nơi đóng trụ sở cấp Tổng, Xã.                                                                                                     
Đối với một Quốc gia, nếu đã có Long mạch rồi, nhưng vẫn cần đòi hỏi phải có ít nhất một Đại Can Long với hình thế khúc chiết, vững vàng thì mới được coi là đất "Đế Vương".  Đây là điều kiện, là yếu tố cơ bản, đầu tiên để có thể lập nên Kinh sư của một Nhà nước. Ví dụ:
 Nước Trung Hoa rộng lớn cũng có nhiều Đại Can Long như các sông: Dương Tử, Hoàng Hà, Trường giang, Hoàng Phố, Áp Lục giang, Hắc Long giang, ...
Đất nước Việt Nam cũng có một số Đại Can Long, như: Sông Hồng, sông Hương, sông Hoàng long, sông Cửu long,...Đây là những Đại Can Long và nó đã tồn tại hàng ngàn năm nay.
 Khi muốn tìm ra Long mạch thì còn phải xem xét kỹ về hình thái, đường lối vận hành của  "Tượng Khí" có liên quan đến Địa hình, Địa mạo, Phương hướng, Địa thế và vị trí của các chòm Sao đóng trên bầu Trời , ...
Nếu lấy sự "động - tĩnh của Đất -Trời" làm động lực thúc đẩy cho sự phát triển, thì Long mạch được tạo lập bởi quá trình vận hành của Khí - trong đó Thiên Khí thuộc Dương, Địa Khí thuộc Âm - hội hợp hài hoà, rèn rũa, hun đúc mà nên.
Khí cũng có chỗ khai (mở), chỗ bế (tắc). Có nơi phát tán, có nơi ngưng tụ và có Khí cát (tốt), Khí hung (xấu), ... biến ảo tuỳ thời.  Ví như, cũng ở trên mảnh đất này, theo thế đất đó, hướng là như vậy,...Nhưng có thể thời kỳ đầu phát đạt, rồi sau lụi tàn (nghĩa là tiền cát, hậu hung). Ngược lại, có nơi, mới đầu gặp nhiều hung hoạ, nhưng sau đó dần dần thịnh vượng lên (nghĩa là tiền hung - hậu cát). Cho nên các nhà Phong Thuỷ phải biết rõ điều này. Tuy vậy thời   gian nào cát, đến lúc nào hung,…thì còn nhiều bí ẩn, rất khó mà biết cginhs xác được                                                                                                                                                                                
         Sau đây xin phân tích đôi chút về Long mạch Thăng Long với “Địa linh Hoàng Thành” tại mảnh đất Ba Đình (Hà Nội) như sau:
Cuối năm 1009, tại Hoa Lư (Ninh Bình) , Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế - tức Vua Lý Thái Tổ - vị Vua sáng nghiệp Vương triều Lý .   Thuở ấy Hoa Lư là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới Triều Đinh (968 - 979) và Tiền Lê (980 - 1009).  Đây là một vùng núi sông hiểm trở thích hợp cho việc phòng thủ và tiến công quân sự của một nhà nước độc lập non trẻ. Với lợi thế lợi hại của Hoa Lư, Nhà Đinh đã đánh bại và dẹp yên được 11 xứ quân cát cứ khác để lập nên nghiệp Đế, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia Cũng tại Hoa Lư, Triều Tiền Lê đã đập tan nạn xâm lược của nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập, mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách chiến bách thắng quân phong kiến xâm lược phương Bắc. Trong vòng 41 năm (968 - 1009) Kinh đô Hoa Lư đã xng đáng với vị trí lịch sử mà Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đã chọn. Bước sang thời kỳ mới, trên một quy mô lớn và trước yêu cầu của lịch sử thì vị trí , địa thế của Hoa Lư không còn đáp ứng được vai trò là Kinh đô của một nước và Ngài cũng thấy thành Đại La, Đô cũ của Đại Vương Cao Biền (nằm trên Đại Can Long là ngôi Địa linh có thể dựng Kinh đô đến hàng vạn năm sau. Vì thế đầu năm 1010 chính Lý Công Uẩn đã tự tay viết Chiếu dời Đô về nơi có Long mạch lý tưởng ấy. Ngài vạch rõ: Thành Đại La "Ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, vị trí ở bốn phương Đông, Tây, Nam  Bắc; tiện hình thế núi sông sau trước ... xem khắp nước Việt ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội hợp của bốn phương, là nơi Đô thành bậc nhất của Đế Vương" . Từ đây Thành Đại La được đổi là thành Thăng Long và giữa vai trò Kinh đô - trung tâm Chính trị -  Hành chính Quốc gia ngàn năm văn hiến. Sau khi dời Đô về Thăng Long , Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều công trình quan trọng - đặc biệt như khu cung điện của nhà Vua và Triều đình gọi là Cấm thành .  Phía ngoài có vòng thành thứ hai gọi là Hoàng thành , hay còn gọi là thành Long Phượng , hoặc Thăng Long thành – goi tắt là Long thành.  Đây là khu vực “Thành – Chính trị”, còn có tên gọi là “Thành thị Quân vương”  giữ vai trò là cơ quan đầu não của Nhà nước Trung ương tập quyền .
Sau nhà Lý, tiếp đến nhà Trần, nhà Lê (Lê sơ) – và kể cả nhà Nguyễn sau này, ... mỗi lần đổi thay Triều đại, thành đều được sửa sang, tu bổ ... nhưng vị trí thì không có gì khác.
           Như vậy khu Hoàng thành - Kinh đô của đất nước suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX đều được đặt trên khu vực đất thuộc quận Ba Đình ngày nay . Tại đây và các vùng lân cận đã diễn ra không biết bao nhiêu sự kiện có liên quan đến vận mệnh của dân tộc và đất nước .  Nơi đây đã trải qua những tháng - năm vinh quang hào hùng cũng như những thời khói lửa lầm than , theo những bước thăng trầm của lịch sử suốt một thời: Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội . 
        Xin điểm lại một vài sự Kiện đặc biệt đã diễn ra trên mảnh đất linh thiêng này: 
 Thăng Long là một vùng đất  "ngưỡng diện" (mặt ngửa lên Trời) - sách Địa lý - Phong Thuỷ gọi là  "Dương lai , Âm thụ" - nghĩa là Khí dương phủ xuống , Khí âm ngẩng lên đón .  Đất này mềm mỏng, Khí ngưng kết ở bên trên, tiêu tán ở bên dưới.  Địa huyệt ở nơi cao nhất - đấy là núi Nùng - núi này còn có tên gọi là "Long Đỗ".  Long Đỗ được phiên âm từ chữ nho mà ra, nếu dịch đúng nghĩa là "bụng Rồng" chứ không phải là "rốn Rồng" -  cụm từ  "rốn Rồng" theo chữ nho là "Long Tê".  Tất nhiên cả khu đất rộng lớn là "bụng Rồng" ấy cũng có nơi hội tụ vượng Khí lớn nhất, tốt nhất của cả đất nước sẽ là rốn Rồng - có lẽ vì cái lý ấy mà người ta đồng nhất bụng Rồng (Long đỗ) với rốn Rồng (Long tê) chăng ?       
        Vùng đất Hoàng thành Thăng Long ngược lại với Kinh đô Hoa Lư nơi mà Lý Công Uẩn lên ngôi trước đó: Hoa Lư có cái thế  "Âm lai , Dương thụ", là mảnh đất cương mãnh, Khí tiêu tán ở bên trên và ngưng tụ ở phía dưới.  Huyệt vị ngưng kết ở nơi thấp nhất.  Hoa Lư có lợi cho phòng thủ và tiến công trong hoạt động quân sự.   Mảnh đất thiêng này có thể tạo lập nghiệp Đế vương, nhưng phúc trạch không dài.  Hai Triều Vua trước (Đinh - Tiền lê) đều là những nhà có võ công hiển hách nhưng không nhà nào kéo dài được quá ba mươi (30) năm.  Có lẽ điều này là nguyên nhân khiến Lý Thái Tổ - một vị Vua có tầm nhìn xa trông rộng - đã quyết định rời Đô về Thăng Long - và Hoàng Thành được định ngay trên bụng con Rồng (Long Đỗ)?  
 Đúng vậy , nơi đây đã không phụ lòng vị Vua anh minh ấy - Triều Lý tồn tại được 216 năm. Không những thế các Triều đại nối tiếp với những vị Quân vương chính trc anh minh của Triều Trần, Triều Lê ngự trên mảnh đất này cũng được hưởng phúc trạch kéo dài.
Địa linh - Long mạch để lại phúc cho con người cũng có những điều kiện và không dành riêng cho một ai mãi mãi. Ở trên mảnh đất ấy phải là người có đức. Đức càng dày, càng kiên cố thì vận phúc càng kéo dài, chỉ đến khi nào đức cạn hết thì vận phúc cũng tuyệt theo. 
 Mảnh đất Hoàng Thành ngày xưa - Ba đình hiện nay chính là như thế - Nghĩa là nó cũng có một  "mức hạn nhất định"  cho những  "Nhà nào" ngự trên mảnh đất này ?! .
 Xin dẫn ra  mấy Triều đại đã từng ngự trên mảnh đất Hoàng Thành - Ba Đình như sau                                                                          
1. Thời nhà Lý (1009 - 1225)
  Hoàng Đế Lý Thái Tổ dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì cùng một lúc Ngài cho kiến thiết cung điện để làm nơi làm việc, nơi ở của Vua , Quan , Quý tộc và xây dựng Thành luỹ bảo vệ. Đồng thời Ngài cũng cho người về quê xây dựng  tám ngôi chùa tại phủ Thiên Đức (châu Cổ Pháp - nay thuộc  huyện Từ Sơn - Bắc Ninh) .
Có lẽ Ngài đã biết rõ bí mật của mảnh đất Kinh sư này chỉ có thể để cho Ngài và con cháu của Ngài làm Vua trọn vẹn tám đời mà thôi, vì vậy Ngài cần chuẩn bị sẵn chốn ra về cho vong linh của mình và con cháu?  Quả thật, nhà Lý do ngài sáng lập cho đến khi kết thúc, truyền ngôi trọn vẹn  được vừa đủ  tám đời và làm chủ Đất Đại Việt 216 năm – trong đó có một năm của Lý Chiêu Hoàng – đời thứ chín, nhưng làm mất ngôi nhà Lý.
        Ngay cuối Triều Lý, Vua Lý Huệ Tông ở đời thứ tám, về cuối đời rượu chè say sưa tối ngày, không quan tâm gì đến Triều chính, nên tuy không có giặc ngoài, nhưng trên mảnh đất Kinh kỳ cũng phải chịu bao phen binh đao do tranh giành quyền lực của các phe phái, vì vậy  từ năm 1216  đến năm 1220 Vua phải bỏ dời Hoàng thành để ra Tây Phù Liệt (Thanh Trì) xây Điện tạm - và Hoàng thành bị gọi là Cựu kinh (Kinh đô cũ) - từ đây bắt đầu báo hiệu cho cái  "đức của nhà Lý" đã cạn và vận phúc sẽ tuyệt trong nay mai!  
Quả thực Nhà Lý làm chủ Thăng long trọn vẹn tám đời  - và  "con số tám"  này gần như là  " con số định mệnh "  của Thăng Long - một cái giới hạn - mà không có một nhà nào trụ ở đây có thể vượt qua!
 2. Nhà Trần (1225 - 1400)
 Vua Lý Huệ Tông, vị Vua thứ tám đời nhà Lý về cuối đời chỉ đam mê tửu sắc, bỏ bễ công việc Triều chính và vô trách nhiệm, đã truyền ngôi cho người con gái thứ hai là Chiêu Thánh, lúc đó mới  8 tuổi, lên làm Vua - tức Lý Chiêu Hoàng - vào năm 1225, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo.  Mọi quyền hành lúc này đều nằm trong tay Thái sư Trần Thủ Độ.  Nhân cơ hội "Trời cho", dưới sự chèo lái tài ba, khôn ngoan dày dạn kinh nghiệm của một nhà Chính trị, Trần Thủ Độ đã nhanh chóng tạo nên mối duyên tình giữa Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh (cháu của ông) thành vợ chồng, và lập tức sau đó Lý Chiêu Hoàng lại truyền ngôi cho chồng vào ngay năm 1225 định mệnh ấy .
Như vậy nhà Trân đã giành được cơ nghiệp từ tay nhà Lý một cách hòa bình hợp pháp.
  Nhà Trần tồn tại được trên đất Hoàng thành 174 năm với tám đời (12 vị Vua.  Nhưng đến đời thứ sáu thì cái đức của nhà Trần bắt đầu cạn (từ Trần Nghệ Tông) phúc trạch ngày một mỏng dần và thời vận đã đến kỳ kết thúc. Mấy đời sau Vua tôi còn đấy nhưng chỉ là "hư vị" nên phải dời xa Hoàng thành - mảnh đất thiêng - để cho cơ đồ sụp đổ tan tành, con cháu bị triệt hạ một cách tàn khốc và hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần bị giết chết, cuối cùng cơ đồ nhà Trần rơi vào tay Hồ Quý Ly.
3. Thời nhà Hồ ( 1400 - 1407 )
Hồ Quý Ly soán đoạt ngôi nhà Trần và cũng thực hiện được một số cải cách mang tính tích cực, quyết đoán với một bản lĩnh phi thường. Nhưng nhìn tổng thể thì những việc làm ấy chỉ có lợi cho nhà Hồ nhiều, còn lợi ích Quốc gia dân tộc chẳng được là bao.
  Đối với Kinh thành Thăng Long, nhà Hồ cũng rất kỵ nơi mảnh đất thiêng này và có một số việc làm xem ra mạo phạm, như:
Cho xây Kinh đô mới ở An Tôn, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, đặt tên làTây Đô, còn Thăng Long bị đổi thành Đông Đô. Đây thực chất Hồ Quý Ly đã xoá tên Thăng Long và không để Thăng Long làm Kinh đô - trung tâm của đất nước nữa. Không những th , sau khi lên làm Vua, ông còn đổi cả tên nước, từ nước Đại Việt thành nước Đại Ngu.
Chính vì đức ngắn, phận mỏng, xử sự với Kinh thành quá tệ bạc ... nên nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm với hai đời Vua là: Hồ Quý Ly (1400 - 1401) và Hồ Hán Thương (1401 - 1407)
Nhân đây Tác giả có đôi điều bình luận về danh tự Đông Đô, như sau: 
Ngày nay nhiều người ngộ nhận rằng Đông Đô là một cái tên được sinh ra từ những chiến công hiển hách, chói sáng của dân tộc!  Vì thế họ ca ngợi và xếp ngang với Thăng Long - Hà Nội.   Họ đã không biết thời gian tồn tại của Đông Đô rất ngắn trong lịch sử và nó cũng không có một chiến công nào trong thời kỳ đó.  Không những thế Hồ Quý Ly đoạt quyền một cách tàn bạo, làm nhiều điều tàn ác, rũ bỏ Kinh thành - vùng đất thiêng - làm dân chúng oán hận và không được lòng dân.  Do vậy, khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly không thể tập hợp được lực lượng toàn dân đánh giặc.  Ngay như Hồ Quý Ly giao nhiệm vụ cho người con trưởng là Hồ Nguyên Trừng xây thành, đắp luỹ đánh giặc, Hồ Nguyên Trừng đã phải thưa: "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không mà thôi !".
Chính vì vậy, chỉ một thời gian ngắn , nhanh chóng cha con Hồ Quý Ly đều bị quân  Minh bắt sống (tháng 6 - 1407) , nhà Hồ sụp đổ hoàn toàn và để nhà Minh biến nước ta thành Quận, Huyện của họ suốt 20 năm - Ngay cái tên Đông Đô cũng bị đổi thành Đông Quan và là sào huyệt cai trị của quân giặc xâm lược .
Xem ra như thế thì Đông Đô ra đời - do Hồ Quý Ly đặt  - chỉ nhằm "hạ bệ và chối từ Thăng Long" chứ đâu phải như lời một số bài hát, hoặc bài thơ nào đó đã ngợi ca quá đáng, làm cho nhiều ngươi lầm lẫn mà bắt chước ca theo, viết theo - Và nếu còn như thế chắc rằng "Thăng Long linh thiêng" sẽ rất buồn vì đã bị lớp người thời nay hạ thấp qua việc xếp Thăng Long ngang hàng với Đông Đô? !
 4. Triều đại Lê Sơ (1428 - 1527)
 Ông tổ dng nghiệp của Triều đại Lê Sơ là Lê Lợi.  Lê Lợi chính thức lên ngôi tại Điện Kính Thiên - thuộc thành Đông Quan. Ngài đặt lại tên nước là Đại Việt (1428) - sau đó hai năm , thành Đông Quan được đổi là  Đông Kinh Đông Kinh là Kinh đô chính thức của Triều đại Lê Sơ suốt 97 năm - cũng như còn được kéo dài nhiều năm về sau này nữa .
  Triều đại nhà Lê võ công thật hiển hách. Nhưng các đời Vua xử lý công việc có nhiều sai lầm. Nhất là các đời Vua về sau càng thối nát, giêt hại trung thần, phạm nhiều tội ác ... nên có nhiều vị Vua ở ngôi ngắn, chết non chết yểu - Đặc biệt vào đời thứ bảy có hai vị là Lê Chiêu Tông và Lê cung Hoàng đều bị Mạc Đăng Dung giết chết - cơ nghiệp nhà Lê mất vào tay Mạc Đăng Dung năm 1527.
Như thế Triều đại Lê Sơ tồn tại được 99 năm với bảy đời10 vị Vua.
Có câu hỏi đặt ra: Tại sao Triều Lý, Triều Trần đều ngự được ở Hoàng thành Thăng Long tám đời, mà Triều Lê Sơ chỉ được bảy đời ?
Theo như người đời kể lại rằng: Vào năm 1419 giặc Minh vây chặt nghĩa quân Lam Sơn ở núi Chí Linh.  Lê Lợi và các Tướng - Sỹ vô cùng khốn đốn, có nguy cơ bị tiêu diệt.  Lúc đó Lê Lai xin đóng giả thành  "Bình định Vương Lê Lợi" để xông ra mở đường cứu Chúa Lê Lợi. Còn Lê Lợi có hứa nếu thành công, sau này hoàn thành đại nghiệp, ông sẽ chia đôi Giang Sơn cho Lê Lai?  Nhưng rồi vào một ngày của năm 1427 Lê Lai lại bị chính Lê Lợi giết chết và bị tịch thu toàn bộ gia sản, vơi lý do : "Vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn? !"   (Đại Việt sử ký toàn thư tập 2 , trang 47 . Nxb. Văn hóa Thông tin – năm 2004). 
Người đời còn cho rằng Lê Lợi giết chết Lê Lai là ông đã tự triết giảm đi một đời Đế vương của con cháu mình để trả lại cho Lê Lai?!                            
Trong dân gian còn có câu vè: "Hai mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" là nói về những ngày giỗ của hai Vị và cho rằng: Lê Lai phải được hưởng ngày cúng giỗ trước Lê Lợi.  Bởi nếu không có Lê Lai thì sẽ không có Lê Lợi (Lê Lợi mất vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu - 1433).
Nếu với cái lý trên đây thì Triều đại Lê Sơ vẫn có đủ tám đời được ngự trên mảnh đất thiêng Hoàng Thành (trong đó có đời của Lê Lai).
Triều Lê Sơ kết thúc vào năm 1527. Tuy nhiên Triều Lê còn nối tiếp đến thời Lê Trung Hưng, nhưng không được tính cho Triều Lê Sơ, vì các vị này không phải là con cháu đích tôn của Lê Lợi và cũng là hư vị, phải sống phiêu bạt, không ở Kinh thành Thăng Long .
5. Triều Mạc và các Triều đại sau:  
  - Triều Mạc (1527-1592):  Mạc Đăng Dung quê ở Cổ Trai, Nghi Dương , Hải Dương là cháu đời th bảy của cụ Mạc Đĩnh Chi.  Sau khi cướp được cơ nghiệp nhà Lê, lập ra nhà Mạc chiếm giữ Thăng Long  hơn 60 năm (1527 - 1592) .  Nhưng miền địa linh ghê gớm Hoàng thành không  phải là đắc địa để dung nạp và ban phúc trạch lâu dài cho nhà Mạc.                            
Nhận rõ điều này, nên Mạc Đăng Dung đã về quê ở Cổ Trai, xây dựng Kinh đô (gọi là Dương Kinh) , lấy danh nghĩa là  "Thanh viện cho Thăng Long"  nhưng thực chất Mạc Đăng Dung rất sợ cái "Long mạch Hoàng Thành".   
 Với hơn 60 năm ngồi trên ngai vàng mà cha con Mạc Đăng Dung phải có trên 50 năm  phiêu bạt ra khỏi Hoàng thành Thăng Long .  Vì vậy nói về thời gian cư  ngụ tại đây thì cha  con Mạc  Đăng Dung không thể có cái giới                                                                                                                                                                                                                                hạn "tám đời" và hàng trăm năm tồn tại như nhà Lý, nhà Trần đã có.                                  
Triều Hậu Lê (Lê Trung Hưng)-còn gọi là thời kỳ Nam-Bắc triều (1533 - 1548)
Sau năm năm, kể từ ngày bị nhà Mạc cướp ngôi, đến năm Quý Tị (1533) nhà Lê lại được lập nên với một vị Vua lúc đó vẫn còn đang ở trên đất nước Lào - đó là Lê Trang Tông - các nhà Sử học gọi thời này là "Lê Trung Hưng (Hậu Lê)" để phân biệt với thời Lê Sơ trước đó .
Nhà Hậu Lê tồn tại song song cùng nhà Mạc (1533 - 1592), nhà Trịnh – nhà Nguyễn(1592 - 1789).  Đây là giai đoạn của cuộc nội chiến Nam - Băc triều và Trịnh - Nguyễn phân tranh, ... gây nên bao cảnh lầm than đau thương khôn cùng cho nhân dân. Thời kỳ này Thăng Long thực chất nằm trong tay Chúa Trịnh và trong dân gian cũng có lời Sấm truyền nói về gia tộc nhà Chúa như sau:  "Phi Đế, phi Bá quyền khuynh Thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ! " .
Đúng như lời Sấm truyền, quyền hành của gia tộc Trịnh bắt đầu từ Thái Vương Trịnh Kiểm đến đời Trịnh Sâm vừa đủ tám đời thì nhà Chúa xảy ra biến loạn và phúc hết vận cũng tuyệt theo - Chúa vẫn là Chúa không phải là Vua khi nào .
  - Chẵng riêng gì họ Mạc, họ Trịnh, các đời sau cũng có những Anh hùng - Hào kiệt của đất nước nổi lên nhưng họ cũng rất ngại gần mảnh đất "Địa linh - Hoàng thành - Ba Đình"  này.  Họ cũng dựng được nghiệp Đế Vương , nhưng Kinh đô lại dựng ở những nơi khác , như :
+ Nhà Tây Sơn (1778-1802)  kéo dài 24 năm , lập đô ở Phú Xuân (Huế) , sau chuyển về Phượng Hoàng Trung Đô (thành phố Vinh - Nghệ An)
+ Nhà Nguyễn (1802 - 1945):  Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước (từ Lạng Sơn đến Hà Tiên), vì thế phúc phận cũng được kéo dài tới 143 năm. Nhưng nhà Nguyễn vẫn không dám quay về Kinh đô Thăng Long mà định Đô ở Phú Xuân (Huế).  Không những thế họ còn tìm mọi cách làm cho mảnh đất Thăng Long này "bớt thiêng"đi , cụ thể:  Tháng 7-1802 Nguyễn Ánh (có sự hỗ trợ của Pháp) diệt xong Tây Sơn, lên ngôi Hoàng  Đế, lấy niên hiệu là Gia Long, đóng Đô ở  Phú Xuân. Với Kinh thành được nhà Lê đặt tên là Đông Kinh, kéo dài hơn 100 năm, nhưng cho đến thời Lê – Mạc, tiếp đến thời Trịnh - Nguyễn thì Đông Kinh lại thường xuyên được nhắc bởi cái tên: Thăng Long .
  Lo sợ lòng dân vẫn còn yêu quý Thăng Long mà không phục nhà Nguyễn, nên  Nguyễn Ánh đã đổi Đông Kinh -Thăng Long thành Bắc Thành. Tuy vậy Thăng Long lại càng được mọi người nhắc nhở nhiều hơn. Đến năm 1806, nhà Nguyễn đổi tên BắcThành trở lại là “Thăng Long" nhưng chữ  "Long"  bây giờ mang nghĩa là "thịnh vượng" chứ không mang nghĩa  "Rồng" như thời Lý đã đặt .  Vào cuối năm 1802, Gia Long cử một đoàn Sứ thần do Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong Vương và đổi tên nước Đại Việt thành nước "Nam Việt".   Nhà Thanh cho rằng tên "Nam Việt" sẽ lầm lẫn với Quốc hiệu của Triệu Đà, nên đổi lại thành "Việt Nam" .   
 Năm 1831 con trai Gia Long là Minh Mạng cải tổ bộ máy hành chính đất nước, trong đó ông đã hạ "Trấn thành Thăng Long" xuống thành "Lỵ sở của tỉnh Hà Nội" với quy mô cũng bị thu hẹp lại. Và Hà Nội tồn tại từ đó cho đến nay với bao thăng - trầm của lịch sử dân tộc.
Chính cách hành xử trên đây của nhà Nguyễn, nên nhà Nguyễn cũng nhận lấy hậu quả nặng nề. Cha con rất nhiều vợ mà vẫn tuyệt tự. Để rồi nhà Nguyễn sụp đổ hoàn toàn và phải chạy ra nước ngoài nương thân bỏ xác ,... Ví như  Vua Minh Mạng có tới hơn 400 vợ,142 con, rồi đến Vua Thiệu Trị cũng có 103 vợ mà không con, phải nuôi 3 người con nuôi làm Hoàng Tử. Sau nữa, Vua Khải Định (không phải là cháu đích tôn của Minh Mạng)  có 12 vợ mà vẫn vô sinh. Đông cung Thái Tử Vĩnh Thuỵ (tức Bảo Đại), vị Vua cuối cùng của nhà Nguyễn - cũng là vị Vua
cuối cùng của Triều đại phong kiến Việt Nam - Không phải là con của Vua Khải Định - rồi cũng bỏ đất nước mà đi và chết ở đất Pháp vào ngày 31 tháng 7 năm 1997 (ngoại ô Paris) .
6. Thời đại Hồ Chí Minh:
Nhận rõ vị trí và tầm quan trọng của Kinh thành Thăng Long - miền Địa linh - sau Cách mạng tháng 8 năm 1945,  Bác Hồ đã lập tức chọn ngay vườn hoa Ba Đình để ra mắt Chính phủ nước Việt Nam mới (mặc dù xung quanh đây vẫn còn rất nhiêu quân Pháp và bọn phản động chiếm giữ).  Chiều ngày 2 - 9 - 1945 hàng vạn vạn người đã tụ hội về Ba Đình dự mít tinh thực hiện "lời thề độc lập" - mở ra kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của cả dân tộc.                                                                                                      
Chính tại mảnh đất Ba Đình lại mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, để rồi kết thúc bằng chiến thắng lịch sử  "Điện Biên trấn động Địa cầu" .                                                                                                   
 Ba Đình cũng là nơi phát đi lời hiệu triệu của Bác Hồ: "Không có gị quý hơn độc lập t do"... để rồi Thăng Long - Hà Nội lại một lần nữa đi đầu trong cuộc kháng chiến  "chống Mỹ cứu nước"  góp phần cùng nhân dân cả nước "đánh cho Mỹ cút , đánh cho Nguỵ nhào"  giải phóng miền Nam thống nhất  nước nhà .
 Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh.  Để kế tục truyền truyền thống lịch sử, ngay trên mảnh đất Ba Đình, ngày 20 tháng 6 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg:  "Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô Hà nội đến năm 2020".   Nghị quyết ghi rõ sẽ xây dựng và phát triển Ba Đình là: "Trung tâm hành chính - chính trị Quốc gia " - còn khu vực hồ Hoàn Kiếm là : "Trung tâm hành chính - chính trị  của Thủ đô Hà Nội " .
Đây là một Quyết định đúng đắn , đã kế thừa truyền thống của Hoàng Thành Thăng Long - Ba Đình lịch sử - anh hùng  của Thủ đô anh hùng - Thủ đô vì hoà bình .              
Những lời cuối của bài viết:
Dẫu rằng lịch sử không thiếu gì những điều trùng lặp ngẫu nhiên vô cùng kỳ lạ và đặc biệt lý thú ... song những điểm cụ thể đã được kể ra trên mảnh đất thiêng Ba Đình là có thật - và được lặp đi lặp lại nhiều lần thì có thể lại là tất nhiên, vì vậy chẳng nên coi thường!
 Lịch sử diễn ra trên mảnh đất Ba Đình, một ngàn năm qua cho thấy: Chỉ đến khi nào đất nước ở vào thời vận suy vi, hoặc chính thể đã đến thời suy mạt  thì vị trí "Trung tâm chính trị - hành chính của đất nước" mới không xứng đáng để tồn tại trên mảnh đất này, còn nếu chính thể vẫn tốt đẹp thì không dễ gì đổi dời!  Bởi vì ở đó là sự hội tụ "hồn thiêng sông núi" trong quá khứ - hiện tại - và tương lai. Nếu ai coi thường mảnh đất này mà chối bỏ để  rời đô đi nơi khác - đặc biệt lại vì mục đích vụ lợi - "bất chấp tất cả " thì nhất định (trước hoặc sau) họ, hoặc gia đình họ sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường!
 Chúng ta cũng biết rằng, chẳng có gì là mãi mãi-mảnh đất Ba Đình lịch sử và Anh hùng cũng vậy - nhưng nếu biết tôn trọng lịch sử, rút ra bài học của lich sử và xử lý vấn đề trước - sau cho đúng đắn thì đó là nền tảng, là đạo lý làm người trước vận mệnh của Quốc gia - Dân tộc! 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Long mạch và bàn về Long mạch Thăng Long,  Vũ Hồng Thăng, sưu tâm - biên soạn - 2003
- ThăngLong-Đông Kinh-Hà Nội-Quê hương và nơi hội tụ Nhân tài, Đặng Duy Phúc Nxb.Hnội -1996.
- Bách khoa thư Hà Nội,  Nxb. Từ điển Bách khoa – năm 2000
- 1.000 câu hỏi – đáp về Thănglong – Hànội – Nxb. Chính tri Quốc gia – 2000
- Hoa Lư xưa và nay. Tạ Hữu Yên - Lữ Giang – Vũ Bão. Huyện Hoa Lư xuất bản – Năm 1995.
- Các Triều đại Việt Nam – Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng. Nxb. Thanh niên 2001
 - Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam. Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức. Nxb.Vh Thtin – 1996.
- Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại. Trương Đình Tưởng. Nxb. Thế giới – Năm 2008.

- Phong thủy địa lý Tả Ao (Tập 1, 2, 3). Vương Thi Nhị Mười. Nxb.Mũi Cà Mau – 2006 và 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét