Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

KHOA HỌC VỀ NHỮNG BÍ ẨN TRONG GIẤC MƠ...

Bài đăng kỷ yếu hội thảo hội nghị KH toàn quốc lần 1 về "Nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người" tháng 12.2016 do Viện NC&ƯDTNCN chủ trì tổ chức.

 KHOA HỌC VỀ NHỮNG BÍ ẨN TRONG GIẤC MƠ -
CÁNH CỬA KHÁM PHÁ THẾ GIỚI TÂM LINH CỦA CON NGƯỜI

Mai Văn Hưng[1]
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong cuộc sống của mình ít ai chưa từng có giấc mơ. Có những giấc mơ làm cho người ta khi thức dậy vẫn còn nhớ nhưng thường thì có rất nhiều giấc mơ không còn để lại dấu vết khi người đó thức dậy và họ cứ tưởng là mình không mơ. Có những giấc mơ làm cho người ta khi thức dậy vẫn còn thấy sung sướng, vui mừng, nhưng cũng có những giấc mơ làm cho người ta thấy sợ hãi, lo lắng bồn chồn. Lại có những giấc mơ báo hiệu điềm gở hay điềm hay, việc tốt hay việc xấu. Ví dụ, khi nói về lịch sử của thành Thăng Long (Hà Nội) người ta thường nhắc tới giấc mơ của vị vua anh minh Lý Thái Tổ. Trong giấc mơ, nhà vua thấy có rồng vàng bay lên ở đất La Thành nên ông đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về La Thành vào năm 1010 và đặt tên cho kinh đô mới là Thành Thăng Long… Ông E. Howe khi đang nghiên cứu để chế tạo một máy may và dự định sẽ đục lỗ ở giữa kim may để xâu chỉ. Một hôm, ông giấc mơ thấy mình bị một bọn người dữ dằn bắt đi. Đám người này có mang theo những dao nhọn có lỗ ở đầu dao. Khi tỉnh dậy, Howe hiểu ra và quyết định không đục lỗ ở giữa kim khâu nữa mà phải xẻ lỗ ở đầu kim để dẫn chỉ vào. Trong điển tích văn học, có những giấc mơ được lưu truyền mãi mãi như “Giấc mộng kê vàng”, “Giấc mộng Nam Kha”… Vậy giấc mơ là gì và có gì bên trong nó? Giấc mơ có liên hệ gì với tâm linh của con người? Có thể khám phá thế giới tâm linh thông qua “cánh cửa” giấc mơ chăng?
GIẢI MÃ GIẤC MƠ
Từ trước tới nay, có nhiều tác giả đã nghiên cứu, phân tích và giải mã về giấc mơ. Có người cho rằng giấc mơ là một hiện tượng tâm sinh lí bình thường, có người cho rằng, giấc mơ phản ánh về một căn bệnh ngặt nghèo nào đó. Lại có người cho rằng giấc mơ là sự báo trước một “điềm” nào đó sẽ xảy ra. Ví dụ, người ta thường nói về hình ảnh trong giấc mơ là “Sinh dữ, tử lành”, có nghĩa là nếu khi giấc mơ thấy sự sinh đẻ là báo hiệu về sự không may mắn và sẽ gặp phải “điềm dữ”, còn nếu khi giấc mơ thấy sự chết chóc là báo hiệu về sự may mắn và sẽ gặp được “điềm lành”. Trong Kinh thi có viết “Di huỷ di xà nữ tử chi tường; Duy hùng, duy bi nam tử chi tường”. (Câu này có nghĩa là trong giấc mơ thấy rắn là điềm sinh con gái; còn trong giấc mơ thấy gấu là điềm sinh con trai).
Theo Pavlov, giấc mơ (còn được gọi là giấc mộng, giấc mơ, nằm mơ) là một trạng thái hoạt động đặc biệt của não. Giấc mơ thường xuất hiện trong giấc ngủ nhưng chỉ xuất hiện khi ngủ không say hoặc vào lúc mới ngủ hay khi sắp thức dậy. Còn khi ngủ thật say thì không có giấc mơ.
Đặc điểm của các hình ảnh trong giấc mơ thường mang tính chất phi lí, kì quặc, lắm kiểu và thường che dấu nguồn gốc của tác nhân kích thích. Do đó, trong giấc mơ người ta thường thấy những hiện tượng không thể tưởng tượng được và những mối quan hệ không thể có được trong thực tế. Sở dĩ như vậy là vì khi thức, mỗi tác động của ngoại cảnh đều để lại dấu vết trên vỏ não, trong đó có cả những dấu vết mà ta không ý thức được.
Theo D. Foullkes, giấc mơ không phải là máy chiếu phim chiếu lại các sự kiện đặc biệt mà là hỗn hợp các mảnh vụn của trí nhớ và kiến thức mà bộ não đã dệt nên.
Theo học thuyết của Pavlov thì giấc mơ là một dạng phản ánh đặc biệt của thế giới khách quan khi cơ thể con người đang ngủ. Theo ông, khi con người mới ngủ, quá trình ức chế đó lan rộng trên vỏ não thì những trung khu khi thức hưng phấn mạnh chưa bị ức chế mà vẫn còn hưng phấn. Còn khi con người  sắp thức dậy, trong khi hầu hết các vùng trên vỏ não còn đang bị ức chế thì hưng phấn ở những trung khu này đã được phục hồi. Do những trung khu này hưng phấn mạnh nên nó có thể lan toả ra xung quanh và tình cờ “đánh thức’’ một số trung khu khác một cách ngẫu nhiên, tạo nên một nhóm các trung khu hưng phấn không theo hệ thống lôgic như khi thức. Chính vì vậy mà các hình ảnh, các hiện tượng trong giấc mơ thường phi lí, kì quặc theo kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia’’. Còn nhà sinh lí học Xechenov đã viết “… Giấc mơ là một sự kết hợp chưa hề xảy ra giữa các hiện tượng đã xảy ra...”
Giấc mơ còn có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như tinh thần căng thẳng, lo sợ, vui buồn, đói khát, bệnh tật…Ví dụ, khi thức, con người xúc động mạnh về điều gì đó thì khi ngủ người ta thường giấc mơ về điều đó. Giấc mơ cũng có thể xuất hiện do những tác nhân kích thích tác động từ bên ngoài hoặc từ bên trong cơ thể. Ví dụ, khi để ngọn đèn gần chân của có thể mơ thấy đám cháy, còn khi nhỏ một vài giọt nước lạnh vào chân người ta lại mơ thấy mưa dông hay đang vùng vẫy giữa một dòng sông lớn… Ví dụ, trong quyển “Bí ẩn giấc mơ” có kể về giấc mơ của một người phụ nữ đang trong tâm trạng sợ hãi đàn ông vì cô ta có ông bố nghiện rượu và cô ta cho rằng mọi người đàn ông đều nghiện rượu như cha mình. Cô ta đã kể về giấc mơ của mình như sau: “Trời tối đen và tôi bị một người đàn ông tay cầm dao đuổi theo. Tôi quay lại, đối diện với anh ta và bắt anh ta ra ánh sáng. Thế rồi người đàn ông biến thành một vũng nước. Tôi cúi xuống, nếm thử. Đó là rượu Cognac ”.
Khi ngủ, ở con người còn xuất hiện những giấc mơ đặc biệt như hiện tượng “bóng đè”, “mộng du” hoặc “nói mơ”.
BÓNG ĐÈ VỚI TÂM LINH
 Có những trường hợp khi con người đang ngủ bỗng giấc mơ thấy một sự kiện nào đó mà trong sự kiện ấy có một vật nào đó đè lên một bộ phận của cơ thể gây cảm giác rất khó chịu nhưng lại không thể làm cách nào để loại bỏ được vật đó. Hiện tượng này được gọi là “bóng đè”. Bóng đè cũng là một giấc mơ, nhưng trong giấc mơ này chỉ có một vài trung khu ở vùng vỏ não phụ trách cảm giác hưng phấn còn toàn bộ các vùng vỏ não phụ trách vận động ở trạng thái ức chế thực thụ.
Về bản chất khoa học, khi bóng đè xảy ra, vùng vỏ não được kích thích rất mạnh khiến con người trở nên tỉnh táo, không khác gì lúc thức. Thế nhưng lúc đó những mối liên hệ thần kinh giữa não với các bộ phận cơ thể lại chưa được khai thông. Kết quả là người bị bóng đè cảm thấy tê liệt giống như có ai đang đè chặt tay chân mình vậy. Để hiểu sâu bản chất của bóng đè, các nhà khoa học đi vào nghiên cứu các giai đoạn của giấc ngủ. Ở các loài động vật có vú, giấc ngủ được chia làm hai khoảng thời gian: REM (rapid eye movement) và NREM (non-REM). Trong REM, mi mắt của chúng ta cử động nhanh và đây là khoảng thời gian chúng ta nằm mơ. Giai đoạn này, mi mắt hoạt động như thể chúng ta đang “nhìn” những sự vật, sự việc trong giấc mơ của mình vậy. Còn ở giai đoạn NREM, chúng ta ít khi nháy mi mắt nhưng có thể trở mình trên giường, thậm chí mộng du và nói chuyện trong giấc ngủ. Mỗi khi bắt đầu một giấc ngủ, ta bước vào giai đoạn NREM trong 80 phút và nối tiếp sau là 10 phút ở giai đoạn REM. Chu trình 90 phút này cứ lặp đi lặp lại trong suốt giấc ngủ của chúng ta.  
Tại giai đoạn REM (mi mắt chuyển động nhanh), cơ thể tắt đi các liên hệ thần kinh giữa não bộ. Nếu như điều này không xảy ra, chúng ta có thể dùng tay chân lặp lại y hệt những hành động diễn ra trong giấc mơ của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông từng mơ thấy mình bị quái vật tấn công và đánh trả lại chúng trong mơ. Nhưng trên thực tế, ông ta đang vô thức đánh người vợ nằm bên cạnh mình.  Nếu bất ngờ tỉnh ngủ đúng vào giai đoạn REM, chúng ta sẽ bị bóng đè do các đường liên hệ thần kinh đang tắt. Vậy còn những hình ảnh và âm thanh ma quái? Các nhà khoa học cho rằng đó thực chất chỉ là những ảo ảnh tạo ra tại vùng vỏ não xử lý hình ảnh và âm thanh. Các nơron thần kinh bị kích thích đã tự động tạo ra những gì chúng ta tưởng là “nghe” hoặc “nhìn” thấy. Sự căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân chính dẫn đến việc kích thích các nơron này. Stress là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè.

Hình . Bản chất của bóng đè đó là liên hệ thần kinh giữa não bộ
và các cơ quan không được thiết lập.

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bị bóng đè là những căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống không được giải tỏa. Việc sử dụng nhiều các chất kích thích cũng góp phần khiến cho não bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tư thế ngủ sai cách cũng làm người ngủ cảm thấy khó thở, dễ dẫn đến bóng đè. Chính vì vậy trong giấc ngủ, con người  chỉ giấc mơ thấy cảm giác khá rõ nhưng lại không sao cử động được. Bóng đè có thể do nhiều nguyên nhân như khi con người bị bệnh tim, khi ngủ để tay lên trán hoặc lên ngực, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, lo lắng...
Tuy nhiên nguyên nhân thực sự của bóng đè có thể liên quan đến những bí ẩn trong tâm linh, bởi thực tế có những người khỏe mạnh vẫn bị bóng đè. Thực chất về mặt khoa học thần kinh thì bóng đè chính là quá trình ức chế sâu hệ thống thần kinh cấp cao có sự định vị ở vùng vỏ não, do vậy qua những chỉ dấu của bóng đè có thể giải thích các hiện tượng trầm cảm, tự ti những nhận thức bản ngã tâm linh, sự chiêm nghiệm vô thức của con người. Hiện tượng lên đồng được coi là sự thăng hoa phần hồn có tính chất phản ứng ngược với ức chế nhằm cân bằng động trong qui luật hoạt động của hệ thần kinh cấp cao.
MỘNG DU VÀ KHẢ NĂNG THIÊN BẨM
Mộng du cũng là một giấc mơ nhưng trong giấc mơ này chỉ có một vài trung khu ở vùng vỏ não phụ trách vận động hưng phấn còn toàn bộ vùng vỏ não phụ trách cảm giác ở trạng thái ức chế thực thụ. Vì vậy, trong giấc ngủ con người chỉ giấc mơ thấy mình đang vận động. Người  mộng du thường đứng dậy, làm một số việc, đi lại... rồi lại ngủ tiếp và sáng hôm sau, khi thức dậy không còn nhớ gì về sự việc trong mộng. Ở qua các lứa tuổi, có con người trong giấc mộng du đã múa một lúc rồi lại ngủ như thường. Có cháu khi mộng du còn đi ra gốc cây sung ở góc bờ ao ngồi. Khi gió lạnh thổi tới thì cháu tỉnh dậy và kêu khóc v.v…Theo quan điểm duy tâm, những trường hợp như vậy thường được người lớn cho rằng có “ma trêu, quỷ ám” và tìm thầy xem bói, thầy cúng đến cúng lễ, yểm bùa để “trừ ma, diệt quỷ”. Tất nhiên, đó là những chuyện duy tâm, phản khoa học bởi vì trong những giấc mơ có những người còn làm được một số việc, trèo lên cây hái quả hoặc ngồi vào bàn viết lời giải của những bài tập khó mà ban ngày họ đã không thể làm được. Trong lịch sử của con người cũng đã có những phát minh khoa học được nảy sinh trong giấc mơ. Đây có thể nói nó chính là những cánh cửa mở ra để chúng ta có thể khám phá thế giới tâm linh vô cùng bí ẩn của con người.
Có thể thấy rất rõ là trong điều kiện thông thường con người chỉ làm được những việc “bình thường”, những chuyện phi thường chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện khác thường, sở dĩ như vậy là vì bản thân trong mỗi con người đã có những khả năng đặc biệt (xuất hiện trong giấc mơ) có tính chất thiên bẩm, vượt giới hạn thông thường. Như vậy để con người xuất hiện những khả năng kì lạ cần có những thay đổi mang tính đột biến của môi trường tác động tới. Điều này đã chứng minh cho thực tế là có một số người khi trải qua những bước ngoặt như ốm thập tử nhất sinh, bị sét đánh, bị mất tích bí ẩn,…sau đó họ có những khả năng kì lạ.


NÓI MƠ VÀ HIỆN TƯỢNG GỌI HỒN
         Chính nói mơ cũng là một trạng thái của giấc mộng du, nhưng trong giấc mơ này chỉ có một vài trung khu ở vùng vỏ não phụ trách vận động nói ở trong trạng thái hưng phấn còn toàn bộ vùng vỏ não phụ trách cảm giác và vùng vỏ não phụ trách vận động ở trạng thái ức chế thực thụ. Chính vì vậy trong giấc mơ, con người thường nói ú ớ không thành tiếng nhưng cũng có khi nói thành các từ rõ ràng và thậm chí còn nói được cả một câu hay hát một đoạn. Sau đó, người nói mơ lại ngủ tiếp và khi thức dậy không còn nhớ gì về những điều mình đã nói.
          Khi nghiên cứu về giấc mơ, người ta còn nhận thấy có những giấc mơ thể hiện cả tính chất cảm giác và cả tính chất hành động. Nghiên cứu giấc mơ của những người già, C.Schenck đã xác định điều đó. Trong thí nghiệm của ông, có trường hợp, người tham gia thí nghiệm là nam giới, 69 tuổi, đã kể lại giấc mơ của mình về trận chơi đá cầu: “Tôi là trung vệ. Lúc đó hậu vệ cánh ném bóng cho tôi. Trước mặt tôi là một đối thủ nặng đến 280kg. Tôi lấy hết sức dùng vai hất hắn ra và làm mọi cách cho hắn ngã... Lúc tỉnh giấc thì tôi thấy mình đã đập vỡ đèn, kính và mọi thứ trên bàn ngủ, cụng đầu vào tường và dùng đầu gối giao chiến với cái bàn ngủ”.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc mơ, như giới tính, tuổi tác, tâm trạng... Carliostro, tác giả của cuốn sách “Bí ẩn giấc mơ” cho rằng hình ảnh trong giấc mơ của nam giới và nữ giới có sự khác nhau. Nữ giới thường mơ về những điều có liên quan đến cuộc sống của gia đình và những chuyện riêng tư của bản thân họ. Giấc mơ của nữ giới đọng đầy dấu ấn đàm thoại và các cảm xúc. Còn nam giới thường mơ về những điều có liên quan đến các hình ảnh máy móc.
          Giấc mơ của con người còn phụ thuộc vào lứa tuổi của chúng. Nghiên cứu giấc mơ của con người ở giai đoạn 3 - 4 tuổi, D. Foullkes thấy rằng giấc mơ của chúng giống như các tấm ảnh vạn vật, giống như chiếu “Slide”. Trong giấc mơ của chúng có một số hình ảnh của các sự vật trong thực tế khách quan nhưng lại không hề có hình ảnh của bản thân chúng. Đến giai đoạn 7 - 8 tuổi, một số con người đã thấy mình xuất hiện trong mơ. Và từ 9 tuổi trở đi, con người đã có những giấc mơ có tính chất như giấc mơ của người lớn.
Chính những thông tin ngôn ngữ xuất hiện trong giấc mơ có cơ sở khoa học là sự hoạt động của nơron theo nguyên tắc thu và phát sóng của transitor, các sóng này được mã hóa (thành sóng) và giải mã thành ngôn ngữ (lời nói). Trên cơ sở này có thể giải thích cho hiện tượng gọi hồn thường xảy ra khi “những người có cùng tần số sóng điện não” khi một người đã mất và người kia còn sống. Nếu 2 người này các nơron của họ có cùng trường hoạt động do họ có tần số sóng điện não gần nhau thì người ta có thể giao tiếp với nhau qua trường sóng điện não và các sóng giao tiếp này có thể được giải mã thành ngôn ngữ của người sống. Tuy nhiên, sóng có thể yếu dần đi hoặc biến mất cùng với sự phân hủy của nơron người chết hay sự chết của nhiều nơron ở người sống dẫn đến ảnh hưởng đến quá trình giải mã vì thế người có khả năng gọi hồn có thể bị mất đi hoặc không còn chính xác nữa. 


KẾT LUẬN
Giấc mơ là sự phản ánh một cách đặc biệt thế giới khách quan mà não của con người “ghi được” khi thức. Trong giấc mơ người ta suy nghĩ chủ yếu bằng hình ảnh và nhất là các hình ảnh thị giác. Nhưng trong giấc mơ, người ta lại thiếu sự phê phán với những điều vô lí về quan hệ không gian cũng như về quan hệ thời gian. Giấc mơ là một hình thức phản ánh thế giới khách quan. Bởi vậy, những người mù bẩm sinh, chưa từng nhìn thấy bao giờ và trong não của họ chưa hề có dấu vết về ánh sáng thì trong giấc mơ của họ không hề có các hình ảnh về thị giác. Với những người điếc bẩm sinh, chưa từng nghe thấy bao giờ và trong não của họ chưa hề có dấu vết về âm thanh thì trong giấc mơ của họ không hề có các biểu tượng về âm thanh. Trong giấc mơ đã xuất hiện các hiện tượng bóng đè, nói mơ, mộng du,..đây chính là những biểu hiện hành vi trong khi ngủ nó có liên quan đến các hiện tượng tâm linh của với con người do đó có thể coi những gì xảy ra trong giấc mơ chính là những chỉ dấu giúp chúng ta có thể khám phá thế giới tâm linh bí ẩn của mỗi con người.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. E.I. Caroll. Những cảm xúc của con người. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992.
2. Trịnh Bỉnh Dy. Quá trình hình thành tư duy, trong quyển “Chuyên đề sinh lí học” T.1, Nxb Y học, Hà Nội, tr. 187 – 199, 1996.
3. Mai Văn Hưng (chủ biên). Sinh lý học thần kinh và giác quan. Nxb ĐHSP 2014.
4. E.D. Khomoxkaia. Các thuỳ trán và những quá trình hoạt động trí tuệ tích cực, Nxb Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1972.
5. Đặng Phương Kiệt. Cơ sở sinh lí thần kinh của hoạt động tâm lí, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990.
6. Tạ Thuý Lan. Sinh lí thần kinh, T.I, T.II. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2007.
7. Lê Quang Long. Hoá điện phản xạ và trí nhớ. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1983.
8. Nguyễn Khắc Viện. Tìm hiểu con người. Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1983.
9. Howard Gardner. Frames of mine, the theory of multiple intelligences. A division of haper Collins Publisher, 1993.
10. K.S. Lashley. Brain mechanisms and intelligence. Hafner Publishing Company, New York and London, 1964.
11. J. Piaget. The Psychology of intelligence. New York, 1963.
12. J.P. Schadè, D.H. Ford, Basic neurology. Elsevier scientific publishing company, Amsterdam – Lodon - New York, 1973.
13. П.К. Анохин (1968), Биология и нейрофизиология условного рефлекса, изд. Медицина,Москва.
14. Е.Б. Бабский, А.А. Зубков, Г.И. Косицский, Физиология человека и животных. Изд. “Медицина”, М, T. 2, 1989
15. C. Бородки, П..В. Будзен. Механизм памяти, Изд. Наука, Ленинград, 1978.


[1] PGS TS, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhân chủng và Phát triển trí tuệ - Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét