Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CỦA bm NĂNG LƯỢNG SINH HỌC

Bài đăng kỷ yếu hội thảo hội nghị KH toàn quốc "Nghiên cứu và ứng dụng khả năng đặc biệt của con người" do Viện NC&ƯDTNCN chủ trì tổ chức tháng 12.2016.

NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG NGHIÊN CỨU & ỨNG DỤNG CỦA
     BỘ MÔN NĂNG LƯỢNG SINH HỌC TRONG 20 NĂM QUA
                                                                                                Bùi Hoàng Oanh[1], Đoàn Thanh Hương[2]          
GIỚI THIỆU
Năm 1996, một đơn vị nghiên cứu về Năng lượng sinh học (Bộ môn NLSH) được thành lập tại Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (TNCN) và đã được nối tiếp hoạt động tại Viện Nghiên cứu và Ứng dụng TNCN từ năm 2012 cho đến nay. 
Chủ nhiệm Bộ môn cũng đã có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn: Người đầu tiên là cố Bác sĩ - Đại tá  Hà Ngạc, tiếp theo là cố Bác sĩ - Đại tá Lương Đình Du (1998) rồi đến cố GS.TSKH Lê Xuân Tú sau khi Bộ môn sát nhập thêm bộ phận nghiên cứu về Năng lượng cảm xạ và Dịch học (2000).       
Từ 2007, PGS TS Bùi Hoàng Oanh được giao “Quyền chủ nhiệm” bộ môn. Các  Phó chủ nhiệm Lương y Nguyễn Hồng Quang, cử nhân Đoàn Thanh Hương và về sau đã cử thêm  một PCN nữa là KS Đỗ Trọng Khuê.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, Bộ môn cũng đỡ đầu cho một số Câu lạc bộ (CLB), trong đó có CLB Năng lượng sinh học tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội, CLB Năng lượng sinh hoc & Cảm xạ TP. Hồ Chí Minh, CLB Cảm xạ & Dịch học tại Hà Nội và đã tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo trên toàn quốc đóng góp cho các hoạt động triển khai ứng dụng.
Sau khi chuyển sang Viện Nghiên cứu và Ứng dụng TNCN năm 2012, Bộ môn được Viện sắp xếp lại thành hai đơn vị, trong đó bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về “Năng lượng sinh học” trở thành bộ môn độc lập do cử nhân Đoàn Thanh Hương làm chủ nhiệm.
Trong gần 20 năm qua, Bộ môn đã có những đóng góp  chủ yếu trong các lĩnh vực:
- Nghiên cứu Năng lượng sinh học trong việc nâng cao sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh.
- Nghiên cứu Cảm xạ và Dịch học trong việc nâng cao sức khỏe và những mục tiêu khác.
Trong bản báo cáo mang tính tổng quan sau đây sẽ hệ thống lại những nội dung và kết quả nghiên cứu - ứng dụng chính đã được tiến hành trong gần 20 năm qua thuộc các lĩnh vực trên, trong đó phần lớn các vấn đề là những đề tài đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Bộ môn [1].
II. CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN NÂNG CAO SỨC KHỎE VÀ HỖ TRỢ CHỮA BỆNH
Nhóm đề tài này bao gồm các phương pháp “truyền năng lượng” trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có năng lực chữa bệnh sang người bệnh. “Năng lượng” này có thể đưa tới người được hỗ trợ theo các phương thức khác nhau:
- Bằng tác động “khai mở” để người được hỗ trợ có thể tiếp nhận và tăng cường “năng lượng” chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho mình. Người được khai mở cũng có thể tiếp tục truyền năng lượng để hỗ trợ cho người khác (Phương pháp “truyền nhân điện” hay “phát khí công”).
- Bằng luyện tập phát huy tiềm năng nội lực, tự  “khai mở” để tiếp nhận, tăng cường “Năng lượng” tự chữa bệnh nâng cao sức khỏe, không phụ thuộc người khác (Phương pháp Thanh lọc ô trược độc tố bằng Sức mạnh vô thức [4])
- Bằng tiếp nhận “năng lượng” từ một nguồn bên ngoài thông qua một đối tượng trung gian (người thực hành “chữa bệnh”). Ở đây, người thực hành “chữa bệnh” chỉ đóng vai trò chuyển tiếp dòng “năng lượng” từ bên ngoài cho người bệnh mà bản thân không sản sinh và không bị tiêu hao năng lượng (Phương pháp Thiền dưỡng sinh Dasira Narada).
- Bằng cách thiền theo Phương pháp Bruno Groning [3]. 
          Cho đến nay khái niệm “Nhân điện” mới chỉ được hiểu một cách tương đối và mang tính quy ước vì cũng chưa có một thực nghiệm hay một phép đo nào chứng minh việc truyền nhân điện được thực hiện thông qna việc truyền năng lượng điện. Chính vì vậy, một trong những nội dung nghiên cứu trong những năm vừa qua của các cán bộ trong Bộ môn cũng là làm sáng tỏ thêm bản chất của nhân điện và các mặt tích cực hay “hạn chế” của phương pháp này. 
1. Các nghiên cứu về “nhân điện”
Các cán bộ chủ chốt làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu nhân điện gồm: Cố Đại tá Bác sĩ Lương Đình Du, cố GS.TS KH Lê Xuân Tú, Cử nhân Đoàn Thanh Hương và một số cán bộ khác.
Đề tài 1: “Nghiên cứu tìm hiểu tác dụng của nhân điện với bệnh tăng huyết áp động mạch vành”, do cố Đại tá Bác sĩ Lương Đình Du và cộng sự thực hiện.
Qua thực nghiệm điều trị 20 bệnh nhân tăng huyết áp động mạch vành nguyên phát, độ I-II bằng NLSH, kết quả ban đầu thu được:
- Tác dụng tức thì sau 30-60 phút điều trị lần đầu
- Mỗi đợt điều trị 7-8 ngày trở lên, mỗi lần 10 phút.
Mỗi lần điều trị, bệnh nhân có cảm giác khoan khoái, hết nhức đầu, không còn mất ngủ.
 Đề tài 2: “Nghiên cứu tìm hiểu khả năng tác động của nhân điện với bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt” do cố Đại tá Bác sĩ Lương Đình Du và cộng sự thực hiện .
Qua thực nghiệm điều trị 18 bệnh nhân, có 12 người (67%) có khối u giảm được 8g-12g, 4 bệnh nhân có khối u không giảm, 2 bệnh nhân có khối u tăng.
Tác dụng của NLSH có thể phục hồi chức năng cơ thể:
-  Làm giảm khối u.
- Tăng khả năng trương lực cơ, chủ yếu vùng tiết niệu
          - Tăng hoạt động thần kinh khu vực và tuần hoàn máu.
          - Giảm nhẹ các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.
Đề tài 3: “Bước đầu nghiên cứu tìm hiểu khả năng làm giảm đau, rút ngắn thời gian đau sau chấn thương” do cố Đại tá Bác sĩ Lương Đình Du và cộng sự thực hiện.  
 Đề tài đã nghiên cứu phương pháp cắt giảm cơn đau không dùng thuốc. Đề tài được sự ủng hộ và hợp tác rất cao của Bệnh viện Quân đội 354. Đã có 25 bệnh nhân sau phẫu thuật, chấn thương trải nghiệm,  trong đó 5 trường hợp ung thư được tác động trực tiếp, một số bệnh nhân được tác động làm giảm đau từ xa. Tất cả các trường hợp trên đều có hiệu quả làm giảm và cắt cơn đau. Quá trình nghiên cứu đề tài đã rút ra một số kết luận như sau:
       - Có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng lâm sàng về rối loạn huyết áp, rối loạn tiểu tiện,  làm giảm đau, giảm khối u của người bệnh , tuy hiệu quả chưa đồng đều và chưa cao.
      - Quá trình sử dụng NLSH để chữa bệnh đã làm thuyên giảm được nhiều bệnh , giúp cho cơ thể người bệnh thanh thản , sảng khoái sau mỗi lần chữa lại  không gây tác dụng phụ,  làm cho người bệnh tăng thêm tin tưởng , kiên trì luyện tập nâng cao sức khỏe.
      - Phương pháp huấn luyện nhanh, thời gian đòi hỏi không dài, kỹ thuật  tập luyện đơn giản, hiệu quả cao và nhất là không có hại gì.
Đề tài 4:  “Khảo sát một số chỉ tiêu sinh hóa của máu dưới tác động của Thiền mở luân xa” do cố GS.TSKH Lê Xuân Tú, cử nhân Đoàn Thanh Hương và PGS. BS. Vũ Thị Phương (Đại học Y Hà Nội)  tiến hành.
Đề tài đã thực hiện 304 lượt xét nghiệm chỉ số máu và huyết thanh của 81 người. Kết quả nghiệm chỉ số TAS (Total Antioxidant Status) của nhóm luyện tập đạt  93,7%, nhóm không luyện tập đạt 29%.
Một số kết luận chung như sau: Luyện tập Thiền khai mở luân xa có tác dụng chống lão hóa rất tốt, có khả năng tự chữa bệnh. Việc truyền nhân điện chữa bệnh có kết quả khỏi một số ca bệnh.
2. Thử nghiệm truyền nhân điện trên một số lĩnh vực: Việc thử nghiệm là bước khởi đầu rất quan trọng, những vấn đề được phát hiện thành công sẽ được phát triển thành một đề tài nghiên cứu. Một số thử nghiệm  “nhân điện” do cử nhân Đoàn Thanh Hương và một số cộng sự thực hiện:
- Thử nghiệm chữa bệnh 6 năm liên tục, từ năm 1998-2004, tại nhiều cơ sở ở Hà Nội như 286 Thụy Khuê, Hội người Cao tuổi phường Nam Đồng, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật 76 Phó Đức Chính, với hàng ngàn lượt người đã được chữa bệnh bằng nhân điện. Nhiều trường hợp bệnh đã khỏi mà không cần dùng thuốc.
- Thử nghiệm truyền nhân điện biến nước mặn thành nước ngọt: Một nhóm 10 người thực nghiệm truyền nhân điện vào mẫu nước biển, theo dõi kết quả nhuộm màu nước bằng Bạc Nitrat (AgNO3). Tổng hợp  kết quả sau khi thực hiện trong thời gian 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, đều không thấy có chuyển biến. Nhân điện  không làm  được nước mặn thành nước ngọt.
3.  Nghiên cứu và thực nghiệm về “Khí công”
Đề tài 5:Nghiên cứu tác động của “khí công”, kết hợp “tĩnh công dưỡng sinh” đối với bệnh nhân bướu cổ đơn thuần” do Đại tá, BS. Hoàng Trọng Việt, ThS. Nguyễn Quang Thịnh và các cộng sự thực hiện.
Đề tài đã thử nghiệm việc chữa bướu cổ cho số một lượng lớn nhân dân tại một địa phương có nhiều người mắc bệnh ở đồng bằng Bắc bộ, có kết quả đáng được ghi nhận .
Thực nghiệm khí công Y Đạo  do Đại tá Vương Văn Liêu phát triển và thực hiện cho hàng nghìn người luyện tập, phòng chống bệnh tật. Câu lạc bộ Khí công Y đạo đã sinh hoạt đều đặn hàng tháng, và ra Bản tin tháng giúp đỡ học viên luyện tập .
 4. Nghiên cứu phát huy tiềm năng, nội lực của con người  
Đề tài 6: “Nghiên cứu trạng thái ngoài tư duy (vô thức) và một số khả năng đặc biệt, ứng dụng trong đời sống“, do cử nhân Đoàn Thanh Hương và cộng sự thực hiện.
Dựa trên  những quan sát nhiều năm về tiềm năng con người, có thể tạo ra những vận động chuyển hóa năng lượng, tăng sức đề kháng, tự chữa lành bệnh. Đề tài đã trình bày 7 cơ sở lý luận ban đầu về Sức mạnh vô thức có khả năng đào thải ô nhiễm độc tố ra khỏi cơ thể và đề xuất phương pháp Thanh lọc  gồm 5 bước đơn giản, dẫn tới kết quả thanh lọc ô nhiễm độc tố cho con người [4]. Đã thành lập Câu lạc bộ Vô thức để thực nghiệm ứng dụng bài tập Thanh lọc ô trược độc tố, được tổ chức theo từng nhóm dưới 10 người để dễ theo dõi kết quả. Có bản tin hàng tháng trao đổi kinh nghiệm luyện tập. Tất cả thành viên CLB đã được nâng cao sức khỏe, đã khỏi một số bệnh nan y. Đã tổ chức Hội thảo về các hiện tượng thanh lọc ô trược độc tố. Báo “Khoa học và đời sống“ và một số báo khác đã phản ánh gần mười trường hợp bệnh nan y đã tự chữa lành bệnh. Bản thân chủ nhiệm đề tài cũng đã áp dụng để vượt qua bệnh tật ( kết quả đã được kiểm tra bằng chụp cộng hưởng từ). Phương pháp luyện tập đã được biên soạn thành sách và đưa lên trang web sucmanhvothuc.org,  giúp đỡ miễn phí cho nhiều người để tự học và trao đổi kinh nghiệm luyện tập thông qua Internet. Thanh lọc ô trược độc tố là một trong những yếu tố quan trọng để phòng chống bệnh tật, kể cả khả năng hỗ trợ điều trị ung thư.
5. Những điều rút ra được qua việc áp dụng năng lượng sinh học để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh  
Qua các đề tài nghiên cứu và các thực nghiệm trong gần hai chục năm qua, chúng tôi nhận thấy khá rõ mặt tích cực và giá trị lớn của phương pháp sử dụng năng lượng sinh học nói chung để nâng cao sức khỏe, hỗ trợ chống lại nhiều  loại bệnh tật , mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi không thể không suy nghĩ và tìm hiểu cả mặt hạn chế (các hậu quả không mong muốn) của nhân điện - một trong những phương pháp có vị trí quan trọng trong Năng lượng sinh học.
Một vài tác giả sau một thời gian áp dụng và trải nghiệm đã cảm nhận rằng dùng nhân điện để truyền, chữa cho người bệnh thì sau một thời gian (tùy theo mỗi người) có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân. Điều này đặt ra cho những người thực hiện cần lưu ý và có những giải pháp để phòng ngừa hữu hiệu.
   
III. NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG “ĐẶC BIỆT” 
Đề tài 7: “Nghiên cứu một số tác động đặc biệt của khu vườn Long An” do cử nhân Đoàn Thanh Hương làm chủ nhiệm
Đã xét nghiệm 66 chỉ số sinh hóa máu của 5 người trước và sau khi đến khu vườn trong thời gian  2 tuần. Các xét nghiệm sinh hóa máu về khả năng chống lão hóa, đường huyết, mỡ máu cho thấy cả  5 người đều có kết quả tốt lên . Điều đó phản ánh tác động tốt của môi trường  khu vườn với sức khỏe. Đề tài đã khảo sát 7 trường hợp bệnh nặng và bệnh bẩm sinh đã cho kết quả khả quan (khỏi bệnh).
          Kết quả nghiên cứu khu vườn Long An  mang lại nhận thức rất quan trọng không thể phủ nhận về môi trường sống, có liên quan mật thiết với sức khỏe. Tất cả các phương pháp dưỡng sinh NLSH đều dựa vào mối liên hệ với môi trường sống, phát huy mối liên hệ đó để làm giàu năng lượng cho bản thân, sức đề kháng được tăng lên, và khỏi nhiều bệnh. Những môi trường  giàu năng lượng thiên nhiên như khu vườn Long An là tài nguyên quý, cần được gìn giữ và phát huy lợi ích trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đề tài 8: “Theo dõi kết quả khỏi bệnh bẩm sinh và một số ca bệnh đặc biệt tại Khu vườn Long An” do cử nhân Đoàn Thanh Hương làm chủ nhiệm .
Đề tài đã thu thập những tư liệu gồm  những ca bệnh hiểm nghèo :
   -  Bệnh Lupus ban đỏ đã được điều trị tại Singapo 7 lần, mỗi tháng phải  điều trị 18 ngày, bệnh có đỡ, nhưng vẫn phù nề, cơ thể yếu, bác sĩ nói phải uống thuốc suốt đời, tiền thuốc mỗi ngày 1 triệu, nhưng sức khỏe kém, không lao động được. Sau hơn 6 tháng đến ở khu vườn Long An đến nay đã khỏe mạnh.
   -  Người có nhiều bệnh nan y: 19 loại bệnh, suốt 30 năm liên tục chữa bệnh.     
   -  Bệnh nghề nghiệp 20 năm tiếp xúc khí ga, biến chứng 14 loại bệnh .
   -  Bệnh u vú giai đoạn 2: tháng 2 - 2011 đau nặng ung thư sưng to giai đoạn cuối, hạch nổi từ hông đến nách, bác sĩ không mổ.
   - Bệnh nhiễm chất độc da cam, phát ra nhiều bệnh: Tiểu đường, bệnh tim, loãng xương, huyết áp cao, mất ngủ, mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, hẹp van tim, yếu thận, đi tiểu nhiều , mắt mờ, sức khỏe yếu;
.  - Bệnh thiếu máu từ 18 tháng tuổi, lách sưng to, thừa sắt, điều trị tại Bệnh viện huyết học TƯ, phải truyền máu 2 lần/tuần.
   - Cháu bé 30 tháng tuổi bị u lớn 12 cm, đã tổn thương có hoại tử bên trong., tổn thương các mạch máu lớn trong bụng, rất nhiều hạch bụng.
    - 3 trường hợp câm  điếc bẩm sinh đã khỏi và tiếp tục theo dõi.
Hầu hết các trường hợp trên đã khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm y tế phản ánh các chỉ số đã bình thường. Tác giả còn tiếp tục theo dõi các ca bệnh  này thêm một vài năm sau.
    Kết quả cho thấy:  Có những bệnh hiểm nghèo (đã chữa cả trong và ngoài nước nhưng không khỏi) đã được cải thiện.

IV.  LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG CẢM XẠ VÀ DỊCH HỌC
          Cán bộ nghiên cứu chủ yếu gồm: Lương y Nguyễn Hồng Quang và KS. Đỗ Trọng Khuê cùng với nhiều thành viên  trong CLB như: ông Đỗ Đình Thang, ông Đàm Trung Giai, ông Nguyễn Ngọc Khuê, bà Phùng Thị Lượng v v…,đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ cộng đồng, xã hội. Cho đến hiện nay, những nội dung nghiên cứu vẫn đang được nhiều người ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực.
Đề tài 9: “Nghiên cứu thử nghiệm tác động của Năng lượng cảm xạ và Dịch học đối với bệnh nhân tâm thần” do LY. Nguyễn Hồng Quang, KS. Đỗ Trọng Khuê và cộng sự thực hiện.
Sau quá trình nghiên cứu, đề tài đã đưa ra một số nhận định sau :
- Các bệnh nhân tâm thần gần như đều có liên quan đến phần âm
- Qua ảnh, bằng cảm xạ có thể xác định tình trạng của bệnh nhân, tác động qua ảnh để  hóa giải cho bệnh nhân.
- Quẻ dịch có khả năng mang thông tin năng lượng cho việc hoá giải bệnh nhân tâm thần. 
Đề tài 10:Nghiên cứu ứng dụng Năng lượng cảm xạ và Dịch học trong vấn đề hóa giải mâu thuẫn gia đình và xã hội”, do LY. Nguyễn Hồng Quang và cộng sự thực hiện.
     Đề tài dùng các biện pháp hoá giải bằng dịch lý, bố trí phong thuỷ hợp lý đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình không bị ly tán, không còn mâu thuẫn trong nội bộ các thành viên trong gia đình hoặc tập thể lãnh đạo của cơ quan. Để thực hiện được việc hoá giải có kết quả phải do các chuyên gia có khả năng về Năng lượng sinh học kết hợp với phong thuỷ và hiểu biết cơ bản về dịch học.
 Đề tài 11 “Nghiên cứu ứng dụng Dịch học kỹ thuật số và trắc nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh”, do LY. Nguyễn Hồng Quang và cộng sự thực hiện.
    Từ lý thuyết Dịch học kỹ thuật số chuyển sang trắc nghiệm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, có đối chiếu với những kinh nghiệm phong thuỷ. Thực hiện các giải pháp để giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục những vướng mắc, doanh thu, lợi nhuận được nâng cao. Thực tế kiểm nghiệm cho thấy kết quả đạt được rất khả quan.
 Đề tài 12: “Nghiên cứu tác động của Năng lượng cảm xạ, Dịch lý đối với các trẻ em chậm phát triển, thực hiện tại cơ sở giáo dục Phúc Tuệ -Hà Nội”, do KS. Đỗ Trọng Khuê và cộng sự thực hiện. 
            Sau khi thực hiện các biện pháp tác động, hoá giải, nhóm cháu được tác động đều có biểu hiện tiến bộ tốt như tiếp thu nhanh sự dạy dỗ của các cô giáo so với nhóm cháu khác. Một số cháu giảm được những biểu hiện tự kỷ và động kinh. Một số cháu vì độ tuổi đã lớn, từ nhỏ không được xử lý kịp thời nên về nhận thức, tâm lý cần có sự dạy dỗ đặc biệt mới có thể hoà nhập vào cộng đồng.

 V.   KẾT LUẬN:
Trong gần 20  năm qua, các cán bộ của Bộ môn Năng lượng sinh học đã sát cánh cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác trong và ngoài đơn vị thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu , đã đem lại những đóng góp có giá trị vào các lĩnh vực  ứng dụng Năng lượng sinh học, Năng lượng cảm xạ và Dịch học. Đã thực hiện nhiều  nghiên cứu trắc nghiệm, tổng hợp nhiều báo cáo chuyên đề, đặc biệt đã chỉ đạo việc xây dựng các câu lạc bộ của Bộ môn trở thành các tổ chức hoạt động có hiệu quả. Có thể kể đến một số chuyên đề như: “Thư giãn với sức khỏe con người“ của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Kha; “Phục hồi sức khỏe bằng NLSH„ của Đại tá Lê Quang Ngọc  ở Xuân Mai ; “Thiền và Yoga Tây Tạng cho sức khỏe Thân và Tâm„ của cử nhân Trần Đức Hoài, “Sức mạnh vô thức“ của cử nhân Đoàn Thanh Hương.
Bộ môn Năng Lượng Sinh Học  đã góp phần xây dựng nền móng cho  công việc nghiên cứu Năng lượng sinh học ở Việt Nam. Từ những bước đi ban đầu  đầy khó khăn, vất vả, thiếu cán bộ nghiên cứu, thiếu kinh phí hoạt động, thiếu kinh nghiệm chuyên môn và biết bao thử thách với những quan điểm khác nhau trong xã hội, Bộ môn NLSH đã trưởng thành với một loạt các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, góp phần định hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và xã hội.
                                           TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Các báo cáo nghiệm thu đề tài thuộc lĩnh vực Năng lượng sinh học,  TT NCTN CN.
[2] Báo cáo của nhà thực hành Lê Quang Ngọc về phương pháp Tĩnh  tâm, nhất niệm.
[3] Bruno Groning – Cuộc cách mạng trong Y học (Hội Ái hữu Bruno Groning xuất bản)
[4] Đoàn Thanh Hương, Sức mạnh vô thức.



[1] PGS TS, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người
[2] Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng sinh học Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét