Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Hä Bïi lµng thÞnh liÖt víi ngh×n n¨m th¨ng long hµ néi

Hä Bïi lµng thÞnh liÖt víi ngh×n n¨m th¨ng long hµ néi

Gia tộc họ Bùi làng Thịnh Liệt, hay Họ Bùi Làng Sét, là một dòng họ nổi tiếng đã đóng góp nhiều nhân vật quan trọng cho các triều đại trong thời gian từ đầu thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20, cũng như nhiều văn hào, tác gia… của nền văn hóa Việt Nam trong 5 thế kỷ đó. Gia tộc này đã được nhắc đến trong nhiều sách và tài liệu như Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, cũng như nhiều bài báo khác.

  Bùi Xương Trạch (1451-1529) là ông tổ thứ ba của họ Bùi ở thôn Giáp Nhị( xã Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Ông là con trai lớn của Diễn Phúc Bá Tả Dụ (hay Trung Thức). Ông làm quan trong triều nhà Hậu Lê, giữ các chức vụ như Đông các Học sĩ, Thượng thư bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám... cũng như Thượng thư Trưởng Lục bộ (một chức vụ quan trọng điều khiển cả sáu bộ, tương đương như Tể tướng) kiêm Đô Ngự sử, và được vua phong tước Quảng Văn Hầu.  Bùi Xương Trạch nổi tiếng thanh liêm, được nhiều người kính phục và được nhắc đến trong nhiều tài liệu lịch sử. Khi chết ông được phong tặng chức Thái phó, tước Quảng Quốc Công và tên hiệu là Văn Lượng. Bia tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Nội còn ghi tên của Bùi Xương Trạch đỗ Đệ Tam Giáp Tiến sĩ năm 1478 cùng với 3 vị Tiến sĩ nữa của dòng họ là Bùi Vịnh: bảng nhãn năm 1532;  Bùi Bỉnh Quân: tiến sĩ năm 1619, và Bùi Huy Bích: hoàng giáp năm 1769.

Tương truyền, Bùi Xương Trạch là một người rất hiếu học, thời trẻ khi đi làm đồng ông cũng mang sách theo, nhà nghèo đêm ông bắt đom đóm cho vào chai để thay đèn, mệt quá, ông nằm nghỉ trên hai cái chày để đau mình sớm tỉnh lại. Vì là dân “chân trắng” nên ông phải thường kỳ cắt cỏ gánh lên kinh thành để nuôi ngựa trong cung điện. Có một lần, đúng vào đêm rằm tháng tám mà có nguyệt thực, vua truyền cho các quan coi việc văn từ làm thơ vịnh. Ông biết chuyện bèn làm bài thơ quốc âm dâng lên. Vua đọc tỏ ý tán thưởng bèn cho triệu đến ban lời khen ngợi, hỏi rõ họ tên quê quán và truyền cho miễn mọi lao dịch để có thể chuyên chú học hành.Năm 27 tuổi ông thi đỗ tiến sĩ, khoa ấy lấy đỗ 62 người chỉ có mình ông người Thanh Đàm. Ông làm hiệu thư, sau được bổ vào Viện Hàn lâm, khoa Đông Các rồi sau được thăng Đông các đại học sĩ. Thiên đô ngự sử, Thượng thư bộ Binh chưởng lục bộ, Hiệu trưởng Quốc Tử Giám. Ông là vị quan thanh liêm, không mảy may mưu tính việc riêng tư, bổng lộc triều đình ông đem chia cho họ hàng, làng xóm. Lòng nhân hậu và đức độ của ông được người đời ca tụng. Dòng họ Bùi của ông qua 7 thế hệ, hơn 200 năm không đời nào không có người làm nên sự nghiệp cả về văn lẫn võ.

Dòng họ Bùi  đóng góp rất nhiều vào văn hóa và văn học Việt Nam với các tác gia. Phải kể đến những tác giả như  Bùi Huy Bích (Tồn am thi văn tập, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển,...), Bùi Bỉnh Trục (Đản Trai trích đối, Đản Trai công thi tập), Bùi Phổ (Mão Hiên văn tập, Mão Hiên chuyết bút, Bùi thị gia phả...); sau đó là Bùi Vịnh (Đế đô hình thắng, Cung trung bảo huấn), Bùi Nhữ Tích (Minh đô thi). Đặc biệt không thể không nhắc tới  Bùi Xương Trạch với bài ký đình Quảng Văn tại cửa Đại Hưng của thành Thăng Long. Đây là một trong những tác phẩm viết bằng Hán văn, được chép trong nhiều văn tuyển xưa, là đại diện tiêu biểu cho nền văn học thị tinh triều Lê. Ông còn được phong tước Quảng Văn Hầu vì đã viết rất hay bài ký Đình Quảng Văn

Năm 1491 khoảng tháng 11, vua sai dựng ngôi đình ở ngoài cửa Đại Hưng, tức cửa Nam hoàng thành để treo những pháp lệnh công bố cho dân biết, sau đó vua trao cho Bùi Xương Trạch việc làm bài ký ghi lại việc xây dựng và nói lên ý nghĩa của công trình này.

Lê Thánh Tông mất năm 1497, thái tử Chanh lên ngôi vua, tức là Lê Hiến Tông. Bùi Xương Trạch được thăng từ Đông các hiệu thư (hàm chánh lục) lên Đông các học sĩ (hàm tòng ngũ). Năm Nhâm Tuất (1502), ông được cử làm giám thị khoa thi Hội, sau đó, do đức tính cẩn trọng trung thực, ông được lên chức Thiên đô ngự sử ở Ngự sử đài (hàm chánh ngũ).

Trong bài biểu tạ ơn còn được chép trong Lịch triều hiến chương có câu “chưa đến 6 tuần đã lên thất quý” (thất quý chỉ những người giữ chức vụ quan trọng trong triều) chứng tỏ rằng ông được thăng chức này trước năm 1510.

Lần lượt ông được trao nhiều chức vụ trọng yếu. Trước khi về hưu cùng một lúc ông kiêm nhiều chức lớn trong triều: Thượng thư bộ Binh, Chưởng lục bộ (có ý nghĩa là trông nom cả 6 bộ khác, tức gần như Tể tướng), Đô ngự sử (coi việc đàn hặc những chuyện sai trái trong triều), Tri kinh diên sự (đảm nhiệm việc giảng sách cho vua nghe và trình bày những điều hay dở), Tế tửu Quốc tử giám (đứng đầu trường học cao nhất trong nước, và đang ở thời kỳ phát triển khá mạnh dưới triều Lê Thánh Tông). Ông còn được phong tước Quảng Văn hầu. Tước hiệu này ghi lại tài văn học quảng bác của ông, và cũng có thể ghi lại cả vinh dự ông đã được vua trao cho viết bài ký đình Quảng Văn.

Trong thời gian cuối đời làm quan của ông, triều Lê trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc với những tên vua xa xỉ, dâm lạc như Uy Mục (1505 - 1509) và Tương Dực (1510 - 1516). Bùi Xương Trạch lấy cớ đau mắt cố xin về hưu vào năm Canh Thìn (1520) niên hiệu Quang Thiệu triều Lê Chiêu Tông. Ông mất ở nhà ngày 3 tháng 11 năm Kỷ Sửu (1529) thọ 79 tuổi, mai táng ở gò trong thôn, xứ Kim Lộc.

Về mặt văn học, một trong những tác phẩm thơ Nôm tương  đối cổ còn truyền lại được là bài thơ ông vịnh đêm rằm trung thu gặp nguyệt thực bằng quốc âm khi ông chưa đỗ vào năm 1476.  Bài thơ phiên âm như sau:

Lượt là vằng vặc rạng tơ hào

Phải mịt mù nay vị cớ bao

Nhân bởi hắc vân ngất phủ

Há rằng thỏ ngọc hay lao

Hằng Nga lấy đấy làm rông vát(2)

Thục đế từ nay kẻo ước ao(3)

Mực rằng đêm nay chẳng thấy nguyệt

Thu qua đông đến quế càng cao.

Bài thơ tả cảnh nguyệt thực là thật là sát, hai câu đầu tả cảnh trăng sáng bị che lấp, hai câu 3, 4 nói lý do: chính bị mây đen che phủ chứ không phải vì thỏ ngọc chạy rông đâu mất nên trăng bị tối mờ. Hai câu 5, 6 đưa ra mặt hay của nguyệt thực: Hằng Nga có dịp đi chơi và chàng Ngô Hy (từng làm phản xưng là Thục vương) không còn thấy được người cầm roi ở vầng trăng xui nên có những ước ao ngạo ngược. Hai câu kết luận cũng đầy lạc quan: đừng nên buồn về chuyện đêm trung thu không trăng, vì tháng sau cả mùa đông, trăng sẽ lại vẫn tròn và cây quế cung trăng sẽ cao hơn, khiến người bẻ quế tức người thi đỗ sẽ được một cành vươn cao hơn nữa, có nghĩa là thành công rực rỡ hơn.

Bài Ký đình Quảng Văn bằng Hán văn, là một bài nổi tiếng. Bài này có giá trị đặc biệt vì nó ghi lại khá rõ nét địa điểm đình Quảng Văn và khu lân cận, đồng thời biểu hiện một phần nào thời thịnh trị dưới triều Lê Thánh Tông, sự chăm sóc của triều đình đối với việc ban bố rộng rãi những chính lệnh để mọi người đều được biết và noi theo. Ta thấy đình Quảng Văn “ở mé ngoài cửa Đại Hưng; theo địa thế thì lầu phượng cao ngất ở phía trước, thành rồng bao vây ở bên ngoài, ngòi nước bạc và đường cấm vệ vòng quanh tả hữu”. Thành rồng đây chỉ thành Đại La, ngòi nước bạc (ngân câu) có thể là ngòi Bích Câu ở gần đấy hoặc ngòi chảy quanh làm hào bảo vệ thành.

Về hình dáng ngôi đình, bài ký viết “trụ cột trang nghiêm mà cao, đục chạm thật đơn giản, dù có thấp mà không xấu, đẹp mà không lộng lẫy. Quy mô như vậy là đúng mức”.

Bài ký còn nhấn mạnh về ý nghĩa tác dụng của ngôi đình sau khi treo yết những chính lệnh “công việc của muôn dân thiên hạ sẽ sáng như sao, rạng rỡ như vầng nhật, khiến cho việc tai nghe mắt thấy của bốn phương được thêm đổi mới, và biểu dương nền văn minh của một đời”.

Lời văn trong sáng và mạnh mẽ nhấn mạnh việc cần thiết công bố những văn bản chủ yếu của nhà nước để mọi người thứ dân đều có thể như được vua “ghé tai dặn đò, giáp mặt chỉ bảo” (nhĩ đề nhi diện mệnh), “văn hoá và đạo đức đều phát triển mở mang, không nơi xa xôi nào mà không tới”.

Bài ký có thể coi như tiêu biểu cho thời đại hưng thịnh dưới thời Lê Thánh Tông với một nền chính trị chú ý nâng cao phong hóa của đất nước, ,của đông đảo quần chúng.

Ngoài bài ký này làm dưới thời Hồng Đức, trong gia phả và Lịch triều hiến chương còn ghi lại hai bài biểu tạ ơn của Bùi Xương Trạch làm khi được thăng chức Hiệu thư đông các và khi đổi qua Thiêm đô ngự sử. Kể ra những bài biểu tạ ơn loại này thật không hiếm, bất cứ một ai đã đỗ đạt ra làm quan đều có thể làm và có nhiệm vụ làm mỗi khi có việc lên chức hay thuyên chuyển. Nhưng hai bản này sở dĩ được chép lại, vì ngoài giá trị văn học của nó, nó còn soi sáng về tâm thuật Bùi Xương Trạch và thời đại ông đang sống. Bài biểu thứ nhất nhằm tạ ơn việc thăng chức từ Học sĩ lên Hiệu thư đông các. Bài biểu làm ở giai đoạn đầu cuộc trị vì của Lê Hiến Tông, nó vừa tỏ lòng biết ơn, vừa nhắc tới thời thịnh trị của Lê Thánh Tông và hy vọng ở sự tiếp nối của vua mới “nay được gặp bệ hạ noi theo vũ công đời trước mở mang văn hoá làm sáng đức của mình, đổi mới việc chính trị cho dân, mở rộng đường giáo hóa, không lơi là người gần, không quên người xa, mở rộng đường khuyến khích công lao để lấy người hiền”(4).

Bài biểu thứ hai làm khi đổi sang Thiêm đô ngự sử, một chức gìn giữ pháp lệnh của triều đình, đã đòi hỏi đức tính can đảm dám vạch rõ những điều sai trái. Lúc này đương vào thời Uy Mục, chính sự nhiều điều đồi bại(5), bài biểu có ý nhắc tới trách nhiệm của vua: “nghĩ thần giữ chức đã lâu, không có bè cánh, biết thân với người ngay thẳng, có thể sử linh, quyền hành uốn cong chữa vạy gánh nặng trên cho, công việc xử trí quyết đoán, lòng trung trông cậy. Thần xin kính vâng lệnh vua, nguyện xin hết lòng... sẽ cố gắng khuyên can bằng nhân nghĩa, bày mưu nguyện bắt chước người xưa”.
Bùi Xuân Ngật(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét