Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

LƯỢC SỬ HỌ BÙI TRUNG HÀNH

LƯỢC SỬ HỌ BÙI TRUNG HÀNH

Thân thế và sư nghiệp của Tiên Tổ : BÙI CHÚA ĐÔ TƯỚNG CÔNG

         Họ Bùi Trung Hành xưa thuộc phủ Kinh Môn Tỉnh Hải Dương sau là huyện An Dương phủ Kiến Thụy. Theo truyền thuyết đây là dòng họ có mặt đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp khai phá ra vùng đất này. Ngày nay thuộc phường Đằng Lâm Quận Hải An thành phố Hải Phòng. Trung Hành gồm 4 khu dân cư Trung Hành 5,6,7,8 với diện tích trên 100ha, số hộ 1175, 4625 nhân khẩu, chiếm hơn nửa số dân phường Đằng Lâm. Trong đó người dân họ Bùi chiếm trên 300 hộ hơn 1000 nhân khẩu bằng khoảng ¼ số hộ số dân trong các khu dân cư Trung Hành.
          Dựa theo các chứng cứ đáng tin cậy thì cụ tổ họ Bùi có mặt ở mảnh đất này từ cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 tính đến nay đã được khoảng trên 500 năm.Cụ Tổ có tên:
                                                Bùi Chúa Đô Tướng Công
Hiệu :Hùng uy Tướng Quân
                                                Chức: Thượng Thư Bộ Lại
                                                Tước: Thao Quốc Công
                                                Chính Thất: Tổ Tỷ Quận Phu Nhân
                                                (Đã được liệt vào bậc Danh Thần)
                                                    Ngày giỗ 15 tháng 3 âm lịch
          Cụ Tổ Bùi Chúa Đô ngưòi làng Trung Hành huyện An Dương Phủ Kiến Thụỵ nay là khu dân cư Trung Hành phường Đằng Lâm quận Hải An thành phố Hải Phòng .
          Sinh Thời cụ là một người thông minh lanh lợi. Cụ là môn sinh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (TK XVI ). Là người có tài thao lược học hành giỏi giang trí tuệ hơn người nhưng danh phận của cụ vẫn chưa đạt được theo nguyện vọng. Đã ngoài 50 tuổi mà cụ chưa làm lên sự nghiệp công danh. Nghe và làm theo lời thầy dạy Cụ đã lập được công lớn cụ đã vớt được một người phụ nữ trang phục quan lại. Sau này được tin bên Tàu tìm người phải nhờ đến triều đình Việt Nam. Trong lúc đó Cụ đã báo lên quan trên và được người Tàu xác nhận. Cụ đã được thưởng nhiều đồ vật quý giá qua đó Cụ mới biết được rằng Cụ đã vớt được Thái Phu Nhân của Tổng Đốc Lưỡng Quảng ( Trung Quốc). Được thời cơ thuận lợi Cụ Tổ chúng ta luôn cố gắng rèn luyện học hành sau được Triều Đình trọng dụng. Cụ làm đến chức Thượng Thư Bộ Lại tước phong Thao Quốc Công ngang với phẩm hàm của thầy Trạng Trình (Trích trong sách Nguyễn Bỉnh Khiêm) (Trích từ trung tâm trí thức lạc việt). Với tài thao lược cụ đã góp phần xây dựng mối quan hệ bang giao với Trung Quốc thêm hữu hảo. Chính vì vậy để tri ân công đức của Cụ triều đình 2 nước đã tấn phong và ban thưởng cho cụ rất hậu .
         Cụ tổ chúng ta sinh hạ được 5 người con (4 người con trai và 1 người con gái). Người con trai đầu của cụ học hành thành đạt được triều đình bổ chức: Lương Khê Hầu Bùi Đổ sau này được vua Mạc Đăng Dung quý mến gả em gái là Mạc Thị Huệ hiệu là Khánh Diễm công chúa. Ông Bùi Đổ là người có tài có đức học cao hiểu rộng ông đã được nhà Mạc phong chức Thủ Tướng Lâm Quốc Công (trích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) ông cũng chính là Cụ Tổ cành Bùi Khắc. Ba người con trai còn lại đều có tài có đức được bổ nhiệm vào các chức quan lại sau khi mất được Vua ban tên chữ là Quý Công và 4 người con trai của Cụ đều được truy phong và chính là Cụ Tổ cuả 4 cành:
(Bùi Khắc - Bùi Quang - Bùi Đức - Bùi Xuân ) Nguười con gái của Cụ tên là Công Nương Bùi Thị Ngọc Xuyến hiệu Thục Rong Bà đã được gả cho ông Vũ Vĩnh Thái là Tiên Tổ họ Vũ Trung Hành. Trong phả tộc cũng như các văn bia đặt tại Mộ Tổ và nhà văn bia tại Đình làng. Còn ghi lại các vị không rõ thứ bậc đều là con cháu của Cụ Tổ chúng ta như:
Thủ Tướng Trấn Quốc Công Bùi Tướng Công hiệu Hoàng Đạt .
Triều Quan Tiến Công Gia tăng đặc tiên Kim Tử Vinh Lộc đại phu Duyên Khánh Hầu Bùi Công Thuỵ chính tín.
Gia tăng đặc tiên Kim Tử Vinh Lộc đại phu Thái Bảo Bùi Công Thuỵ.
Nam Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc Trưởng Phụ sử Bùi Phúc Thọ.
Triều Đông Vệ Ứng Nghĩa Long Tư Trung sĩ - Đô chỉ huy sứ Dịch Trung Bá Bùi Công Thuỵ
Quốc Tử Giám Giam sinh Thủ Tướng Lâm Quốc Công ….
           Lại nói về các họ khác ở làng Trung Hành là người ta lại nói đến Lục Tộc. Qua các văn bia đặt tại Đình Trung Hành (bia bàn định về thay đổi tế lễ hậu của Trung Hành) có nói đến 6 tộc, ngoài họ Vũ ra ta lại thấy bia có ghi:
             
            Khoa tiên tổ     tự Phổ Am   - Cụ tổ bà  Bùi Thị Lục (họ Khoa gốc Mạc).
            Lê tiên tổ         tự Quảng      - Cụ tổ bà Bùi Thị Thường.
            Đỗ tiên tổ         tự Trí Dũng - Cụ tổ bà Bui Thị Hàng.
                                                                                    (bia lập nam 1873)
            Qua các tư liệu trên ta càng thấy rõ dòng tộc họ Bùi Trung Hành có mối quan hệ máu thịt với các dòng họ khác trong làng.
            Về gia thế cụ tổ là một gia tộc gia phong nề nếp giàu có, con cháu thành đạt, song không hiểu vì lý do gì, cụ về đây dể khai hoang lập đất.
            Theo sách dư địa chí, Trung hành ngày xưa là một bãi sú vẹt, sông lạch chằng chịt, chạy dài ra tận biển Đông, thủy triều lên xuống thất thường, là nơi đầu sóng ngọn gió làm cho cuộc sống của người đi khai phá vô cùng vất vả. Song với lòng quyết tâm của người khai khẩn mở đất, mảnh đất đã không phụ công người, cây trồng đã cho ra hoa kết trái để nuôi sống con người. Con cháu cụ ngày càng đông, đất đai được mở rộng. “Đất lành chim đậu”, chính vì thế mà dân cư ở nhiều nơi dổ về đây sinh sống dần dần các Dòng  Họ cũng được hình thành (lục tộc) - Bia đặt tại Đình Trung Hành.
           Số người dần đông lên đất đai được mở rộng tên làng Trung Hành thuộc tổng Trung Hành được ghi vào bản đồ Quốc Gia (theo sách các tên làng xã Việt Nam thời phong kiến vùng đồng Bằng Bắc Bộ, trang 126) Tổng Trung Hành thuộc phủ Kinh Môn tỉnh Hải Dương ra đời từ đây. Đây là mảnh đất con cháu họ Bùi cùng các dòng tộc khác kế tiếp nhau sinh sôi nảy nở, phát triển cho đến tận ngày nay.
          Để tưởng nhớ người đã có công đầu mở đất, mỗi khi việc làng xã mở ra tổ chức tế lễ họ Bùi được mời lên thắp hương trước tiên. Đây là một vinh dự mà con cháu họ Bùi được ân hưởng. Việc làm này của làng xã với họ Bùi chúng ta là nghi thức luật bất thành văn nhưng đời trước vẫn cứ lưu truyền đời sau mãi mãi cho đến tận ngày nay.
         Con cháu cụ được hưởng phúc đời đời, được nhiều triều đại sắc phong, nhưng tiếc rằng những chứng cứ tư liệu đã bị mất, có thể là do thiên tai, địch họa, do thời gian tàn phá mà những tư liệu quý giá ấy không còn nữa. Đây là sự thiệt thòi cho các thế hệ hậu duệ Bùi tộc Trung Hành chúng ta.
        Các giấy tờ sắc phong bị mất nhưng hình như Tiên Tổ đã định liệu từ trước nên chúng ta vẫn có một văn bia đặt tại mộ tổ và một số văn bia đặt tại Đình Trung Hành. Chúng ta đã nhờ cụ Ngô Đăng Lợi nhà sử học và là Chủ tịch hội sử học TP Hải Phòng đã giúp đỡ dịch các văn bia. Qua đó chúng ta thấy được:
        Các hậu duệ của tiên tổ họ Bùi Trung Hành, có rất nhiều vị nối tiếp nhau giữ những chức vụ cao trong các triều đình trước đây để giúp dân giúp nước. Có những vị đứng hàng quan đầu triều. Như câu đối cổ còn lưu giữ tại từ đường:
       Sự quốc huân danh Lê Tiền Triều tướng tiếp
       Tại dân đức trạch Vũ lệnh tộc tính truyền
Trong các văn bia còn lưu tên các bậc tiền nhân đã học tại trường Quốc Tử Giám, trường Đại Học đầu tiên tại nước ta, các vị đã đỗ đạt được ra làm quan:
       Bùi Thiên Đô Tướng                Quốc Tử Giám
       Bùi  Húy Viên Sinh                   Quốc Tử Giám
       Bùi Thế Xứng tiên sinh            Quốc Tử Gíam
       Bùi Tướng Công                       Thủ tướng Quốc Tử Giám giám sinh
       Những vị đỗ đạt cao Quốc Tử Giám đều được bổ làm quan đầu tỉnh, dấu chân theo thể chế các triều đại.
      Để ghi nhớ công đức của các vị tổ tiên, đặc biệt là cụ tổ Bùi Chúa Đô, cách đây trên 200 năm, con cháu họ Bùi đã chung sức chung lòng xây đắp lên ngôi mộ tổ theo hình tượng “Bông sen sắp nở”, trên một gò đất cao, trên đỉnh ngôi mộ là hình chữ Vương, biểu thị là ngôi mộ danh gia vọng tộc nhưng rất tiếc ngôi mộ không còn nữa, ngôi mộ chỉ còn ảnh chụp laị.
         Con cháu họ Bùi ngày càng đông nhu cầu thờ phụng ơn đức tổ tiên cũng lớn dần lên, do đó Họ đã xây nên ngôi Từ Đường là nơi người họ Bùi Trung Hành hằng năm tổ chức cúng giỗ Tổ Tiên. Đặc biệt vào năm thứ 34 thời Minh Mạng, Từ Đường của Họ Bùi đã được xây dựng bề thế phỏng theo lối kiến trúc của một số công trình ở cố đô Huế: ”Nhất họa nhất thư” có nghĩa là mỗi bức họa có một bài thơ, với đường nét trạm trổ tinh sảo, hoa, lá, chim muông, rồng, phượng quấn quýt quanh bài thơ bằng chữ Hán. Chúng tôi đã nhờ người dịch nhưng vẫn chưa có kết quả. Ngôi từ đường có 3 gian bằng gỗ lim (nội cung, hai bên là nhà chè, đằng trước là sân tiếp theo là nhà tiền đường, kiến trúc theo chữ nhị(=) ngôi từ đường này vừa là vinh dự cho con cháu họ Bùi, vừa phần làm thỏa lòng báo hiếu của con cháu đối với Tổ Tiên. Trải qua hang mấy trăm năm ngôi Từ Đường đã bị hư hại nhiều chỗ, vừa qua con cháu của dòng họ đã đóng góp công sức, tiền của để trùng tu Từ Đường (nhưng vẫn giữ nguyên vẹn theo nếp cũ). Ngôi Từ Đường được tọa lạc trên diện tích 1009,9m2 nơi đây có thể nói là một tổng thể của dòng Tộc vừa có Từ Đường vừa có nơi đặt Mộ Tổ cùng 4 cụ Tổ cành. Lại có nhà văn bia đây cũng là trách nhiệm của con cháu và cũng là niềm tự hào của Dòng Tộc chúng ta phải giữ gìn xây dựng Từ Đường của chúng ta ngày một đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Vừa qua đã được UBND TP Hải Phòng quyết định công nhận xếp hạng Di Tích Lịch sử - Văn Hóa cấp TP theo quyết định số 889 / QĐ- UBND
      Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại đối với dòng tộc là một vinh dự lớn lao. Lễ đón nhận đã được lãnh đạo TP và lãnh đạo Quận Hải An cũng như lãnh đạo phường Đằng Lâm cùng 13 dòng tộc trong làng Trung Hành và đặc biệt có đoàn đại biểu của Bùi tộc toàn quốc - Đoàn đại biểu Bùi tộc TP cũng đến dự. Trong dòng họ tất cả con cháu và các  cụ phụ lão trong dòng tộc đều đi đón Bằng Di Tích về Từ Đường. Buổi lễ được tổ chức rất hoành tráng. Đây là niềm tự hào của dòng tộc và cũng là sự quan tâm của Quốc Gia và thành phố đã tri ân tổ tiên của chúng ta.
         Tháng năm dần trôi, qua mỗi thời kỳ, qua mỗi triều đại người họ Bùi chúng ta đều có những người có học vấn cao, có đức độ đã ra làm quan để giúp nước, giúp dân. Đến thời kỳ Cách Mạng Việt Nam ra đời, họ Bùi Trung Hành đã có nhiều người đi theo lá cờ cách mạng cuả Đảng ngay từ những ngày đầu tiên (theo lịch sử Đảng Bộ huyện Hải An).
         Có những người tham gia quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Đến cuộc  kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dòng tộc chúng ta lại động viên con cháu mình lên đường đi giải phóng Miền Nam theo tiếng gọi của Đảng cùng với dân quân cả nước, người họ Bùi chúng ta đã anh dũng chiến đấu không tiếc máu xương, không ngại gian khó. Năm 1975 cuộc kháng chiến đã được hoàn toàn thắng lợi những người con của họ Bùi trở về với vinh dự có người mang đầy huân chương cũng có người là thương binh, nhưng cũng có những người không bao giờ trở về dòng họ chúng ta có 14 liệt sĩ các anh đã là niềm vinh dự của dòng họ. Người họ Bùi anh dũng chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ đất nước thì trong hòa bình lại siêng năng học tập theo gương cha ông. Dòng ho chúng ta có nhiều người là kĩ sư, bác sĩ, giáo viên hay những vị giữ trọng trách trong chính quyền các cấp như: Bí Thư Đảng Ủy, Trưởng phó phòng các cục, quận, huyện …
          Qua một số tư liệu thống kê trên chúng ta có thể tự hào về dòng tộc của mình. Thành quả ấy là công sức của nhiều đời, nhiều gia đình, nhiều cá nhân trong Dòng Tộc đã phấn đấu lao động, học tập, chiến đấu mà có. Chúng ta có ngày hôm nay là do công ơn của Tiên Tổ vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm phải báo đền .
           Lịch sử của cả dòng họ đã kéo dài gần 500 năm, người ho Bùi phải nên biết những truyền thống hào hùng, những công lao to lớn của Tiên Tổ để răn dạy con cháu ghi nhớ lấy đó làm gương noi theo để làm rạng danh dòng tộc. Để xứng đáng làm con cháu họ Bùi Trung Hành.
            Chúng ta hãy phấn đấu xứng đáng với truyền thống của cha ông xứng đáng là người họ Bùi như lời cụ Lê Qúy Đôn đã viết trong kiến văn tiểu lục :
“Con cháu sinh sôi nảy nở
Công danh sự nghiệp rạng rỡ vẻ vang
Từ đời Lê Trung Hưng
Bầy tôi kế thế
Tộc thuộc lớn lao
Nói đến nhà quý hiển nhất
Chỉ có họ Bùi mà thôi”
Trong bài viết này chắc chắn chúng tôi còn thiếu rất nhiều tư liệu vì vậy mong rằng những người quan tâm đến dòng Tộc và con cháu của Bùi Tộc nếu tìm kiếm được những tư liệu xin gửi về cho Ban Khánh Tiết chúng tôi tập hợp để viết lên (lược sử của dòng Tộc chúng ta) sẽ đầy đủ hơn và có ý nghĩa hơn rất mong mọi người quan tâm .
          Ban Khánh Tiết Họ Bùi Trung Hành chúng tôi xin vô cùng cám ơn
                                                                                  Trung Hành,ngày 2 tháng 8 năm 2010
                                                                                          Ban Khánh Tiết Họ Bùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét