Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ LÝ NHẬT QUANG

KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ LÝ NHẬT QUANG
MỘT TRUNG TÂM VĂN HÓA, TÂM LINH TẠI ANH SƠN NGHỆ AN

                                                                           PGS TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên
Lý Nhật Quang huý là Lý Hoảng là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, mẹ là Trinh Minh Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân (theo các nhà nghiên cứu là con của Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga), hiệu là Bát lang hoàng tử. Như vậy, ông là em cùng mẹ với vua Lý Thái Tông. Lý Nhật Quang nổi tiếng thông minh, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử.  Ông được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm thành rường cột nước nhà. Nghệ An là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, triều đình phải nhiều phen dẹp loạn. Từ năm 1041, sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại. Ông đã cho làm sổ sách thống kê hộ khẩu, nhân đinh. Theo sử gia Phan Huy Chú: "Đời , việc kiểm soát hộ tịch rất là nghiêm ngặt. Dân đinh nào đến 18 tuổi thì biên vào sổ bìa vàng, gọi là Hoàng nam, đến 20 tuổi gọi là Đại Hoàng nam". Những biện pháp quản lý xã hội của Lý Nhật Quang cùng với sự độ lượng và tư tưởng thân dân của Ông dần dần đã cảm hoá và quy phục được tất cả mọi tầng lớp nhân dân, làm cho vùng đất vốn phức tạp đã trở nên bình yên, thuần hậu và thống nhất.
            Năm 1044, Lý Thái Tông cất quân đánh Chiêm Thành, nhờ có Trại Bà Hoà kiên cố và đầy đủ lương thực do Lý Nhật Quang tạo dựng, quân sĩ yên tâm chiến đấu. Lý Nhật Quang được vua phong từ tước Hầu lên tước Vương ”Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.”
Lý Nhật Quang hết sức coi trọng việc phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân mở mang nghề nghiệp, khai thác mọi tiềm năng của vùng đất xứ Nghệ.
Thần tích đền Quả Sơn đã ghi rõ: "Ngài ở châu 19 năm, trừng trị kẻ gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân về với Ngài được yên nghiệp. Ngài thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết. Người dân đến kiện tụng thì lấy liêm, sỹ, lễ, nghĩa giảng dạy làm cho tự giác ngộ, ai nấy đều cảm hoá, không bàn đến chuyện kiện cáo nữa. Mọi người đều gọi Ngài là Triệu Công".
Câu đối tại đền Quả đã khái quát được công trạng của ông:
Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền lưu vạn đại,
Lừng danh tông tộc, núi sông ghi nhớ đến nghìn năm.
Hiện vẫn còn nhiều giả thuyết về cái chết của Lý Nhật Quang. Thần phả đền Quả Sơn viết rằng Lý Nhật Quang hi sinh trong trận chiến với giặc, bị chém ngang cổ nhưng đầu không lìa, đến núi Quả thì ngựa quỵ xuống, ông qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1057. Theo truyền thuyết, khoảng năm 1057, miền biên giới do Ngài cai quản bị bọn phỉ Lão Qua (nước Lào) thường xuyên vượt biên sang cướp phá. Trong một lần đưa quân đi dẹp loạn, Lý Nhật Quang bị thương rất nặng, khi ông chạy qua địa phận xã Đại Điền (nay là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) ông đã để lại huyết tích. Sau này khi ông mất, người dân Vĩnh Sơn đã xây ngôi đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ông. Theo thống kê, tại Nghệ An, Hà TĩnhThanh Hoá, có hơn 50 đền thờ Lý Nhật Quang, Trong đó ngôi đền chính nổi bật nhất là đền Quả tại huyện Đô Lương
Trải qua các cuộc chiến tranh đền thờ Ngài Lý Nhật Quang tại Vĩnh Sơn, Anh Sơn Nghệ An bị xuống cấp hư hỏng và bị phá bỏ. Tại Vĩnh Sơn, Anh Sơn ngoài đền thờ Ngài Lý Nhật Quang, một số chùa chiền miếu mạo cũng bị phá hủy. Trong xã không còn một địa điểm nào cho bà con thờ cúng và hoạt động tâm linh. Có nhiều thông tin về những hậu quả do phá đình chùa miếu mạo tại địa phương. Anh Nguyễn Sỹ Ngọc, một người con của Vĩnh Sơn, đau đáu một tâm nguyện: khôi phục lại đền thờ Lý Nhật Quang. Anh còn có ý định xây dựng một cơ sở y tế để mời thầy giỏi về chữa bệnh cho bà con. Tục truyền tại xế cửa đền Lý Nhật Quang là mộ của một thày thuốc tài giỏi. Anh Ngọc đã phát tâm xây lại đền, đóng góp phần lớn kinh phí xây dựng trong khi anh chưa có ngôi nhà riêng cho chính mình. Anh vừa làm công tác thuyết phục bà con và các cấp chính quyền cho phép xây dựng, vừa chuẩn bị kinh phí và các thủ tục tâm linh. Nhà phong thủy - ngoại cảm Doãn Phú, Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi và Nhà phong thủy Dương Thị Liễu (thuộc trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người trước đây, nay đều là cán bộ của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) đã hỗ trợ khảo sát về phong thủy và tâm linh trước khi tiến hành xây dựng. Trung tâm Nghiên cứu TNCN trước đây và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã tổ chức đưa các nhà ngoại cảm và phong thủy vào khảo sát, chọn hướng và kích thước xây đền. Các kết quả khảo sát và chọn hướng trùng hợp nhau chứng tỏ một sự kết hợp thành công giữa phong thủy và tâm linh. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi đã công đức toàn bộ các pho tượng của ngôi đền, theo dõi sát sao từng bước xây dựng đền và làm các nghi thức tâm linh trong suốt quá trình xây dựng.
Năm 2009, công trình đền thờ Lý Nhật Quang được khởi công xây dựng, với kinh phí dự tính hơn 5 tỷ đồng (tiền chi thực tế cho đến nay gần 10 tỉ đông), bao gồm các hạng mục chính: thượng điện, hậu cung, miếu thờ thần y và nhà tiếp khách. Khuôn viên đền khá rộng rãi và những hàng cây xanh trồng xen kẽ. Có nhiều chuyện linh ứng xảy ra hôm làm lễ khởi công và trong quá trình xây đền. Lễ khởi công xây dựng kết thúc, đoàn đại biểu về trụ sở Ủy ban xã đã thấy một con bướm rất đẹp, to cỡ hai bàn tay đậu trên cửa phòng Bí thư Đảng ủy. Khi Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi nói thì đôi cánh bướm như vẫy mừng. Chị Nghi đưa bướm vào trong phòng rồi để đậu trên một hộp giấy ở nóc tủ tài liệu. bướm đã ở đó rất lâu. Hôm chuẩn bị Lễ khánh thành, một con bướm to đẹp như thế đậu trên ngực đồng chí chủ tịch xã hơn hai tiếng đồng hồ trước sự chứng kiến của nhiều người. Đoàn cán bộ Viện về dự Lễ khánh thành đền đã được chính đồng chí Chủ tịch xã kể về hiện tượng rất lạ này. Đền xây sắp xong, một trận lũ của sông Lam làm sạt một khoảng đất lớn trước đền. Người dân lo lắng, nếu tiếp tục sạt lở thì ngôi đền có nguy cơ bị cuốn đi. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi thông báo từ xa là ngôi đền sẽ an toàn. Đúng như vậy, khoảng đất bị sạt trôi đi không bị lật úp, mà như trôi tịnh tiến ra xa nhưng giữ song song với bờ, cây cối vẫn đứng thẳng. Mấy tiếng sau đất lại tràn vào chỗ bị sạt, nối với khoảng đất bị trôi và làm cho sân đền rộng ra. (Thông tin này đã được nhân dân và chính quyền địa phương xác nhận và còn dấu tích cho đến bây giờ, khi Đoàn của Viện về dự lễ khánh thành ngôi đền).
 Có thể các sự kiện trên chỉ là ngẫu nhiên song rất nhiều người tin rằng đó là sự linh ứng của Trời Đất và của Ngài lý Nhật Quang.
          Lễ khánh thành ngôi đền trở thành ngày hội lớn của nhân dân Vĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. Từ đây người dân ở Vĩnh Sơn có một địa chỉ tâm linh để thờ cúng và làm chỗ dựa tinh thần. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét