Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU

Bài đã đăng trong Bản tin số 01 Viện NC & ƯD TNCN

NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ DI CHÚC CỦA BÁC HỒ
Nguyễn Phúc Giác Hải
  
Từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đến Tuyên ngôn độc lập 2 – 9

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945, Bác Hồ đã dẫn câu mở đầu của Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Giữa Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 4.7.1776 với Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945 có nhiều sự trùng hợp.
Trên thế giới người ta đã nói nhiều đến sự trùng hợp đặc biệt của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Chẳng hạn: Người ta đã phát hiện sự trùng hợp về cuộc đời và sự kiện của hai Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln và Jonh F. Kennedy xảy ra cách nhau đúng 100 năm:
Năm 1860 Lincoln được bầu làm Tổng thống với 50% phiếu bầu, đánh bại đối thủ là S. A. Douglas, sinh năm 1813. 100 năm sau, năm 1960 Kennedy cũng được thắng cử vào nhà trắng với số phiếu xấp xỉ 50%, đánh bại đối thủ là Richard Nixon, sinh năm 1913, 100 năm sau so với  Douglas:
Phó tổng thống của Lincoln là Andrew Johnson, sinh năm 1808, còn Phó tổng thống của Kennedy là Lyndon Johnson, sinh năm 1908 cách nhau đúng 100 năm. Lincoln bị ám sát vào ngày thứ Sáu, 15.4.1865. Kennedy cũng bị ám sát vào ngày thứ Sáu, 22.11.1963 v.v…
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những sự trùng hợp đặc biệt tương tự. Người viết bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ là Thomas Jefferson (sinh ngày 13.4.1743) mất ngày mồng 4.7.1826, đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 4.7.1776. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2.9.1945 (Ất Dậu) và cũng mất đúng vào ngày mồng 2.9.1969 (Kỷ Dậu), ngày kỷ niệm 24 năm ngày Tuyên ngôn độc lập.
Ngày nay khi vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Bác, mọi người đều nhìn thấy hàng chữ nổi trên bức tường của cửa Lăng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là câu nói nổi tiếng của Bác trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước chống Mỹ cứu nước phát trên Đài tiếng nói Việt Nam năm 1966: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Ngày hôm nay đoạn văn trên đã thực sự là một lời tiên tri. Chúng ta đã và đang xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn và to đẹp hơn, và Thủ đô ta huy hoàng hơn nhất là vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long này.
“ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC” đã là tiêu đề trên mọi công văn giấy tờ của đất nước ta và TỰ DO là khát vọng tiến tới của toàn nhân loại. Thế nhưng chúng ta ít biết rằng người nêu lên khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lại có một sự trùng hợp kỳ lạ liên quan đến Tượng thần Tự do của nước Mỹ. Tượng Nữ thần Tự do, một biểu tượng đặc trưng của nước Mỹ được dựng ở cửa biển NewYork tượng cao 46m, cả bệ cao 92m. Tay phải của tượng cầm bó đuốc với ý nghĩa “Tự do soi sáng thế giới”. Đó cũng là tên đầy đủ của pho tượng. Tay trái của tượng cầm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, với hàng chữ: 4.7.1776. Tượng thần Tự do là quà tặng của nước Pháp cho nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, nhưng mãi đến năm 1886 mới hoàn thành. Tượng có bản mẫu đầu tiên cao 2m 87 được nhân lên 16 lần để thành bức tượng Tự do cao 46m ở NewYork. Nhân dân NewYork quyên góp tặng lại cho nước Pháp một pho tượng nhỏ hơn cao 13m, đặt ở một hòn đảo nhỏ bên cầu sông Seine của thành phố Paris. Trong dịp Đấu Xảo Đông Dương tại Hà Nội năm 1887, người Pháp đưa pho tượng gốc 2m 87 này sang triển lãm tại Hà Nội. Sau đó tượng được đặt ở Vườn hoa nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ, ở vị trí gần tượng Lý Thái Tổ bây giờ. Năm 1890, để tìm chỗ cho việc đặt tượng Paul Bert, người Pháp chuyển tượng Thần Tự do lên nóc Tháp Rùa (xem các bài viết của Nguyễn Phúc Giác Hải, “Hà Nội đã từng có tượng Thần Tự do trên nóc Tháp Rùa”, đăng ngày 1.8.2005, trên báo Người đại biểu nhân dân và một số tờ báo khác). Kỳ lạ thay khi tượng Thần Tự do xuất hiện trên nóc Tháp Rùa vào năm 1890 thì cũng là năm ra đời của người sau này sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những điều kỳ diệu trong Di chúc của Bác Hồ
1. Như một lời tiên tri:
Trước khi qua đời vào ngày 2.9.1969, Bác Hồ đã để lại một bản Di chúc kỳ diệu. Bản Di chúc mở đầu bằng câu: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.
“Tôi có ý định đến ngày đó tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta
Những lời ấy một lần nữa lại như một lời tiên tri vì cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30.4.1975. Mặc dù Bác đã không còn để thực hiện những điều mà Bác dự tính sẽ làm vào ngày đó, nhưng ngày toàn thắng mọi người vẫn thấy như có Bác ở bên.
2. Bảy mươi chín mùa Xuân!
Bác đã ra đi vào đúng ngày Tuyên ngôn độc lập  2.9, lúc người 79 tuổi
Bác viết tiếp trong di chúc:
“Về việc riêng – suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt Thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Kỳ lạ thay đoạn viết về việc riêng trong Di chúc tổng cộng có 79 chữ ứng với cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác.
3. Con số Vàng của lịch sử
Cuộc đời của Bác là một trang sử vàng của Đảng và dân tộc. Nhưng kỳ lạ thay con số 79 mùa Xuân của cuộc đời Bác cũng là con số vàng của Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Trong Bảng tuần hoàn các nguyên tố, nguyên tố vàng (Au) nằm ở ô số 79. Vàng là một nguyên tố thuần khiết trong số 20 nguyên tố của bảng Mendeleev không có đồng vị.
4. Từ con số Vàng đến con số Pi
Để nói về sự sẽ ra đi của mình trong di chúc viết ngày 10.5.1969, Bác đã viết:
 “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng ‘Nhân sinh thất thập cổ lai hi’ nghĩa là ‘người thọ bảy mươi, xưa nay hiếm’.
Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người ‘xưa nay hiếm’ nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”.
Trong đoạn trên ta thấy Bác đã nhắc đến hai con số 70 và 79.

70 là một số tự nhiên.
79 là một số nguyên tố
Nếu ta lấy tổng các số tự nhiên từ 1 đến 70, chia cho tổng các số nguyên tố từ 2 đến 79, ta sẽ có con số Pi kỳ diệu 355/113. Con số này được nhà toán học Tổ Xung Chi ở Trung Quốc phát hiện từ thế kỷ thứ IV mà một chục thế kỷ sau các nhà toán học thế giới mới phát hiện lại. Phân số 355/113 cho ta một số Pi sát đúng đến số lẻ thứ 7: 3,1415929. Trị số đúng ở số lẻ thứ 7 là 3.1415926, có nghĩa phân số này ch ỉ  sai có 3 phần 10 triệu. Cho đến nay các máy tính điện tử cho thấy không có phân số nào nhỏ hơn 355/113 mà lại có trị số sát đúng đến như thế. Bởi thế con số Pi 355/113 được gọi là con số Pi thần kỳ. Tên tuổi của Tổ Xung Chi được Liên Xô đặt tên cho một ngọn núi ở phía sau Mặt Trăng.
Kỳ lạ thay trong Di chúc Bác Hồ ta có con số Pi này:
Tổng các số tự nhiên : 1 + 2 + 3 + 4 + 5 +....+ 70 =  2485  = 7 x 355
Tổng các số nguyên tố: 2 + 3 + 5 + 7 + 11 + ....+ 79 = 791  = 7 x 113
Chia hai tổng đó với nhau ta được con số Pi thần kỳ : 355/113.
                                    (xem KHĐS, số 2.9.2005)
5. Bác Hồ nói về thế giới tâm linh
Vì để mọi người khỏi bất ngờ về việc ra đi của mình, Bác đã viết :
“Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa ? Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.
Chúng ta đều biết Bác Hồ là người thận trọng từng câu từng chữ trong khi viết. Nhìn bản Di chúc viết tay của Bác được công bố, ta thấy Bác đã sửa đi sửa lại nhiều lần bản Di chúc này. Vậy mà Bác viết, sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin... Ở đây nếu chỉ để nói bóng bẩy về sự ra đi của mình thì có thể Bác sẽ viết “Tôi sẽ ra đi như các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị đàn anh khác”. Thế nhưng Bác đã viết “tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin ... ” chắc chắn Bác phải có chủ ý. Có những điều Bác không nói rõ nhưng Bác có cách để mọi người hiểu chủ ý của Bác. Chẳng hạn ta biết  rằng Bác vốn có chủ trương cải cách chữ quốc ngữ nhưng Bác biết rằng không thể làm ngay được, nên trong văn bản của Bác và cả trong Di chúc, Bác vẫn viết theo lối chữ cải cách mà Bác đã chủ trương. Như nhiều người nói, Bác là người có nhiều trực giác và tâm linh. Bác tiên tri được nhiều việc, và điều tiên tri kỳ lạ nhất là từ năm 1941 Bác đã viết “1945 Việt Nam độc lập”. Chúng ta có thể tin chắc rằng Bác hàm ý về một thế giới tâm linh, một thế giới bên kia mà khi Bác đi xa Bác sẽ gặp lại Các Mác và Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác.
Đây không phải là suy nghĩ riêng của người viết bài này mà là những cảm nhận viết thành văn của một người đã sống bên cạnh Bác : Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại và tương lai”, NXB Sự thật, Cố Thủ tướng đã viết : “Trong những lời dặn lại, Bác Hồ có nói sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các bậc đàn anh khác. Trí tưởng tượng của tôi  hình dung cuộc gặp giữa Bác Hồ với những người thầy sáng lập học thuyết Mác – Lênin biết bao ý nghĩa và hào hứng” . Cố Thủ tướng cũng hình dung cuộc gặp gỡ giữa Bác và Nguyễn Trãi : “Hai người chắc rất hào hứng ôn lại lịch sử của dân tộc và của thế giới. Bác Hồ có thể đem lại cho Nguyễn Trãi biết bao cái mới trải qua năm thế kỷ đầy những diễn biến không sao tưởng tượng được từ thời Nguyễn Trãi. Nhưng rồi hai người cũng thấy cái bất biến của dân tộc Việt Nam ta, rất thích thú về những truyền thống đẹp đẽ và hào hùng của dân tộc:
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Dùng trí nhân thay cường bạo”.

Như vậy chúng ta có thể nói rằng khi viết di chúc “Tôi sẽ đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin”, Bác đã nhắc nhở cho chúng ta về thế giới tâm linh mà chúng ta phải nghiên cứu.
Tuyên ngôn độc lập 2.9 và Di chúc của Bác Hồ là những bản kỳ văn để lại cho muôn đời:
Tuyên ngôn thiên cổ tại
Di chúc vạn niên xuân!


 NPGH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét