Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

ỨNG DỤNG PHONG THỦY

Bài đã đăng trong Bản tin số 01 Viện NC & ƯD TNCN

ỨNG DỤNG PHONG THỦY TRONG
QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ & NÔNG THÔN
TS Doãn Quốc Khoa
     Phong Thủy là những lý luận và kinh nghiệm được đúc rút từ hàng nghìn năm trong hoạt động tạo lập môi trường sống cho con người ở một số nước Phương Đông, trong đó có Việt Nam. Nói một cách khác, Phong Thủy chính là lý luận quy hoạch xây dựng (QHXD) và thiết kế kiến trúc của thời cổ, trung đại. Lịch sử QHXD ở Việt Nam gắn liền với việc ứng dụng Phong Thủy  trong việc chọn địa điểm và bố cục không gian các đô thị, khu chức năng như kinh đô Thăng Long, kinh đô Phú Xuân, thành Nhà Hồ và nhiều trấn thành, làng mạc, trị sở, khu lăng tẩm ... Một số trong đó đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa với giá trị về ứng dụng Phong Thủy được công nhận.
Thời hiện đại, các điều kiện về xây dựng đô thị, nông thôn đã thay đổi khác hẳn cả về kinh tế - xã hội, công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên, việc chối bỏ lý luận cổ truyền để áp dụng lý luận QHXD du nhập từ  phương Tây đã lộ dần những khoảng trống trong  lý thuyết và thực tiễn QHXD đối với nền văn hóa còn nhiều nặng nợ với truyền thống như Việt Nam. Tuy không rõ ràng và phổ biến bằng hiện tượng ứng dụng Phong Thủy trong thiết kế kiến trúc, nhưng nếu tinh ý có thể thấy một xu hướng ứng dụng Phong Thủy vào QHXD đã xuất hiện. Một trong những ví dụ  là trường hợp sử dụng nguyên lý Phong Thủy để chọn vị trí khu Trung tâm hành chính mới của quốc gia tại chân núi Ba Vì cũng như việc quy hoạch một trục đường lớn (lúc đầu còn được gọi tên là “Trục tâm linh”) nối Hồ Tây với khu Trung tâm HC mới của đồ án QH chung Thủ đô Hà Nội ba năm trước  (Việc hai giải pháp quy hoạch quan trọng nói trên lại bị phản bác cũng chính bằng nguyên lý Phong Thủy, đã thể hiện tính phức tạp và hai mặt của việc ứng dụng Phong Thủy trong QHXD). Qua ví dụ trên cũng như xu hướng ứng dụng Phong Thủy trong đồ án QHXD đang có chiều hướng lan rộng, có hhai vấn đề lớn cần giải đáp:
-          Thái độ của những nhà chuyên môn và quản lý QHXD nên như thế nào đối với việc ứng dụng Phong Thủy trong QHXD: cấm đoán, cho phép hay không cần quan tâm đến hiện tượng này ? 
-          Nếu có thể ứng dụng Phong Thủy trong QHXD thì ứng dụng vào những loại đồ án nào, nội dung nào  trong một đồ án QHXD cụ thể.
     Bài viết xin được trao đổi quan điểm cá nhân về hai vấn đề trên.
Vấn đề thứ nhất:
     Không nên cấm đoán và thực tế là không thể ban hành một văn bản pháp luật có tính khả thi để xử lý được về vấn đề này. Phong Thủy và QHXD cùng có mục đích là tổ chức không gian môi trường sống nên khó có thế phân định có hay không có ứng dụng Phong Thủy trong đồ án QHXD (trừ phi nhà QH tự nhận). Để cấm đoán, phải có các chế tài xử phạt việc ứng dụng Phong Thủy. Điều này cũng không khả thi vì Phong Thủy bao gồm hệ thống các tiêu chí và nguyên tắc chung, không có những thông số cụ thể để có thể đưa vào khung xử phạt được.   
     Việc không quan tâm đến hiện tượng này sẽ gây hại cho xã hội cũng tương tự như trường hợp ứng dụng Phong Thủy trong thiết kế kiến trúc công trình: ứng dụng  máy móc, tùy tiện các tiêu chí, nguyên tắc Phong Thủy mà không chọn lọc  đã ảnh hưởng đến yêu cầu thích dụng, kinh tế  và bố trí trang thiết bị  ... Đối với QHXD, việc ứng dụng Phong Thủy nếu không có nghiên cứu nghiêm túc và lồng ghép hợp lý với nguyên lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn QHXD thì thậm chí tác hại lớn hơn nhiều lần và lâu dài do quy mô và tính kinh tế - xã hội – kỹ thuật – môi trường của sản phẩm QHXD rộng lớn hơn một công trình kiến trúc đơn lẻ.
     Bởi vậy các nhà nghiên cứu lý luận và quản lý về QHXD nên coi hiện tượng ứng dụng Phong Thủy vào QHXD là cần thiết và đưa ra các định hướng, hướng dẫn để việc ứng dụng không bị tùy tiện. Nếu việc ứng dụng Phong thủy được lồng ghép hợp lý với nguyên lý QHXD hiện đại sẽ không chỉ góp phần xây dựng nền kiến trúc – QHXD hiện đại và bản sắc dân tộc như định hướng chung  mà còn góp phần tạo thêm giá trị về môi trường sống theo tiêu chí Phong Thủy cho các không gian đô thị và nông thôn.
Vấn đề thứ hai:
     Nếu cho phép thì ứng dụng Phong Thủy trong QHXD như thế nào ? Đây là vấn đề lớn, để giải đáp thấu đáo phải có sự  tham gia  của nhiều cơ quan nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và nhiều nhà chuyên môn QHXD cũng như các nhà nghiên cứu Phong Thủy có trình độ. Trong khuôn khổ bài viết chỉ có thể đưa ra một số nét chính về khả năng ứng dụng Phong Thủy trong QHXD (tất nhiên là có chọn lọc những tiêu chí, nguyên tắc còn giá trị và phù hợp với thời đại).
     Vì cùng chung mục đích (tổ chức môi trường sống) và đối tượng nghiên cứu (tổng thể các thành phần không gian) nên Phong Thủy  có thể được vận dụng  trong tất cả các loại đồ án QHXD và QHĐT; từ QHXD vùng, QH đô thị (QH chung, QH phân khu, QH chi tiết) đến QHXD  nông thôn.
     Về nội dung Phong Thủy có thể kết hợp với nguyên lý QHXD hiện đại trong các nội dung lập đồ án QH. Trong nội dung đánh giá điều kiện tự nhiên – hiện trạng, việc ứng dụng Phong Thủy sẽ bổ sung một góc nhìn về chất lượng môi trường sống theo tiêu chí Phong Thủy, phát hiện các điểm mạnh cần khai thác, phát huy cũng như các điểm yếu cần khắc phục, những khu vực phải bảo vệ hoặc hạn chế tác động ... . Đối với nội dung  xác định tính chất chức năng và các chỉ tiêu QH, các tiêu chí lý tưởng của môi trường Phong Thủy cũng có thể góp phần xây dựng tiêu chí cho khu vực được QH hoặc hoàn thiện thêm về quan điểm, nguyên tắc QH. Đặc biệt các tiêu chí và nguyên tắc Phong Thủy có thể được vận dụng trong nghiên cứu đề xuất và lựa chọn giải pháp tổ chức không gian, từ chọn đất, tổ chức cơ cấu các khu chức năng đến tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan. Đối với QH hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, việc ứng dụng Phong Thủy để vạch tuyến giao thông chính, bố trí các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là các công trình nghĩa trang, khu tập kết xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xây kè, đào hồ ... có thể hạn chế các tác động xấu đến cấu trúc của môi trường Phong Thủy.
     Để có thể ứng dụng Phong Thủy trong QHXD được hiệu quả, các nhà QHXD cần liên kết phối hợp và cùng làm việc với các nhà nghiên cứu Phong Thủy trong toàn quá trình tổ chức lập QHXD, từ đi thực địa nghiên cứu hiện trạng đến cùng nghiên cứu, bàn bạc đề xuất các phương án đến đánh giá, lựa chọn phương án. Việc không làm việc thành nhóm mà tách rời giữa các nhà QH với chuyên gia Phong Thủy hoặc làm xong phương án mới lấy ý kiến về Phong Thủy sẽ không thể đạt kết quả như mong muốn, thậm chí lại tạo ra một sản phẩm khập khiễng.
Kết luận
     Ứng dụng Phong Thủy nói chung và trong QHXD đô thị và nông thôn là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc sâu xa từ cốt lõi của văn hóa mà chúng ta không nên phủ nhận hoặc coi nhẹ mà  cần trân trọng và có định hướng bằng các nghiên cứu thật sự khoa học. Thiết nghĩ các cơ quan tư vấn QHXD  hoặc quản lý QHXD không thể đứng ngoài cuộc mà cần đầu tư  những đề tài nghiên cứu về việc ứng dụng phong thủy vào đồ án QHXD ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau để rút ra những tiêu chí, nguyên tắc nào của Phong Thủy còn có giá trị có thể kế thừa, những tiêu chí, nguyên tắc cần biến đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội – kỹ thuật – công nghệ hiện đại cũng như đảm bảo quy định của hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn QHXD hiện hành.
      Một điều kiện đủ nữa để việc ứng dụng Phong Thủy vào QHXD có hiệu quả và chất lượng là phải trang bị kiến thức về Phong Thủy cho những chuyên gia QHXD. Việc ứng dụng Phong Thủy chỉ có thể thành công khi chính những nhà tư vấn QHXD có kiến thức nhất định và đúng đắn về giá trị của Phong Thủy và việc ứng dụng vào công việc nghiên cứu thiết kế QHXD của mình một cách tự nhiên, hòa quyện với các kiến thức khác trong toàn quá trình thiết kế đồ án QHXD. Rất mong các cơ sở đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư liên quan đến kiến trúc và QHXD đưa môn “Phong Thủy học” vào chương trình đào tạo chính thức.
     Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, nhờ việc ứng dụng Phong Thủy mà các sản phẩm QHXD đô thị và nông thôn Việt Nam sẽ tạo nên những môi trường sống không chỉ thích dụng, bền vững, mỹ quan theo tiêu chí hiện đại, mà còn có giá trị đặc biệt về môi trường Phong Thủy, góp phần cho người dân có được cuộc sống an lành và phát triển.

                                                                                                                  DQK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét