Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÁNG MỘ THEO PHƯƠNG PHÁP THÔNG THƯỜNG

Bài đã đăng trên Thông tin khoa học TIỀM NĂNG CON NGƯỜI tập 1 của Viện NC&ƯDTNCN



Nhà Nghiên cứu Đỗ Trọng Khuê[1]

Phong thủy là một kho tàng lý luận và thực hành phong phú của Văn hóa Đông phương. Trong lĩnh vực phong thủy lại chia ra hai phần riêng biệt: phong thủy Dương trạch và phong thủy Âm trạch. Về lý luận có những phần chung, nhưng cũng có những phần khác biệt, về thực hành thì dương trạch và âm trạch khác biệt nhau rất nhiều.
Bài viết này nêu lên một số vấn đề về táng mộ theo phương pháp thông thường. Tại sao lại là thông thường? Bởi vì các tài liệu lý thuyết về âm trạch chỉ nêu chung về vấn đề tìm nơi đặt mộ, các huyệt đạo cho một ngôi mộ hoặc cho một gia đình để đạt được hiệu quả kết phát cho việc thăng quan tiến chức, phát triển tài lộc cho dòng họ, con cháu… Hiện nay, dân số đông đất đai ít việc táng mộ phải đưa vào nơi tập trung trong các nghĩa trang, cũng không còn ai có thể đi tìm đất để đặt mộ riêng cho tổ tiên, gia đình mình theo các tiêu chí phong thủy âm trạch. Việc táng mộ theo phong tục của người Việt là phổ biến, gia đình nào cũng phải trải qua, chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể.
Trong văn hóa Đông phương, nhất là ở Việt Nam phần mộ của gia tiên có ảnh hưởng lớn đến các con cháu, người thân ruột thịt trong gia đình về các mặt: sức khỏe, kinh tế, công ăn việc làm, thăng quan tiến chức… cho nên phương pháp táng mộ như thế nào trong hoàn cảnh, điều kiện hiện nay để phát huy những mặt tốt hạn chế những rủi ro do mộ phần gây nên. Chúng tôi đưa ra một số nội dung dựa trên nguyên lý cơ bản của âm trạch để chúng ta cùng nghiên cứu áp dụng cho việc táng mộ tại các nghĩa trang. Phần táng mộ này dùng cho việc chôn cất sau khi cải táng, hỏa táng, hung táng chỉ chôn cất một lần, (chọn hướng đất để hung táng nếu cần).
1/ Một ngôi mộ có hướng là phía chân, tọa là phía đầu. Hướng đặt mộ không cần căn cứ vào tuổi của người chết và ngày chết. Phía nào có nước (hay thấp hơn) thì đặt chân về hướng đó. Tuy nhiên, không để vị trí tọa vào các hành khắc với hành nạp âm tuổi vong mệnh (hành tọa theo Hồng phạm ngũ hành, trường hợp không biết rõ tuổi vong mệnh thì cũng có thể bỏ qua).
2/ Khi cải táng nếu biết tuổi vong mệnh thì càng tốt để chọn năm cải cát:
Vong mệnh dương cải cát năm âm (mệnh nạp âm ngũ hành), vong mệnh âm cải cát năm dương, vong mệnh có năm tương hòa với thái tuế (nhị hợp, tam hợp).
3/ Về tọa và hướng mộ thì chọn góc tọa mộ vào một trong 24 sơn hướng châu bảo (chính kim ghi trên la kinh), mỗi sơn 5o. Các sơn châu bảo là: Canh Tý, Đinh Sửu, Tân Sửu, Mậu Dần, Nhâm Dần, Kỷ Mão, Quý Mão, Canh Thìn, Giáp Thìn, Tân Tị, Ất Tị, Nhâm Ngọ, Bính Ngọ, Quý Mùi, Đinh Mùi, Giáp Thân, Ất Dậu, Bính Tuất, Canh Tuất, Đinh Hợi, Tân Hợi.
Phần mộ phía trên (trong nghĩa trang) có thể xây theo các hướng đã quy định, nhưng phần tiểu và quách ở phía dưới phải căn đúng theo hướng Châu bảo trên thì mới đạt yêu cầu đặt mộ. Các cung sơn hướng khác đặt mộ đều xấu cả.
4/ Cấm kỵ để tọa hướng mộ vào cung Đại không vong (xuất quái) gồm các  cung Kỷ Sửu, Ất Mùi, Nhâm Thìn, Mậu Tuất, giữa 2 cung bát quái Càn – Khảm, Cấn - Chấn, Tốn – Ly, Khôn – Đoài. Các góc độ trên la bàn như sau:
19o30 – 25o30; 64o30 – 70o30; 109o30 – 115o30, 154o30 – 160o30; 199o30 – 205o30; 244o30 – 250o30; 289o30 – 295o30; 334o30 – 340o30. Đặt mộ vào các cung này con cháu làm ăn phá sản, mất chức, tù tội, nghiện hút, chết trẻ không tránh được hậu họa.
Nếu đặt vào các tọa sơn chính hướng Đông, Tây, Nam, Bắc thì nên đặt chếch đi 3 độ so cới chính hướng để tránh khí vào quá mạnh ở đỉnh đầu.
5/ Chọn năm tháng ngày giờ (theo nạp âm) đặt mộ (làm khách)so với ngũ hành tọa mộ làm chủ (theo Hồng phạm ngũ hành) để tìm được thời gian đặt mộ tốt nhất. Ngũ hành tọa mộ (chủ) khắc khách là tốt nhất (nấu quặng ra vàng), mộ vận tương sinh tương hòa với năm tháng ngày giờ đặt mộ (khách) là cực tốt, khắc ngược lại là xấu.
Chọn năm tháng ngày giờ đặt mộ: nếu lập được quẻ dịch theo ngũ linh để tìm được thời gian chuẩn nhất thì càng tốt, đây cũng là một yếu tố phong thủy âm trạch để phát huy ưu thế của mộ phần.
Trường hợp không có điều kiện lập quẻ ngũ linh thì chọn giờ tốt theo giờ hoàng đạo.
6/ Khi đào huyệt may mắn gặp được tầng đất tốt (đất có màu đỏ, tía, vàng, cam, xanh nâu hay pha màu đỏ, hoặc có màu óng ánh, vê tròn mà không dính tay) thì nên chôn ở tầng đất đó, vì đó đã đúng huyệt thổ. Khi đào nên bỏ lớp đất trên cùng (15-20cm) vì đó là đất bẩn không nên lấp xuống mộ. Chú ý kiểm tra xem khu đất đặt mộ có cốt hoặc mộ của người khác đã có từ trước, nếu có phải di dời hoặc tìm chỗ đặt khác. Không được chôn sắt, vật kim loại hoặc vật lạ chôn cùng với mộ.
7/ Khi cải táng không cần phải chọn tuổi của trưởng nam hoặc chủ đại diện như chọn tuổi làm nhà (như phải tránh tuổi kim lâu, tam tai, xung khắc…) chỉ cần khi khai mộ (cuốc đất đầu tiên) nên chọn người có tuổi hợp với tuổi của vong mệnh (can chi hoặc mệnh ngũ hành)
8/ Trước khi cho tiểu xuống mộ nên san đầm đất phía dưới cho chắc phẳng, phía đầu cao hơn chân một chút (vài cm), trên cùng có thể cho một lớp than củi sạch dầy 3-5cm để luôn lọc nước trong mộ được sạch.
9/ Thường chỉ bốc mộ vào nửa cuối năm tính từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch.
Việc đặt mộ làm được theo các yêu cầu như trên thì sẽ bảo đảm cho âm phần an nghỉ vĩnh hằng, để lại âm đức cho con cháu.
Để thực hiện táng mộ theo phương pháp này cần phải có thông tin:
- Mệnh nạp âm và chi năm của vong mệnh
- Xem đất trước để xác định tọa hướng, tính mộ vận theo Hồng phạm ngũ hành để chọn năm tháng ngày giờ (đặt mộ vào huyệt) cho phù hợp. 

Ghi chú
Có 4 loại ngũ hành: Chính ngũ hành, Hồng phạm ngũ hành, Huyền không ngũ hành, Song sơn ngũ hành. Hồng phạm ngũ hành thường dùng cho xem hướng âm trạch (khi xác định hướng tọa mộ cần chú ý vì có sự phân biệt với những điều ta thường dùng với các can, chi bát quái trong dịch học):
8 sơn thuộc Thủy: Giáp, Tân, Dần, Thân, Thìn, Tuất, Tốn, Khảm (Tý)
4 Sơn thuộc Hỏa: Ất, Bính, Nhâm, Ngọ (Ly) 
3 Sơn thuộc Mộc: Tị, Mão, Cấn
4 sơn thuộc Kim: Đinh, Dậu (Đoài), Hợi, Càn
5 sơn thuộc Thổ: Canh, Quý, Sửu, Mùi, Khôn
Mộ tọa ở các sơn thuộc Thủy, Thổ thuộc long ở Thìn, mộ tọa ở các sơn thuộc Hỏa  long ở Tuất, mộ tọa ở các sơn thuộc Mộc long ở Mùi, mộ tọa các sơn thuộc Kim long ở Sửu. Mộ long biến vận theo can chi năm.


[1] Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Đông phương

1 nhận xét:

  1. Theo mục 5 ở trên có phải hiểu là
    Chọn thời gian đặt mộ có 3 cách phải không
    1- chọn theo hồng phạm
    2- chọn theo dịch quẻ ngủ linh
    3- chọn theo giờ hoàng đạo.
    vậy từ 3 kết quả thời gian chọn trùng của ba phương pháp là tốt nhất, nếu không theo hồng phạm thứ đến ngũ linh cuối cùng hoàng đạo.????

    Trả lờiXóa