Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

TÂM LINH GIA TIÊN – HIẾU ĐẠO

Bài đã đăng trên Thông tin khoa học TIỀM NĂNG CON NGƯỜI tập 1 của Viện NC&ƯDTNCN

Nhà nghiên cứu Lâm Ngọc
Trên thế giới có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, được xem như là những con đường tâm linh và hầu như mỗi người đều tự chọn cho mình một con đường tâm linh thích hợp. Riêng Việt Nam, chúng ta rất tự hào vì một nền tảng tâm linh rất vững chắc được truyền từ bao đời nay và sẽ được bảo tồn và phát huy trong tương lai, đó là Đạo thờ ông bà, hay còn gọi là Đạo Gia tiên.
Đạo Gia tiên là sợi dây kết nối tâm linh bền vững nhất, giúp con người Việt Nam dù đi đâu, làm gì cũng đều nhớ đến cội nguồn dòng họ, dân tộc của mình qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên của gia đình. Vì vậy Đạo Gia tiên có thể được xem là một hình thức hướng đến Gia Tiên Tâm Linh.
Bộ môn Nghiên cứu những hiện tượng siêu hình lấy Tâm Linh Gia Tiên hay Đạo Gia tiên làm nền tảng căn bản. Một trong những chủ trương của bộ môn là nghiên cứu, học hỏi để hiểu rõ giá trị tâm linh của sợi dây kết nối bền vững nhất này, từ đó hiểu được cách hành xử của cõi siêu hình trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi bộ môn.
Chữ “đạo” trong Đạo Gia tiên là chỉ con đường, cách thức, hành vi, lối sống mà chúng ta tin, chấp nhận, hay bắt buộc phải theo, được xem như con đường tâm linh. Một đạo luôn nhắm tới một mục đích nào đó, và tùy theo mỗi mục đích, chúng ta có những đạo khác nhau. Ví dụ: Sư đạo là đạo của những người làm thầy, Sinh đạo là đạo của người học sinh, Vương đạo là đạo mà ông vua phải theo, vân vân.
Người con có hiếu là người con biết công ơn sinh thành dạy dỗ của cha mẹ, tôn kính cha mẹ, tự giác chăm sóc phụng dưỡng khi cha mẹ ốm đau và già yếu, nhớ thương khi xa cách, cố gắng học hành để đạt được công danh làm rạng rỡ tổ tiên và cũng để có điều kiện tốt hơn mà phụng dưỡng cha mẹ, và nhớ công ơn khi ông bà cha mẹ đã khuất. Sự liên tục tiếp nối đạo lý này chính là chất keo tâm linh gắn kết thế hệ hiện tại với thế hệ trước và các thế hệ sau tạo thành hệ thống tâm linh gia tiên.
Qua đó, ta thấy “hiếu đạo” là cơ sở thiết lập văn hóa tình người và cội rễ văn hóa con người được kết tinh bằng tình thương cha mẹ dành cho con cái. Cho dù bạn là ai, từ đâu đến, tất cả đều không ra khỏi cuộc hành trình bất tận mà phụ mẫu đã đi qua mà ca dao xưa nay đúc kết với chín chữ “cù lao”: Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông/ Núi cao biển rộng mênh mông/ Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi… Ý  nghĩa của “Cù lao chín chữ là chín ơn lớn mà ta phải nhớ đến: Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (xem tính tình mà bảo ban), Phúc (bảo vệ).
Chính vì cha mẹ có ơn rất lớn đối với con cái, do đó hiếu kính với cha mẹ là luật bất thành văn, là thước đo tâm linh và là tiêu chuẩn đánh giá con người bởi Hiếu là cái gốc của đức và là một giá trị đạo đức xã hội cao quý nhất “Nết đầu trong trăm nết”.
Trong xã hội xưa và nay, chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân. Ngoài ra, hiếu kính với ông bà cha mẹ còn là một trách nhiệm có tính luân lý và là ngọn lửa thiêng hun đúc tinh thần gia tộc. Đó cũng là nét văn hóa đáng tự hào của dân tộc Việt.
Như vậy Hiếu hay còn gọi là Đạo Hiếu chính là cái gốc của nền đạo Tâm linh Gia tiên được hình thành một cách tự nhiên trong mỗi một con người bắt đầu từ hạt mầm yêu thương của Mẹ Cha gieo truyền và sẽ tiếp tục lan truyền sang con cháu của những thế hệ nối tiếp.
Mối liên hệ giữa Đạo Gia tiên và các tôn giáo lớn:
Bất cứ một tôn giáo nào cũng có người khen kẻ chê nhưng Đạo Gia Tiên thì luôn được đề cao vì cái gốc của Đạo Gia Tiên chính là chữ Hiếu. Chữ Hiếu cũng được đề cao trong các học thuyết và tôn giáo.
Trong Nho giáo: Khổng Tử có câu “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Theo Trang Tử, đạo Hiếu được thực thi qua ba điều: “Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế là không làm cho cha mẹ mang tiếng nhục, sau cùng mới là nuôi dưỡng”. Tóm lại, theo Nho giáo, người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở cư xử phải cực kỳ cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ hết sức vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc ma chay phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải rất mực trang nghiêm. Do đó, sự hiếu thuận không chỉ báo đáp bằng việc cung phụng vật chất đầy đủ mà còn bằng cả sự nhiệt tâm ân cần đối với cha mẹ. Ngay cả khi trở thành người khá giả, việc phụng dưỡng cha mẹ không phải do người giúp việc lo lắng mà đích thân chính mình chăm chút từng miếng ăn, chỗ ở, kể cả việc thực thi những điều mà cha mẹ nghĩ đến nhưng không tiện nói ra. Cha mẹ qua đời không chỉ lo hậu sự mà cũng biết hướng nghĩ đến cha mẹ như khi phụ mẫu còn sinh tiền, nhất là thực thi những tâm nguyện mà cha mẹ phó thác. Rõ ràng đạo Hiếu mà Nho giáo thiết lập sẽ có tác động vào quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người trên mọi lĩnh vực.
Trong Phật giáo: Đức Phật từng nói tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Trong kinh Tương Ưng, Phật còn nói “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Như vậy, giáo lý nhà Phật thiết lập nền văn hóa cho nhân loại cũng khởi đầu bằng việc tiếp nhận văn hóa hiếu hạnh. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn cũng bắt đầu từ đây. Sự đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ không gì hơn là phải thực thi năm điều như sau:
 1. Cung kính và vâng lời cha mẹ,
 2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu,
 3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình,
 4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại,
 5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.
Mục đích cuối cùng là không ngoài việc khuyến cáo con người không chỉ hoàn thiện nhân cách mà còn giúp con người biết quý trọng ông bà, cha mẹ, anh chị em, hòa thuận với mọi người trong xã hội và không ngừng nỗ lực tích cực đóng góp cho đất nước, cho đời, cho đạo.
Đạo Thiên Chúa: Đạo Thiên chúa chú trọng về Đạo hiếu và coi đạo hiếu như nền tảng của mình nên Đạo Thiên chúa cũng rất phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc Việt Nam. Vì Đạo Thiên chúa  quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Đức Chúa Trời là Cha mẹ sinh ra tất cả, và tất cả mọi người đều là anh em. Đạo hiếu này được thể hiện qua bổn phận rõ rệt, đối với Cha trên Trời (Thượng Phụ), đối với đất nước và Giáo Hội (Trung Phụ), và đối với cha mẹ dưới đất (Hạ Phụ). Bổn phận đối với Cha trên Trời là căn bản, các bổn phận sau xuất phát từ bổn phận căn bản trên. Đối với những người theo Đạo Thiên chúa, họ vẫn có thể bày biện bàn thờ tổ tiên ngay dưới bàn thờ Chúa miễn là trên bàn thờ không bày biện yếu tố mê tín dị đoan, được tổ chức kỵ giỗ theo phong tục địa phương, được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ tổ tiên trong các hôn lễ v.v...
Đạo Tin Lành: Trong đạo Tin Lành có Mười điều răn và trong mười điều luật đó được chia làm hai phần: 4 điều đầu đối với Chúa và 6 điều sau đối với người. Trong 4 điều đối với Chúa thì điều đầu tiên dạy là phải thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Còn trong 6 điều đối với người thì điều đầu tiên cần làm là phải hiếu kính cha mẹ.
Qua đó chúng ta thấy rằng tôn giáo nào cũng đề cao hiếu đạo, tuy cách thể hiện ở mỗi tôn giáo có khác nhau. Do giáo thuyết khác nhau, mỗi tôn giáo đều có một số tín đồ tin theo nhưng đa số người theo tôn giáo khác thì không tin và nhiều khi có thái độ phê phán.  Riêng chỉ có Đạo Hiếu là nền đạo duy nhất không một ai trên thế giới phê phán cho dù họ có theo tôn giáo nào. Đạo Gia tiên còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào tôn giáo nào mà họ cho là phù hợp với mình. Cho nên trong phần lớn gia đình người Việt, ngoài bàn thờ dành cho Đấng thiêng liêng của tôn giáo mà họ theo thì còn có bàn thờ ông bà tổ tiên.
Quả thật mỗi một chúng ta có quyền tự do lựa chọn cho mình một con đường đạo mà mình cho là phù hợp và cho dù bạn chọn con đường đạo nào đi nữa thì tinh thần hiếu đạo vẫn luôn và sẽ mãi là cốt lõi trong hành trình sống của mỗi chúng ta. Bộ môn Nghiên cứu những hiện tượng siêu hình đã được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng tâm linh gia tiên, coi hiếu để làm đầu: “Hạnh phúc tâm linh vô bờ bến, trọn đạo chữ Hiếu mới bình an”. Đó cũng chính là con đường đạo phù hợp với xu thế chung của người Việt, đồng thời cũng giúp ta hiểu rõ hơn về giá trị hiếu đạo và tỉnh tín hơn trong việc thực hiện các nghi thức liên quan trong Đạo Gia tiên.
Tổ chức:
Đối với người Việt, Đạo Gia tiên trở thành gần như một “tôn giáo“mặc dù nó không mang tính tôn giáo bởi Đạo Gia tiên không có giáo hội, giáo chủ, giáo sĩ, giáo đường, không có tu sở, yếu tố thần thánh.
Thờ ông bà không thể không tin trước những con người có thật, đã sống thật sự và lưu truyền lại huyết thống. Ông bà tổ tiên là những con người hữu hình (đã mất đi) chứ không phải vô hình như các đấng thiêng liêng trong các tôn giáo. Thờ phụng ông bà tổ tiên là hành động xác tín nơi những con người có thật và thể hiện sự hiếu kính của con cháu đối với gia tiên của mình là những người có quan hệ huyết thống với nhiều kỷ niệm sâu sắc và tình yêu thương tự nhiên vô vụ lợi. Chính vì vậy, mỗi gia đình dù giàu hay nghèo đều dành nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ cha mẹ, ông bà.
Các quy định và quy tắc thực hành trong Đạo Gia tiên: Thực tế ở đời, tất cả sự thành tựu của mỗi cá thể đều xuất phát từ tâm hiếu. Một người có hiếu thảo với mẹ cha thì mới có sự liên hệ thân thiện với những người xung quanh. Nói rộng ra, một người có tâm hiếu thì mới có sự hiếu đễ với cha mẹ, sự tôn kính với bà con dòng họ, sự kết nghĩa keo sơn của tình anh em, sự chung thủy với vợ hoặc chồng, chung sống hòa thuận với làng xóm, thân thiện với cộng đồng xã hội. Do đó, người đề cao hiếu đạo phải là người tuân thủ các chuẩn mực ứng xử gồm:
Đối với ông bà Tổ tiên: Cung kính phụng thờ.
Đối với cha mẹ: Là con cái thì luôn luôn bày tỏ hiếu đạo với ông bà và cha mẹ, cụ thể:
- Khi còn nhỏ: Kính trọng, thương yêu và vâng lời cha mẹ: "Mẹ cha là biển, là trời, Làm sao con dám cưỡng lời mẹ cha" - Khi trưởng thành: Tự giác săn sóc, thăm hỏi và phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu. Sự quan tâm cần phải được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói và phải được thực hiện một cách thành tâm, không chờ đợi. Vào những dịp lễ Tết, con cái ở xa thì sắp xếp về thăm cha mẹ, có của ngon vật lạ đều thành kính dâng lên cha mẹ. Như thế thôi chưa đủ, cha mẹ nào cũng mong con cái nên người, nên một người con có hiếu cũng phải cố gắng học hành thành đạt để làm rạng danh gia đình, dòng họ và cũng để có điều kiện tốt hơn trong việc chăm lo cho cha mẹ về sau.
- Không làm điều gì làm cha mẹ xấu hổ (nói láo, ăn cắp, say rượu, tà dâm, giết người…) Nhiều người nhầm tưởng rằng, cứ mua cho cha mẹ quần áo, một cái nhà thật to, hay đưa về cho cha mẹ một nắm tiền... mà chẳng cần biết là cha mẹ có vui lòng hay không là báo hiếu. Vì họ cho cha mẹ họ nhiều tiền của nhưng lại làm những việc tày trời, những việc mà xã hội không chấp nhận khiến cho cha mẹ họ đau lòng hoặc họ cho cha mẹ của cải nhưng lại xem thường cha mẹ. Khi cha mẹ phải đau lòng, phải buồn khổ, phải tủi hận nhục nhã vì con... đó là bất hiếu.
Trong đời sống ngày nay, việc làm tròn chữ hiếu cũng không phải dễ bởi do yếu tố hoàn cảnh và môi trường sống. Nhiều người do công việc phải tha phương nên không có điều kiện để chăm nom cha mẹ, đặc biệt lúc ốm đau hay già yếu cần có người bên cạnh, hay những người vì cuộc sống quá vất vả nên việc thăm hỏi và phụng dưỡng cha mẹ cũng không được trọn vẹn. Tuy vậy, muôn đời nước mắt chảy xuôi, cha mẹ thường không đòi hỏi gì ở con cái sau khi nuôi dạy chúng nên người. Chỉ cần một lời thăm hỏi qua điện thoại nếu ở xa; thường xuyên thăm viếng cha mẹ nếu ở gần hoặc chỉ cần con cái thành gia thành thất, vợ chồng sống thuận hòa, công ăn việc làm ổn định là cha mẹ đủ mãn nguyện. Hoặc cũng có khi chỉ cần con cái không làm điều sai trái rơi vào tù tội để cha mẹ khỏi lo lắng khổ sở làm cha mẹ yên lòng. Được như vậy chính là đang thực hành Hiếu đạo.
Tuy nhiên, mong mỏi của cha mẹ đối với con cái chỉ có vậy nhưng đôi khi lại rất khó. Nhiều người do mải mê với công việc và bận rộn với cuộc sống của riêng mình mà họ có thể quên mất nghĩa vụ mà họ phải làm cho cha mẹ khi cha mẹ còn sống hoặc thậm chí có nhiều người còn rất đỗi thờ ờ, đối xử tệ bạc với cha mẹ đến khi cha mẹ khuất núi rồi thì làm đám giỗ và xây lăng thật hoành tráng để che mắt thiên hạ.
Thật ra, những việc làm không xuất phát từ tâm và làm để cho người khác nhìn vào như vậy chỉ là vô nghĩa. Bởi vậy trong ca dao cũng có những câu có tính chất mỉa mai, châm biếm cho những ai không tròn đạo hiếu trung:
Mẹ cha còn sống, chẳng chịu dưỡng nuôi,
Đến khi khuất núi ngậm ngùi khóc than.
Quả thật đáng buồn khi xã hội càng hiện đại thì chúng ta càng thấy nhiều những tin tức trên các báo đài về những chuyện con cái bất hiếu, con cái kiện tụng cha mẹ ra tòa về vấn đề đất đai nhà cửa, hay con cái hành hung cha mẹ, hay những cảnh giết người cướp của khiến người ta phải giật mình nhìn lại và chép miệng thở dài cho tinh thần “hiếu đạo“ đang ngày một lung lay trong một bộ phận giới trẻ sống vô cảm ngày nay. Những người con bất hiếu này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bôi nhọ thanh danh gia đình và nguy hiểm hơn là chà đạp lên đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ca dao xưa có câu:
“Nếu mình hiếu đạo mẹ cha,
Thì con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở bất nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công!
Kìa xem giọt nước xuôi dòng,
Giọt sau, giọt trước cùng đồng một nơi”
Đó là lời nhắc nhở cho những ai tin vào luật nhân quả. Vậy làm con thì mình cần sống tốt, sống sao để cha mẹ vui lòng, đó là một cách báo hiếu, là đạo làm người đầu tiên trong hành trình sống của mỗi người.
Theo Bộ môn NCCHTSH, thực hành Đạo hiếu mang tính hai chiều, một số bậc cha mẹ khi có con bất hiếu cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, bản thân mình chưa phải là tấm gương để con noi theo. Thói hư của những người cha, người mẹ như rượu chè bê tha, ăn chơi sa đọa, nói năng thiếu văn hóa, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái. Con hư do không nghe lời cha mẹ, mà muốn con cái nghe lời, trước hết, cha mẹ phải là người tốt, chăm lo con chu đáo, tận tình. Hãy lấy lòng nhân nghĩa để dạy con, lấy sự trong sáng của mình để thuyết phục con, có như vậy chúng ta mới xây dựng được chữ hiếu từ trong mỗi gia đình. Cha mẹ thực hành đạo hiếu đối với ông bà, tổ tiên, sống gương mẫu làm tấm gương cho con cháu noi theo đó chính là yếu tố căn bản cho sự phát triển nền đạo Tâm linh gia tiên từ gia đình ra xã hội.
Đối với anh chị em: Một người con trọn đạo hiếu là người con biết đối xử hòa thuận, biết nhường nhịn với anh chị em trong gia đình bởi khi thấy con cái mình hòa thuận thì cha mẹ nào cũng vui lòng.
Đối với người vợ/chồng: Là người con có hiếu cũng có nghĩa là người đó phải biết cách đối xử, làm tròn bổn phận, trách nhiệm và làm cho người vợ/chồng của mình hạnh phúc. Khi từng tiểu gia đình hạnh phúc thì đại gia đình sẽ hạnh phúc, tất nhiên là cha mẹ nội ngoại cũng hạnh phúc.
Xưa cũng như nay, để cho chữ hiếu được vẹn toàn thì người con trai khi đi lấy vợ hay người con gái đi lấy chồng, thường cũng phải chọn lựa người vợ hay chồng mình phải là người con hiếu thảo với mẹ cha:
Đối với con cái. Cha mẹ sinh ra ta, ta sinh ra con cái và con cái chính là người tiếp nối truyền thống của gia đình cho nên việc nuôi dạy con cái tốt cũng là cách thể hiện chữ Hiếu với ông bà, cha mẹ.
Đối với cha mẹ hai bên: Hiếu ở đây là phải hiếu với cả cha mẹ ruột của mình và cha mẹ người phối ngẫu. Tinh thần đó cũng phải được thể hiện qua những hành động cụ thể và thiết thực.
Em về anh gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Em về anh gởi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Đối với người khác, người xung quanh mình:
- Không tự cao kiêu ngạo, xem thường người khác.
- Không phán xét người khác một cách chủ quan.
- Khoan dung, độ lượng, tha thứ với mọi người chung quanh.
- Giữ Thân -Khẩu -Ý trong sạch.
- Chấp hành luật pháp, sống đạo đức gương mẫu (không làm những điều trái đạo lý
và không sa vào các tật xấu của xã hội).
- Sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
- Làm tròn bổn phận công dân, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
- Không phê phán các tín ngưỡng, tôn giáo. Tại sao người thực hành Đạo Gia tiên không được làm điều này? Không có tín ngưỡng, tôn giáo nào xấu. Có tôn giáo phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia nhưng chung quy lại mỗi một tôn giáo đều khuyên con người sống lương thiện và làm những việc đạo đức, và quan trọng là tôn giáo nào cũng đề cao hiếu đạo.
Người làm tròn đạo hiếu không chỉ thực hiện những quy tắc và nghĩa vụ trong gia đình, mà còn phải làm tròn phận sự với bà con dòng họ, làng xóm và sau cùng là đất nước.
Nghi thức thờ cúng của Đạo Gia tiên: Tuy xã hội ngày càng hiện đại với vô số những phát minh và nghiên cứu khoa học ứng dụng trong cuộc sống nhưng bên cạnh nó vẫn hiện hữu vô số những hiện tượng siêu hình mà khoa học không thể nào lý giải. Chính vì vậy mà nhiều người tin rằng thế giới vô hình tồn tại song song với thế giới hữu hình và rằng chết không phải là hết, thân xác chết nhưng linh hồn bất diệt.
Thờ phượng tổ tiên là biểu hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn xuất phát từ tâm thành của thế hệ sau đối với tổ tiên và biểu hiện của niềm tin nói trên. Linh hồn vẫn có thể trở về phò hộ, giúp đỡ hoặc quở phạt người thân cho dù người sống không nhìn thấy, và vì vậy, dân tộc Việt Nam đã có tập tục làm bàn thờ nơi trang trọng để thờ cúng cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình.
Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ việc lấy chữ “hiếu” làm đầu, thể hiện được tính nhân văn của dân tộc Việt, những người đã khuất không bị lãng quên trong tâm tưởng của những người còn lại. Việc thờ cúng tổ tiên là tập tục để duy trì tình thân trong gia đình và dòng họ. Những ngày lễ, ngày Tết hoặc ngày kỵ giỗ là những dịp để con cháu ở các nơi khác hội tụ lại, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi ông bà cha mẹ, nếu ông bà cha mẹ còn sống. Đây là một việc làm thiết thực và cao quý nhất trong việc thể hiện chữ hiếu của một dân tộc giàu tình cảm như người Việt.
Vào những ngày lễ trọng đại trong năm như ngày đầu năm mới (Tết), ngày sinh, ngày mất v.v... hoặc mỗi khi trong gia đình xảy ra những sự việc trọng đại, người Việt đều không quên việc thắp vài nén hương gọi là cho ấm bàn thờ tổ tiên. Như trong việc cưới xin, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ Gia tiên để ra mắt tổ tiên. Lễ Gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới, gả của hầu hết những gia đình người Việt. Có thể nói bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng và nơi cho chúng ta trụ tâm khi có những chuyện vui buồn muốn chia sẻ với bề trên.
Sau đây là những việc mà người thực hành Đạo Gia tiên thường thực hiện:
- Tổ chức, tham gia kỵ giỗ của gia đình một cách đơn giản và trang nghiêm.
- Chăm sóc bàn thờ thường xuyên, thắp nhang cho bàn thờ được ấm cúng.
- Giữ gìn và chăm sóc mộ phần của tổ tiên luôn được quang đãng.
- Gìn giữ các nghi thức truyền thống trong các lễ hội của gia đình dòng họ.
- Hướng dẫn cách thờ phượng cho con cháu biết để tiếp tục trong tương lai.
Chữ “Thờ cha mẹ” chỉ có ý nghĩa: Yêu và Kính. Nếu chúng ta có yêu và kính cha mẹ chúng ta, từ đó chúng ta cũng sẽ phải yêu mến và tôn trọng những người cha mẹ chúng ta đã yêu mến và tôn trọng, cho dù cha mẹ chúng ta đã không còn hiện diện trên thế gian nữa.
Về vấn để cúng giỗ, nhiều người quan niệm dương sao âm vậy, có nghĩa là tổ tiên ông bà họ cũng cần ăn, cần uống và cũng có nhu cầu sinh hoạt như người sống dẫn đến con cháu thường tổ chức cúng lễ và tổ chức ăn uống linh đình, đôi khi còn đưa đến cảnh say sưa, ẩu đả lẫn nhau, làm mất ý nghĩa linh thiêng của hoạt động thờ cúng người đã khuất.
Tục đốt vàng mã để gửi cho người thân quá cố cũng chịu ảnh hưởng của quan niệm trên. Trong thực tế còn tồn tại nhiều gia đình giàu có thường đặt làm những món đồ hàng mã rất tinh vi, có hình thức và kích thước trông giống thật như: Xe máy, nhà lầu, ô tô v.v. Những đồ hàng mã loại này có giá trị rất lớn, nhưng cũng chỉ dùng để đốt đi, theo như người ta tin là cho người thân mang theo xuống âm phủ để sử dụng (gọi là hóa vàng). Việc làm này chỉ có ý nghĩa về mặt tâm lý nhưng lại quá lãng phí vì người mất không còn thể xác vật lý để sử dụng đồ dùng và tiền bạc. Thêm vào đó, đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí cả hỏa hoạn nếu không cẩn thận trong việc đốt đồ vàng mã.
Một số gia đình ở các địa phương còn đua nhau việc trùng tu mồ mả ông bà với qui mô như một lăng tẩm với chi phí rất lớn. Việc làm này, chẳng những không nhận được sự đồng tình của nhiều người mà còn bị tiếng đời mỉa mai chê trách, cho rằng đây là một hình thức phô trương. Vừa lãng phí tiền của và công sức của con cháu, vừa phí phạm nhiều diện tích đất, đáng lẽ ra chỉ nên sử dụng cho những mục đích hữu ích và thực tế hơn.
Việc thờ cúng tổ tiên xuất phát từ tình cảm tiếc nhớ người thân đã mất. Đây là một truyền thống tốt đẹp, đáng trân trọng và gìn giữ. Tuy nhiên, việc tổ chức cúng kiếng người thân phải được thực hiện một cách giản dị, trang nghiêm, lấy việc “báo ơn và tiếc thương” làm chính, còn việc tổ chức ăn uống cũng cần thiết nhưng chỉ là thứ yếu. Bởi ngoài yếu tố tâm linh, ngày kỵ giỗ cũng là dịp để cho những người thân trong gia đình thăm hỏi và xích lại gần nhau hơn. Con người chết đi thì phần xác được phân hủy, chỉ còn lại linh hồn mà linh hồn thì không cần ăn mặc và sinh hoạt như người sống nên việc đốt vàng mã gây lãng phí tiền bạc và ô nhiễm môi trường. Cũng vậy, việc xây lăng mộ hoành tráng là việc làm tốn kém và thiếu văn minh. Nên có thái độ tỉnh tín, đừng sa đà vào việc cúng lễ rườm rà, gây tốn kém và phiền hà không đáng có.
Lợi ích của việc thờ cúng tổ tiên: Khi người còn sống thực hiện việc thờ cúng tổ tiên là bày tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, và cũng giúp chúng ta (con cháu) cảm thấy gần gũi với tổ tiên hơn. Thông qua việc thờ cúng tổ tiên thì con cháu sẽ được tổ tiên giúp đỡ (trợ lực) (thi cử đỗ đạt, cuộc sống hanh thông, có sức khỏe tốt v.v). Khi con cái bày tỏ hiếu thảo đối với tổ tiên thì họ cảm thấy tâm luôn được bình an, thanh thản.
Niềm tin linh hồn ông bà vẫn luôn quanh quẩn với con cháu, và luôn phù hộ khi con cháu làm đúng hoặc quở trách khi con cháu làm sai luôn hiện hữu trong đại đa số người Việt.
KẾT LUẬN: Kính trọng và nhớ ơn cha mẹ và tổ tiên là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những đấng đã tạo ra cha mẹ, ông bà, sự liên tục tiếp nối đạo lý này chính là chất keo tâm linh gắn kết thế hệ hiện tại với thế hệ trước và các thế hệ sau tạo thành hệ thống tâm linh gia tiên. Trong thực tế, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nếu toàn thể dân tộc Việt Nam đều cùng chung ý nguyện, góp chung sức để phát huy truyền thống nhớ ơn tổ tiên, thì một ngày, Việt Nam sẽ có một con đường tâm linh chung cho cả nước, đó là con đường Tâm linh Gia tiên hay có thể gọi là Đạo Gia Tiên. Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì có con đừơng tâm linh riêng với những lý thuyết hợp lý, vững chắc. Trong tương lai không xa, các tín ngưỡng, tôn giáo sẽ cùng nhau tìm về một hướng, đó là nền đạo Tâm linh gia tiên hay có thể gọi đó là Việt Đạo, chúng ta sẽ rất tự hào, ngẫng cao đầu với thế giới để giới thiệu nền đạo Tâm Linh Gia Tiên đến mọi người khắp năm châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét