Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

TỔNG QUAN VỀ CHỌN THỜI ĐIỂM

Bài đã đăng trên Thông tin khoa học TIỀM NĂNG CON NGƯỜI tập 1 của Viện NC&ƯDTNCN


Nhà báo - nhà nghiên cứu Nghiêm Thanh[1]
1. Dẫn luận
Thuật ngữ Hán tự  Trạch cát chuyển sang tiếng Việt nghĩa là Chọn lành lại thường quen gọi là Chọn ngày. Thật ra, đó chỉ là một trong những đơn vị đo lường từng phân đoạn của thời gian vốn vô cùng, vô tận, không có mở đầu và kết thúc, không ở trong hay ngoài một vật thể nào, không có hình hài, vóc dáng. Nếu lấy đại lượng cơ bản xét đoán cũng cần bốn yếu tố giờ, ngày, tháng và năm. Vì thế, nên hiểu là Chọn thời điểm mới đủ và đúng.
1.1. Khái niệm chọn ở đây hàm nghĩa lựa dùng tính chất tốt và bỏ xấu. Thiên văn cổ không xác định và quan tâm vấn đề này. Phật giáo coi tu – tức sửa đổi và bổ túc làm trọng, hễ có thiện tâm, tự mình tạo tác thì việc thành. Tư Mã Thiên[2] viết ở phần Nhật giả liệt truyện trong sách “Sử Ký” không tin thuật chọn ngày: Hán Vũ Đế (156 trước CN - 87 trước CN) triệu các nhà chiêm tinh hỏi ngày cưới vợ. Người theo thuyết Ngũ hành bảo được, người theo thuyết “Kham dư” bảo không được, người theo thuyết “Kiến trừ” bảo hung, người theo thuyết “Tùng thời” bảo rất xấu, người theo thuyết “Lịch gia” bảo hơi xấu, người theo thuyết “Thiên văn” bảo tốt vừa, người theo thuyết “Thái nhất” bảo đại cát. Tranh cãi nhau hồi lâu, đỏ mặt tía tai không ai chịu ai. Cuối cùng vua phán: Mọi điều nên hay kiêng, phải lấy thuyết “Ngũ hành” là chính, kết thúc buổi tranh luận. Chẳng những trí giả Vương Sung thời Hán, Lư Tăng thời Đường cũng bác bỏ quyết liệt, Mai Cốc Thành, chủ biên bộ sách "Hiệp Kỷ  Biện Phương Thư" theo lệnh vua Càn Long thời Thanh, còn có lời tựa  phê phán gay gắt là "tủn mủn, ngu muội, câu nệ xằng bậy".
Kể việc Trần Minh Tông chọn ngày làm lễ táng mẹ, “Đại Việt Sử ký toàn thư”[3] ghi: Năm 1332, Thuận thành Bảo từ Hoàng Thái hậu mất. Thượng hoàng Trần Minh Tông sai các quan chọn ngày táng. Có người tâu: Chôn năm nay hại người tế chủ! Ngài hỏi: Ngươi biết sang năm ta chết à? Người kia thưa: Không biết. Ngài lại hỏi: Nếu sang năm trở đi, chắc chắn ta không chết thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư?  Lễ cát, lễ hung chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu phải câu nệ họa phúc như các nhà Âm Dương! Rốt cuộc, vẫn cử hành lễ tang.
Ngày tốt hay xấu, chủ nghĩa duy vật biện chứng quan niệm là mang tính ngẫu nhiên trong cái tất yếu.
1.2. Nhưng chọn thời điểm lại có từ lâu đời và thành tập quán của hầu hết các cư dân Á Đông. Về nguồn gốc, có thể thấy một số khía cạnh:
Do bản năng sinh tồn, con người luôn luôn tìm hiểu thế giới khách quan. Xa xưa, trình độ tri thức còn hạn chế. Những hiện tượng mưa gió, giông bão, lũ lụt, hạn hán trong thiên nhiên; những thân phận trớ trêu, cảnh ngộ trái ngược giầu nghèo, sướng khổ, được thua, còn mất trong xã hội… chưa thể lý giải minh bạch, đều quy là Thiên định. Trời là đấng tối cao và dưới Trời là các thần linh có khả năng chi phối và quyền uy ban phúc, giáng họa xuống trần thế tùy lúc, tùy nơi. Kỳ vọng tận dụng những thời điểm thuận lợi nảy sinh tâm lý cầu lành tránh dữ.
Những đúc kết thực tiễn ở thời kỳ ngành nông nghiệp chiếm vị thế thiết yếu trong đời sống kinh tế không ngừng được bổ sung, nhất là quy luật về tác động của thời tiết, khí hậu tới cây trồng, vật nuôi.
Kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có những câu chứa đựng thông tin khá chuẩn xác:                          
Mười bảy, nước nhảy khỏi bờ
Chớ đi mùng bảy, chớ về mùng ba.
Thâm Đông, hừng Tây,rựng mây/ Ai ơi hãy cữ ba ngày, chớ đi
Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy/ Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi.
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.
Cùng chẵn, cùng lẻ thì đi/ Ngày kia tháng nọ đi thì vô duyên.
Dù ai buôn bán trăm nghề/ Gặp ngày con nước cũng về tay không.
Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.
Tháng năm chưa nằm đã sáng/ Tháng mười chưa cười đã tối…
“Đại Việt Sử ký toàn thư”[4] có đoạn kể về điềm sao sa báo trước nhà Tống tiêu vong: Tháng 6 năm Mậu Dần (Bảo Phù năm thứ 6, tức năm 1278) có ngôi sao lớn sa về phương Nam rơi xuống biển, hơn ngàn sao nhỏ rơi theo, tiếng kêu như sấm rền tới vài khắc mới hết....Tháng giêng năm Kỷ Mão (1279), Người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn (phía Nam huyện Tân Hợi, tỉnh Quảng Đông). Quân Tống thua, Tả thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày, có tới hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển...Thế là ứng điềm sao sa xuống biển. Năm ấy nhà Tống mất.
Những nghiệm chứng đã xác lập và củng cố niềm tin có thời điểm thích hợp và không thích hợp trong hoạt động của con người.
Tuy nhiên, khuynh hướng cẩn trọng, cầu toàn sa vào thái quá. Mọi công việc lớn nhỏ, từ động thổ xây nhà, làm bếp, dựng dinh thự, nhiệm sở, lắp cổng và cửa, đóng giường, nạp súc vật, nhập trạch, nhập học, nhậm chức, khai bút, khai trương cửa hàng, lập khế ước, xuất hành, đón dâu tới khâm liệm, chuyển cữu, phá thổ an táng và cải táng, làm bia mộ v.v…cũng chọn thời điểm. Thời Tây Hán bên Trung Quốc, cuốn “Đổng Công tuyển trạch nhật yếu dụng[5] soạn sẵn ngày nên và không nên làm tới 83 vụ trong cúng tế, trồng cấy và chăn nuôi, công nghiệp và thương mai, sửa chữa và làm mới kiến trúc, sinh hoạt, hôn phối, tang ma… Đáng lưu ý là có những việc tỷ mẩn như cắt móng tay, hớt tóc, tắm gội, mời thầy chữa bệnh, uống thuốc!
Một bộ phận thuật sĩ khi hành nghề đã lợi dụng làm phương tiện mưu sinh, tô vẽ và huyền bí hóa, pha trộn thật giả, biến những mong muốn chính đáng ban đầu của chọn thời điểm bị sai lệch và nghiêng sang mê tín dị đoan.
2. Căn cứ chọn thời điểm
2.1. Quá trình kiên trì quan sát, dùng công cụ đo đạc và ghi chép, người xưa phát hiện các quỹ đạo Mặt trời - Hoàng đạo, quỹ đạo Mặt trăng - Bạch đạo, quỹ đạo Trái đất- Xích đạo. 
Xích đạo là chu kỳ một vòng Trái đất tự quay quanh nó và tiệm tiến, hình thành ngày- đêm. Chi tiết hơn, ngày phân ra sáng, trưa, chiều, chập tối, đêm có tối, nửa đêm, tảng sáng. Một ngày- đêm có 12 canh. Một canh có tám khắc.
Bạch đạo là chu kỳ một vòng Mặt trăng quay quanh Trái đất, tạo nên tháng.
Hoàng đạo là chu kỳ một vòng Trái đất quay quanh Mặt trời, định ra năm.
Hoàng đạo và Xích đao có bốn giao điểm ở Xuân phân và Thu phân cách nhau khoảng 180 ngày, có ngày dài bằng đêm; ở Hạ chí có ngày dài nhất, đêm ngắn nhất trên Bắc bán cầu (Nam bán cầu ngược lại) và ở Đông chí có đêm dài nhất, ngày ngắn nhất (Nam bán cầu ngược lại).
Đó là tiền đề của Lịch pháp. Và lịch là chỗ dựa để chọn thời điểm. Có ba loại lịch. Âm lịch- lịch Thái Âm tính tháng theo tuần trăng, một năm có 354 ngày, ngắn hơn Dương lịch 11, 25 ngày. Dương lịch- lịch Thái Dương, tính độ dài Trái đất quay quanh Mặt trời một
Lịch xuất hiện rất sớm tại nước ta. Sử liệu ghi năm 2253 trước Công nguyên, người Việt Thường đã có Quy lịch dâng vua Nghiêu. “Đại Việt Sử ký toàn thư” dẫn theo cuốn “Tiền Hán thư” chép: Hoài Nam Vương Lưu An[6] trình trong tờ tấu gửi vua Hán- thế kỷ II trước Công nguyên: “Từ thời Tam đại thịnh trị[7], đất Hồ, đất Việt không theo lịch Trung Quốc.”
Cuối thế kỷ XIX, người Mường ở Bất Bạt, Mỹ Lương- Hà Nội ngày nay, vẫn giữ phép tính lịch kiến Tý, lấy tháng 11 làm đầu năm, không theo lịch kiến Dần và hằng tháng, dùng ngày mùng hai- kế sau ngày Sóc làm đầu tháng, là nét độc đáo trong tính Âm lịch, gọi là tháng lùi, ngày tiến[8].
Hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ có hình ba người ngồi, một người đứng xoay lưng mô tả việc đo bóng Mặt Trời, đặt hình Mặt Trời ở tâm trống, biểu hiện vòng trong là Hạ chí, vòng giữa là Xuân phân, Thu phân, vòng ngoài là Đông chí... mang tín hiệu các mốc thời gian trong năm.
Trong các thời kỳ bị thống trị và trước áp lực liên tục xâm lăng của phong kiến phương Bắc, người Việt vẫn giữ vững bản sắc và sàng lọc tiếp nhận tinh hoa qua giao lưu, không ngừng sáng tạo, phát huy nền văn hóa truyền thống. Nghiên cứu của GS Hoàng Xuân Hãn cho hay: Triều Lý, triều Trần (từ năm 1080 tới năm 1300) và triều hậu Lê, triều Nguyễn (từ năm 1644 tới năm 1812), lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc.
Ngay dùng lịch Can - Chi, Việt Nam cũng coi trọng trải nghiêm và chú trọng những đặc điểm bản địa. Trong 12 con vật tượng trưng hàng Chi, thì Sửu, Mão không phải là Bò rừng, là Thỏ như bản vẽ của Trung Quốc mà gọi là Trâu, là Mèo. Một số Thần sát phi lý bị loại bỏ. Tuân thủ luật xung hợp Can - Chi, Âm Dương - Ngũ hành, nhưng giờ Việt Nam lưu tâm xét giờ Hoàng đạo, giờ nước lên, nước xuống...
2.2. Phương Đông vận dụng thuyết Âm Dương – Ngũ hành, hệ 10 Can 12 Chi, 60 Hoa Giáp và một số nguyên lý khác trong Kinh Dịch để làm lịch.
Âm Dương - Ngũ hành là thuộc tính của mọi hiện tượng, sự vật từ vĩ mô tới vi mô.
Âm Dương là hai mặt đối lập, vừa mâu thuẫn vừa thống nhất, chuyển hóa và dựa nhau tồn tại, triệt tiêu và thay thế nhau. Trong Dương có Âm và trong Âm có Dương. Âm Dương có thể hiển hiện dạng hữu hình hoặc vô hình. Cùng cực, Âm hay Dương đẩy nhau. Khác cực, Âm và Dương hút nhau.
Ngũ hành là 5 loại chất Hỏa/lửa, Thổ/đất, Kim/kim loại, Thủy/nước, Mộc/cây cỏ cấu thành các vật thể. Ngũ hành có các quy luật tương sinh, tương khắc, chế hóa và vượng, suy theo bốn mùa hoặc Can Chi.
Hệ 10 Can, 12 Chi chưa rõ xuất xứ. Có lẽ là từ lối đếm theo cơ số 5 và 6 nhân đôi thời trước, hoặc do cặp số ở trung tâm 10 số đếm trong ký hiệu Hà Đồ- số 5 là số cuối của năm số sinh, là số lẻ/ Dương thuộc Trời, gấp 2 lần thành 10 Can, số 6 là số đầu của năm số thành, là số chãn/ Âm thuộc Đất gấp 2 lần thành 12 Chi.
Hệ tọa độ cổ chia đôi ngày – đêm bằng cách lấy trục tung theo hướng Bắc – Nam, trục hoành theo hướng Đông – Tây, gọi là trục Tý – Ngọ tương ứng giữa đêm và giữa trưa, trục Mão – Dậu tương ứng tảng sáng và chập tối. 12 Chi chia ngày đêm làm 12 giờ. Nhận biết thói quen một số loài vật liên quan tới thời điểm, người ta gắn tên 12 con vật tượng trưng 12 Chi.
Theo nguyên lý Dịch học, Can Chi biểu hiện Âm Dương – Ngũ hànhhoạt hóa.
Can Chi cùng hành cùng cực đẩy nhau, cùng hành khác cực hút nhau, khác hành tính theo luật sinh khắc, cùng cực khác hành sinh khắc càng mạnh, cùng hành khác cực thì tùy tính Âm Dương của chủ thể và bị thể- chủ thể là Dương, bị thể là Âm thì sinh khắc thuận lý, chủ thể là  Âm, bị thể là Dương thì sinh khắc nghịch lý.
10 Can hàm chứa Âm Dương-Ngũ hành là 1.Giáp/+ Mộc, 2.Ất/- Mộc, 3.Bính/+ Hỏa, 4.Đinh/- Hỏa, 5.Mậu/+ Thổ, 6.Kỷ/- Thổ, 7.Canh/+ Kim, 8.Tân/-Kim, 9.Nhâm/+ Thủy, 10.Quý/- Thủy.
Can xung (một chiều) Giáp - Mậu, Ất - Kỷ, Bính - Canh, Đinh - Tân, Mậu - Nhâm, Kỷ - Quý , Canh - Giáp  Giáp, Tân - Ất , Nhâm - Bính, Quý – Đinh.
Can hợp Âm Dương và Ngũ hành (hai chiều): Tân - Nhâm, Quý - Giáp, Ất - Bính, Đinh - Mậu, Kỷ - Canh.
Can hợp hóa (hai chiều): Giáp hợp Kỷ hóa Thổ, Ất hợp Canh hóa Kim, Bính hợp Tân hóa Thủy, Đinh hợp Nhâm hóa Mộc, Mậu hợp Quý hóa Hỏa.
12 Chi hàm chứa Âm Dương – Ngũ hành là 1. Tý/+ Thủy, 2. Sửu/- Thổ, 3. Dần/+ Mộc, 4. Mão/- Mộc, 5. Thìn/+ Thổ, 6. Tỵ/- Hỏa, 7. Ngọ/+ Hỏa, 8. Mùi/- Thổ, 9. Thân/+ Kim, 10. Dậu/- Kim, 11.Tuất/+ Thổ, 12.Hợi/- Thủy.
Có các cặp Chi xung: Tý - Ngọ, Sửu - Mùi, Dần - Thân, Mão - Dậu, Thìn - Tuất, Tỵ - Hợi.
Chi phá: Tý - Mão, Sửu - Thìn, Dần -Hợi, Mão -Ngọ, Tỵ-Thân, Ngọ -Dậu, Mùi-Tuất, Dậu- Tý.
Chi hại:  Tý - Mùi, Sửu - Ngọ, Dần - Tỵ, Mão - Thìn, Thân - Hợi, Dậu - Tuất.
Chi tam hình: Tý - Mão, Tý - Ngọ, Mão - Ngọ  (vô lễ); Sửu - Tuất, Tuất - Mùi, Mùi - Sửu (vô ân),  Dần - Tỵ, Tỵ - Thân, Thân - Dần (trì thế).
Chi tự hình: Thìn - Thìn, Ngọ - Ngọ, Dậu - Dậu, Hợi - Hợi.
Chi tuyệt: Tý - Tỵ, Sửu - Dần, Mão - Thân, Ngọ - Hợi, Dậu - Dần. 
Lại có Chi phạm Tam tai, Chi phạm Tam sát theo Tam hợp Chi.
Chi Lục hợp: Tý - Sửu, Dần - Hợi, Mão - Tuất, Thìn - Dậu, Tỵ - Thân, Ngọ - Mùi.
Chi Tam hợp: Thân - Tý - Thìn, Dần - Ngọ - Tuất, Hợi - Mão - Mùi, Tỵ - Dậu - Sửu.
60 Hoa Giáp là hệ số đếm cổ đại kết hợp 6 chu kỳ hàng Can với 5 chu kỳ hàng Chi- Can Dương ghép chi Dương, Can Âm ghép Chi Âm thành 60 cặp cố định từ Giáp Tý tới Quý Hợi. 60 Hoa Giáp còn gọi là Nạp âm Ngũ hành theo thứ tự hànhThổ nạp âm Cung, hành Kim nạp âm Thương, hành Mộc nạp âm Giốc, hành Thủy nạp âm Chủy, hành Hỏa nạp âm Vũ thành các hành Mệnh niên.
Bội số chung nhỏ nhất của 10 Can và 12 Chi là 60, thành vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại liên tục, rất hữu dụng trong Âm- Dương lịch .
Vòng Trường sinh là Ngũ hành của Can vượng, suy tùy thuộc 12 giai đoạn của 12 Chi tháng  theo từng hành gồm: Tuyệt, Thai, Dưỡng, Trường sinh, Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ-  phản ánh chất lượng của từng thời điểm với mỗi loại việc.
2.3. Hệ 60 Hoa Giáp là dấu mốc các thời điểm từ nhỏ tới lớn.  Giờ, ngày, tháng, năm đều ghi bằng Can Chi. 1 giờ Can Chi bằng 2 giờ  của  hệ 24 giờ trong 1 ngày- đêm. Giờ Tý- chính Tý lúc 0 giờ, giờ Ngọ- chính Ngọ lúc 12 giờ.
Luật Ngũ Tý ấn định mở đầu 1 ngày từ 0 giờ- giờ Tý. Can ngày là Giáp, Kỷ thì 0 giờ là Giáp Tý; là Ất, Canh thì 0 giờ là Bính Tý; là Bính, Tân thì 0 giờ là Mậu Tý; là Đinh, Nhâm thì 0 giờ là Canh Tý; là Mậu, Quý thì 0 giờ là Nhâm Tý.
Luật Ngũ Dần (Ngũ hổ độn) lấy chi Dần, xét 10 Can có 5 mầu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen làm ký hiệu ấn định các tháng. Can năm là Giáp - Kỷ thì tháng giêng là Bính Dần; là Ất - Canh thì tháng giêng là Mậu Dần; là Bính - Tân thì tháng giêng là Canh Dần; là Đinh Nhâm thì tháng giêng là Nhâm Dần, là Mậu - Quý thì tháng giêng là Giáp Dần.
Giờ Can Chi, ngày Can Chi, tháng Can Chi, năm Can Chi không chỉ là số đếm thông thường mà chứa đựng những thông tin tương tác, biến động phức tạp của Âm Dương - Ngũ hành mang ngụ ý thâm thúy trong xét đoán.
2.4. Lạc Thư chỉ rằng vũ trụ có một trung tâm và tám hướng bên ngoài. Các con số dù sinh thành bất tận nhưng cũng nằm trong 10 số đếm tạo thành. Không kể số 0, còn 9 số hàng đơn vị ứng với 9 hướng. Sự biến chuyền của các số trong Lạc Thư tuân thủ luật thăng, giáng. Mỗi số di chuyển 9 lần trên 9 cung: 9 x 9 = 81 gọi là Lường thiên xích (thước đo Trời). 81 bước Lường thiên xích theo quỹ đạo thuận – nghịch của các số cũng là quỹ đạo của các Trường khí chính- chủ yếu là khí của của các chòm sao- Thiên khí và khí của Trái đất- Địa khí. Quỹ đạo của 9 số Lạc Thư- Cửu tinh: Nhất bạch/Thủy, Nhị hắc/Thổ, Tam bích/Mộc, Tứ lục/Mộc, Ngũ hoàng/Thổ, Lục bạch/Kim, Thất xích/Kim, Bát bạch/Thổ, Cửu tử/Hỏa, đại diện cho 9 năng lượng khí dùng đo thời điểm theo Tam nguyên Cửu vận. Trường khí có Âm và Dương, Âm là Địa khí, Dương là Thiên khí, chi phối một vòng Giáp Tý - Quý Hợi 60 năm là một Đại vận, 20 năm là một Tiểu vận. Dưới Tiểu vận là Vận năm (Niên vận), Vận tháng (Nguyệt vận), Vận ngày (Nhật vận), Vận giờ (thời vận). 3 vòng Giáp Tý 180 năm là một Tam nguyên có chín Tiểu vận. 60 năm đầu của Đại vận là Thượng nguyên có Tiểu vận 1,2,3;  60 năm giữa là Trung vận có Tiểu vận 4,5,6; 60 năm cuối là Hạ vận có tiểu vận 7,8,9. Hiện nay là Tiểu vận 8 từ 2004 tới 2023.
Trên bàn sao (Tinh bàn) 9 cung, Cửu tinh của Đại vận và Tiểu vận tính thuận, các số lớn dần tử 1 lên 9, trở về 1 và tiếp tục. Cửu tinh của Vận năm và Vận tháng tính nghịch, các số nhỏ dần từ 9 xuống 8, trở về 9 và tiếp tục. Cửu tinh của Vận ngày và Vận giờ thì ba vòng Giáp Tý đầu tính thuận, 3 vòng Giáp Tý cuối tính nghịch.
Mỗi vị trí Cửu tinh phối kết thời gian – không gian thể hiện lành, dữ của trường khí được phái Huyền không phi tinh khai thác chọn thời điểm.
2.5. Các vì sao có loại có thật, có loại ước lệ, gọi chung là Thần sao (Thần sát). Dựa vào luật Âm Dương – Ngũ hành sinh khắc, chế hóa, thuyết Thiên – Nhân tương ứng của triết học Kinh Dịch và niềm tin tôn giáo, thuật Chiêm tinh gắn hệ thống Thần sát- quy định mỗi vì sao ứng mỗi thời điểm có một vị thần cai quản vào lịch để dự báo. Thần sát phân ra cát và hung chung mọi việc, từng việc.
Tùy chu kỳ vận hành, có các Thần sát năm, tháng và ngày (Niên, Nguyêt, Nhật Thần sát).
Thần sát chuyển dịch theo năm có Tuế đức, Thiên ân, Thiên thụy, Ngũ hợp, Sát cống, Trực tinh, Nhân chuyên; Kim thần thất sát, Thập ác đại bại, Cửu thổ quỷ, Ly sào, Hỏa tinh, Thái tuế, Tuế phá, 4 sao Sát theo các Tam hợp Chi: Sửu/Dần Ngọ Tuất, Thìn/ Tỵ Dậu Sửu, Tuất/Hợi Mão Mùi/, Mùi /Thân Tý Thìn (cũng dùng cho giờ, ngày, tháng).
Xây nhà, cưới gả tùy việc mà tính Kim lâu, Hoang ốc, hạn Tam tai, Tam sát (cũng tính cho giờ, ngày, tháng), hạn năm (theo Chi).
Thần sát tháng có 12 Trực (Kiến trừ thập nhị khách): Kiến, Trừ, Mãn, Bình, Định, Chấp, Phá, Nguy, Thành, Thu, Khai, Bế (cũng dùng cho ngày); 4 sao Sát và các ngày Sinh khí, Tử khí (Can Chi theo tháng). 
Thần sát ngày có hệ 28 sao (Nhị thập bát tú): Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm, Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn; hệ 12 Trực; sáu ngày Hoàng đạo: Thanh long, Minh đường, Kim quỹ, Bảo quang/Kim đường, Ngọc đường, Tư mệnh, sáu ngày Hắc đao: Thiên hình, Chu tước, Bạch hổ, Thiên lao, Nguyên vũ/Huyền vũ, Câu trận; 4 sao Sát; 49 sao tốt, 61 sao xấu  (trong lịch Vạn niên Triều Nguyễn); các ngày Bảo, Thoa, Tứ vượng, Đồng khí, Phạt, Chế, Ngũ ly (xung hợp Can và Chi); Tứ ly, Tứ cùng, Tứ phế (theo Mùa); Sóc, Nguyệt tận, Hoàng đạo, Hắc đạo (cũng dùng cho giờ); Nguyệt kỵ: 5,14,23 (theo tháng; Tam nương: 3,7,13,18,22,27 (theo tháng); ngày con nước (theo tháng)…
Về xuất hành, còn chọn ngày theo Khổng Minh[9] và Lý Thuần Phong[10].
Khổng Minh định các ngày: Hảo thượng, Đạo tặc, Thuần dương, Đường phong, Kim thổ, Kim đường (tháng 1.4,7,10), Thiên đạo, Thiên thượng, Thiên hậu, Thiên môn, Thiên đường, Thiên tài, Thiên tặc (tháng 2,5,8,11), Bạch hổ đầu, Bạch hổ kiếp, Bạch hổ túc, Chu tước, Huyền vũ, Thanh long túc, Thanh long kiếp, Thanh long đầu (tháng 3,6,9,12). 
Lục diệu tương truyền của Lý Thuần Phong phối cát, hung với ngày Sóc (mùng 1), luân chuyển thứ tự các diệu: Đại an, Lưu liên, Tốc hỷ, Xích khẩu, Tiểu cát, Không vong.
Thần sát giờ có Hoàng đạo, Hắc đạo, Sát chủ, Không vong, Đại sát, Đạị bại (theo Can ngày), Thụ tử (theo tháng), giờ Thiên cẩu hạ thực (theo tháng và ngày Chi), giờ con nước (theo tháng và ngày) …
Xuất hành có phép Lục diệu chọn giờ[11]. Công thức chung là dùng tổng số ngày, tháng, khắc định đi, trừ 2, được kết quả chia 6, lấy số dư tra bảng:
Khắc định đi là giờ chọn xuất phát. 11g00 - 01g00 khắc 1, 1g 00 - 03 g00 khắc 2, 3g 00 - 05 g00 khắc 3, 5g 00 - 07 g00 khắc 4, 7g 00 - 09 g00 khắc 5, 9g 00 - 11 g00 khắc 6. 
Số dư 1 là Đại an, 2 Tốc hỷ, 3 Lưu liền, 4 Xích khẩu, 5 Tiểu cát, 6 và 0 Tuyệt hỷ.
Những điểm vừa trình bày đã lược bớt những điều thêm thắt, bịa đặt gây rối rắm trong Thần sát.
2.6. Khoa học hiện đại đã phát hiện nhịp sinh học có gốc gác từ nhịp điệu vũ trụ.
Hoạt động của mọi cơ thể sống có lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu, tiến  trình sinh lý biến đỏi, có chu kỳ và tuần hoàn. Cuộc sống mỗi người có chu kỳ thể lực 23 ngày, chu kỳ tình cảm 28 ngày, chu kỳ trí tuệ 33 ngày. Nửa số ngày đầu trong từng chu kỳ là tính Dương, đặc trưng bởi sự tăng cường khả năng làm việc. Nửa số ngày cuối là tính Âm thì ngược lại. 3 chu kỳ đều chuyển tiếp từ nửa chu kỳ Dương sang nửa chu kỳ Âm. Ngày trùng với điểm chuyển tiếp là ngày xấu. Với chu kỳ tình cảm là sự vô cớ, thất thường, với chu kỳ trí tuệ là tư duy kém, đãng trí, với chu kỳ thể lực là dễ sơ xuất, thường xảy tai nạn... Trong 2 chu kỳ, số ngày chuyển tiếp trùng nhau chỉ xảy ra 1 lần trong 1 năm, là ngày xấu nhất - ngày "vận hạn". Ờ Nhật Bản, áp dụng cách nhận diện và báo các chu kỳ ngày xấu của từng lái xe, Công ty giao thông Ômi Reilvei giảm 50% số vụ tai nạn đầu năm 1969 - 1970. Đó là minh chứng chọn thời điểm không hẳn không có lý!
3. Phương pháp chọn thời điểm
Bản chất của con người là không thụ động, lệ thuộc số phận an bài mà luôn luôn tìm cách vượt qua khó khăn, khắc phục hoàn cảnh. Trên tư cách chủ thể, ý thức tự lo toan, tự chịu trách nhiệm dẫn tới sự chủ động nắm bắt thời cơ, thuận lẽ Trời, hợp lòng người thì chọn thời điểm có ý nghĩa tích cực.
3.1. Có nhiều cách chọn thời điểm[12] qua hướng dẫn các sách của Trung Quốc, Việt Nam, các bài viết trên báo, tạp chí, các clip, các trang Web ... Nhưng hợp lý, có độ tin cậy là từ lý luận Kinh dịch, gạt bỏ những yếu tố phi lý thể hiện trong “ Ngọc hạp Thông thư” do Khâm Thiên Giám triều Nguyễn biên soạn đã được Tân Việt – Thiều phong[13]  giới thiệu.
Chọn thời điểm phải tính theo địa bàn và xét với từng người, từng việc dựa vào những nguyên tắc:
- Dùng ngày và giờ (theo giờ quốc tế Greenwich - GMT quy ra Can Chi) có sao lành và  tránh sao dữ trong 28 sao, 12 Trực, ngày Hoàng đạo, Hắc đạo; hệ thống Thần sát và  những tập tục dân gian.
- Khảo sát hợp, hóa, xung, tuyệt của 10 Can; hợp, hóa, xung, hại, phá, hình, tuyệt của 12 Chi; nạp âm 60 Hoa Giáp, dựa vào luật sinh khắc, chế hóa của Âm dương – Ngũ hành trong tương quan giữa tuổi chủ sự với  thời điểm chọn và công việc.
- Đồng thời tiếp nhận, bổ sung những tư liệu của một số tác giả đương đại có uy tín đã công bố về lĩnh vực này.
3.2. Như vậy, có thể tiến hành theo trình tự:
Xác định tuổi chủ sự (người thật sự tiến hành công việc và đứng tên)
- Làm nhà, sửa nhà, làm bếp, đặt ban thờ, di chuyển chỗ ở: Lấy tuổi người chồng. Nếu đã ly dị hoặc chồng bỏ đi, hay là phụ nữ nuôi con đơn thân thì lấy tuổi con trai đã trưởng thành. Nếu con trai còn nhỏ mới lấy tuổi mẹ. Các tuổi tính theo Âm lịch và tính theo Tiết khí từ giờ giao tiết lệnh lập Xuân.
- Xuất hành, khai trương, kinh doanh, giao dịch, cầu phúc, tế tự: Lấy tuổi chủ sự.
- Cưới hỏi: Lấy tuổi giới nữ.
- Tang lễ (liệm, nhập quan, hỏa táng, hạ huyệt,); sang cát, xây mộ: Lấy tuổi người chết.
 Thời điểm tính theo Can Chi (là trọng yếu)
- Hợp Mệnh chủ (có Mệnh niên tính theo Can - Chi, Mệnh quái tính theo Bát quái, Mệnh tinh tính theo Cửu tinh), trong đó chủ yếu xem Âm dương - Ngũ hành của Can Chi, Ngũ hành nạp âm của Can Chi.
- Có nhiều thần Thiện, đặc biệt là thần Thiện có năng lực hóa giải (trong hệ thống Thần Sát tượng trưng bởi các sao).
- Không xung khắc Mệnh chủ.
- Không có nhiều thần Ác, nhất là thần Ác tác động trực tiếp tới công việc cần làm.
- Không phạm những kiêng kỵ phổ biến (đã thành tập quán)…
Trình tự chọn
Khởi đầu từ tránh năm, tiếp tới tránh tháng, ngày và giờ không thích hợp, cũng có nghĩa là chọn. Thao tác nên linh hoạt nhằm đơn giản hóa và đưa lại kết quả nhanh. Phương pháp chủ yếu là loại trừ trước các sao kỵ, nhất là đối với từng loại việc, lưu ý các sao Giải thần, Thiên xá, Sát cống, Nhân chuyên, Trực tinh có khả năng hóa giải sao xấu.
Trên tinh thần gạn đục khơi trong và tiếp thụ thành quả của những nghiên cứu mới, nên  nhận thức những đơn vị thời gian mang chất lượng nhất định và thời điểm tốt, xấu là có thật. Tuy nhiên, chọn hay tránh cần tỉnh táo phân tích một cách thận trọng, thấu đáo./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 Lịch Văn hóa tổng hợp 1987-1990, Nxb Văn hóa”, 1987.
Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội.
Tân Việt-Thiều Phong, Bàn về lịch Vạn niên, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1999;
Nguyễn Hoàng Điệp – Nguyễn Mạnh Linh Lịch Vạn niên thực dụng 1998 – 2018, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000;
 Ngô Nguyên Phi Nghiên cứu Phong thủy & Phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
Hoàng Tuấn, Nguyên lý chọn ngày theo lịch Can Chi, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005;
Nguyễn Tiến Đích, Hướng dẫn áp dụng Phong thủy học trong xây dựng nhà, Nxb Thông tin & Truyền thông, 2010.
và một số trang Web… 



[1] Chủ nhiệm CLB Tìm hiểu Phong thủy thuộc Bộ môn Phong thủy của Viện
[2] Sinh năm 145 trước CN, mất năm 86 trước CN (?), nhà sử học danh tiếng thời Tây Hán, Trung Quốc
[3] Nxb Khoa học xã hội, 1993, tập II, trang 122
[4] Sđd, tập II, trang 43
[5] Có bản viết“ Đổng Công tuyển trạch nhật yếu lãm”, trước tác của Tể tướng Đổng Trọng Thư, sinh năm 179 tr CN, mất năm 104 tr CN, nhà tư tưởng, nhà Nho học, nhà triết học duy tâm
vòng, là năm hồi quy có 365, 25 ngày. Giáo hoàng III La Mã Gregorius sửa lại, lấy năm có độ dài 365, 2425 ngày cho tiệm cận năm thời tiết, thành Công lịch quốc tế. Âm- Dương lịch là lịch kết hợp Âm lịch- lấy tháng theo tuần trăng 29 - 30 ngày, có nhuận tháng với Dương lịch- lấy năm hồi quy theo vòng thời tiết 365, 25 ngày, có năm thường 12 tháng, năm nhuận 13 tháng, xác định 24 Tiết khí, sử dụng ở Trung Quốc và Việt Nam cùng với Công lịch
[6] Sinh năm 179 trước CN, mất năm 122 trước CN, Vương chư hầu nước Hoài Nam thời Tây Hán
[7] Trước Công nguyên hơn nghìn năm
[8]  Đại Nam Nhất thống chí
[9] Sinh năm 181, mất năm 234, nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất, thời Tam Quốc
[10] Sinh năm 602, mất năm 670, thời Đường
[11] Có tài liệu nói của Khổng Minh, tài liệu khác viết của Lý Thuần Phong, không thống nhất
[12] Như của Bát trạch, Huyền Không học trong Phong Thủy, của Bát tự,  64 quẻ  Kinh dịch, Thập bát cục và các cách chọn khác
[13] Bàn về lịch Vạn niên, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét