Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

PHẬT PHÁP ỨNG DỤNG

Bài đã đăng trên Thông tin khoa học TIỀM NĂNG CON NGƯỜI tập 1 của Viện NC&ƯDTNCN


       Nguyễn Tân Khoa[1]

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên và phát triển bền bỉ qua hàng ngàn năm, có nhiều thời kỳ hưng thịnh và thời nhà Lý, nhà Trần trở thành quốc đạo. Cho đến nay, đạo Phật vẫn đồng hành cùng dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, nhiều nơi có xu hướng phát triển.Đạo Phật gồm nhiều tông phái, mỗi tông phái vận dụng Phật pháp có thể khác nhau.
1. Ứng dụng Phật pháp trong xã hội
Phật pháp gồm 84 ngàn pháp môn được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và tự nhiên.
Phật pháp là lời dạy thực tế cho mọi người, chỉ đường cho ta đi đến đạt Đạo.Dạy các quan điểm về vũ trụ nhân sinh, dạy biết về sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Tu luyện cần theo Bát chánh đạo, xả bỏ Thân-Tâm để trở về với cái không.Tính không của vạn vật được chỉ rõ để con người không bám chấp vào đó.Cần hiểu được cái lý vô thường của sự sống: Hoa phải tàn, người phải theo luật sinh lão bệnh tử, ngày đêm và bốn mùa… quay vòng.Hiểu được Tâm vô ngã: Không có cái tôi tự tính, do đó cần bỏ thói tham lam, kiêu căng,hách dịch, nóng giận, mê lầm. Hiểu được sống giản đơn thì hạnh phúc hơn, sống bình an vui khỏe thì sung sướng hơn là giàu có mà ốm yếu, bất ổn. Đây là những pháp môn có tính khoa học, văn hóa, giáo dục cao. Một số vị vua được đào tạo từ trong chùa hoặc sau khi hoàn thành sự nghiệp lại về chùa tu luyện. Tiêu biểu là vua Lý Thái Tổ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…
Phật pháp giúp ta biết giới hạn một số việc nên tránh, định tâm vào chỗ an lành,khai mở và phát triển trí tuệ lên cao, biết điều chỉnh bản năng và cao hơn biết chuyển hóa bản năng thành bản lĩnh.        
Phật pháp đã góp phần xây dựng đời sống tinh thần an vui cho nhiều người. Họ tìm thấy ở đó tư tưởng hòa bình, nhân ái, lòng từ bi khoan dung độ lượng, yêu thương con người, vì con người, sẵn sàng hy sinh cho người khác. Họ giúp đỡ con người với lòng từ bi hỷ xả, không vụ lợi. Họ thể hiện tính chân thiện mỹ trong cử chỉ, lời nói và việc làm. Họ làm từ thiện với lòng thương yêu và trân trọng người nhận.
Phật pháp cũng giúp con người và gia đình họ hòa hợp, hạnh phúc hơn. Việc đề cao đạo hiếu, thờ phụng tổ tiên và tin theo luật nhân quả luân hồi giúp con người giảm trừ tham lam, sân hận, si mê, đối xử với nhau nhân ái hơn, tệ nạn xã hội ít hơn.
Phật pháp chú trọng đến phòng, chữa bệnh góp phần làm giảm đau khổ cho con người. Thiền sư Tuệ Tĩnh là danh y của dân tộc ta đã nêu phương châm, phương pháp phòng chữa bệnh mà hiện nay nhiều bệnh viện đang dùng là :
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình
Bế tinh là pháp được các đạo sỹ cổ chú trọng vận dụng.Thực tế nếu ai biết giữ gìn, chuyển hóa, làm chủ được tinh khí thần thì người đó đã bảo vệ về cơ bản sức lực của mình. Đồng thời biết giữ tâm trạng thư thái, biết kiểm soát lòng ham muốn, giữ cái gốc rễ của cơ thể là khí huyết và tập luyện tâm thể đều đặn thì bệnh tật khó xâm hại được. Đặc biệt cần phải chú trọng tập Thiền. Tập thiền cần coi thân thể vật lý là vô thường, buông bỏ bản ngã- cái tôi chấp trước. Thở sâu, thở bụng, quan sát hơi thở rất tốt cho sức khỏe. Tập thiền đúng cách sẽ giúp phòng chữa bệnh, tinh thần phát triển. tiêu trừ mặt tiêu cực, thúc đẩy mặt tích cực trong con người…
Tuệ Tĩnh đã khẳng định phòng bệnh là chính, là chủ yếu, có ý nghĩa quyết định đến sức khỏe và tính mệnh của mỗi người trong khi nhiều người hiện nay chỉ chăm chú vào việc chữa bệnh. Họ có lối sống buông thả, ăn uống thỏa thích, bất chấp hậu quả… nên đã mang nhiều bệnh nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng tính mạng.
Phật pháp coi mọi chúng sinh, kể cả sinh vật đều bình đẳng, giúp ta quý trọng muôn loài và hòa hợp với môi trường.
2. Một số quan niệm về Phật pháp
Đa phần coi Phật pháp là học thuyết của hòa bình, hòa hợp, của tình yêu thương, không mang tính thần quyền mà mang tính văn hóa, khoa học và giáo dục. Từ năm 2007, UNESCO  đã công nhận lễ Phật đản là di sản của nhân  loại. Nhiều người suốt đời tu dưỡng theo Phật pháp để hiện tại được hạnh phúc và hướng tới sự siêu thoát, tới cõi cực lạc sau khi xa lìa cuộc sống.
Tuy vậy một số người coi Phật pháp là mê tín, không giúp con người nỗ lực cạnh tranh trong đời sống, đội ngũ tăng ni là những người không làm ra của cải cho xã hội nên chỉ là người ăn bám. Họ không nhìn thấy việc tu hành vất vả và sự giúp đỡ tinh thần cho nhiều người của tăng ni.
3. Định hướng giáo dục Phật pháp
Do chưa hiểu rõ Phật pháp, cho Phật pháp chỉ dành cho người xuất gia và đồng nghĩa với mê tín, dị đoan nên việc tìm hiểu về Phật pháp và tâm linh nói chung bị trôi nổi, thăng trầm theo thời cuộc. Con người chịu nhiều áp lực từ các giáo lý thần quyền, sách vở như tử vi, tướng mệnh, phong thủy, các thầy rởm… Họ bị xô đẩy đến chỗ bế tắc, cùng quẫn không biết nên đi theo hướng nào. Họ bị những kẻ buôn thần bán thánh dọa nạt, ép buộc làm những điều không  mong muốn, phi lý …và phải chịu nhiều hậu quả nặng nề. Đó là hệ quả tất yếu của việc không được học hỏi đúng đắn về Phật pháp. Vì vậy việc định hướng giáo dục về Phật pháp- tâm linh trong xã hội là rất cần thiết. Khi hiểu rõ Phật pháp- tâm linh là văn hóa, gắn liền với cuộc sống, tồn tại khách quan trong mỗi người bất kể nhận thức của con người về nó như thế nào thì  họ sẽ tìm được thời gian và phương pháp học hỏi, nhất là việc giúp thế hệ trẻ hiểu Phật pháp – tâm linh để có cuộc sống tốt đẹp hơn, tránh sa ngã vào mê tín, tệ nạn xã hội…  Phật pháp- tâm linh là chân lý, là chân thiện mỹ. Điều đó đồng nhất với ước mong ngàn đời của con người, cơ bản trùng hợp với mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta, do đó nó có cơ hội phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thực tế người Việt Nam luôn chú trọng giáo dục cho con cháu về thể chất, tâm hồn, đạo lý, trí tuệ. Từ việc thờ phụng tổ tiên đến ăn ở, học tập, kết duyên, phòng chữa bệnh… đều được chỉ dẫn cặn kẽ, song trên bình diện xã hội thì nhiều hoạt động chưa được hướng dẫn. Các cơ quan chức năng cần có định hướng giáo dục Phật pháp - tâm linh, nhất là ngành giáo dục, văn hóa.
Khi hiểu được làm người là khó, là cơ hội may mắn để tu luyện cho cuộc sống hôm nay hạnh phúc, kiếp sau cực lạc, con người sẽ có niềm tin để sống tích cực. Họ không bị áp lực của quá khứ, không ảo vọng ở tương lai mà vui sống trong hiện tại, theo quan niệm:
Tâm không vướng bận ưu phiền
Là tâm an lạc, là Tiên cõi trần
Nhiều năm qua Câu lạc bộ Phật học ứng dụng đã ứng dụng Phật pháp vào một số việc như:
- Phòng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Nhiều người được chữa bệnh trong đó có một số bệnh khó như: ung thư, nghiện ma túy, HIV, trẻ tự kỷ…
- Hóa giải những bức xúc trong cuộc sống như: vong theo, vong trong nhà ở, tình duyên, hiếm muộn,thi cử, công danh vướng mắc…
- Cầu siêu, chuyển cảnh giới tri ân anh hùng liệt sỹ, tổ tiên các dòng tộc: như liệt sỹ phường
Ngọc Khánh - đền Voi Phục (2010), 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (2009), nhà tù Phú Quốc (2011), quân chủng Hải quân (2013),các nhà sư ở chùa Thanh Trì Hà Nội (2014), liệt sỹ nghĩa trang Đường 9, thành cổ Quảng Trị, Bà Rịa (2015)…
- Bồi dưỡng về Phật pháp và nói chuyện chuyên đề sức khỏe, tâm linh, dạy thiền… cho người có nhu cầu
KẾT LUẬN
Phật pháp giúp ta hiểu biết chính mình, hiểu quy luật của trời đất,hướng vào tu luyện để trở về nhà của mình (Phật tính), đã có sẵn trong tâm không ham muốn chạy theo những cái bên ngoài như tiền của, danh vọng…vì mọi cái đều sẽ tan biến như mây khói. Ta chỉ có thể dựa vào chính mình,không thể dựa vào bất cứ thế lực nào.Việc tu luyện ta phải tự làm,không ai làm thay được.Tu luyện cần giữ được sự cân bằng,hòa hợp, không ép xác khổ hạnh,cũng không buông thả tùy tiện, đó là trung đạo. Thực hành cần lấy tập thiền là phương tiện chính.
Người hiểu Phật pháp là người hoàn toàn tự do, có cuộc sống phong phú, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, không lo sợ điều gì; nhất là không bị thần quyền chi phối, không bị ai dọa nạt, bắt ép làm những việc không muốn làm. Họ yêu thương và mong giúp đỡ mọi người, dạy bảo hậu thế những điều thiết thực để con em họ tránh được mê lầm, sớm tỉnh ngộ. Họ quên tuổi tác, bệnh tật, hận thù, luôn lạc quan yêu đời và tràn trề hạnh phúc.
Họ hiểu được thân thể, tâm trí không phải là linh hồn. Linh hồn tồn tại vĩnh hằng, thân thể chỉ  một kiếp là phải bỏ nên việc yêu quý chăm sóc để thân thể khỏe mạnh, để ta có cơ hội tu dưỡng về Phật pháp- tâm linh là mục đích của cuộc sống. Cần phá ngã chấp : biết buông bỏ, không chấp trước, không lệ thuộc thần quyền, không mê tín dị đoan. Tận dụng quỹ thời gian tự tu, tự thành, tự  chứng, không làm những việc tầm phào vô nghĩa.
Phật pháp là nhất nguyên, không phân chia, nên khi hiểu được Phật pháp sẽ hiểu được cái một,từ bỏ bản ngã-cái tôi,học hỏi về chính mình để đạt được Đạo.
Thiên đường hay địa ngục đều trong tầm tay ta, hãy tự tìm trên con đường tu dưỡng Phật pháp.



[1]  Đại tá. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phật học ứng dụng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét