Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

MÙA XUÂN, ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ TIỀM NĂNG CON NGƯỜI

Bài đăng trên Thông tin khoa học TIỀM NĂNG CON NGƯỜI  số 1 của Viện NC&ƯD TNCN


                                                                                                                  GS TSKH Phan Anh[1]

Đôi dòng phi lộ          
Từ rất xa xưa, loài người đã từng biết có những khả năng đặc biệt ở một số người xuất hiện tại nơi này, nơi kia với những bằng chứng được xã hội thừa nhận, đánh giá và ứng dụng. Việc nghiên cứu cũng đã được nhiều cá nhân, tổ chức ở nhiều nước trên thế giới tiến hành một cách khá bài bản, theo nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau và cũng đã đạt được một số kết quả nhất định [*]. Tuy nhiên, so với nhiều ngành khoa học khác thì việc nghiên cứu tiềm năng con người trên thế giới nói chung cũng chưa có được những tiến bộ thật đáng kể, nếu không muốn nói là vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”, trong khi nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ đã có những bước tiến nhảy vọt, kỳ diệu, như Công nghệ vũ trụ, Công nghê thông tin - truyền thông, Công nghệ sinh học v.v.
Đối với nước ta, kể từ khi có những tổ chức được thành lập dưới sự bảo trợ của Nhà nước với chức năng, nhiệm vụ được đặt ra cho lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng con người như Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (1996) và  sau đó là Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (2012) thì những kết quả đạt được trong mấy chục năm qua, tuy có thể kể ra một số, nhưng vẫn ở mức rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Một số kết quả nghiên cứu còn chưa đạt được tính thuyết phục cao, vẫn tồn tại những hoài nghi và chưa dễ dàng được giới khoa học hay các cơ quan quản lý Nhà nước chấp nhận.  Đây là những thực tế khách quan, và không phải hoàn toàn không có cơ sở.
Có thể đặt câu hỏi “Vì sao?”
Đối với những nước nghèo như chúng ta thì nhiều người nghĩ ngay đến lý do thiếu cơ sở vật chất, tiền bạc để có thể đầu tư một cách thích đáng cho việc tìm tòi, khảo sát, nghiên cứu. Nhưng đối với nhiều nước tiên tiến, đã có quá trình tìm hiểu, tiếp cận lĩnh vực này từ rất lâu năm, ở đó có những tổ chức được Nhà nước thành lập hay bảo trợ và được đầu tư không ít tiền bạc thì lý do trên có lẽ không hoàn toàn phù hợp. Đi tìm căn nguyên để giải đáp cho câu hỏi này cũng là điều cần thiết, đáng quan tâm.
Chúng ta vẫn thường nghe nói “Con người là tiểu vũ trụ”. Mà đã là vũ trụ thì dù “tiểu” hay “đại” cũng còn biết bao điều bí ẩn tồn tại.

Con người với vũ trụ lớn
Vũ trụ lớn đã là đối tượng nghiên cứu của ngành Thiên văn học từ nhiều năm nay. Trong những năm qua, thế giới đã đầu tư những khoản kinh phí khổng lồ để giúp con người mở rộng tầm mắt ra hàng triệu - triệu cây số và đã đem lại những hiểu biết ngày càng nhiều hơn về vũ trụ, về nguồn gốc loài người. Cách tiếp cận trong nghiên cứu Vũ trụ học là tìm cách thoát ra khỏi cái “nôi” Trái Đất, đi tới những hành tinh xa xôi và khám phá những hành tinh mới có sự sống, nhất là những hành tinh có các sinh vật cao cấp như con người trên Trái Đất này. Con người ngày nay đã đạt được những điều kỳ diệu mà “người xưa” không thể tưởng tượng nổi như “xây dựng ngôi nhà ngoài vũ trụ” (đó là Trạm vũ trụ quốc tế ISS) và con người đã có thể “đi đi, về về” giữa cái “nôi” Trái Đất của mình và ngôi nhà ngoài vũ trụ nhờ các tầu “con thoi” đã được chế tạo ngày càng hoàn thiện (xem ảnh minh họa ở dưới). Tuy nhiên, không có thành công nào là dễ dàng cả. Con người cũng đã phải trả giá cho những thành công ấy bởi những thất bại của các cuộc phóng tên lửa, bởi những nhà du hành vũ trụ đầy dũng cảm đã ra đi không trở về, bởi các thảm họa đã xảy ra với các con tầu vũ trụ, trong đó có tầu con thoi Columbia v.v.
Gần đây, nhờ vào những kính thiên văn điện tử cực mạnh do con người chế tạo, người ta đã có thể dần dà vén bức màn bao phủ Trái Đất để phát hiện về sự tồn tại của những hành tinh có sự sống. Và, rất có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ có cơ hội tìm, gặp được những “người bạn” là những người ngoài vũ trụ đến với chúng ta từ những hành tinh xa xôi, ở cách Trái Đất chúng ta những khoảng cách vật lý cực lớn. Chúng ta cũng chưa thể biết được là những người bạn đó sẽ xuất hiện với chúng ta như thế nào: dưới dạng thực thể hay dưới  dạng một loại vật chất đặc biệt nào khác mà chỉ những nhà ngoại cảm mới có thể nhận biết được, tiếp cận được ở tại nơi đây hay từ trong không gian vũ trụ xa xôi.
Thực vậy, những nghiên cứu và thể nghiệm của con người, trong đó có các công trình nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu, các nhà ngoại cảm của Viện chúng ta  những năm qua đã cho phép chúng ta có thể thừa nhận về sự tồn tại của mỗi con người trong mối hợp nhất hài hòa giữa hai cấu trúc là cấu trúc thực thể, hữu hình (con người vật lý),  và cấu trúc phi thực thể, vô hình mà chúng ta coi đó là phần hồn.  Một số nhà ngoại cảm đã thể hiện được khả năng thoát ra khỏi cái “bản thể vật lý” của mình để đi vào không gian bên ngoài (khả năng xuất hồn), kể cả đi tới những nơi ở cách rất xa mà không bị cản trở bởi các vật cản hữu hình, không bị giàng buộc bởi yếu tố không gian và thời gian.  
                       
Tầu con thoi đang được phóng vào          Tác giả trước tầu con thoi tại Trung tâm Nghiên cứu                vũ trụ từ trên tầng cao khí quyển              vũ trụ NASA, tháng 10/2015 (Houston, Hoa 

Công nghệ thông tin – truyền thông ngày nay cho phép con người ở tại các điểm bất kỳ trên hành tinh dù cách xa bao nhiêu vẫn có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng. Internet là một thành tựu tuyệt vời mà ở đầu thế kỷ 20 không một ai có thể mường tượng nổi. Còn giờ đây, với một máy điện thoại di động thế hệ 3 - 4 trong tay (Smart Phone), người ta có thể vừa nhìn nhau chuyện trò, vừa quan sát cảnh vật ở nơi xa ngàn dặm như trong những chuyện cổ tích, thần thoại. Đó là nhờ những sóng điện từ “vô hình” mà hơn một trăm năm trước đây loài người còn chưa biết. Hẳn là nếu có ông già “Khôtabit” sống lại sẽ nghĩ đây là trò phù thủy, huyền hoặc.  

Con người với “tiểu vũ trụ”
Con người của trí tuệ ngày nay đã đạt được những kỳ tích trong việc tìm tòi, khám phá, chinh phục thế giới với những thành tựu, những bằng chứng rất thuyết phục. Nhưng trở lại với đối tượng “con người là tiểu vũ trụ”, là đối tượng gần gũi nhất, sát sườn nhất, thì những “khám phá” của con người về “chính mình lại còn rất hạn chế và có  nhiều điều còn khá mơ hồ. Nhiều khảo sát, nghiên cứu để đánh giá khả năng đặc biệt của con người thông qua các đề tài mà chúng ta đã triển khai những năm qua như “Tìm mộ từ xa”, “Chữa bệnh không dùng thuốc”, “Thu nhận thông tin và giao tiếp với người đã khuất ”, “Tiên đoán sự kiện ở tầm vĩ mô và vi mô” v.v thì hầu như các kết luận đưa ra đều dựa trên việc đánh giá kết quả của hành động hoặc mức độ đúng - sai của các sự việc được khảo sát mà nhà ngoại cảm là đối tượng thực hiện trong tiến trình trắc nghiệm, nghiên cứu. Lấy việc “tìm mộ từ xa bằng khả năng đặc biệt” làm ví dụ thì khi thống kê kết quả ta thường đưa ra những con số đại thể như 60 hay 70  phần trăm đạt kết quả, với kết quả được xác minh đúng rồi căn cứ vào đó để đánh giá đó là “khả năng” của nhà ngoại cảm. Xét về hình thức thì có thể cho rằng cách tiếp cận này có tính logic, song, thực tế lại không hẳn như vậy. Chính từ những “ca” không thành công (mặc dù ở đó mọi sự tiên đoán của nhà ngoại cảm về diễn biến của quá trình đi tìm hài cốt cũng đã xảy ra một cách chính xác từ đầu đến cuối), cho thấy con số 60 hay 70 phần trăm còn bị chi phối bởi những tác động sâu xa khác thuộc phần vô hình mà chưa được tính đến khiến chúng ta chỉ có thể coi các con số trên là những “kết quả biểu kiến” mà thôi. Điều này cho thấy cần xem xét lại “cách tiếp cận” trong nghiên cứu tiềm năng con người để có được những kết quả thực, những đánh giá đúng về bản chất, mang tính thuyết phục cao.
Vì thế, một số kết quả nghiên cứu trước đây của chúng ta còn chưa dễ dàng được giới khoa học hay các cơ quan quản lý Nhà nước chấp nhận cũng là điều có thể hiểu được. Việc đầu tư công sức, tài chính để nghiên cứu một cách bài bản chưa thỏa đáng là nguyên nhân quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chúng ta còn lúng túng trong việc xác định đúng cách tiếp cận nghiên cứu để có thể nắm bắt được bản chất của vấn đề. Đây có thể xem là mấu chốt để trả lời cho câu hỏi “Vì sao” được nêu ra ở trên.

Mùa xuân với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người
Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, phát triển sau một thời kỳ tạm ngừng để đối phó với cái lạnh giá của mùa đông. Đối với Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người thì mùa xuân năm nay cũng sẽ là mùa để Viện chúng ta bước vào một thời kỳ mới cho sự phát triển về cả hai lĩnh vực Nghiên cứu và Ứng dụng sau thời gian ba năm đã tích lũy đủ những điều kiện cần thiết.
Định hướng nghiên cứu và ứng dụng của Viện, bao gồm  những nội dung và những đề tài cụ thể đã được đề cập trong bản tổng kết đề tài “Một số vấn đề cơ sở Lý luận và thực tiễn trong Nghiên cứu khoa học tiềm năng con người” năm 2013 mà Viện đã thực hiện [*].
Trong phiên họp cuối năm, ngày 23-12-2015, Hội đồng Viện cũng đã nêu các định hướng cho hoạt động Nghiên cứu và Ứng dụng của năm 2016, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, coi đó là việc “sống còn” của Viện.  Hội đồng Viện đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách là phải “khẩn trương xây dựng đề tài khoa học chung cho Viện, tập hợp nhiều đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài Viện cùng tham gia”. Định hướng về nghiên cứu và ứng dụng của Viện cũng đã được chỉ ra ở các kết luận của Hội đồng khoa học ngày 21/3/2015, trong đó đã nêu rõ trong năm tới và tiếp theo nên tập trung vào  ba mảng sau
- Tiềm năng con người trong chăm sóc sức khỏe,
- Tiềm năng con người trong phát triển trí tuệ,
- Nghiên cứu làm sáng tỏ một số vấn đề điển hình thuộc văn hóa tâm linh.
Hội đồng Viện đã thống nhất chọn hướng cho đề tài lớn mà HĐ Khoa học đã khuyến nghị là
“Nghiên cứu Tiềm năng con người trong việc nâng cao sức khỏe và phát triển khả năng tiềm ẩn”.
Đề tài này sẽ được tổ chức như một Chương trình, bao gồm nhiều đề tài nhánh.
Hội đồng Viện đã giao cho PGS, P. Viện trưởng Nguyễn Thị Ngọc Quyên chịu trách nhiệm xây dựng đề cương và làm việc với các đơn vị để thiết kế các đề tài nhánh, sớm thông qua Hội đồng khoa học để đăng ký cho kế hoạch năm 2016.
Về hoạt động ứng dụng, Hội đồng Viện nêu rõ “Cần chú trọng việc rút kinh nghiệm và tổng kết các khía cạnh khoa học để bổ sung cho hoạt động nghiên cứu của Viện”.

Lời kết 
Viện chúng ta đã ra đời và hoạt động được ba năm, một thời gian không ngắn cũng không dài. Trong những năm đầu này, Viện đã dần hoàn thiện về tổ chức với nhiều đơn vị nghiên cứu & triển khai ứng dụng gồm các Bộ môn và Trung tâm; với những đơn vị chức năng đảm nhiệm cho công tác quản lý, điều hành Viện; tập hợp được một  đội ngũ đông đảo cán bộ có nhiệt tâm và năng lực.
Cùng với việc hình thành các đơn vị của Viện thì một số câu lạc bộ cũng đã được tổ chức và hoạt động, thu hút nhiều người tham gia, tạo ra một phong trào quần chúng trong việc luyện tập nâng cao sức khỏe rất hữu ích cho việc xây dựng một xã hội lành mạnh.
Với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo dầy kinh nghiệm, một tập thể cán bộ hăng hái, một mạng lưới các Cộng tác viên có chuyên môn và nhiệt tình, chúng ta hy vọng rằng Mùa xuân này Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người sẽ “cất cánh”, bước vào năm hoạt động thứ 4 với khí thế mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả trong các hoạt động Nghiên cứu và Ứng dụng. Hy vọng rằng trong dịp tổng kết công tác  của Viện vào năm sau chúng ta sẽ vui mừng với nhiều thành công, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học để sẵn sàng đón nhận việc tổ chức một hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu tiềm năng con người tại Việt Nam vào năm 2017 mà Viện đã dự kiến.
                                                                                    Đầu xuân Bính thân 2016



[1] Chủ tịch Hội đồng Viện, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét