Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Doanh nhân họ Bùi trước năm 1954 ở Hà Nội

Doanh nhân họ Bùi
trong buổi bình minh ngành in-xuất bản Việt Nam    
                                                                                              VIỆT ANH
     Trải qua bốn thập niên xây dựng và phát triển, doanh nhân Bùi Xuân Tuy với Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực đã in đậm dấu ấn trong ngành in-xuất bản của Hà Nội và cả nước. Đây là một trong những nhà in-nhà xuất bản tư nhân đầu tiên đã góp phần lưu truyền và quảng bá những tư tưởng nhân văn, tiến bộ trong giai đoạn trước 1954.

  

Bối cảnh ra đời: Theo tư liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, đầu năm 1937, toàn Đông Dương có 88 nhà in đang hoạt động in sách báo.
     Là cái nôi văn hóa của cả nước với lịch sử 1.000 văn hiến, bên cạnh nghề in bản gỗ khắc có ở kinh thành Thăng Long từ thời nhà Lý, ngành công nghiệp in ở Hà Nội ra đời rất sớm. Năm 1905, người Pháp xây dựng Nhà máy in Viễn Đông (IDEO) tại Hà Nội, trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), với tòa nhà 6 tầng. Đây là một nhà máy in lớn, công nghệ in của Pháp, và cũng là công trình kiến trúc cao nhất Hà Nội thời Pháp thuộc.
     Trong khi đó các doanh nhân Hà Nội đã nhanh chóng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực in ấn, xuất bản, tạo tiền đề quan trọng cho việc in ấn, xuất bản và quảng bá các ấn phẩm dịch thuật của phương Tây, sách khoa học kỹ thuật, các tác phẩm của các trào lưu văn học đang nở rộ trong nước và sách giáo khoa cho các trường học... Những năm 1924-54, nhiều nhà in, nhà xuất bản tư nhân được thành lập và hoạt động, đưa ra thị trường sách báo Hà Nội cũng như cả nước nhiều ấn phẩm, xuất bản phẩm, trong số đó tiêu biểu là Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực của doanh nhân họ Bùi.   
Dấu ấn Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực
     Độc giả cả nước trước 1954 đã biết đến những ấn phẩm, đặc biệt là các loại sách văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, truyện khoa học viễn tưởng, sách cho trẻ em, sách khoa học kỹ thuật, sách giáo khoa, sách dạy luân lý cho học sinh của Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực, có trụ sở tại số 9 phố Hàng Cót, Hà Nội. Logo của Cộng Lực là hình ảnh cuộn dây thừng mầu nâu giản dị với những vòng cuộn khỏe khoắn bền chặt biểu tượng cho sự đoàn kết, vững bền đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội thời bấy giờ.
Vốn xuất thân là một trí thức, doanh nhân Bùi Xuân Tuy – chủ Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực chủ trương xuất bản các loại sách hướng vào các chủ đề đề cao giá trị nhân văn của con người, gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, phổ biến khoa học kỹ thuật và giáo dục trẻ em. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, dịch thuật, nhạc sĩ nổi tiếng đã được Cộng Lực giúp đỡ, xuất bản tác phẩm của mình. Qua hệ thống xuất bản phẩm, ấn phẩm của Cộng Lực độc giả được đọc các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật, nhạc sĩ mà sau này tên tuổi của họ trở thành những vết son trong nền văn học, thi ca của Việt Nam, tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Xuân Diệu, Tô Hoài, Phạm Huy Thông, … và một số tác phẩm của các nhà văn tiền chiến như Lê Văn Trương, Nhất Linh, Khái Hưng… Những nhạc phẩm nói lên tình tự quê hương, tình cảm trong sáng của các nhạc sĩ qua các ấn phẩm của Cộng Lực cũng góp phần làm phong phú đời sống văn nghệ, làm bừng lên trong giới trẻ ngày ấy những hoài bão và niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
 Em đến tôi một lần
 Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân
Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng rập rờn trên khắp cố đô”
(Bến Xuân - Văn Cao)      
     Trước năm 1954, Cộng Lực từng nổi tiếng được các bậc phụ huynh yêu mến bởi dòng sách chuyên đề phục vụ đối tượng thiếu nhi với tên gọi “Sách Hoa Mai”. Sách Hoa Mai được Cộng Lực xuất bản nhiều tập, nhiều kỳ trong nhiều năm với những chủ đề rất hấp dẫn trẻ em nhưng lại gợi mở trong các em trí tưởng tượng, óc tìm tòi khám phá thế giới xung quanh, lòng quả cảm và tình yêu thiên nhiên. Các tập truyện nhiều kỳ như “Thám hiểm dưới đáy biển”, “Chú bé rừng xanh”… được thiếu nhi Hà thành đón đọc say mê ngay từ những kỳ đầu xuất bản.
     Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực là doanh nghiệp tư nhân, do doanh nhân Bùi Xuân Tuy làm chủ sở hữu và trực tiếp điều hành. Mọi hoạt động được tổ chức khép kín từ khâu tổ chức bản thảo, thẩm định bản thảo, xuất bản đến in ấn và phát hành, do vậy kế hoạch xuất bản hoàn toàn chủ động. Việc phát hành các ấn phẩm, bên cạnh Nhà sách Cộng Lực và các nhà sách, đại lý ở Hà Nội, ông Bùi Xuân Tuy còn tổ chức phát hành các ấn phẩm của Cộng Lực tại Sài Gòn; ông hợp đồng với Hỏa xa Việt Nam thuê riêng toa tầu chở sách từ Hà Nội vào Sài Gòn bán.
     Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm, ông Bùi Xuân Tuy đặc biệt chú trọng việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Ông dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu các tài liệu, sách về công nghệ in của Đức và Pháp, từ đó ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật in tiên tiến vào sản xuất cũng như dạy nghề cho đội ngũ công nhân của mình. Các trang thiết bị máy móc của Cộng Lực đều được ông đầu tư nhập khẩu trực tiếp từ Pháp. Nhà in Cộng Lực được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có năng lực và công nghệ in hiện đại hàng đầu ở Hà Nội giai đoạn trước 1954.
     Sau giải phóng Thủ đô, năm 1958, Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực sáp nhập với một số doanh nghiệp khác với tên gọi chung là Liên hiệp các Xí nghiệp In 1 Hà Nội theo cơ chế công - tư hợp doanh. 
Luôn nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội
     Bên cạnh hoạt động sản xuất in ấn, xuất bản doanh nhân Bùi Xuân Tuy luôn nêu cao trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Đối với công nhân, ông không chỉ đào tạo, truyền nghề, mà còn quan tâm đảm bảo công ăn việc làm ổn định đời sống cho gia đình họ, nhiều con em công nhân được ông nhận vào làm việc, học nghề và đã trưởng thành. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc ông thuê gói bánh chưng, mua bánh, mứt làm quà tết cho các gia đình công nhân…
     Ông đặc biệt quan tâm tới các hoạt động xã hội từ thiện, hằng năm vào dịp tháng Ba ngày Tám ông đều tổ chức phát gạo cứu đói cho người nghèo ở một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ. Ông là một trong những sáng lập viên thành lập và tài trợ cho Hội hợp thiện ở Hà Nội- một tổ chức hướng thiện làm được rất nhiều việc cứu giúp người nghèo, lo việc tang ma, cấp mộ phần, áo quan cho những nghèo, người già độc thân không nơi nương tựa… Ông còn tài trợ Quỹ khuyến học, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; tạo điều kiện cho các em học giỏi được học bổng du học tại Pháp.
     Với tâm nguyện mong muốn một nước Việt nam độc lập, dân chủ, giầu mạnh, ông nhiệt tình ủng hộ cách mạng trong những chặng đường cam go nhất. Ông đã ủng hộ một số lượng lớn vàng ròng trong Tuần lễ vàng và tham gia cuộc bán đấu giá tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân với giá mua cao nhất để lấy tiền ủng hộ Chính phủ lâm thời cũng như mua Công trái kháng chiến trong những năm Pháp tạm chiếm… Ông còn cho Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời và Tỉnh ủy Thái Bình mượn máy in và cấp giấy, mực để in tiền và truyền đơn của cách mạng trong buổi đầu trứng nước.
     Sau giải phóng Thủ đô, tuy tuổi đã cao, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, coi cống hiến như một niềm vui và hạnh phúc. Ông tham gia công tác bình dân học vụ và bổ túc văn hóa cho người lao động nghèo ở quận Hoàn Kiếm. Đặc biệt, ông là một trong những sáng lập viên và tích cực duy trì hoạt động của Ban bảo vệ di tích Đền Ngọc Sơn (Phả Ngọc Sơn), góp phần bảo vệ sự nguyên vẹn của di tích nổi tiếng này trong những ngày đầy bất trắc trước giải phóng Hà Nội.
     Hơn 40 năm nỗ lực không mệt mỏi, doanh nhân họ Bùi với Nhà xuất bản-Nhà in Cộng Lực đã góp phần tạo nên bộ mặt của ngành in-xuất bản Hà Nội cũng như ngành in-xuất bản cả nước giai đoạn trước 1954. Cộng Lực sẽ mãi là một vệt son trong buổi bình minh của ngành in-xuất bản của đất nước./.

                                                                                                            TP HCM, ngày 16/6/2012
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét