Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Báo cáo của BLLHBVN khóa I


BÁO CÁO CỦA BLLHBVN KHÓA I TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU
LẦN THỨ II CỘNG ĐỒNG HỌ BÙI VIỆT NAM, THÁNG 4/2013

       Kính thưa Đoàn Chủ tịch
       Kính thưa các Đại biểu về dự Đại hội.
     Chấp hành nghị quyết Hội nghị Ban liên lạc mở rộng trù bị cho Đại hội II ngày 23/12/2012, Thường trực Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam khóa I xin trình trước Đại hội Đại biểu khóa II bản báo cáo gồm hai phần lớn: Phần I - Hoạt động của BLLHBVN trong nhiệm kỳ qua và phần II - Phương hướng hoạt động của CĐHBVN trong nhiệm kỳ 2013 - 2018
I.     Hoạt động của Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.
     Nghị quyết hội nghị Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam mở rộng ngày 23 tháng 11 năm 2012 kết luận: "Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho đời sống nhân dân đứng trước nhiều thử thách mới. Trong tình hình chung đó cùng với nỗ lực của các tuyến toàn quốc, Thường trực Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách, bám sát cơ sở, vận động nhiều dòng họ, chi họ Bùi trong cả nước, từ vùng sâu, vùng xa, miền núi đến hải đảo, kết nối thành một cộng đồng lớn của dòng họ".
     Hội nghị cũng kết luận: Hoạt động của Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam, có sự hưởng ứng và hỗ trợ đắc lực của Ban liên lạc các tỉnh, thảnh phố, các quận huyện và cơ sở, sự tư vấn và giám sát của Hội đồng Trưởng lão các cấp, đã luôn bám sát mục tiêu "liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu". Trong đó, như báo cáo kết luận của Chủ tịch đoàn Hội nghị Hội đồng trưởng lão lần thứ nhất ngày 22/11/2009: “Đại hội tháng 4/2008 là một thắng lợi cơ bản, Đại hội đã vạch ra 2 hướng lớn: Hướng về cội nguồn (tôn vinh tổ tiên) và đoàn kết trợ giúp hậu duệ (động viên con cháu)". Liên kết dòng tộc cũng nhằm đích hướng về cội nguồn (tôn vinh tổ tiên), làm nền tảng để đoàn kết, trợ giúp hậu
duệ (đoàn kết - tương trợ - phát triển). Phần hoạt động của Ban liên lạc trong nhiệm kỳ qua xin được báo
cáo theo hướng ấy:
1. Liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên.
     Năm năm trước, tại Đại hội I mà tính chất đại biểu có phần được mở ra rộng rãi, ngoài các đại biểu của các tỉnh thành phố, Đại biểu còn bao gồm nhiều đoàn cấp huyện như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), thị xã Bạc Liêu, cấp xã thôn, như đoàn của xã Thượng Cát huyện Từ Liêm, của thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh (Hoài Đức), cấp công ty như Công ty Bùi Việt (Thành phố Hồ Chí Minh), Tổng cộng 44 đoàn, nhưng mới có 38 đầu tỉnh, thành phố, thị xã trong cả nước có hoạt động của cộng đồng họ Bùi, tính từ cơ sở thấp nhất trở lên, trong đó mới có 14 tỉnh, thành phố có Ban liên lạc, còn lại mới có Ban vận động. Đến nay ta có 28/42 tỉnh thành phố có Ban liên lạc. Nếu tính cả các tỉnh mới có Ban liên lạc ở cấp huyện như Hòa Bình, Nam Định, Lào Cai, Bắc Cạn, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…  thì tổng số là 52 tỉnh, thành phố, số chi họ có Ban liên lạc là 110. Như vậy, Ban liên lạc đã tăng gấp đôi (từ 14 lên 28), số đầu tỉnh thành phố có hoạt động của cộng đồng họ Bùi tăng từ 32 lên 52, trong khi 2 tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội phải sát nhập 2 Ban liên lạc cấp tỉnh, thành phố thành 1. Với hoạt động họ Bùi ở nước ngoài, tới đại hội I, ta chưa có gì. Từ đại hội I đến nay, ta đã nhận được nhiều thư bắt liên lạc từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nga và đã có người trong Ban liên lạc toàn quốc sang trực tiếp cùng bà con họ Bùi ở Paris thành lập Ban vận đông họ Bùi tại Pháp, đang liên hệ thành lập Ban vận động tại Ba Lan, tại Mỹ.
     Ngay từ cuối năm 2009, Chủ tịch đoàn hội nghị Hội đồng Trưởng lão đã kết luận: "Việc tổ chức Ban liên lạc đã tiến tương đối nhanh, phát triển sâu rộng trên cả 3 miền... Tổ chức được bộ máy dòng họ trên cả nước như vậy là đã đúng tâm nguyện bà con và tình đoàn kết dòng tộc. Công tác truyền thông, bồi dưỡng giáo dục, hoạt động kết nối phát triển mạnh là một nét riêng đặc sắc, 12 ấn phẩm (khoảng 1 vạn cuốn) với nội dung rất súc tích, những họ làm được như thế không nhiều nếu không phải là một họ trí tuệ...". Đó là kết luận rút ra trong ngót 5 năm từ tháng 12 năm 2004 tới cuối tháng 11 năm 2009. Từ đó đến nay (28/4/2013) trong 3 năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ I, ta đã nâng số ấn phẩm thường xuyên lên tới số 23, phát hành thêm 1 vạn 3000 cuốn nữa. Nếu tính tổng số trang của 8 ấn phẩm trước đại hội I là 349 trang thì tổng số trang của 15 ấn phẩm phát hành từ Đại hội I đến Đại hội II là 1434 trang, gấp hơn 4 lần, mặc dù còn không ít nhược điểm nhưng nhìn chung chất lượng các bài ngày một tiến bộ.
     Bên cạnh các ấn phẩm thường xuyên, mạng thông tin điện tử (website) và hộp thư điện tử (email) của Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam hình thành sau ngày thành lập Ban trù bị Đại hội tháng 12/2007 đã từng bước góp phần chuẩn bị cho Đại hội I và hỗ trợ đắc lực cho những hoạt động vì mục tiêu chung của dòng họ. Kể từ ngày thành lập, cổng thông tin điện tử của họ Bùi Việt Nam đã hoạt động đúng phương châm và tư tưởng chỉ đạo của dòng họ, không chấp nhận những thông tin sai trái với chủ trương chung của Ban liên lạc, góp phần giúp bà con trong nước và ở nước ngoài cập nhật thông tin về hoạt động dòng họ, làm đầu tàu dẫn dắt những mạng điện tử của các địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình...) là một trang web ra mắt sớm và hoạt động đúng hướng nhưng vẫn còn các khuyết điểm cần khắc phục là cổng thông tin điện tử hoạt động chưa đều, khâu quản trị mạng còn chưa hết “ trục trặc kỹ thuật”.
     Việc liên kết dòng tộc tính theo đầu tỉnh, thành phố trong cả nước qua 8 năm rưỡi (12/2004 - 4/2013) như vậy là tương đối tích cực, nhưng nếu so với số huyện, quận và xã có người họ Bùi sinh sống thì tỉ lệ còn thấp. Nhiều tỉnh, thành phố có Ban liên lạc họ Bùi từ 7, 8 năm nay nhưng số huyện, quận có hoạt động của Cộng đồng phát triển chậm. Trái lại có nhiều tỉnh, Ban liên lạc mới thành lập như Thừa Thiên Huế nhưng đã tích cực thâm nhập, vận động, xây dựng cộng đồng ở khắp các huyện trong toàn tỉnh. Nghệ An cũng là một tỉnh có cách phát triển tốt, chỉ trong thời gian vài năm, từ “Ban liên lạc thành phố Vinh và các vùng phụ cận" đã phát triển tiếp được 4 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương,
Nam Đàn… và đã thành Ban liên lạc họ Bùi tỉnh Nghệ An.
     Nhìn chung, mỗi tỉnh thành phố lại có nét sáng tạo riêng mà nơi khác cần rút kinh nghiệm như thành phố Hồ Chí Minh có "Câu lạc bộ doanh nhân họ Bùi" để cộng tác kinh doanh, “Câu lạc bộ con cháu họ Bùi” góp phần thắt chặt tình cảm họ tộc. Tỉnh Ninh Bình chú trọng gắn kết hoạt động của những người còn tại chức với người về hưu, giữa bà con bên Giáo với bà con bên Lương, Tỉnh Hòa Bình tuy mới thành lập BLL huyên Lương sơn nhưng có tác động tốt giữa người Kinh với người Mường và cũng lấy hoạt động của huyện này tác động sang huyện khác mà xây dựng cơ sở...
     Ở cấp huyện, lại có những huyện có kinh nghiệm phát triển hoạt động cộng đồng tới khắp các xã trong huyện hoặc các phường trong quận như: Hà Nội có huyện Chương Mỹ, Lâm Đồng có huyện Lâm Hà, đã phát triển hoạt động tới hầu khắp các xã, thành phố Hồ Chí Minh có khu Tây Bắc, quận 9 "đã có những hoạt động nổi bật góp phần phát triển cộng đồng họ Bùi tại các đô thị mới"
     Thông qua các hoạt động tìm về cội nguồn của dòng họ, việc tôn vinh tổ tiên chung và tổ tiên trực hệ, được bà con hưởng ứng rộng khắp ở tất cả các tuyến. Ở cơ sở như ở thôn Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức nơi có 8 chi họ Bùi cùng thờ một cụ tổ, trước đây, ít khi quy tụ được đông đảo con cháu ở các chi khác nhau. Từ ngày có ban liên lạc thì ngoài việc chi trưởng thường xuyên chăm lo, nay cứ đến ngày giỗ tổ, con cháu các nơi quy tụ được hàng trăm người, tình đoàn kết gắn bó càng thêm đằm thắm.
     Có nơi trước đây từng chi làm giỗ chạp riêng như ở xã Diễn Kim (Diễn Châu - Nghệ An), nhưng chỉ sau một thời gian tham gia vào cộng đồng đã quy tụ được cả 13 chi họ, đóng góp vào việc chỉnh trang các nhà thờ của cả họ và của mỗi chi, họp nhau xây dựng lược sử họ Bùi xã Diễn Kim. Những tình hình tương tự diễn ra ở bất cứ nơi nào đã có sự vận động của cộng đồng khiến hàng trăm nhà thờ họ và mộ tổ được tu bổ, nhiều bản gia phả chi họ được dịch, biên soạn và công bố đều là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính, cung tiến để tôn vinh tổ tiên, gắn kết trong họ tộc, cả trong hàng dâu rể mà nhiều nơi con dâu trưởng có vai trò nòng cốt.
     Đối với các viễn tổ xa xưa có ảnh hưởng tới nòng cốt dân tộc, cho tới Đại hội I, ta mới phát hiện được hai cụ Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê (ở Song Quan, Tam Nông, Phú Thọ) là bộ tướng thời Hai Bà Trưng, cụ Bùi Quang Dũng (ở Hàm Châu, Vũ Thư, Thái Bình), cụ Bùi Cầm Hổ (ở Đậu Liêu, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), cụ Bùi Tá Hán, gốc Châu Hoan có công phát triển đất nước từ Quảng Nam tới Phú Yên, cụ Bùi Khắc Nhất (ở Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cụ Bùi Quốc Khái (ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), cụ Bùi Huy Bích (ở Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), cụ Bùi Bằng Đoàn (ở Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội)... thì sau Đại hội I ta đã phát hiện ra Thánh mẫu Bùi Thị Dung (ở Bộ Đầu, Thường Tín, Hà Nội) từ đời vua Hùng thứ 6, Mỹ Quân Công Bùi Đình Chấn (ở Bất Nạo, Kim Thành, Hải Dương), cụ Bùi An Thành ( ở Vĩnh Bảo Hải Phòng) từ đời Hùng Vương thứ 18, tướng quân Bùi Văn Thốn (ở Diễn Châu, Nghệ An là bộ tướng của An Dương Vương...) đều là những viễn tổ của họ Bùi đã góp công giữ nước từ trước hai viễn tổ Bùi Thạch rất lâu. Các viễn tổ đời sau thì đã đi sâu vào danh nhân Bùi Viện (ở Trình Phố, Kiến Xương, Thái Bình) người sáng lập Tuần dương quân (Hải quân) Việt Nam, 2 lần đi sứ sang Mỹ, góp công đầu mở cảng Hải Phòng, nữ doanh nhân Bùi Thị Hý, bà tổ gốm Chu Đậu ở Nam Sách, Hải Dương, Quận công Bùi Nguyễn Thái ở Đại Vũ, Vũ Giàng, Từ Sơn, nay là phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, danh nhân Bùi Sĩ Tiêm ở Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình với bản điều trần nổi tiếng năm Tân Hợi (1731) mà ngày 7/2/2013 vừa qua cả mộ và nhà thờ đều được bộ Văn hóa xếp hạng là di tích Quốc gia, danh nhân Bùi Thị Xuân ở Xuân Hòa, Tuy Viễn, Quy Nhơn, Bình Định là nữ tướng Tây Sơn có công lớn trong việc hỗ trợ Quang Trung đánh giặc, danh sĩ Bùi Dương Lịch ở Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, đứng vững qua 3 triều đối chọi, danh nhân Bùi Tuấn diệt giặc Ngô Côn, giữ thành Bắc Ninh, nhà văn thân yêu nước Bùi Văn Dị chống Pháp, bảo vệ Hà Nội, vừa được đặt tên phố ở Phủ Lý tỉnh Hà Nam...
     Qua cuộc hội thảo khoa học "Họ Bùi Việt Nam với nghìn năm Thăng Long- Hà Nội” tại Văn Miếu
Quốc Tử Giám vào tháng 8/2010 được nhiều nhà khoa học hàng đầu hưởng ứng, việc tôn vinh tổ tiên đã được nâng lên tới trình độ toàn quốc, tạo điều kiện cho sự ra đời nhiều đầu sách có ích cho việc con cháu tìm hiểu về ông cha như các tập “Họ Bùi Việt Nam trong quá trình phát triển lịch sử”, “Các nhà khoa bảng họ Bùi trong lịch sử Việt Nam”, “Chuyện kể về con dâu, con gái họ Bùi” của Bùi Văn An, “Danh nhân họ Bùi” của Bùi Xuân Ngật. Các tập sách trên đây, dù chưa khắc phục hết nhược điểm, đã góp phần cung cấp một nguồn thông tin dồi dào chưa từng có về nguồn gốc họ Bùi, không chỉ những con người cụ thể mà còn bước đầu đưa ra những minh chứng và kết luận về nguồn gốc và các bước phát triển của họ Bùi Việt Nam, những tấm gương toàn diện về tổ tiên, về tính cách người họ Bùi, cả nam và nữ, con dâu, con gái… cho con cháu noi theo.
     2. Động viên con cháu, hướng tới tương lai: Trước Đại hội I, tuy mục tiêu hoạt động của cộng đồng đã được xác định, nhưng mục tiêu cuối cùng mang tính mục đích của dòng họ “là động viên con cháu hướng tới tương lai” bằng những hoạt động mẫu mực của thế hệ đương thời chưa được nêu lên một cách rành rọt. Biểu hiện rõ nét là những gương sáng cha ông chưa được bản thân nhiều người có trọng trách trước dòng họ nghiêm cẩn noi theo, “những bất đồng chính kiến bình thường trong một họ có trí tuệ” chưa được kìm nén trong phạm vi đi tìm lẽ phải cho những hoạt động chưa có tiền lệ, nơi này nơi khác còn phát triển thành những bất hòa đến độ không thể dung hòa được, khiến lớp trẻ phát sinh dao động, thiếu chỗ dựa, dẫn đến Thường trực Ban liên lạc lâm thời phải từ nhiệm, tìm đến những người cao tuổi, khiến những thành viên trong Ban trù bị Đại hội I, nòng cốt của Ban liên lạc khóa I, phải đưa ra lời tuyên thệ trước anh linh tiên tổ và trước Đại hội I về trách nhiệm biến mục tiêu của dòng họ thành hiện thực, lấy lại lòng tin cho lớp trẻ, sự yên lòng của người già. Đó là lời thề “tuân theo truyền thống văn hiến của dòng họ, thực hiện trên kính, dưới nhường, trọng lẫn kính chung”, mau chóng kết thúc sự bất hòa không đáng có để từng bước biến mục tiêu “động viên con cháu hướng tới tương lai” thành hiện thực… Điều đó được ghi nhận trong điểm 5 Nghị quyết Hội đồng Trưởng lão ngày 22/11/2009: “. Từ sau Đại hội đến nay, trong Ban liên lạc nói chung đoàn kết tốt, tập trung được trí tuệ và sức mạnh để hoạt động họ tộc, đó là một tài sản vô giá cần giữ gìn và phát huy hơn nữa… Hội nghị cũng đánh giá cao việc thường trực trong thời gian qua giải quyết một vài khúc mắc với thái độ kiên trì, nhường nhịn, không sa vào những chuyện vụn vặt cản trở sự  phát triển của dòng họ là hoàn toàn đúng đắn và nghiêm túc”. (trích Nghị quyết Hội đồng Trưởng lão, ấn phẩm Họ Bùi tập 12, trang 16).
     Ngoài việc lấy hoạt động thực tiễn và kết quả công việc để động viên con cháu, Thường trực Ban liên lạc toàn quốc nhận rõ quy luật của hoạt động dòng họ không giống như mọi hoạt động khác trong xã hội, lớp trẻ phải qua quá trình lập thân, lập nghiệp, lập gia đình, sớm cũng tới tuổi trung niên, muộn thì phải đợi đến nghỉ hưu mới có nhu cầu hoạt động dòng họ, nên dù rất chú trọng thu hút các tài năng trẻ nhưng thường dành ưu tiên thời gian cho các anh chị em, con cháu còn tại chức làm việc nhà nước, tin cậy, khuyến khích những anh chị em trẻ tham gia việc họ, thu hút thế hệ mới, nhưng không xét nét các điểm yếu, sẵn sàng giao trọng trách cho lớp kế tục trên nguyên tắc không phá vỡ kỷ cương dòng họ, không để xẩy ra hiện tượng “đông mà không mạnh” vì cá mè một lứa, tranh cãi mà không có kết luận cuối cùng. Ở tuyến toàn quốc, các tài năng trẻ được kịp thời phát hiện, nêu gương, những trường hợp đặc biệt khó khăn được giang tay giúp đỡ, quỹ khuyến học, tủ sách họ Bùi ở các tỉnh, huyện được cổ vũ và khuyến khích thành lập, các doanh nhân trẻ được động viên phát triển, nhiều học sinh nghèo được giúp đỡ: Một cháu nam sinh viên ở Huế ra Hà Nội thi vào trường Quân y do Bác Bùi Thế Trinh, trưởng tộc Bùi An Cựu, xã Thụy An thành phố Huế giới thiệu, được bác Bùi Đại kiểm tra học lực, giới thiệu cho trường Quân y viện 103, đã thi đỗ được theo học thành tài, cháu Bùi Thị Hằng do Ban liên lạc huyện Sơn Dương giới thiệu được bác Bùi Ngọc Khôn trợ cấp hàng tháng theo học trường Bách Khoa, đã tốt nghiệp ra trường, có lương tháng giúp đỡ gia đình, một cháu nhỏ ở tỉnh phía Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ông Bùi Xuân Ngật phát hiện, được bác Bùi Đại và văn phòng Ban liên lạc góp tiền nhờ Ban liên lạc thành phố Hồ Chí Minh chuyển tới gia đình, đã có thư cảm ơn gửi tới Thường trực. Trong khi đó rất nhiều chi họ đã thành lập quỹ "khuyến học" và vào dịp Tết nào cũng có cuộc họp tuyên dương các cháu đạt thành tích trong học tập. Ban liên lạc thành phố Hồ Chí Minh trong họp mặt đầu xuân năm nào cũng chọn được các cháu xuất sắc trong các cuộc thi tài năng để trao phần thưởng. Trên ấn phẩm và trang web của Ban liên lạc họ Bùi, những thành tựu nổi bật về từng mặt của lớp trẻ dòng họ đều được đưa tin một cách cấp nhật mang hàm ý nêu gương.
     Dù đã cố gắng, tuyến toàn quốc rất khó với tới lớp thanh thiếu niên ở cơ sở, mong các tuyến tỉnh, huyện gia công thêm về hướng này.
     Bởi vậy, so với hướng "liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên" do mọi thế hệ đều tích cực tham gia và đạt được nhiều thành tựu thì hướng "động viên con cháu, hướng tới tương lai" mà Hội đồng trưởng lão toàn quốc gọi là hướng "giúp đỡ phát triển hậu duệ"  vẫn chưa đạt kết quả rộng rãi đều khắp và chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu.
     3. Mấy bài học kinh nghiệm:
     Trong nhiệm kỳ qua hoạt động của dòng họ đã đi đúng hướng, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nét nổi bật là tính văn hóa của hoạt động dòng họ, đúng lời tuyên thệ “làm mọi việc tốt để người già trong dòng tộc yên lòng, anh chị em tin cậy, lớp trẻ không hổ thẹn với bạn bè gần xa”. Sau 1/3 nhiệm kỳ Hội đồng Trưởng lão (do ban trù bị Đại hội I đề nghị thành lập), đã kịp thời mở Hội nghị toàn thể, có nhận xét, kết luận và nghị quyết sáng suốt. Có thể nêu lên thành mấy bài học kinh nghiệm:
   a.Cộng đồng họ Bùi, theo đúng điều lệ, là "tổ chức xã hội - văn hóa tự nguyện", mọi hoạt động của Cộng đồng cần được nghiêm cẩn giữ gìn trong một nếp văn hóa có nét riêng của dòng họ. Đúng như báo cáo kết luận của Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão trong hội nghị 22/11/2009: “Họ Bùi chúng ta có đặc điểm là trí tuệ, tài năng và trong sinh hoạt lao động thì văn hóa và trong sáng. Trong sáng có nghĩa là luôn luôn bảo vệ chân lý, không xu nịnh, không cơ hội. Hiện tượng không đồng thuận trên quan điểm, trên chủ trương ở những người có trí tuệ và trong sáng là hiện tượng bình thường trong mọi hoạt động". Điều quan trọng hàng đầu là giữ vững động cơ "vì dòng họ" mà ứng xử mọi tình huống. Tuyệt đối không vì danh, vì lợi mà nẩy sinh định kiến, xúc phạm cá nhân.
     Sự cộng tác trong hoạt động dòng họ là hoàn toàn tự nguyện. Cá nhân hoặc tổ chức nào tự giác đặt mình trong guồng máy chung, hoạt động theo ý chí của tập thể thì dòng họ đều giang tay đón nhận, nhưng dòng họ không săn đón, cầu cạnh bất cứ ai, dù người đó có tài sản, trí tuệ, quyền lực lớn. Trong hoạt động dòng họ mỗi thành viên đều có sự tự tin, tự hào chính đáng nhưng phải giữ nó trong sự khiêm tốn, chân thành. Có chính kiến rõ ràng nhưng phải lắng nghe ý nguyện của tập thể. Trong nội bộ phải kính trên nhường dưới, với họ bạn phải trọng lẫn kính chung. Nhà có gia phong, họ có kỷ cương, nền nếp, đó là văn hóa. Còn văn hóa dòng họ thì mất biến thành còn, yếu rồi lại mạnh, mất văn hóa tưởng chưa mất gì nhưng sẽ mất tất cả.
     Đó là bài học sâu sắc hàng đầu cần rút ra sau 9 năm hoạt động của họ ta.
   b. Việc dòng họ từ cấp huyện, quận (trên cơ sở) trở lên là công việc chưa có tiền lệ, cũng là tổ chức phi lợi nhuận không thể áp dụng kinh nghiệm của bất cứ các tổ chức chính trị - xã hội hoặc kinh tế - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nào trong đời sống. Bởi vậy, đó phải là hoạt động mở, không khuôn cứng, chỉ thống nhất về mục tiêu, phương châm nhưng hoàn toàn chủ động sáng tạo về giải pháp. Do phạm vi hoạt động khác nhau, cần có sự "phân cấp quản lý", có cái chỉ làm được ở cơ sở và trên cơ sở mà không dễ làm ở tuyến toàn quốc (như lập quỹ khuyến học, thu hút lớp trẻ, thăm hỏi mừng thọ người già, thu hội phí), lại có cái chỉ tuyến toàn quốc mới làm được như nghiên cứu về các Viễn tổ xa xưa, về
nguồn gốc, xuất xứ của dòng họ từ thời tiền sử…
     Do đó nhất thiết các tuyến phải dựa vào nhau, tạo điều kiện cho nhau, ủng hộ lẫn nhau.
   c. Đối với tất cả mọi con người, hoạt động dòng họ mang tính chuyên nghiệp thường là hoạt động cuối đời, xếp sau cả quá trình "tu thân, tề gia, trị quốc". Cũng không phải là một quá trình "thẳng tiến" mà có mạnh, có yếu, có được, có mất. Phải xem đó là tiến trình hợp quy luật, không vì thế mà ngại ngùng, chán nản. Bất cứ ai, phải thường xuyên bắt tay vào công việc, giải quyết những vướng mắc, mới từng bước nhận ra nét đặc thù của hoạt động dòng họ để tự điều chỉnh mình cho phù hợp. Do đó, hoạt động dòng họ càng lâu càng quý, không câu nệ trai, gái, trẻ, già…
II. Phương hướng hoạt động của cộng đồng họ Bùi Việt Nam trong nhiệm kỳ 2013 - 2018.
1-Nắm vững mục tiêu “liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, hướng tới tương lai” và phương châm “Đoàn kết - Tương trợ - Phát triển”, nhiệm kỳ 2013 - 2018 là nhiệm kỳ củng cố các hoạt động của Cộng đồng đi vào chiều sâu, như thúc đẩy những nơi chưa tiến hành được Đại hội đại biểu thì tiến hành tiếp tục cho đều khắp; các tỉnh, thành phố đã có hoạt động cộng đồng ở một vài huyện, quận thì phát triển tiếp sang các huyện, quận khác; các quận, huyện có hoạt động cộng đồng trong một số ít xã, phường thì mở sang các xã, phường khác đạt tỷ lệ ít nhất 50% xã, phường có người họ Bùi trong quận, 50% quận, huyện có người họ Bùi trong tỉnh có hoạt động của cộng đồng. Nơi mới có liên hệ với Ban liên lạc tuyến trên thì thành lập được ban vận động. Nơi có ban vận động trở thành Ban liên lạc lâm thời, có Ban liên lạc lâm thời thành Ban liên lạc chính thức sau khi mở Đại hội.
- Những nơi nào chưa viết được gia phả chi họ, thì xúc tiến việc biên soạn theo phương châm "cần sưu tầm đủ tư liệu, bảo đảm tính chính xác, chân thực, không cầu toàn về văn phong, kết cấu”. Chú ý bổ sung đủ tên tuổi, công trạng cả các phu nhân, các chị em gái, không "trọng nam khinh nữ". Quy tụ tất cả các bậc cao niên có hiểu biết về tổ tiên thành tổ chức đóng góp cho việc viết, dịch, cắt nghĩa đúng gia phả của chi họ. Những nơi đã có gia phả thì tiến lên biên soạn lịch sử của dòng họ, chú ý nơi xuất xứ, mối liên hệ với các chi phái khác, ghi lại và dịch rõ các bài vị, câu đối, sắc phong, thực hiện khẩu hiệu "dòng họ có gì là gia bảo thì con cháu đều biết và hiểu rõ".
- Tuyến tỉnh và tuyến toàn quốc phải chăm lo tiếp tục phát hiện, có kết luận đúng đắn về cội nguồn của họ Bùi Việt Nam về các viễn tổ, xóa bỏ những nhận thức mơ hồ, lẫn lộn về nguồn gốc, tiến tới khẳng định và truyền bá rành rọt cho mọi thành viên trong cộng đồng biết rõ: “Họ Bùi là một họ bản địa, thuộc dòng Lạc Việt, đã phát triển khá mạnh từ thời các vua Hùng”, không chấp nhận những luận điểm thiếu căn cứ, mâu thuẫn với các ngọc phả, thần phả, với dân tộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học và các môn học có liên quan. Từ nguồn gốc đúng đắn của tổ tiên mà củng cố nền văn hóa, nhân nghĩa thuần hậu của dòng họ, nhắc nhở nhau ứng xử cho xứng đáng.
     Trong nhiệm kì 5 năm, cố gắng duy trì ấn phẩm “Họ Bùi Việt Nam” ở mức mỗi năm ra đều kỳ 4 số, (đạt mức cao nhất là các năm 2005 và 2011 mỗi năm 4 số) cao hơn mức hiện nay. (Thực tế trong 9 năm qua, trừ 2 năm ra được 4 số là các năm 2005 và 2011, còn lại 2 năm  ra được 3 số là các năm 2010 và 2012, các năm 2007, 2008, 2009 mỗi năm chỉ ra được 2 số), hết nhiệm kỳ sẽ ra được thêm 20 số nữa, ở mức mỗi số trên dưới 100 trang, in mỗi số 1.000 cuốn, chất lượng không có bài không đủ tầm cỡ hoặc trái với quan điểm của tập thế. Trang webside đạt mức cập nhật thông tin, không tranh luận cá nhân. Các đầu sách không định mức nhưng trọng chất lượng.
     2-Trong 5 năm, Ban liên lạc toàn quốc gắn với Ban liên lạc Hà Nội nghiên cứu chọn một nơi tiện đường đi lại trong nội thành, tiến tới phương án xây dựng một ngôi đền của dòng họ, có người trông nom chu đáo, có đặt bát hương thờ vọng các bậc viễn tổ của 3 miền, bảo đảm tính tâm linh cho thành viên của các tỉnh xa mỗi khi về Thủ đô dự họp.
     - Ngoài ra, mỗi vùng miền nên củng cố một khu trung tâm du lịch truyền thống của dòng họ tùy theo
khả năng đầu tư của con cháu trong vùng, hoan nghênh sự đóng góp, cúng tiến của mọi người, mọi nơi.
- Khuyến khích các chi họ lập quỹ khuyến học, các huyện, tỉnh, thành phố có quỹ khuyến tài, tiến
hành khen thưởng hàng năm cho lớp trẻ.
     3. Kiện toàn một bước bộ máy giúp việc Hội đồng Trưởng lão, lựa chọn các ủy viên Hội đồng, có đủ tài đức và sức khỏe, các Ban nên có chân rết ở các tỉnh, thành phố. Sắp xếp trợ lý giúp việc và cử ủy viên Ban kiểm tra có năng lực và đức độ, thực sự giúp hội đồng Trưởng lão làm nhiệm tư vấn và giám sát hoạt động của toàn họ tộc và của Ban liên lạc các cấp. Thực hiên mỗi nhiệm kỳ họp Hội đồng trưởng lão một lần để bảo đảm hướng hoạt động đúng đắn của Ban liên lạc các cấp. Hội đồng trưởng lão càng vui vẻ nhàn hạ, càng chứng minh sự đúng đắn chủ động sáng tạo của Ban liên lạc các cấp.
     Phát huy tính năng động sáng tạo của các Ban chuyên môn giúp việc có sự điều chỉnh của văn phòng, thực hiện phương châm “hợp đồng chặt chẽ, không xẩy ra chồng chéo giữa các đầu mối”.
     4. Thường xuyên bảo đảm tính công khai minh bạch của mọi hoạt động dòng họ, nhất là mặt kinh tế tài chính. Thực sự coi quỹ dòng họ như mái ngói nhà chùa, chỉ bồi đắp thêm mà không ai được chiếm dụng một viên làm của riêng.
- Có thể để một tỉnh, một huyện làm thí điểm cơ chế thu hội phí, có theo rõi rút kinh nghiệm xem có thể vận dụng được rộng rãi trong toàn cộng đồng?
- Dòng họ là tổ chức phi lợi nhuận, không có tư cách pháp nhân để hoạt động kinh doanh. Các tổ chức kinh tế của cá nhân, người trong họ được Ban liên lạc vận động các thành viên ủng hộ về tinh thần và thúc đẩy kinh doanh có hiệu quả.
Thưa các đại biểu Đại hội!
     Hoạt động dòng họ mang tính đặc thù vẫn là lĩnh vực mới mẻ đối với mỗi thành viên chúng ta, Năm năm qua, do tấm lòng thành và tâm lý hướng theo lẽ phải của người họ Bùi mà chúng ta đạt được bước phát triển đáng tự hào. Nhưng những sự ấu trĩ và nhược điểm luôn nảy sinh và còn không ít trở lực trong một xã hội theo cơ chế thị trường mà chưa hết khủng hoảng.
     Chỉ với động cơ trong sáng vì họ tộc, vì tổ tiên và thế hệ tương lai, hoạt động dòng họ Bùi như rết nhiều chân sẽ tiếp tục phát triển. Mục tiêu và phương châm của chúng ta đã được thể nghiêm là đúng đắn, chỉ cần một quyết tâm cao và những nỗ lực lớn, Cộng đồng họ Bùi chắc chắn sẽ giữ được niềm tự hào cho mỗi thành viên hôm nay và cho thế hệ mai sau. Thay mặt Ban liên lạc họ Bùi khóa I, toàn Ban liên lạc xin từ chức để Đại hội đại biểu khóa II toàn quyền quyết định.
Kính chúc Đại hội thành công!
                                                                                        TM Ban liên lạc họ Bùi Khóa I
                                                                      Thường trực Ban liên lạc khóa I

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét