Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

GS Bùi Phan Kỳ phát biểu với họ Bùi HN tại Bộ Đầu-Thống Nhất-Thường Tín 10/3/13


THÁNH MẪU BÙI THỊ DUNG, CHỨNG TÍCH VỀ SỰ SINH SỐNG CỦA HỌ BÙI CÁCH ĐÂY 3500 NĂM Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
                                                             

                                                                         GIÁO SƯ BÙI PHAN KỲ


    Thưa toàn thể bà con cô bác họ Bùi tới dự buổi họp mặt đầu xuân Quý Tỵ 2013 của họ Bùi thủ đô Hà Nội.
     Thường trực BLLHBVN vui mừng tới dự buổi họp mặt đầu xuân của toàn thể bà con, cô bác họ ta đã được tổ chức thành nếp, năm nay, tại thôn Bộ Đầu, vùng đất thiêng của dòng họ, là sinh quán của Quốc mẫu Văn Lang Bùi Thị Dung đã sinh ra Thánh Gióng, người anh hung huyền thoại của dân tộc Việt Nam mà sự tích đã được kể lại trong Đại Nam quốc sử diễn ca:
“Lời thưa mẹ dạ cần vương
Lấy trung làm hiếu một đường phân minh
Sử về tâu trước triều đình
Gươm vàng ngựa sắt để binh tiến vào
Trận mây theo ngọn cờ đào
Ra uy sấm sét nửa chiều giặc tan
Áo nhung cởi lại linh san
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên”.
     Xưa nay trong truyền thuyết của dân ta, công trạng của những bậc anh hùng cứu nước xa xưa thường được huyền thoại hóa, tô điểm cho thêm phần thần bí, nhưng phần quê quán của cha mẹ thì người ta thường nói đúng mà không tô vẽ thêm vì nó không nâng cao giá trị của sự tích. Huống hồ quê quán của mẹ Thánh Gióng không phải do họ Bùi ta phát hiện mà do các học giả có uy tín trong giới khoa học như tiến sỹ Hán học Cung Khắc Lược và tiến sỹ khoa học Lương Khả Kế phát hiện từ bản thần phả do các đại thần có học vấn từ triều Lê Anh Tông (TK 16) viết lại, nay vẫn còn bản lưu ở Viện Hán Nôm, đều là nguồn chính thống của mọi thời, không có cớ gì để không thừa nhận.
      Việc BLLHB thủ đô Hà Nội chọn đất Bộ Đầu làm nơi họp mặt đầu xuân năm nay, với sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền đoàn thể địa phương và con cháu họ Bùi Bộ Đầu, hậu duệ của viễn tổ Bùi Cẩn và Phạm Thị Hòa, là rất có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh đối với cả họ Bùi ta. Xin được hoan nghênh nhiệt liệt sự lựa chọn chính xác và sự ủng hộ nhiệt tình đó.
     Nhân cuộc họp mặt đầu xuân có ý nghĩa sâu sắc này, trách nhiệm của Thường trực họ Bùi toàn quốc chúng tôi là phải làm rõ thêm về cội nguồn dòng họ, chỉ ra những nét tự hào chính đáng của cả họ Bùi ta để lớp con cháu thời nay và thế hệ mai sau thấy rõ nghĩa vụ tiếp nối cho xứng đáng. Tiếp nối điều gì ? tiếp nối truyền thống của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước là sự nghiệp luôn cấp bách trong cả mọi thời đối với dân tộc Việt Nam.
     Về vấn đề cội nguồn của dòng họ, hôm nay trên vùng đất Bộ Đầu lịch sử này, khoảng 3500 năm trước là trang Khê Đầu, phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, xứ Sơn Nam, được thần phả kể lại rằng “có nhà họ Bùi, tên húy là Cẩn, lấy bà Phạm Thị Hòa người cùng trang, vợ chồng một dạ hiền lành, từ ái. Ông bà sinh hạ được một người con gái đặt tên là Bùi Thị Dung. Năm 13 tuổi, bố mẹ đã qua đời, Bùi Thị Dung phải về ở với cậu ruột, vốn là người buôn bán, bỏ nghề về giữ chùa Hoàng Nham. Năm 16 tuổi, cô có nhan sắc tuyệt vời quan lang Đổng Gia gặp mặt, xin cưới về làm đệ nhị phu nhân”…Những chi tiết về sự hoài thai của mẹ Thánh Gióng và sự sinh nở, lớn lên của người anh hùng đã được huyền thoại hóa bằng nhiều cách, nhưng những chi tiết về quê quán và cuộc đời của mẹ Thánh Gióng trên đây đều do một quan đại thần triều Lê Anh Tông (1557 – 1573) viết lại là hoàn toàn phù hợp với đời thường, đã được triều Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ (1658 – 1661) hưởng ứng, sau sự kiện Thánh Gióng cứu mẹ bên bờ sông, đã cho xây dựng tại đúng địa bàn đó ngôi đền “Thánh Gióng báo ân mẹ” có pho tượng cao 5,87 m là tác phẩm điêu khắc đặc sắc đã từng tạo ra tại các đền thờ mà ta còn chứng kiến.
     Cách đây 3500 năm, họ Bùi đã như vậy tất nguồn gốc dòng họ không chỉ bắt đàu từ đó. Tỉnh Hòa Bình là nơi có rất nhiều bà con họ Bùi sinh sống cùng các họ Đinh, Quách, Bạch, Hà, Hoàng thì những chứng tích do “nền văn hóa Hòa Bình” chôn dưới đất của người Việt cổ, gần đây vào năm 1932 được “Hội nghị quốc tế về tiền sử Viễn đông” gồm nhiều nhà khảo cổ Mỹ, Anh, Trung Quốc… xác nhận có niên đại không phải từ 10 – 12.000 năm TCN như trước mà đã có từ 18.000 năm TCN, và là trung tâm nông nghiệp và công nghiệp chế tác đồ đá (rìu, cuốc, mũi khoan…) và chăn nuôi gia súc sớm nhất thế giới, trước văn minh Lưỡng Hà (là hai con sông lớn chảy qua Ấn Độ) tới 3.000 năm. Người ta rút ra kết luận: Loài người phát sinh ở châu Phi cách đây 20 vạn năm trước, rồi men theo hướng Đông – Bắc tới vùng Trung Đông định cư, một nhánh rẽ sang phía Đông qua Pakistan, Ấn Độ, rồi theo bờ biển phía Nam đến Đông Nam Á mà trung tâm là miền Trung và Bắc Việt Nam vào khoảng từ 6 đến 7 vạn năm trước, ở lại đây khoảng 1 vạn năm, do nước biển dâng cao, hậu duệ của họ có bộ phận đi về phía Bắc, tới khai phá Trunng Quốc, qua Nhật Bản, Hàn Quốc tới Si-bê-ri, cách đây 5 vạn năm đến châu Úc và cách 4 vạn năm đến Tân Ghi-nê (hòn đảo phía Bắc châu Úc). Cách đây 3 vạn năm có bộ phận từ Si-bê-ri băng qua eo biển Bering tới Alatca thành thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ, trước khi phương Tây tìm ra châu Mỹ. Như thế là tại vùng Trung và Bắc Việt Nam, tổ tiên loài người ở Việt Nam, trong đó có tổ tiên họ Bùi, đã có mặt cách đây từ 6 đến 7 vạn năm và từ 18.000 năm trước CN, họ đã để lại nền văn hóa Hòa Bình là một cái nôi của nền văn minh trồng trọt và chăn nuôi gia súc trên toàn thế giới.
     Sở dĩ đến nay mới biết và công bố điều đó vì dân ta xưa kia sau hàng nghìn năm Bắc thuộc (từ 111 TCN thuộc nhà Tây Hán đến 905 thuộc nhà Đường) bị đào bia, đốt sách, học theo văn hóa phương Bắc, rồi lại bị gần trăm năm phương Tây cai trị (từ 1886 đến 1975) phải học văn hóa phương Tây, tất bị chính sách đồng hóa, ngu dân của chúng dạy rằng “An Nam là xuất xứ và phát triển từ văn minh phương Bắc…”  Chỉ từ ngày nước nhà được độc lập, dân tộc có quyền quan hệ bình đẳng về mọi mặt với nền văn minh toàn thế giới thì mọi cội nguồn mới từng bước được làm sáng tỏ. Trong khi ở trong nước, các nhà nghiên cứu không bị cấm đoán đã có những người tâm huyết như nhà giáo Đỗ Văn Xuyền đã dành cả cuộc đời còn lại để sưu tầm chữ viết của người Việt cổ, đã có đủ tư liệu về 37 chữ cái của người Việt (thuộc loại chữ tượng thanh) đã ra đời trước chữ Hán (là loại chữ tượng hình) hàng ngàn năm. Chữ tượng thanh mà người xưa gọi là hỏa tự (bốc lên như ngọn lửa) cũng tiện dùng chẳng kém 24 chữ cái gốc Latinh. Chữ Việt cổ đã được dạy thành trường lớp từ thời các vua Hùng.
     Mấy nét tóm lược về lịch sử dân tộc và lịch sử dòng họ, xin được công bố trong buổi họp mặt đầu xuân Quý Tỵ của toàn thể bà con cô bác. Xin kính chúc toàn thể bà con được an khang, thịnh vượng.      



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét