Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở Phước Thắng

Ông nghè Vân Sơn với nho sĩ họ Bùi ở
xã Phước Thắng, Tuy Phước, Bình Định

     Nhà giáo Lê Tự Hiển, cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn trường Đại học Quy Nhơn thời còn là sinh viên đã quan tâm sưu tầm sáng tác thơ văn của các nho sĩ họ Bùi ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước vốn là quê ngoại của ông.
     Những tư liệu ông sưu tầm được cho ta biết mối quan hệ tri âm tri kỷ giữa ông nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì với các nho sĩ họ Bùi khi phong trào Cần Vương ở Bình Định dưới ngọn cờ lãnh đạo của cụ cử Mai Xuân Thưởng thất bại, quê hương lâm vào cảnh nô lệ. Giấc mộng Cần Vương tan thành mây khói theo pháo hạm La Cô-mét-tờ (La Comète) đưa vua Hàm Nghi vào Sài Gòn để lên tàu "Biên Hòa" đi an trí tại An -giê (Alger)(1). Tiếp đến phong trào Đông Du mà Tăng Bạt Hổ - người con ưu tú của Bình Định đã cùng phan Bội Châu và Đặng Tử Kính mở đường sang Nhật rơi vào vòng bế tắc, Quang phục hội khởi nghĩa thất bại, hàng vạn đồng bào biểu tình bao vây thành Bình Định yêu cầu duy tân, vận động cắt tóc ngắn, chống bắt phu, đòi giảm thuế bị tàn sát đẫm máu.
     Mặc dầu biết sách thánh hiền đã nhạt màu trong tìm đường cứu nước cứu dân nhưng chí sĩ Nguyễn Trọng Trì cũng như nhiều nhà nho ở Bình Định không cam tâm làm tay sai cho chính phủ bảo hộ, không cộng tác với quan lại Nam triều bán nước cầu vinh, lui về với tổ ấm gia đình, với xóm làng, tìm niềm an ủi trong giao du với bạn bè, trong thú điền viên để giữ lấy tâm hồn cao khiết của nho gia.
     Tiền nhân thuở trước mỗi khi khai phá được một vùng đất mới thường chọn những mỹ từ có ý nghĩa đặt tên cho thôn ấp để gửi gắm vào đó cả niềm tin và hy vọng về cuộc sống phồn vinh cho con cháu mai sau. Cách đây hơn hai thế kỷ, họ Bùi là dòng họ đầu tiên di cư từ Bắc vào khai khẩn vùng xóm Trung, ấp Lạc Điền, tổng Thiều Quang, phủ Tuy Phước. Tiếp sau là các họ Đoàn, Đào, Nguyễn. Cả bốn dòng họ này đã chung sức đắp đê ngăn nước mặn, dọn sú vẹt, đào kênh mương dẫn nước ngọt về thuần hóa vùng đất ngập mặn, sình lầy, dựng nhà cửa, lập vườn, vỡ ruộng để hình thành ấp Lạc Điền - ấp của những cánh đồng vui.
     Trong dân gian còn lưu giữ một truyền thuyết đẹp về thủy tổ họ Bùi như một biểu hiện dũng mãnh của những người mang gươm đi mở nước tới vùng đất này. Chuyện kể rằng vị tiền hiền này có sức mạnh phi thường. Một hôm ra đồng thăm ruộng, để giúp người nhà buộc trâu cày, ông đã nắm đuôi trâu ghì lại. Nào ngờ, con trâu hung hãn dứt chạy đứt đuôi mà ông vẫn đứng yên nắm đuôi trâu bình thản cười. Là người hào hiệp vừa thượng võ vừa trọng văn, ông chăm lo vun đắp đạo lý làm người theo mẫu mực nhà nho cho đời sau nên con cháu ông giữ gìn nếp nhà thi lễ trải qua nhiều thế hệ.
     Cụ Bùi Tình, hậu duệ của ông là một nhà nho nhân hậu, sống giữa thời nhiễu nhương mà vẫn giữ được phẩm chất thanh cao. Cụ đã cùng cụ bà là Trần Thị Trị nuôi dạy con cháu thành đạt, làm cho gia đình nổi tiếng đạo đức đương thời. Cụ nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì là bạn vong niên của cụ Bùi Tình, cảm phục gia phong nho sĩ họ Bùi nên thường tới chơi nhà và đã tặng một bài phú dài, mở đầu có bốn câu thơ chữ Hán:             Tuy Phước danh gia bất nhứt gia
Gia danh phước hậu thị thùy gia
Danh gia phước hậu hữu minh chứng
Phụ mẫu cư tồn huynh đệ đa
Tạm dịch:          Tuy Phước danh gia chẳng một nhà
                          Nhà ai phước hậu ấy danh gia
                          Tiếng nhà phước hậu có minh chứng
                          Đông đủ anh em còn mẹ cha (2)
     Cụ Nguyễn Trọng Trì không chỉ ca ngợi nền phúc hậu của danh gia họ Bùi mà còn cho đây là truyền thống văn hóa gia đình của cả phủ Tuy Phước thời bấy giờ.
     Về sau, cụ tú kép Ngô Xuân Thọ, thân phụ nhà thơ Xuân Diệu vào Gò Bồi, biết tiếng gia đình đã hết lời ca ngợi bà Trị là bậc mẫu nghi, tần tảo, đảm đương, cùng chồng nuôi dạy con cháu nên danh giá.
     Con cụ Bùi Tình là Bùi Thứu có tiếng hay chữ, bút hiệu là Tử Hồ đã nhiều phen lều chõng tới trường thi. Tuy đường khoa bảng chẳng được hanh thông nhưng ông là nhà nho đức độ, có lòng yêu nước thương dân mà không gặp thời, đành gửi gắm hy vọng vào thế hệ trẻ mai sau. Cho nên ông đã xuất tiền của cất một ngôi trường tại Điền Trung để dạy chữ Quốc ngữ cho con em trong làng. Việc làm này thể hiện tư tưởng đổi mới của nho gia thời bấy giờ. Nhằm vỗ về nho sĩ, chính phủ Nam triều tặng phẩm hàm cho ông. Còn cụ Nguyễn Trọng Trì hiểu thấu tâm can bậc hậu sinh mới tặng ông bài thơ:
Trúc tổ âm nung trúc doãn sanh,
Gia chi bửu giã quốc chi trinh.
Đường đàn đồ hiến khai văn mịch,
Võ lộ ân trù biểu nghĩa danh.
Cẩm thái hồng sanh Ban thái diệu,
Đào chi hương độ lý chi vinh
Phi tràng nguyệt hạ đàm kinh tế
Bùi thị phong truyền Nại hải thanh
Tạm dịch:
Tre già bóng cả có măng xanh
Cái báu của nhà nước đăng vinh
Trường dạy quốc văn nêu tiếng nghĩa
Ơn nhuần mưa móc rạng thơm danh
Gấm lồng áo lão màu thêm đỏ
Hương nức cành đào, lý tốt xanh
Nâng chén dưới trăng bàn thế sự
Họ Bùi biển Nại gió đưa thanh
     Cái "kinh tế" - cái thế sự mà các nhà nho yếm thế thời bấy giờ luận bàn bên chén rượu giải buồn rồi cũng chỉ đi đến mong muốn: dầu trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy đạo đức phẩm hạnh nhà nho như trong câu đối cụ Nguyễn Trọng Trì viết tặng ông Đoàn Quýnh con rể cụ Bùi Tình:
   Phú nghĩa trung vô giao chiến địa
   Hành tàng thượng hữu thái hòa thiên
Tạm dịch:  Giàu sang đại nghĩa không tranh cạnh
                  Lui tới khoan hòa có trí nhân
     Tử Hồ vốn tính khí ngang tàng, nhiều lúc muốn mượn chén rượu hay thú nước mây để nguôi nỗi buồn nhớ nước, để khuây hận thù quân cướp nước nhưng nào có được. Khi tỉnh lại mới "buồn cho non nước cũ", mới thấy mình cô đơn giữa cảnh đời nô lệ. Tâm sự u uất này đã được ông gửi gắm vào bài thơ Say:                                     Say danh say lợi mặc ai say
Thơ rượu ta say suốt cả ngày
Tỉnh lại buồn cho non nước cũ
Say rồi quên hết hận thù nay
Dù ai mê mẩn mùi chung đỉnh
Mặc tớ vui say thú nước mây
Tri kỷ làng say đà mấy kẻ?
Cười đời một tiếng cũng vui thay!
     Không như những kẻ say danh, say lợi, mê mẩn mùi chung đỉnh nên phải ôm chân thực dân Pháp, Tử Hồ say rượu, say thơ, say thú nước mây để xa lánh cảnh đời ô nhục. Cho nên tri kỷ với ông "đà mấy kẻ", và cuộc đời đối với ông chỉ "một tiếng (Say) cũng vui thay!". Đây là cái say vừa chua xót vừa tự mỉa mai của những nhà nho phẫn chí vì bất lực trước thời cuộc.
     Tiếp nối gia phong, cụ Bùi Di - em cụ Bùi Thứu, có bút hiệu là Hòa Trai, cũng là một nhà nho dày công nghiên bút nhưng lận đận khoa trường, nên đành về lại nghề nông, mở lớp dạy học trò. Cụ có soạn bộ Nông thi tiện lãm, một quyển bằng Hán văn, một quyển bằng Việt văn để dạy nghề nông cho con cháu và dân làng. Quyển Việt văn viết bằng thể lục bát rất dài, đọc để nhớ nên dễ lưu truyền. Có bốn câu đầu sách thật dân dã:
Nhà nông gặp lúc thảnh thơi
Chép làm gia học ít lời dở quê
Xin ai nghe thấy đừng chê
Dân ta đa số trọng về nghề nông
     Ông còn để lại một bài thơ nôm Đường luật Khuyên con cháu làm ruộng. Bài thơ là lời nhắn nhủ thế hệ sau giữ lấy nếp nhà "dòng chánh học", giữ lấy đạo lý làm người trong nghề nông. Bài thơ còn thể hiện tinh thần yêu thương cộng đồng của kẻ sĩ thấu hiểu dân tình. Làm nông cho phú túc không chỉ vun đắp hạnh phúc gia đình mà còn trợ giúp anh em tông tộc, bà con thôn ấp, và rộng hơn là cứu dân giúp nước năm gặp cảnh cơ hàn:
Cuốc cày con hãy lực ân cần
Bờ góc đừng tham lấn tấc phân
Phải biết giống nào nghi thủy thổ
Chớ nài công khó bạt mao vân (3)
Trời cho phú túc nuôi làng họ
Năm gặp cơ hoang giúp nước dân
Khỏi phụ nhà ta dòng chánh học
Tiếng đời truyền để đến ngàn xuân
     Không thể làm ngơ trước công đức của ông đối với dân làng, chính phủ Nam triều tặng phẩm hàm cho ông. Là người thích ngâm vịnh, nhân dịp này ông viết bài thơ Được thưởng hàn lâm phỏng theo lối vĩ tam thanh (4):
Bất hủ dám đâu trẻ bạn bè
Còn e miệng thế nhé nhè nhe
Chín tầng ân chiếu nghe oi ỏi
Một bộ nông thơ tốt vẻ ve
Văn học phải như ờ â ă
Công danh đâu được khỏe phè phe
Truyền nhà một chút công nho nhỏ
Con cháu khuyên theo hẻ hẹ hè
     Ông còn làm nhiều liễn đối hay để tặng bạn bè và người quen thân trong làng họ.
     Từ vị thủy tổ đến cụ Bùi Thứu, Bùi Di, trải qua nhiều đời, họ Bùi luôn chăm lo vun đắp gia phong, giữ gìn phẩm hạnh, con cháu nối tiếp nhau thành đạt, có tiếng hiếu nghĩa trong vùng. Quả đúng như ông nghè Vân Sơn từng ca ngợi: "Bùi thị phong truyền Nại hải thanh".
     Dân tộc ta đã phải trải qua một nghìn năm nô lệ phong kiến phương Bắc nhưng không bị Hán hóa, mà vẫn giữ được cốt lõi bản sắc văn hóa dân tộc, chính là nhờ nhân dân ta đấu tranh không ngừng để cố giữ lấy nếp sống văn hóa làng xã. Thời Pháp thuộc cũng vậy. Mặc dầu văn hóa Pháp tràn ngập khắp thành thị từ Nam chí Bắc, nhưng ở thôn làng, sau lũy tre xanh những thuần phong mỹ tục của cha ông để lại vẫn được giữ gìn và đổi mới theo phong trào duy tân do các chí sĩ yêu nước chống Pháp đề xướng thời bấy giờ.
     Tuy không xả thân tìm đường cứu nước hay cầm súng cầm gươm đối mặt với kẻ thù, nhưng các nho sĩ họ Bùi đã mang tài đức của mình vun đắp dòng họ, xây dựng xóm làng, mở mang dân trí, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp cho quê hương. Nho sĩ họ Bùi quả xứng đáng là những nhà văn hóa làng thuở trước.
     Chính vì thế, khi cụ Bùi Thứu cất trường, mở lớp truyền bá chữ quốc ngữ, cụ nghè Vân Sơn đã làm hộ dân thôn Lạc Điền đôi câu đối để chúc tụng:

Nghĩa tâm chức tác giang sơn cẩm
Hiếu tửu nung thêm võ lộ hương
Tạm dịch  Lòng nghĩa rạng ngời non sông gấm vóc
       Rượu đào hiếu thảo mưa móc thơm nồng

    
     Giữa cảnh đời nô lệ, cụ nghè Vân Sơn cũng như nho sĩ họ Bùi, vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ nước thương dân. Họ là những nhà nho thất thế cùng tâm trạng, cùng cảnh ngộ, thích ngâm vịnh tìm đến với nhau để hòa điệu tâm hồn, động viên nhau giữ lấy đạo lý truyền thống tốt đẹp của cha ông và phẩm chất cao khiết của nhà nho, trải tấm lòng son dưới ánh trăng bên đầm Thị Nại với nước non.
                                                                                         Nguyễn Xuân Nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét