Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Thượng ảnh thờ Thái phó Trang Quốc công Bùi Quốc Hưng

LỄ THƯỢNG ẢNH THỜ THÁI PHÓ TRANG QUỐC CÔNG BÙI QUỐC HƯNG, CÔNG THẦN KHAI QUỐC TRIỀU LÊ
Tại dòng Bùi thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Nội
                                                     Bài và ảnh: BÙI NGUYỄN QUANG VINH
     Ngày 14/11/2011, Bảo tàng Hải Dương đã tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học tại vườn nhà ông Bùi Đức Lợi ở thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là Trưởng họ có cụ tổ là quan kỵ mã Bùi Đình Nghĩa, thứ nam của Đức tổ Bùi Quốc Hưng, em của trưởng nam là Mậu quận Công Bùi Bị. Trong số những hiện vật quý hiếm thu được (đang dần chứng minh nơi đây từng là trường học của Đức tổ Bùi Quốc Hưng dạy văn-võ con cháu mà có công trình đang nghiên cứu đề tài này) có 2 viên gạch khắc tượng Đức tổ Bùi Quốc Hưng (cháu nội của Tiền tổ Bùi Mộc Đạc) và tượng cháu nội Đức tổ Bùi Quốc Hưng là bà cô Bùi Thị Hý, bà tổ nghề gốm làng Chu Đậu nổi tiếng.
     Được sự giúp đỡ của ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch hội Sử học Hải Dương, người kiên trì công việc giải mã dòng chữ “Bùi thị Hí bút” trên bình gốm cổ tại Bảo tàng Thỏ Nhĩ Kỳ suốt 32 năm nay cùng ông Phí Văn Chiến, nhà báo, Phó chủ tịch Hội đồng Phí tộc Việt Nam, hai bức ảnh Đức tổ Bùi Quốc Hưng và Bà tổ Bùi Thị Hý cỡ 500x700 được phóng tác từ 2 bức tượng khắc trên gạch đã được trao tặng dòng Bùi cụ tổ Bùi Quốc Bảo (con trai thứ tư của Đức tổ Bùi Quốc Hưng với Á phu nhân Hoàng Thị Xuất) tại thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Nội để thờ tự theo sắc phong các vua Lê như thông lệ.
     Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc khôi phục được ảnh thờ cổ quý giá ngót 700 năm nay, dòng Bùi thôn Đạo Ngạn đã tổ chức lễ Thượng ảnh thờ Hương thượng hầu Thái phó Trang quốc công Bùi Quốc Hưng, công thần khai quốc triều Lê nhân Kỵ nhật Người năm 2012 (Rằm tháng tám âm lịch).
     Để gắn với Lễ hội đền Cống Thượng Rằm tháng Tám tại xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, thờ ba Thành hoàng làng Cống Khê: Đức tổ Bùi Quốc Hưng, con trai - Mậu quận công Bùi Bị, cháu trai - Minh quận công Bùi Ban, thường lệ hàng năm, Giỗ tổ vào 14 tháng Tám. Năm nay Giỗ kết hợp Lễ thượng ảnh thờ Đức tổ được tổ chức sáng ngày 29/9/2012 (14 tháng Tám Nhâm Thìn) tại sân kho thôn Đạo Ngạn.
     Đến dự Lễ có đoàn đại diện Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam do ông Bùi Xuân Ngật, Ủy viên thường trực Ban liên lạc, ông Bùi Kỳ Nam, Phó Văn phòng và ông Bùi Văn An, Tiểu ban lịch sử của Ban liên lạc; Đoàn đại diện Ban liên lạc họ Bùi huyện Chương Mỹ do ông Bùi Xuân Hải, Phó ban liên lạc làm trưởng đoàn, trong đó có ông Bùi Đình Đắc, nguyên Trưởng ban liên lạc họ Bùi tỉnh Hà Tây cũ; Đại diện Lãnh đạo xã sở tại có ông Bùi Văn Tha, Phó chủ tịch xã Hợp Đồng; Đoàn đại diện họ Phí có 3 người do ông Phí Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Phí tộc Việt Nam làm trưởng đoàn.
     Đặc biệt, do quá trình liên kết để cùng nhau tìm về cội nguồn, họ Bùi thôn Đạo Ngạn đã kết nối được với nhiều dòng Bùi cùng gốc tổ Bùi Mộc Đạc (tức Phí Mộc Lạc, con trai Thủy tổ Phí Mạnh được Trần Nhân Tông cử làm An phủ sứ Diễn Châu năm 1292) ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Hải Dương và Hà Nội. Lễ Thượng ảnh thờ Đức tổ Bùi Quốc Hưng do họ Bùi thôn Đạo Ngạn tổ chức trở thành cuộc hội ngộ đặc biệt của họ Bùi gốc tổ Bùi Mộc Đạc ở nhiều địa phương nêu trên.
     Đoàn đại diện họ Bùi xã Đức Long, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có bà Bùi Thị Sâm cùng chồng là Bùi Hữu Sơn thuộc họ Bùi Hữu ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Chính bà Sâm đã sao gia phả gốc họ Bùi xã Kính Kỵ xưa thuộc phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Long, huyện Đức Thọ) đưa ra Hà Nội nhờ dịch từ những năm 2004. Nhờ nghiên cứu bản dịch của bản gia phả cổ này được truyền rộng mà các dòng Bùi gốc Phí Mạnh nhiều nơi có cơ hội liên kết tìm đến cùng một nguồn cội.
     Họ Bùi xã Đức Đồng, Đức Thọ, Hà Tĩnh lần đầu cử đoàn 6 người do ông Bùi Xuân Ngụ, nguyên Chuyên viên Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn, đại diện dòng Bùi hậu duệ Mậu quận công Bùi Bị đã có 17 đời tại thôn Vịnh tổng Du Đồng xưa (xã Đức Đồng nay). Dòng Bùi có hương cống Bùi Thúc Ngật là Chánh đội trưởng, Phó thiên hộ kiêm Tổng giáo quan có công khai phá đất hoang lập làng xóm, dựng trường mở mang việc học, được dân lập đền thờ. Các vua đời Lê, Nguyễn đều có sắc phong. Đó là đền thờ “Lương Uy Phụ Quốc Trí Dũng Hùng Lược Hiền Lương Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần Bùi Thúc Ngật” đã được xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cáp quốc gia ngày 30/8/1991.
     Đoàn đại diện họ Bùi xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An do ông Bùi Hữu Thọ làm trưởng đoàn. Đây cũng là một dòng Bùi mà gốc tìm thấy từ bản gia phả Kính Kỵ xưa (còn gọi là Kẻ Đà).
     Đến dự Lễ Thượng ảnh còn có đại diện họ Bùi các thôn của xã Đạo Ngạn: Họ Bùi Hữu, họ Bùi Đình thôn Thái Hòa; Đại diện họ Bùi các xã của huyện Chương Mỹ: Họ Bùi thị trấn Chúc Sơn, họ Bùi xã Quảng Bị, họ Bùi ở Đồng Kênh, xã Tốt Động.
     Do có sự trùng ngày kỵ Rằm tháng Tám và xa cách địa lý mà thiếu vắng đại diện của họ Bùi ở Cống Khê, xã Hồng Sơn, Mỹ Đức; Họ Bùi xã Quang Ánh, Gia Lộc, Hải Dương; Họ Bùi ở Hào Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; Và họ Phí xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vẫn đang thờ thủy tổ Phí Mộc Lạc (?).
     Gần 250 đại biểu đại diện các dòng Bùi cùng quý khách dự lễ Thượng ảnh đã được nghe ông Phí Văn Chiến, người đã nhiều năm và đang tiếp tục nghiên cứu về dòng họ Bùi gốc Phí trình bày công đức của Đức tổ Hương thượng hầu, Thái phó Trang Quốc công Bùi Quốc Hưng, công thần khai quốc triều Lê, quan văn võ song toàn. Vốn là quan triều Trần (tri huyện, tri phủ), Đức tổ bất hợp tác với Hồ Quý Ly tiếm quyền, đến Lam Sơn tụ nghĩa cuối mùa thu 1415, có tên trong 22 người lễ thề ở Lũng Nhai giữa mùa xuân 1416, là một trong 12 người Hội đồng mưu lược tối cao của Lê Lợi cuối đông năm 1417, linh hồn của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh. Từ đầu năm 1418, sau khi xưng vương ở Lam Sơn quyết định khởi nghĩa cho đến giữa mùa xuân 1423, Lê Lợi đã dựa vào Đức tổ cùng Lê Văn Linh là hai văn quan chủ chốt. Từ sau mùa xuân 1423 (khi Nguyễn Trãi vào Lam Sơn với Lê Lợi), vẫn là một văn quan được tin dùng như dạy bảo Trần Cảo do Lê Lợi lập làm vua để đối phó với nhà Minh, thay Cảo làm bài biếu xin nhà Minh phong tước, Đức tổ còn được giao trọng trách võ quan như tham gia vây thành Nghệ An năm 1426 và vây hãm thành Điêu Diêu, Thị Cầu năm 1427. Công lao của Đức tổ trong kháng chiến chống Minh đã được Lê Thái Tổ phong tước Hương Thượng hầu, hàng thứ 3 trong 9 ngạch bậc, xếp vị trí thứ 7 trong 93 người được phong tước và ban quốc tính. Năm 1429, Đức tổ được Lê Thái Tổ giao trọng trách lập Thái tử cùng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lý; Được giao phụ trách “khu mật viện” giúp vua sắp xếp, quản lí các quan từ trong triều đến các đạo. Năm 1433, Đức tổ cùng Lê Văn Linh tiến hành nghi lễ nhà nước là rước thần chủ Thái tổ và Quốc thái mẫu lên cúng thờ ở nhà Thái Miếu. Năm 1434 được Thái Tông phong tước công, thưởng nghìn cân vàng, nghìn khoảnh ruộng. Năm 1442 được bãi triều về vinh quy tại Cống Khê, Chương Đức, nay là Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày 15 tháng tám năm Bính Dần, 1445, Đức tổ tạ thế, hưởng thọ 86 tuổi. Công lao sự nghiệp của Đức tổ Bùi Quốc Hưng có thể được ghi theo bao phong trong Long sắc năm 1784 của triều Lê Hiển Tông: Hùng Tài Vĩ Lược Phù Tộ Thùy Hưu Tường Diên Long Huống Công Hậu Đức Mậu Hiển Thánh Diệu Linh Phong Công Vĩ Tích Danh Vọng Đại Vương.
     Tiếp theo sau một số ý kiến phát biểu đại diện các đoàn, đội tế nam của dòng họ Bùi thôn Đạo Ngạn đã rước ảnh thờ Đức tổ Bùi Quốc Hưng và cháu nội Bùi Thị Hý về thượng lên ngai thờ của nhà thờ. Sau đó đội tế nam tiếp tục tế lễ tại nhà thờ theo đúng nghi thức truyền thống của địa phương, của dòng họ.
     Dòng họ Bùi thôn Đạo Ngạn, xã Hồng Sơn với sự đồng tâm của cả họ đã làm một việc đáng trân trọng về tôn vinh Đức tổ Bùi Quốc Hưng, một trong những danh nhân họ Bùi, danh nhân đất Việt, có công với nước với dân để con cháu hậu duệ khắp nơi học tập, noi gương, phấn đấu xây dựng dòng họ phát triển cùng với họ Bùi cả nước và các dòng họ khác xây dựng đất nước giàu mạnh. Lễ thượng ảnh thờ Đức tổ dòng họ Bùi ở Đạo Ngạn cũng rất đáng noi gương về sự liên kết dòng tộc để cùng nhau tìm về cội nguồn tổ tiên một cách thiết thực, hiệu quả. Con cháu hậu duệ nhiều đời, nhiều nơi của họ Bùi gốc Phí thật khó quên một cuộc hội ngộ lần đầu làm cho bữa liên hoan thân mật do dòng họ chuẩn bị kéo dài sự giao lưu không muốn dứt và không thể không bội phần cảm ơn họ Bùi thôn Đạo Ngạn.


Ảnh Đức tổ Bùi Quốc Hưng và Bà tổ cô Bùi Thị Hý


Đội tế nam của dòng họ rước ảnh Đức tổ Bùi Quốc Hưng về nhà thờ


Thượng ảnh thờ lên ngai bàn thờ để thờ 


Hậu duệ dòng họ Bùi thôn Đạo Ngạn dự Lễ


Đại biểu dự Lễ Thượng ảnh ở Hội trường


Ông Bùi Xuân Ngật UV Thường trực BLLHBVN phát biểu


Đại diện họ Bùi Đức Đồng tham dự Lễ thượng ảnh thờ(ở giữa)


Đại diện họ Bùi Đức Đồng thắp hương ở nhà thờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét