Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

BÀI PHÁT BIỂU CỦA TRƯỞNG BAN BLLHBVN

BÀI  PHÁT BIỂU CỦA TRƯỞNG BAN BLLHBVN
         tai buổi họp mặt đầu Xuân của bà con họ Bùi TP Hà Nội




GS, Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ


     Thưa các bậc trưởng lão cùng toàn thể bà con cô bác tới dự cuộc họp mặt đầu xuân của họ Bùi Hà Nội!


     Thưa các bác trong Ban lien lạc họ Bùi  tại Thủ đô!
     Thường trực Ban liên lạc toàn quốc xin biểu thị nỗi vui mừng to lớn được gửi lời chào ruột thịt tới toàn thể bà con trong họ đã hưởng ứng thư mời của Trưởng ban liên lạc họ Bùi thành phố, giành thời gian quý báu sau Nguyên Tiêu tới dự cuộc họp mặt đầu Xuân đầm ấm này, trùng hợp với ngày giờ họp mặt đầu Xuân của bà con họ Bùi trong thành phố Hồ Chí Minh mà ta có bác Bùi Liên vào dự, một sự trùng hợp đầy ý nghĩa càng hướng về tổ tiên , về tương lai con cháu.
     Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành đều đặn các cuộc họp mặt đầu Xuân từ 2005 đến nay, trong khi cộng đồng họ Bùi tại Hà Nội đã có Ban liên lạc họ Bùi từ rất sớm, vào năm 1998 cùng với Ban liên lạc Hà Nam Ninh (2003) thực sự là tổ chức tiền thân của Ban liên lạc họ Bùi toàn quốc , giống như đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ khi hình thành Ban liên lạc họ Bùi Hà Nội luôn hoạt động tích cực, gắn bó với cộng đồng, được Ban liên lạc họ Bùi toàn quốc coi như tổ chức nền tảng , hoạt động tại chỗ, nhưng cho đến năm nay mới tổ chức được cuộc gặp mặt đầu Xuân lần thứ nhất , ngoài những nguyên nhân về nỗ lực chủ quan của hai Ban liên lạc hai thành phố, cũng có những hoàn cảnh không giống nhau cần được làm rõ: Bà con họ ta trong thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tuyệt đại bộ phận đều có quê gốc từ miền Trung và miền Bắc, luôn mang cái hoài niệm như nhà thơ – chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã nói lên da diết:
“ Ai về miền Bắc ta đi với
Thăm lại non song giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…
     Khi Ban liên lạc họ Bùi (thành phố Hồ Chí Minh và) các tỉnh phía Nam ra đời thì việc hưởng ứng của đông đảo bà con dòng họ mang ý nghĩa gửi gắm cái tình cảm sâu nặng luôn hướng về quê cha đất tổ. Những người ở trên đất Thăng Long chúng ta, ngoài các bà con quê gốc ở các quận, huyện nội ngoại thành, còn không ít bà con từ các tỉnh lân cận  hoặc được điều về nhận công tác, hoặc về cư trú để kinh doanh, thường mỗi năm cũng về quê tới dăm ba lần nên không thể thấu suốt cái tâm trạng như hai câu thơ 7, 8 của Huỳnh Văn Nghệ
“ Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương”
Để sớm thấy nhu cầu họp họ đầu Xuân tại nơi cư trú.
     Đến khi có Ban liên lạc họ Bùi toàn quốc thì số bà con dành được thời gian làm việc họ lại bị hút hàng mấy trăm người vào những công việc có quy mô rộng lớn, nên nhu cầu họp mặt đầu Xuân  vẫn chưa trở thành cấp bách.
     Năm nay, do sự nỗ lực rất cao của Ban liên lạc thành phố, mới sáp nhập với Ban liên lạc tỉnh Hà Tây, có sự cổ vũ tích cực của Thường trực Ban liên lạc toàn quốc, Hà Nội đã tổ chức được cuộc gặp mặt đầu Xuân khá quy mô và đông vui, thì “vạn sự khởi đầu nan, đầu xuôi đuôi lọt”, chắc chắn cuộc gặp mặt đầu Xuân sang năm còn đông vui hơn nữa .
     Kinh nghiệm của Thường trực Ban liên lạc toàn quốc là muốn đưa các cuộc họp lớn vào nề nếp, Thường trực phải nắm chắc các nòng cốt, sẵn sàng hưởng ứng. Với Hà Nội thì ngoài họ Bùi Thịnh Liệt (Hoàng Mai), họ Bùi Trich Sài (Tây Hồ) , Phất Lộc (Hàng Buồm) Ngãi Cầu, Vân Canh (Hoài Đức) Quất Động  (Thanh Trì), Bộ Đầu (Thường Tín) ..nay cần gắn kết với họ Bùi Quận Hà Đông, họ Bùi Chương Mỹ và Thị trấn Chúc Sơn, họ Bùi Bình Đà (Thanh Oai), Liên Bạt (Ứng Hòa), họ Bùi …(Mỹ Đức)…mở rộng dần tới các huyện mới sáp nhập của Sơn Tây, Hòa Bình cũ…chắc chắn sẽ thành công.
     Dù bà con họ Bùi Chúc Sơn đã nắm chắc qui mô và bề dầy của họ Bùi Chương Mỹ gồm 41 chi, họ Bùi của thị trấn Chúc Sơn và Thái Hòa  gồm 5 chi, nhưng cũng cho phép tôi nhắc lại vói toàn thể bà con mấy nét riêng đáng tự hào của bà con họ ta trên vùng đất lịch sử này: Thiết nghĩ, trong các dòng họ nói chung, họ Bùi Việt Nam nói riêng, ít nơi con cháu có diễm phúc được sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mà tổ tiên ta vừa là thủy tổ các chi họ mình ở trong vùng, vừa là phúc thần được toàn thể nhân dân địa phương tôn thờ đã hàng nghìn năm như bà con họ Bùi ở Chúc Sơn. Sáng nay, đoàn đại biểu của con cháu họ Bùi toàn quốc, họ Bùi Hà Nội, họ Bùi huyên Chương Mỹ, họ Bùi thị trấn Chúc Sơn..đã tới dâng hương tại Đình Thị là nơi thờ Dụ Quận công Bùi Nghiêm Phổ, người đã kế tục thân phụ là Tả Đô đốc Thái bảo Võ đức hầu Bùi Tính, lập công lớn trong sự nghiệp chống giặc Tống dưới thời Tiền Lê (980–1009), được phong chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân – Đô Tổng binh, hàm Thái phó, Thái bảo, tước Quận công. Khi mất được triều đình phong là Cương Nghị Phúc thần. Trong rất nhiều câu đối ca ngợi công lao của Quận công mà chúng tôi đã tìm hiểu và ghi chép lại, chỉ riêng đôi câu đối trước cửa đình:
     Tài cao xuất chúng, khu trừ Bắc khấu, uy danh hiển hách chấn nam giao
     Vũ lực siêu quần, phụ dực Lê triều, sự nghiệp binh bưu quang Việt sử
     Đã nói lên công trạng đó.
     Nét độc đáo của ngôi Đình Thị (đình xây giữa chợ) là do nhân dân trong vùng góp công xây dựng cách đây đã hang ngàn năm (qua nhiều lần trùng tu) để tri ân công đức của Người đã đem thực ấp vua ban mở chợ cho dân nâng cao đời sống. Cùng với lăng mộ của Quận công và Đặng Quý Thị, Quận chúa phu nhân cách đây không xa, đã hình thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Thủ đô Hà Nội, đáng được con cháu họ Bùi cả nước hành hương tìm về cội nguồn, tới thái ấp Chúc Sơn, nơi thờ Dụ Quân công Bùi Nghiêm Phổ  như đã tìm về thái ấp Hàm Châu, nơi thờ Trình Quận công Bùi Quang Dũng  ở Vũ Thư, Thái Bình.
     Nhân cuộc họp đầu Xuân đông vui này của cộng đồng họ Bùi Hà Nội, Thường trực Ban liên lạc toàn quốc xin thông báo vắn tắt về những thành tựu tìm về cội nguồn, là công việc rất trọng đại của cả họ ta trong mấy năm qua, sắp xếp theo trình tự lịch sử.
     Qua chuyến hành hương của bộ phận Thường trực Ban liên lạc toàn quốc về đền Bộ Đầu, huyện Thường Tín và giao lưu với bà con họ Bùi tại đó vào ngày 1/1/2011, ta càng xác minh rõ vị trí xa xưa nhất mà họ ta đã tìm được của Quốc mẫu Văn Lang Bùi Thị Dung, đời Hùng Vương thứ VI (Hùng Huy Vương, khoảng từ 570 đến 550 TCN), là thân mẫu của Thánh Gióng , có thần phả do sử thần Lê Anh Tông còn lưu tại đền. Đoàn đã nghiên cứu các tư liệu và chiêm bái tượng Thánh Gióng báo ân Quốc mẫu, được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thời nay xác nhận.Quốc mẫu Văn Lang Bùi Thị Dung đáng được họ Bùi cả nước tôn làm nữ Thánh tổ, càng phản ánh rõ tính bản địa của họ Bùi từ người Việt cổ, còn mang nhiều dấu tích của chế độ mẫu hệ, một dòng họ nhận thức rõ vị trí của người Mẹ, của con dâu, con gái trong mỗi gia đình người Việt.
     Mấy tháng gần đây lại được bà con dòng họ cung cấp tư liệu về đức viễn tổ Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn, một trong 4 vị  phúc thần được thờ ở Đình Bất Nạo, huyện kim Thành, Hải Dương là công thần dưới thời Hùng Vương thứ XVIII (Hùng Duệ Vương trước năm 257 TCN là năm An Dương Vương đổi tên nước thành Âu Lạc) do có công giúp Duệ Vương  giải vây đạo quân chủ lực của triều đình, chuyển bại thành thắng trong chiến dịch tranh chấp với nhà Thục mà được phong là Linh phù dịch bảo, trung hưng đồng nhân cung, Thái miếu lệnh, Thượng Tấn lang, Mỹ Quận công, còn đủ thần tích, tượng thờ, lăng mộ, sắc phong…là viễn tổ đáng tôn thờ của họ Bùi cả nước từ đời Hùng Vương thứ 18..
     Sang triều Âu Lạc, công trình sưu tầm nghiên cứu của con cháu họ Bùi đã làm rạng rỡ công đức của tướng quân Bùi Đình Thốn (Bùi Mạnh Bá), một “lạc tướng“ coi giữ bộ Hoài Hoan (Nghệ An). Khi An Dương Vương bi cha con Triệu Đà truy đuổi, đã chạy vào vùng biển  Mộ Dạ (Núi Cấm), huyện Nghi Lộc, tướng quân Bùi Đình Thốn đã đem một cánh quân  lớn ra ứng cứu, có ý cùng An Dương Vương khôi phục cơ đồ Âu Lạc. Từ Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu mới ra đến cửa Hiền, Diễn Kim, Diễn Châu thì biết tin An Dương Vương đã nhẩy xuống biển tự tận..Đền thờ tướng quân Bùi Đình Thốn được lập ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu.

    Năm 2010, khu Rừng Cấm- Giếng mỏ, nơi tọa lạc lăng mộ hai vị tướng quân Bùi Thạch, bộ tướng của hữu tướng tiên phong Thiều Hoa, cánh tay phải của hai Bà Trưng, do nỗ lực của ban liên lạc tỉnh Phú Thọ có sự hỗ trợ tích cực của Thường trực Ban liên lạc toàn quốc, sau hội nghị khoa học do chính quyền địa phương tổ chức, đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh .
     Đó là tóm tắt mấy tin vui về các hoạt động tìm về cội nguồn nhằm tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu của họ Bùi ta.
     Khi GS AHLĐ Vũ Khiêu, công dân số 1 của Thủ đô Hà Nội năm 2010 xác nhận họ Bùi ta có từ thời các vua Hùng, với đôi câu đối trao tặng tại Văn miếu – Quốc tử giám:
Tự cổ hưng gia, văn võ song toàn lưu sự nghiệp
Chí kim sự quốc, đức tài kiêm bị hiển thanh danh
     Cùng lời nhận xét : “Hào kiệt không bao giờ thiếu trên đất nước Việt Nam và hào kiệt  cũng không bao giờ thiếu trong dòng họ Bùi”. Điều đó không có nghĩa là họ ta có gì vượt trội so với các dòng họ khác, mà chỉ có nghĩa: Con cháu càng thấy công đức cao dày của tổ tiên thì càng phải kế tục thế nào cho xứng đáng.   

     Nhân dịp đầu Xuân, cúi xin chư vị liệt tổ ban nhiều hồng phúc cho 4 triệu con dân họ Bùi đất Việt

     Xin cám ơn sự lưu tâm của đông đảo bà con tới những ý kiến cua Thường trực Ban liên lạc toàn quốc về cuộc họp mặt đầu Xuân của cộng đồng họ Bùi Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét