Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

KHU RỪNG CẤM- GIẾNG MỎ CỦA TRANG SONG QUAN XƯA

HU RỪNG CẤM- GIẾNG MỎ CỦA TRANG SONG QUAN XƯA
VỚI  CUỘC KHỞI NGHĨA VÀ ĐỀ KHÁNG CỦA HAI BÀ TRƯNG
                                                                             Giáo sư Bùi Phan Kỳ
 (Tham luận tại hội thảo khoa học về khu Rừng Cấm - Giếng Mỏ xã Hiền Quan  22-9-2010)
                                                                                            



     Tôi xin tham gia bàn vấn đề này với tính cách một người nghiên cứu Khoa học Quân sự, theo phương pháp: Nêu lên những luận điểm và rút ra kết luận trên cơ sở chứng minh bằng những tư liệu đã có trong lịch sử. Bởi vì nếu ta chỉ căn cứ vào những vấn đề đã sáng rõ, những kết luận đã có sẵn thì không cần đến các nhà nghiên cứu, cũng không cần phải tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nữa:
     Vị trí lịch sử của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là việc không phải bàn lại. Chỉ cần căn cứ vào 3 lời bình của 2 nhà sử học Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên cùng lời bàn của vua Tự Đức có thể tìm thấy ở mọi nguồn tư liệu đã đủ đánh giá ý nghĩa của nó. Lê Văn Hưu viết: " Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Nam đều hưởng ứng. Việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay. Đủ biết hình thể nước Việt ta có thể dưng nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”
Sách “Lịch sử Việt Nam (tập 1, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp- H.1985 do các tác giả Phan Huy Lê- Trần Quốc Vượng- Hà Văn Tấn- Lương Ninh biên soạn, coi như sách giáo khoa để dạy cho sinh viên đại học, viết về Hai Bà Trưng trong chương bốn, ở các mục VI: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và sự trỗi dậy của ý thức độc lập tự chủ ( 40- 43) và mục VII: Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Đông Hán thời Hùng Vương ( 42- 44): “... Hai Bà Trưng và hàng chục hàng trăm nữ tướng, cả một đội ngũ đông đảo phụ nữ Việt Nam tham gia phong trào kháng Hán, góp phần tạo dựng truyền thống anh hùng bất khuất cho giới mình và cho cả dân tộc mình. Nguyên lý Mẹ và sắc thái bình quyền trai gái in đậm nét trong nền văn hoá dân tộc- dân gian Việt Nam đến nỗi nhiều học giả cho rằng đấy là điểm trội vượt không còn phải bàn cãi gì nữa của Việt Nam so với Trung Quốc và phương Tây.(tr 195)”   
     Chỉ còn những khía cạnh cần làm rõ về mối liên hệ như thế nào với Rừng Cấm - Giếng Mỏ của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học ngày hôm nay, mà trang Song Quan xưa cũng là nơi bà Thiều Hoa đã tuyển đựơc 500 lực sĩ giúp Hai Bà Trưng đánh giặc, và cũng do có thực lực 500 lực sĩ đã được luyện tập thành thạo dưới sự điều hành của hai bộ tướng, tất cả đều là nam giới, mà nữ tướng Thiều Hoa được Hai Bà giao chức “Hữu tướng tiên phong”.
     Tư liệu lịch sử là như vậy, ta rút ra điều gì liên quan đến những nhân vật và địa danh nói trên?
     Điểm thứ nhất tôi muốn làm rõ là vị trí của khu Rừng Cấm- Giêng Mỏ với nữ tướng Thiều Hoa và các bộ tướng Bùi Thạch trong cuộc khởi nghĩa đưa bà Trưng lên làm vua nước Nam thời đó: Bất cứ ai đi sâu vào hàng các nữ tướng của hai Bà đều phân biệt được chức vụ và hàm tước là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Trong các nữ tương của hai bà Trưng chỉ có 3 tướng tiên phong, còn các nữ tướng khác đều có các chức vụ rõ ràng như Phật Nguyệt là tả tướng thủy quân chỉ huy quân thuỷ ở Thao Giang, Vĩnh Hoa là nội thị tướng quân,  Lê Chân là nữ tướng miền biển phòng thủ ở mạn Hải Phòng, Quảng Ninh, Thánh Thiên là nữ tướng phòng giữ mạn Bắc Ninh-Bắc Giang, Bát Nàn phòng thủ mạn Thái Bình...
     Ba tướng tiên phong là Nàng Qùynh, khởi nghĩa ở châu Đại Man (Tuyên Quang) được phong là tiên phong phó tướng (tất nhiên là dưới tướng tiên phong hữu tướng và tả tướng). Tướng tiên phong thứ hai là Thiều Hoa, tiên phong hữu tướng, khởi nghĩa ở Tam Thanh - Phú Thọ. Tướng tiên phong thứ ba là Quách A, tiên phong tả tướng, khởi nghĩa ở Bạch Hạc, được phong là Khâu Ni công chúa. Hai tướng tả hữu tiên phong không chỉ có chức năng giữ đất tại chỗ mà phải thực hiện nhiệm vụ tiến công vào trị sở (sào huyệt cai trị) của giặc ở Luy Lâu (Lũng Khê, Thuận Thành, Hà Bắc). Ta có đủ chứng cứ để kết luận: tiên phong hữu tướng Thiều Hoa sau khi khởi nghĩa ở Tam Thanh đã tiến đánh Luy Lâu, qua Cổ Loa rồi mới rút về đứng chân ở Tam Thanh. Tất nhiên 500 lực sỹ ở trang Song Quan thời đó dưới sự chỉ huy của hai bộ tướng Bùi Thạch nhất thiết phải tham gia trận đánh này. Trong quân sự, ai cũng biết không có thứ quân tiên phong nào trước khi đi đánh giặc lại không có tập luyện và hai vị bộ tướng  của bà Thiều Hoa đã phải đứng ra tập luyện cho rất nhiều trai tráng trong vùng rồi mới tuyển được  500 lực sĩ đem đi đánh giặc. Với tục lệ đánh phết, với các tên Gò Trống, Gò Chiêng, Gò Cờ, Gò Mã, Gò Cung... quyết không phải vì dáng đất đặt tên mà vì nó gắn với khu rừng Cấm (nay không còn cây cối) như một căn cứ  “tiến khả dĩ công thoái khả dĩ thủ”, lại ở giáp giới huyện Cẩm  Khê nên mới có những di tích, đền thờ, nhân vật lịch sử phần mộ như hiện nay.
     Những cứ liệu đó đủ chứng minh trang Song Quan xưa là một "cơ sở cách mạng" như ta thường nói hiện nay, của phong trào khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40, vì không có phong trào nhân dân hưởng ứng thì không bao giờ tuyển được người đi đánh giặc. Đồng thời là căn cứ luyện quân và xuất quân của "Hữu tướng tiên phong" Thiều Hoa, chẳng những có công góp vào việc giành chính quyền và giữ vững chính quyền ở Tam Thanh trên đất Phú Thọ mà còn có công của đội quân tiên phong tiến công vào đầu não trị sở của Tô Định, góp phần nhanh chóng đánh bại bọn thống trị Đông Hán ở quận Giao Chỉ vào thời điểm đó. Liên quan đến sự “đánh bại nhanh chóng” này, xin chứng minh bằng một đoạn cũng viết trong tập chính sử nói trên, ở mục VI "Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và sự trỗi dậy của ý thức độc lập tự chủ (40-43)”( tr 193):” Từ Cổ Loa, quân thủy bộ của Hai Bà Trưng vượt sông Hồng, sông Đuống xuôi sông Dâu đánh chiếm Luy Lâu là châu trị, quận trị Giao chỉ. Đòn tiến công chiến lược của cuộc khởi nghĩa trước khí thế nổi dậy ngút trời của quần chúng Âu Lạc, bọn đầu sỏ địch không kịp và không dám chống cự lại, bỏ chạy tháo thân về nước. Tên đầu sỏ Tô Định cắt tóc, cạo râu lẻn trốn về Nam Hải (Quảng Đông). Sau này Mã Viện dâng sớ tâu lên vua Hán tố cáo Tô Định "Thấy tiền thì giương mắt lên, thấy địch thì cụp mắt xuống vì vậy Tô Định bị vua Hán hạ ngục trị tội. (Hậu Hán Thư, Đông Quan Hán ký)". Chẳng phải nói cũng đủ biết trong cái công lao làm cho giặc "cụp mắt xuống, cắt tóc, cạo râu" tháo chạy này có công lao của hữu tướng tiên phong Thiều Hoa cùng 500 lực sĩ của Trang Song Quan và 2 vị tướng công bộ tướng. Không phải ngẫu nhiên mà Bùi Thạch Đa được phong là Tả Thị tướng quân, tước Quận công,  và các chức tước đó tất yếu phải do Trưng nữ vương phong chứ không phải do bà Thiều Hoa trao tặng. Ngoài ra còn được ban đất một vùng gọi là cánh đồng Bùi  và ở Cẩm Khê lại có xã Hiền Đa gồm 2 làng Thạch Đa và Thạch Đê. Đời sau, tướng công còn được phong đẳng thần, được viết rõ tên trong văn bản do văn phòng Chánh Sứ Huckel soạn thảo ngày 24/1/1928  nhân ngày hội luyện quân đánh phết ở Hiền Quan cách đây gần 90 năm.
     Vấn đề thứ hai phải làm rõ là vai trò của địa danh và các nhân vật trên đây trong cuộc kháng chiến chống Mã Viện. Trên mạng internet, Wikipedia tiếng Việt, mục Diễn đàn Lịch sử Việt Nam, chép về “Chiến tranh chống nhà Hán của  Hai Bà Trưng”: “Tháng giêng năm Nhâm Dần (42), Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm đến Lãng Bạc ( ở phía tây Tây Nhai của La Thành) đánh nhau với vua. Hai Bà, thấy thế giặc mạnh lắm tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê. Quân cũng cho Vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy”. Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
     Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo.
     Chị em thất thế phải liều với sông
     Sách “Lịch sử Việt Nam”, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp viết: “Hai Bà Trưng đã tiến quân từ Mê Linh qua Cổ Loa xuống Lãng Bạc đánh quân xâm lược nhằm chặn địch từ xa, bảo vệ quốc đô Mê Linh. Quân ta chiến đấu ngoan cường, cầm cự với địch ở đó nhiều ngày... Nhưng kẻ địch còn rất mạnh, quân số đông, có lực lượng thuỷ bộ phối hợp, lại thạo đánh tập trung theo kiểu trận địa. Đối dầu với viên lão tướng già dặn kinh nghiệm chiến trường là Hai Bà Trưng với đội quân mới nhóm họp, thiếu trang bị và kinh nghiệm tổ chức, chiến đấu. Quân Hai Bà bị thiệt hại nặng, bị bắt và bị giết hàng ngàn người. Hai Bà Trưng phải lui binh. Có lẽ sau một thời gian ngắn cầm chân địch ở thành Cổ Loa, ở thành Mê Linh, lực lượng còn lại của Hai Bà phải lùi hẳn về Cấm Khê”(tr199).
     Theo Việt Chí  Thuỷ Kinh Chú thì công cuộc cầm cự của Hai Bà Trưng ở đây kéo dài tới 2 hoặc 3 năm mới thất bại. Chắc chắn đấy là một cõi chiến trường đẫm máu dài ngày đồng thời cũng là nơi hy sinh oanh liệt của Hai Bà Trưng”.(tr199)
      Những tư liệu trên đây cung cấp cơ sở cho ta kết luận đến đó thì Hai Bà và  một số nữ tướng không còn sức để chống đỡ nữa và ngày tuẫn tiết của Hai Bà là ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43). Nay chuyển sang tìm hiểu tình hình được diễn ra từ đó về sau. Lịch sử Việt Nam (tập I) viết(tr200): "Từ tháng 4 đến tháng 9 Mã Viện cùng quân sĩ vẫn ở Giao chỉ. Hẳn là sau khi tiêu diệt căn cứ cuối cùng của Trưng Vương ở Cấm Khê, Mã Viện còn phải tung quân đi lần lượt tiến đánh, tiêu diệt các đội quân kháng chiến khác còn  lại ở các huyện, thành của Giao chỉ”... “ở Cửu Chân vẫn còn những lực lượng kháng chiến  được kẻ địch xem là"dư đảng" của Trưng Vương, đứng đầu là lão tướng Đô Dương. Có lẽ từ Mê Linh, Cấm Khê một bộ phận nghĩa quân Trưng Vương đã theo đường núi rừng vừa chiến đấu vừa lùi dần vào Cửu Chân xứ Thanh... Tháng 10 (11/43) Mã Viện đem 20 ngàn quân và 2 ngàn lâu thuyền lớn nhỏ, chia 2 đường thủy bộ tiến vào Cửu Chân... Có nơi thủ lĩnh đầu hàng (Võ Công mạn Thần Phù, Ninh Bình cũ) có nơi, thủ lĩnh (Chu Bá) không cầm cự nổi đã rút quân vào miền rừng sâu, chằm rộng sống cùng tê, voi, trâu rừng không chịu hàng giặc ( ở Dư phát, mạn Nga Sơn - Hà Trung) (S đd, trang 201).
     Cũng sách đó viết rõ: “Mùa thu năm 44, sau hơn hai năm xâm lược, tàn bạo và chinh phục dã man, Mã Viện mang quân về Bắc, quân đi 10 phần quân về chỉ còn 4 - 5 phần: Tục truyền rằng khi đi và khi về, Mã Viện đều phải qua Quỷ môn quan. Từ đó có câu thơ cổ, truyền đến ngày nay.
     Quỷ môn quan! Quỷ môn quan
     Thập nhân khứ, kỷ nhân hoàn?
     (Cửa ải quỷ! Cửa ải quỷ!
Mười người đi, mấy ngườivề).(tr291)
     Về tổng quân số của Mã Viện(tr197):"Như vậy,trong tay Mã Viện...có 20.000 quân chủ lực, 2000 thuyền xe, (ngoài ra hắn còn một số lượng quân chèo thuyền và phu chiến đi theo tải lương, phục dịch). Nếu khi về chỉ còn 4-5 phần tức là chúng cũng mất hàng vạn quân, hàng ngàn thuyền xe trong cuộc đọ sức với  Hai Bà.
      Căn cứ vào ngày giỗ của các vị tướng công: Bùi Thạch là ngày rằm tháng chạp, đời sau biết là Quận công - Tả thị tướng công Bùi Thạch Đa cùng em tử trận sau Hai Bà 10 tháng 9 ngày (so với ngày mồng 6 tháng 2). Ta lại biết rõ là sau trận đề kháng ở Cấm Khê của quân khởi nghĩa, "Mã Viện còn phải tung quân đi lần lượt tiến đánh tiêu diệt các đội quân kháng chiến khác còn lại ở các huyện, thành Giao chỉ”, thì lực lượng của tướng tiên phong Thiều Hoa, nay do Quận công - Tả thị tướng công Bùi Thạch Đa chỉ huy không thể không tham gia cùng Hai Bà chặn đánh quân Mã Viện từ Lãng Bạc tới Cấm Khê,nay tất không thể thoát ra ngoài cuộc truy sát của chúng. Mặt khác một vị Tả thị tướng công được Trưng Vương phong tước Quận công, được nhân dân tin cậy, nhất định phải tiếp tục cầm quân chống giặc. Thời gian đề kháng của các tướng công biết rõ được hơn 10 tháng sau khi hai vị nữ vương đã tuẫn tiết. Di chỉ 2 ngôi mộ của hai chiến tướng đặt ngay ở  Rừng Cấm không phải là ngẫu nhiên. Giống như hai bà trở về cửa Hát Môn là nơi xuất phát, hai tướng công cũng rút về  Rừng  Cấm là nơi xuất phát lại có địa  lợi,  nhân hòa thuận lợi để chống giặc.
     Từ các cứ liệu trên đây, xin mạnh dạn rút ra kết luận :
1. Từ tháng 2 đến tháng chạp năm 43 sau công nguyên, những lực lượng đã tham gia cánh quân tiên phong của nữ tướng  Thiều Hoa, lúc đó do Quận công -  tả thị tướng công Bùi Thạch Đa chỉ huy phải tiến hành một cuộc đề kháng rất quyết liệt và không cân sức, chống lại cuộc truy sát của Mã Viện từ Cấm Khê về Tam Nông, cho tới tháng chạp năm đó mới rút về khu Rừng Cấm thuộc trang Song Quan mà nay là địa danh mà ta đang muốn xếp hạng di tích lịch sử.
2. Bởi tính liên kết của vùng Cấm Khê với Song Quan thì Song Quan là một căn cứ gắn liền vời toàn bộ cuộc đề kháng Cấm khê của Hai Bà “kéo dài tới 2 hoặc 3 năm”, theo ngôn ngữ quân sự ngày nay đáng được coi là một “chiến dịch phòng thủ” Cấm Khê của Hai Bà Trưng mà chiến tướng nhiều nơi đã kéo quân về hỗ trợ. Nhưng do cấu tạo tự nhiên của Rừng Cấm không thể làm một chiến trường có dung lượng lớn, chứa được toàn bộ số quân đề kháng dài ngày ở Cấm Khê, nên có thể rút ra kết luận: Rừng Cấm và Giếng Mỏ của xã Hiền Quan chính là trận địa cuối cùng của hai thuộc tướng của bà Thiều Hoa rút về thực hiện trận quyết chiến mang tính tử chiến trên "đất mẹ", là một trong những bằng chứng để kết luận rằng chiến dịch phòng thủ Cấm Khê của Hai Bà đã kéo dài ít nhất cũng tới rằm tháng chạp năm 43 rồi mới tiếp nối bằng các trận đề kháng ở các vùng Ninh Bình, Thanh Hóa của tướng  Đô Dương như đã chép trong chính sử.
3. Vùng  Rừng  Cấm - Giếng mỏ nếu được xác minh đầy đủ thì chẳng những trang Song Quan xưa được trả về đúng vị trí của nó trong lịch sử của huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ như một chứng tích của đội quân tiên phong trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà mà còn có tác dụng thiết thực chứng minh cho tầm quan trọng của chiến dịch phòng thủ Cấm Khê và sức đề kháng rất bền bỉ của nó. Do đó hội nghị khoa học này không chỉ có tầm quan trọng với xã Hiền Quan và còn có tầm quan trọng với huyện Tam Nông và tỉnh Phú Thọ nói chung, mà “Trận Cấm Khê” đến nay còn chưa được đánh giá đúng giá trị của nó so với thời kỳ giành quyền tự chủ của ta mà cuộc khởi nghĩa và kháng chiến của Hai Bà được các nhà sử học đánh giá là một báo hiệu về nền độc lập của dân tộc Việt Nam, về tính định mệnh đối với sự thất bại của bọn phong kiến phương Bắc, không lúc nào chịu từ bỏ âm mưu biến nước ta thành quận huyện của một "thuộc quốc" , không hơn gì một tỉnh của  "thiên triều".
 Mấy lập luận còn đơn sơ nhưng cũng trải qua cân nhắc mất rất nhiều thời gian. Xin trân trọng cảm ơn toàn thể các vị đã quan tâm theo dõi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét